Chương 3


Ngọc nấn ná ở chơi chùa Long Giáng đã mười hôm, tình thân mật đối với chú tiểu Lan một ngày một thêm khăng khít, đến nỗi cả chùa sư cụ cho chí ông Thiện, bà Hộ, đều biết rằng hai người là một cặp tri kỷ, ý hợp tâm đầu.

Từ hôm nói chuyện với chú tiểu ở trên gác chuông, mối hoài nghi của Ngọc một ngày một tăng. Trí nghĩ lúc nào cũng nhắc tới câu hỏi:

- Gái hay trai?

Hỏi rồi lại tự trả lời:

- Chả có lẽ là gái, những lời bàn về đạo Phật của chú tiểu có ý khinh bỉ cánh phụ nữ... Nhưng ta cũng ngốc tệ! Phải, nếu hắn là gái thì hắn càng cần phải làm thế để giấu ta chứ... Đích rồi, chính hắn là gái.

Hôm ấy Ngọc hai tay chắp sau lưng, thung thăng đi bách bộ dưới rặng thông già.

- Ta hẹn cho ta mười hôm nữa là cùng, phải tìm ra sự bí mật này.

Lúc ấy có tiếng ai gọi:

- Thầy phán!

Ngọc quay đầu lại. Một bà lão cắp rổ chè tươi rảo bước đi tới.

- Bà cụ gọi tôi?

- Thầy có phải ở chùa Long Giáng không?

- Phải, cụ hỏi điều gì? Hay cụ muốn bán chè?

- Tôi nhờ thầy bảo giùm chú Lan cho rằng đừng chờn vờn đến nhà tôi nữa mà có ngày què cẳng.

- Sao vậy cụ?

Bà lão mặt hầm hầm tức giận:

- Ai lại đã tu hành còn ghẹo gái...

- Cụ lầm đấy? Chẳng khi nào chú Lan lại bậy thế.

3

- Chả khi nào! Con cháu nhà tôi từ ngày nó gặp chú ấy nó sinh ốm, sinh đau, mất ăn, mất ngủ.

Ngọc cười:

- Thế thì lỗi ở cháu cụ, chứ ở đâu chú Lan! Đừng ngờ cho người ta tội nghiệp, cụ ạ.

- Nếu nhìn nó, chú ấy không cười cợt nhí nhãnh thì đâu nên nỗi.

- Được, cụ để tôi về bảo chú ấy cho.

Bà lão vui vẻ:

- Vâng, thầy giúp cho. Tôi chào thầy ạ.

- Không dám, chào cụ.

Ngọc chau mày, lo lắng tự hỏi:

- Lạ nhỉ, có lẻ hắn là trai thật sự ư? ... Mà sao hắn lại không phải là trai? Trí ta tiêm nhiễm tiểu thuyết quá, hóa quẩn mất rồi.

Ngọc loay hoay suy nghĩ vừa đi vừa nhìn xuống đất. Bỗng nghe tiếng sột soạt trong vườn chè bên con đường hẻm. Kiễng chân nhìn qua hàng rào, thấy chú Mộc đương buộc bó cành khô, Ngọc chào:

- Kìa, chú tiểu.

Chú Mộc chưa kịp đáp lại, chàng đã lấy tay rẽ một lối bước vào vườn:

- Chú đã nhặt đủ hai ôm rồi à? Đưa lạt tôi bó giúp cho một bó.

- Thôi, ông để mặt tôi, không bẩn áo.

Ngọc ngắm chú Mộc từ chân đến đầu, mủm mỉm cười. Chú Mộc ngước mặt thấy chàng cười chẳng hiểu chi cũng cười, có biết đâu rằng Ngọc đang so sánh chú với chú Lan, một người quê mùa cục mịch, một người trắng trẻo xinh xắn. Ngọc thốt nhiên hỏi:

- Sao tên chú ấy lại là Lan nhỉ? Như tên con gái ấy.

Mộc giảng nghĩa:

- Lan là tên cụ đặt cho. Tên chú ấy chính là Thận kia.

- Sao cụ lại đổi tên cho chú ấy thế nhỉ? Tên Thận cũng hay chứ.

- Vì ai mới tu hành cũng phải bỏ tên cũ, rồi sư tổ đặt cho một tên mới, chọn trong các giống huê, chẳng hạn huê lan, huê quỳ, huê hồng...

Ngọc nghĩ thầm:

- Ra ta lầm to, ta cứ tưởng Lan là tên con gái, té ra chỉ là một tên sư cụ đặt cho. Khen thay sư cụ cũng khéo tìm được cái tên xứng đáng...

Chú tiểu lại nói:

- Chú đặt cho chú ấy cái tên Lan là vì chú ấy tới chùa vào đầu mùa xuân.

Ngọc muốn gợi chuyện:

- Nghe đâu chú ấy không được đứng đắn thì phải.

- Không, chú ấy đứng đắn lắm, mộ đạo lắm.

Ngọc lẩn thẩn hỏi:

- Chú ngủ cùng buồng với chú Lan chứ?

- Không tôi vẫn ngủ ở nhà trai. Còn chú Lan, cụ tin yêu giao cho giữ buồng kho, nên hôm nào cũng ngủ trong buồng kho, cài then kỹ lưỡng lắm. Nhiều hôm đêm khuya gọi, lay thức gì rất khó khăn.

Một tia ngờ nẩy trong trí Ngọc: làm gì mà cẩn thận quá thế? Thôi, chắc hắn là con gái rồi.