Chương 5
Chủ nhật, 03.07.2005 Suốt đêm qua bị đau bụng quá, không ngủ được. Tuy vậy tôi vẫn nhận lời đi ăn sáng với một anh bạn.
Anh bạn ghé qua nhà bên vợ tôi và dắt tôi đến tiệm phở Giao Linh ngay công trường Dân chủ, cũng gần nhà. Ngã sáu công trường Dân chủ là giao điểm của sáu con đường lớn; xe đông như kiến. Chúng tôi phải rất thận trọng khi băng qua đường. Mặc dầu đi trên đường dành cho người đi bộ, suýt nữa cũng bị xe đụng.
Quán Giao Linh nằm tít sâu trong một khu mới mở sau này, sát bên chỗ chơi bowling trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ). Quán thoáng, sang trọng, lịch sự và vệ sinh không khác một quán ăn ở châu Âu. Được biết, chủ quán đầu tiên là ca sĩ Giao Linh. Chủ quán bây giờ là người nhà của bà. Người đàn ông cũng ở Mỹ về, đã 70 nhưng trông còn trẻ, khỏe mạnh và hoạt bát. Thấy khách mới tới, ông đến tận bàn chào khách, mời khách uống nước trà và ngồi trò chuyện thân mật. Từ lúc về Việt Nam đến giờ, tôi chưa thấy có quán nào như vậy. Phong cách tiếp khách của ông chủ làm tôi nhớ đến những lần đi nghỉ mát ở các vùng biển Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Chủ quán cũng tới hỏi thăm, trò chuyện đôi lời với khách, hoặc tự tay nướng cho khách một món cá rồi mang đến tận bàn, hoặc rót rượu vang đãi khách. Khách được tiếp đãi thân tình, hẳn phải cảm thấy dễ chịu.
Tính người Việt cũng rất hiếu khách, nhất là người miền Nam. Khách tới chơi được đón tiếp, phục vụ hết mình, chẳng cần phải là nhân vật quan trọng. Kiểu hiếu khách của dân miền Nam thường không có tính tính toán. Họ không khách sáo như dân miền Bắc. Người chủ muốn người khách vui. Thấy khách vui là chủ vui lây. Cái gì ngon, đẹp, tốt đều dành cho khách, còn người trong nhà tính sau. Chủ yếu trọng tinh thần hơn vật chất. Đem lại niềm vui cho khách để mình cũng được vui tinh thần.
Còn giữ được nét văn hoá truyền thống này là điều đáng quý. Chỉ sợ rằng con người cứ đâm đầu đi tìm vật chất, làm giàu như thời buổi này, cuối cùng cũng giống như dân xứ kỹ nghệ, ích kỷ, lạnh lùng, hời hợt.
Quán Giao Linh hơi đắt. Mì, phở giá khoảng 20.000-22.000 một tô. Anh bạn kể phở ở đây nấu ít ngọt, ngon hơn chỗ khác, nhưng tôi không thử. Mấy bữa nay ăn phở hơi nhiều, không còn thấy thèm mấy. Tôi chỉ thử một tô mì. Ăn cũng được chứ không vừa ý lắm.
Từ ngày về đây tôi vẫn chưa tìm lại được hương vị một tô mì giống như trước 75. Ngày xưa nhà tôi ở Chợ Lớn, tôi thường ăn mì ở khu La Kai trên đường Nguyễn Tri Phương. Khu này nổi tiếng về đồ Tàu, nhất là mì, hủ tiếu. Rất ngon. Hải Ký Mì Gia là một quán ăn ngon điển hình. Mì ở hồ Con Rùa trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) bây giờ cũng ngon nhưng vẫn không bằng mì ở La Kai năm xưa. Cũng có thể có chỗ ngon, chỉ tại mình không biết.
Nói đến mì tôi lại nhớ mì gõ. Về Việt Nam lần này chưa được thưởng thức. Nhớ lần cuối được ăn là vào năm 96. Thời đó, hai vợ chồng ở nhà trọ trong hẻm chùa Kim Cương, đường Trần Quang Diệu (Trương Tấn Bửu cũ). Đêm khuya nghe tiếng gõ lóc cóc lòng bỗng bồi hồi. Từng tiếng gõ trong không gian thanh tịnh làm tôi có cảm giác như thể đang nghe một người nghệ sĩ guitare vô gia cư ngồi khảy từng nốt nhạc trên phố Königstrasse về đêm không còn khách bộ hành. Ngó xuống đường; dưới ánh đèn hiu hắt, thằng bé đi trước gõ, người đàn ông gầy gò phía sau đẩy chiếc xe mì nặng nề tiến về phía trước. Tối đói bụng, được ăn tô mì ngon miệng. Hai vợ chồng ráng ăn nhanh để trả lại chén bát cho người ta còn về đi ngủ. Trời đã khuya rồi.
Ở Việt Nam sướng là chỗ đó. Còn ở nơi tôi, muốn ăn một tô mì ngon cầu chỉ được một phần mười tô mì gõ Việt Nam cũng không có nhà hàng Tàu nào nấu cho ăn. Muốn ăn phở Việt Nam càng là điều xa xỉ. Cả Stuttgart, 600.000 dân, chỉ có hai quán ăn Việt Nam, Saigon Restaurant, nằm dưới phố, không bán phở, Mây ở Feuerbach bây giờ không biết còn bán không. Muốn ăn tô phở ngon phải lái xe 40 cây số đến cái tỉnh lẻ Reutlingen. Đó cũng không phải là một quán ăn mà là một căn phòng nhỏ trong nhà riêng của một gia đình người Việt kiếm sống thêm nhờ bán đồ ăn vào cuối tuần. Khách đến không báo trước chưa chắc có chỗ ngồi. Còn không muốn đi xa thì phải tự nấu. Người Việt ở Đức, với cái nghề chính là kỹ sư, bác sĩ, ... anh ta chỉ có thể ăn bánh mì như người Đức. Muốn ăn đồ Việt, phải học thêm nghề đầu bếp. Phải xa nhà mới biết quý đồ ăn Việt.
* Chiều nay, nhân dịp mới về Việt Nam, L. mời tôi đi "nhậu" với một người em vợ.
Quán Tràng Thi, 151 Trương Định, Q3, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế. Quán sạch sẽ, sang trọng, trang trí theo kiểu Đức. Có lẽ người chủ quán là người Đức hay có liên quan gì tới Đức. Quán nằm sát đường cái, rất ồn. Trời đang mưa càng ồn thêm.
Gọi là nhậu nhưng thực ra là ăn. L. thích thưởng thức nhiều món ăn Việt bên Paris không có. Ông ăn rất ngon lành. Tôi ngược lại, ít ăn và chỉ thích các món quen thuộc, nhẹ bụng.
Khách được tiếp đãi ân cần. Mỗi lần thấy ly bia khách sắp cạn, cô tiếp viên tự động đến tận bàn rót bia vào ly cho khách. Sự phục vụ chu đáo làm chúng tôi cảm thấy ngại ngùng. Có lẽ do sống ở nước ngoài đã lâu, chúng tôi không quen để ai hầu hạ mình quá đáng. Chúng tôi cảm ơn cô tiếp viên và bảo để chúng tôi tự làm, nhưng cô vẫn cứ rót bia giùm. Hơi mất tự nhiên nhưng đành chịu.
Các cô tiếp viên đều trẻ và xinh đẹp, đi đứng khoan thai như người mẫu đang trình diễn thời trang. Có một chị khá xinh, thân hình thon thả, mặc chiếc váy ngắn khá cởi mở. Nhưng vẫn chưa thật hoàn hảo.
Dáng phụ nữ Việt Nam không có nhiều đường cong như phụ nữ Âu châu. Người Âu châu thiết kế trang phục cho giới nữ của họ là dựa trên những đường nét ấy. Thành thử phụ nữ Âu châu mặc quần áo của họ rất hợp, còn phụ nữ Việt Nam ít hợp hơn. Ngược lại, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài thì lại hợp. Chiếc áo dài được thiết kế cho mẫu người ít đường cong. Nó toát ra một vẻ đẹp sang cả phẳng lặng đứng đắn, không khiêu gợi dù áo bó sát thân. Nó cũng thích hợp cho bộ mặt người Á châu vốn ít góc cạnh. Chiếc áo dài không thích hợp cho phụ nữ Âu châu.
Đang ngồi nghĩ lan man thì cô bé tiếp viên lại tới bàn, lễ phép rót thêm bia vào ly tôi. Tôi cảm ơn và bảo để tôi được tự nhiên. Cô bé mỉm cười cúi đầu khép nép bước lui như một phụ nữ Nhật vừa mới trao ông chồng một món đồ. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, giá như cô bé này mà mặc áo dài chắc đàn ông mê lắm.
Em vợ L., là người đã từng làm việc trong quán bar, nhà hàng, kể cho chúng tôi nghe sơ về nghề làm tiếp viên đại để như sau. Chủ quán thường nhận các cô gái trẻ đẹp có thân hình đẹp, vui vẻ vào làm việc để câu khách. Có người còn muốn các cô mặc đồ khiêu gợi - dân ở đây gọi là "tươi mát" - để càng dễ câu khách. Lương không cao, họ sống chủ yếu nhờ tiền thưởng của khách, nên phải phục vụ khách hết mình. Có lắm người sa ngã vì cái nghề này, vì tiền mà đem hiến dâng thân xác cho các ông khách quen thường là giới thương gia, cán bộ lắm tiền, kể cả Việt kiều. Tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Cũng có nhiều sinh viên đi làm thêm bằng nghề phụ bàn, rất đàng hoàng. Song cha mẹ vẫn sợ con cái làm việc trong những chốn ăn chơi, dễ đâm hư hỏng.
Thứ hai, 04.07.2005 Hôm nay chúng tôi bắt đầu một chuyến đi xa: Sài Gòn - Suối Nghệ - Vũng Tàu - Phan Thiết - Mũi Né - Nha Trang - Đà Lạt - Sài Gòn.
Ông anh tôi đã lo hết mọi chuyện. Ông thuê chiếc xe Mercedes Sprinter của người bạn, 15 chỗ ngồi, cho 8 ngày, chở 11 người, giá 5 triệu (khoảng 250 €). H. làm tài xế.
7:00 sáng xe khởi hành.
7:30 đến đón L. ở chợ Tân Bình.
Điểm tâm dọc đường ở một tiệm phở bình dân xong đến rước bà cụ, cô chú, ông anh.
Từ Gò Vấp, xe đâm tắt qua hướng Bình Triệu, bẻ ra xa lộ Đại Hàn, rồi bẻ trái ra xa lộ Biên Hoà về hướng Vũng Tàu.
Khung cảnh Bình Triệu, xa lộ Đại Hàn bây giờ lạ quá. Nhớ năm xưa, đây chỉ toàn đồng ruộng, nhà tranh, quán cóc lác đác hai bên đường, giờ toàn khu công nghiệp, nhà cửa hỗn độn; cảnh đồng quê hoàn toàn biến mất.
Ngã ba xa lộ Đại Hàn - xa lộ Biên Hoà cũ đang được xây dựng thành ngã tư. Một cầu vượt hình vòng đã xây xong. Ngày xưa, ngay đây, sinh viên chúng tôi từng đứng đón xe đò về Sài Gòn thăm gia đình vào mỗi cuối tuần.
Qua khỏi cầu vượt, xe vào xa lộ Biên Hoà. Xa lộ Biên Hoà giờ đổi tên thành xa lộ Hà Nội, không biết vì lý do gì. Có lẽ là vì đường dẫn ra Hà Nội? Chắc xa lộ từ Hà Nội vào Nam được đặt tên là xa lộ Sài Gòn?
Xa lộ Biên Hoà được mở rộng nhưng vẫn còn quá chật hẹp đối với một lưu lượng xe cộ quá lớn. Đường hai chiều được ngăn cách bằng một bức tường bê tông kiên cố cao khoảng một thước. Mỗi chiều có ba làn xe; hai làn dành cho xe hơi, một làn dành cho xe hai bánh và cũng có dải ngăn cách cho hai loại xe. Giải pháp ngăn chia đường để tránh tai nạn dĩ nhiên hữu lý nhưng lại không hữu hiệu. Nhiều xe hai bánh không chạy trên đường của mình mà ùa ra đường xe hơi vì rộng rãi hơn. Tài xế xe hơi rất bực mình với đám xe Honda, phải đạp thắng liên tục, bấm còi inh ỏi. Giữa xa lộ xe chạy ào ào, vẫn có người trèo qua dải ngăn cách để băng qua đường bất chấp nguy hiểm. Loạn quá chừng.
Cái tính loạn xạ này không có gì khó hiểu. Nó xuất phát từ cái tính thực dụng dã chiến. Nhờ đó mà người ta có thể giải quyết vấn đề một cách uyển chuyển, nhanh chóng hoặc đạt được một tiện nghi tức thì. Đó cũng là hệ quả của tình trạng con người sống lâu năm trong một hoàn cảnh thiếu thốn hoặc trong một môi trường bị gò bó, kềm kẹp. Từ đó, con người có khuynh hướng luồn lỏi tìm lối thoát bằng cách này hay cách khác, tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh, theo nguyên tắc tuỳ cơ ứng biến, rất bất định. Theo thời gian cái tính ấy đã thấm vào trong máu con người, khiến mọi hành xử, lối giải quyết vấn đề đều theo nguyên tắc ấy. Mỗi người mỗi ý, không tôn trọng quy ước. Tính bất chấp quy ước dẫn đến sự xem thường pháp luật.
Xe chúng tôi tiếp tục chạy trên xa lộ Biên Hoà. Cảnh hai bên đường hoàn toàn xa lạ. Nhà cửa, cơ sở kinh doanh mọc kín mít, không còn thấy một khoảng đồng ruộng xanh tươi nào cả. Ngoài khu chế xuất được quy hoạch đàng hoàng, trật tự, nhìn chung, kiến trúc còn lại ở đây cũng tựa như khu Gò Vấp, xấu xí và hỗn độn.
Xe rẽ hướng đi Vũng Tàu. Đường đã được mở rộng nhưng vẫn thuộc loại đường làng. Lối phân chia giống hệt xa lộ Biên Hoà. Cách thức ngăn đường xe hơi và xe gắn máy thật phi lý. Đoạn ngăn cách quá dài không để mở cho trường hợp xe hơi bị hư giữa đường có thể tắp vào lề.
Vẫn kiểu xây dựng tự phát, nhà cửa vùng này nhiều hơn xưa nhưng không đến nỗi chật kín. Thỉnh thoảng vẫn còn thấy đồng ruộng và những con trâu, con bò.
Đến trạm thu phí, xe dừng lại mua vé.
Xe chạy tiếp với tốc độ khoảng 60 cây số một giờ. Đường không có bảng tròn chỉ tốc độ 60, 100, 120, ... theo quy ước quốc tế. Bảng chỉ tốc độ của Việt Nam rất lạ, hình chữ nhật, màu xanh, chữ trắng nhỏ li ti ghi kỹ mỗi loại xe được chạy bao nhiêu cây số một giờ, đại để:
"Xe con, xe chở người đến 9 chỗ ngồi. Đường không có giải phân cách cố định: 45. Đường có giải phân cách cố định: 50".
"Xe môtô 2-3 bánh, xe có tải trọng dưới 3500kg, xe ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi. Đường không có giải phân cách cố định: 35. Đường có giải phân cách cố định: 40".
"Xe tải có tải trọng từ 3500kg trở lên, xe ôtô chở người từ 30 chỗ ngồi. Đường không có giải phân cách cố định: 30. Đường có giải phân cách cố định: 35".
"Xe gắn máy, xe sơmi rơmoóc, xe kéo rơmoóc, xe kéo xe khác. Đường không có giải phân cách cố định: 25. Đường có giải phân cách cố định: 30".
Thật, khó tưởng tượng nổi vị chuyên gia giao thông nào đã đẻ ra sáng kiến này. Xe đang chạy nhanh, chẳng lẽ phải ngừng lại đọc tấm bảng để biết vận tốc tối đa cho phép là bao nhiêu rồi chạy tiếp hay sao ?
Cả đoàn xe đang chạy nhanh bất thình lình giảm tốc độ, bò chầm chậm như thể sắp gặp một công trường xây dựng phía trước. Người tài xế cho biết xe sắp vào thị trấn mặc dầu hai bên đường, quang cảnh vẫn hoang sơ. Cả đoàn xe phải bò trên đoạn đường vắng dài hàng cây số rất lâu mới vào tới thị trấn. Vào thị trấn, tài xế chạy càng chậm hơn giống như đi tìm chỗ đậu xe. Qua khỏi thị trấn, tài xế lại phóng ga chạy ào ào.
Cánh tài xế rất sợ bị cảnh sát giao thông bắn tốc độ. Vừa bị phạt nặng, vừa bị bấm lỗ bằng lái xe. Bị ba lỗ là mất bằng. Mất bằng nghĩa là mất việc. Đói.
Vỏ quít dày, móng tay nhọn. Cảnh sát giao thông đối với cánh tài xế là hung thần, thì cánh tài xế cũng có đường tránh đỡ. Có nhiều tài xế trang bị riêng cho xe mình máy chống súng bắn tốc độ nhập từ Mỹ về, ví dụ như DSP CN-110. Họ còn có "ngôn ngữ tài xế" riêng để báo cho nhau biết về sự hiện diện của cảnh sát giao thông. Tài xế chỉ cần chớp chớp đèn là sẽ được đồng nghiệp chạy ngược chiều trả lời:
Lắc lắc tay nghĩa là không có cảnh sát.
Chỉ chỉ ngón trỏ xuống: có cảnh sát phía trước.
Chồm chồm bàn tay ra phía trước: qua khỏi cầu có cảnh sát.
Chỉ qua trái: có cảnh sát bên trái.
Giơ hai ngón: 2 Km nữa có cảnh sát.
Tay làm dấu hiệu rồ ga: có cảnh sát công lộ, ...
Thật, phải khâm phục trí thông minh của người Việt. Chưa thấy nơi nào trên thế giới có cảnh này. Một giải pháp dã chiến coi vậy mà giải quyết được vấn đề hữu hiệu. Hai bên, bên chống, bên đỡ cứ xoay quanh mãi trong cái vòng kim cô mà sống. Thế mới thấy cái tính dã chiến tại hại thế nào. Nó làm cho con người chỉ biết tư duy cục bộ, khôn vặt.
Theo chương trình, chúng tôi ghé thăm nhà máy khí điện Phú Mỹ. Đường vào ngập nước. Hai bên đường, nhà dân lụp xụp xen lẫn tiệm tạp hoá, tiệm hớt tóc, quán cóc bán cà phê, quán nhậu thịt cầy và nghĩa địa. Khu dân cư nằm sát nhà máy điện với những đường cao thế chăng trên đầu. Hết sức nguy hiểm.
Nhà máy điện Phú Mỹ không lớn. Khu chính nằm trong sâu gồm những nhà máy với những ống thải khí nhô lên trời. Khu hành chính nằm ở mặt tiền trên một khoảng sân rộng có cột cờ với cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Cả khu được bao bọc bằng hàng rào sắt. Ngay cổng ra vào là một trạm kiểm soát. Các nhân viên vui vẻ để chúng tôi quay phim, chụp hình lưu niệm.
Ghé thăm nhà máy xong, chúng tôi đi tiếp về Bà Rịa.
Ngã ba Bà Rịa vốn tồi tàn, bẩn thỉu, đường đất lầy lội, dân tứ xứ đổ về họp chợ náo nhiệt, ngày nay đã thay đổi không ngờ. Giữa biên giới tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu là một cổng chào to lớn với cờ đỏ sao vàng và cờ xí đủ màu. Qua khỏi cổng chào vào địa phận Bà Rịa, không khí khác hẳn. Đường sá rộng thênh thang, đầy cây xanh và hoa cỏ, kiến trúc hiện đại không thua kém Âu châu, chứng tỏ đây là một vùng đất giàu có. Cách bố trí giao thông ở đây cũng khác. Đường vào tỉnh rất rộng và đẹp hơn xa lộ Biên Hoà nhiều. Đường được ngăn ra không phải bằng một bức tường bê tông mà là một dải đất trồng hoa, mỗi bên gồm 3 làn xe, hai cho xe hơi, một cho xe gắn máy và không có dải phân cách. Lề đường rộng thoáng, tráng xi măng đỏ hoặc lát gạch bằng phẳng, có thuỳ dương che bóng mát. Nhà cửa hai bên đường đều xây mới. Trật tự, đẹp và sang trọng. Đặc biệt, nhà ở đây xây không cao, chỉ một hai tầng. Có nhiều nhà mái đỏ như kiểu Âu châu.
Bà Rịa nay đã biến thành một thị trấn hiện đại, đẹp đẽ. Nhìn lối kiến trúc, tôi nghĩ phải có sự cố vấn của chuyên gia kiến trúc nước ngoài. Toàn cảnh thị trấn Bà Rịa mang vẻ Âu châu, chỉ khác là khắp nơi đều treo cờ đỏ sao vàng, búa liềm và đầy pano dọc đường: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ...
Ra khỏi thị trấn Bà Rịa, cảnh nghèo xơ xác lại hiện ra. Chỉ có con đường chính được tráng nhựa đàng hoàng hơn xưa, còn nhà cửa hai bên vẫn lụp xụp như xưa. Lâu lâu lại thấy một ngôi biệt thự, một ngôi nhà lầu khang trang có treo cờ. Thấy lạ, tôi hỏi anh tài xế, chắc sắp có lễ nên mới treo cờ? Anh tài xế cười hăng hắc, trả lời, không phải có lễ; ở Việt Nam cờ treo quanh năm suốt tháng; cứ thấy nhà nào treo cờ thì biết một là cơ sở hành chính, hai là vila, nhà lầu của cán bộ, còn dân ở nhà lá thì không có treo cờ.
Chúng tôi đến Suối Nghệ thăm ông cậu. Suối Nghệ là một vùng kinh tế mới sau 75 ở tít trong vùng sâu xa hẻo lánh. Dân sống chủ yếu nhờ nghề làm rẫy. Giờ đây vùng này trở thành một khu biệt thự sang trọng, đường sá trải nhựa sạch sẽ, cảnh ruộng rẫy biến mất. Ở đây có rất nhiều gia đình có thân nhân vượt biên. Nhờ tiền thân nhân ở ngoại quốc gửi về, họ xây nhà, làm đường, xây nhà thờ mới. Nhà cậu tôi cũng nằm trong trường hợp này.
Ông cậu vừa bị đột quỵ, ngồi im một chỗ, không nói được. Ngồi chơi một chút, cả nhà đi thăm mộ ba tôi.
Đường ra nghĩa trang vẫn vậy. Vẫn con đường mòn đất đỏ với luỹ tre xanh. Nghĩa trang có nhiều thay đổi. Hầu hết đều là mộ mới được sửa lại, không còn tiều tuỵ như xưa.
Phút nghiêm trang đã đến.
Cô tôi giơ tay xoa mặt anh mình in trên bia đá, khóc nức nở như không còn đứng nổi. Cô đã gặp lại ba tôi. Hội ngộ nhưng không gặp người bằng xương bằng thịt mà là một nấm mồ. Cả nhà thắp hương, cầu nguyện, ...
Viếng ba tôi xong, cả nhà sang viếng bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi cũng được chôn cất tại đây.
Cô tôi đã mãn nguyện những gì hằng ao ước. Cả nhà tạm biệt người đã khuất rồi tiếp tục cuộc hành trình.
* Xe chạy tiếp về hướng Vũng Tàu. Trời đã trưa, mọi người đã đói. Anh tài xế ghé quán ăn cho mọi người dùng bữa. Restaurant Nghĩa rộng thoáng, không sạch sẽ lắm. Ăn chỉ vài món bình dân mà quá đắt. Cuối cùng mới biết bị tính tiền ăn gian.
Sự phồn thịnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu càng hiện rõ khi bước vào địa hạt Vũng Tàu. Nhà cửa xây rất đẹp, trật tự và hiện đại còn hơn thị trấn Bà Rịa. Đường sá rộng, được phân bố đúng bài bản quốc tế. Chỉ có điều, giao thông vẫn lộn xộn như mọi nơi và thủ phạm chính bao giờ cũng là người lái xe gắn máy. Tương tự khu Bà Rịa, đường vào Vũng Tàu cũng treo đầy cờ đỏ búa liềm và pano khẩu hiệu.
Nghĩ cho cùng, nhờ thiên nhiên ưu đãi, tỉnh này đã trở nên giàu có. Tài nguyên chính là dầu hoả. Chỉ cần khai thác rồi bán, thế thôi, chứ không phải sản phẩm trí tuệ con người.
Xe đã vào thành phố Vũng Tàu. Chúng tôi đến thẳng khách sạn Cẩm Bình ở Bãi sau để nhận phòng. Mỗi phòng giá 150.000/ngày. Ở tạm được. Không tốt như ở Sài Gòn. Điều tiện lợi duy nhất là sát biển. Chủ nhân khách sạn là một ông đại tá về hưu được nhà nước cấp đất làm nên sự nghiệp. Hai ông bà chủ đều là người Trung, tính tình hiền hoà, hiếu khách.
Trời sẩm tối, cả nhà đi ăn ở "Phở Hoà Pasteur". Cái tên nhái y "Phở Hoà Pasteur" ở Sài Gòn. Hình như đây là tiệm phở duy nhất trong trung tâm thành phố. Phở quá tệ mà đắt. Quán bên ngoài sạch sẽ nhưng toilet thì thật kém. Vấn đề vệ sinh này cứ tồn tại mãi, gây khó khăn cho khách không ít.
Vũng Tàu một trung tâm du lịch, sống nhờ du khách mà người ta vẫn không hiểu tâm lý du khách. Thức ăn ở Việt Nam thường thiếu vệ sinh. Có thể người trong nước ít gặp vấn đề do cơ thể đã quen, còn khách ngoài nước thường dễ bị đau bụng, tiêu chảy, vì thế mà họ cần đến nhà vệ sinh. Thế nhưng nhà vệ sinh lại thiếu vệ sinh; một ổ vi trùng của nhiều thứ bệnh truyền nhiễm. Thực trạng mất vệ sinh này không đem lại lợi ích gì ngoài sự nản lòng của khách đến thăm mình. Đến một lần, thất vọng rồi đi, không trở lại. Không những vậy, họ còn truyền đạt kinh nghiệm xấu ấy đến người khác, chỉ làm Việt Nam càng thêm mất khách. Cái khẩu hiệu "Vietnam: A destination for the new millennium" (Việt Nam: một điểm đến của thiên niên kỷ mới) hoàn toàn không thuyết phục.
Xây một cái toilet cho đàng hoàng không đáng là bao, người kinh doanh nào cũng đủ khả năng làm được. Thà tốn kém một chút mà được cái lợi to lớn, lâu dài. Ngành du lịch Việt Nam hẳn biết điều này. Muốn giải quyết vấn đề không khó, chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho tiệm ăn có toilet sạch sẽ vệ sinh như các nước khác vẫn làm. Quán phải đảm bảo điều kiện này, còn không sẽ bị phạt nặng, có thể bị đóng cửa. Cả tính an toàn thực phẩm cũng phải được bảo đảm.
Vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà bộ, sở y tế Âu châu khuyến cáo du khách thăm Việt Nam rằng, tránh uống nước đá, nước chưa nấu chín, tránh ăn uống ở các hàng quán cóc, tránh ăn rau sống, nên mang theo thuốc chống ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy, nên chích ngừa Hepatitis A.
Thứ ba, 05.07.2005 Đêm qua tôi lại bị cơn đau bụng, tiêu chảy hành hạ. Ở Việt Nam đã gần hai tuần mà bụng vẫn chưa quen.
Sáng, dậy sớm, ra biển một mình. Cả nhà vẫn còn ngủ. Trời buổi sáng mát, dễ chịu, vắng người.
Dạo xong một vòng, tôi ghé quán cóc đầu đường uống cà phê, tình cờ gặp bà cụ và ông anh đã ngồi ở đó. Ba mẹ con ngồi ghế bố chuyện trò, ngắm khung cảnh bình minh. Một lúc sau anh bạn L. cũng tới.
Tôi sinh ở Vũng Tàu. Cái quán cóc chúng tôi đang ngồi, thời tôi còn nhỏ là khu quân sự cấm vào. Năm 1993 về Việt Nam lần đầu, tôi có trở lại đây. Thời đó, đường Thuỳ Vân còn nhỏ hẹp, gập ghềnh chạy dài xuống Bãi Trước. Dọc bãi biển là những kiosk, phòng tắm nước ngọt, quán ăn xập xệ. Dân bán hàng rong ở khu này thường dai dẳng chèo kéo khách, mời mua đủ các thứ lặt vặt. Rất bực mình. Cảnh này bây giờ đã hết.
Vừa tưởng vậy, bất chợt có một người lạ tiến đến chào chúng tôi. Anh người Quảng ngồi xuống, móc ra một cuốn sách trong cái thùng carton nhỏ, giới thiệu sơ tác giả, nội dung và mời chúng tôi mua. Tôi lịch sự lắc đầu. Anh lại lấy ra cuốn khác và lặp lại thao tác cũ. Tôi lại lắc đầu. Anh lại chứng tỏ sở trường kiên nhẫn mời khách của mình bằng một cuốn sách mới. Thấy tôi cũng chứng tỏ được sự kiên nhẫn lắc đầu tương ứng, anh không giới thiệu sách nữa mà móc một cuốn album đựng tem cũ, tiền cũ, bưu thiếp, ... ra mời.
Thực tình mà nói, không phải mình không thích đọc sách, chỉ có điều đang đi chơi, không biết mua để làm gì. L. giống như tôi, cũng muốn mua ủng hộ anh, nhưng mua xong, chắc chắn sẽ gặp một anh khác, phiền phức quá. Cuối cùng, chúng tôi đành kiên nhẫn cảm ơn anh và hẹn anh dịp khác.
Vũng Tàu ngày nay có khá nhiều dân Quảng. Ngày xưa không phải vậy. Vùng đất này là nơi định cư của người Bắc di cư 54, phần lớn là người Công giáo. Dĩ nhiên Vũng Tàu cũng có người Nam và hầu như đều theo đạo Phật. Ở đây có nhiều nhà thờ, chùa chiền xen lẫn nhau vì lẽ đó.
Khung cảnh Bãi Sau trong tuần vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới thấy một hai du khách ngoại quốc đi dạo hoặc ngồi trên xích lô thăm bờ biển. Giữa mùa hè, một nơi nghỉ mát đầy hotel cao cấp, resort sang trọng mà không có khách, không biết kinh doanh có lợi thế nào.
Vũng Tàu hôm nay khá hiện đại. Tuy nhiên đó là con dao hai lưỡi. Sự hiện đại hoá quá nhanh đã làm nơi này mất dần thiên nhiên. Thêm vào đó, sự xây dựng toàn tỉnh đã làm tổn hại môi trường không ít. Biển Bãi Sau ngày xưa xanh ngắt, là nơi tắm biển được ưa thích nhất; giờ đây nước biển không còn trong nữa. Nước bẩn từ Rạch Bến Đình, sông Dinh, Mũi Dùi, Cái Mép thải ra lan đến tận Bãi Sau. Bãi Trước, Bãi Dâu nằm cận cửa sông hơn vốn đã không được sạch, nay chắc chắn càng bẩn nữa.
Khuynh hướng của dân Tây phương ngày nay là tìm về thiên nhiên, cái mà đã bị sự kỹ nghệ hoá làm hư hỏng quá nhiều rồi. Tòng phạm của sự kỹ nghệ hoá là chủ nghĩa tiêu thụ và cũng là một thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Đây là một vấn đề nhức nhối mà các xứ Tây phương đang phải tốn biết bao công sức, tiền của để phục hồi. Không ai muốn đến nghỉ mát ở một nơi dơ bẩn.
Mất thiên nhiên cũng là một vấn đề. Người trong nước nhìn Vũng Tàu giờ đây được xây dựng hiện đại rất lấy làm tự hào, trong khi đó đối với dân Tây phương chẳng có gì hấp dẫn. Họ không có nhu cầu đến đây để nhìn ngắm những kiến trúc hiện đại mà họ đã có dư thừa đến nhàm chán. Họ thích thiên nhiên hơn. Chỗ nào mất thiên nhiên, chỗ ấy họ không muốn tìm tới.
* Theo dự tính, chúng tôi sẽ ở Vũng Tàu hai ngày, nhưng nghĩ lại, thôi. Mọi người quyết định trả phòng sớm, đi Phan Thiết.
Xe khởi hành chạy dọc bờ biển từ Bãi Sau ra Bãi Trước, đến Bến Đá, Bến Đình. Đây là khu người Bắc chủ yếu sống nhờ nghề đánh cá. Khu này bây giờ được mở rộng, sạch sẽ, song không khí vẫn còn mùi cá, mực khô.
Xe rời Vũng Tàu đi về hướng Bà Rịa. Đến Đất Đỏ, chúng tôi ghé vào một quán bình dân ăn sáng trước khi tiếp tục cuộc hành trình dài.
Đối diện quán là "Công viên Võ Thị Sáu". Tấm hoành phi ngay cổng tam quan đề vậy nhưng cảnh vật không có vẻ là một công viên mà là một đền thờ với mái cong, ngói đỏ, tượng rồng, tượng lân, tượng hạc, tượng Võ Thị Sáu, cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm. Kiến trúc mang vẻ Á đông, Việt Tàu lẫn lộn. Vườn rộng có nhiều cây xanh, chậu kiểng, những cột đèn đá thấp kiểu Nhật, cột đèn sắt cao kiểu Pháp, và hai dãy cột đèn khác đầy màu sắc rực rỡ không biết kiểu gì xen lẫn những cột pano trưng hình kỷ niệm lịch sử giống như pano quảng cáo vậy. Ngôi đền thờ to lớn, mới toanh không hương khói, không người thăm viếng ngoài mấy chiếc Honda đậu rải rác trong vườn. Trái với cảnh vắng lặng của ngôi đền là không khí bán buôn náo nhiệt của cái chợ nằm sát bên hông.
Chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe lấy tỉnh lộ 761 nhắm hướng Phước Bửu đi qua Xuyên Mộc, Bình Châu. Ra khỏi các thị trấn huy hoàng mới thấy vùng quê vẫn còn rất nghèo nàn không khác xưa là mấy. Đường nhỏ, xấu, gồ ghề. Hai bên đường, nhà tranh vách lá xen kẽ vườn tiêu, bắp, hạt điều. Thỉnh thoảng xuất hiện vài ngôi nhà gạch mới xây, một quán cà phê, một tiệm tạp hoá, tiệm sửa xe rồi lại nối tiếp cảnh ruộng vườn. Lâu lâu xe ngừng lại nhường cho một đàn bò băng qua đường. Suốt một quãng đường dài vùng quê không thấy một bóng cờ.
Qua khỏi Lagi, xe nhắm hướng Thuận Nam, Hàm Tân rồi nhập vào quốc lộ 1A đi Phan Thiết. Quốc lộ 1A tốt, rộng 10 thước, không có dải phân cách.
Đến mỗi thị trấn đều thấy nhà mới, đường sá khang trang, cờ xí rực rỡ. Qua khỏi khúc độc đạo đó, cảnh thôn dã, nhà cửa thô sơ, lụp xụp lại nối nhau chạy dài đến một thị trấn mới.
Dãy Trường Sơn đã hiện lờ mờ trước mắt. Xe xuyên qua Hiệp Đức, Hàm Thuận, Hàm Lương. Nắng gay gắt. Mặt đất khô cằn như thể không có thứ gì mọc nổi ngoài xương rồng và thanh long. Đây là xứ thanh long. Thanh long được bày bán khắp nơi bên vệ đường.
Xe chạy mải miết.
Qua khỏi hai cây cầu cuối cùng Suối Sọp, ông Chiểu, chúng tôi đến Phan Thiết.
Phan Thiết giống những thị xã khác. Được một dãy phố với đường rộng với nhiều cây cối, bồn hoa, trụ sở hành chính mới xây, nhà biệt lập, nhà dãy mới xây, cửa hiệu bán buôn sầm uất, đầy cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, … rồi hết. Nhà tranh vách lá, vùng quê lại tiếp nối theo sau.
Chúng tôi không định dừng ở đây mà đi Nũi Né.
Đường đi Mũi Né khá tốt. Dọc bờ biển có rất nhiều resort: Padanus, Coco Beach, Carary, Hải Gia, Năm Châu, Malibu, ... Nhà xen lẫn với những cây bàng, hạt điều và dừa. Đây cũng là xứ dừa. Có vài đoạn đường mới xây tuyệt đẹp, biển xanh ngắt, cát trắng phau. Toàn cảnh cho thấy một khu du lịch mới mẻ, hiện đại vẫn còn giữ được vẻ thiên nhiên.
Chúng tôi chọn nhà nghỉ Kim Ngân làm chỗ dừng chân. Ngôi biệt thự đẹp, rộng. Vườn phía trước trồng nhiều bàng, dừa, hoa xứ, hoa lan và treo nhiều lồng chim cảnh. Mặt sau giáp bãi biển, có sân rộng, cây cối um tùm, ngồi chơi hóng mát thật lý tưởng. Chúng tôi ăn trưa ngay tại nhà. Chủ nhà lo. Cơm nước xong, nằm nghỉ ngơi, ngắm biển. Sóng rì rào, gió mát. Bọn trẻ tha hồ nghịch cát, tắm biển.
Chủ căn nhà này là một cựu quân nhân người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Ngày xưa ông quen một người phụ nữ Việt. Khi Mỹ rút quân, hai người ngăn cách. Sau 1975, ông trở về tìm người cũ và hai người trở thành vợ chồng. Ông mua được miếng đất, xây nhà và sống ở đây luôn.
Nhà nghỉ khá tốt nhưng phòng tắm nước ngọt không được an toàn. Bà xã tôi bị điện giật một phát đến tởn thần.
Chiều đi chơi một vòng. Chợ Mũi Né thật tồi tàn. Giờ này lũ trẻ con nhà nghèo đang tắm biển, thả diều, đá banh.
Chúng tôi ghé Suối Hồng chụp vài tấm hình đất đỏ sói mòn rồi ghé thăm đồi cát. Những đồi cát đỏ khổng lồ nhấp nhô làm tôi nhớ đến hình ảnh một cô gái gánh thúng đi một mình trên đồi cát mênh mông của một nhiếp ảnh gia nào đó, tuyệt đẹp. Thế nhưng thực tế trước mặt bây giờ lại khác. Đồi cát đầy dấu chân người. Đầu này, một nhóm du khách đứng ngắm cảnh chụp hình. Đầu kia, một nhóm người đang vui đùa trượt cát. Lũ trẻ trong vùng sống bằng nghề cho thuê ván lướt đang níu kéo, mời mọc du khách dai như đỉa. Mỗi lần trượt giá 5000. Nhiều người không thích, từ chối, lũ trẻ hỗn hào chửi lại.
Cũng giống Vũng Tàu, du khách ở Mũi Né không nhiều. Đa số là người trong nước. Người nước ngoài rất ít và chủ yếu chỉ tập trung trong các khu riêng của họ.
Nhìn chung, mức sống dân trong vùng còn rất thấp. Họ tìm đủ mọi cách khai thác du khách như có thể. Phòng ngủ ở Mũi Né rất đắt. 350.000-450.000 một phòng đơn. Nghĩa là đắt gấp ba lần nơi khác. Ăn uống cũng đắt và tệ. Không cẩn thận dễ bị lừa. Ở đây thường có đám cò phát tờ quảng cáo mời khách đến ăn nhà hàng Tàu với giá phải chăng. Thế nhưng đến nơi thì không phải quán Tàu và cũng không có những món ăn hấp dẫn như trong tờ quảng cáo. Đồ ăn tồi tệ như thể là sản phẩm của người không bao giờ biết nấu ăn. Tiếp viên khá hời hợt, làm cho có.
Cách làm ăn của dân Mũi Né khá chụp giựt. Kiểu cách này rất nguy hiểm đối với một khu du lịch mới hình thành. Làm ăn mất uy tín, du khách sẽ bỏ đi hết, và sẽ mất cơ hội phát triển. Song, nghĩ cho cùng, cái lỗi chính hẳn nằm ở người lãnh đạo. Chính quyền chỉ lo kêu gọi đầu tư, làm ăn riêng với giới tư bản mà quên mất dân nghèo. Tại sao không biết nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ cùng làm. Chẳng hạn, mở dịch vụ trượt cát có tổ chức đàng hoàng, ưu tiên cho trẻ em nghèo có cơ hội kiếm tiền. Giáo dục trẻ em phải lễ phép với khách thay vì vô lễ. Hoặc mở liên hiệp dịch vụ nấu ăn cho du khách, mang đến tận nhà như kiểu "Pizza Taxi" (loại Pizza mang đến tận nhà). Liên hiệp dịch vụ phải được tổ chức chuyên nghiệp, chỉ thu nhận người nghèo vào nấu ăn, đảm bảo tuyệt đối về chất lượng, vệ sinh, an toàn. Phan Thiết, Nũi Né có những đặc sản như mực một nắng, cá mai, bánh rế, bánh quai vạc, ... đáng được giới thiệu. Làm vệ sinh bờ biển cũng là một công việc dễ. Làm diều bán cho du khách, trẻ con cũng làm được. Du lịch bằng thuyền thúng cũng là một thú vui lạ đối với du khách nước ngoài. Vân vân và vân vân.
Xét cho cùng, điểm quyết định vẫn là giới lãnh đạo có muốn nâng nỡ dân nghèo cùng phát triển chung với ngành du lịch hay không thôi. Dân miền Trung xưa nay vốn nghèo khổ; mặt đất không màu mỡ như đồng bằng miền Nam để mà phát triển nông nghiệp. Kỹ nghệ cũng không có. Không được cái này, miền Trung lại được cái khác. Thiên nhiên, cảnh đẹp chính là vốn liếng quý để miền Trung phát triển về du lịch. Các nhà lãnh đạo hãy thử đến thăm Mallorca (Tây Ban Nha) một lần cho biết. Một hòn đảo khô cằn còn hơn cả miền Trung. Nông nghiệp không phát triển nổi, công nghiệp không phát triển nổi. Mallorca chỉ có một chút núi non và vài bãi biển. Cát cũng phải nhập vào. Nước cũng phải nhập vào. Thiên nhiên không ưu đãi Mallorca bằng Phan Thiết Mũi Né, thế nhưng lại là một trong những khu du lịch hàng đầu của Âu châu, cực kỳ giàu có nhờ biết kinh doanh. Năm 2004 Mallorca đã đón nhận 20 triệu du khách quốc tế, trong khi đó toàn cõi Việt Nam chỉ 3 triệu người.
Bookmarks