Chương 37 - Kiều Mâu Gửi Zanoni
"Hỡi người bạn sa đọa! Tôi nhìn thấy tương lai bạn, gồm toàn là Tai Họa, Chết Chóc và Định Mệnh! Làm sao bạn có thể từ bỏ Thiên Thần Adonai để theo Ma Vương với đôi mắt khủng khiếp của nó? Làm sao bạn có thể trở thành nạn nhân của Kẻ Giữ Cửa rùng rợn, mà xưa kia khi còn là một đạo đồ, bạn đã từng thắng đoạt và nhiếp phục nó bằng cái nhỡn quang mạnh mẽ của mình? Bạn há không thấy rằng quyền năng của bạn đối với Ma Vương đã không còn sao? Ma Vương sẽ làm cho bạn sợ sệt, sẽ chế ngự bạn và phản bội bạn! Bạn đừng để mất một phút nào, bạn hãy đến với tôi. Nếu giữa chúng ta còn có một sự giao cảm nào, chính do mắt tôi mà bạn sẽ thấy và có lẽ bạn sẽ có thể tránh những hiểm nguy đang vây phủ chung quanh bạn và các người thân yêu. Hãy đến với tôi, hãy cởi bỏ những dây liên lạc nó trói buộc bạn với cuộc đời thế tục, và nó chỉ làm che ám tầm nhỡn quang của bạn. Hãy rủ sạch những điều sợ hãi, những hy vọng, những mong ước và đam mê của bạn. Hãy đến với tôi, để cho tinh thần bạn thêm vững mạnh, vì chỉ có tinh thần là có thể ngự trị và chiếu sáng ngời cõi giới tâm linh cao cả!"
Đây là lần thứ nhất mà Zanoni và Kiều Dung cách biệt nhau kể từ khi họ bắt đầu cuộc sống chung phối hợp. Zanoni đi La Mã vì những công việc quan trọng. Chàng nói rằng chàng chỉ đi có vài ngày, và sự ra đi cũng đột ngột đến nỗi nó không có thời gian để gây nên một phản ứng nào, dù là ngạc nhiên hay u sầu buồn thảm. Nhưng Kiều Dung đã có một đứa con để cho nàng thương yêu săn sóc. Vai trò làm mẹ làm cho người đàn bà giữ gìn sự tươi trẻ được luôn luôn đổi mới.
Zanoni đã ra đi! Tiếng mái chèo đập nước đã nhỏ dần và tắt hẳn. Chiếc du thuyền nhẹ chỉ còn là một chấm đen nhỏ, đã biến mất dạng trên con Kinh Lớn. Đứa con đã ngủ yên trong nôi. Hỡi người mẹ hãy còn trẻ! Một trang đẹp nhất của quyển sách đời nàng đã lật qua, một bàn tay vô hình đã sắp sửa lật một trang mới.
Gần cầu Rialto, hai người dân thành Venise đang đứng nói chuyện. Họ là những người nhiệt liệt hoan nghinh chế độ Cộng Hòa dân chủ, và coi cuộc Cách Mạng Pháp như một luồng gió mới sẽ làm sụp đổi chánh phủ thối nát đang hấp hối của họ và đem đến cho địa phận Venise một thể chế mới mẻ công bình hơn.
Một trong hai người nói:
- Ừ! Này anh Tô Cầu, người giao dịch thư tín với tôi ở Ba Lê có hứa với tôi là sẽ vượt qua mọi chướn ngại và đương đầu với mọi hiểm nguy. Y sẽ quyết định với chúng ta về ngày giờ khởi nghĩa, khi mà các đoàn quân viễn chinh Pháp đến khá gần để có thể nghe tiếng súng đại bác của chúng ta. Một ngày trong tuần này, vào giờ này, y sẽ gặp tôi tại đây, nhưng hôm nay mới là ngày thứ tư.
Y vừa nói chưa dứt lời, thì một người khoác áo tơi vừa từ một con đường nhỏ ở bên tay trái bước tới, dừng chân lại trước mặt hai người, chăm chú nhìn họ một lúc rồi nói nhỏ:
- Chào các đồng chí!
- Với tình huynh đệ, - người vừa nói lúc nãy đáp lại.
Người kia hỏi:
- Phải chăng ông là đồng chí Đặng Lưu, mà Ủy Ban Cách Mạng đã giao cho tôi có bổn phận tiếp xúc bằng thơ tín? Còn đây là...?
- Đồng chí Tô Cầu, mà tôi thường có dịp nhắc đến trong các thư tín của tôi.
- Chào đồng chí công dân! Tôi có nhiều việc cần thông báo cho cả hai anh. Tôi sẽ gặp lại anh Đặng Lưu chiều nay, vì bây giờ nói chuyện ở ngoài đường không tiện.
- Và tôi cũng không dám hẹn gặp tại nhà tôi, chế độ chuyên chế làm cho những vách tường nhà chúng ta cũng có lỗ tai. Nhưng chỗ hẹn ghi ở đây rất chắc chắn!
Đặng Lưu vừa nói vừa dúi vào tay người kia một tờ giấy nhỏ.
- Vậy là chiều nay, đúng chín giờ! Bây giờ tôi còn có việc khác. - Người lạ mặt ngừng nói, đổi sắc mặt, và nói tiếp với một giọng băn khoăn:
- Bức thư cuối cùng của anh có nói tới một người ngoại quốc giàu có và bí mật... tên là Zanoni! Y còn ở Venise không?
- Tôi nghe nói y đã đi hồi sáng nay, nhưng vợ y vẫn còn ở đây.
- Vợ y? À! Tốt lắm!
- Vậy anh cũng biết y? Anh có tin rằng y sẽ nhập bọn với chúng ta chăng? Tài sản của y sẽ...
Người kia nói chận ngang:
- Nhà y ở đâu? Xin cho tôi biết địa chỉ, mau!...
- Y ở tại biệt thự Bông Cơ, trên bờ con Kinh Lớn.
- Cám ơn anh, nhớ chín giờ tối nay.
Người khách lạ biến mất dạng vào con đường nhỏ, và khi y về đến nhà trọ ở Venise, một người đàn bà đợi sẵn trước cửa chận y lại và nói bằng tiếng Pháp:
- Thưa ông, tôi đợi ông nãy giờ, chờ lúc ông về. Ông có biết chăng, tôi sẽ bất chấp hiểm nguy, dám đương đầu với tất cả mọi sự có thể xảy đến, để đi cùng với ông trở về đất Pháp, để cùng chia sẻ số phận dầu sống dầu chết với chồng tôi.
- Hỡi nữ công dân! Tôi có hứa với chồng cô rằng nếu cô quyết định như thế, tôi sẽ liều mạng để giúp cô. Nhưng cô hãy nghĩ kỹ, chồng cô có chân trong một đảng phái mà Chủ Tịch Robert đã dòm ngó và nghi kỵ: y không thể trốn tránh đi đâu được. Toàn thể nước Pháp đã trở nên một nhà tù khổng lồ để giam giữ những kẻ tình nghi. Khi về xứ, cô chỉ tự gây nên sự nguy hiểm cho cô thôi. Nói thật, hỡi nữ công dân, cái số phận mà cô muốn chia sẻ với chồng cô, có thể là máy chém. Như cô đã biết, vì tôi đã chuyển giao cho cô bức thư của chồng cô, tôi chỉ nói những điều đó như chồng cô đã nhắn với cô.
Người đàn bà kia đáp với một nụ cười trên gương mặt nhợt nhạt:
- Thưa ông, tôi muốn đi cùng với ông về xứ.
Người khách lạ nói bằng một giọng vừa ngạc nhiên vừa trách móc:
- Sao lạ vậy? Cô đã bỏ chồng đi ra xứ ngoài trong những ngày Cách Mạng thành công rực rỡ, và nay cô lại muốn trở về với chồng giữa lúc thời cuộc đang trải qua cơn sấm sét bão bùng?
- Bởi vì lúc Cách Mạng thành công, cha tôi đang lâm nguy và chỉ an toàn tánh mạng bằng cách bỏ chạy ra xứ ngoài. Cha tôi đã già và không có tài sản, và chỉ trông cậy vào một mình tôi. Lúc đó, chồng tôi không bị một nguy cơ hiểm họa nào, còn cha tôi thì rõ ràng là có. Nay cha tôi đã chết, và bây giờ thì đến lượt chồng tôi bị lâm nguy! Tôi đã làm xong bổn phận đối với cha tôi, bây giờ thì tôi phải lo tròn bổn phận làm vợ.
- Được rồi, hỡi nữ công dân! Trong ba ngày tôi sẽ lên đường. Trong khi chờ đợi, cô được trọn quyền tự do thay đổi ý kiến.
- Không khi nào!
Một nụ cười bí hiểm hiện trên môi người khách lạ. Y thốt lên như nói riêng với mình:
- Cái máy chém thật rùng rợn, nhưng nó cũng đã tạo nên bao tấm gương trung liệt! Thật không phải là vô cớ mà người ta đã gọi nó là "Thánh Mẫu!"
Người ấy vừa đi vừa lầm bầm nói một mình, gọi một chiếc du thuyền cập bến và trong giây phút đã biến mất dạng trên giòng nước của con Kinh Lớn.
Bookmarks