Hồi 47 - Cuộc Nội Chiến Rùng Rợn Giữa Hai Phe Khất Ðan
Các tướng sĩ thấy Hoàng thượng thân hành đi trước nghênh địch liền cả tiếng hoan hô:
- Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Quân địch nghe thấy tiếng hô vạn tuế, ngoảnh đầu lên coi thấy Gia Luật Hồng Cơ mặc bào vàng giáp vàng đứng ở phía trước doanh trại.
Nhà vua oai phong lẫm liệt khiến cho quân địch bỗng nhiên chùn lại không dám tiến nữa.
Gia Luật Hồng Cơ thấy cơ hội thuận lợi liền hô lớn:
- Ðội tả quân kỵ binh xông trận!
Tướng chỉ huy cánh tả quân là Bắc Viện Khu Mật Sứ vừa nghe Hoàng thượng ra lệnh dẫn ba vạn kỵ binh quanh lại bao vây cạnh sườn mé hữu nghịch quân.
Bên địch sau khi trông thấy Gia Luật Hồng Cơ, lòng quân đã nao núng, không đề phòng cánh quân tinh nhuệ trong ngự doanh hùng dũng xông ra.
Bắc Viện Khu Mật Sứ lại là một danh tướng nước Liêu.
Quân hai bên giao chiến được hay thua là do khí thế mạnh hay yếu.
Ðịch quân đang lúc do dự thì đội kỵ binh bên ngự doanh đã xông đến.
Nghịch quân lập tức rối loạn hấp tấp lùi lại.
Bên ngự doanh lại thúc trống trận, cho cánh hữu quân xông ra nữa.
Nghịch quân vừa giao chiến mấy hợp bị thua phải rút lui.
Ngự quân ào ạt đuổi theo như vũ bão.
Kiều Phong cả mừng la lên:
- Cung hỉ đại ca! Trận nầy bên ta toàn thắng rồi.
Gia Luật Hồng Cơ hạ trại xong, nhảy lên lưng chiến mã dẫn quân ra tiếp ứng.
Bỗng nghe hiệu tù và nổi lên, cánh quân sinh lực bên địch xông ra.
Chớp mắt, tên bắn dao đâm vèo vèo, cuộc tranh đấu kịch liệt vô cùng.
Kiều Phong kinh hãi nghĩ thầm:
- Bình sinh ta chưa từng thấy cuộc giao phong nào khốc liệt như bữa nay. Một người dù có bản lãnh thiên hạ vô địch ở giữa đám thiên binh vạn mã này, cũng hết đất dụng võ. Có giỏi chăng nữa cũng chỉ giữ mình cho khỏi mất mạng là may. Cuộc giao chiến giữa những toán quân khổng lồ này so với những cuộc tỉ võ một người hay nhiều người trong võ lâm thật khác nhau một trời một vực.
Bất thình lình phía sau mặt trận, nghịch quân nổi hiệu thanh la lui binh.
Ðội kỵ binh nghịch quân rút lui thì đội cung nỏ bắn tên ra như mưa để yểm hộ cuộc rút lui.
Tướng chỉ huy trung quân cùng Bắc Viện Khu Mật Sứ dẫn quân xông trận ba lần đều không làm cho trận thế đối phương rối loạn được, mà bên ngự quân có đến vài ngàn binh sĩ bị bắn chết.
Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh:
- Sĩ tốt tử thương quá nhiều rồi, hãy tạm lui quân!
Lập tức ngự doanh nổi hiệu thanh la lui binh.
Bên nghịch quân phái hai đội xông ra tập kích song ngự quân đã chuẩn bị trước tránh bại rút lui rồi bổ vây hai bên.
Hai đội nghịch quân độ ba ngàn người bị quân binh vây hãm, ngoài ra còn mấy trăm tên xuống ngựa đầu hàng.
Gia Luật Hồng Cơ vẫy tay một cái, quân sĩ trong trại doanh cầm trường mâu ra đâm chết hết ba trăm tên quân địch này.
Hai bên đánh nhau trong vòng một giờ mà cuộc thảm sát tàn khốc dị thường, rồi cả hai bên cùng rút lui chủ lực cách xa nhau tầm tên bắn không tới được.
Khu đất trống ở giữa hai mặt trận, thây phơi máu chảy ghê hồn những kẻ bị thương kêu gào thật thê thảm.
Hai bên cùng cho đội quân áo đen ba trăm người chạy ra kiểm điểm những người bị thương.
Kiều Phong tưởng họ ra khiêng thương binh về cứu chữa.
Không ngờ đội áo đen này ra đến nơi rút đao chém hết những thương binh đối phương.
Sau khi chém chết hết rồi, quân áo đen hai bên la hét om sòm quay ra đánh nhau.
Kiều Phong thấy hai đội quân áo đen này tuy nhân số chẳng có là bao nhưng đều là những tay võ giỏi.
Ánh đao lấp lánh hai bên chiến đấu cực kỳ kịch liệt.
Chỉ trong khoảnh khắc đã có đến hai trăm tên bị chém chết ngã lăn xuống đất.
Ðội quân áo đen bên ngự doanh mạnh hơn, mới bị chết có mấy chục người, thành ra số còn lại hai ba người hợp lại chọi một và thế được thua đã hiển nhiên.
Ðánh thêm một lúc nữa số người nhiều ít càng chênh lệch nhau ba bốn gã quân binh một tên nghịch quân.
Lạ thay quân hai bên chỉ reo hò trợ oai, mấy chục vạn nghịch quân cũng thỏng tay bàng quang chứ không thêm binh tiếp viện.
Sau cùng ba trăm nghịch quân áo đen đều bị giết hết. Ðội ngự quân áo đen còn trở về được hơn một trăm ba mươi tên.
Kiều Phong nghĩ thầm:
- Ðây hẳn là thể lệ tranh đấu của người Liêu như vậy?
Nhìn vào cuộc chiến tranh khốc liệt này, tuy lề lối đã kém xưa nhiều nhưng chí phấn đấu kinh hồn động phách của hai bên hãy còn thấy rõ.
Gia Luật Hồng Cơ giơ cây trường đao lên, lớn tiếng truyền lệnh:
- Nghịch quân tuy nhiều nhưng tướng sĩ không có lòng chiến đấu. Bên ta lại tiếp tục một trận nữa chắc phải thua.
Ngự quân nhất tề hoan hô:
- Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Tiếng hoan hô vừa dứt bỗng nghe bên địch quân nổi hiệu tù và.
Ba người cưỡi ngựa từ từ đi đến.
Người đi giữa hai tay cầm một mảnh da dê giương ra cất tiếng dõng dạc đọc, thì ra đây là chiếu thư của Hoàng thái Thúc.
Tờ chiếu như sau: "Gia Luật Hồng Cơ cướp ngôi, y chỉ là ngụy quân. Hiện nay Hoàng thái Thúc lên ngôi chính thống. Vậy đã là quan binh trung thành của nước Ðại Liêu, phải lập tức về triều quy thuận. Tân hoàng đế nhất lượt gia phong tam cấp."
Mười mấy tay cung nỏ bên ngự quân phóng tên ra veo véo nhằm bắn vào người đọc chiếu thư.
Người này được hai gã đi hai bên giơ mộc lên che đỡ phía trước.
Người đứng giữa toan tiếp tục đọc nữa thì đột nhiên ba con ngựa đều bị bắn trúng ngã khuỵu xuống.
Ba gã ẩn mình vào phía sau những lá mộc và một gã tiếp tục đọc xong chiếu thư của Hoàng thái Thúc rồi lui về bản trận.
Bắc Viện Ðại Vương thấy quan binh dưới trướng mình khi nghe xong ngụy chiếu thư có ý ngã nghiêng, liền hạ lệnh:
- Các ngươi ra thóa mạ lại đi!
Ba chục tên quan binh liền ra đứng trước trại.
Hai mươi tên giơ mộc lên che đỡ cho mười tay mạ thủ già giọng lớn tiếng thóa mạ.
Gã mạ thủ đầu tiên lớn tiếng mắng:
- Những tên phản quốc gian tặc kia! Chúng bay chết không có đất mà chôn đến nơi rồi!
Sau gã thứ nhứt, gã mạ thủ thứ hai nhiếc mắng còn tệ hại hơn.
Những tên về sau càng buông những lời tục tĩu ra chửi rủa.
Kiều Phong chưa biết tiếng Khất Ðan mấy, nên ông không hiểu những câu chửi rủa này, chỉ thấy Gia Luật Hồng Cơ gật đầu lia lịa ra chiều đắc ý thì chắc rằng những tay"mạ thủ"này đã chửi bới một cách hay ho.
Kiều Phong lại đưa mắt nhìn sang bên trận địch thì thấy xa xa có chỗ che tàn che tán, ánh vàng rực rỡ và có hai người cưỡi tuấn mã đứng tay cầm roi ngựa chỉ trỏ.
Một người đầu đội mũ bình thiên, mình mặc áo hoàng bào. Dưới cằm chòm râu dài đã lốm đốm bạc.
Còn một người mặc áo giáp vàng lấp lánh dưới bóng dương quang. Người này mặt mũi gầy nhom nhưng có vẻ tinh thần tráng kiện.
Kiều Phong nghĩ thầm:
- Coi điệu bộ này thì hai người đó chắc là cha con Hoàng thái Thúc và Sở Vương.
Thốt nhiên mười gã mạ thủ ngừng lại thầm thì bàn nhau một hồi lại ngoạc mồm gân cổ bới móc những việc thầm kín của Hoàng thái Thúc cùng Sở Vương ra mà chửi rủa.
Hoàng thái Thúc dường như là người chính trực xuất thân, không chửi mắng vào chỗ nào được, mười gã mạ thủ chỉ xỉa xói vào Sở Vương. Họ kể tội y nào:
gian dâm phi tần của phụ thân, nào cậy thế cha làm càn.
Những câu chửi bới này để ly gián cảm tình giữa hai cha coa.
Cả mười tên đồng thanh chửi bới rất to và rất nhịp nhàng, thanh âm vọng ra xa đến mấy dặm.
Mấy chục vạn quân sĩ bên địch đến quá nửa nghe được rõ ràng.
Sở Vương cầm roi ngựa vẫy một cái nghịch quân la lối om xòm.
Tiếng la vang dội cả góc trời làm át mất hẳn tiếng chửi bới của mười tay mạ thủ.
Sau một hồi náo loạn bỗng thấy quân địch rẽ ra hai bên để đẩy mười chiếc xe ra đến trước ngự doanh.
Xe dừng lại, những tên quân theo xe lôi mấy chục đàn bà con gái ở trong xe xuống.
Có bà già tóc bạc phơ. Có cô trạc tuổi đang xuân. Người nào cũng ăn mặc cực kỳ lịch sự.
Bọn đàn bà vừa ra khỏi xe thì tiếng chửi mắng đôi bên đều im bặt.
Gia Luật Hồng Cơ kêu thét lên:
- Mẫu thân ơi! Mẫu thân! Hài nhi phải bắt quân nghịch phân thây muôn đoạn để báo thù cho mẫu thân.
Nguyên bà già tóc bạc này là đương kim Hoàng thái hậu, tức Tiêu thái hậu, mẫu thân Gia Luật Hồng Cơ, còn ngoài ra là Tiêu hoàng hậu, các vị phi tần, Công chúa vân vân...
Hoàng thái thúc cùng Sở Vương thừa dịp Hồng Cơ ra ngoài săn bắn nổi loạn bao vây cung cấm, bắt Hoàng thái hậu cùng hết thảy gia quyến nhà vua.
Hoàng thái hậu lớn tiếng nói:
- Xin bệ hạ đừng lấy thân già này cùng vợ con làm trọng, phải hết sức giết giặc!
Mấy chục tên quân rút đao ra kề vào cổ đám hậu phi. Bọn phi tần nhỏ tuổi khóc lóc kêu gào.
Hồng Cơ cả giận quát to:
- Bắn chết hết những kẻ kêu gào khóc lóc kia đi!
Tên bay lách cách bắn ra hơn mười mũi, bao nhiêu phi tần công chúa đều bị chết hết dưới mũi tên tàn bạo.
Hoàng hậu reo lên:
- Bệ hạ bắn là phải lắm! Cơ nghiệp của tổ tông truyền lại không thể để rơi vào tay bọn gian thần tặc tử!
Sở Vương thấy Hoàng thái hậu cùng hoàng hậu đều quật cường chẳng những không uy hiếp được Hồng Cơ mà lại làm cho lòng quân bên mình nghiêng ngửa, liền hạ lệnh:
- Bắt những người đàn bà đó bỏ lên xe đẩy lùi lại.
Bọn quân sĩ bắt Hoàng thái hậu bỏ lên xe rồi đẩy lùi lại phía sau trận tuyến.
Sở Vương lại hạ lệnh:
- Ðẩy xe chứa gia đình quan quân bên địch vào trong trận.
Chợt nghe thấy tiếng sáo trúc nổi lên, thanh âm rất thê thảm.
Quân mã rẽ sang hai bên, tiếng lọc cọc đẩy ra.
Một dãy dài già trẻ trai gái từ phía sau đưa ra mặt trận, tiếng khóc vang trời.
Ðây là gia quyến của các tướng sĩ trong ngự doanh.
Ðám quan binh trong ngự doanh là những thân quân kề cận Liêu đế nên Gia Luật Hồng Cơ ưu đãi họ đặc biệt cho gia quyến được vào ở thượng kinh. Một là khiến họ đem lòng cảm kích, lúc có việc sẽ liều mình chết, hai là để giám thị toán quân tinh nhuệ này không dám đem lòng phản trắc. Ngờ đâu chuyến này đi săn biến loạn xảy ra từ trong nhà người thân tín của nhà vua là Hoàng thái thúc làm phản.
Gia thuộc bọn quan binh ngự doanh này có đến trên hai mươi vạn người. Trong đó có nhiều người vì lúc rối loạn mà bắt lầm. Trong lúc nhốn nháo không xét rõ được ai thuộc vào hạng gia quyến bên địch.
Chỉ thấy một đoàn trai gái dắt díu nhau đều bị giải ra trước trận.
Bất quá độ hai vạn người đáng bị bắt.
Còn ngoài ra đều là những người khác ở thượng kinh cũng bị bắt trong lúc nhốn nháo và đưa cả đến đây.
Sở Vương sai một tướng dưới cờ tung ngựa ra trận lớn tiếng gọi:
- Các quan binh ngự doanh nghe đây! Gia quyến các ngươi đều bị bắt. Hễ ai đầu hàng sẽ được thăng quan và trọng thưởng. Còn kẻ nào không đầu hàng thì tân Hoàng đế ra lệnh đem gia quyến ra chém hết.
Người Khất Ðan vốn tính tàn nhẫn hiếu sát đã nói chém giết là chém giết thật sự chứ không phải chỉ hăm dọa mà thôi.
Các quan binh trong ngự doanh có một số nhận ra người nhà lên tiếng gọi nhau:
- Gia gia! Má má! Hài tử! Phu quân! Hiền thê!
Tiếng gọi nhau náo loạn lên.
Bỗng nghe trống bên địch thúc vang, hai nghìn tên đao phủ đi bộ xông ra tay cầm đại đao sáng loáng.
Tiếng trống vừa dứt, hai nghìn thanh đại đao giơ lên nhằm vào đầu bọn gia quyến quan binh.
Viên tướng vừa rồi lại gọi to:
- Ai về đầu hàng tân Hoàng đế sẽ được trọng thưởng. Còn ai không hàng thì gia đình sẽ bị giết hết.
Gã vẫy tay một cái trống lại nổi lên...
Tướng sĩ bên ngự doanh biết rằng hồi trống dứt, viên tướng kia vẫy tay ra hiệu là hai ngàn thanh đao chém xuống.
Nguyên quan quân này trước đây vẫn một lòng trung với Hồng Cơ, Hoàng thái thúc cùng Sở Vương biết rằng đem mồi thăng quan ra nhử không lôi kéo được họ, nên phải đem cha mẹ vợ con cho họ mắt thấy cảnh gia đình bị tàn sát tất phải khiếp sợ.
Trống thúc liên hồi không ngớt. Thân quân trống ngực đánh thình thình.
Ðột nhiên, trong ngự doanh có một người chạy ra kêu òm lên:
- Má má ơi! Má má! Ðừng giết má tôi!
Gã quăng mâu xuống, hộc tốc chạy về phía bà lão trong trận bên địch.
Trong ngự doanh bắn tên ra véo một cái trúng vào lưng gã, nhưng gã chưa chết cứ chạy băng băng về phía mẫu thân.
Những tiếng gọi nhau ơi ới. Con gọi cha, anh gọi em, vợ gọi chồng, nhốn nháo cả lên.
Liền một lúc mấy trăm người trong ngự doanh ùa chạy sang trận địch.
Những quan chức thân tín của Gia Luật Hồng Cơ rút kiếm chém lia mà không ngăn lại nổi.
Trước còn mấy trăm người sau đến hàng ngàn người chạy đi.
Thật là một cuộc đại loạn. Trong số mười lăm vạn quân dã chạy đi mất tám, chín vạn.
Gia Luật Hồng Cơ thở dài sườn sượt.
Nhà vua biết rằng đại cuộc hỏng mất rồi, liền nhân lúc bọn thân quân bỏ trại, chạy đi nhận gia quyến, hạ lệnh:
- Nhổ trại rút lui về phía núi Thương Mang ngã Tây Bắc.
Tướng chỉ huy trung quân mật truyền hiệu lệnh cho số quân còn lại chưa đầu hàng chừng độ năm sáu vạn người.
Tiến đội đổi làm hậu quân, hậu quân đổi làm tiền đội nhổ trại về phía Tây Bắc.
Sở Vương vội truyền lệnh cho quân kỵ đuổi theo, song trên bãi chiến trường gia đình binh sĩ già trẻ lớn bé đày dẫy làm nghẽn cả lối đi. Khi dẹp được đường cho quân kỵ rượt theo thì ngự quân đã chạy xa rồi.
Trên năm vạn thân quân chạy đến chân núi Thương Mang thì trời dã hoàng hôn.
Quân sĩ vừa đói vừa mệt nhọc, lập doanh trại trên sườn núi đẻ tiện việc phòng thủ ở trên đánh xuống.
Thân quân lập trại vừa xong chưa kịp nấu cơm thì Sở Vương đã tự mình thống lĩnh toán quân tinh nhuệ đuổi đến chân núi.
Sở Vương lập tức hạ lệnh xung phong đánh lên sơn trại.
Nhưng thân quân ở trên núi bắn xuống như mưa. Nghịch quân vừa bị chết vừa bị thương có đến trên ba ngàn người.
Sở Vương thấy thế trận bất lợi liền hạ lệnh thu binh, đóng trại dưới chân núi.
Tối hôm ấy, Gia Luật Hồng Cơ đang đứng bên sườn núi nhìn ra xa thấy doanh trại nghịch quân đèn đuốc như sao sa.
Từ phía xa cũng thấy ánh lửa chập chờn, đó là hậu đội nghịch quân cũng kéo đến tham chiến.
Nhà vua lòng buồn rười rượi muốn vào trướng yên nghĩ đột nhiên Bắc Viện Khu Mật Sứ chạy đến báo cáo:
- Một vạn năm ngàn quân mã dưới trướng hạ thần bỏ chạy xuống núi đầu hàng nghịch tặc. Hạ thần trị quân không nghiêm, tội đáng muôn thác.
Gia Luật Hồng Cơ vẫy tay nói:
- Cái đó không thể trách ngươi được. Thôi vào nghĩ đi.
Nhà vua quay lại nhìn thấy Kiều Phong đứng bên cạnh đang ngớ ngẩn xuất thần, liền bảo:
- Ðến sáng mai, nghịch quân sẽ kéo đại binh đến vây đánh, chúng ta sẽ bị bắt hết. Ta là một vị Quốc quân không thể chịu nhục với bọn nghịch tặc, sẽ tự vẫn để báo đền xã tắc, hiền đệ ơi! Hiền đệ đưa cô em trong lúc đem tối trốn đi! Võ công hiền đệ rất mực cao cường, nghịch quân không ngăn trở được đâu.
Nhà vua nói đến đây, vẻ mặt thê lương nói tiếp:
- Ta những tưởng ban cho hiền đệ quyền cao chức trọng, hưởng thụ phú quý. Ngờ đâu đến tính mệnh ca ca không giữ được, còn làm liên lụy đến cả hiền đệ.
Kiều Phong nói:
- Bậc đại trượng phu phải biết đường lui tới. Hôm nay bại trận tiểu đệ bảo hộ đại ca trốn đi chiêu tập những người trung nghĩa mưu đường phục quốc.
Hồng Cơ lắc đầu nói:
- Nay ta không giữ được tính mệnh cho lão mẫu cùng thê tử, sao còn được gọi là bậc Ðại trượng phu? Dưới con mắt người Khất Ðan, kẻthắng là anh hùng, người thua thành phản nghịch. Ta bị một trận tan tành, còn mong gì trung hưng cơ nghiệp. Hiền đệ trốn đi thôi! Kiều Phong biết Hồng Cơ đã nói thực tình, ông khẳng khái đáp:
- Ðã thế thì sáng mai tiểu đệ cùng đại ca ra quyết một trận sống mái với quân địch. Chúng ta đan kết nghĩa kim lan thì đại ca làm hoàng đế hay thường dân cũng vậy thôi. Kiều Phong này lúc nào cũng coi đại ca là nghĩa huynh. Huynh trưởng gặp nạn kẻ làm em phải liều cùng sống chết, có lý đâu chạy trốn lấy một mình?
Gia Luật Hồng Cơ hai hàng nhiệt lệ tuôn rơi, cầm tay Kiều Phong nói:
- Hiền đệ ơi! Hiền đệ thật là người có nghĩa khí ta rất cảm tạ.
Kiều Phong về trướng mình thấy A Tử nằm trong góc, hai mắt mở thao láo, thì ra nàng vẫn chưa ngủ. Nàng hỏi:
- Tỷ phu có giận em không?
Kiều Phong lấy làm lạ hỏi lại:
- Giận cô điều chi?
A Tử nói:
- Chúng ta gặp tai nạn này là tự em gây ra. Nếu em không đòi ra du ngoạn ngoài cánh đồng cỏ thì đâu đến nỗi bị khốn ở đây. Tỷ phu ơi! Chúng ta đành chịu chết tại chốn này rồi phải không?
Ánh lửa đỏ ngoài trướng soi vào bộ mặt lợt lạt của nàng thoáng hiện nét ửng hồng, trông càng thêm vẻ non nớt.
Kiều Phong cảm thấy xót thương nói:
- Tôi giận cô thế nào được? Nếu tôi không đánh cô đến bị thương thì đã không tìm đến chốn này.
A Tử tủm tỉm cười nói:
- Nếu em không phóng độc châm thì việc gì tỷ phu đánh em đến bị thương?
Kiều Phong đưa tay ra vuốt ve mái tóc A Tử. Nhưng từ khi nàng bị thương, tóc rụng mất quá nửa. Mớ tóc còn lại đã ít lại vàng khè.
Kiều Phong khẽ thở dài một tiếng nói:
- Cô còn bé bỏng thế này mà đã chịu khổ sở vì tôi.
A Tử nói:
- Tỷ phu ơi! Trước em không biết làm sao tỷ nương lại ưa tỷ phu? Nhưng về sau em hiểu ra rồi.
Kiều Phong nghĩ bụng:
- Tỷ nương cô thâm tình biết là chừng nào. Cô còn nhỏ đã biết gì. Thực ra vì sao mà A Châu lại thương yêu một kẻ thô lỗ như mình. Chính mình cũng còn chẳng hiểu thì cô này biết thế nào được?
A Tử nghoảnh đầu lại, nét mặt lộ vẻ kỳ dị nói:
- Tỷ phu! Tỷ phu có biết tại sao hôm ấy em bắn độc châm vào tỷ phu? Em không muốn bắn chết tỷ phu, mà chỉ chủ tâm bắn cho tỷ phu không nhúc nhích được, để em được kề cận luôn bên mình.
Kiều Phong hỏi:
- Thế thì có chi là thú?
A Tử mỉm cười nói:
- Khi tỷ phu không cử động được thì vĩnh viễn không thể xa em. Nếu không thì lúc nào tỷ phu ghét em lại bỏ đi, không thèm nhìn gì đến nữa.
Kiều Phong nghe nàng nói tuy ra vẻ con nít nhưng không khỏi hãi hùng. Ông biết rằng không phải buột miệng nói hồ đồ, nên lại càng thương xót và nghĩ thầm: "Sáng mai chắc là phải chết. Thôi ta an ủi cô này mấy câu.
Nghĩ vậy ông nói:
- Cô nghĩ như vậy thực trẻ con quá. Nếu cô thực tình ưa tôi, sao không nói thật ra thử xem tôi có chịu không nào?
Cặp mắt A Tử đột nhiên sáng ngời, lộ vẻ vui mừng nói:
- Tỷ phu ơi! Sau khi thương thế em khỏi rồi, em vẫn đi theo tỷ phu, vĩnh viễn không trở về nơi sư phụ phái Tinh Tú nữa. Tỷ phu đừng bỏ em nhé!
Kiều Phong biết A Tử đã gây nên vạ lớn với phái Tinh Tú, đúng là nàng không dám về đó nữa. Sáng mai đây, đội quân của Hoàng Thái Thúc đánh lên sơn trại, ngọc đá đều ra tro hết, khó lòng có cơ trốn thoát được.
Nghĩ vậy ông liền cười nói:
- Cô làm Ðại sư tỷ phái Tinh Tú mà không trở về thì khác gì để họ như rắn mất đàu, làm sao tiện?
A Tử cười đáp:
- Ðể cho bọn họ rối loạn với nhau một mẻ, em không bận tâm gì đến bọn họ nữa.
Kiều Phong kéo chăn đắp cho nàng rồi cũng giải tấm chiên ra nằm xuống một góc trường.
Ánh lửa ngoài trương chập chờn lúc tắt lúc sáng, vẳng nghe tiếng khóc ầm ĩ bên tai.
Kiều Phong biết đó là bọn ngự quân nghĩ đến gia đình.
Chúng cũng tự hiểu sáng mai khôn toàn tính mệnh, nhưng vì tấc dạ trung trinh với Hoàng thượng mà không chịu phản bội.
Sáng sớm hôm sau, Kiều Phong tỉnh dậy bảo gã đội trưởng Thất Lý chuẩn bị ngựa tốt, trông nom cho A Tử ông mặc quần áo gọn ghẽ ăn hết hai cân thịt dê, uống một cân rượu rồi chạy ra sườn núi.
Lúc này trời còn tối om.
Nhưng chẳng bao lâu thì trời rạng đông.
Trong trại địch, hiệu tù và nổi lên vang động, rồi tiếng khí giới va chạm chan chát.
Bên ngự doanh một đội binh mã kéo ra phòng vệ các nơi hiểm yếu.
Tiêu Phong ở trên cao nhìn xuống thấy ba mặt Ðông Nam và Tây đầu người lố nhố toàn là địch quân.
Một màn sương trắng bao phủ ngoài xa nên không trông rõ.
Lát sau vừng thái dương đã nhô lên đầu ngọn cỏ, muôn đạo hào quang chiếu ra bắn tan chỗ sương mù dày đặc.
Kiều Phong trông rõ toàn là quân mã bên địch.
Ðột nhiên trống trận nổi lên, hai đội quân địch mang hiệu cờ vàng tiến ra theo sau Hoàng Thái Thúc cùng Sở Vương.
Hai vị này cưỡi ngựa đến chân núi, giơ tay chỉ trỏ lên trên núi ra chiều đắc ý.
Gia Luật Hồng Cơ xuất lĩmh đội thị vệ đứng trên sườn núi thấy vậy, lửa giận bốc lên ngùn ngụt, nhắc lấy cây cung của một tên quân trong đội thị vệ.
Ðứng trên núi nhòm xuống tựa hồ địch đã gần kềmà thật ra hãy còn cách xa.
Tên bắn rà mới đến nửa vời đã rơi xuống đất.
Sở Vương cười ha hả nói:
- Hồng Cơ! Ngươi cướp ngôi của gia gia ta làm ngụy quân đã bấy nhiêu lâu nên nhường ngôi lại đi. Ngươi mau mau đầu hàng, gia gia sẽ tha chết cho và cũng gia nhân nghĩa phong cho ngươi làm chức Hoàng thái điệt.
Nói xong y lại cười ha hả.
Mấy câu này rõ ràng Sở Vương có ý châm chọc Hồng Cơ đã giả nhân nghĩa phong cho Gia Luật Trọng Nguyên làm Hoàng thái thúc.
Hồng Cơ cả giận mắng lại:
- Quân phản tặc vô liêm sĩ kia! Sao còn dám mở miệng nói càn .
Bắc Viện Khu Mật Sứ nói:
- Vua nhục thì bầy tôi phải chết. Chúa thượng đối với hạ thần ơn nặng tày non. Hôm nay chính là lúc hạ thần báo ơn chúa thượng.
Nói xong Khu Mật Sư lãnh ba ngàn thân binh reo hò xuống núi.
Ba ngàn người này là những tay dũng sĩ Khất Ðan.
Chuyến này họ biết mình thế nào cũng chết, nên ai nấy cũng liều mình, một người đánh lại mười, reo hò xông trận, chiến đấu một cách cực kì anh dũng, khiến cho địch quân lập tức phải lùi lại hơn một dặm.
Sở Vương phất cờ hiệu.
Mấy vạn quân mã lại tiến lên. Tiếng đao thương va chạm nhau lẫn tiếng người huyên náo vang động cả một góc trời. Máu thịt bắn lên tung tóe.
Ba ngàn quân mỗi lúc một mòn đi rồi sau cùng bị chết hết.
Bắc Viện Khu Mật Sứ ra sức chém giết thêm mấy người nữa rồi tự đâm cổ mà chết.
Hồng Cơ cùng Kiều Phong ở trên núi trông xuống rất rõ nhưng không có cách nào cứu được.
Trong lòng hai vị xiết bao cảm kích tấc dạ trung thành của con người liệt sĩ đều phải sa nước mắt.
Sở vương lại ruổi ngựa đến chân núi cười nói:
- Hồng Cơ! Bây giờ ngươi đã chịu đầu hàng chưa? Ngươi chỉ còn chút ít quân mã thì làm gì được? Bọn thủ hạ ngươi đều là dũng sĩ nước Ðại Liêu. Sao ngươi nỡ để họ chết uổng theo ngươi. Ðã là một đấng nam nhi, một bậc đại trượng phu thì phải cả quyết mau lẹ. Hàng thì hàng lẹ, đánh cũng đánh ngay. Nếu đã biết mình sức cùng lực kiệt thì nên tự vận mà chết để tạ tội với thiên hạ, khỏi làm uổng mạng sĩ tốt.
Gia Luật Hồng Cơ thở dài một tiếng, hai mắt đẫm lệ, tay cầm thanh đao nói:
- Giang sơn cẩm tú nhường cho cha con nhà ngươi. Thế là giữa tình chú cháu, anh em đã cốt nhục tương tàn. Sao còn giết hại dũng sĩ Khất Ðan.
Nói xong giơ đao lên toan đâm cổ.
Kiều Phong giơ bàn tay dài như tay vượn ra thi triển Cẩm nã thủ pháp cướp lấy thanh đao trong tay Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Ðại ca là bậc anh hùng hảo hán, có chết thì chết ở chiến trường, cớ sao lại tự vẫn?
Hồng Cơ thở dài nói:
- Hiền đệ ơi! Ở đây có bao nhiêu tướng sĩ theo ta đã lâu ngày ta không nỡ ra nơi trận địa, để bọn họ phải hộ vệ ta mà uổng mạng.
Bỗng nghe Sở Vương lớn tiếng gọi:
- Hồng Cơ! Ngươi chưa tự vẫn đi còn đợi đến bao giờ?
Tay gã cầm roi chỉ trỏ ra chiều đắc ý vô cùng.
Kiều Phong thấy Sở Vương mỗi lúc một đến gần thì nghĩ ra một kế, khẽ nói vỡi Hồng Cơ:
- Ðại ca đối thoại với y để kéo dài câu chuyện, tiểu đệ lần mò đến gần y để bắn một phát.
Hồng Cơ vốn biết Kiều Phong bản lãnh phi thường mừng thầm nói:
- Kế ấy hay lắm! Nếu bắn chết được y thì dù ta có mất mạng cũng nhắm mắt được.
Nhà vua liền cất cao giọng nói:
- Sở Vương kia! Ta đối đãi với cha con ngươi có điều chi tệ bạc? Phụ thân ngươi muốn làm Hoàng đế thì làm chứ sao? Hà tất phải sát hại bao nhiêu tướng sĩ cùng trăm họ, làm tổn thương đến nguyên khí nước ÐẠi Liêu ta?
Kiều Phong cầm một cây cung cứng, mười mũi tên lang nha, dắt một con tuấn mã từ từ ra sườn núi. Ông né người xuống chui xuống vào gầm bụng ngựa, hai chân móc lên lưng ngựa chí mạnh một cái cho ngựa chạy xuống.
Bọn nghịch quân dưới chân núi thấy con ngựa không có người cưỡi chạy xuống đều cho là ngựa đứt dây cương chạy rông, chẳng lấy chi làm lạ, không ai buồn để ý. Ngựa chạy xuống mỗi lúc một gần, một tên quân trông thấy dưới gầm bụng ngựa có người ẩn nấp, lập tức hô hoán lên.
Kiều Phong lấy chân thích mạnh vào lưng ngựa cho ngựa xông thẳng đến phía Sở Vương.
Ông thấy chỉ còn cách chừng hai trăm bộ, liền bám sát bụng ngựa giương cung nhắm Sở Vương bắn tới.
Bọn vệ sĩ đứng bên Sở Vương rất lanh lợi, giơ mộc lên để tránh tên.
Kiều Phong bắn nỏ liên châu, một gã vệ sĩ bị trúng tên ngã ra.
Phát tên thứ hai bắn tới ngực Sở Vương.
Sở Vương nhanh mắt lẹ tay vung roi ngựa lên gạt.
Nguyên cách dùng roi gạt tên là một tuyệt kỹ của Sở Vương.
Song y có ngờ đâu người bắn cung sức cánh tay mãnh liệt phi thường, nội kinh dồn cả vào mũi tên.
Roi ngựa chỉ gạt được mũi tên trệch đi một chút.
Véo một tiếng, mũi tên đã cắm vào vai bên tả, Sở Vương trúng tên rú lên:
- Ái chao!
Rồi đau quá phải nằm phục xuống yên ngựa.
Những tên Kiều Phong bắn, chuôi có lông phóng ra rất mạnh và trúng đích.
Lúc phát tên thứ hai bắn ra thì ông đã đến gần Sở Vương hơn, mũi tên xuyên qua lưng y đến trước ngực.
Sở Vương lảo đảo rồi từ trên lưng ngựa ngã lăn xuống đất.
Kiều Phong vừa ra trận đã thành công, bắn chết được Sở Vương thì nghĩ thầm: "Chi bằng ta thừa cơ, bắn chết luôn Hoàng thái thúc."
Ðịch quân thấy Sở Vương chết rồi ngã lăn xuống ngựa đều hô hoán ầm lên.
Mấy trăm quân cung nỏ nhắm bắn vào con ngựa có Kiều Phong ẩn mình.
Chỉ trong chớp mắt con ngựa này đã bị trúng đến dư hai trăm mũi tên.
Kiều Phong nằm dưới đất lăn đi mấy vòng đến gần một con ngựa khác do một tên địch quân cưỡi.
Chỗ này quân địch toàn là kỵ binh, Kiều Phong thi triển thuật nhỏ mọn từ gầm bụng nhoai sang gầm bụng ngựa kia.
Ðịch quân ở vào tình thế ném chuột sợ bể đồ không dám bắn tên nữa, vì sợ bắn nhằm người phe mình.
Chúng liền rút trường mâu ra đâm tới tấp, song Kiều Phong chuồn dưới gầm bụng ngựa thoắt sang bên tả, thoắt qua mé hữu.
Ðịch quân nhốn nháo cả lên xô đẩy nhau, chen chúc nhau, chỉ tổ xéo lên nhau, mà không đâm trúng được Kiều Phong.
Nguyên Kiều Phong thi triển cách lẩn mình đó chỉ là một xảo thuật rất tầm thường của giới võ lâm ở Trung Nguyên gọi là "dịa đường công phu." Tất cả những thế địa đường quyền, địa đường đao, địa đường kiếm, đều nằm lăn lộn dưới đất để tùy cơ nhằm đánh vào hạ bộ bên địch.
Kiều Phong là người mắt nhanh tay lẹ, thân pháp tuyệt diệu, dùng cách này chuồn qua hàng ngàn bụng ngựa để đến gần Hoàng thái thúc.
Vút! Vút! Vút! Ba mũi tên nhằm Hoàng thái thúc bắn ra.
Bọn vệ sĩ hộ vệ Hoàng thái thúc thấy Sở Vương bị bắn chết, dĩ nhiên là đã phòng cẩn mật.
Hơn ba chục tên giơ mộc lên che kín mấy tầng cho Hoàng thái thúc.
Ba mũi tên chạm vào mộc vang lên những tiếng leng keng rồi rớt xuống.
Trong tay Kiều Phong có mười mũi tên mà đã bắn ra hết bảy mũi, chỉ còn có ba.
Ông nhìn thấy bên địch có đến dư ba chục lá mộc che đỡ cho Hoàng thái thúc thì tính rằng ba mũi tên này có giỏi cũng chỉ bắn chết được ba tên vệ sĩ là cùng, còn nói chi đến chuyên bắn Hoàng thái thúc.
Lúc này Kiều Phong đã vào sâu trong trận địch.
Phía sau hàng ngàn quân khinh kỵ cầm trường mâu đuổi theo, trước mặt lại có thiên binh vạn mã, ông đã bị hãm vào nơi tuyệt địa.
Ngày nọ một mình ông, tiếng gọi là độc đấu quần hùng ở đất Trung Nguyên, song đối phương bất quá chỉ vài trăm người cũng đã nguy hiểm lắm rồi, may có người đến tiếp cứu mới thoát chết.
Bữa nay Kiều Phong bị hãm vào giữa chốn trùng vi mấy vạn người thì làm cách nào để thoát thân được.
Kiều Phong lâm vào tình trạng con dã thú đến bước đường cùng.
Bất thình lình ông gầm lên một tiếng thật to, tung người nhảy vọt lên qua ba chục lá mộc rồi hạ mình xuống trước ngựa Hoàng thái thúc.
Hoàng thái thúc giật mình khinh sợ vội giơ roi lên quất vào mặt đối phương.
Kiều Phong né người đi tránh ra, đồng thời nhảy phốc lên yên ngựa Hoàng thái thúc, tay trái nắm lấy sau lưng lão, giơ cao người lão lên quát hỏi:
- Ngươi muốn sống hay là muốn chết? Muốn sống thì bảo ba quân hạ binh khí xuống ngay!
Hoàng thái thúc hồn vía lên mây thộn mặt ra dường như không nghe rõ lời Kiều Phong.
Lúc đó quân địch la rầm lên nghe muốn đứt cả màng tai. Háng ngàn hàng vạn quân giương tên nhắm bắn Kiều Phong. Song chúng thấy Hoàng thái thúc bị ông bắt giữ trong tay nên không dám bắn nữa.
Kiều Phong vận khí từ huyệt đan điền lên, dõng dạc tuyên bố:
- Hoàng thái thúc hạ lệnh cho tam quân phải bỏ binh khí để nghe tuyên đọc thánh chỉ: "Hoàng đế đại xá cho tam quân đều được vô tội bỏ đi không cứu xét."
Tuy ông chỉ nói mấy câu đơn giản mà khiến được mấy chục vạn quân xôn xao cả lên.
Tiếng ông hô rất lớn, vang động cả một khu vực rộng đến vài dặm.
Có đến quá nửa số quân nghe rất rõ ràng, công lực Kiều Phong quả nhiên phi thường.
Bọn nghịch quân vốn chỉ là một phong trào ồ ạt.
Chúng đều muốn bắt Gia Luật Hồng Cơ để được công lớn.
Bây giờ thốt nhiên thấy Sở Vương chết ở trân tiền, lòng quân đã lung lay.
Kế tiếp lại thấy Hoàng thái thúc bị bắt, ai nấy đều nhốn nháo cả lên, không biết làm thế nào.
Kiều Phong đã rút kinh nhgiệm về vụ Bang chúng Cái Bang phản nghịch thâm hiểu lòng người.
Ðứng trước hoàn cảnh phản nghịch mà bị thất bại, người nào cũng chỉ cầu được miễn tội.
Vậy điều cần nhất là mình tỏ ra bỏ hết thù cũ quyết không cứu xét, thì quân phản nghịch tự nhiên mất hết chí chiến đấu.
Lúc này nghịch quân thế lớn, Bên Gia Luật Hồng Cơ bất quá còn hơn hai vạn người ngựa. Nếu còn tiếp tục chiến đấu thì quyết nhhiên không địch lại với số quân địch quá chênh lệch.
Vì thế ông không chờ Gia Luật Hồng Cơ xuống mà chỉ tuyên bố mấy câu để yên lòng quân nghịch.
Mấy câu nói dõng dạc của Kiều Phong vừa truyền ra, nghịch quân đang nhốn nháo, lập tức im lặng phăng phắc ngơ ngác nhìn nhau, trong lòng hoang mang không có chủ đích gì cả.
Kiều Phong biết là cục diện lúc này hãy còn rất nguy hiểm. Chỉ một người đứng bên hô hào là mười mấy vạn quân vô chủ này sẽ ngae theo ngay gây đại biến. Ông không dám trì hoãn giây phút nào, lập tức hô lớn:
- Hoàng đế xuống chỉ, tướng sĩ nghịch quân bất luận lớn nhỏ, nhất luận đều được tha hết. Hoàng đế đặc biệt rộng ơn, quyết không tra xét, quan quân đều được giữ nguyên chức vụ. Vậy các người mau mau bỏ khí giới đi.
Bỗng thấy tiếng loảng xoảng vang lên, một số người quẳng trường mâu trong tay xuống.
Tiếng hạ khí giới truyền nhiễm rất mau.
Chỉ trong chớp mắt có đến phân nửa quẳng khí giới theo, còn phân nửa phân vân chưa quyết.
Kiều Phong giơ cao người Hoàng thái thúc lên, phóng ngựa từ từ lên núi.
Bọn nghịch quân không ai dám cản trở.
Ðầu ngựa ông đi tới đâu là phía trước lại tránh ra để nhường lối đi.
Kiều Phong cưỡi ngựa lên đến lưng chừng sườn núi thì có hai đội ngự doanh quân cưỡi ngựa đón lên sơn trại.
Trên đỉnh núi vang lừng chiên trống nhộn lên một bầu không khí tưng bừng.
Kiều Phong lại nói:
- Hoàng thái thúc! Hoàng thái thúc mau mau hạ lệnh cho bọn thuộc hạ bỏ khí giới đầu hàng thì sẽ được toàn tính mạng.
Hoàng thái thúc nói:
- Ngươi dám bảo đảm cho ta ư?
Kiều Phong quay đầu nhìn xuống thấy còn vô số nghịch quân trong tay vẫn cầm lăm lăm cung tên và trường mâu thì biết rằng lòng quân chưa định, nguy hiểm chưa qua.
Ông nghĩ thầm:
- Hiện giờ việc trấn tỉnh quân tâm là cần nhất. Một mạng Hoàng thái thúc giết đi hay để sống có chi là đáng kể, chỉ cần phái người canh giữ giám sát, quyết từ đây về sau y không dám phản bội nữa.
Kiều Phong nghĩ vậy liền nói:
- Bây giờ chỉ còn một đường lối hay nhất là Hoàng thái thúc đoái tội lập công. Hoàng đế biết rõ việc này đều do Sở Vương gây ra nhất định sẽ tha chết cho Hoàng thái thúc.
Nguyên Hoàng thái thúc vốn không nghĩ đến tranh đoạt đế vị. Chỉ vì con lão là Sở Vương có dã tâm thoát đoạt mà gây nên vạ lớn. Lúc này lão đã bị bắt, chỉ còn mong được toàn mạng, liền đáp:
- Thôi ta cũng đành theo lời ngươi!
Kiều Phong đặt Hoàng thái thúc ngồi xuống yên ngựa, dõng dạc lên tiếng:
- Tam quân hãy nghe đây! Hoàng thái thúc có chỉ thị cho các người.
Hoàng thái thúc lớn tiếng hô:
- Người gây nên bạo loạn là Sở Vương hiện đã bị chết rồi. Ðức Hoàng thượng khoan hồng đại lượng tha tội hết thảy cho các ngươi. Các ngươi mau mau hạ khí giới rồi đến trước Hoàng thượng thỉnh tội.
Hoàng thái thúc vừa nói xong, bọn nghịch quân khác nào như rắn không đầu, dù có kẻ hung hăng quật cường, cũng không dám trái lệnh.
Rồi những tiếng loảng xoảng vang lên, hết thảy nghịch quân đều hạ khí giới.
Kiều Phong áp giải Hoàng thái thúc lên núi Thương Mang.
Gia Luật Hồng Cơ nỗi mừng biết lấy chi cân, khác nào như người trong mộng choàng tỉnh giấc.
Nhà vua chạy đến bên Kiều Phong, nắm chặt hai tay nói:
- Hiền đệ ơi! Hiền đệ ơi! Giang sơn này của ca ca, từ đây anh em ta cùng hưởng.
Nói tới đây nhà vua cảm động quá, bất giác sa lẹâ.
Hoàng thái thúc quỳ phục xuống đất nói:
- Kẻ loạn thần là Trọng Nguyên cam chịu tử tội trước bệ hạ cầu mong bệ hạ khoan ơn.
Gia Luật Hồng Cơ lúc này vui vẻ quá, quay lại hỏi Kiều Phong:
- Hiền đệ tính thế nào đây?
Kiều Phong đáp:
- Nghịch quân người nhiều thế mạnh, điều cần nhất hiện giờ là phải chấn tỉnh quân tâm. Xin bệ hạ giáng chỉ tha tử tội cho Hoàng thái thúc để tránh lòng quân phản trắc.
Hồng Cơ cười nói:
- Hay lắm, hay lắm! Nhất thiết việc gì ta cũng nghe hiền đệ.
Nhà vua quay lại bảo Bắc Viện Ðại Vường:
- Khanh truyền chỉ ra phong cho Kiều Phong tước Sở Vương giữ chức vụ Nam Viện Ðại Vương, và thống lĩnh nghịch quân rút về thượng kinh.
Kiều Phong nghe nói giật mình. Ông giết Sở Vương, bắt Hoàng thái thúc chỉ vì muốn cứu mạng cho nghĩa huynh, tuyệt không có ý mưu đồ tước lộc.
Bây giờ thấy Gia Luật Hồng Cơ đột nhiên phong quyền tước lớn cho mình thì chân tay luống cuống không biết nói thế nào.
Bắc Viện Ðại Vương nhìn Kiều Phong, chắp tay nói:
- Xin kính mừng Kiều huynh! Tước Sở Vương trước nay chưa phong cho ai người họ khác.
Kiều Phong tạ ơn Hoàng thượng đi!
Kiều Phong tiến về phía Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Thưa dại ca! Công cuộc hôm nay mà vãn hồi được là nhờ hồng phúc tày trời của đại ca khiến cho quan binh chịu thúc lòng qui thuận, mà bình định xong công cuộc phản loạn này, tiểu đệ bất quá đem chút sức mọn ra góp vào mà thôi có chi là đáng kể công lao. Huống chi tiểu đệ không biết làm quan mà cũng không muốn làm quan. Xin đại ca thu hồi sắc mạng cho.
Gia Luật Hồng Cơ cười ha hả đưa tay phải ra nắm lấy vai Kiều Phong nói:
- Tước vị Sở Vương, quan hàm Nam Viện Ðại Vương là chức quyền tối cao của Triều Ðình Ðại Liêu, nếu hiền đệ còn chê nhỏ không chịu thần phục ta, thì ca ca đây đành nhường luôn cả ngôi hoàng đế cho hiền đệ, ngoài ra không còn cách nào nữa.
Kiều Phong giật mình lẩm bẩm:
- Chết chưa! Ca ca ta vì mừng vui quá mà quyên cả hình thức mất rồi, không còn nhớ gì cả. Nếu mình do dự có thể gây nên biến cố.
Nghĩ vậy, Kiều Phong đành quì xuống bẩm:
- Thần là Kiều Phong xin lãnh chỉ. Ða tạ hoàng ân.
Gia luật Hồng Cơ tươi cười giơ tay ra nâng Kiều Phong dậy.
Kiều Phong nói:
- Hạ thần không dám nghịch chỉ, vâng mệnh lãnh quan tước. Song hạ thần là kẻ thảo dã tính tình lỗ mãng không hiểu pháp độ triều đình. Nếu có phạm lỗi, mong được bệ hạ khoan hồng.
Gia Luật Hồng Cơ vỗ vai Kiều Phong nói:
- Không hề chi mà ngại.
Nhà vua quay sang nhìn một người đứng tuổi trạc ngoài bốn mươi nói:
- Gia Luật Mạc Ca! Ta cho ngươi lãnh chức Nam Viện Khu Mật Sứ phò tá Kiều Phong đại vương, phụ trách quân vụ trong nước.
Gia Luật Mạc Ca cả mừng vội quỳ xuống tạ ơn Hoàng thượng, rồi khom lưng làm lễ tham bái Kiều Phong, nói:
- Thuộc hạ xin tham kiến đại vương.
Hồng Cơ nói:
- Mạc Ca! Ngươi bẩm với đại vương truyền lệnh cho, đặng thống lĩnh nghịch quân quay về Thượng kinh. Chúng ta lại vấn an Thái hậu.
Lúc đó trên núi chiên trống tưng bừng. Gia Luật Hồng Cơ cùng bá quan xuống núi. Các loạn tướng đã dẫn quân vào thỉnh Hoàng thái hậu, Hoàng hậu ra ngoài tù xa và cung kính mời ngồi chờ trong doanh trại.
Gia Luật Hồng Cơ tiến vào trong trướng. Mẹ con, vợ chồng làm lễ tương kiến. Trải qua một cuôc cải tử hồi sinh, mọi người đều hoan hỉ tán dương công lớn của Kiều Phong, bất tất phải thuật kĩ cho rườm lời.
Gia Luật Mạc Ca đi trước dẫn đường và giới thiệu Kiều Phong cùng các bộ thuộc Nam Viện để cùng nhau làm lễ tương kiến.
Vừa rồi Kiều Phong xông vào chỗ thiên binh vạn mã, anh dũng tuyệt luân, mọi người đều mắt thâùy. Các thuộc viên dưới trướng Sở Vương cũ thấy Kiều Phong thần oai lẫm liệt liền đem lòng khiếp sợ, không ai dám tỏ ý bất phục. Chẳng những Kiều Phong anh hùng làm họ kính sợ, mà Sở Vương trước tính nết nóng nảy chẳng được ai ưa.
Chúng vừa thấy Kiều Phong vào đến quân trung hết thảy đều nghe lệnh răm rắp.
Kiều Phong nói:
- Ðức Hoàng thượng đã miễn tội cho các ngươi đi theo kẻ phản thần làm loạn. Từ đây sắp tới, các ngươi phải biết hối cải ăn năn, đừng ăn ở hai lòng mà gây nên tội đại nghịch.
Một tướng râu bạc tiến ra nói:
- Bẩm Ðại Vương! Hoàng thái thúc cùng Thế tử bắt hết gia thuộc chúng tôi, bức bách chúng tôi phải theo hai người làm loạn. Nếu chúng tôi không theo họ, Thế tử sẽ chém hết cả nhà, chúng tôi lâm vào tình trạng bất đắc dĩ mà gây nên tội lỗi, mong rằng Ðại Vương tâu rõ lên thánh thượng cho.
Kiều Phong gật đầu nói:
- Các ngươi đã biết thế thì chúa thượng sẽ khoan dung không hỏi gì đến tội trước nữa.
Nói xong, Kiều Phong quay sang bảo Gia Luật Mạc Ca:
- Bây giờ cho tam quân nghĩ ngơi, ăn uống xong, lập tức nhổ trại về kinh.
Các quan viên dưới trướng Nam Viện Ðại Vương đều được giữ nguyên chức vào lạy mừng Kiều Phong. Kiều Phong tuy trước kia chưa làm quan, nhưng ông đã từng làm Bang chúa Cái Bang lâu ngày, cầm đầu bao nhiêu anh hùng hảo hán một cách rất oai nghiêm. Nay ông thống lĩnh bọn hào kiệt Khất Ðan cũng chẳng khác gì mấy với qui cựu hào kiệt đất Trung Nguyên. Dù trong việc cầm quân nước Liêu có lề luật riêng, Kiều Phong cũng chỉ để ý một chút là hiểu hết. Hơn nữa ông lại được tay phò tá Gia Luật Mạc Ca phân phái các bộ thuộc cùng thu xếp mọi việc rất đúng phép tắc.
Kiều Phong thống lĩnh đại quân sắp lên đường thì Hoàng thái hậu cùng Hoàng hậu phái sứ giả đưa mũ áo tiền bạc đến ban cho.
Kiều Phong tạ ơn xong, Thất Lý hộ vệ A Tử cũng vừa tới nơi.
Nàng mặc áo gấm cưỡi tuấn mã đều do Hoàng thái hậu ban cho.
Kiều Phong thấy A Tử thân hình loắt choắt, mặc bộ áo rộng thùng thình. Bộ mặt nàng bé nhỏ, bị cổ áo che lấp quá nửa.
A Tử chưa được mắt thấy Kiều Phong bắn chết Sở Vương, bắt sống Hoàng thái thúc, nhưng nàng được nghe bọnThất Lý thuật chuyện lại. Khi người ta thuật lại chuyện gì, thế nào cũng thêm thắt vào cho câu chuyện thêm đậm đà, để công cuộc oai hùng của Kiều Phong càng thêm vẻ li kỳ.
A Tử vừa nhìn thấy Kiều Phong đã trách ngay:
- Tỷ phu ơi, tỷ phu lập nên công trạng lớn lao mà không nói trước cho em hay, để em như người ngồi trong ống chẳng biết chi hết.
Kiều Phong cười nói:
- Ðó chẳng qua là vận hên lập được chút công nhỏ mọn, trước đã biết đâu mà nói? Cô vừa thấy tôi lại nói chuyện trẻ nít rồi.
A Tử nói:
- Tỷ phu ơi! Tỷ phu lại gần đây!
Kiều Phong liền đến bên nàng, ông thấy bộ mặt gầy ốm xanh xao vì hân hoan quá đỗi mà thoáng hiện ánh hồng. Khi trông đến áo xiêm nàng bận, thấy nàng buồn cười lại vừa khả ái.
Kiều Phong không nhịn được phá lên cười ha hả.
A Tử làm mặt giận nói:
- Em nói chuyện đứng đắn sao tỷ phu lại cười hô hố thật là kỳ quá.
Kiều Phong cười nói:
- Tôi trông cô mặc áo chẳng khác gì người đóng trò, coi rất thú vị.
A Tử hậm hực nói:
- Tỷ phu coi em là tuồng con nít để làm trò cười cho tỷ phu chắc?
Kiều Phong nói:
- Không phải thế! A Tử cô nương! Lần này tôi tưởng cả hai người chúng ta cùng chết mất mạng, ngờ đâu lại được thoát chết. Tôi lấy làm khoan khoái quá, còn những chức tước Nam Viện Ðại Vương chi chi đó, tôi thật không màng. Mình được sống sót đã là may mắn lắm rồi.
A Tử hỏi:
- Tỷ phu sợ chết lắm hay sao?
Kiều Phong ngẩn ngơ giây lát rồi gật đầu đáp:
- Phải rồi! Gặp lúc nguy hiểm, dĩ nhiên tôi sợ chết.
A Tử nói:
- Em thì cho tỷ phu là bậc anh hùng hảo hán không sợ chết. Nếu tỷ phu sợ chết thì sao dám xông vào chỗ thiên binh vạn mã?
Kiều Phong đáp:
- Cái đó kêu bằng:
tìm sự sống trong đất chết. Giả tỷ không liều lĩnh xông pha thì chết còn gì. Thế đâu có phải là dũng cảm với anh hùng? Chẳng qua mình chỉ như con dã thú đến bước đường cùng thì phải liều mạng mà thôi. Tỷ như chúng ta bao vây con gấu hay con cọp, nó không có đường chạy thoát thì nó phải nhảy xổ vào cắn xé ta may ra thoát chết.
A Tử mỉm cươì nói:
- Tỷ phu lại đem ví mình với giống súc sinh rồi.
Lúc đó hai người đều cưỡi trên lưng ngựa sánh vai mà đi. Kiều Phong đưa mắt nhìn ra xa, trên cánh đồng cỏ bát ngát cờ xí tung bay, đội ngũ tề chỉnh kéo một hàng dài không biết đến đâu là cùng. Chung quanh hai người vô số sĩ tốt hộ vệ.
A Tử khoan khoái vô cùng, nàng nói:
- Ngày nọ em đoạt được chân thừa kế phái Tinh Tú. Hai ba đời phái này mới được vài trăm đệ tử. Trừ sư phụ ra thì em là người có quyền lớn hơn cả, trong lòng đã lấy làm hí hửng. Nhưng bây giờ so với tỷ phu thống lĩnh dư hai mươi vạn nhân mã thì chẳng ăn thua vào đâu. Tỷ phu! Em nghe nói Cái Bang không cho tỷ phu làm Bang chúa. Chà! Chà! Một Cái Bang nhỏ xíu lấy gì làm quí. Bây giờ tỷ phu đem binh mã đến giết sạch họ đi!
Kiều Phong lắc đầu lia lịa nói:
- Cô nương lại nói chuyện trẻ con rồi! Tôi là người Khất Ðan, Cái Bang không cho làm Bang chúa là hợp lý hợp tình. Vả lại, người Cái Bang đều là bạn cũ của tôi sao lại giết họ?
A Tử nói:
- Bọn chúng đuổi tỷ phu ra khỏi Bang, đối xử bất nhân với tỷ phu, thì nên giết sạch đi chớ để làm gì? Sao tỷ phu còn bảo họ là bạn?
Kiều Phong chưa biết trả lời ra sao, chỉ lắc đầu quầy quậy. Ông nhớ lại khi ở Tụ Hiền Trang đã tuyệt giao và chặt đứt mối tình cũ với bạn bè thì không khỏi bùi ngùi trong dạ.
A Tử hỏi:
- Giả tỷ bọn họ biết tin tỷ phu làm đến Nam Viện Ðại Vương nước Ðại Liêu, chắc là họ hối hận lắm, nhưng họ có muốn rước tỷ phu về làm Bang chúa Cái Bang, chắc tỷ phu cũng không chịu làm nữa.
Kiều Phong tủm tỉm cười nói:
- Ðâu lại có lý thế được? Các bậc anh hùng hảo hán ở nhà Tống đều coi người Khất Ðan là phường tội ác ngập đầu. Tôi ở nước Liêu càng làm quan to bao nhiêu, họ càng căm hận tôi bấy nhiêu.
A Tử nói:
- Úi chà! Họ căm hận tỷ phu thì làm cóc gì? Mình tha căm hận cho họ là tốt.
Kiều Phong buông luồng nhởn tuyến nhìn ra chân trời xa trong rừng núi chập chùng lẩm bẩm:
- Qua dãy núi bên kia là đến Trung Nguyên rồi đó.
Tuy ông là người Khất Ðan, nhưng ở Trung Nguyên từ thuở nhỏ nên trong thâm tâm ông thích nhà Ðại Tống hơn nước Ðại Liêu nhiều. Giả tỷ người Cái Bang bao dung cho ông làm một tên tiểu tốt vô danh, một gã đệ tử hạng bét chưa được đeo túi, có lẽ ông còn khoái hơn làm tới chức Nam Viện Ðại Vương tại nước Ðại Liêu.
A Tử lại nói:
- Tỷ phu ơi! Em cho rằng đức Hoàng thượng thật là thông minh. Người phong cho tỷ phu làm Nam Viên Ðại Vương để ngày sau nước Ðại Liêu có giao tranh với nước ngoài tỷ phu sẽ lãnh binh đi chinh phạt, tất là đánh đâu được đấy. Tỷ phu chỉ có việc xông vào trận địch bắn chết chủ tướng, tất nhiên địch quân phải quì xuống xin hàng, như thế là toàn thắng.
Kiều Phong mỉm cười nói:
- Bộ hạ Hoàng thái thúc đều là quan binh nước Liêu trước nay vẫn nghe mạng lệnh hoàng thái thúc. Hôm nay sở dĩ họ phải đầu hàng là vì Sở Vương bị chết, Hoàng thái thúc bị bắt. Còn trường hợp hai nước giao tranh thì tình hình lại khác hơn. Mình có giết được quan nguyên soái thì họ còn phó soái cầm đầu, Giết được Ðại tướng quân thì còn thiên tướng hay phó tướng. Họ chiến đấu đến cùng, mình đơn thương độc mã thì làm gì được.
A Tử gật đầu nói:
- À ra thế đấy! Tỷ phu ơi! Tỷ phu biểu rằng xông vào trận địch giết chết Sở Vương chả có chi là dũng cảm. Vậy thì trong đời tỷ phu còn viẹâc nào mới chân chinh là dũng cảm, tỷ phu nói cho em nghe có được không.
Bookmarks