-
Ai Người Tri Âm - Lã Mộng Thường
Chương 5
Tìm nơi Đạo Giáo, "Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của ho...." (Lão Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Sống Mới, Fort Smith, AR. USA; tr. 200), không phải là không làm gì cả mà đừng làm cái gì thái quá vì "vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản" thì làm sao tôi có thể đạt được ước mơ hạnh phúc của mình. Đã bao nhiêu người, đã bao nhiêu niên kỷ nào đâu nghe thấy ai đạt được mơ ước có tên chung là hạnh phúc mà chỉ thấy những lý thuyết mơ hồ không thể rờ đến được. Nói rằng sống tự nhiên giản dị, "Càng làm ít càng hay, và không làm gì cả lại là tốt hơn" (Lão Tử Tinh Hoa; tr. 63) thì tôi đã sống bao nhiêu ngày tháng chẳng nên cơm cháo gì, đến nỗi hai tay vày lỗ miệng vẫn chưa đủ còn nói gì đến càng không làm gì cả lại càng tốt hơn! Tôi muốn tìm một phương cách thực hành trong khi chỉ thấy lý thuyết cao siêu được dẫn giải và không ai nói lên được ít nhất phần nhỏ nào cảm nghiệm thực dụng. Chẳng hạn trở về với con người tự nhiên, giản dị là cách sống thế nào? Thoạt sinh ra, đâu ai chui khỏi lòng mẹ với áo, quần, bông tai, son phấn thì cái sống tự nhiên đơn giản nhất đã thấy chẳng giống gì người chung quanh. Đồ ăn thức uống tự nhiên loài khỉ đã muôn đời áp dụng nào có làm cho họ hàng loại có hai chân hai tay này rụng lông hoặc cụt đuôi, thay đổi được chút nào; ấy là chỉ nói về hình thức cơ thể mà chưa nói tới tư tưởng, ước muốn... Hơn nữa, đã là con người thì tất nhiên còn có đời sống khác cao hơn đó là khát vọng của tinh thần và tư tưởng. Như vậy, để cho con người trở về với cái sống tự nhiên, hoặc không làm gì cả mang ý nghĩa gì và áp dụng ra sao?
Khổng Giáo, ngược hẳn lại với quan niệm vô vi và rõ ràng với "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ." Khổng học nhắm vào sự uốn nắn con người được chia theo những thể chế của xã hội, để rồi nhập thế hành động... Có thể nói theo Nguyễn Công Trứ: "Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, Cái công danh là cái nợ nần;" và cuối cùng mới nhận ra, "Chen chúc lợi danh đà chán ngắt, Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao." Nghĩ như thế, cho dù có bon chen cách mấy, lập được nhiều tiếng tăm, công trạng thì hạnh phúc vẫn ngoài tầm tay với, vẫn trống lổn như tôi, thấm thoát một quãng đời tiêu phí vì chọn lầm cách sống, bởi dù cho "Bao nhiêu năm hưởng thụ biết chừng nào" thì cũng "Chợt tỉnh giấc nồi kê chưa chín." Xét thế, những hưởng thụ cũng không phải là hạnh phúc mà tôi mong muốn bởi chúng chỉ là thứ chóng qua trong khi tôi mơ một hạnh phúc không tàn phai theo năm tháng. Phỏng trên đời có loại hạnh phúc này không? Và nếu nó chỉ là mộng tưởng, tại sao ai cũng ước mơ? Đồng ý rằng muốn bình thiên hạ thì quốc gia phải thịnh trị, gia đình cần được tề, và trước tiên người muốn tề gia lại phải tu thân. Tuy nhiên, người ta tu thân với mộng làm lớn cho danh vọng cao, cho uy quyền trải rộng nên cần sống khắt khe, phải kiêng cữ điều này, phải tuân theo luật kia. Tôi không mơ ước ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ thiên hạ mà chỉ kiếm tìm niềm vui hạnh phúc không bị lệ thuộc vào tiền tài, danh vọng hoặc bất cứ gì chóng qua thì mõi mắt kiếm tìm cũng không ra phương pháp thực hiện... mà chỉ gặp những lý thuyết mơ hồ không rờ tới được. Tôi không muốn nói về hạnh phúc mà muốn thực hiện, có, để sống hạnh phúc.
Kiếm tìm trong Kinh Thánh, một chân trời mới mở rộng cho thấy sự liên kết mật thiết giữa cuộc sống tâm linh với thực tại của con người khiến tôi muốn cảm nghiệm những điều Kinh Thánh đưa ra, một Thượng Đế yêu thương, một Đức Giêsu hiện thực được liên lạc không chỉ đơn giản bằng đức tin, qua phép rửa mà còn nơi những biến cố kẻ tin gặp được nơi cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tôi lại phải đối diện ngay một thực tại mông lung không khác gì hạnh phúc mà tôi đang kiếm tìm. Chẳng hạn, đức tin được hiểu là lòng tin tưởng chắc chắn rằng có một Thượng Đế, Kitô hữu gọi là Thiên Chúa, hiện hữu, có thật, Ngài quyền năng, nghe lời và giúp đỡ những người kêu cầu; đồng thời cũng tin thật rằng Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai, Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi. Đức tin đơn sơ ấy chứa đựng cả một sức mạnh chữa lành các bệnh tật, thực hiện những chuyện cả thể, rời non lấp biển như trong Tin Mừng Mathêu (17:20, 21:21), "Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó! Nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì," nhưng phương pháp nào phải theo để có được đức tin như thế? Đọc Kinh Thánh, đọc các sách giải thích coi bộ ngon lành lắm... Con người thật quyền năng vì được Thượng Đế ban cho sức mạnh nhờ ở lòng tin nên muốn thế nào được thế ấy. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, chuyện đơn giản và dễ thực hiện nhất, lúc đau khổ, dùng đức tin để kêu cầu, đau khổ vẫn còn đó, đồng ý rằng có phần nào nhẹ bớt nhưng không cách nào dời nó đi được. Tại đức tin yếu kém hay tại không biết cách cầu, không biết cách xử dụng đức tin mà chính những người hô hào, cổ võ đức tin, sống đức tin, rao giảng đức tin đã không có thể thực hiện được chuyện đơn giản như thế trong khi lại nghĩ đến những việc cả thể hơn? Mang ý nghĩ như thế, tôi nhận ra rằng, thay vì nói đúng nghĩa trên giấy trắng, mực đen nơi Kinh Thánh, người ta lại viết sách giải thích thành những ý tưởng khác nhau... Chỉ một cuốn Kinh Thánh, cả muôn ngàn cuốn sách khác giải thích chất chứa đầy lý luận tương tự như người ta đã viết về định nghĩa, tính chất tưởng tượng của hạnh phúc.
Đọc Cựu Ước, tôi thấy một Thiên Chúa rất gần với loài người nhưng sao vẫn còn phải qua trung gian những tiên tri, đặc biệt như Môi Sen. Vậy những tiên tri đã nghe được tiếng của Thượng Đế bằng cách nào...? Họ được Thượng Đế chọn làm sứ giả; phỏng đó chỉ là một lối diễn tả về những người đã biết cách liên lạc trực tiếp với Ngài hay thực sự chỉ những ai được ưu đãi hoặc bị chọn mới có thể liên lạc như thế. Nếu sự liên lạc này chỉ dành cho một số người may mắn nào đó thì chẳng có phương cách nào cho tôi ứng dụng để kiếm tìm hạnh phúc. Những câu chuyện Hòm Bia, chiếm thành không cần chiến đấu, chỉ nhân danh Chúa của đám dân lang bạt nơi sa mạc mà chuyện xảy rạ.. Những sự kiện được ghi chép lại này thật hay giả...? Vậy câu chuyện Đavít ngủ với Bathsheba vợ của Uriah (2Sm 11:3) khiến bà ta có bầu rồi tìm cách giết Uriah phỏng có phải là chuyện hoang đường? Nếu hoang đường thì ghi chép lại làm gì? Đức Kitô đã cầu nguyện thế nào mà có được quyền năng lạ lùng ấy đến nỗi bị những người đương thời ghen tương cho rằng dùng tướng quỉ để trừ quỉ (MK 3:23- 24)? Các tông đồ của Ngài chỉ là những dân chài đơn sơ chất phác, theo Ngài và cũng thực hiện được những việc lạ lùng như vậy (MK 3:13- 14). Đọc Tông Đồ Công Vụ, Phaolô bị quật rơi khỏi ngựa trên đường đi Damascus, nghe tiếng Đức Kitô quở trách về hành động bách hại Kitô hữu và về sau trở thành người rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Một Phêrô nhút nhát, ba lần chối không biết Đức Kitộ.. thế mà sau khi Thánh Thần hiện xuống trên ông cũng như các tông đồ, ông đã trở thành một người can đảm, có năng quyền lạ lùng như chữa lành người què bẩm sinh (Acts 3:1- 9) do nhân danh Đức Kitô; Ananya và Saphira nói dối Phêrô bị trừng phạt chết đổng tử (Atcs 5:1- 11); ông chữa người bất toại Aeneas ở Lyđa (Atcs 9:33- 35), chỉ dùng lời cầu nguyện mà bà Tabitha ở Joppa đã chết, được tẩm liệm vào áo quan sống lại (Atcs 9:36- 43). Nào phải riêng một mình Phêrô, các tông đồ khác của Đức Kitô cũng nhờ cầu nguyện mà làm được lắm sự lạ (Atcs 5:12- 16).
Điều làm tôi thắc mắc đặt câu hỏi là sự khác biệt giữa kết quả của cầu nguyện và đường lối thực hành đạo của những Kitô hữu. Thực tế cho thấy có những tổ chức Kitô hữu khác nhau như Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Baptít, United v.v... mà những phương cách thực hiện đức tin của họ chỉ là tới nhà thờ nghe giảng giải cùng làm những việc đạo đức, sống luân lý... Nói chung, họ tìm cách sống một cuộc sống tốt lành chứ không kiếm đường lối thực nghiệm đức tin hoặc phương pháp nào cho có đức tin bằng hạt cải. Điều kiện Đức Kitô nói lên chỉ là đức tin vào Thượng Đế bằng hạt cải đã không được mổ xẻ mà chỉ thấy những định nghĩa đức tin, những áp dụng sao cho có đời sống luân lý và đạo đức tốt lành... Chả lẽ không ai tốt lành đủ? Và nếu sống tốt lành đủ theo Kinh Thánh là có đức tin thì tại sao chưa ai có đức tin bằng hạt cải? Vậy phương pháp nào cho tôi theo để có được đức tin như thế? Đức Kitô cầu nguyện, các tông đồ cầu nguyện và những việc cả thể xảy ra chả lẽ trên thực tế, không Kitô hữu nào có thể cầu nguyện giống như Đức Kitô và các tông đồ được sao?
Nơi Gioan 4: 23- 24, "Nhưng giờ sẽ đến - và ngay bây giờ - những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật" (bản dịch N.T. Thuấn) mang nghĩa gì? Thần khí là gì và tôn thờ trong Thần khí là thế nào? Cách nào để biết là có Thần khí hay không? Thế Công Vụ Các Tông Đồ 2:17, "Ta sẽ đổ Thần khí Ta trên mọi xác phàm. Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm, thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến, kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng. Và cả trên các tôi trai, tớ gái của Ta, trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thần khí Ta xuống, và chúng sẽ nói tiên tri" muốn nói về điều gì? Lý do gì thúc đẩy Phêrô nói những lời này và ông đã muốn chứng minh chuyện chi? Theo Kinh Thánh, sau khi lên trời, Đức Kitô sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ nên các ông có đức tin mạnh mẽ và cũng chính đức tin ấy đã kiến tạo nhiều chuyện lạ lùng. Tuy nhiên, nơi đoạn Thánh Kinh khác, Đức Kitô lại nói các con có thể làm nhiều việc cả thể hơn nếu có đức tin (Gioan 14:12), nhưng tại sao Đức Kitô lại đã phải đặt vấn đề: "Tuy vậy, khi Con Người đến phỏng sẽ còn gặp được lòng tin trên trái đất này nữa không?" (Lc. 18:8).
Xét như vậy, những hành động đạo đức không phải là phương cách để tăng thêm đức tin mà chỉ là những sự việc diễn tả một phần nào đức tin có nơi mình. Đức tin, theo nghĩa này, khác với sự tin tưởng hay niềm tin. Đức tin và sự tin tưởng hay niềm tin có thể có cùng lối diễn tả nhưng nếu cứ xét theo câu Phúc Âm (Mt. 21:21) "Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này: 'Xê đi mà nhào xuống biển' thì sự đó cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" chứng tỏ đức tin tự mang năng lực hoạt động trong khi niềm tin hay sự tin tưởng chỉ giúp con người ta thêm phần nào năng lực chấp nhận thực tại. Đức tin của một người như thế không tùy thuộc thể chất hay cá tính nhưng niềm tin và sự tin tưởng lệ thuộc tính chất con người. Suy như vậy, đức tin bao gồm niềm tin hay sự tin tưởng; nói cách khác, một người có niềm tin, có sự tin tưởng vào Thượng Đế chưa chắc đã có đức tin.
Vì đức tin mà các tông đồ bỏ hết mọi sự đi rao giảng tất nhiên đức tin này không đơn giản như tôi thường nghĩ, thường được nghe nơi các nhà truyền giáo, các cố đạo giảng dạy. Đức tin khiến Phaolô thay đổi hẳn lối sống, đang lùng bắt Kitô hữu mà quay ngược trở lại rao giảng và tuyên xưng ông tổ của Kitô hữu là chúa tể của mình tất nhiên không phải là chuyện tin tưởng mù mờ rằng có một Thượng Đế không ai rờ thấy được, khó cảm nghiệm, có thể thay đổi được con người quyền quí và có học thức như thế. Đức Kitô quật Phaolô ngã ngựa như thế nào? Công Vụ Các Tông Đồ kể lại đúng sự thực hay dùng lối ám chỉ? Điều kiện hoặc phương pháp nào để có được đức tin bất chấp tất cả những quyền hành, danh vọng và chấp nhận cả một đời theo đuổi? Như vậy, đức tin đã mang lại cho người đạt được nó một sự say mê, một tâm tình hạnh phúc tuyệt vời đến độ tất cả những gì cao sang quyền quí trên đời này nếu đem so sánh trở thành vô giá trị.
Thuở ban đầu, Đức Phật từ bỏ quyền hành, địa vị, cuộc đời sang giàu, bỏ cả vợ con để đi vào cuộc đời thiền niệm chắc chắn phải có điều gì hấp dẫn hơn, chắc chắn phải đạt được niềm hạnh phúc hơn. Nếu nói rằng vì thương người khác, thấy người khác đau khổ mà có thể bỏ vợ con, chức quyền, vậy sự ra đi này không làm cho vợ con đau khổ sao? Quyền hành nắm trong tay, của cải không thiếu, lại làm vua một nước thì đưa ra một đường lối giúp dân chúng có cuộc đời thoải mái hơn nào khó gì? Đặt vấn đề như thế, Đức Phật từ bỏ mọi sự tất ngài sau khi đã ngộ ra sự bất lực của quyền bính và của cải nên gặp được sức mạnh nào đó lôi cuốn đến độ dù cho những điều tuyệt vời mà người đời thường mơ ước cũng không thể nào kéo ngài trở về. Đem ý nghĩ này so sánh với cuộc đời của Phaolô, các tông đồ Đức Kitô, họ cũng đã bỏ tất cả để bước vào con đường rao giảng... Chỉ có thế giới thần linh mới lấn át được những sự ham muốn bình thường thế tục mà cần phải có một phương pháp nào đó là nhịp cầu. Đức tin, Kitô hữu gọi thế, đưa dẫn kẻ tìm kiếm đạt được hạnh phúc khác với những gì chóng qua của thế giới trần tục mọi người thường theo đuổi như danh vọng, chức quyền, tiền bạc, tình ái v.v...
Nhiều người bàn luận, phân tích về ngón tay Đức Phật chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ngài không phải là mặt trăng. Theo sự suy luận này, tất nhiên cuộc đời thiền niệm không phải là điểm cho những người theo ngài nương bóng mà điều Đức Phật đã đạt được mới là cùng đích ngài muốn người khác kiếm tìm. Đức Kitô rao giảng về nước trời đồng thời cũng dạy rằng nước trời ở giữa mọi người, ngay tại trần thế này nhưng người ta không nhận biết (Luca 17:21) "Người ta sẽ không nói được: 'Này ở đấy hay 'ở đó' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông." Và điều kiện để nhận ra nước trời cần có nhãn quan như con trẻ (Mt. 18:3; Mc. 10:15; Lc. 18:17) "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời." Nước Trời tất nhiên có thể là hạnh phúc nhưng phỏng niềm hạnh phúc mà tôi tìm kiếm có phải là những việc lành để tôn vinh Thượng Đế và nên như trẻ nhỏ là không bị những quan niệm, kinh nghiệm thèm muốn danh vọng, tiền tài, chức quyền ảnh hưởng? Ngược lại, làm sao cái nhìn của trẻ nhỏ có thể đặt vấn đề kiếm tìm hạnh phúc?
Lão thì vô vi, chẳng nên làm gì hoặc càng làm ít càng tốt. Phật lại tất cả chỉ là không không, nên phải nhận thức như thế nào cho mình thành vô ngã. Công Giáo rằng mình đang đối diện với nước trời mà không nhận biết, muốn biết phải trở nên như trẻ nhỏ... Chẳng lẽ những lời nghịch thường này không mang nghĩa lý gì, là vô vi, là vô ngã, là sự thật con người đang đối diện bởi đã vô vi, vô ngã thì cần gì phải kiếm tìm vì còn kiếm vô vi, vô ngã thì vẫn còn sắc sắc... Thế nhưng chẳng lẽ những lời lẽ này vô giá trị hoặc đã bị cố tình tạo nên hỏa mù khiến không ai hiểu được làm cho Đại Ngã, Thượng Đế, có vẻ thần bí, xa cách con người? Phỏng những đạo giáo, tôn giáo lớn lao như vậy chỉ là lý thuyết rỗng không? Phải có nguyên lý bất biến nào đó mà người ta chỉ có thể cảm nghiệm nhưng cứ nói quanh quẩn, vẽ rắn thêm chân cho có vẻ học thức, học giả, thức giả... coi chừng nói giả nữa thì chỉ là tên câm. Đã vô vi, không không, đã trở nên như trẻ nhỏ thì luật lệ, phương pháp áp dụng, những kiến thức cũng trở thành hư vô. Thế sao muốn đạt tới vô vi lại lắm thứ phải theo...? Muốn không không lại còn phải ngồi kiết già, kiết non? Muốn trở nên như trẻ lại phải giữ giới răn vì trẻ nào biết tạo ra luật mà giữ? Vô vi, vô ngã đâu cần hình thức, đâu cần luật lệ!
Hơn nữa, đồng ý rằng, thực hiện những điều tốt lành đem lại niềm vui thanh thản và giúp con người nhận ra giá trị đáng sống của cuộc đời mình nhưng làm thế nào để có được niềm hạnh phúc này bất tận... Phỏng muốn có được niềm hạnh phúc này kéo dài mãi mãi thì phải suốt đời chạy theo những việc lành mà thực hiện? Hơn nữa, mề đay nào không có mặt trái và điều tốt lành mình làm đã chắc gì tốt lành đối với kẻ khác hay có thể trở nên nguy hại cho họ. Dĩ nhiên, khi quen làm bất cứ việc gì cũng đều sinh ra thói đam mệ.. nhưng sức người hạn hẹp mà cuộc đời thường ngược lại, nhận ra được một điều tốt lành nên làm tùy thuộc thời điểm và hoàn cảnh thì cả ngàn điều khổ ải chưa kịp để ý đã vội trờ tới cần giải quyết... Làm sao con người có thể cảm nhận được hạnh phúc khi còn đang phải đối diện với thực tại lắm bất công trong cuộc đời? Hạnh phúc nào không bị cuộc đời làm phiền toái? Phúc Âm nói "Nước Thiên Chúa ở giữa các ông" mang nghĩa gì?
Theo Lão Tử, "Đạo mà nói ra được không còn phải là đạo 'thường' nữa" (Lão Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Sống Mới; Arkansas; tr.41), và "Ngôn giả bất tri" thì sao có thể truyền đạt cho ai. Đàng khác, vô vi (vô dục) mà "Vi đạo nhật tốn, tốn chi hựu tốn, dĩ chí ư vô vi" (LTTH. tr.54) thì làm sao vô vi vì còn ý muốn bớt thì vẫn còn dục. Thế nên, nếu đã vô vi thì đâu cần nói đến vô vi hoặc hữu vi.
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks