Kỳ 5

KẺ KHÁC

Huế những ngày vừa nhập học trở lại.

Phong trào chống liên danh độc diễn Nguyễn Văn Thiệu lên hơi. Phong trào chống Mỹ cứu nước bốc khói. Những khẩu hiệu đòi Đoàn Kết đòi Nối Vòng Tay Lớn đòi thỏa hiệp với Miền Bắc, những truyền đơn sền sệt mùi đường lối của Mặt Trận Liên Hiệp với Việt Cộng bay phấp phới nhấp nhô giữa những đoàn biểu tình hạ trắng này.

Một buổi chiều sinh viên biểu tình lao xao đường phố. Bích Chi đến trường. Trường đóng cửa. Bích Chi trở về nhà. Thấy một lũ học trò đang đứng trước ngỏ nhà mình.

Tôn Nữ Mai Phương hớt hãi:

- Nguy rồi Chi ơi. Ông David đang ở trong nhà tề.

- Tụi hắn đang biểu tình chống Mỹ rần rật ngoài phố. Diệu Lý nói.

Hẹn hò nhau ở đâu cũng được nhưng mỗi khi David mò đến nhà trọ là Liễu nhăn nhó vò đầu bứt tai: "Cái ông này, đã nói là đừng đến nhà. Cái thành phố lắm chuyện này".

Thành phố Huế nhà nào cũng cổng trước vườn sau phen ngang dậu dọc. Nhưng những cặp mắt trong nhà nhìn ra ngoài đường nhìn qua hàng xóm thì thấu suốt đến mấy cõi riêng tây. Để rồi chuyện gì xảy ra ở đâu ngày hôm trước ngày hôm sau là cả làng cả phố đều biết.

Bích Chi đi vào trong nhà. Đôi tình nhân đang ngồi bên nhau ở cái bàn học nhìn ra cửa sổ có dậu tre thổi rủ rê sau vườn. Bích Chi lôi Liễu ra sau nhà:

- Bọn hắn biểu tình đứa nào tay cũng cầm chai xăng lăm lăm chực đốt xe Mỹ. Bộ mi khùng hay sao mà để đến nhà bữa nay.

Liễu nói giọng run run:

- Nhưng Bích Chi ơi. Tình hình kiểu ni. Ông David nói thăm tao lần cuối. Rồi rời Huế. Về Sài Gòn và sẽ về Hoa Kỳ luôn. Nên tao không nỡ từ chối.

Đến chiều đài phát thanh loan tin những ngả đường vẫn còn những người biểu tình. Những người Mỹ trong thành phố không thể di chuyển đi đâu. Vài nhà báo ngoại quốc từ Sài Gòn ra săn tin phải đeo bảng hiệu trên xe trên ngực nếu không xe họ cũng dễ làm mồi cho những ngọn lửa.

Khi David ngỏ ý muốn ra về một mình. Bọn học trò con gái nối vòng tay nhỏ trước ngỏ nhao nhao.

- Khoan đã thầy.

- Chờ thêm tí xíu nữa thầy.

Mọi người trong nhà thấp thỏm quay quanh cái radio nghe ngóng. Tình hình vẫn không lắng dịu vào lúc sáu giờ chiều.

Cuối cùng nàng Liễu quay sang nói với người bạn nam sinh viên cùng lớp đã đến đây từ chiều để canh chừng cho ông thầy. "Anh Tá, anh cho Liễu mượn cái xe của anh được không. Để Liễu đưa ông ấy về".

- Ôi chao Liễu ơi. An nói giật lùi. Mi to gan rứa.

- Có tao ngồi sau lưng ông ta. Liễu nói. Chắc tụi hắn không nỡ đốt xe.

- Mi ngồi sau cái xe ni. Bích Chi vặn tay lái chiếc xe gắn máy và nói. Tiếng đồn vang vang thành phố Huế. Nếu tiếng đồn vượt núi vượt đèo Hải Vân bay về Đà Nẵng. Cha của mi nghe được. Mi sẽ ăn nói ra sao với gia đình.
Nhưng nàng Liễu đã đi thay chiếc áo dài lụa gân vàng. Thả cái kẹp. Buông mái tóc thề ngang vai ra. Leo lên ngồi phía sau xe Honda cho David chở qua những con mắt kinh ngạc trông theo của bạn bè.

David chạy xe hướng về tòa lãnh sự Hoa Kỳ. Nhưng xe vừa qua cầu Phú Cam là đã có những chiếc xe đạp hoặc xe gắn máy chở từng hai thanh niên một chạy ké kè theo.

- David đi hướng này.

- Thầy rẽ qua đây.

Liễu nói qua vai tình nhân. Liễu chỉ nhìn con đường mà không nhìn ngang không nhìn dọc không nhìn qua vô số những cặp mắt như đang đổ rốc bao nhiêu lửa hạ vào đứa con gái nhỏ bé ngồi sau lưng một người ngoại quốc chạy phon phon trên đường phố Huế.

Chưa đến tòa lãnh sự, David gặp một chiếc xe chở đầy ký giả ngoại quốc. David nhận ra một người quen trên xe. Dừng lại và leo lên xe ký giả.

Liễu nắm ngay lấy tay lái chưa tắt máy. Nàng chỉ kịp ngước mắt nhìn lên và nói một câu:

- David đi an toàn.

Rồi rồ ga. Phóng đi. Giữa bao nhiêu giọng nói trầm bỗng của đám đông vây quanh:

- Đồ ngựa Thượng Tứ.

- Đồ đĩ bồ với Mỹ.

Một tuần lễ sau, Liễu bị triệu hồi về Đà Nẵng.

Người đàn ông đã không bay về Sài Gòn ngay mà dừng ngang Đà Nẵng. Nấn ná lân la tìm đến nhà Liễu hỏi thăm tin tức người thiếu nữ. Người cha lễ độ trả lời thay cho con gái: "Yêu cầu ông không nên đến nhà này. Chúng tôi không muốn ông đến đây một lần nào nữa".

- Trong bữa cơm chiều, Liễu nói. Cha em cầm một cái kéo giơ lên và nói nếu em còn đi chơi với anh lần nào nữa ông sẽ cắt mái tóc của em.

Đôi tình nhân lén lút hẹn hò nhau ở nhà một người bạn của David trong tuần lễ Liễu bị gọi về Đà Nẵng.

- Chúng ta không thể kéo dài mãi tình trạng này. David nhìn sâu vào đôi mắt người con gái và nói. Em làm cho tôi điên cái đầu mất.

Người con gái im lặng.

- Sao em không lên tiếng. Người đàn ông thúc dục.

Giòng nước mắt òa vỡ trên khuôn mặt cô gái.

Người đàn ông cầm bàn tay người con gái vân vê.

- Tôi muốn em sẽ đi cùng với tôi. Sao em không trả lời câu này.

Người đàn ông đứng lên vòng tay quanh quẩn và vuốt những sợi râu lún phún mấy ngày chưa cạo. Nói giọng trầm trầm:

- Tôi không trách cha em. Cuộc chiến thô bỉ này đã che mờ đi nhiều thứ. Nhưng còn giữa em và tôi. Giữa chúng ta không có điều gì ngăn cản. Tại sao ngay cả đến lúc như thế này mà em vẫn im lặng được. Tôi không thể hiểu được tại sao em có thể sống với những khó khăn mà không tỏ vẻ gì đau khổ.

Đôi mắt người thiếu nữ nhìn xuống và nói:

- David… khác.

- Khác những gì. Người đàn ông đối diện khuôn mặt cô gái. Người ta có quyền hành động theo những điều mà họ tin tưởng. Rất là giản dị, Liễu… Em phải can đảm lên. Phải dám sống với những điều em nghĩ là đúng. Tại sao em không thể sống như vậy.

Bốn giờ chiều trong phòng khách của người bạn David tối mờ mờ. Cửa đóng kín mít. Người đàn ông tiếp tục xổ ra một tràng dài tại sao tại sao và tại sao. Người thiếu nữ cúi mặt rầu rầu một cách bình thản. Mái tóc rẻ bên buông xuống nửa khuôn mặt mỏng manh. Tay tiếp tục vân vê hai vạt áo dài và tiếp tục tuyệt ngôn.

Bất ngờ có tiếng gõ cửa và tiếng kêu của đứa em gái Liễu. Hà mới mười ba tuổi, ào ập vào trong nhà và hốt hoảng thất thanh chị Liễu ơi chị Liễu ơi chị về ngay. Cha đã biết chị đang ở đâu. Cha đang ngồi chờ chị ở nhà. Mẹ nói em phải đi kiếm chị về nhà ngay lập tức.



Liễu về đến nhà. Cha Liễu xởn ngay mái tóc lên sát gáy. "Nếu mi muốn đi theo hắn thì cứ việc đi. Ông nói. Nhưng đừng bao giờ về nhà này thưa mẹ thưa cha với tao nữa".

Ba tháng sau Liễu nhận lời làm đám hỏi với Quý, người cùng quê, một dược sĩ quân y.

Một ngày cuối tuần, Liễu và Bích Chi hẹn nhau ra Huế dọn nhà. Ngồi trên chuyến xe đò con cóc lắc lư vượt đèo Hải Vân, Bích Chi nói:

- Cha mi đã có vẻ mãn nguyện khi mi nhận lời người ta. Cha mi vui vẻ ra rồi không còn đăm đăm khó chịu như hôm trước tao sang nhà thăm mi.

Liễu ngồi bên cạnh thừ người, nhìn xuống cái đèo Hải Vân có những cái mỏm đá hoác miệng ra như chực nuốt trửng bất cứ thứ gì lăn xuống dưới.

- Đâu chỉ một mình mi sắp sửa lấy chồng, Bích Chi tiếp. Thiên hạ cũng sắp sửa Liễu ơi.

- Thiên hạ nào sắp sửa. Liễu nói.

- Ông Phương sắp sửa lấy vợ. Sáng hôm qua nhà Phương mang quà đám hỏi ra biếu nhà tao. Lấy con bé hàng xóm tao cũng quen.

- Tưởng mình tao ào ào. Không ngờ lại có người âm thầm hỉ.

Rồi nàng cất cao giọng:

- Bỗng dưng tao thấy gần gũi ông Phương. Tao hiểu ông Phương. Tao thương ông Phương. Ôi chao là tình gia đình. Tình gia đình hất chân hất cẳng người yêu đi chỗ khác chơi. Tình gia đình nặng như trái núi đè bẹp hết mọi phún thạch lùng bùng trong tim. Bởi vậy ông Phương mới đi hỏi vợ. Bởi vậy tao mới đi lấy chồng. Bởi vậy ông Phương mới nhường mi cho ông Hưng cho trọn tình anh em. Tao biết chắc nếu gặp một tình địch khác không phải là ông anh thì còn lâu ông Phương mới nhường mi lại. "Một sự nhịn là chín sự lành". Ông Phương đã xử đúng lời mẹ dạy. Làm tao chợt liên tưởng đến sự tích Trầu Cau hai anh em nhà họ Lưu đã đi hỏi vợ. Bữa nào đám hỏi tao cũng sẽ đi mua một thúng trầu cau về phân phát cho mọi người. Mi thử nghĩ lại đi Chi. Ai bày ra miếng trầu miếng cau kết duyên vợ chồng thật là chơi ác những kẻ trong cuộc. Chung kết hạnh phúc lứa đôi trai gái bị mang đi tế bằng miếng trầu miếng cau nhai cay nhai đắng để rồi nhả ra một miếng nước bọt đỏ lòm lom như miếng máu thần lực thổ huyết. Để nhớ rằng sự tích Trầu Cau không chỉ có hai mạng vợ chồng một đôi một bóng. Để nhớ rằng trong miếng trầu miếng cau kết duyên vợ chồng đó có khiêng có phụ có kèm theo miếng vôi trộn lẫn giòng máu thắm thiết của thân nhân thứ ba. Ba mạng chứ không phải hai mạng đâu nghe hai con.

Một thứ của lễ đầy bi kịch rứa là bày ra dằng mặt hai kẻ lấy nhau đấy. Như nhắc nhở rằng hạnh phúc riêng nào cũng phải kèm theo phải ghi nhớ đến hạnh phúc của kẻ khác. Kẻ khác là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em, là bà con hai họ, là hàng xóm láng giềng. Kẻ khác. Kẻ khác. Sao là hạnh phúc của kẻ khác mà không phải là hạnh phúc của riêng ta. Sao kẻ khác lại đi chiếm cứ đời ta đến như thế. Ôi là cái gia đình Việt Nam.

- Mi còn tương tư ông David.

- Còn rủ tao trốn nhà vô Sài Gòn rồi trốn đi Ohio.

- Tặng cho mi quyển truyện Roméo với Juliette.

- Tức cười lắm Chi ơi. David còn ở trong Sài Gòn chờ tao. Còn viết thư cho tao. Còn thỉnh thoảng bay ra Đà Nẵng gặp tao. Ông ấy đau khổ lắm và tưởng tao cũng đau khổ đến chết đi được.

- Mi không đau khổ hả Liễu.

- Không. Người thiếu nữ đất Ngũ Phụng Tề Phi nói rất nhẹ. Tao không còn đau khổ không còn sầu mộng không còn giận hờn chi nữa. Lúc đầu tao giận cha tao bầm gan tím ruột. Tao nhịn ăn một tuần lễ. Tao tịnh khẩu nửa tháng trời. Sau đó một hôm thức dậy tao bỗng nhớ tới hình ảnh con An ngoài Huế. Cái hình ảnh mỗi buổi tối ba đứa mình leo lên giường ngủ. Mi còn nhớ là con An thường leo lên giường sau cùng trong khi tao với mi tranh nhau chui vô mùng trước. Tối tối trước khi ngủ con An không khi nào quên thắp một quẻ nhang niệm phật. Rồi hắn luôn luôn đi ngủ với một vẻ mặt hết sức êm đềm hết sức bình thản. Tao bỗng nhớ đến khuôn mặt êm đềm của An rồi tao bắt chước hắn. Cũng thắp một cây nhang đứng niệm trước bàn thờ phật rồi mới đi ngủ. Bỗng dưng lòng tao lắng đọng xuống. Bỗng dưng tao ngộ ra rằng sống cho người khác cũng là một cách sống. Làm cho cha mẹ anh em họ hàng vui. Làm cho người khác hạnh phúc cũng là một thứ hạnh phúc ở đời vậy. Tao nhủ tao hãy hạ cơn giận hờn xuống. Tao nhủ tao hãy học tập lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình.



TIẾNG THÉT GIỮA ĐÊM

Hồi vừa thi đậu trung học mọi việc có vẻ như đã thu xếp xong xuôi. Thu Hồng sẽ được giới thiệu vào làm thư ký ở ty cảnh sát. Vai trò của một cán bộ nằm vùng ở trong ty này khó lọt qua con mắt an ninh của chính quyền Đà Nẵng. Vậy mà tin báo về cho biết Thu Hồng có thể được nhận vào làm thư ký.

- Con gái học chi cao.

Tỉnh ủy Nhất nói khi tỏ ý muốn giao cho Thu Hồng công tác.

- Kệ. Bà Hội nói. Hắn con nuôi tui. Để yên cho hắn học.

Bà Hội bây giờ sống rất lưu động. Bà không còn buôn bán thuốc tể nữa, mà chuyển sang buôn bán đồ chợ trời. Bà đi đây đi đó liên miên. Đà Nẵng một tuần. An Hòa hai tuần. Vì ở An Hòa có căn cứ Mỹ nên hàng chợ trời dễ mua đi bán lại. Bà Hội chuyên mua bán hàng lính như thuốc Tây, mền dù, thuốc lá, đường v..v… Trong ngôi nhà vừa tậu ở Đà Nẵng bà cho kê tủ lạnh, máy hát đầy nhà. Bà Hội làm ăn rất lên. Tiền bạc để trong xách tay từng xấp từng xấp.

Mùa hè vừa hết, bà Hội về nhà ăn bữa cơm chiều, nói với Thu Hồng:

- Mi học tiếp đệ tam đi. Không nhận việc của ai cả. Tao nói là được.

Đến khi Thu Hồng đậu xong cái bằng tú tài bán, Bà Hội cho tiền sắm hai xấp áo dài và nói:

- Cái trường Sư Phạm Quy Nhơn thằng con ông Lắm học là cái trường chi mà mi ham đi vô trong nớ học rứa.

- Học ở đó hai năm thì họ bổ mình đi dạy các trường tiểu học công.

- Lâu nay mi dạy bọn con nít ở "trong" cũng được. Cần chi học thêm.

- Đi học thì hiểu biết hơn. Có cái bằng cũng hơn.

Trong thâm tâm Thu Hồng không bao giờ nghĩ giấc mơ của mình có ngày thành tựu. Thu Hồng chỉ mơ ước đi học trường Sư Phạm Quy Nhơn. Không mơ ước chi cao sang như đi Huế đi Sài Gòn học đại học to lớn. Chỉ mơ đi trường Sư Phạm Quy Nhơn làm cô giáo tiểu học như chị Thu Hương, chị Dung, chị Thanh Nhàn. Mấy chị lớp lớn rộn ràng mỗi mùa hè sắm áo dài sắm gương lược guốc dép mới. Họ tíu tít đầu ngỏ ngày mai mua vé xe đò chuyến mấy giờ sáng. Họ thầm thì vào trong trường chừ ai đã bồ bịch với ai. Họ lớn hơn một khúc, tóc họ mượt hơn, môi họ xinh hơn, má họ hồng hơn lao xao cười nói mỗi lần nghỉ về ăn tết.

- Học xong xin đổi về gần nội tỉnh Quảng Nam ni cũng dễ lắm. Thu Hồng nì nài. Anh Toán con ông Lắm nói về mấy quận như Đại Lộc dễ hết sức vì không an ninh nên không mấy người chọn. Mình tha hồ chọn.

Mấy tuần lễ sau bà Hội về báo tin:

- Để anh Bảy dẫn mi đi Quy Nhơn.

Thu Hồng nộp đơn xong thì ghé nhà Hiền và báo tin.

- Mừng cho Thu Hồng. Hiền nắm tay bạn và nói. Mình thực sự mừng cho Thu Hồng. Mình biết Thu Hồng học giỏi vậy nếu Thu Hồng học lên cao là làm giáo sư đại học chứ không phải chỉ tiểu học. Mình tiếc là Thu Hồng không được tiếp tục học lên. Thật uổng. Thật phí một người tài giỏi.

Thu Hồng nhìn Hiền. Cả hai đứng trong sân trường nhìn ngôi trường yêu dấu sắp phải chia xa. Hiền mặc áo cánh tay màu xanh ngọc. Làn da trắng mịn như thể mưa nắng chưa thấm sâu thấm đậm đến lớp biểu bì dưới. Khuôn mặt Thu Hồng đang tươi tỉnh bỗng trở nên u buồn.

- Mình xin lỗi. Hiền xuýt xoa. Tại mình biết bồ hiếu học lắm nên mới tiếc. Bạn bè ai cũng biết bồ mất hết ba má nên không phải hễ muốn điều gì là có thể toại nguyện điều đó. Mỗi lần trường khai giảng, thấy bồ được trở lại lớp ai cũng mừng cho bồ. Mình và Vân vẫn luôn luôn mong Thu Hồng gặp những điều may mắn và vui vẻ hơn khi vào Quy Nhơn học. À mà anh Long của Vân hỏi thăm tại sao Thu Hồng không đến ăn khao bữa mừng tụi mình thi đậu.

Thu Hồng đội chiếc nón lên và nói:

- Chắc mình phải về.

- Hồi nãy Thu Hồng nói đến nhà Vân hôm nay được mà. Bộ bà thím bồ về nhà bữa nay hả.

- Không. Nhưng mà chắc mình không thể đến nhà Vân lần này. Thu Hồng ngập ngừng rồi nói. Hiền có đến nhà Vân bữa nay thì nói với Vân là mình rất quý Vân và anh Long của Vân.

Thu Hồng quay đi trong khi Hiền ngơ ngác không hiểu tại sao Thu Hồng đổi ý nhanh vậy.

Từ đó đến nay đã nửa năm. Thu Hồng đã đi Quy Nhơn học và nay mới có dịp về quê ăn tết.

Vừa từ Quy Nhơn về hôm đưa Ông Táo, ngày hôm sau chưa kịp đi tảo mộ mẹ, Thu Hồng đã phải đi nhận công tác.

Đợt dân công này đang được huy động để di chuyển súng đạn về vùng cát. Chiến dịch vĩ đại và bao trùm nhiều trạm nhiều cơ sở địa phương.

Từ trạm 7, là địa bàn hoạt động của một tiểu đoàn, chiến dịch sẽ tràn xuống vùng đồng bằng Điện Dương Điện Ngọc Điện Bình. Phải tổng động binh vì dân quân và dân công chuyển đạn 122 ly dự trữ từ bờ sông Thạnh Mỹ về đến nơi phải mất tới sáu ngày đường.

Nhưng công tác của Thu Hồng lại được chỉ định sang một khóa tu bổ chính trị cấp tốc. Địa điểm ở một cơ sở Cách Mạng quen thuộc, nhà tỉnh ủy Nhất. Có vài khuôn mặt mới rất đặc biệt đối với mọi người. Mạnh nói tiếng Bắc được giới thiệu là cán bộ trung ương cục từ K 5 đến. Mạnh có nước da bủng như vừa xong cơn sốt rét. Mạnh từ ngoài Bắc mới vào. Ngoài ra còn có một sinh viên tên Hùng, cùng đi với một thiếu nữ trắng trẻo trạc tuổi Thu Hồng. Cả hai được giới thiệu là sinh viên từ Huế vô. Thu Hồng gặp lại Định và Tiếng, cả hai người này nhớ ngày nào cũng là sinh viên ở Huế vô.

Thu Hồng nhận phần thuyết minh về công tác nội thành: "Công tác nội thành là một công tác quan trọng. Thu Hồng nói. Các đồng chí phải nhớ khẩu hiệu ba bám. Dân bám ruộng vườn. Du kích bám địch. Đảng bám quần chúng. Các đồng chí cần tập trung nỗ lực để bám trụ gây cơ sở. Các đồng chí cần thành lập những hội Liên Hiệp Sinh Viên Giải Phóng, những đoàn Học Sinh Giải Phóng. Cần hướng dẫn học sinh sinh viên tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân là đấu tranh chống đi lính Ngụy, tuyển một đoàn viên, tổ chức văn nghệ bảo vệ nhân phẩm đề cao lòng tự ái dân tộc, chống văn hóa Mỹ Ngụy.

Công tác tư tưởng là công tác hàng đầu của Đảng. Thu Hồng tiếp. Mục tiêu chính trị ở giai đoạn tổ chức và xây dựng đoàn viên là phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác Lê và chính sách của Đảng để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, năng lực công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Phải xây dựng cho đoàn viên và thanh niên quyết tâm chiến đấu cao. Tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của Đảng và nhân dân.

Người đồng chí tên Mạnh thuộc mặt trận 44 từ Hà Nội vào đã nhìn Thu Hồng và gật gù: "Đồng chí tốt".

Tiếng nay đã là một thành ủy, hiện đảm nhận công tác của Thu Hồng ngày trước, ghi chép lại bản tin hàng ngày của Đài Giải Phóng.

Họ gặp nhau chào hỏi vội vàng. Không khí khẩn trương bao trùm lên căn hầm cơ sở Cách Mạng.
- Chúng tôi cần một số tài liệu cho ban tuyên giáo thành ủy, Tiếng nói với Thu Hồng. Xin đồng chí kiếm cho một ít.
Một đoạn trong nhật ký Thu Hồng ghi lại giai đoạn này:

26 tháng chạp, năm…

Tại sao người ấy có một khuôn mặt nghiêm chỉnh và có thể thưa gửi mình một cách kính cẩn như vậy! Những điều mình nói là những điều ai cũng được học tập sẵn đó rồi. Cái chức vụ này cũng là do bà thím mình mà ra. Vì nó mà người ta cứ đồng chí này đồng chí nọ với mình. Người ta có thể thay đổi mau vậy sao.

Khi mình hỏi thăm về Tý, người ấy chỉ nói: "Đồng chí Nguyễn Đại nay là chiến sĩ của lực lượng vũ trang Cách Mạng nội thành". Mình muốn hỏi thăm một điều gì đó. Nhưng thôi.

Những ngày cuối năm mọi người ngoài kia vẫn bận rộn mua sắm sửa sang nhà cửa đón tết… Muốn viết một điều gì đó. Nhưng không viết được.

Sáng 28 tháng chạp, Thu Hồng đi ra chợ Hàn, bất ngờ gặp Hiền đang hấp tấp ở hàng tạp hóa.

Hiền vồn vã:

- Về đây hôm nào. Sao không đến mình kể chuyện đi học xa về nghe với.

- Về đã được mấy hôm. Có chuyện chi mà Hiền mua nhang đèn nhiều rứa.

- Biết sao không. Anh Long của Vân chết rồi.

- Chết lúc nào.

- Không biết chết lúc nào. Tội nghiệp anh Long ghê. Hồi trong năm về quê ăn giỗ bị Việt Cộng bắt rồi giết chết luôn. Nhà Vân không biết chết ngày nào, chỉ biết chỗ người ta chỉ cho lấy xác. Hôm nay nhà Vân cúng bốn mươi chín ngày. Thu Hồng đến nhà Vân không.

- Mình bận việc, Thu Hồng nói. Đi không được. Nhờ Hiền chuyển lời chia buồn đến gia đình Vân giùm.

Thu Hồng đi qua chợ cá, tìm gặp người đồng chí trinh sát giao công tác. Rồi lấy xe về bên Non Nước.

Thu Hồng ngồi trên chiếc xe đò chật ních người đi chợ tết. Thu Hồng biết ông Nguyễn Thành Long. Biết rất rõ.
Ông Long là anh đầu của Vân. Gần bốn mươi tuổi, ông Long là một thương gia làm ăn từ quê Đại Lộc ra đến Đà Nẵng. Ông ta có vài cửa tiệm buôn bán khá phát đạt. Cách đây mấy năm khi chiến dịch Đông Xuân phát động ở nội thành, Nguyễn Thành Long và giáo sư Phạm Hữu Kỉnh là hai mục tiêu. Hai nhân vật này thuộc một đảng phái quốc gia.

Thu Hồng học lớp giáo sư Phạm Hữu Kỉnh và là bạn của Vân em của Nguyễn Thành Long. Thu Hồng đã từng nhận công tác bám sát hai người này. Giáo sư Phạm Hữu Kỉnh có ảnh hưởng mạnh trong Việt Gia, một đảng phái quốc gia có thành tích chống cộng cao ở miền Trung. Ông Kỉnh từng là mục tiêu cho một cuộc ám sát hụt trước đây. Nguyễn Thành Long được xếp vào loại ít nguy hiểm hơn Phạm Hữu Kỉnh. Nhưng cũng thuộc vào loại cần loại trừ. Nguyễn Thành Long rất giỏi hô hào và kết hợp các đảng viên ở vùng quê, và đang có ý định ra tranh cử nghị viên hội đồng tỉnh.

Một trong những kế hoạch lúc ấy là đưa Ngọc, một cán bộ từ Đại Lộc ra Đà Nẵng, vào làm người giúp việc cho tiệm tạp hóa của ông Long.

Chính Thu Hồng là người nhận công tác đến điều nghiên gia cảnh của Nguyễn Thành Long. Và cũng chính Thu Hồng là người đưa Ngọc vào giúp việc nhà của Vân, em gái Nguyễn Thành Long. Thu Hồng đã gặp ông Long mấy lần. Một lần đã đi với Vân và Hiền trên xe ông Long về quê nội Vân ăn giỗ. Đấy là một người đàn ông khỏe mạnh vui vẻ, rất hào phóng ngay cả với bạn bè của em gái út mình.

Về đến nhà, Thu Hồng đi ngủ một giấc chiều nhưng không ngủ được. Thu Hồng mở quyển truyện La Patriot của Pearl Buck chị Thanh Minh lớp nhị niên trường Sư Phạm cho mượn. Thu Hồng đã mang theo nó về ăn tết. Nàng lật qua lật lại những trang sách đang đọc dỡ nhưng vẫn không tài nào tiếp tục được.

Tối nay phải ăn cơm sớm để đi về K 20.

Thu Hồng đến nơi, thấy trong cơ sở chỉ một mình Cư, thuộc trung đội biệt động thị xã đang ngồi canh.

- Chị ngồi chờ chút. Có Nhân đến đưa đi.

- Chuyển địa điểm à, Thu Hồng hỏi.

- Ừ. Tụi lính Ngụy đang đi càn ở đây. Tổ biệt động của tụi tui đang bị tụi hắn lùng.

- Còn tổ của anh Đại.

- Cũng chuyển căn cứ rồi. Anh Tam bị tụi hắn dẫn đi.

- Lúc nào.

- Mới tối qua. Chị biết con Thà chớ.

- Biết.

- Hồi nớ hắn là giao liên. Cư kể. Giao liên công khai chuyển thư từ ban thường vụ đến xã. Con Thà bị lính Ngụy bắt rồi hắn khai báo để một số xã ủy cao cấp bị bắt theo. Hắn bị Cách Mạng lên án tử hình và đưa nghị quyết giết hắn với bất cứ giá nào. Hắn dọn về Đà Nẵng ở bên An Hải. Cách đây một tuần ba đứa tui vô nhà con Thà khoảng mười hai giờ đêm. Nhà chỉ có mình hắn đang ẵm con ngủ. Khi thức dậy, con Thà không nhận ra bọn tui vì bọn tui mặc đồ lính quốc gia. Hắn nói "Các anh đi đâu giờ này". Tụi tui nói "Cô ra đây tui hỏi thăm một chút. Cô la tui bắn". Lập tức con Thà đi theo ra ngoài. Tui lãnh nhiệm vụ canh cửa. Lộc vừa hành động xong thì bọn tui chạy. Rứa mà không biết tại răng đêm bữa trước, bọn cảnh sát Ngụy đến tận nhà anh Tam lúc cả nhà anh Tam đang ăn cơm. Chạy không kịp. Anh Tam bị dẫn đi. Lộc về bên tổ anh Đại rồi. Còn tui về tạm đây.

- Anh Đại giờ ở đâu.

- Đang về ở bên trung đội biệt động nữ của chị Bích Đào. Cơ sở của chị Bích Đào chắc chắn lắm. Chứa được cả tiểu đội trong nhà. Cùng cánh C 32 của tui giờ chỉ còn bốn đứa nên giao về cho lực lượng của chị Bích Đào.


Đêm nay hai mươi chín tết.

Một cái tết không chuẩn bị ăn tết mà chuẩn bị để tấn công.

Mọi đơn vị đã yên vị của mình giờ chỉ còn chờ lệnh xuất kích.

Điện Dương Điện Ngọc quê hương miền cát. Bên kia là đầm sen bên này là mồ mả đồng không. Đi sâu vào bên trong làng là những mái nhà rơm ọp ẹp. Chỉ có ngôi trường học là nhà xây. Nhưng đêm mai Điện Dương Điện Ngọc sẽ vùng lên điểm lịch sử.

Những giờ phút trước khi xuất kích, người chính ủy đứng trước mặt những người chiến sĩ, để bàn tay lên ngực trái, và ủy lạo tinh thần:

- Các đồng chí phải nhớ mùa Xuân của Nguyễn văn Trỗi, mùa xuân của Lê Độ. Mới ngày nào cờ Cách Mạng phất phới trong vườn hoa Diên Hồng nhờ bàn tay của những anh hùng lao động. Đêm mai các đồng chí phải noi gương đồng chí Lê Độ cắm cho được ngọn cờ lên đỉnh núi Sơn Trà Đà Nẵng này. Giặc Mỹ đổ bộ lên đây với sắt thép xe tăng máy bay và đại bác. Nhưng chúng ta có sắt thép của chúng ta. Sắt thép của tầng lớp lao động, nông dân, ngư dân, công nhân nghèo. Của dân tộc đang vùng dậy. Chúng ta phải đánh ngày đánh đêm. Chúng ta phải quyết tâm phấn đấu trở thành những chiến sĩ thép, cán bộ thép của đơn vị thép bách chiến bách thắng.

Thu Hồng nằm trong căn nhà của người nữ đồng chí giao liên chờ công tác. Căn nhà chỉ còn người đàn bà đang ẵm đứa con nhỏ ngủ trên võng. Ba đứa con lớn của chị đã được đưa sang ngủ bên nhà ông nội. Căn nhà của chị sẽ được dùng làm một điểm hẹn trong cuộc tấn công vào đồn Mỹ và sân bay Nước Mặn đêm mai. Nếu trong cuộc tấn công đêm mai, có chiến sĩ nào thất lạc, cứ chạy về hướng này và hỏi thăm nhà chị Năm Phú thì sẽ được dẫn đi trốn.

Đêm đã khuya, bên ngoài lẫn bên trong nhà tối thui. Tiếng muỗi vo ve. Tiếng thở của người đàn bà trên võng khò khè. Những con rệp dưới bộ ván chích rêm cả người. Thu Hồng cố khép mắt lại nhưng trong đầu óc trồi nổi những lời nói. Không phải là lời nói của chính ủy nhắn gửi những người chiến sĩ tiểu đội của đồng chí Nguyễn Đại, mà Thu Hồng đã có mặt. Mà chính là những lời nói của bà Bích Đào kể lại lần C 32 công tác vụ thanh toán con Thà.

- Chồng con Thà là lính Quốc Gia, bà Bích Đào đã kể lại. Nghe nói hắn lấy thằng chồng làm lên tới thiếu úy Ngụy. Bây giờ hắn học đòi uốn phi dê, tô môi son, đi guốc cao gót. Tao gặp hắn hoài mà hắn không biết tao là ai. Tối nớ chồng hắn không có ở nhà. Anh Lộc vừa lẻn vô cửa sau là hắn đã lên tiếng. Anh Lộc kêu được hắn ra ngoài. Lụi cho hắn mấy dao. Gọn gàng hết sức. Lụi xong là rút lui êm ra ngõ sau. Tối nớ tao cũng có mặt ở đó. Nhiệm vụ của tao là chỉ đường rút. Êm lắm. Con Thà chết ngắc. Hắn đang có chửa. Đồ cái thứ phản Cách Mạng.
- Đang có chửa. Thu Hồng lập lại.

- Ờ, có chửa sắp đẻ, Bích Đào nói tỉnh táo.

"Có chửa sắp đẻ". Câu nói của bà Bích Đào quay vòng vòng như chong chóng trong đầu Thu Hồng. Nổ đom đóm trong đầu óc Thu Hồng. Nàng đã chứng kiến những xác người co quắp trong manh chiếu. Nhà nghèo không mua nổi cái hòm. Những xác người banh ruột cụt chân ngoài bờ ruộng mấy ngày ruồi bu kiến mổ sâu bọ làm ổ. Nhưng hình ảnh một người đàn bà bụng mang dạ chửa đi đứng nặng nhọc. Và một hài nhi ngo ngoe trong bụng mẹ bị lụi lia lịa bởi những lát dao. Chao ôi. Chao ôi. Thu Hồng trở mình và lăn qua lăn lại trên cái chõng tre. Bỗng nhiên Thu Hồng thét lên. Người đàn bà thức dậy và lay cô gái. Nhưng cô gái cứ tru tréo những tràng dài trong đêm tối. Người đàn bà phải vận động những người hàng xóm khóa cứng tay chân cô gái và nhét giẻ vào miệng.
Ngày hôm sau, ngày hai mươi chín tết, Thu Hồng bị dẫn về quê cấp tốc.

Đêm ba mươi đón giao thừa. Mặt trận Mậu Thân bùng nổ khắp nơi.

Nổ từ phố thị Đà Nẵng cho đến nông thôn Đại Lộc.

Tại Đà Nẵng hai giờ sáng mồng một tết đạn pháo của Việt Cộng bắn vào các căn cứ Mỹ ở sân bay Nước Mặn. Súng nở rầm trời hướng Non Nước. Đạn xé không gian phía núi Hòa Cầm.

Những ngày trước tết, những người Mỹ từ căn cứ An Hòa đã đi hành quân qua Phú Phong Phú Thuận. Máy bay tuần tra trên đầu suốt ngày suốt đêm. Những người trong làng bị Mỹ kêu ra khỏi nhà. Bà Lang cũng phải dẫn mấy đứa con ra ngoài ngõ để lính Mỹ đi lục soát Việt Công. Những người Mỹ to lớn, súng ống bự. Đeo lủng lẳng lựu đạn đầy người và đồ ăn đầy xắc. Di chuyển ồn ào quá, náo động quá theo mỗi bước chân quân hành của họ. Nên khi tiếng giày bốt đờ sô của họ vừa chuyển nhịp thứ nhất. Khi mùi đồ hộp của họ vừa lan ra đầu ngõ. Khi những bóng dáng to lớn của họ vừa lay chuyển bầu khí quyển đầu làng. Là tự động mọi người chuẩn bị để trả lời những câu hỏi.

- Con trai bà đâu.

- Chồng bà đâu.

- Việt cộng đâu.

Câu trả lời sẽ là:

- Không biết.

- Không biết.

- Không biết.

Mọi người khắp ba làng bốn xóm xã trong xã ngoài đều truyền nhau là hễ Mỹ hỏi cái chi là nên trả lời "không biết". Và tránh xa hai chữ "Ô kê". Có một mụ đàn bà ở Phú Nhuận giặt đồ cho Mỹ. Mỹ hải cái gì không biết. Mà cứ trả lời "Ô kê. Ô kê". Mỹ tưởng đồng ý Mỹ đè ngửa xuống.

Những người lính Mỹ vừa đi hành quân vừa thảy đồ hộp và kẹo cao su cho con nít. Họ phát bao nhiêu truyền đơn kêu gọi mọi người hãy chạy lánh nạn sang trại tỵ nạn An Hòa. Cũng có những người nhà cháy hay có người chết người bị thương, đã chạy sang sang trại tỵ nạn. Nhưng phần lớn dù cơm không đủ ăn, dù làng mạc ăn bom ăn đạn tan tành, cũng không thể bỏ đi. Vì chồng của họ đêm đêm ở dưới hầm chui lên. Vì con trai của họ là Việt Cộng du kích xã du kích huyện.

Ba ngày tết súng nổ thay pháo. Lệnh của phe Quốc Gia là không nhà nào được thắp đèn ban đêm. Còn lệnh của phe Cách Mạng là hễ thấy lính Quốc Gia lính Mỹ xuất hiện nơi nào là nơi này phải thắp đèn báo hiệu cho du kích biết.

Mồng bốn tết lơi bớt tiếng súng. Thu Hồng mới rón rén cầm đòn bánh tét qua nhà bà Lang.

Ngôi nhà trống lơ trống lất. Không nhang đèn trên bàn thờ. Không mùi bánh chưng bánh in. Không con nít mừng tuổi. Thu Hồng đi xuống bếp, bà Lang đang ngồi ở góc bếp. Vừa thấy Thu Hồng, bà oà lên:

- Liêm. Trời ơi Liêm.

- Tết nhất mà thím. Liêm nói.

- Đánh sau chợ từ tối ba mươi cho đến mồng ba. Bà Lang gạt hai giòng lệ lăn trên má. Nghe nói xác anh thằng Tý nằm ngay cái cầu bắc ngang bàu. Thím mới lẻn ra nhìn ra xác hắn sáng ni. Thảm lắm Liêm ơi. Cái cầu có hai thanh sắt đường rầy xe lửa ghép 1ại chỉ vừa để đặt bàn chân. Xác hắn nằm vắt trên bờ hầm đầu cầu. Ai đi ngang cầu phải bước qua cái xác hắn. Bọn Mỹ Ngụy còn bắt phơi ra đó để khoe thành tích tiêu diệt cộng phỉ. Ôi con ơi là con. Con chết phanh thây ruồi bu kiến đậu mà má không dám nhận xác con. Hu hu hu.

- Từ từ thím. Liêm nói. Đừng có nóng. Đợi tối ni không có ai ngoài gò. Cháu kêu thằng Được thằng Sang đi với thím đào cho anh Hợi cái mả.

- Còn thằng Tý thì ra răng ở ngoài Đà Nẵng. Nghe nói chừ hắn làm cái chi chi không ai gặp không ai biết chỗ hắn ở. Liêm ơi chắc ngoài nớ thành phố yên hơn phải không cháu. Mấy bữa ni thím cứ cầu trời khấn phật cho hắn không phải đi du kích chết banh xác như thằng anh hắn.





TRANG NHẬT KÝ CUỐI CÙNG

"Bây giờ là mười giờ sáng thứ ba.

"Tôi vừa đọc xong quyển truyện La Patriot của Pearl Buck. Quyển truyện tôi đã mang theo từ hôm về ăn tết. Tôi đã đọc đi đọc lại quyển truyện này đến lần thứ tư. Hai đêm qua tôi không ngủ. Nửa đêm về sáng tôi lại thắp đèn lên đọc lại quyển truyện. Và trí óc tôi lại đặc sệt lại. Tôi không còn cảm giác gì nữa ngoài việc đọc cho có đọc. Mai, chị bạn quê ở Huế từ lúc về ăn tết đến nay không trở lại nữa. Nghe nói cả gia đình chị bị chôn tập thể trong tết Mậu Thân này. Không ai biết bây giờ chị ở đâu.

"Những trang sách của La Patriot thật đẹp. Tôi thích đọc sách nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy những trang sách nào đẹp như những trang sách này. Chúng khơi mở tâm hồn. Chúng như những cơn gió mạnh tống đạp những cửa sổ tâm hồn tôi lâu nay khép kín. Tôi đã gập những trang sách này lại mà nước mắt tuôn tràn. Kể từ ngày mẹ tôi sanh tôi ra đời đến nay, đã hai mươi ba năm trôi qua, đây là lần đầu tiên tôi nhỏ nước mắt vì xúc động. Cùng với những giòng nước mắt òa vỡ ấy, tôi như đang rơi từ từ xuống một vực thẳm đen ngòm không dừng được. Sự sáng láng của những trang sách làm cho linh hồn tôi chói chang lẫn mát mẻ. Nhưng cùng lúc tôi nhận lãnh một sự sáng suốt để cảm nhận ra rằng cái vùng u tối phủ trùm bao nhiêu năm cuộc đời tôi đã là thứ nam châm cực mạnh thu hút hết tàn hơi cuối cùng của một sự chống trả trong tôi.

"Và chính tất cả những nguồn cảm nhận đang tuôn tràn này đã khiến tôi phải ngồi dậy viết những trang nhật ký này. Có lẽ tôi đang mê mê. Có lẽ tôi đang đồng thiếp. Nhưng tôi phải viết lại những điều này. Tôi muốn gửi gấm lại đây mỗi lòng chân thật nhất của tôi. Những điều tôi chưa bao giờ để cho chúng vọt ra khỏi thân thể tôi. Tôi đã ép giữ nó trong đáy sâu của tâm hồn. Nỗi lòng mà có lần tôi đã nghe người ta nói chết là mang xuống tuyền đài. Không ai biết được ngoài những kẻ trong cuộc.

"Người ta vẫn gọi tôi là Thu Hồng, bí danh Hồng Hoa. Nhưng tôi vẫn thích cái tên Liêm do mẹ tôi đặt. Tên Thu Hồng do bà Hội đặt. Thu Hồng có nghĩa là mùa thu đỏ. Mùa thu cờ đỏ. Mùa thu năm 1945 của Bác Hồ Chí Minh. Mùa thu Cách Mạng. Mùa thu đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập. Tôi thiếu tình thương mẹ từ thuở nhỏ. Tôi có cha mà cũng như không. Cha tôi đi tập kết từ lúc nào tôi không biết. Hai chị em tôi được một người đàn bà khác chăm nuôi.

"Tôi lớn lên hai mươi mấy năm trời trong vòng tay của bà Hội. Bà xếp đặt mọi chuyện và bắt tôi phải làm theo mệnh lệnh của bà. Trong tất cả những mệnh lệnh ấy, có một mệnh lệnh mà tôi không thể hiểu được. Tạ ơn trời phật, đó lại là một mệnh lệnh may mắn nhất cho đời tôi. Đó là bà Hội bắt tôi luôn phải đi học. Trong khi anh tôi học đến lớp nhật là đã nghỉ học theo du kích. Còn tôi, bà Hội lại nuôi cho ăn học. Tôi không hiểu tại sao bà Hội lại bắt tôi đi học. Mà lại phải học lên cao.

"Bà Hội là cây đại thụ che phủ lấy hết đời tôi. Tôi lẽo đẽo làm theo mệnh lệnh của bà giao phó. Tôi bắt đầu đi giao liên năm lên sáu. Tôi gia nhập đảng Cộng Sản năm mười ba. Năm mười bốn tuổi tôi đã là cán bộ giáo dục huyện. Từ nhỏ đến lớn tôi đã thi hành những công tác chìm nổi của Cách Mạng giao phó. Dẫn người cán bộ đi đường tắt trong đêm từ huyện này sang huyện khác. Ôm giữ bao nhiêu là công văn bí mật đi vào giữa lòng đich. Chui dưới hầm in bao nhiêu là truyền đơn. Theo dõi người này. Báo cáo người kia. Kết nạp phụ nữ tham gia những phong trào du kích xã du kích thôn. Công tác chính trị ngay trường học. Tôi hoạt động cả nội thành lẫn ngoại thành. Bởi vì lớn lên cạnh đồng chí Sáu Hội con đường chỉ có một chiều. Hoặc là theo Cách mạng hoặc là theo Mỹ Ngụy.

"Tôi sợ bà Hội nhất trên đời.

"Người đàn bà này là một nữ tướng. Người đàn bà này bé nhỏ loắt choắt chỉ có da bọc xương, con mắt một mí, hai cái môi mỏng như sợi chỉ. Nhưng cái đầu cái óc mưu lượn giàn trời, đã từng đoạt huy chương Thành Đồng "Tìm Mỹ Mà Đánh. Gặp Mỹ Là Diệt". Người đàn bà này không ôm mìn nhảy vào xe tăng nào cả. Người đàn bà này chỉ ngồi trên cái chõng tre bên cái bàn con mà chỉ huy bao nhiêu cuộc ám sát bao nhiêu cuộc thủ tiêu. Chính mắt tôi đã chứng kiến bà lập mưu lừa một ông đại úy phe Quốc Gia về ăn giỗ, cho người bắn chết. Rồi chính tay bà, tay tôi, và một người du kích xã gói xác ông này lại và tống xuống một cái giếng cạn ngoài đồng. Người đàn bà này đã đào bao nhiêu cái hầm bí mật để nuôi cán bộ. Trong một cái chòi ở Diện Dương, bà đã cùng với những cán bộ trong vùng lập kế bắn giết một lính Mỹ rồi xô xác xuống mương sông. Tôi biết sợ người đàn bà này từ năm lên bảy tuổi, lúc tôi vừa nhú trí khôn. Một đêm khuya thức dậy len lén nhìn ra sau hè, tôi thấy bà Hội và một người đàn ông đang khoét bụng một xác người rồi đút đạn đồng vào trong đó. Để ngày hôm sau cho người chở về chợ Xuyên Phú vừa làm đám ma vừa tiếp tế đạn cho một tổ du kích. Tôi kinh khiếp leo trở lên cái phản nằm nhắm mắt lại mà thầm nhủ là nếu không làm theo những mệnh lệnh của bà Hội tôi cũng sẽ bị giết chết. Cũng sẽ bị mổ xách và đút đạn đồng vào bụng như thây người kia.

"Từ đó tôi chỉ còn biết vâng lời nhận những công việc mà bà Hội biểu làm. Thật ra thì bà Hội đã không đối xử quá tệ với tôi. Trong tất cả những công tác huyện giao phó, bà luôn luôn tranh thủ những công tác nào mà bà nghĩ là có phần ưu đãi cho tôi. Đặc biệt là bà rất muốn tôi phải học lên cao để sau này trở thành cán bộ có chữ phục vụ Cách mạng. Người đàn bà này không có học nhưng rất thich những người có học. Những cái bảng danh dự, bằng tiểu học, bằng trung học, bằng tú tài của tôi, bà Hội không cho tôi giữ. Bà ưu ái đóng khung và treo lên đầy vách nhà.

"Có lẽ đời tôi chưa có giây phút này nếu tôi không có những ngày xa rời xứ Quảng, vào Quy Nhơn trọ học. Chính những ngày tháng sống xa bà Hội xa rời xứ Quảng ấy, tôi đã bước qua nỗi sợ hãi triền miên của tuổi thơ ấu để rơi vào một nơi hoang vắng mênh mông và kinh khiếp hơn.

"Tôi đã chứng kiến bao nhiêu lần bị tấn công. Bao nhiêu người chết bom chết đạn chết bờ chết chông chết mìn. Ngay cả trong tết Mậu Thân này, tất cả những cơ sở Cách Mạng đều bị thiệt hại lớn lao. Người người chết lớp lớp kể sao cho xiết.

"Nhưng sao một người như bà Hội lại không chết đi.

"Sao một người như Tý lại chết.

"Một cái chết tàn nhẫn thê thảm.

"Tý chết banh thây với giấc mơ kéo cho được lá cờ Cách Mạng lên ngọn núi Sơn Chà. Tý cảm tử đi gài bom đêm ba mươi. Bom chưa gài thì người chiến sĩ Cách Mạng đã nổ tan xác trong khi thi hành công tác.
Càng nhớ về Tý, tôi càng nghĩ đến thím Lang, mẹ Tý. Một người đàn bà hiền lành quê mùa dốt nát đã bén nhạy cảm nhận được sự tàn ác táng tận của lòng người nhưng vẫn muốn tin người tin đời. Phải, bởi vì còn một sự tin tưởng mơ hồ nào đó rằng thì là con người ta bao giờ cũng muốn hướng lên một cái gì đó cao cả, rằng thì là trái đất gia tăng thời gian và con người càng văn minh càng gia tăng lòng tốt. Bà Hội ngày xưa vậy nhưng bây giờ chắc khác chắc khá hơn. Nên mới giao hai thằng con cho bà Hội. Mới để bà Hội đưa hai anh em Tý vô Cách Mạng.

"Tôi đã chứng kiến cảnh Tý từ từ lọt tròng bà Hội. Từ khi được bà Hội bảo bọc cho đi học nghề chụp hình ở một tổ Cách Mạng, rồi bà Hội xúi trốn lính Quốc Gia, rồi bà Hội dẫn vô du kích, rồi bà Hội kéo về tổ trinh sát nội thành, rồi Tý thành đặc công ám sát. Dẫn đưa Tý đến cái chết trong một ngày cuối năm vừa qua.

"Sau khi cả hai anh em Tý thiệt mạng trong trận Mậu Thân vừa qua, người ta phát cho mẹ Tý tấm giấy ban khen "Huy Chương Thành Đồng Dũng Sĩ Diệt Mỹ". Than ôi! Người ta thật khéo léo. Người ta đã tiêu phí những mạng người không nương tay để đạt cho được thành tích Cách Mạng. Rồi người ta bày ra những danh từ thật tốt đẹp để phủ lên hành động tàn ác đó. Mà cho dẫu danh từ Cách Mạng là một lý tưởng đi nữa, tôi tự hỏi, con người nghĩ ra những lý tưởng để phục vụ con người hay con người đã là nạn nhân của sự suy nghĩ. Có quá nhiều mạng người đã bị tiêu phí cho một lý tưởng. Như vậy có đáng không?.

"Ngày hôm qua ngồi nhìn tập tài liệu Chủ Nghĩa Anh Hùng Cách Mạng mà tôi vừa tiếp thu để chuẩn bị công tác mới, tôi bỗng nhớ đến Tý. Và tự hỏi những người kém may mắn như Tý đã phải phục vụ lý tưởng này chỉ vì đã có những kẻ nào đó bày ra. Cách Mạng này nọ và đặt chiến sĩ này dũng sĩ nọ ra để chiến đấu cho những lý tưởng đó. Có bao giờ những người này nghĩ ngược lại là những thứ gì đó con người nghĩ ra là phải để phục vụ và phát triển đời sống nhân loại. Chứ sao lại xài nhân loại, lợi dụng sự ngu dốt sự kém may mắn của người khác, để thí nghiệm những lý tưởng những danh từ. Nhất là khi những lý tưởng ấy cần đến một sự tàn sát đồng loại không gớm tay. Những danh từ như "Cách Mạng" "Dũng sĩ" là những danh từ xa vời và vô nghĩa với những người như bà Hội, bà Lang, anh em Tý… Vậy mà họ đã xả thân vì chúng.

"Những ngày qua tôi dầm dề trong những ý niệm này và tôi không biết mình suy nghĩ đến đâu nữa. Tôi chỉ viết ra cho những điều tôi suy nghĩ cho vơi bớt cơn nặng nề trong người.

"Họ vừa vô nhà trọ tôi ở một tuần. Tỉnh ủy Kiên và đồng chí Sáu Hội vào Quy Nhơn như một cặp vợ chồng. Bao nhiêu người đã chết trong trận Mậu Thân vừa qua. Nhưng những người này không rụng một sợi lông chân. Họ tiếp thu những kẻ sống sót và lại mở chiến dịch mới, mặt trận mới ở nội thành.

"Tôi hỏi thăm về trường hợp của Tý và họ đã kể lai như kể về trường hợp nào đó của ai đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Qua câu chuyện tôi được biết đêm ở nhà Tỉnh ủy Kiên, tất cả mọi người, kể cả T., đều biết bà Bích Đào đã bị bắt bên Cầu Vòng. Như vậy là kế hoạch đã bị bể ổ. Đã có nội tuyến báo cho cảnh sát. Vậy tại sao không ai ngăn chận công tác này lại. Mà để hai ngày sau đồng chí Nguyễn Đại tức là Nguyễn Văn Tý dẫn mình đến chỗ chết. Kể cả T. Hôm ấy chính T. ngồi đối diện với tôi lắng nghe chính ủy Hòa thuyết minh lần cuối cùng. T. biết Tý đã trung thành phục vụ cho T. biết là dường nào. T. đã không ngăn chận lại sao. Tôi không thể ngờ chính chỉ huy của T. là người đã chở Tý đến địa điểm công tác. T. ơi, T. có biết T. đã làm cho tôi buồn bã và thất vọng biết là dường nào.

"Tôi thật tuyệt vọng T. biết không.

"Đã bao nhiêu lần tôi muốn trốn ra khỏi cái thế giới ấy. Muốn ra chiêu hồi. Muốn tìm một cửa chùa nào đó xa lánh cõi đời u tối này. Muốn đi đến một chân trời nào đó xa lánh xứ Quảng xa lánh bà Hội.

"Nhưng tôi biết cho dù tôi đi đến góc xó nào trên đất nước Việt Nam này tôi cũng không thoát khỏi bàn tay của họ. Không thoát khỏi tay những người đồng chí của bà ta. Những người như đồng chí Sáu Hội như tỉnh ủy Nhất như Bảy Chột có đến sáu đầu mười hai cái tai mười hai con mắt.

"Mấy hôm nay tự nhiên tôi nhớ đến Tý. Nhớ người bạn thân thủa ấu thời. Tôi ghê rợn cái thế giới bao phủ quanh mình.

"Bao nhiêu năm trời lớn lên trong thế giới của bà Hội tôi đã chứng kiến đã tham dự như một cái máy nhận mệnh lệnh. Phải thi hành. Phải bí mật. Phải quay lưng thật nhanh.

"Trời ơi phải chi tôi là kẻ ngu dốt. Phải chi tôi là người vô học. Phải chi tôi không còn xúc động khi đọc những trang sách đẹp đẽ của bà Pearl Buck!.

"Những trang sách đã quay tôi tít mòng mòng.

"Nhìn qua những giòng chữ mềm mại của chị Mai viết ơ hờ trên một mảnh giấy nháp những câu thơ trữ tình vu vơ của một thi sĩ nào đó: "Hai mươi năm trôi qua, thỉnh thoảng có một người yêu chạp qua đời như gió thổi. Nhưng rồi đêm khuya nằm nhìn những ngón tay đưa vào vòng cầu tình ái, nhìn những ngón tay co ngón, tôi mới biết rằng cuộc đời vẫn trắng hai tay!". Tôi chợt nhớ đến những người bạn thân như chị Mai như Hiền. Họ cũng là con gái như tôi. Họ được lãng mạn hết tháng ngày con gái. Họ ngu ngơ và vu vơ với cuộc đời. Họ có những giấc hết sức thong thả và ngọt mật tình cảm. Tôi ước gì tôi có thể sống được một chút cuộc đời của họ. Đời sống của một đứa con gái có gia đình, có tình yêu, có bạn bè, có tiếng cười…

"Còn tôi, đời tôi không một bóng ai. Tôi cô đơn quá! Không ai chia sẻ với tôi những bí mật những công tác mà tôi phải đeo mang. Tôi cần một người một bóng lên tiếng. Hãy nói với tôi. Hãy cho tôi một lời đối thoại.

"Xế chiều, đứa bé gái con chủ nhà chạy sang chơi. Cô bé chạy trở về nhà nói với mẹ.

- Mẹ, cô Thu Hồng không dậy.

- Sao không dậy.

- Mẹ sang mà xem.

Người mẹ đi theo đứa con gái bốn tuổi qua thăm cô giáo sinh khi con bé nhất định bảo mẹ sang xem cô giáo không nói gì hết. Thu Hồng nằm trên giường, đầu nghẻo vắt ngang thành giường. Túp thuốc Optalidon đầu giường sạch trơn.

Người đàn bà la lên:

- Ông ơi, cô này uống thuốc tự tử.

Hàng xóm chạy sang đầy phòng. Người giựt tóc, người giã than giã nén đổ vào miệng người uống thuốc để xổ ruột.

- Liệu còn cứu được không.

- Mau kêu xích lô chở cổ đi nhà thương Dân Y .

- Chân cẳng còn ấm. Hy vọng sống được.




ĐỔI Ý

- Liễu nói cho tao biết. Bích Chi nói. Tại sao mi đổi ý. Tại sao mi đã chịu cho người ta đi hỏi đi cưới. Bây giờ mi lại bỏ nhà đi theo ông David. Liễu ơi mi về mà xem. Cha mi đang treo bảng bán nhà. Ông quyết bán nhà đi Phan Rang.

Đứa con gái mắt lạnh lẽo như băng. Hai con mắt trong veo ngó mông lung. Hai cánh tay vòng chặt quanh ngực. Mặc bộ đồ ngủ hồng mới toanh đang ngồi xếp bằng trên ghế.

- Bộ mi đến chiêu hồi tao về hả Bích Chi.

- Mi nên suy nghĩ cho kỹ.

- Giấy tờ đã xong xuôi. Liễu nói. Tôi vô Sài Gòn rồi tao đi Mỹ liền. Tao không ở lại cái xứ sở này thêm ngày tháng nào nữa. Tao không phải như mi. Tao không muốn nghĩ lại như mi Bích Chi à. Cám ơn sự lo lắng của mi. Nhưng tao bây giờ chỉ nghĩ đi chứ không nghĩ vòng trở lại như mi ngày nào.

- Yêu dữ vậy sao.

- Ờ. Ờ.

- Thật là tình yêu.

Người con gái xứ Quảng tựa cằm lên đầu gối, và nói.

- Nói thật tao cũng không biết yêu hay không nữa vào lúc này. Tao chỉ muốn đi đi đi. Tao không còn muốn ở lại đây thêm một ngày nào nữa. Tao không đáp lại lời rủ rê của ai cả như cha tao tưởng. Không ai rủ được tao hết. Tao muốn là tao làm. Tao ưng là tao đi. Tao chán ngấy một cuộc sống khuôn phép con gái con gung phải giữ ý giữ tứ phải làm vừa lòng gia đình cha mẹ anh em bà con thân thuộc lối xóm. Không phải là lối xóm ở chung quanh nhà mà còn lối xóm ở trong quê. Còn tiếng tăm còn danh giá trong làng trong xã tít mù mù mấy chục cây số. Tao bây giờ không muốn làm vừa lòng ai nữa hết. Tao muốn làm vừa lòng tao trước hết.

Chiến tranh đuổi sau đít không còn manh áo mà mặc. Chạy ra ngoài ni rồi mà cha tao còn cứ giấy rách phải giữ lấy lề còn khư khư ôm giữ danh với giá, giòng với họ. Bứt hết rồi bể hết rồi còn chi nữa mà giữ với gìn. Đã lỡ bể rồi cho bể luôn. Loạn lạc rồi cho loạn lạc luôn. Tao thử sống theo ý tao xem thử cha tao ra răng. Làm một cái chơi thôi à. Nổ một cái xem thử tới đâu. Bây chừ tao sống theo ý tao. Tao không muốn quay lui. Tao không muốn nhìn lại nữa.

- Mi đi như vậy rồi có bao giờ về nữa không.

- Không. Liễu nhìn Bích Chi và nói. Không bao giờ.


Trời tháng bảy. Nắng bốc lửa. Thành phố bốc hơi từ những mặt đường nhựa, từ những mái nhà ngói, từ những mái nhà tôn, từ những mái nhà tranh. Bao nhiêu gió sông Hàn thổi lên dường như cũng không nhằm nhò gì với khối nắng trên trời cao đổ xuống.

Vài chiếc xe gắn máy lượn qua góc đường Bích Chi đang đứng. Hai anh lính xà ngang "Em chờ ai dzậy em Hai. Lên đây với anh không". Bích Chi giả lơ, nhìn đi nơi khác.

Một lúc sau mới có chiếc xe gắn máy đỗ phịch lại. Người bạn mặc bộ đồ lính rằn ri vừa thả Hưng xuống là chạy băng biến.

- Anh xin lỗi. Hưng nói. Mấy thằng bạn làm anh đến trễ.

Mặt Hưng đỏ dừ. Mùi bia.

Họ đi dạo bộ dưới những hàng cây hiếm hoi trên một con đường dẫn ra bờ sông.

- Bao giờ em lên. Người lính nói.

- Khoảng đầu tháng tám.

- Sao em không chọn Quảng Nam cho gần nhà. Người lính nhìn sang người con gái nheo mắt và cười một nửa.
Người con gái im im. Không nghiêm. Không cười. Không nhìn ngang. Không nhìn dọc. Nhìn xuống đất. Vạt aó dài lụa vàng chút gió thổi bay bay.

Người lính phá lên giọng vui:

- Pleiku đất đỏ mưa bùn nắng bụi buồn tàn canh. Tám giờ tối là mọi người ở trong nhà. Chi biết không.

- Biết.

- Gan quá ta.

- Cái gì. Người con gái nói nhỏ.

Rồi bóp nhẹ vai người yêu.

- Em can đảm lắm. Chàng nói.

Đi đến cuối con đường. Bờ sông hiện ra trước mặt.

- Anh về bất ngờ không báo tin cho em, người lính nói, là vì anh nhờ máy bay thằng bạn. Tối nay lại bay lên rồi.

- Anh không về Hội An sao.

- Không đủ giờ.

- Hôm đám cưới Phương, Bích Chi nói, mẹ anh nhắc đến anh hoài, nói đám cưới Phương mà anh cũng không về phép được. Em nói chắc là anh cũng sắp được phép thế nào cũng về thăm bà cụ. Mẹ anh thích con dâu mới lắm. Cẩm Sa chừ phụ chị Thanh ngoài sạp. Còn Oanh thì vẫn vậy không về nhà.
Khi Bích Chi kể hết chuyện, kể ríu rít những chuyện xảy ra trong thời gian chàng vắng mặt. Người con gái ngừng lại và nói:

- Sao hôm nay trông anh có vẻ lạ.

Người lính ngập ngừng một lát, rồi nói:

- Đáng lẽ anh phải nói một điều nào đó. Ở một nơi nào đó. Trong phòng khách nhà em chẳng hạn.

Bích Chi nhìn qua vai chàng và nói:

- Anh nói gì. Em không hiểu.

Người lính xoăn chiếc mũ nâu lại vò vò lên lòng bàn tay, rồi nói:

- Em có biết tại sao anh nhảy dù vội vàng thế này không. Sau khi viết lá thư mới nhất cho em rồi anh đâm ra hối hận. Nhưng rồi phải đi hành quân liền làm anh quên hết. Khi vừa hành quân về đến căn cứ anh chộp được thằng bạn pilot ở Pleiku. Anh nhảy đại theo nó về đây. Chả có phép tắc gì cả. Ngồi trên máy bay anh đã nghĩ hễ về đến nơi là đến nhà em ngay. Ở trong phòng khách có cái bàn nhìn ra cửa sổ gió phe phẩy những cánh hoa giấy đỏ. Anh sẽ ngỏ ý một cái đám hỏi. Anh sẽ nói liền lập tức với cha mẹ em. Nhưng khi đặt chân xuống thành phố. Nhìn thấy khung cảnh náo nhiệt của hè phố xưa. Đi ngang nhà thằng Chiến. Ngang tiệm kem Diệp Hải Dung. Đến chợ Hàn. Sắp đến nhà em. Anh mới thấy mình liều mạng với ý nghĩ trên. Đúng là khi thấy cảnh cũ người quen anh mới biết là mình còn sống sót.

- Huống gì là buổi trưa nay khi đứng dưới giàn hoa giấy đỏ tươi tốt nhà em. Đứng trong cái sân xi măng nhà em sạch sẽ quá. Anh thấy như mình phiêu phiêu đi lạc. Em có nghe anh nói không Bích Chi.

- Nghe.

- Ba tuần lễ liền bọn anh không biết một hạt cơm tươi. Chỉ đớp toàn gạo sấy và đồ hộp Mẽo. Ba ngày liền chỉ thấy rừng núi, xác người và bom đạn. Anh cũng không hiểu tại sao mình được sống sót để về đến đây với ý nghĩ điên rồ là định đi hỏi em làm vợ.


MẸ VÀ CON

Nhân dịp ra Đà Nẵng cất hàng, Phương và Cẩm Sa ghé ngang nhà bác Mai. Vừa thấy mặt cháu, ông bác họ đã vào chuyện:

- Nghe nói mẹ mày dạo này buôn bán với đám Hoa Phát phải không.

Cẩm Sa nhanh nhẩu:

- Mẹ mới được cái môn bài gạo.

- Ai mối lái vậy.

- Có cái bà nào đó ở đây quen với anh Quảng giới thiệu.

Ông Mai từ từ nhìn ra hàng hiên, và nói:

- Lại rơi vào cái ổ của Việt Cộng. Về nói với mẹ mày cái đám Hoa Phát ấy kinh tài cho Việt Cộng đi tù bao nhiêu lượt không nghe à.

Ngưng một lát, ông lại hỏi tiếp:

- Thằng anh mày có về nhà à.

- Có mấy lần, Phương đáp.

- Lại nghe theo lời dụ dỗ của thằng anh mày chứ gì. Người đàn ông lên giọng gắt gay với cô em gái họ. Mẹ mày già trên đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn cứ nhẹ dạ. Tao không hiểu nổi sao mẹ mày không phân biệt được đâu là đen đâu là trắng. Về bảo với mẹ mày bác hỏi thế có còn nhớ bao nhiêu người chú người bác trong họ bị chúng nó đấu tố thành phần địa chủ nữa không. Mà bây giờ lại đi theo Việt Cộng.

Cả hai rời nhà người bác họ. Cẩm Sa muốn đi chợ một mình. Phương để vợ vào chợ. Chàng tấp vào quán nước cạnh đấy ngồi chờ.

Cẩm Sa cô bé hàng xóm mắt tròn long lanh, trắng trẻo tròn trịa, dáng nhanh nhẹn và cười luôn miệng. Lớn lên cạnh nhà và thường mang quà của ba má sang biếu mẹ chàng. Cẩm Sa vừa học xong đệ tứ. Hai bên cha mẹ muốn gả cưới. Phương không phản đối Cẩm Sa cũng không phản đối. Hai tháng sau đám cưới diễn ra.

Cẩm Sa hợp với chàng, hợp với mẹ chồng, hợp với Thanh, hợp luôn với ba cha con Trang và Linh. Một thiếu nữ sẵn sàng chiều chuộng và làm bất cứ điều gì để làm vừa lòng những người nàng yêu thương. Cẩm Sa thích hợp vào gia đình một cách vừa vặn khít khao làm như đã có sẵn một chỗ trống nào đó cho cô bé chưa qua tuổi cài trâm này.

Quảng về nhà làm sao không ai biết. Lúc đầu cả nhà tránh bàn tán tối đa. Chỉ riêng mẹ chàng thì hớn hở dấu con trong buồng của bà. Quảng không bao giờ ở lâu đến tối thứ hai.

"Tội nghiệp anh con. Lúc đầu mẹ chàng vừa khóc vừa nói với chàng. Nó ốm như con mắm. Con nào cũng là con".
Những lần sau bà Hòa nói: "Bây giờ nó thay đổi rồi. Ăn nói mềm mỏng chững chạc với mẹ lắm". Gần cả năm nay Quảng không về nhà nữa. Mà bà Hòa đi gặp ở những địa điểm chỉ một mình bà đi. Rồi bỗng dưng có những móc nối làm ăn. Một cái thẻ môn bài bán gạo là điều bấy lâu nay mẹ chàng ao ước. Xin không phải dễ. Mẹ chàng đã xin tới xin lui với chính quyền địa phương bao nhiêu bận mà không vẫn là không. Vậy mà bây giờ mẹ chàng có được. Công việc làm ăn phát đạt hẳn. Và bỗng dưng bà Hòa bớt đau ốm lặt vặt, đi đứng xông xáo làm ăn mạnh mẽ lên.

"Mẹ có biết chắc chắn không. Thanh nói khi mọi chuyện vừa bắt đầu. Không chắc chắn gì cả, làm ăn với người ta, lỡ đi tù thì sao".

Thanh nói vậy nhưng đến khi có được môn bài Thanh cũng nhảy vào làm ăn tối đa. Chỉ mấy tháng mà Thanh khoe đã dành dụm được một số vốn riêng rồi. Mừng lắm. Bây giờ thì Thanh cũng im lơ luôn.

Ngày hôm sau chàng mang câu chuyện của ông bác Mai ra hỏi mẹ.

Mẹ chàng lên cao giọng:

- Cộng Sản cũng tùy người chứ. Bác ấy cứ nghĩ thiên hạ hễ ai theo Cộng Sản đều bị Cộng Sản làm cho hư hoại hết. Không cứ.

- Bác ấy có nhiều kinh nghiệm với Cộng Sản hơn mẹ. Chàng nói.

Người mẹ quay sang:

- Cả con mà cũng nói với mẹ như vậy sao Phương. Bà rơm rớm nước mắt nhìn con. Mẹ tưởng chỉ mỗi mình con là hiểu cho mẹ. Chỉ mỗi mình con thương cho mẹ. Anh con như vậy, con cũng biết, làm sao mẹ bỏ nó cho đành. Đôi khi mẹ nằm mà mẹ nghĩ không biết phải làm sao bây giờ. Thôi thì cứ lấy tấm lòng thành thật ra mà xử. Phật dạy gieo nhân thì gặt quả. Mẹ buôn gạo cho người ta ăn chứ mẹ có buôn súng buôn đạn gì đâu. Cộng Sản Quốc Gia gì con người ta sống thì cũng cần có miếng ăn miếng mặc tối thiểu. Sự đời sắc sắc không không. Trong cái tốt có cái xấu. Trong cái hư có cái thực. Không ai chắc cái tốt đã tốt hoàn toàn, cái xấu đã hoàn toàn xấu. Thôi thì mình cứ làm đúng lời phật dạy phải biết từ bi hỉ xả.

Gặp lại người bác họ, ông Mai hỏi chuyện, Phương nói: "Phật dạy thế đấy bác ạ".

Người bác họ nộ khí xung thiên lên ào ào:

- Phật dạy với lại Phật không dạy. Mẹ mày mù mù mờ mờ không còn phân biệt cái gì ra cái gì cả. Không còn phân biệt được ai là kẻ tai hại. Cả mẹ cả con nối giáo cho giặc. Rơi vào đúng cái kế hoạch của chúng nó tao còn lạ gì nữa. Việt Cộng là cái thằng lợi dụng tình cảm gia đình tối đa. Chúng nó đi cái đường lối này để kết nạp đoàn viên đảng viên đấy cháu ạ. Ngày trước chính tao đây đã từng nhận công tác kết nạp thân nhân và người cùng họ vào Đảng. Tao đã lên đến chức bí thư huyện tao còn lạ gì chúng nó nữa.

Thấm thoát mà chàng lấy vợ đã hơn hai năm.

Bây giờ Phương gia nhập cán bộ Nhân Dân Tự Vệ, vào một toán văn nghệ thuộc Tỉnh Đoàn chuyên hò hát ca kịch giúp vui quanh quẩn những làng mạc thôn xóm Quảng Nam.

Chiều chiều tối tối có giờ rảnh, chàng không biết làm gì cho vơi bớt thì giờ, thường hay ra ngồi quán cà phê hoặc đến nhà bạn bè chơi.

Một buổi tối, cơm chiều xong, Phương ra cửa hàng trông mấy người phu khuân gạo cất vào kho. Đám phu khuân vác toàn là con gái. Nhi, một cô gái to cao, tóc búi gọn gàng, nhanh nhẹn vác những bao gạo lên vai và sang sảng giọng: "Bữa ni anh Phương đãi tụi em uống nước mía như bữa trước hỉ".

Mấy cô gái khác thường đi qua mặt chàng và đùa giỡn: "Anh Phương xê ra cho tụi em đi".

Phương mĩm cười. Chỉ những lúc một mình chàng thì mấy cô gái vừa khuân gạo vừa cười giỡn om xòm. Nhưng vừa thấy bóng Cẩm Sa từ trên đi xuống là họ ngưng đùa giỡn ngay.

Cẩm Sa ngồi xuống ghế bên cạnh chồng và nói:

- Mẹ hỏi anh có muốn mướn thằng nhỏ giúp việc ngày hôm qua không.

- Thằng nhỏ nào.

- Thằng nhỏ bên Cẩm Kim cháu bà Năm lé bán thuốc lá cẩm lệ ngoài chợ đó. Hắn đến hồi sáng hôm qua anh còn nhớ không.

- Chả nhớ. Phương đáp.

Thấy chồng không nói gì một lúc, Cẩm Sa lại hỏi:

- Anh nghĩ răng.

- Sao cũng được.

Cẩm Sa đứng dậy nhìn chồng và hứ một tiếng:

- Anh kỳ cục. Mẹ hỏi mà anh cứ trả lời rứa. Khi mô anh cũng nói "Sao cũng được. Sao cũng được" như một người ba phải. Làm em phát bực.

Nói xong Cẩm Sa ngúng nguẩy bỏ đi.

Đám phu khuân vác theo Cẩm Sa lên nhà lãnh tiền.

Bảy giờ tối, Phương khóa cửa kho. Rồi thả bộ đi xuống bờ sông.

Bờ sông Hội An vừa kéo đêm về. Những ngôi làng bên kia sông đang thắp nến. Những bóng đèn mập mờ trong những lùm cây xao xác tiếng gió. Dãy ghe đò ven sông cũng vừa chập chùng những đóm cùng đèn. Gió sông thổi lên mát. Dọc ven sông có những bóng người đi lại. Họ vừa xong công việc một ngày và trên đường về nhà. Vài người thong thả tản bộ. Thỉnh thoảng có tiếng súng lẻ tẻ từ đâu vọng lại như làm sông nước ầm ừ.

Một đời sống như thế này ư. Chàng vừa đi ven mé sông vừa hút thuốc. Ngày tháng không để lại một dấu vết. Trôi băng băng không nhanh không chậm. Nhưng sao vùng vẫy lạ lùng. Nhưng sao trơ trọi lạ lùng. Nó là một cõi mù mù mờ mờ màu xám tro.

Lâu lắm rồi không cầm lấy cây bút. Làm một bài thơ chẳng hạn. Bỗng nhiên không còn bị thúc đẩy bởi mối đam mê mạnh mẽ này như thuở nào.

Càng cố nhìn cho rõ một điều gì đó. Càng thấy chới với. Vô nghĩa. Vô tận.

Mùi nước sông bốc lên. Thoang thoảng hăng hăng lổ mũi. Gió lại nổi lên mát từng cơn. Đường đêm dịu dàng. Yêu lắm những đường đêm Hội An. Mùi trầm hương của những ngôi nhà hai bên hè phố tỏa ra nhẹ nhàng. Thành phố không có gì huy hoàng lộng lẫy. Nhưng sao tâm hồn ở yên nơi này. Thỉnh thoảng có những tiếng rền rền mơ hồ. Hãy bỏ đi. Đừng chấp nhận. Hãy nổ tung. Nhưng như những con sóng lăn tăn trong tâm hồn. Bàng bạc phút giây. Rồi thôi.


Mối căng thẳng trong nhà càng nặng nề vì mới đây Châu, chồng Thanh bị bên An Ninh Quân Đội gọi đến thẩm vấn vụ buôn bán gạo của mẹ vợ.

- Nó nguy hiểm. Phương nói với mẹ. Mẹ không thể hối lộ hết người này đến người khác mãi. Nếu chính quyền này muốn bắt, họ hốt một cú là mẹ đi tù ngay. Họ chỉ cần kết tội mẹ tiếp tế gạo cho Việt Cộng cũng đủ dẫn mẹ vào tù. Bao nhiêu tiền mẹ kiếm ra bây giờ chắc gì đã chạy được tội tiếp tế cho địch.

Nhưng mẹ chàng dường như không lắng nghe những điều chàng đang nói.

Một buổi tối, chờ cho mọi người đi ngủ xong, mẹ chàng nhìn trước nhìn sau, rồi mới trao cho chàng một mớ sách báo của anh Quảng trao và dặn trao cho em Phương.

Một mớ những thơ và nhạc đượm thắm tình quê hương của những người chiến đấu cho phe "bên kia".

- Anh con hỏi thăm con hoài. Người mẹ nói.

- Mẹ xem lại công việc làm ăn của mẹ đi. Người em trai không đọc những tập sách của anh trao, mà nói với mẹ.

- Con nói như vậy được với mẹ Phương. Người mẹnói. Mẹ già hai thứ tóc trên đầu rồi còn tham gì của cải tiền bạc nữa. Còn điều gì làm cho mẹ tha thiết nữa ngoài việc tha thiết sống cho các con. Con là đứa gần mẹ nhất. Mẹ nương tựa tinh thần nhiều ở con nhất. Nhưng con vẫn không hiểu được nỗi đau khổ của một người mẹ khi thấy con cái trong nhà mỗi đứa một hoàn cảnh. Ai ngoài đường thì mẹ còn từ chối. Chứ con cái trong nhà cần đến mẹ, kêu gọi lòng thương xót của mẹ. Làm sao mẹ nỡ từ chối. Phương, con hãy hiểu rồi con sẽ thương mẹ hơn là trách mẹ.

Bà vừa nói vừa xổ mái tóc lưa thưa ra quấn lại. Hai con mắt đỏ hoe. Lại khóc.

- Mẹ có một ý định này. Bà nói nhỏ. Mẹ chưa nói cho ai nghe mà chỉ nói riêng cho con biết. Là mẹ có ý định gặp anh con, để rồi từ từ mẹ chiêu hồi nó trở về với bên này. Mẹ thấy vậy mà không biết có đúng không. Là nó cứ phải trốn chui mai chỗ này mốt chỗ nọ. Hễ gặp người là sợ. Mẹ có cảm tưởng là nó cũng nản rồi. Hỏi nó có muốn về thăm nhà không. Nó im lặng. Để chờ một dịp nào cho nó về lại đây rồi mẹ nói ngọt với anh con cho nó ra gặp chính phủ mình.

Sau buổi nói chuyện ấy, Phương ít gặp mẹ ở nhà. Mà chàng cũng thường vắng mặt ở nhà nữa.


Trung tuần tháng tám, Phương về quê ăn giỗ. Một đám giỗ nhỏ bên gia đình người cô. Phương rủ vợ đi cùng nhưng Cẩm Sa viện cớ phải trông cửa tiệm với Thanh. Chỉ một mình chàng về.

Ăn giỗ xong, Phương ở lại quê nội chơi hai hôm. Sáng thức dậy, người bạn đêm hôm qua ghé ngang nhà. Thấy Phương chưa về, Tân rủ:

- Có xe gắn máy, chở tao ra thăm ông cậu chút. Nghe nói đêm hôm qua đánh nhau trong Trà Kiệu.

Phương lấy xe chở người bạn lên chi y tế… Chi y tế không có bác sĩ. Chỉ có y tá. Một chiếc xe lam đậu lại. Một chiếc kiệu khiêng xuống. Người thanh niên bị thương nát bấy một chân trái. Máu chảy lênh láng. Người đàn bà nhảy vọt xuống xe khóc bù lu bù loa:

- Con ơi là con. Mới sáng sớm đi ra đồng. Chông mìn ở đâu giăng chi cho con tôi bị thương vầy nè trời. Trời ơi. Con tui đi mần ăn chớ phải đi đánh giặc nội giặc ngoại chi hở trời ơi đất ơi.

Một chiếc xe lam khác trờ tới. Lại một cái băng ca khác khiêng xuống. Người ta lại xúm nhau xem kẻ nạn nhân.

- Xe đò bị giật mìn ở cầu Bà rén. Người ta chết um xùm. Một người nói.

Tân hỏi tin tức người cậu, và được biết đã chuyển về nhà thương tỉnh.

Hai người leo lên xe. Tân rủ đi ăn sáng.

- Thôi, Phương nói, kiếm một ly cà phê là quý rồi.

Tân nói qua vai bạn:

- Trông mày có cái vẻ bí lù.

Tân là giáo viên quận. Ngày trước cùng học trung học với Phương. Hai người cùng ở trong ban văn nghệ ban báo chí. Học hết tú tài, Tân học sư phạm tiểu học trong Quy Nhơn, và nay về dạy học ở quận Duy Xuyên. Tân hơi mặc cảm với sự học hành ít ỏi của mình. Tân đọc sách không thua gì Phương. Phương tìm thấy ở Tân một sự thoải mái trong những câu chuyện. Chàng đã nghĩ đến việc về quê ăn giỗ để gặp Tân. Hai người ngồi với nhau. Tân vẫn thế. Vẫn còn thú sưu tầm bài hát mới và tập dượt hăng hái. Bây giờ người giáo viên còn có cái thú mới là sáng tác nhạc cho trẻ nhỏ.

Quán nước gần bến xe ồn ào những người ra đón xe,

- Chiến tranh cách gang tay. Phương nói. Ban đêm thì sống chết khi nào không biết. Mà ban ngày thì mọi chuyện vẫn cứ xảy ra như thể không có gì thay đổi được nếp sống này. Mày sống ở đây vậy mà vẫn giữ được một thái độ yêu đời lạc quan. Đáng phục mày.

- Nhờ đi dạy tụi con nít mày ạ. Đỡ lắm. Tụi nhỏ vô tư hết sức. Cái gì cũng vác lên biếu thầy cô. Có đứa đưa biếu rổ khoai đầu mùa. Có đứa biếu con dao lượm được của bộ đội. Mỗi lần tụi hắn biếu xén kiểu này. Tao có cái cớ để thổi vô đầu chúng một điều nào đó cũng rất ngây thơ đối với cuộc sống ở đây. Giấc mơ bình an chẳng hạn. Dạy học lâu ngày tao đâm có cái thú là vỗ tay hát theo bon con nít mày ạ.

- Dạy học, Phương nói. Còn giấc mơ của mày với tao hồi trung học.

- Tao biết nó đã tàn ngay sau đó đối với một đứa như mày. Tân nói. Nhưng mày có thấy là ít ra phải có một công việc nào đó có ý nghĩa con người ta mới không thấy đời sống này vô nghĩa. Mẹ. Vô nghĩa là cuộc đời này vốn vô nghĩa rồi. Đau khổ và hạnh phúc là hai cái cực căng của cuộc đời mà mấy anh tự nhận là thánh thần chi đó đi mưu tìm cho nhân loại. Chớ phần em, em chỉ xin vui vui một chút, buồn buồn một chút. Một chút thôi là đẹp rồi. Chút cà phê, chút đường thôi, phải không bà bán quán.

Cả hai cùng phá cười lên qua câu bông đùa của Tân.

Lúc đứng lên Tân nói:

- Phương, mày không hoạt động chi vậy. Không làm cái gì cả. Tao biết mày là một thằng thông minh, mẫn cảm, lại nhiều tài. Nhiều khi tao cũng thắc mắc giống mày về tao là tại sao mày cứ lang thang, cứ lông bông vậy mà không điên lên được. Cũng hay.

Về đến nhà khoảng ba giờ chiều. Phương thấy nhà cửa đóng then gài. Trang, đứa cháu gái đang chơi bên trong nhà thấy cậu về nhanh nhẩu chạy ra mở cổng.

- Mẹ với dì Sa ngoài tiệm. Con bé báo cáo. Còn bà ngoại ở trong buồng.

Phương vào nhà. Đi ngang buồng mẹ thấy cửa khép mà có tiếng lục đục phía bên trong. Phương đẩy cánh cửa. Cửa khóa từ phía bên trong.

- Đứa nào đấy. Tiếng mẹ chàng.

- Con. Phương.

Cánh cửa mở. Người mẹ mở khóa. Căn phòng tối thui. Cửa thông ra vườn cũng đóng kín mít. Phương nhìn vào bên trong vừa đủ nhận ra người thanh niên nằm trên giường của mẹ. Hai con mắt sáng quắc chiếu thẳng vào mặt chàng kia chính là Quảng. Anh chàng.

Phương khép cánh cửa buồng mẹ lại. Chàng đi ra cửa trước. Đi ra cổng. Đi ra cửa hàng.

Cẩm Sa không có ở đấy. Thanh đang vừa trông hàng vừa bế thằng bé.

Chờ khi thưa khách, Thanh mới đến bên Phương và nói:

- Chị cũng khổ tâm hết sức. Anh Châu mới về Tiên Phước hồi sáng. Ba anh ấy bệnh nặng. Anh ấy cứ đòi đổi về Tiên Phước. Nói bắt điếc lổ tai. Vợ chồng lục đục nhau hoài. Chị nói hoài mà mẹ không nghe. Đã bảo đừng để cho cái ông ấy về nhà nữa.

Thanh la lớn:

- Tao khổ quá rồi. Hết chồng, đến mẹ rồi đến anh. Cả nhà này ai cũng ngu hết. Cộng Sản với lại Quốc Gia là cái cục cứt gì chứ. Mà về đến nhà anh em chiến tranh nóng mẹ con chiến tranh lạnh với nhau thế này. Tao chịu hết nổi rồi. Cứ cái kiểu này cái nhà này nổ lúc nào không hay.

Một bà khách vào mua gạo. Người đàn bà đi thẳng ra sau cái bàn, chỗ Thanh và Phương đang ngồi.

- Cha. Bà ta nói. Lâu lắm mới thấy cô Thanh rảnh khách. Bác đâu rồi.

- Mẹ cháu bận chuyện ra Đà Nẵng hôm nay. Thanh nói. Có chuyện gì không bác.

Người đàn bà ghé vào tai Thanh nói nhỏ:

- Ra hỏi bác Hòa cái vụ mua hàng PX Mỹ hôm trước. Cái mối ấy ngon lắm cô ơi. Nhớ bảo mẹ cháu đừng bỏ qua rồi tiếc. Cái bà ấy buôn được hàng từ An Hòa lớn lắm. Người ta làm ăn lâu rồi. Làm ăn với bà ấy thì phải để ý chính quyền một tý. Nhưng mà hàng của bà ta nhiều lắm. Nhiều thứ không mua ở đâu được. Nhất là hàng nhà binh.

Trước khi rời cửa tiệm, bà ta còn nói to ý kiến cho hai chị em nghe:

- Tôi đã nói với mẹ cháu rồi. Ai không ham tiền. Kệ. Thiên hạ xầm xì bàn tán mỏi miệng rồi thôi. Mình cứ việc để ra ngoài tai. Chứ tiền nào lại chả là tiền. Tiền dollar tiền quốc gia tiền cộng sản gì cũng là tiền. Hễ có tiền thì mình làm phải không cô. Thôi tôi về. Cô nhớ nhắn với bác ấy có tôi đến hỏi hàng đấy nhé.

Người đàn bà bước ra khỏi tiệm, Thanh nói:

- Cái miệng mụ này ghê lắm.

- Ai giới thiệu cho mẹ vậy.

- Không biết. Người ta đồn mụ này Việt Cộng nằm vùng thứ thiệt đấy không biết có đúng không.

- Sao chị không nói với mẹ. Phương nói.

- Nói sao được. Thanh gắt. Mày là con trai út cưng nhất nhà của mẹ có giỏi thì về bảo mẹ đi.

- Chơi dao có ngày đứt tay. Phương nói. Mẹ đang làm những việc đúng là giỡn mặt chính quyền. Em không thể tưởng tượng một người đàn bà như mẹ bây giờ không còn biết sợ hãi gì nữa.

Phương nói xong và đứng dậy bỏ đi.

Đêm ấy chàng ngủ lại nhà Lợi.

Ngày hôm sau Cẩm Sa và Thanh chờ Phương ở cửa tiệm.

Thanh nói:

- Phương, chị năn nỉ em về gặp mẹ nói với mẹ thử xem. Mẹ nói lần này mẹ sẽ dụ dỗ anh ấy ra hồi chánh. Mẹ nói với chị là anh ấy xuống tinh thần lắm. Không muốn đi nữa. Chỉ muốn ở lại nhà luôn. Mẹ nói mẹ muốn em về nói chuyện với anh Quảng. Em nghĩ sao Phương.

- Anh ấy có tỏ ý muốn ra hồi chánh không chớ. Cẩm Sa nói.

- Mẹ đoán vậy. Thanh nhìn em dâu và nói. Mẹ nói anh Thời ở Pháp sắp về thăm nhà để mẹ kêu anh Thời nói chuyện với ông ấy thử xem. Mà anh ấy lại muốn gặp Phương.

Thanh nhìn Phương ngồi im từ lúc đầu cho đến bây giờ.

- Em nên về gặp mẹ Phương à. Thanh nói.

- Bây giờ chỉ có một người nói mẹ nghe. Cẩm Sa nói.

- Ai. Thanh hỏi.

- Ông Quảng. Phương đứng lên và đáp thay lời Cẩm Sa.




Quảng trao cho Phương một tờ báo Văn Nghệ Giải Phóng. Tờ báo in bằng giấy vàng khè. Phương giở ra và đọc lướt qua. Gồm những bài thơ ca ngợi tình quê hương và những câu chuyện của những người đi chiến đấu cho quê hương.

Trong bóng tối lờ mờ căn buồng của người mẹ. Hai anh em mỗi người một điếu thuốc cẩm lệ. Đôi mắt người anh sáng rực liếc đảo cử chỉ của người em trai. Quảng ốm hốc xương mặt xương vai. Tóc tai dài. Râu ria mọc lởm chởm vô trật tự.

- Mấy bài xã luận chính trị, Quảng nói, hôm trước anh nhờ mẹ trao cho Phương. Em đọc chưa.

- Rồi. Phương nói.

Quảng nói nhỏ nhưng mạnh mẽ và liên hồi suốt hai tiếng đồng hồ với Phương:

- Em không thấy Miền Nam bây giờ sống nhờ viện trợ Mỹ hoàn toàn. Chúng nó làm chủ đất nước ta. Một loại đế quốc đấy. Một kiểu thực dân mới. Chủ quyền của quốc gia cứ bị những bọn tôi tớ ngoại bang trao hết cho người ngoại quốc. Từ tay thằng Tàu qua tay thằng Pháp. Bây giờ trao sang tay thằng Mỹ. Chúng nó là bọn Ngụy. Là cái bọn mà thời nào trong lịch sử nước nhà cũng đều có. Chúng nó sẵn sàng rước ngoại bang về để dâng đất nước này cho chúng. Không biết hết bồi Mỹ rồi chúng bồi ai…

Vẫn vậy, Phương nghĩ. Anh chàng vẫn vậy. Vẫn sôi nổi khi nói đến những đề tài lịch sử, đô hộ, quốc gia... như ngày nào. Làm như đã có một sự kết hợp từ trong máu huyết của Quảng, giữa Quảng với những thứ này từ bao giờ. Quảng nói về chúng dễ dàng như người ta nâng bát cơm và vô miệng, như người ta cởi tấm áo. Không một chút gì gượng ép.

- Chỉ có độc lập và tự do mới mang lại sự cường thịnh cho đất nước. Quảng tiếp. Hồ Chí Minh nói đúng. Phương thử chịu khó đọc kỹ những tài liệu anh đã đưa. Em sẽ thấy bậc lãnh tụ như nhà Cách Mạng Hồ Chí Minh là một nhà Cách Mạng tuyệt vời. Hồ Chí Minh không học hành giỏi giang trí thức gì cả mà lãnh đạo được cuộc Cách Mạng này. Ông ta đã thuyết phục được tầng lớp bình dân cho đến tầng lớp trí thức. Thật là một người đại tài. Phương có đồng ý không.

Phương thấy một nỗi hạnh phúc tràn ngập trong tràng âm thanh Quảng ca ngợi về người lãnh tụ của anh. Những kẻ có thần tượng để mà tôn thờ như anh chàng thật đáng để ghen tỵ. Đời tôi chưa bao giờ có thần tượng.

- Anh đã có dịp sống gần gũi với những người nông dân, những người thợ thuyền. Họ như những quặng mỏ còn thô sơ nhưng có nhiều chất sống. Họ yêu nước thiệt tình. Họ còn cảm thấy được sự bất công giữa người giàu và người nghèo. Họ can đảm và dám hy sinh đời mình để theo Cách Mạng. Em nhìn xem bao nhiêu cuộc chiến đấu ở Việt Nam đều xuất phát từ giới bình dân, từ những anh hùng áo vải. Bởi vậy anh ngưỡng mộ tầng lớp bình dân. Còn trí thức của mình không động đậy. Thời Tàu đô hộ trí thức mình không về vườn chăn mấy đứa học trò thì cũng cúi đầu chịu đồng hóa với văn hóa Tàu. Đến thời Tây đô hộ thì học cho giỏi tiếng Tây để làm thông ngôn thông phán.

Anh biết Phương là người có suy nghĩ nên anh muốn nói chuyện với em. Em phải hiểu ăn bệnh của trí thức thường là cảm thấy bất lực. Bởi vì sự hiểu biết thường làm cho con người ta mềm ra. Sợ đấu tranh. Sợ nguy hiểm. Ham sống hơn chết nên đâm ra hèn người. Khi người ta hiểu biết quá người ta cũng thường không biết quyết định nào đúng nhất. Đó là căn bệnh do dự. Vì không biết phải hành động như thế nào nên thường có thái độ rút lui. Em hãy thử đến sinh hoạt với anh em sinh viên học sinh anh giới thiệu. Họ có lý tưởng. Họ có cuộc Cách Mạng này hỗ trợ họ. Nên họ khác trí thức Ngụy. Em đến sinh hoạt với họ em sẽ thoát ra khỏi vòng trí thức bất động.



Nói như vẹt. Phương muốn nói. Anh nói như một con vẹt. Nhưng chàng không đối đáp gì suốt hai buổi gặp gỡ. Mẹ chàng đã năn nỉ em hãy vào nói chuyện với anh. Quảng nói một cách dẻo dai và bền bỉ với Phương. Về những điều y hệt những đặc san chính trị mà Quảng đã trao cho Phương đọc trước khi gặp gỡ.

Và Phương đã ngồi nghe anh chàng nói suốt. Không hiểu sao chàng vẫn có thể ngồi nghe những điều Quảng cố thuyết phục chàng mà không phản đối. Cũng như chàng đã đọc hết những tài liệu của Quảng trao.

Mẹ chàng tíu tít mỗi lần thấy hai anh em trò chuyện xong. "Con thấy anh con thế nào, bà nói. Mẹ biết Quảng là đứa có những mục tiêu lớn lao phải không. Không ai chịu lắng nghe nó. Nhưng từ những ngày còn nhỏ anh con đã là đứa trẻ hay để ý đến những chuyện đất nước lớn lao. Mẹ mừng lắm khi thấy con trò chuyện được với anh con. Mẹ biết trong nhà này chỉ một mình con là có thể thông cảm được những việc của anh con làm. Con giống mẹ lắm Phương ạ. Trong nhà này chỉ có mỗi mình con là đứa mẹ thương nhất. Mẹ tin tưởng tất cả vào con đấy Phương ạ".

Phương nhét mấy bài thơ của Quảng vào trong túi quần. Rồi đi rảo bộ lại nhà một người bạn.

Cửa nhà người bạn vắng tanh. Chỉ một mình Lợi đang ngồi thiền trên gác. Lợi là một tu sĩ tại gia. Căn gác của Lợi có bàn thờ và những hình ảnh phật đản đầy vách tường. Những tranh ảnh phật mà Lợi đã thỉnh mãi bên Ấn Độ về. Thấy bạn đang ngồi thiền, Phương bước xuống nhà. Chàng tự động đi pha một ấm trà và ngồi uống trà ở bàn.

Phương ngồi đấy cho đến tối. Ánh trăng rằm vừa lên đã phơn phớt bay lượn tinh khiết trên những chậu cây kiểng xanh ngoài vườn. Mùi trầm hương từ căn gác của Lợi tỏa xuống thoang thoảng nhẹ nhàng. Chàng uống xong ấm trà thì bà cụ mẹ Lợi và cô em gái vừa đi chùa về. Cậu Phương đến chơi sao không để bảo Lợi xuống. Bà cụ vừa nói vừa treo chiếc áo dài lam lên. Phương nói thôi được bác ạ. Để lát nữa cháu quay trở lại.

Chàng đi rảo bộ qua những căn phố dọc theo bờ sông. Những góc đường quen thuộc. Những gió sông quen hơi. Đến một khoảng bờ sông vắng người đi dạo. Chàng dừng lại. Đứng ngó mặt sông đêm lấp lánh dưới ánh trăng rằm treo lơ lửng trên cao. Những con đò đèn khuya nhấp nhô. Gió lay những hàng cây bên kia sông. Nền trời dát đầy những vì sao lung linh mờ ảo. Bầu trời đêm thăm thẳm xanh ngát và thơm tho. Chàng thở ra rồi hít lấy những hơi thở mạnh vào buồng ngực.

Chàng rút xấp thơ chép tay của Quảng ra. Bật đốm lửa. Đốt cháy. Tro tàn theo gió bay lả tả xuống lòng sông.


Thời từ Pháp về thăm nhà một tháng hè.

Mấy năm sang Âu Châu theo học. Thời về mang theo những thay đổi.

Chàng thanh niên ăn mặc đúng mốt Ba Lê. Áo quần ba va li xách tay. Điểm đặc biệt mọi người chú ý là cậu cả bỗng tỏ vẻ quan tâm đến tình hình đất nước. Bàn chuyện chính trị sôi nổi.

- Những thế lực quốc tế áp đảo Việt Nam. Thời nói. Năm 1954 sau đệ nhị thế chiến, nước nào chúng nó giải quyết không được chúng nó dùng giải pháp chia đôi như Đại Hàn Việt Nam… Chính sách thằng Tàu là không bao giờ muốn những thằng lân bang mạnh. Tàu muốn dùng Bắc Việt làm bàn chắn Mỹ vì lúc đó đảng Cộng Sản Tàu chưa mạnh chúng nó sợ Mỹ tấn công vô lục địa. Còn thằng Nga điều đình với thằng Pháp là sẽ ép Bắc Việt chia đất đổi lại Pháp không được tham dự vào Khối Phòng Thủ Âu Châu. Họp ở Geneve, đại diện Nga là Molotov họp với Chu Ân Lai với Pháp ép Bắc Việt chia đôi Việt Nam. Chúng nó đã định vĩ tuyến 17. Phạm Văn Đồng lủi thủi đi ra không nói năng được lời nào.

- Thế giới hiện nay chỉ còn hai khối. Ông Ty nói. Cộng Sản hay Tư Bản. Chỉ khi nào nước mạnh lên thì quốc gia mới có chủ quyền. Không thì cứ bị chúng nó đè đầu đè cổ mãi.

Mộng của Thời bây giờ là phải làm chính trị mới được.

Người to tiếng ý kiến về những dự định của Thời nhất là Oanh.

- Bày đặt. Oanh nói. Du học mấy năm không học hành gì cả. Chỉ theo cua đầm mà bây giờ về đây nói chuyện mai mốt làm ông này ông nọ. Cái ông cả đẫn ấy mà bây giờ cũng mộng làm chính chị chính em. Nước Việt Nam gặp toàn cỡ ông Thời ông Quảng nhà này đi theo chính trị thì làm sao mà khá lên nổi.

Trong bữa cơm hội ngộ đầu tiên ở nhà ông Ty, Thời nói chàng sẵn sàng gặp Quảng. "Anh muốn gặp Quảng. Anh thấy Quảng cũng ngon lành đấy chứ. Dám đi theo phe bên kia. Tụi Tây đang có phong trào ngưỡng mộ Tả. Chúng nó ngưỡng mộ Hồ Chí Minh lắm. Mình cũng nên cởi mở tìm hiểu Cộng Sản xem sao".
Người bác quạt ngay:

- Cháu đừng dại dột mà nghe chúng nó tuyên truyền. Hồ Chí Minh là tên cu li cu leo. Ăn học chả bao nhiêu, có hiểu Cộng Sản là cái quái gì đâu. Cộng Sản là một chủ thuyết không thể áp dụng lên Việt Nam. Nó không hợp chứ không có gì cả. Chủ nghĩa Cộng Sản khởi đi từ sự đấu tranh giai cấp của bọn công nhân từ cuộc cách Mạng Kỹ Nghệ Tây Phương. Mà Việt Nam thì làm quái gì có giai cấp nào đâu mà cần đấu tranh. Việt Nam hồi nào đến giờ ai cũng nghèo như nhau. Có anh nào giàu nổi lên đâu. Ông bà mình nói: "Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời" là để phản ảnh cái xã hội ta không có giai cấp. Nước này chưa bao giờ có giai cấp thiết lập từ đời này qua đời nọ như Tây Phương như Tàu như Ấn Độ. Mấy anh địa chủ mình có được mấy cánh đồng thì thấm thía gì. Bác cho là nước Việt Nam đâu có giai cấp gì để cần đến Cộng Sản kêu gào cách mạng đấu tranh. Rồi chủ nghĩa Cộng Sản là thứ tam vô. Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Người Việt Nam thì có phần hơi vô tôn giáo. Nhưng còn gia đình và tổ quốc thì làm sao mà xóa bỏ được.

Ngày hôm sau trong khi mọi người chờ đợi. Bà Hòa ra nói:

- Nó lại bỏ đi rồi. Bà nói về Quảng. Tôi bảo nó mãi. Nó đã hơi xiêu xiêu. Cứ tưởng lần này thế nào nó cũng nghe tôi. Nó không chịu gặp thằng Thời.

- Biết ngay mà, Thanh nói. Chỉ có mẹ mới tin được một con người như vậy.

- Không ai hiểu con bằng mẹ. Bà Hòa phân trần. Mẹ thương anh con lắm. Anh con có những khó khăn của anh con các con ạ.

Phương đến thăm Giao, người bạn cùng trọ học ở Huế ngày nào. Giao bây giờ đã ra trường y khoa và hiện là y sĩ tiền tuyến. Giao đang về phép thăm nhà.

Nhìn thấy mặt Phương, Giao nói:

- Cái thằng này. Lấy vợ rồi mà cũng rứa. Hễ giận mẹ là cứ bỏ nhà đi. Còn lên chùa ngủ nữa hết hay lại cứ giận mẹ là lên ông thầy chùa ngủ.

- Cũng đang định. Phương vừa cười vừa nói với người bạn thân nhất. Đang định rủ ông lên thăm ông thầy chùa Tâm Quang đây.

Phương chọc Giao vì biết Giao là người bài bác tôn giáo tối đa. Tâm Quang là nhà sư ngày trước bạn học của Giao. Giao thường nói "Cái thằng đó mà sư cái gì. Cái thằng trốn lính". Giao luôn luôn phảm đối sư cố. Tuy không phải là người vô thần chính hiệu nhưng hễ ai nói đến sư cố là Giao có ý kiến ngay lập tức.

- Đàn ông đi chùa là vì thiện chí. Giao nói. Không nghe người ta nói "thiện nam tín nữ" à. Chỉ đàn bà mới tin sư cố nên mới gọi là "tín nữ". Còn đàn ông thì chỉ thích làm sư cố chớ tin gì ai.

- Ông hiểu chữ "thiện nam tín nữ" theo kiểu nào vậy.
Giao cười hề hề:

- Tiếng Việt phong phú mà. Hai ba nghĩa. Muốn hiểu nghĩa nào cũng được.

Buổi tối Phương về nhà vợ ngủ. Cũng hơn hai tuần nay vợ chồng mới rãnh một bữa với nhau. Phương bảo vợ:

- Hay mình đi xa Hội An, dọn quách ra Đà Nẵng cho rồi em.

- Ý. Đâu có được.

- Sao không được.

Vợ nhìn sang chồng cười:

- Em biết anh muốn vậy nhưng anh sẽ không bao giờ làm như vậy phải không.

Phương nhìn vợ. Cẩm Sa nhoẻn miệng cười. Mắt chớp chớp. Cánh tay trắng mịn màng vắt ngang trán. Cẩm Sa vừa tròn hai mươi tuổi tháng này. Thân thể tròn trịa và trắng trẻo. Chưa hết con gái mà cũng chưa hẳn là đàn bà. Vẫn còn khóc với chồng mỗi khi gặp chuyện không vừa ý. Vẫn còn ngủ nhiều và ăn hàng vặt. Lấy chồng hai năm nhưng vẫn chưa có con. Nhưng chưa bao giờ vòi con. Và cũng chưa hề phàn nàn sao vợ chồng hay ngủ riêng. Có khi chồng về khuya chồng ngủ ngoài phản vợ ngủ trong buồng.

Những lần hai vợ chồng có giây phút riêng với nhau thế này, Cẩm Sa thường vòi chồng cắt móng tay móng chân, hoặc xoa lưng. Phương chiều vợ và hai vợ chồng thường rúc rích mãi với nhau.

Thỉnh thoảng bên nhà chồng có chuyện gì căng thẳng quá, Cẩm Sa rủ chồng về bên nhà mình một bữa. Nằm cạnh nhau vào lúc này. Trong chiếc buồng con dành riêng cho hai vợ chồng. Bên ngoài tiếng máy hát mở lớn. Cả gia đình vừa nghe chương trình cải lương vừa nô đùa. Cẩm Sa rúc vào ngực chồng. Phương muốn âu yếm vợ. Giây phút này chàng muốn thương vợ. Phương cố gắng. Nhưng vẫn không lên được. Đôi khi chàng đã bị những lúc như thế này.

Ngày hôm sau Phương đến nhà Giao.

Vừa thấy Phương, Giao quẳng ngay ra trước mặt Phương một quyển đặc san Mùa Phật Đản có bài viết của Phương ở trong đấy.

- Tao đọc sơ sơ. Giao nói. Bài viết mi bình về tinh hoa của đạo phật. Không ngờ mi lậm đạo của mấy ông thầy chùa quá. Thiếu cái đầu trọc nữa là mi thành ông thầy chùa mất rồi. Tao thì tao cóc có tin đạo nào. Con người ta đói khát tưởng tượng. Tôn giáo thỏa mãn được sự tưởng tượng phong phú vô giới hạn của đầu óc con người. Mấy ông thủy tổ đạo nào cũng đều là những tay có đầu óc tưởng tượng cực kỳ phong phú. Tín đồ là những kẻ đầu óc không tưởng tượng được như vậy. Những kẻ nghèo nàn tâm linh sẵn sàng nương tựa đức tin cho bớt cảm thấy cô đơn bớt cảm thấy bất lực. Tôn giáo làm cho người ta thấy ấm áp không còn cô đơn lạc lõng. Mi tưởng con người ta chịu được một sự trống rỗng đức tin à. Chịu không nỗi đâu. Trống vợ trống chồng trống bồ bịch còn chịu không nỗi huống hồ gì trống rỗng tôn giáo. Ông phật quả là người có trí tưởng tượng phong phú. Ông biểu con người ta dẹp hết ham muốn để được giải thoát. Chuyện không tưởng. Mi thấy có đúng không.

- Triết lý phật giáo có một chữ Ngộ. Phương nói. Vấn đề là có Ngộ hay không Ngộ mà thôi. Sao hôm nay ông vô thần mà lại hiếu bàn chuyện này vậy.

- A không ngờ mi lún sâu vô con đường giải thoát kiểu thầy chùa quá. Tao không hiểu nổi một thằng có đầu óc sáng tạo phong phú như mi mà không chịu thách thức triết lý của mấy ông thầy chùa.

- Tôn giáo có bao giờ cần phải hiểu đâu. Phương nói. Mà thôi hôm nay nói chuyện bậy bạ khác đi ông.

- Chuyện chi.

- Hễ bà già thấy mặt tôi là bà già khóc ông ơi.

- Vụ hôm trước mi không gặp cha giáo sư Việt Cộng thằng Quảng giới thiệu à. Kể cũng lạ. Hồi xưa đi học thằng Quảng ghét cha này lắm. Bọn tao hay xúi thằng Quảng hỏi chọc tức cha trong lớp.

- Mấy hôm nay bà còn biểu diễn màn giận hờn không nói chuyện với tôi nữa.

- A thì ra mi đau khổ vì thương mẹ quá.

Người thanh niên lớn tuổi đập tay vào mép bàn một cái "chách".

- Tao biết, Giao tiếp. Từ lâu mi là một thằng con cưng của mẹ già. Cả đời mi hỏng bét vì bà mẹ của mi. Học hành không ra chi cũng vì không muốn xa mẹ. Hồi đó tao đã biểu mi mấy lần mà không chịu nghe. Phải chi vô Sài Gòn học may ra đã bứt ra khỏi bà già được rồi. Lấy vợ cũng vì nghe lời mẹ. Suốt đời mi chỉ quanh quẩn bên mẹ hiền. Bây giờ chứng kiến cảnh mẹ quay sang nhận mệnh lệnh của thằng anh mi, o bế thằng con trời đánh. Và cậu con cưng của mẹ đang đau khổ vì mẹ đã bỏ rơi mình. Mi ghen tương với thằng anh mi, phải không. Kể ra thằng anh chó chết của mi đáng mặt kỳ phùng địch thủ của mi thật.

Người thanh niên trẻ tuổi đưa tay vuốt mặt. Đôi mắt hắn trõm sâu như vừa trải qua một đêm mất ngủ.

- Có lẽ… Người thanh niên trẻ tuổi ngập ngừng mấy giây và nói. Tôi thấy mình hơi giống bà già ông ạ.

- Đúng.

Người thanh niên lớn tuổi ngả lưng vào thành ghế và đáp chắc nịch.

Giọng Phương tuôn tràn với người bạn mà chàng có thể nói bất cứ điều gì:

- Thật là kinh khủng khi mình nhìn thấy rõ mình với tất cả những yếu đuối và cao cả. Nhìn thấy ở người khác thì không sao mà nhìn thấy rõ về mình thật là kinh khủng ông ạ.

Ông biết người ta thường ngợi ca nỗi đau khổ của những con người can đảm và không muốn nhắc đến nỗi đau đớn của những con người yếu đuối. Nhưng làm sao có thể đánh giá nỗi đau khổ này trên nỗi đau khổ kia. Một kẻ đầu hàng với tính mệnh mình cũng đau khổ lắm chứ.

Người thanh niên lớn tuổi bỗng im lìm. Nhìn người bạn trẻ tuổi không nói. Để mặc cho hắn nói lạc vào một cõi riêng tư nào đó chỉ một mình hắn vùng vẫy.

- Không ai có thời giờ để gần mẹ tôi. Người trẻ tuổi tiếp. Nhưng tôi cảm thấy như tôi mang theo gần hết con người của bà. Những lúc ánh mắt của bà ngước lên nhìn tôi. Đôi mắt đẫm tràn hai giòng lệ. Tôi biết lòng của bà đau khổ là dường nào. Tôi biết sự dày xéo đã xô lệch tâm hồn bà và bà đã ngã quỵ vì không đủ sức phấu đấu. Tôi đã nhìn thấy sâu xa trong đôi mắt của bà: "Không. Không phải lỗi của con đâu mẹ ơi". Và mỗi lần như thế tôi lại bỏ đi và không thể nói được một lời an ủi bà.

Đôi mắt của hắn như thấm những giọt nước. Giọng hắn càng lúc càng thoát ra:

- Nhưng có một điều, hắn tiếp, tôi mang theo nhiều nhất của bà là một sự tiếp nhận về đời sống. Tiếp nhận cả hai mặt của đời sống. Chấp nhận được cả hai đối cực hiện hữu trong đời sống. Có thiện và có ác. Có lòng cao thượng và có sự hèn hạ. Có hoàn hảo và có bất toàn. Có âm có dương trong đời sống này. Khi người ta chấp nhận cuộc đời này có cực xấu và có cực tốt, người ta dễ dàng sống với cả hai mặt của cuộc đời hơn. Và vì vậy người ta ít bị thúc đẩy là phải đứng lên tiêu diệt mầm mống tội lỗi, tiêu diệt sự xấu xa của đời sống. Người ta cũng bớt quả quyết là chỉ một mặt tốt đẹp mặt thánh thiện mặt cao cả là có quyền hiện hữu.

Bởi thế tôi thông cảm cho bà già. Nếu như bà già tôi dứt khoát được rằng ông anh tôi là một đứa con tàn ác. Lợi dụng lòng yêu thương vô điều kiện của mẹ một cách tàn nhẫn là điều không thể chấp nhận được. Thì có lẽ bà đã dễ dàng có thái độ với ông anh tôi hơn. Đằng này trong căn bản bà đã tiếp nhận đứa con của mình như vậy rồi. Một sự tiếp nhận rộng lượng về đời sống cho nên bà đã không phủ nhận thái độ của mình. Và chính điều này làm cho tôi thấy cảm thông với bà một cách sâu thẳm vô cùng…

- Mi là một thằng gà chết. Người thanh niên lớn tuổi mất kiên nhẫn đứng dậy và cắt ngang lời người trẻ tuổi. Mi là một thằng chết nhát.


Ghi chú của tác giả: phần lớn các truyền đơn của cuộc Chiến Tranh Tâm Lý thu thập trên trang này, lấy từ trang nhà của http://www.btinternet.com/~rod.oakland/vietnam.htm.