Chương 52 - Hai Bản Án


Tòa án Phân khu Duyên Hải làm to chuyện Tư Huỳnh.

Hai Ðại, Chính ủy Phân khu trong vai công tố viên lên án Tư Huỳnh là người của Bảy Viễn cài lại để lôi kéo cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và tiểu đoàn như Mười Lực, Bảy Môn trốn ra thành theo chân Bảy Viễn. Nhân dịp này Hai Ðại khuyên các Trung đoàn có bộ đội Bình Xuyên tháp ghép nên đề cao cảnh giác với các tay giang hồ còn kẹt lại trong khu.

Tư Huỳnh phát biểu trước vành móng ngựa:

- Tôi là dân giang hồ chính hiệu, nhưng đó là trước ngày Nam bộ kháng chiến. Từ khi theo cách mạng, Tư Huỳnh là cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, luôn luôn nêu gương dũng cảm, trước quân thù. Ra trận, bao giờ Tư Huỳnh cũng đứng thẳng lưng mà chỉ huy, vậy mà nay bị tố là đào ngũ theo Bảy Viễn ? Vô lý ! Người ta giao công tác về thành "địch vận" Bảy Viễn cho tôi, một công tác hết sức vô lý vì Tư Huỳnh là em út của Bảy Viễn, làm sao Tư Huỳnh nói mà Bảy Viễn nghe ? Huống chi Bảy Viễn nào có xa lạ gì cấp lãnh đạo Việt Minh...

Chánh án Năm Hà cắt lời Tư Huỳnh:

- Bị can chỉ được nói về việc lôi kéo Mười Lực và Bảy Môn theo Bảy Viễn.
Tư Huỳnh:

- Tôi nhìn nhận có chuyển lời của Bảy Viễn tới hai anh Mười Lực và Bảy Môn. Còn chuyện đi hay ở là chuyện riêng của hai anh ấy.

Trong phiên xử Tư Huỳnh có một đồng phạm, đó là Ba Bay.
Công tố viên hỏi:

- Anh Ba Bay, tại sao anh biết ba người tính chuyện về thành mà không khai báo ?
Ba Bay:

- Tình cờ tôi đi ngang qua nhà anh Mười Lực. Lúc đó ba anh đang nhậu. Tôi có nghe bàn chuyện đi hay ở, nhưng tôi cho đó là chuyện rượu nói chớ không phải ba anh ấy nói. Vì sao? Cả ba đều là đàn anh của tôi, là chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn chứ đâu phải trẻ con ! Tôi nghĩ là ba anh nói cho vui. Mà dù ba anh nói thật lòng thì đó là chuyện riêng của người ta.
Công tố viên:

- Biết mà không khai báo, kể như đồng lõa.

Ba Bay:

- Tôi ít học, không biết luật. Tôi chỉ nói trước tòa như thế này: Ba Bay là dân giang hồ, từng cho nhiều Việt gian "mò tôm" vào những ngày đầu kháng chiến. Tuy ít học nhưng tôi thù ghét nhất trong đời cái nghề làm điểm chỉ. Cho nên dù biết họ bàn bạc chuyện về thành theo Bảy Viễn, tôi vẫn giữ bí mật cho họ. Tùy tòa muốn phạt bao nhiêu cũng được!

Phiên tòa kết thúc nhanh với hai bản án: tử hình cho Tư Huỳnh và ba năm tù cho Ba Bay.

Tư Huỳnh chỉ cười lạt:

- Tội tôi làm tôi chịu. Xin tòa cho tôi một đặc ân: xin cho tôi tự xử.

Chánh án Năm Hà chưa có ý kiến thì công tố viên Hai Ðại nghiêm giọng:

- Không được? Tử tội không xứng đáng hưởng đặc ân tự xử.

Vụ hành quyết diễn ra ngay sau đó tại hàng điều xã Phước An.

Chủ trương "lấy gai lể gai" "lấy độc trừ độc" của Hai Ðại ngay trận ra quân đầu tiên đã dẫn đến kết quả: Tư Huỳnh bị xử tử, Mười Lực và Bảy Môn bỏ bưng về thành.
Hai Ðại sau đó đưa thêm một số người nữa, trong đó có Năm Chàng và Bảy Rô, nhưng cả hai đều không "địch vận" nổi Bảy Viễn. Trái lại mạng sống cả hai còn bị đe dọa hằng ngày vì bọn Thái Hoàng Minh luôn luôn rình mò. Nhờ thân thiết với Bảy Viễn mà Năm Chàng được yên thân, những lời sàm tấu của Thái Hoàng Minh bị Bảy Viễn gạt bỏ.

Theo Bảy Viễn, cháu vợ không đáng tin cậy hơn bạn giang hồ.

Riêng Bảy Rô thì vừa tới tư dinh của Bảy Viễn đã được bạn cũ nhắn nhỏ:

- Vọt ngay đi, coi chừng ông Năm bắt" (ông Năm là Năm Tài, bí thư của ông Bảy). Bảy Rô liền nhảy xuống miền Tây, đầu quân sư thúc Hòa Hảo là Mười Trí.

Hai Ðại thấy Bảy Viễn làm trời ở Rừng Sác trong thời kỳ hậu thanh trừng. Chỉ có Tám Tâm, nhờ bén nhạy trong nhận xét và dám nghĩ dám làm, là thấy được "tim đen" của Hai Ðại mà ít người trông thấy, mà dù có thấy cũng không dám vạch ra.