Hồi 5 - Những Tay Kỳ Cựu Ở Cái Bang
Những tay cao thủ ở Cái bang đều là người trọng nghĩa khí đối với các vị hảo hán trong đám giang hồ, nghe Kiều Phong nói vậy ai cũng cho là có lý, nhiều người lên tiếng phụ hoạ. Toàn Quang Thanh lại hỏi:
-Bang chúa! Theo ý kiến của Bang chúa thì hung thủ sát hại Mã Phó Bang chúa quyết không phải là Mộ Dung Phục?
Kiều Phong đáp:
-Ta chưa dám quả quyết Mộ Dung Phục đã giết Mã Phó Bang chúa mà cũng không dám nói nhất định y không phải là hung thủ. Việc báo thù không thể vội vàng được, còn phải điều tra thêm. Nếu ta hấp tấp giết lầm người ngay, chính thủ phạm lại tiêu dao đứng ngoài cười thầm Cái Bang ta hồ đồ và bất tài, chẳng hoá ra mất hết thanh danh ư?
Trưởng lão truyền công là Hạng Bảo Hoa từ trước chưa nói câu gì, lúc này giơ tay gầy còm lên vuốt mấy sợi râu lơ thơ dưới cằm rồi lên tiếng:
-Bang chúa nói phải lắm! Phải lắm! Trước đây ta đã giết lầm một người vô tội,
đến nay vẫn còn áy náy.
Ngô Trưởng Phong lớn tiếng nói:
-Bang chúa! Sở dĩ chúng tôi phản nghịch Bang chúa là bởi lầm nghe kẻ khác, vẫn cho là Bang chúa cùng Mã Phó Bang chúa có sự bất hoà, đi cấu kết với bọn Mộ Dung để hạ thủ sát hại ông. Nay chúng tôi nghĩ lại thì ra tự mình đã quá hồ đồ.
Xin chấp pháp trưởng lão chiểu theo luật lệ của bản bang đưa pháp đao cho tôi để tôi tự xử.
Bạch Thế Kính mặt lạnh như tiền, sai thủ hạ bằng một giọng trầm trầm:
-Chấp pháp đệ tử, lấp pháp đao ra.
Chín tên thuộc hạ đồng thanh nói:
-Vâng!
Mỗi người rút một cái bao nhỏ bằng vải vàng ở trong túi lớn ra. Chín cái bao để vào một chỗ. Bọn đệ tử chấp pháp đồng thanh nói:
-Pháp đao đủ cả rồi đó.
Nói rồi mở bao ra. Ðoàn Dự nhìn thấy lưỡi đao sáng loáng. Chín thanh đoản đao này đều bằng nhau, mới trông đã biết sắc nhọn dị thường.
Bạch Thế Kính thở dài, tuyên bố:
-Bốn vị trưởng lão Tống, Hồ, Trần, Ngô nghe người nói càn, mưu phản loạn, làm nguy hại đến cơ nghiệp bản bang, tội đáng xử tử. Ðà chúa phân đà Ðại Trí Toàn Quang Thanh phao ngôn để đánh lừa người, cổ động cuộc nổi loạn, tội đáng chém đầu! Còn các đệ tử tham dự vào cuộc nổi loạn, chờ khi xong cuộc điều tra sẽ tuỳ tội định án.
Bạch Thế Kính tuyên bố các tội trạng xong, không ai dám nói gì. Ta nên biết rằng, bất luận bang nào trên chốn giang hồ, thì các việc phản loạn bản bang hay mưu giết Bang chúa đương nhiên là phải xử tử, không ai dám dị nghị. Ngay lúc họ tham dự cuộc mưu phản cũng đã tự biết hậu quả thế nào rồi.
Ngô Trưởng Phong mạnh dạn bước ra đến trước mặt Kiều Phong, cúi đầu, nói:
-Thưa Bang chúa! Ngô Trưởng Phong này đối với Bang chúa thật là đắc tội! Bây giờ Ngô mỗ xin tự xử lấy mình. Mong Bang chúa biết cho là tôi đã trót hồ đồ và miễn trách.
Nói xong, lại trước đống pháp đao, nói lớn:
-Ngô Trưởng Phong tự xử đây! Xin đệ tử chấp pháp cởi trói cho.
Một gã đệ tử chấp pháp "vâng" một tiếng, toan lại cởi trói.
Kiều Phong bỗng lớn tiếng cản lại, nói:
-Hãy khoan!
Ngô Trưởng Phong nét mặt xám ngắt, khẽ nói:
-Thưa Bang chúa! Tội tôi rất lớn, sao Bang chúa còn chưa cho tôi tự xử?
Nguyên theo luật lệ Cái bang, người phạm tội chịu ra tự xử thì sau khi chết rồi, không bị nhơ danh mà tội trạng mình không truyền ra ngoài. Trên giang hồ có ai đả động đến chuyện xấu xa đó thì người Cái Bang đứng ra can thiệp. Các vị hảo hán trong võ lâm ai cũng lấy thanh danh làm trọng, không chịu để sau khi chết rồi còn có người nhiếc móc, nên Ngô trương Phong thấy Kiều Phong ngăn cản không cho mình tự xử. Bất Giác lão cả kinh.
Kiều Phong không nói gì, chạy đến bên đống pháp đao, tuyên bố:
-Mười lăm năm trước đây, người Hồ nước Khất Ðan vào xâm lấn Nhạn Môn Quan. Tống trưởng lão được tin, ba ngày không ăn, bốn đêm không ngủ, suốt đêm chạy về cấp báo. Dọc đường chết luôn chín con tuấn mã, chính mình trưởng lão vì bị mệt nhọc thổ huyết lâm ly. Nhờ thế mà quân nhà Ðại Tống ta đánh đuổi được người Hồ đi. Ðó là một công rất lớn cho quốc gia. Việc này tuy giang hồ hảo hán không biết rõ tình hình, nhưng Cái Bang ta phải biết. Chấp pháp trưởng lão! Tống trưởng lão có công rất lớn, ngươi thử xét xem, có thể tha cho y đới tội lập công được không?
Bạch Thế Kính nói:
-Bang chúa viện những lý lẽ rất xác đáng để xin tha cho Tống trưởng lão, nhưng trong luật lệ của bản bang đã chép rõ "Phản Bang là tội lớn quyết không thể tha thứ. Mặc dầu phạm nhân đã có công lớn cũng không thể chuộc tội được để tránh cậy công lộng quyền, hành động bất pháp làm nguy hại đến cơ nghiệp lâu dài của bản bang". Thưa Bang chúa, chúng tôi không dám tuân theo lời trần tình của Bang chúa để phá lề luật của bao nhiêu đời truyền lại.
Tống trưởng lão nở một nụ cười thảm đạm, đứng lên nói:
-Lời Chấp pháp trưởng lão nói rất đúng. Chúng tôi đã lên được tới địa vị trưởng lão, thử hỏi ai là người chưa dày công hán mã? Nếu người nào cũng vịn vào công lao ngày trước rồi muốn phạm tội gì cũng được hay sao? Tôi xin Bang chúa rộng thương cho tôi được tự xử lấy mình.
Bỗng nghe hai tiếng "rắc, rắc", dây trói bằng gân bò bị đứt tung. Dân chúng Cái bang thấy Tống trưởng vung tay mạnh một cái mà gân bò bị đứt hết thì không khỏi kinh hãi biến đổi sắc mặt. Gân bò này vừa bền vừa dai, dùng đao thép lưỡi bén vị tất đã chặt đứt được một cách dễ dàng. Thế mà thần lực của Tống trưởng lão coi như không thì đủ biết nội kình ngoại công của trưởng lão ghê gớm đến bực nào, thật xứng đáng đứng đầu trong Tứ lão Cái Bang.
Sau khi Tống trưởng lão hai tay không còn bị trói nữa, ông liền đưa tay ra chụp lấy một thanh pháp đao ở trước mặt để tự xử. Dè đâu, một nội lực êm đềm đưa ra ngăn lại khiến lão không thể nào tiến thêm được nữa -tay lão chỉ còn đống pháp đao chừng một thước thì Kiều Phong dùng kình lực ngăn cản.
Tống trưởng lão buồn rầu, xịu mặt xuống, nói:
-Bang chúa!... Bang chúa!...
Kiều Phong giơ tay ra chụp lấy lưỡi pháp đao ở đầu bên tả.
Tống trưởng lão vội la lên:
-Thôi đành!... Thôi đành!... Tôi đã đem tâm toan sát hại Bang chúa, chết là đáng lắm! Bang chúa hạ thủ đi cho rồi!
Lưỡi pháp đao loé lên một cái, Kiều Phong đã đâm vào vai bên tả mình. Dân chúng Cái bang đều kêu rú lên rồi không ai bảo ai đều đứng dậy cả thảy.
Ðoàn Dự hốt hoảng kêu lên:
-Ðại ca! Ðại ca!
Vương Ngọc Yến là người ngoài cuộc trông thấy biến cố cũng mặt hoa nhợt nhạt, buột miệng gọi:
-Kiều Bang chúa! Kiều Bang chúa đừng.
Kiều Phong nói:
-Bạch trưởng lão! Luật lệ của bản bang đã có điều nói rằng "Ðệ tử của bản bang mà phạm luật, không được phóng xá một cách dễ dàng. Trường hợp mà Bang chúa muốn khoan dung thì chính mình phải đổ máu để rửa sạch tội trạng cho thuộc hạ" có phải thế không?
Bạch Thế Kính nét mặt vẫn rắn như đá, thủng thẳng đáp:
-Bang quy quả có điều này. Nhưng Bang chúa muốn tự đổ máu để cứu tội cho người cũng phải xét xem có đáng không?
Kiều Phong nói:
-Ta chỉ cần mình hành động trái với lề luật của tổ tiên là được rồi!
Nói xong, quay lại nhìn Hồ trưởng lão, nói:
-Hồ Trưởng lão có chỉ điểm võ công cho ta. Bề ngoài tuy không có tiếng là sư phụ mà thực là thày của ta. Ðó mới là ơn đức riêng biệt giữa người với ta. Nhưng còn việc năm trước Uông Bang chúa bị năm tay đại cao thủ rình rập bắt được, cầm tù ở động Hắc Phong để uy hiếp Cái Bang ta phải hàng phục. Hồ trưởng lão cải trang giả làm Uông Bang chúa, nguyện xin chết thay để Uông Bang chúa được thoát hiểm, đó là công trạng rất lớn đối với quốc gia cùng bản bang. Ta không thể không tha trưởng lão được.
Nói xong, rút lấy lưỡi pháp đao thứ hai, vung lên chặt đứt dây trói bằng gân bò cho Hồ trưởng lão rồi thuận tay lại đâm vào vai mình. Ðoạn đưa mắt từ từ về phía Trần trưởng lão. Trần trưởng lão vốn là người tâm địa hẹp hòi, trước đây vì có điều phạm pháp với môn phái nên thay họ đổi tên đi lưu vong. Trong lòng lão lúc nào cũng nơm nớp sợ người ta bới móc vết tích mình, thường có ý lẩn tránh Kiều Phong, hai người không có câu chuyện đằm thắm thân mật với nhau bao giờ. Lão vừa thấy Kiều Phong nhìn mình đã lên tiếng:
-Kiều Bang chúa! Tôi không có thâm tình với Bang chúa, ngày thường đắc tội với Bang chúa rất nhiều, tôi không dám yêu cầu Bang chúa đổ máu để chuộc tội cho.
Lão trở tay một cái đã xoay lưng đến trước Kiều Phong. Cổ tay vẫn còn bị gân bò trói. Song lão đã luyện được môn "Thông ý quyền công" rất thần tình nên đang bị trói mà hai tay vẫn co duỗi được. Lão vươn mình lên một cái, duỗi tay ra một chút đã cướp được lưỡi pháp đao cầm trong tay.
Kiều Phong xoay tay lại, dùng thủ pháp "Cầm long công" tuyệt diệu giật lại đao một cách nhẹ nhàng rồi lớn tiếng
nói:
-Trần trưởng lão! Kiều Phong này là một gã thô lỗ, không biết kết giao cùng với những người làm việc cẩn thận, tính nết tỷ mỉ, lại cũng không ưa những người không biết uống rượu hoặc không thích cười đùa. Ðó là cá tính của con người, chẳng biết thế là hay hay dở. Trưởng lão cùng ta tính tình không hợp nên ngày thường ít khi có những câu chuyện đằm thắm với nhau. Ta cũng không ưa Mã Phó Bang chúa, thấy Mã đến là ta lại kiếm cớ chạy đi chỗ khác, thà rằng đi uống rượu ăn thịt chó với tám đệ tử hạng bét còn thú hơn. Ai cũng biết ta có cái tính kỳ khôi như vậy, ta muốn sửa đổi mà không được. Nhưng nếu trưởng lão tưởng vì thế mà ta muốn trừ khử Mã Phó Bang chúa cùng trưởng lão thì là một cái lầm trong những cái lầm rất lớn. Trưởng lão cùng Mã Phó Bang chúa không uống rượu, không ăn thịt là những điểm hay Kiều mỗ này thật không bằng.
Nói đến đây, Bang chúa lại đâm lưỡi pháp đao thứ ba vào vai mình rồi nói tiếp:
-Cái công lớn của trưởng lão đã đâm chết quan Tả lộ phó nguyên soái nước Khất Ðan là Gia Luật Bất Lỗ, có khi người khác không biết chẳng lẽ ta lại không biết hay sao?
Dan chúng Cái bang nổi lên một cuộc bàn tán thì thào vừa kinh dị, vừa bội phục, vừa khen Kiều Bang chúa. Nguyên trước đây nước Khất Ðan đã cử hùng binh vào xâm lấn, nhưng trong quân của họ có mấy viên đại tướng liên tiếp mất mạng. Vì ra quân bất lợi họ lại phải rút về. Nhà Ðại Tống khỏi được một cơn vạ lớn.
Trong những người bị chết có cả quan Tả lộ phó nguyen soái Gia Luật Bất Lỗ.
Cái bang trừ được mấy nhân vật đầu não của đối phương, đó là đại công của Trần trưởng lão nhưng không mấy người biết. Trần trưởng lão nghe Kiều Phong tuyên dương công trạng mình, trong lòng lấy làm hoan hỉ, lão khẽ nói:
-Trần Bất Bình này được nổi danh thiên hạ, dù chết cũng không uổng.
Nên hiểu rằng Cái bang ám trợ nhà Ðại Tống để chống lại cường địch bên ngoài. Tuy Cái Bang vẫn chăm lo việc giúp nước cứu dân nhưng không muốn cho kẻ địch nhòm ngó, nên dù Cái Bang có bị công kích mà bất luận công cuộc thành hay bại cũng quyết giữ kín chứ không tiết lộ ra ngoài, vì thế mà người ngoài ít ai biết thực tình.
Trần Bất Bình trước nay vẫn tỏ ra kiêu ngạo, vô lễ, ỷ mình lớn tuổi hơn và có nhiều trang lịch sử hơn Kiều Phong, đồng thời lão đối với Kiều Phong không chút khiêm cung. Tình trạng này dân chúng Cái bang đều biết cả. Bây giờ thấy Kiều Phong quên cả cựu hiềm, tự đổ máu rửa tội cho lão, nên ai ai cũng cảm động.
Kiều Phong lại đến trước mặt Ngô Trưởng Phong, nói:
-Ngô tứ ca! Năm trước tứ ca một mình giữ Ưng Sầu Hạp để chống cường địch là nước Tây Hạ, khiến cho cuộc âm mưu hành thích Dương gia tướng không thành.
Ngày đó Dương nguyên soái có ban cho tứ ca một thẻ kim bài để ghi công. Tứ ca lấy ra đây cho anh em coi sẽ được miễn tội.
Ngô Trưởng Phong đột nhiên mặt đỏ bừng lên, ra chiều bẽn lẽn nói ấp úng:
-Cái đó... cái đó...
Kiều Phong lại nói:
-Chúng ta đây đều là anh em một nhà, tứ ca có điều chi nan giải cứ nói toạc ra, đừng ngại ngùng gì.
Ngô Trưởng Phong nói:
-Chẳng giấu gì Bang chúa, cái thẻ vàng ghi công đó, đã... cái đó đã mất rồi.
Kiều Phong lấy làm lạ, hỏi:
-Ðể đâu mà mất?
Ngô Trưởng Phong đáp:
-Cái đó tự mình... hừ.
Lão định thần rồi nói lớn:
-Một hôm thèm rượu quá, không có tiền mua, đem kim bài ra bán cho tiệm vàng mất rồi.
Kiều Phong thích chí cười ha hả, nói:
-Thế thì khoái thật! Khoái thật! Có điều tứ ca đã đắc tội với Dương nguyên soái.
Nói xong. Giơ tay ra chụp lấy một lưỡi pháp đao, cắt dây trói cho Ngô Trưởng Phong rồi lại đâm vào vai bên tả mình. Ngô Trưởng Phong là một người sảng khoái, thẳng thắn như ruột ngựa, nói ngay:
-Bang chúa! Cái tính mạng Ngô Trưởng Phong này từ đây giao cho Bang chúa.
Kiều Phong vỗ vai lão, cười nói:
-Bọn mình đã là hạng ăn xin, không cơm ăn rượu uống thì đến xin người ta, ai lại đem bán kim bài đi bao giờ.
Ngô Trưởng Phong cười, đáp:
-Xin cơm thì dễ chứ xin rượu đâu được.
Mọi người đều reo lên:
-Ăn xin gì mà xấu thế! Cơm no bụng còn đòi uống rượu nữa. Không được! Không được!
Toàn thể dân chúng Cái bang đều cười ồ. Nên biết rằng trong Cái Bang chẳng thiếu gì người đi xin rượu bị cự tuyệt. Kiều Phong miễn tội cho các trưởng lão, ai cũng thấy nhẹ mình như cất gánh nặng. Mọi người đưa mắt nhìn Toàn Quang Thanh, ai cũng cho rằng gã là thủ phạm gây ra cuộc biến loạn thì dù Kiều Phong đại lượng đến đâu cũng không thể tha thứ được. Bỗng thấy Kiều Phong đến bên Toàn Quang Thanh, hỏi:
-Toàn đà chúa! Ðà chúa còn muốn nói gì nữa không?
Toàn Quang Thanh nói:
-Bang chúa! Sở dĩ ta phản ngươi là vì giang sơn nhà Ðại Tống, mà cũng vì cơ nghiệp lâu dài của Cái Bang. Nhưng biết rằng, nếu ta nói rõ thân thế và chân tướng ngươi ra thì là người sợ chết. Thôi, ngươi chém phứt ta một đao đi cho rồi.
Kiều Phong trầm ngâm một lát rồi nói:
-Thân thế ta có điều chi không phải, đà chúa cứ việc nói ra.
Toàn Quang Thanh lắc đầu, nói:
-Bây giờ ta có nói cũng phí lời, chẳng ai thèm tin ta. Ngươi giết ta đi là hơn.
Kiều Phong trong lòng nghi hoặc vô cùng, lớn tiếng nói:
-Kẻ đại trượng phu có điều muốn nói là nói, sao còn úp úp mở mở, toan nói rồi lại thôi?
Toàn Quang Thanh đã là hảo hán chết còn chả sợ thì còn huý kỵ gì nữa?
Toàn Quang Thanh cười lạt, nói:
-Ðúng rồi, chết còn chả sợ thì trong thiên hạ còn có điều gì đáng sợ nữa. Gã Kiều kia! Ngươi chém ta một đao đi để ta khỏi phải ở lại thế gian này mà trông thấy cảnh Cái Bang rơi vào tay người Hồ, giang sơn gấm vóc nhà Ðại Tống bị chìm đắm vào ách di dịch.
Kiều Phong nói:
-Thế nào mà bảo Cái bang lọt vào tay người Hồ? Ngươi nói rõ ra!
Toàn Quang Thanh nói:
-Ta đã bảo rồi mà! Bây giờ có nói anh em cũng không ai tin, còn bảo là Toàn mỗ ham sống sợ chết, khua môi múa mỏ. Ta đã liệu chết, có đâu chết rồi còn để cho người sỉ mạ.
Bạch Thế Kính dõng dạc nói:
-Thưa Bang chúa! Gã này lắm mưu nhiều kế, dẻo miệng nói càn để may ra Bang chúa có tha y chăng. Chấp pháp đệ tử đâu, lấy pháp đao ra hành hình!
Một tên đệ tử chấp pháp vâng mệnh rảo bước tiến ra, cầm một lưỡi pháp đao đến bên Toàn Quang Thanh.
Kiều Phong vẫn nhìn chằm chặp vào Toàn Quang Thanh, thấy y có dáng bất bình nhưng thần sắc không lộ vẻ gian trá điêu ngoa, cũng không ra chiều khiếp sợ thì trong lòng lại càng nghi hoặc, quay sang bảo đệ tử chấp pháp:
-Mi đưa pháp đao cho ta!
Ðệ tử chấp pháp kính cẩn hai tay đưa đao lên. Kiều Phong đón lấy pháp đao, hỏi:
-Toàn đà chúa! Ngươi bảo biết rõ thân thế cùng chân tướng ta và việc này có quan hệ đến mối yên nguy của bản bang, vậy thì chân tướng ta thế nào sao ngươi không dám nói thật?
Vừa nói vừa tra đao vào bao.
Kiều Phong nói tiếp:
-Ngươi có hành vi phản loạn, khó lòng tha tính mạng cho ngươi được. Có điều hãy tạm giữ ngươi lại, chờ cho ngươi nói rõ chân tướng ta rồi chính tay ta sẽ giết ngươi. Kiều Phong này không phải nhu nhược như đàn bà mua chuộc ơn huệ. Nếu ta định giết ngươi thì ngươi trốn đâu cho thoát khỏi tay ta! Ngươi cởi bỏ những túi vải trên lưng xuống rồi đi đi. Từ đây sắp tới trong sổ Cái Bang không có tên tuổi ngươi nữa.
Kiều Phong bảo Toàn Quang Thanh cởi bỏ túi vải trên lưng đi là có ý đuổi y ra khỏi bang. Bọn đệ tử Cái Bang, trừ những kẻ mới vào, mỗi người ai cũng có đeo túi vải trên lưng, nhiều thì chín cái, ít thì một cái. Cứ chiếu số túi vải nhiều hay ít mà định ngôi thứ cao hay thấp.
Toàn Quang Thanh nghe lệnh Kiều Phong bảo cởi túi trên lưng xuống thì đột nhiên mặt đầy sát khí, bước lại chụp lấy một thanh pháp đao, cầm lăm lăm nhằm trúng trước ngực mình. Nên biết rằng trong đám giang hồ, người trong bang bị trục xuất thì cái nhục nói sao cho xiết, so với bị xử tử còn ê chề hơn nhiều.
Kiều Phong lạnh lùng nhìn xem quả y có thực sự tự đâm vào mình không.
Toàn Quang Thanh cầm lưỡi pháp đao trong tay rất cương quyết, không run rẩy chút nào. Gã quay đầu lại nhìn Kiều Phong rồi hai người nhìn nhau một lúc. Trong rừng hạnh im phăng phắc không một tiếng động, một hơi thở.
Toàn Quang Thanh thốt nhiên hỏi:
-Kiều Phong! Ngươi vẫn giữ thái độ tự nhiên có thực quả ngươi không tự biết chăng?
Kiều Phong hỏi lại:
-Ngươi bảo ta không tự biết gì?
Toàn Quang Thanh mấp máy môi nhưng không nói gì, từ từ đem pháp đao đặt xuống chỗ cũ, rồi từ từ cởi tám cái túi trên lưng ra, cung kính đặt từng chiếc một xuống.
Ðoàn Dự vốn biết Toàn Quang Thanh là một gã hiểm độc vô cùng nhưng lúc thấy y cởi túi vải ra với nét mặt vô cùng đau khổ cũng không khỏi đau lòng cho y.
Toàn Quang Thanh đang cởi đến cái túi thứ năm, bất thình lình nghe tiếng vó câu dồn dập, dường như có ngựa từ ngoài chạy đến, kế đến hai tiếng sáo miệng.
Có người Cái Bang cũng huýt sáo đáp lại. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một nhanh, thoáng cái đã gần tới nơi. Ngô Trưởng Phong lên giọng ồm ồm hỏi:
-Có biến cố chi gấp vậy?
Người cưỡi ngựa chưa đến nơi thì đột nhiên ở mé Ðông cũng có tiếng người ngựa, nhưng còn xa hơn, chưa nghe được rõ rệt là đi về phương nào.
Trong chốc lát, con ngựa từ phương Bắc đến đã tới ngoài khu rừng.
Một người phóng ngựa nhảy vào khu rừng rồi nghiêng mình xuống yên. Người này mặc áo bào rộng thụng tay, phục sức rất là hoa lệ. Y cởi áo ngoài ra một cách rất mau lẹ để lộ áo cưu y mặc trong ra.
Ðoàn Dự thoáng nghĩ đã hiểu ngay là người Cái Bang cưỡi ngựa rong ruổi rất dễ để cho người ta dòm ngó, bọn quan nha thường ra tra hỏi. Nhưng người đi báo tin việc khẩn cấp cần phải cưỡi ngựa cho kịp đưa tin, họ phải giả trang làm nhà phú thương nhưng bên trong họ vẫn mặc tấm áo cưu y để tỏ ra không quên gốc.
Người này kính cẩn đến trước mặt đà chúa phân đà Ðại Tín, cầm một phong thư nhỏ, nói:
-Việc quân khẩn cấp!...
Chỉ nói được bốn tiếng rồi thở lên hồng hộc, con ngựa y cưỡi cũng hý lên những tiếng bi thảm, ngã lăn ra đất kiệt lực chết ngay. Sứ giả đưa tin chân bước loạng choạng rồi hộc máu tươi ra, ngã lăn xuống đất, xem thơ đủ biết cả người lẫn ngựa rong ruổi đường xa, khí lực kiệt quệ.
Ðà chúa phân đà Ðại Tín nhận được tin của người bản đà đưa lại.
Người này là một đệ tử được phái đến Khất Ðan để do thám. Cứ xem y đeo năm túi cũng đủ biết là y chức phận không nhỏ.
Người Khất Ðan là đám giặc lớn đương đầu với nhà Ðại Tống, thường dấy quân xâm phạm bờ cõi, chiếm đất nhiễu dân,gây nhiều tai hoạ.
Cái Bang thường đóng vai sứ giả, đi lại trong hai nước để ngấm ngầm giúp nhà Ðại Tống.
Ðà chúa thấy ngũ đại đệ tử quên mình cúc cung tận tuỵ với sứ mạng thì biết ngay cái tin đưa đến tất là quan trọng và khẩn cấp vô cùng, nên không tự mình bóc thư ra, cầm cả phong đưa trình Kiều Phong, nói:
-Ðây là quân tình nước Khiết Ðan.
Kiều Phong đón lấy thư, mở ra thì bên trong còn có hộp sáp nhỏ. Ông bóp vỡ hộp sáp, vừa lấy thư ra chưa kịp coi, bất thình lình lại có tiếng vó ngựa rất gấp.
Một người cưỡi ngựa từ phía Ðông đang đi vào. Ðầu ngựa vừa chui vào rừng thì người cưỡi ngựa đã phi thân nhảy xuống, quát lên:
-Kiều Phong! Thư báo quân tình ở Khất Ðan ngươi không được xem!
Mọi người đều giật mình, nhìn xem ai thì ra một ông già râu tóc bạc phơ, mình mặc bộ cưu y vá nhiều chỗ. Ông già đã nhiều tuổi. Hai vị trưởng lão chấp pháp, truyền công đứng dậy, nói:
-Từ trưởng lão! Có việc chi mà đại giá tới đây?
Dân chúng Cái bang nghe tin Từ trưởng lão đến đều tỏ vẻ sửng sốt.
Nguyên Từ trưởng lão có địa vị tối cao ở Cái Bang, năm nay đã tám mươi bảy tuổi. Uông Bang chúa trước kia kêu ông bằng sư bá. Toàn thể người Cái bang đều thuộc hàng hậu bối Từ trưởng lão cả. Lão về ở ẩn đã lâu, không màng chi thế sự nữa.
Hàng năm, Kiều Phong cùng hai vị truyền công, chấp pháp theo lệ thường đến vấn an lão và chỉ nói những chuyện thường trong bản bang. Dè đâu lúc này lão đột ngột đến đây và ngăn Kiều Phong không được xem thư.
Mọi người thấy lão đến đều kinh ngạc.
Kiều Phong vội nắm lấy thư trong hai tay, cúi mình thi lễ, nói:
-Từ trưởng lão vẫn mạnh đấy a!
Rồi mở tay ra, đưa thư lên trước mặt Từ trưởng lão.
Kiều Phong là đương kim chúa tể Cái Bang, tuy địa vị của ông còn ở vai dưới Từ trưởng lão, nhưng gặp việc lớn trong bang trưởng lão vẫn phải tuân theo hiệu lệnh của ông. Ðừng nói là Từ trưởng lão, ngay đến các vị Bang chúa đời xưa phục sinh cũng vẫn phải tuân theo.
Không ngờ Từ trưởng lão lại không cho ông xem thư báo cấp về quân tình Khất Ðan mà ông không cự nự chút nào. Chính Từ trưởng lão cũng phải ngạc nhiên. Lão biết là việc cực kỳ quan trọng, nói:
-Tôi xin vô phép.
Ðoạn cầm ngay lấy thư ở trong tay Kiều Phong, lớn tiếng nói:
-Bà quả phụ Mã Ðại Nguyên sắp tới đây, có điều trần tình với các vị, mong các vị ở lại cả đây chờ nàng.
Dân chúng bang chăm chú nhìn Kiều Phong để xem ông bảo sao.
Kiều Phong nói:
-Giả tỷ là việc quan trọng thì chúng tôi ở lại đây chờ bà cũng không quản ngại.
Từ trưởng lão nói:
-Dĩ nhiên là việc trọng đại.
Từ chỉ nói vậy rồi không thêm gì nữa, hướng về Kiều Phong làm lễ tham kiến Bang chúa, đoạn ngồi xuống một bên. Ðoàn Dự đương tính thừa cơ lúc này nói chuyện với Vương Ngọc Yến. Chàng hỏi nhỏ:
-Vương cô nương! Lúc này Cái Bang đang lắm việc, chúng ta nên lánh đi hay cứ ở đây xem sao?
Vương Ngọc Yến nhíu đôi lông mày, đáp:
-Chúng ta là người ngoài, chẳng nên tham dự vào việc cơ mật của người.
Nhưng... nhưng không biết họ có tranh luận gì liên quan đến biểu ca ta không? Ta cứ thử nghe xem sao?
Ðoàn Dự phụ hoạ, nói:
-Phải đó! Theo lời họ nói thì dường như Mã Phó Bang chúa bị biểu huynh cô giết chết, để lại vợ goá không nơi nương tựa, tình trạng rất đáng thương.
Ngọc Yến vội nói:
-Không! Không phải đâu! Mã Phó Bang chúa không phải biểu ca ta giết. Kiều Bang chúa chẳng bảo thế là gì?
Nói đến đây lại nghe tiếng vó ngựa. Hai kỵ mã trông vào rừng hạnh đi tới.
Nguyên người Cái bang đã để lại bên đường dấu hiệu cho người bổn bang nhận biết đường mà đến hội họp. Ai cũng tưởng trong hai người này thì một là vợ Mã Ðại Nguyên, nhưng té ra không phải mà lại là một ông già và một bà già. Ông già thì bé nhỏ và thấp lủn củn còn bà già thì lại cao lớn phốp pháp, trông rất buồn cười.
Kiều Phong vừa trông thấy, vội vàng ra tiếp đón, nói:
-Hai vị Ðàm ông, Ðàm bà tại động Xung Tiêu núi Hoa Sơn giá lâm! Tôi không kịp ra đón, xin thứ lỗi cho Kiều Phong này.
Từ trưởng lão cùng các vị trưởng lão truyền công, chấp pháp cả thảy sáu người nhất tề bước ra thi lễ.
Ðoàn Dự biết ngay Ðàm công, Ðàm bà là hai nhân vật có danh vọng rất lớn trong võ lâm.
Bỗng thấy Ðàm bà nói:
-Kiều Bang chúa! Trên vai Bang chúa cắm bốn lưỡi đao làm trò gì vậy?
Nói rồi vươn tay ra nhổ bốn lưỡi đao, thủ pháp bà mau lẹ dị thường. Ðàm bà vừa nhổ đao xong, Ðàm ông tức khắc lấy trong bọc ra một cái bình sứ, mở nắp dốc thuốc tán thoa vào vai Kiều Phong. Thứ thuốc Kim Sang này vừa bôi vào, miệng vết thương đang vọt máu tươi ra mà lập tức ngừng chảy ngay.
Thủ pháp Ðàm bà nhổ đao đã mau lẹ ít người bì kịp, Ðàm ông lấy bình, mở nút dốc thuốc rịt thương, cầm máu, mấy động tác này tuy cũng mau lẹ dị thường nhưng người ta trông thấy rõ ràng, chẳng khác gì ma quỷ lộng phép.
Thuốc Kim Sang bôi đến đâu cầm máu đến đó, hiệu nghiệm như thần.
Kiều Phong đã biết vợ chồng Ðàm ông Ðàm bà là bậc cao nhân tiền bối trongvõ lâm. Lúc này thấy hai người nhổ đao trị thương cho mình dù là cử chỉ có hơi lỗ mãng, nhưng trong lòng cảm kích vô cùng. Giữa lúc ông ngỏ lời cảm tạ, đã cảm thấy vai mình đang tê buốt chuyển sang ngứa ngáy vã đã đỡ đau nhiều.
Ðàm bà lại hỏi:
-Kiều Bang chúa! Kẻ nào lớn mật dám lấy đao đả thương Bang chúa?
Kiều Phong cười, đáp:
-Chính tôi tự đâm vào đó!
Ðàm bà lấy làm lạ, hỏi:
-Sao lại tự đâm như vậy, chẳng hoá ra tự làm cho mình đau đớn?
Kiều Phong nghĩ bụng: "Việc nội biến trong bang mình không nên nói rõ cho người ngoài biết để bản bang cùng các vị trưởng lão khỏi mất thể diện", liền đáp:
-Ðó là tôi thử chơi. Cái vai u thịt bắp này dù có bị thương cũng không vào đến gân cốt.
Bốn vị trưởng lão Tống, Hồ, Trần, Ngô thấy Kiều Phong giấu nhẹm chân tướng cho mình thì trong lòng ngấm ngầm lấy làm hổ thẹn.
Ðàm bà cười khanh khách, nói:
-À ! Bang Chúa nói dối ta. Nhưng ta biết cả rồi! Ngôi sao chiếu mệnh của Bang chúa quả là linh thiêng, y biết Ðàm công vừa mới chế được thứ thuốc chữa vết thương linh nghiệm vô song, có chỗ đem ra thí nghiệm.
Kiều Phong chẳng bảo là phải cũng chẳng cãi là không, chỉ mỉm cười. Ông nghĩ bụng:
-"Bà cụ này kéo bông đùa. Ai hơi đâu mà tự đâm mình mấy nhát dao để lấy chỗ thử thuốc của nhà bà xem có linh nghiệm hay không?
Ðàm bà lại hỏi:
-Mã quả phụ đâu? Nàng mời chúng ta đến đây mà chính nàng lại chưa tới ư?
Kiều Phong còn đang ngạc nhiên bỗng nghe chân ngựa lộp cộp, rồi một con lừa đột nhiên tiến vào rừng, trên lưng có một người ngồi quay mặt trở lại.
Ðàm bà lửa giận bốc lên, quát:
-Triệu Tiền Tôn! Thấy mụ đây, sao còn dám vô lễ? Ta đánh cho bét đít bây giờ!
Ai nấy nhìn người cưỡi lừa thì thấy y ngồi co người lại, tựa hồ như đứa nhỏ mới lên bẩy, lên tám.
Ðàm bà thò tay ra vỗ vào đít gã. Gã lăn long lóc xuống đất, đột nhiên vươn tay duỗi chân biến thành một người rất cao lớn. Mọi người thấy vậy cả kinh.
Ðàm công nét mặt vẫn thản nhiên, hỏi:
-Lý huynh! Lại muốn làm trò khỉ gì đó? Ta cứ nhìn thấy mặt ngươi là khó chịu!
Gã này dường như tuổi già nhưng thực không phải là già mà bảo y còn trẻ thì không chắc đã trẻ, có thể phỏng đoán y từ ba mươi đến sáu mươi tuổi. Còn về tướng mạo, xấu không xấu hẳn, đẹp không đẹp thật. Gã không nói năng gì đến Ðàm ông, quay lại bảo Ðàm bà:
-Tiểu Quyên! Gần đây vẫn vui vẻ chứ?
Ðàm bà người to lớn như hộ pháp, tóc trắng như bạc, mặt đầy dăn deo, tên bà là Tiểu Quyên như có vẻ yểu điệu thướt tha, nên mọi người thấy Triệu Tiền Tôn kêu bà rằng Tiểu Quyên đều phải phì cười.
Ðoàn Dự đang nghĩ thầm:
-Các bà lúc còn nhỏ thường gọi là Tiểu Quyên, sao lúc già không đổi là Lão Quyên?
Bỗng lại nghe tiếng chân ngựa. Nhưng những người cưỡi ngựa đến lần này không phi mau.
Kiều Phong đang nhìn gã tên gọi Triệu Tiền Tôn, chưa đoán ra gã là nhân vật thế nào. Ông thấy gã là bạn tương chi với Ðàm công Ðàm bà, lại vận động phép "Xúc cốt công" ngồi trên lưng lừa, thì biết ngay không phải hạng tầm thường.
Nhưng đã là cao thủ bậc nhất mà sao mình chưa được nghe tên tuổi bao giờ, nên không khỏi ngạc nhiên.
Mấy người cưỡi ngựa vừa vào rừng hạnh, thì đi trước là năm chàng thanh niên mày thô mắt lớn, tướng mạo hao hao giống nhau. Người lớn nhất độ ngoài ba mươi, người nhỏ nhất cũng ngoài hai mươi, rõ ràng là năm anh em cùng một mẹ sinh ra.
Ngô Trưởng Phong lớn tiếng hỏi:
-Thái Sơn ngũ hùng đã đến, hay quá! Không biết luồng gió ở đâu đã thổi năm anh em đến đây?
Nguyên gã thứ ba trong Thái Sơn ngũ hùng tên gọi Ðơn Thức Sơn là bạn vong niên với Ngô trưởng lão, gã cướp lời:
-Ngô tứ ca vẫn mạnh giỏi chứ? Gia gia tôi sắp đến đó.
Ngô Trưởng Phong biến sắc, nói:
-Có thật gia gia hiền đệ...
Vì lão phạm luật trong bang, trong lòng đương băn khoăn, nghe tin vị thiết diện phán quan ở Thái Sơn là Ðơn Chính đột nhiên tới đây, không khỏi lo thầm nên không hỏi nữa. Nguyên thiết diện phán quan Ðơn Chính vốn ghét kẻ làm bậy như là cừu địch. Khi ông nghe thấy việc bất công trong đám giang hồ là lập tức ra tay can thiệp. Bản lĩnh ông rất cao.
Trừ năm gã con trai ga, ông còn thu nạp rất nhiều môn đồ, đệ tử đồ tôn có hơn trăm người. Cái tên Thái Sơn Ðơn gia người trong võ lâm ai nghe thấy cũng phải kiêng nể.
Một người cưỡi ngựa nữa tiến vào rừng. Bọn Thái Sơn ngũ hùng nhất tề bước tới đón đầu ngựa. Trên lưng ngựa, một ông già mặc áo trường bào bằng tơ tằm nhẹ nhàng nhảy xuống, trông Kiều Phong chắp tay nói:
-Kiều Bang chúa! Ðơn Chính này không được mời mà tự đến đây quấy nhiễu!
Kiều Phong đã từng nghe tiếng Ðơn Chính nhưng nay mới được gặp, thấy ông già mặt mũi hồng hào thật xứng với bốn chữ "Ðông Nhan Hạc Phát". Tướng mạo ông coi rất khiêm hoà chứ không phải là người lạnh nhạt như tiếng đồn.
Kiều Phong khoanh tay đáp lễ, nói:
-Nếu Kiều mỗ được biết trước Ðơn lão tiền bối đại giá đến đây đã ra xa nghênh tiếp mới phải.
Người cưỡi lừa nói bằng một giọng khác thường:
-Ừ phải! Có là thiết diện phán quan đến thì mới ra xa đón tiếp. Chứ tôi đây là thiết thí cổ phán quan thì người ta ra xa đón làm gì?
Mọi người nghe đến năm chữ ngoại hiệu "thiết thí cổ phán quan" bất giác cười rộ.
Ba cô Vương Ngọc Yến, A Châu, A Bích tuy biết cười là bất nhã nhưng không nhịn được đều tủm tỉm.
Bọn Thái Sơn ngũ hùng thấy người kia nói vậy biết là gã có ý khinh mạn phụ thân mình, đều giận tím mặt. Song gia pháp nhà họ Ðơn rất nghiêm ngặt. Ðơn Chính chưa phát biểu ý kiến thì các con đều không dám ra tay.
Ðơn Chính là người nhẫn nhục, lại chưa biết rõ lai lịch con người quái dị kia, liền giả vờ như không nghe tiếng.
Ông nói:
-Xin mời Mã phu nhân ra nói chuyện.
Phía sau rừng một cỗ kiệu nhỏ chuyền ra. Hai gã hán tử khiêng kiệu chạy nhanh như bay đến giữa rừng hạ kiệu xuống. Bức màn kiệu vén lên, một thiếu phụ toàn thân mặc đồ trắng từ trong màn kiệu vén lên, thong thả bước ra. Thiếu phụ cúi mặt xuống, hướng về phía Kiều Phong vái chào rất cung kính, nói:
-Vị vong nhân (người goá chồng) nhà họ Mã là Ôn thị xin tham kiến Bang chúa.
Chính Mã Ðại Nguyên cũng chỉ gặp Kiều Phong trong những trường hợp có việc bổn bang còn ngoài ra ít gặp nhau, còn Mã phu nhân thì chưa ra khỏi cửa nên Bang chúa chưa từng biết mặt. Kiều Phong đáp lễ, nói:
-Kính chào tẩu tẩu!
Mã phu nhân nói:
-Tiên phu chẳng may tạ thế, được nhờ Bang chúa cùng các vị bá thúc lo liệu tang ma cho, ơn ấy vị vong nhân xin ghi lòng tạc dạ.
Tiếng nàng trong như chuông đồng, mới nghe đã biết nàng còn ít tuổi, nhưng thuỷ chung nàng vẫn nhìn xuống đất, nên không trông rõ dung nhan.
Kiều Phong coi tình hình, biết là mã phu nhân đã phát giác ra điều gì quan trọng về cái chết của chồng nàng nên mới thân hành đến đây. Song là việc bổn bang mà nàng không báo cho Bang chúa biết trước, lại đi cầu thiết diện phán quan tác chủ, thì bên trong tất có điều khuất khúc.
Kiều Phong quay đầu lại nhìn vị trưởng lão chấp pháp là Bạch Thế Kính, thì giữa lúc ấy Bạch cũng đương nhìn ông. Bốn luồng nhãn quang đều lộ vẻ kinh nghi.
Kiều Phong nghĩ mình nên tiếp khách trước rồi sẽ bàn đến việc bản bang sau. Ông quay sang nói với Ðơn Chính:
-Ðơn lão tiền bối! Tiền bối có quen biết với ông bà họ Ðàm tại động Xung Tiêu núi Hoa Sơn không?
Ðơn Chính chắp tay, đáp:
-Tôi vẫn hâm mộ oai danh họ Ðàm bấy lâu, nay được gặp đây thật là may mắn!
Kiều Phong nói:
-Tôi xin đưa tiền bối cùng Ðàm lão gia tương kiến cho phải lễ.
Ðàm ông chưa đáp thì người cưỡi lừa đã nói:
-Tôi họ Song tên Oai (!) biệt hiệu là "thiết thí cổ phán quan"
(thiếu 110-111)
-Chúng ta đến đây là khách của Cái Bang, nếu cùng nhau đấu khẩu chẳng hoá ra không biết nể mặt chủ nhân. Chờ khi xong việc ở đây tôi sẽ xin lĩnh giáo các hạ mấy đòn. Bá Sơn! Bây giờ con cứ nói đi!
Ðơn Bá Sơn căm tức những muốn rút đao chém cho mấy nhát mới hả giận nhưng gã cố nhịn, nói với Kiều Phong:
-Kiều Bang chúa! Công việc của quý bang đáng lý cha con chúng tôi không dám can thiệp vào. Song gia gia tôi đã nói "Người quân tử yêu người có đức độ".
Gã nói đến đó đưa mắt nhìn Triệu Tiền Tôn xem y có học lại không. Nếu y học lại cả câu "Gia gia tôi đã nói..." thì ra y gọi Ðơn Chính bằng gia gia rồi. Dè đâu Triệu Tiền Tôn cũng học lại đúng như vậy:
-Kiều Bang chúa! Công việc của quý bang đáng lý cha con chúng tôi không dám can thiệp vào. Song con tôi nó bảo "Người quân tử yêu người có đức độ".
Thế là câu này y chỉ đổi hai chữ "gia gia" ra hai chữ "con tôi". Mọi người nghe thấy ai cũng chau mày cho là Triệu Tiền Tôn hỗn xược quá, e rằng không khỏi đổ máu.
Ðơn Chính nói:
-Tôi xem ra các hạ có điều gì giận tôi. Nhưng các hạ cùng tôi vốn không quen biết. Giả tỷ tôi có điều chi lầm lỗi thì xin các hạ bảo rõ cho, nếu tại hạ quả có điều không phải, lập tức sẽ xin bồi tội.
Mọi người nghe Ðơn Chính nói vậy đều khen ông nhũn nhặn, xứng đáng là người nghĩa hiệp nổi tiếng ở Trung Nguyên.
Triệu Tiền Tôn nói:
-Các hạ không có lỗi gì với tôi hết, nhưng có lỗi với Tiểu Quyên thì còn khả ố gấp mười là có lỗi với tôi.
Bookmarks