Chương 5 - Một Giai Thoại Tiền Cách Mạng
Nhiều tháng sau đó, một buổi tối ở tại Ba Lê, vài nhà thượng lưu trí thức tiếng tăm nhất của thời đại đang tựu họp tại nhà một nhân vật cũng quý phái và hào sảng không kém. Phần nhiều các quan khách cùng đồng chia sẻ cái quan niệm chung của thời bấy giờ. Cũng như về sau có lúc mà người ta cho rằng không gì táo bạo cho bằng dân chúng, thì ngay khi đó có một thời kỳ người ta cho rằng không có gì thô bỉ cho bằng giai cấp quý tộc. Người quý phái sang trọng và vị lãnh chúa quyền thế nhất đều tuyên dương sự bình đẳng và xây dựng lý thuyết của họ trên sự tiến bộ xã hội.
Trong số những thực khách tối hôm ấy, có hầu tước Condorcet, hồi ấy đang lên tới tột đỉnh của danh vọng, ông ta từng giao thiệp với quốc vương nước Phổ, vừa là bạn thân của nhà văn hào Voltaire, vừa là nhân viên Hàn Lâm Viện của nhiều nước Âu Châu. Ông vốn con nhà quý tộc, cốt cách phong lưu và có tư tưởng Cộng Hòa. Ngoài ra, còn có các ông Malesherbes và Jean Sylvain Bailly, đều là những nhân vật ưu tú có nhiều uy tín trong nước Pháp thời đó. Đó là những cuộc hội họp có tính cách văn nghệ, chính trị, rất được các văn nhân, trí giả hâm mộ và đến dự thường xuyên tại thủ đô Ba Lê. Sự góp mặt của nhiều vị mệnh phụ phu nhân thuộc dòng quý phái càng làm cho những cuộc hội họp ấy thêm phần thanh lịch, hào hứng và vui nhộn. Chính các bà phu nhân, mệnh phụ này là những người đã từng phát biểu những lời bình phẩm chỉ trích táo bạo nhất cùng những ý kiến và tư tưởng phóng khoáng tự do nhất.
Trong khi các vị quan khách đang thảo luận sôi nổi về tất cả mọi vấn đề thời sự, chính trị, văn chương, nghệ thuật... có hai người ngồi gần nhau riêng một góc trong phòng khách, nhưng không tham dự vào câu chuyện của mọi người. Trong hai người đó, có một người lạ mặt mới đến thủ đô Ba Lê, tại đây y đã được mọi giới chú ý và mời mọc do bởi tính chất hào hoa phong nhã, sự giàu có và những kiến thức rộng rãi của y. Còn người kia, một ông già độ bảy mươi tuổi, chính là thi sĩ trào lộng Jacques Cazotte, tác giả tập thơ "Con Quỷ Phong Lưu" (Le Diable Amoureux). Hai người nói chuyện riêng với nhau một cách thân mật và chỉ thỉnh thoảng mới biểu lộ sự chú ý của họ trong câu chuyện của mọi người bằng một nụ cười xã giao. Người lạ mặt nói:
- Phải đấy, chúng ta đã từng gặp nhau trước đây.
- Tôi không thể quên gương mặt của ông, nhưng không làm sao nhớ rõ là đã gặp ông trong trường hợp nào, - người kia đáp
- Để tôi giúp ông, ông có nhớ chăng có một thời kỳ do sự thúc đẩy của óc tò mò hoặc có lẽ do sự mong muốn học hỏi hiểu biết, ông đã xin gia nhập vào triết phái Huyền Môn của Martinez de Pasqualis?
- A! Có thể vậy chăng? Vậy ông cũng là đạo đồ của môn phái đó?
- Không. Tôi có tham dự những cuộc lễ, nhưng chỉ là để nhận xét ý nghĩa của nó mà thôi.
- Ông có thích sự học hỏi đó không? Riêng tôi, tôi đã dứt bỏ mọi ảnh hưởng của nói nó từ lâu?
Người lạ mặt một cách nghiêm nghị:
- Ông không có dứt bỏ ảnh hưởng đó chút nào. Vào giờ phút này, nó vẫn còn thấm nhuần nơi ông, nó đập trong quả tim ông, nó vận dụng lý trí ông, nó muốn biểu lộ qua lời nói của ông.
Rồi vừa hạ thấp giọng, người lạ mặt tiếp tục nói chuyện, nhắc lại vài cuộc lễ, giải thích ý nghĩa và đối chiếu với những giai đoạn trong cuộc đời của người kia. Người này vô cùng ngạc nhiên mà thấy một người xa lạ lại biết rõ tất cả những chi tiết bí ẩn về cuộc đời của mình. Gương mặt khả ái và hiền từ của ông lão từ từ sa sầm lại, và người ta thấy ông thỉnh thoảng lại đưa về phía người khách lạ một cái nhìn soi mói, tò mò và e ngại.
Bà quận công De Gramont thấy vậy, bằng một giọng tinh nghịch, bèn chỉ cho quan khách thấy gương mặt sa sần của nhà thi sĩ già. Hầu tước Codorcet bèn hỏi Cazotte:
- Ông có thể cho biết những lời tiên tri của ông về thời cuộc chăng, và ảnh hưởng của cuộc Cách Mạng đối với chúng ta như thế nào?
Cazotte rùng mình, mặt y tái ngắt, cặp môi run run, trán y toát mồ hôi từng giọt lớn. Các quan khách đều nhìn y một cách ngạc nhiên. Người lạ mặt vừa đặt nhẹ bàn tay lên tay ông lão vào nói:
- Ông hãy nói đi!
Cazotte bèn đanh nét mặt, đôi mắt lặng lờ nhìn vào khoảng không và với một giọng nói trống rỗng nghẹn ngào, y nói:
- Quý vị muốn biết ảnh hưởng của Cách Mạng đối với chính mình ư? Tôi sẽ nói cho quý vị biết! Hầu tước Condorcet, ông sẽ bỏ mình trong ngục tối, không phải dưới tay người đao phủ, mà do một liều thuốc độc. Còn bà chị Gramont quận công thì sẽ thọ hình trên đoạn đầu đài!
Condorcet đáp với một nụ cười dịu dàng:
- Hỡi bạn Cazotte đáng thương, các nhà giam, đao phủ và thuốc độc chắc sẽ phải bị dẹp bỏ với một thế hệ tự do, bình đẳng và bác ái đại đồng mà Cách Mạng sẽ đem lại cho chúng ta.
- Chính vì nhân danh tự do, bình đẳng và bác ái mà các nhà giam mới đầy nghẹt những tù nhân, và đao phủ quân sẽ làm việc không xuể!
Đến đây, trong khi mọi người còn đang xúc động và sửng sốt, thì nhà văn Chamfort bèn xen vào câu chuyện và nói:
- Còn tôi, ông có thể tiên tri về phần tôi điều gì?
- Ông sẽ tự tử để tránh khỏi ngục hình. Còn các ông Malesherbes, Aimar Nicolai và Bailly, thì tôi nhìn thấy dựng đứng trước mặt các ông một cái máy chém. Và dẫu cho đến lúc đó, hỡi quý vị, những người lên án hành hình các ông cũng không nói gì khác hơn là họ nhân danh những lý thuyết rất từ bi và nhân đạo!
Cơn im lặng trở nên thâm trầm và tuyệt đối trong gian phòng. Khi đó, La Harpe, một đồ đệ của Voltaire, là người nổi bật nhất trong những người theo phái Hoài Nghi, phát lên một chuỗi cười ngạo nghễ và nói:
- Hỡi nhà tiên tri! Xin ông đừng gạt bỏ tôi ra ngoài cái số phận của các bạn tôi. Phải chăng tôi cũng có một vai trò nào đó trong tấn bi kịch mà ông vừa đoán trước những diễn biến rùng rợn?
Gương mặt của Cazotte bèn mất đi những nét kinh hoàng phờ phạc lúc đầu, mà trở nên hóm hỉnh với một cái nhìn long lanh:
- Ừ, La Harpe, vai trò của anh sẽ lạ lùng hơn tất cả, anh sẽ trở nên một tín đồ... đạo Gia Tô!
Tất cả quan khách đang im lặng nghiêm trang, bỗng nhiên phát tiếng cười nghiêng ngửa, còn Cazotte thì dường như mệt mỏi nên vừa ngả mình trên ghế bành vừa thở dốc một cách khó khăn.
Bà quận công De Gramont nói:
- Bây giờ, sau khi ông đã tiên tri những điều kinh khủng cho chúng tôi, xin ông cũng tiên tri vài điều về định mệnh của ông chứ!
Nhà tiên tri bất giác run rẩy thân mình, sắc mặt tái nhợt, nhưng sau một lúc im lặng, gương mặt ông ta bình tĩnh trở lại, có vẻ như đành cam số phận và nói:
- Thưa bà, lịch sử có chép rằng trong trận đánh vây thành Jérusalem một người đã đi suốt bảy ngày vòng quanh bốn bức tường thành và kêu to: "Tai họa sẽ đến với Jérusalem! Tai họa cũng sẽ đến với tôi!"
- Rồi sao nữa, Cazotte... sao nữa?
- Đến ngày thứ bảy, trong khi y vẫn kêu như thế, thình lình một tảng đá do những máy phóng đá của quân La Mã bắn ra nghiền nát thân mình y ra từng mảnh vụn!
Nói đến đây, Cazotte đứng dậy ra về, và những quan khách, vô cùng xúc động về những lời tiên tri chẳng lành đó, cũng lần lượt giải tán.
Bookmarks