Chương 32 - Bí Mật Chết Người


Chi đội trưởng Chi đội 7 Hai Vĩnh đang họp với Khu trưởng Nguyễn Bình thì được điện khẩn của Trịnh Văn Tài, chi đội phó Chi đội 7, báo tin vừa bắt được Phán Huề.

Hai Vĩnh liền trình bày sự kiện quan trọng này cho Nguyễn Bình:

- Phán Huề nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Bà Rịa khi ta cướp chính quyền ngày 25.8.45. Tên ông ta là Lê Văn Huề, thời Pháp thuộc là thư ký hành chính ngoại ngạch (seerétaire d'administration hors - classe) tại dinh Phó soái Sài Gòn (tức dinh Thống đốc Nam Kỳ). Năm 1945, Phán Huề về hưu và được tín nhiệm giao chức chủ tịch tỉnh. Khi Tây đánh chiếm Bà Rịa vào tháng 10.45, các cơ quan tỉnh dời về vùng Phước Bửu, Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Phán Huề đề nghị cho ông nghỉ việc để lên núi Dinh tu hành. Ông là người theo đạo Cao Ðài. Sau đó nghe tin ông bị Tây bắt đưa về thành. Nay không hiểu sao ông lại bí mật vào khu và bị Chi đội 7 bắt ở vùng Phước Hòa.

Khu trưởng Nguyễn Bình đã nhận được nhiều tin tình báo cho biết địch bí mật cho người kháng chiến cũ vô khu kêu gọi anh em trở về với chính phủ quốc gia do Bảo Ðại làm Quốc trưởng.

Nghi đây là người của chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bình cùng đi với Hai Vĩnh về Bà Rịa để điều tra.

Hai Vĩnh bàn kế với Nguyễn Bình:

- Anh Ba nên để một mình tôi tiếp xúc với Phán Huề. Nếu đúng y là người của địch thì tôi sẽ đóng vai chiến sĩ bất mãn về nạn độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, sẵn sàng kéo quân về thành, ủng hộ chính phủ quốc gia của cựu hoàng, nay là Quốc trưởng Bảo Ðại. Ðể màn kịch xúc tiến êm thắm, anh Ba chớ cho Phán Huề thấy mặt tại Chi đội 7.
Nguyễn Bình gật gù:

- Kế của anh hay. Làm sao cho Phán Huề tin anh mà khai hết những ai đã hưởng ứng lời dụ dỗ của hắn, trong đó biết đâu có Bảy Viễn?

Vừa về tới nơi, Hai Vĩnh khiển trách Trịnh Văn Tài trước mặt Phán Huề:

- Ðây là khách quý của chúng ta. Tôi xin lỗi ông chủ tịch về sự đối xử không được lịch sự của anh chi đội phó. Chiều nay, tôi và ông chủ tịch vừa ăn cơm vừa bàn chuyện quan trọng.

Trong lúc thưởng thức vịt áp chảo nhậu rượu chát, Hai Vĩnh mở lời:

- Tôi chưa biết ông chủ tịch vô đây tìm chúng tôi về việc gì, nhưng tôi xin nói trước là tôi cũng như đa số anh em chiến sĩ gốc giang hồ rất khó chịu về nạn độc quyền yêu nước của Việt Minh. Nghe nói có một số anh em có tinh thần quốc gia đã chán ngấy cuộc sống gian khổ và thiếu tự do trong khu. Nếu có ai phát pháo đề cờ thì anh em chúng tôi theo ngay.
Phán Huề cảnh giác:

- Tôi không ngờ một vị chỉ huy có công trận như ông chi đội trưởng lại nói như vậy! Tôi không dám tin.

Hai Vĩnh nghiêm nét mặt nói:

- Ông chủ tịch không tin? Tôi sẽ viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngỏ ý muốn kéo quân về thành ủng hộ chính phủ quốc gia của Quốc trưởng Bảo Ðại, với điều kiện là Thủ tướng Xuân phải dành cho chúng tôi một nơi đóng quân riêng biệt.

Nghe tới đây, Phán Huề tươi tỉnh hẳn:

- Tôi rất vui mừng được nghe những lời gan ruột của ông. Thú thật với ông là tôi vô đây tìm người đồng tâm đồng chí. Tôi đã gặp một số chiến hữu quốc gia hưởng ứng. Tôi đã được ông Lai Hữu Tài, cố vấn của Khu bộ phó Bảy Viễn tiếp đón và hứa hẹn sẽ nói lại với ngài Khu bộ phó...

Nói tới đây, Phán Huề móc túi lấy mẫu giấy đã in sẵn trao cho Hai Vĩnh.

Hai Vĩnh lấy giấy mực ra viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân theo mẫu đã in. Anh trao cho Phán Huề xem rồi ký tên, đóng dấu. Ðêm đó Phán Huề yên tâm ngủ ngon, không hề biết mình đã tự tiết lộ bí mật chết người. Phán Huề ngủ rồi, Hai Vĩnh ngồi viết lại lá thư khi nãy, trao cho Nguyễn Bình biết là mình đã viết thư giả cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân để lừa Phán Huề vào tròng.

Sáng hôm sau, Nguyễn Bình mới "xuất đầu lộ diện".

Phán Huề tái mặt khi nghe Khu trưởng nói:

- Anh Lê Văn Huề. Anh đã bị bắt về tội bí mật vô khu rủ rê anh em binh sĩ bỏ ngũ trở về thành theo chính phủ bù nhìn Bảo Ðại. Thật đáng tiếc một người tu hành như anh lại chọn con đường phản dân hại nước. Ðể chứng tỏ lòng ăn năn hối hận, anh nên khai những người anh đã dụ dỗ để giúp cách mạng tránh được tổn thất lớn lao. Sanh mạng của anh tùy thuộc nơi lòng thành khẩn của anh.

Phán Huề cặm cụi trước trang giấy trắng trước mặt.

Trong danh sách những người dao động có cố vấn của Bảy Viễn là Lai Hữu Tài.

Trên đường giải Phán Huề về Nam Bộ để đưa ra tòa án tối cao, Nguyễn Bình nói với Hai Vĩnh:

- Từ một năm nay, tình báo ta cho biết Phòng Nhì ráo riết nắm Bảy Viễn, trước nhất là ký kết nhẹ nhàng như án binh bất động dể dần dần tiến tới lập chiến khu quốc gia, biến Rừng Sác thành căn cứ của địch. Thực dân khôn khéo "chơi chữ", không gọi là "đầu hàng", "theo Tây" mà là "trở về với chính nghĩa quốc gia", "đi theo Thế giới Tự do". Do vậy, nhiều người cạn suy mắc bẫy.

Vấn đề Bảy Viễn, ta phải khéo léo giải quyết. Nếu nóng vội, sẽ đổ máu vô ích và thất lợi lớn cho kháng chiến .