Chương 6 - Đời Sống Trong Tu Viện


Hai tuần lễ trôi qua những vết phỏng của tôi đã gần khỏi. Cái chân tôi còn làm cho tôi hơi đau nhưng càng ngày càng bớt dần. Tôi yêu cầu được áp dụng thời khắc biểu như thường lệ vì tôi thấy cần phải cử động đôi chút. Tôi được phép ngồi tùy ý hoặc nằm sấp trên bụng. Người Tây Tạng ngồi xếp bằng hteo tư thế liên hoa, nhưng tôi không thể ngồi như vậy vì chân tôi còn đau.

Ngày đầu tiên tôi trở lại lớp học để gặp lại các bạn cũ, thì có công tác làm bếp vào buổi trưa. Tay cầm một tấm bản đá tôi có phận sự kiểm điểm những bao lúa mạch nha sấy. Lúa mạch nha được trải lên những tảng đá hâm nóng đến bóc khói: Cái nồi "Xúp de" mà tôi đã làm lật đỗ đến bị phỏng, được đặt ở phía dưới. Khi đã trải đều lúa mạch nha trên những tảng đá, người ta mới đóng cửa và nhóm thiếu sinh chúng tôi đi qua hành lang đến một văn phòng tại đây người ta xay giã lúa mạch nha đã sấy xong. Cối xay là một cối đá hình ống loa lật ngược, vành tròn đường kính độ một thước sáu tấc. Lòng cối xay có chạm khắc những đường lồi lõm để giữ lúa. Một tảng đá vĩ đại cũng hình ống loa, nhưng đặc ruột đặt vào lòng cối để nghiền nát lúa. Tảng đá này được nâng bằng một cái đòn tay bằng gỗ mà thời gian đã làm cho trơn bóng, ở hai đầu cái đòn tay này có gắn chặt các đòn tay nhỏ hơn giống như những cây căm của một bánh xe không có vành. Lúa mạch nha sấy được đổ vào cối đá, rồi các sư sãi và những trẻ thiếu nhi mới nắm lấy những cây căm bánh xe để vận chuyển khối tảng đá nặng đến hàng mấy tấn. Khi tảng đá đã xoay vòng thì công việc không còn nặng nhọc lắmvà chúng tôi cùng cất tiếng hát hợp xướng. Ít nhất tại đây tôi có thể hát mà không bị bắt tại trận! Nhưng làm vận chuyển tảng đá này là cả một công trình khó nhọc. Tất cả mọi người đều phụ giúp một tay trợ lực. Kế đó phải để ý coi chừng nó luân chuyển luôn luôn không lúc nào ngừng. Những số lượng mạch nha sấy được đổ thêm vào cối và lúa sấy xong thoát ra ngoài ở phần dưới cối. Chính thứ lúa xay này được trải một phần nữa lên nhưng tảng đá nóng để sấy lại là chất liệu căn bản để là món Tsampa. Mỗi người chúng tôi đều đem theo trong mình một ít Tsampa đủ ăn trong một tuần hay nói đúng hơn là một số lúa mạch nha đã xay nát và sấy lại. Đến bữa ăn, chúng tôi lấy ra một phần nhỏ đựng sẵn trong cái bộc da và đổ vào những cái chén riêng của mình. Sau khi đổ thêm trà pha bơ chúng tôi dùng ngón tay trộn đều và nhồi cho đến khi nó trở thành một thứ bánh, rồi mới ăn.

Qua ngày hôm sau, công tác làm bếp gồm có việc nấu trà bơ. Ở gian phòng khách của nhà bếp có đặt một cái chảo đụn khổng lồ với dung lượng sáu trăm bảy mươi lăm lít. Chảo đụn này đã được lau chùi bằng cát và trở nên sạch bóng như còn mới.

Từ sáng sớm, chảo đụn này đã được chứa nước đến phân nữa và nấu sôi lên sùng sụt. Chúng tôi có phận sự đi lấy những bành trà đã phơi khô và đập tan ra thành từng mảnh vụn. Trà này được ép cứng lại thành từng bành lớn hình vuông như viên gạch, mỗi bành cân nặng từ bảy đến tám kg, được chở từ Trung Hoa hay Ấn Độ đến Lhassa bằng đường bộ xuyên qua các truyền núi. Những mãnh vụn vừa đập ra được nén vào chảo nước đang sôi. Một sư sãi thêm vào đó một tảng muối cục thật lớn, một sư sãi khác bỏ thêm vô một muối hóa chất (bicarbonnate de soude). Khi tất cả đều sôi sụt người ta mới đổ thêm vào từng mảng bơ làm bằng sửa của con Yak, và để lửa cháy trong lò suốt nhiều giờ. Trà trộn với bơ này có một giá trị dinh dưỡng rất tốt và dùng thêm với món Tsampa nó có đầy đủ chất bổ dưỡng để cho người Tây Tạng sống được quanh năm. Công việc khó nhọc nhất là giữ cho lửa cháy trong. Thay vì dùng phân củi người ta dùng phân con Yak phơi khô làm chất nhiên liệu để đốt lửa. Chất nhiên liệu này luôn luôn được dự trữ quanh năm thành một lượng dùng không bao giờ cạn. Phân bò đốt cháy tỏa ra một mùi vị rất chát và nồng nặc.

Chúng tôi bị bắt buộc phải làm những công tác này không phải là vì thiếu nhân công mà là vì muốn xóa bỏ tối đa mọi sự phân biệt giai cấp. Chúng tôi nghỉ rằng con người chỉ có một kẻ thù ấy là sự chia rẽ, cách biệt. Làm việc bên cạnh một người, nói chuyện cởi mở với y hãy, có dịp thông cảm với y rồi thì y sẽ không là một kẻ thù của ta nữa. Ở Tây Tạng mỗi năm một lần, những vị quan to hay chức sắc có quyền thế từ bỏ quyền hành của mình trong một ngày, và bất cứ một thuộc hạ nào của họ cũng có quyền nói lên những gì y cảm nghĩ trong lòng nếu một vị Sư Trưởng tỏ ra lạm quyền hóng hách người ta sẽ nói lên một cách công khai và nếu sự phiền trách đó là đúng thì người khiếu nại sẽ không bị một sự trừng phạt nào. Phương pháp đó tỏ ra rất hiệu quả nên sự lạm dụng quyền hành cũng rất ít khi xảy ra. Nó đảm bảo một sự công bình xã hội, để cho những người thuộc viên ở cấp dưới có cơ hội phát biểu những cảm nghĩ của họ đối với những kẻ có quyền thế.

Chúng tôi phải làm việc nhiều trong lớp học và ngồi xếp hàng dưới đất. Khi giảng bài và viết trên bảng đen thì vị giáo sư đứng trước mặt học trò. Nhưng khi chúng tôi làm bài thì ông giáo sư đi rảo đằng sau lưng chúng tôi, thành thử chúng tôi phải làm việc cẩn thận vì chúng tôi không biết ông ta đang rình đứa nào! Ông ta không lúc nào rời cây gậy, một cây gậy mập như cây dùi cui mà ông ta không ngần ngại "Sử dụng" trên bất cứ bộ phận nào trên thân thể chúng tôi: Vai, đầu, lưng, không kể đến những bộ phận "Cổ điển" Ông ta không cần phân biệt đó là chỗ nào, miễn là những cú gậy gộc đó đánh thật đau.

Chúng tôi học rất nhiều về môn toán pháp, môn này là một kỷ luật cần thiết để đoán khoa chiêm tinh. Khoa chiêm tinh Tây Tạng thật vậy không có gì là ngẫu nhiên tình cờ, nó được thiết lập trên những nguyên tắc khoa học.Tôi phải học nhiều về khoa chiêm tinh vì môn này là tối cần thiết trong việc hành nghề y khoa. Một y sỹ nên điều trị bệnh nhân theo từng hạn nguời, sự phân hạn này là do khoa chiêm tinh quy định. Điều trị theo nguyên tắt đó là tốt hơn cho đơn kê thuốc một lý do mơ hồ là thuốc ấy đã chữa khổi bệnh cho một người khác. Bên cạnh những bản đồ chiêm tinh rất lớn treo trên tường, còn có những bản đồ khác vẽ hình những thảo dược. Những bản đồ này được thay đổi luôn luôn mỗi tuần và chúng tôi phải biết rõ tất cả mọi loại cỏ thuốc. Sau này, những cuộc xuất hành sẽ được tổ chức để đi hái thuốc, nhưng chúng tôi chỉ được tham dự những cuộc ngao du đó khi nào chúng tôi đã có những kiến thức sâu rộng, để người ta có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ không hái lầm những loại cỏ xấu. Những chuyến đi hái thuốc đem đến cho chúng tôi những ngao du rất thoải mái dễ chịu tạm quên được cuộc đời phẳng lặng buồn chán của tu viện. Có những chuyến đi kéo dài đến ba tháng; đó là những cuộc xuất hành lên vùng thượng du, một vùng bao bọc xung quanh bởi những dãy núi có tuyết phủ quanh năm, bề cao từ sáu ngàn đến tám ngàn thước trên mực nước biển, nơi đó những vùng băng tuyết xen lẫn với những thung lũng xanh tươi với khí hậu ôn hòa nhờ bởi những suối nước nóng. Trong vùng này người ta có một kinh nguyện độc nhất trên đời. Người ta chỉ cần đi một quảng đường dài năm mươi thước để trãi qua một khí hậu lạnh đến bốn mươi độ đưới không, đến một khí hậu nóng bốn mươi lăm độ trong bóng mát. Vùng này của xứ sở Tây Tạng không ai được biết, chỉ trừ một thiểu số các sư sãi.

Tu viện của chúng tôi được nổi bởi kỷ luật khắc khổ và nột nề giáo dục chặt chẽ. Một số lớn các sư sãi từ các tu viện khác đến đây từ giã chúng tôi để đi đời sống dễ chịu hơn. Chúng tôi coi họ như những kẻ thất bại với chúng tôi là những người thuộc thành phần ưu tú. Nhiều tu viện không có buổi lễ khuya; các sư sãi đi ngủ sớm vào lúc tối và thức dậy trời đã sáng. Chúng tôi khinh thường họ như những kẻ yếu hèn, thấp kém vì tuy rằng chúng tôi bất mãn với quy tắc quá khắc khổ của tu viện, chúng tôi lại không bằng lòng cho quy tắc đó bị sửa đổi, nếu nó đưa chúng tôi tới hậu quả là hạ thấp chúng tôi xuống trình độ kém hèn của kẻ khác.

Kế đó là phải loại trừ những kẻ yếu. Chỉ có những người rất khỏe mạnh mới trở về sau những cuộc xuất hành lên vùng thượng du lạnh như băng tuyết; ngoại trừ những sư sãi ở tu viện Chakpori, không có ai dám đi lên đó. Các vị đạo sư, vốn đầy minh triết quyết định loại bỏ nhưng người không thể chịu đựng được cuộc sống kham khổ, trước khi họ có dịp làm liên lụy đến kẻ khác. Trong năm học đầu tiên chúng tôi hầu như không có lúc nào nghỉ ngơi, giải trí hay có dịp vui chơi thỏa thích. Mỗi giây phút của chúng tôi đều dành cho sự học và làm việc.

Một điều mà tôi còn biết ơn các vị sư, là các Ngài đã dạy chúng tôi phương pháp sử dụng trí nhớ. Phần nhiều người Tây Tạng có trí nhớ tốt, nhưng riêng phần chúng tôi là sinh viên y khoa, học để trở thành các tu sỹ kim y sỹ, thì chúng tôi cần biết tên và đặc tính của nhiều loại dược thảo cùng cách biến chế và sử dụng các loại cỏ thuốc. Chúng tôi cũng cần hiểu biết tường tận khoa chiêm tinh và thuộc lào tất cả các kinh điển Phật Pháp.

Một phương pháp tập luyện trí nhớ đã được thực nghiệm trãi qua nhiều thế kỷ. Chúng tôi ngồi trong một gian phòng có những tủ lớn chứa đựng hằng muôn nghìn học tủ. Mỗi học tủ có dán nhãn hiệu bên ngoài, có in chữ khá lớn dễ đọc từ chỗ chúng tôi ngồi. Mỗi đề tài học tập mà chúng tôi đã thụ huấn được sắp hạng trong mỗi hộc tủ thích nghi. Chúng tôi phải hình dung rõ ràng trong trí mỗi đề tài vào vị trí nhất định của mỗi học tủ. Với ít nhiều công phu tập luyện, người ta có thể đi vào gian phòng bằng tư tưởng một cách rất dễ dàng mở đúng phóc các hộc tủ mình muốn và lấy ra các tài liệu mình tìm kiếm cùng với những đề tài liên quan.

Các vị giáo sư đặc biệt nhấn mạnh với chúng tôi hiểu sự cần thiết có một trí nhớ được tập luyện thuần thục. Họ vấn nạn chúng tôi một cách ráo riết với mục đích duy nhất là thử thách trí nhớ của chúng tôi. Những câu hỏi đó không có một sự mạch lạc hay liên lạc vì với nhau, để cho không có một dòng tư tưởng liên tục nào giúp chúng tôi trả lời được dễ dàng. Những câu hỏi đó thường liên quan đến những đoạn bí hiểm trong cách kinh điển tôn giáo, chen lẫn với những câu hỏi đứt đoạn về các loại dược thảo. Kẻ nào quên sẽ bị trừng phạt nặng nề: Không có trí nhớ là một tội ác không thể dung thứ, phải bị trừng trị nghiêm khắc. Chúng tôi lại không có nhiều thời giờ để suy nghĩ mà phải trả lời ngay tức khắc. Chẳng hạn như giáo sư hỏi học trò:

- Con hãy nói lại hàng thứ năm, trang mười tám trong quyển thứ bảy của bộ kinh Kangyur. Hãy mở hôïc tủ... xem hàng chữ đó là gì?

Trừ phi người ta có thể trả lời ngay trong mười giây đồng hồ, tốt hơn là nên giữ im lặng, vì sự trừng phạt còn khốc liệt hơn nếu trả lời sai, dẫu cho sự sai lầm nhỏ nhặt đến đâu. Dầu sao, đó cũng là một phương pháp rất tốt và rất hữu hiệu để tập luyện trí nhớ. Chúng tôi không thể có thường xuyên những sách vỡ tham khảo ở bên cạnh mình, vì sách của chúng tôi gồm những tờ giấy đóng lại trong những cái bìa bằng gỗ, thường đo đến một thước chiều dài và bốn tất tây chiều ngang, là những vật quá kềnh kàng. Về sau, tôi nhận thấy rằng thật là một điều tối ưu quan trọng mà có một trí nhớ tốt.

Trong năm đầu, chúng tôi bị ngăn cấm không đuợc rời khỏi tu viện. Những người nào vi phạm sẽ bị đóng cửa không cho vào khi họ trở về. Luật lệ này chỉ được áp dụng ở tu viện Chakpori là nơi mà kỷ luật gắt gao đến nỗi người ta sợ rằng nếu để cho chúng tôi ra ngoài, thì chúng tôi sẽ không trở lại lần nữa. Riêng về phần tôi, tôi nhìn nhận rằng có lẽ tôi cũng trốn biệt luôn không trở lại, nếu tôi có chỗ nào khác để dung thân! Tuy nhiên, sau một năm, chúng tôi đã quen với đời sống ở tu viện.

Trong năm đầu tiên đó, chúng tôi không được phép chơi các môn giải trí; người ta bắt buộc chúng tôi làm việc không ngừng, điều này giúp cho họ loại trừ những đứa trẻ thể chất yếu đuối, không chịu nỗi sự căng thẳng thần kinh tột độ. Sau những tháng học khó khăn đó, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi hầu như đã quên mất cả sự chơi bời tiêu khiển. Những môn thể dục điền kinh có mục đích tăng cường sức chịu đựng dẻo dai của chúng tôi, và có một sự công dụng thực tế cho chúng tôi sau này.

Khi tôi gần lên tám tuổi. Minh Gia Đại Đức, sư phụ tôi, cho tôi biết rằng theo sự giải đoán của các nhà chiêm tinh, thì sau ngày sinh nhật của tôi, sẽ là ngày thuận lợi để cho tôi bắt đầu luyện thần nhãn. Tôi không cảm thấy lo ngại gì cả, vì tôi biết rằng sư phụ tôi sẽ có mặt tại chỗ và tôi hoàn toàn đặt tin tưởng nơi người. Như sư phụ tôi đã nhắc nhở nhiều lần cho tôi biết, khi tôi mở được thần nhãn, tôi sẽ có thể nhìn thấy rõ chân tướng của mọi người mọi vật. Theo khoa Huyền Môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ bên ngoài do cái linh hồn, hay "Chân Ngã", điều khiển mọi tác động trong giấc ngủ và sau khi chết. Con người sinh ra trong một thể xác yếu đưới bất toàn để học hỏi kinh nghiệm và tiến bộ ở cõi trần. Khi y ngủ, con người trở về một cõi giới khác, linh hồn thoát ra ngoài thể xác vật chất và phưởng phất trên cõi ấy tuy rằng nó còn dính liền với thể xác bởi một "Sợi dây bạc" (Cordon magnétique: Sợi dây từ khí, làm bằng chất dỉ thái, mắt phàm không nhìn thấy được. Nó long lanh như màu bạc, nối liền thể xác với linh hồn, có thể kéo dài đến vô tận khi linh hồn phiêu diêu trên cõi trung giới trong giấc ngủ). Sợi dây bạc này chỉ đứt đoạn vào lúc chết. Những giấc mộng là những kinh nghiệm sống trên cõi trên trong khi ngủ. Khi linh hồn trở về nhập vào thể xác, sự giật mình thức giấc làm méo mó xiêu vẹo ký ức của giấc mộng, trừ phi người ta đã trãi qua một sự huấn luyện đặc biệt, bởi đó "Giấc mộng" có thể trở nên dị kỳ đối với người thức giấc. Nhưng vấn đề này sẽ được giải thích đầy đủ hơn ở một chương sau khi tôi tường thuật lại những kinh nghiệm cá nhân của tôi trên địa hạt này.

Cái hào quang bao bọc xung quanh thể xác, mà bất cứ ai cũng có thể tập luyện để nhìn thấy với một vài điều kiện, chỉ là phản ảnh của nguồn sinh lực ở bên trong con người. Chính cái hào quang đó, cùng với nhiều điều khác nữa, là những sự vật vô hình huyền bí mà việc mở thần nhãn sẽ giúp cho tôi nhìn thấy rõ.