Chương 6
Thằng Hoàng vừa thức giấc được một lát thì con Mỹ Vy đến thăm nó. Con bé dúi vào tay bạn một gói giấy còn nong nóng:
- Bánh bao đó! Mày ăn đi.
Thằng Hoàng cố ngồi dậy với khuôn mặt còn xưng húp chưa trở lại bình thường. Nó cảm động:
- Mày mua hả Mỹ Vy?
Con bé đáp thật nhẹ:
- Ừ!
- Tiền đâu mà mày có?
Thấy thằng Hoàng gặn hỏi, Mỹ Vy khẽ chau mày, giọng có vẻ giấu giếm:
- Mày sao hay thắc mắc, lôi thôi quá. Tiền đâu tao có mặc kệ tao, miễn tao không ăn cắp thì thôi.
Nét mặc thằng Hoàng hơi tiu nghỉu:
- Tao chỉ hỏi có thế mà mày cũng bực mình. Con gái thiệt khó chịu.
Như mọi bữa con Mỹ Vy đã không thèm nói chuyện với nó nữa, nhưng hôm nay không hiểu sao nó lại dịu giọng làm hoà:
- Thì tại vì mày hay hạch sách tao chứ bộ. Thôi hãy ăn bánh đi, kẻo nguội mất ngon.
Thằng Hoàng nhìn cái bánh bao trên tay rồi ngẩng lên nhìn nhỏ bạn, nó đề nghị:
- Mày ăn chung với tao cái bánh này nghe Mỹ Vy?
Con Mỹ Vy lắc đầu:
- Thôi mày ăn một mình đi. Tao mua cho mày mà.
Song thằng Hoàng không chịu, nó làm bộ giận dỗi:
- Mày không ăn với tao thì tao trả lại cho mày nè.
Con Mỹ Vy miễn cưỡng:
- Ừ, thì ăn. Nhưng tao chỉ ăn một chút xíu thôi nghe.
Mặc cho con Mỹ Vy nói, thằng Hoàng vẫn bẻ đôi cái bánh rồi trao cho nó một nửa. Mùi thơm nhân thịt với chút hơi khai muôn thuở của bánh bao tỏa lên kích thích bao tử hai đứa khiến chúng ăn ngay không chần chờ. Thằng Hoàng tuy không đói nhưng nó vẫn chiếu cố hết phần bánh trên tay một cách rất nhanh chóng. Còn Mỹ Vy, món bánh bao là thứ bánh xa xỉ nó ít bao giờ được ăn nên cảm thấy rất ngon. Thằng Hoàng phủi tay vào tờ giấy gói bánh rồi ngước lên hỏi bạn:
- Nhà mày sắp dọn đi chưa Mỹ Vy?
Con Mỹ Vy không nhìn nó mà quay đi hướng khác, giọng con bé trầm buồn:
- Sắp rồi. Chỉ còn ít ngày nữa...
- Thế sao mày còn chưa nghỉ mà vẫn đi học như thường?
Nghe hỏi con Mỹ Vy bỗng rưng rưng nước mắt:
- Tao muốn đến trường để vui với bạn bè cho hết những ngày còn ở lại.
Hiểu tâm trạng sắp đi xa của con Mỹ Vy, thằng Hoàng nao nao ruột. Nó cầm tay con bé bóp nhè nhẹ thân tình:
- Tao sẽ xin bác sĩ cho xuất viện sớm để về tiễn mày đi.
Con Mỹ Vy vội ngăn:
- Đừng! người mày còn đang sưng húp thế kia không ai cho về đâu.
Cứ việc nằm điều trị ở đây, tao sẽ lui tới chơi với mày cho đến ngày lên thành phố.
Đột nhiên thằng Hoàng buông tay ra giọng xúc động:
- Mày tốt quá Mỹ Vy à, nếu không có mày cứu tao bữa đó chắc tao chết với bầy ong dữ tợn ấy rồi. Ôi, nghĩ lại mà thấy khủng khiếp quá.
Con Mỹ Vy cười cười:
- Tao cũng không hiểu sao ngày hôm đó tao đau bụng quá chừng.
Vừa mới vào lớp học đã phải xin phép cô giáo để chạy về tìm thuốc. Nửa đường, tao nghe thấy tiếng kêu la của mày trong bụi rậm, tao cứ tưởng là mày đang bày trò để giỡn với tao nên tao định bỏ đi luôn. Nhưng đến chừng ngó thấy có bầy ong bay lượn ở đó tao mới biết rằng mày đang gặp nạn.
Thằng Hoàng chao mắt, ngó xuống những nốt ong chích còn sưng húp nơi tay, nó máy miệng:
- Lúc ấy mày xông vào cứu tao mà không sợ bị ong chích hay sao?
Vẫn giữ nụ cười trên môi, con Mỹ Vy mân mê bàn tay nhỏ:
- Sợ chứ sao không sợ, song thấy mày kêu la thảm thiết quá tao phải chạy tới đống rơm gần đó quơ đại một ôm lớn để đắp lên mình mày và cả tao. Thế mà lũ ong ấy cũng thiệt là hung dữ, nó chích tao ba bốn phát rồi còn quần thảo ở đó tới mấy tiếng đồng hồ mới chịu bỏ đi.
- Lúc mày cởi trói cho tao, tao đâu còn biết gì nữa.
- Thì mày bị ong chích nhiều quá ngất xỉu rồi còn biết cái quái gì.
Cũng may lúc lũ ong bỏ đi trùng giờ tan học nên tao mới nhắn tụi nó về nhà kêu ba má mày. Chứ nếu không chắc tao phải cõng mày về quá. Nhưng mà mày nặng thấy mồ đi, có cõng chắc tao cũng phải giục giữa đường thôi.
Thằng Hoàng hướng đôi mắt biết ơn về phía nhỏ Mỹ Vy:
- Tao không ngờ mày lại là kẻ cứu tao thoát khỏi trò trả thù ác tâm của bọn thằng Sung.
Con Mỹ Vy chắc lưỡi:
- Chuyện chỉ có tí ti mà tụi nó để bụng để rồi gây cớ sự. Cũng may mày còn sống chứ nếu thiệt mạng rồi thì không biết tụi nó sẽ ra sao?
Thằng Hoàng mím môi, đôi môi vẫn còn sưng to đau đớn. Nó nghiến chặt hàm răng:
- Tao nhất quyết sẽ đi học võ thôi. Nếu bữa đó tao không yếu đuối thì bọn thằng Sung chẳng dễ gì bắt trói được tao.
Con Mỹ Vy thấy lo thay cho bạn:
- Bỏ qua cho tụi nó đi Hoàng, thù hằn mãi với nhau rồi kết cục cũng chẳng đến đâu.
Song thằng Hoàng vẫn cứ khăng khăng:
- Tao học võ chỉ để phòng thân, khi cần thì giúp người bị hại thôi mà.
Con Mỹ Vy im lặng, nó cảm tưởng những giây phút còn ở lại quê nhà rất qúy báu nên chẳng muốn chứng kiến thấy cảnh buồn. Nó chuyển qua nói chuyện vui:
- À, Hoàng ơi! Hôm qua tao đi bắt cua hớt được mấy con cá lia thia đẹp lắm.
Vốn là con trai, nên nghe thấy vậy thằng Hoàng háo hức ngay:
- Thiệt không? Mày cho tao đi?
Con Mỹ Vy liếc mắt rồi làm bộ:
- Tao cũng phải để nuôi chơi chứ.
Thằng Hoàng khẽ trề môi:
- Hứ! Mày là con gái mà nuôi cá đá để làm gì? Cho tao đi, rồi tao cho lại mày cây bút máy để dành đi học.
Sự ham muốn của thằng Hoàng khiến con Mỹ Vy phải bật cười:
- Bộ mày tính hối lộ tao đó hả?
Thằng Hoàng vui vẻ cãi lại ngay:
- Tao trao đổi chứ bộ.
Con Mỹ Vy bỗng chuyển tông:
- Thôi, không đổi chác gì, tao cho mày nuôi đó! Nhưng mày phải hứa là quên đi chuyện thằng Sung.
Thoắt nghe, thằng Hoàng liền nguây nguẩy:
- Tao không quên tụi nó. Dù mày có giận tao luôn, tao cũng nhất định như vậy mà. Tao phải cho tụi nó một bài học.
Thằng Hoàng vẫn khăng khăng với ý nghĩ trẻ con, hiếu thắng như vậy - con Mỹ Vy vẫn cố thuyết phục thì thấy thằng Hoàng ngồi im ra vẻ suy nghĩ lắm. Con Mỹ Vy cảm thấy buồn trong lòng vì ý định hoà giải của nó không thành. Thế mà nó đã hứa với bọn thằng Sung là sẽ thuyết phục thằng Hoàng bỏ qua để mấy đứa vẫn là bạn của nhau. Chẳng phải bọn thằng Sung sợ gì đâu mà là chúng ân hận khi thấy thằng Hoàng thật sự vô nằm trong bệnh viện. Nhất là thằng Lượm, nó cứ day dứt hoài việc đã không nghe lời kêu cứu của thằng Hoàng.
Bữa sau Mỹ Vy tìm đến mắng tụi nó, thằng Lượm đã đứng ra nhận lỗi:
- Chính tao đã mở bao ra cho bầy ong chích thằng Hoàng.
- Sao tụi bây ác thế! Thằng Hoàng đang trong tình trạng hôn mê, người nó sưng tấy trông thảm thương quá cỡ. Nó mà chết thiệt là cả đám tụi bây phải đi tù.
Câu hù dọa của con Mỹ Vy làm cả đám sợ hãi. Duy chỉ có thằng Sung là vẫn còn ngạo nghễ thôi, bởi bản tánh nó ngang tàng, mà còn không được học hành gì cả.
- Thằng Hoàng chết thì ba má nó mất giống nối dòng. Còn tao cùng lắm bỏ xứ đi vài năm về là người ta quên hết.
Con Mỹ Vy tỏ ra hiểu biết hơn nó nên giảng giải:
- Sức mấy mà người ta quên. Mày không biết chữ nên không đọc báo chứ tao thì đọc thường xuyên. Có những vụ án mà tới hai chục năm mà người ta còn lôi ra xử. Nhất là chuyện giết người, bấy giờ thì đền mạng đó con ơi.
Lúc này thì thằng Sung mới có phần nao núng, nó cầu cạnh Mỹ Vy:
- Lúc đó tao tức với thằng Hoàng quá nên tao không kịp suy nghĩ.
Mày có cách nào giải hoà với nó dùm tao không?
Con Mỹ Vy vênh mặt:
- Mày trói nó rồi bắt ong chích nó gần chết mà chỉ giải hoà suông thôi sao. Bây giờ là chuyện người lớn làm việc rồi.
Thằng Sung lo ra mặt:
- Nhà tao nghèo quá lấy đâu ra tiền mà bồi thường viện phí cho nó bầy giờ. Hôm trước má tao phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đền mớ vịt và trứng.
- Cho mày đáng kiếp, không biết thương má mày.
Cả bọn nhóc đứa nào cũng ngồi thừ người ra bên b sông, trông vẻ mặt chúng Mỹ Vy cũng biết chúng đang vô cùng hối hận lắm.
Tất nhiên rồi, ông bà thường có câu "Chưa Đánh Được người Thì Mặt Đỏ Như Vang, Đánh Được Rồi Thì Mặt Vàng Như Nghệ" mà chẳng sai tí nào. Tuy vậy, nhưng Mỹ Vy vẫn cảm thấy tội nghiệp chúng, dẫu sao chúng cũng không được cắp sách đến trường như nó với thằng Hoàng, vì ở cái miền quê này được đi học đã là cái diễm phúc. Còn hầu hết lũ con nít nhà nghèo đều phải chăn trâu mướn hoặc mà cua, bắt ốc suốt cả ngày để có được miếng ăn. Nhà con Mỹ Vy cũng túng thiếu nhưng ba má nó đều muốn cho con có chút chữ nghĩa với đời. Chị em nó đứa nào cũng được đi học, ngoại trừ thằng út chưa tới tuổi tới lớp. Hoàn cảnh của bọn thằng Lượm, thằng Sung gạo phải đong từng lon. Con Mỹ Vy đã trông thấy bà Năm Trầu khóc sướt mướt khi hay tin con mình đã hành động dại dột đến như vậy. Cả mẹ thằng Lượm cũng thế. Vậy mà chúng có biết thương người đẻ ra chúng đâu.
Con Mỹ Vy thở dài khi nghĩ đến sứ mạng chẳng thành. Nó ngồi chơi với thằng Hoàng thêm chút nữa rồi ra về với nỗi lòng canh cánh. Thời gian lưu lại ở quê sao mỗi lúc một ngắn dần...
Bookmarks