Chương 6 - Những người đang ngủ đứng !


Để cầm chân và đánh lạc hướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phía Bắc Việt mở những cuộc tấn công theo lối dương Đông kích Tây. Ngày 22 tháng giêng, một cảnh sát trưởng đạp phải một trái mìn ở gần đồn Nguyễnvăn Quế thuộc vùng ngoại ô Sài Gòn. Cuộc mưu sát nầy đã làm bị thương 4 người cảnh sát.



Đây là lần đầu tiên từ năm 1972, không khí chiến tranh tràn vô tới SàiGòn. Phải chăng Việt Cộng lại chuẩn bị phá rối ngày Tết nữa? Tết Việt Nam năm nay bắt đầu từ ngày 11 tháng 2 dương lịch.



Ông Hoàng đức Nhã, người em bà con với ông Thiệu có vẻ lo âu. Bốn tháng nay ông không còn là Tổng trưởng Thông Tin nữa. Đề nghị cuối cùng của ông trong tư cách vừa là tổng Trưởng vừa là cố vấn riêng của ông Thiệu là nên liên lạc thẳng với CPLTCHMN. Mặc dầu ông đã công khai tuyên bố ("4 Không") nhưng ông Thiệu cũng thấy ý kiến nầy hay hay. Nhưng người Mỹ sẽ nghĩ thế nào về vấn đề nầy ? Năm 1963 họ đã loại bỏ ông Diệm bởi vì những người em của ông nầy đã muốn nói chuyện trực tiếp với Hà Nội . Đây là một bài học luôn luôn ám ảnh ông Thiệu.



Nhiều người chỉ trích ông Nhã là đã ngiêng về cánh tả. Nhưng ông nầy nghĩ mình là người thực tế hơn : "Đó là vấn đề "sống còn của Miền Nam chúng ta". Ông không tin rằng cái gì tốt cho Hoa Kỳ nhất thiết sẽ tốt cho Việt Nam.



Ông Đại sứ Graham Martin đã đòi hỏi và đã loại được ông Nhã ra khỏi nhiệm sở của ông ta nằm ở ngay tầng lầu ba trong Dinh Độc Lập. Người ta gán cho ông Nhã một biệt danh là "một cậu nhỏ chống Mỹ" (nguyên tác: "anti americain kid") mặc dầu ông đã ba mươi ba tuổi đầu rồi, và ông không bao giờ rút lại lời nói của ông. Tổng Thống Thiệu nghĩ rằng mình có phần nào sai khi nhượng bộ với Đại sứ Hoa Kỳ . Ông đã cho ông Nhã rời khỏi Bộ Thông Tin nhưng vẫn còn tín nhiệm người em của mình. Ông Nhã cố thuyết phục Tổng Thống:



- " Phải xốc Chánh Phủ của ông Khiêm mạnh lên, ông Thủ Tướng của Anh thiếu hoạt bát. CSVN tấn công Phước Long là để thăm dò hệ thống phòng thủ của chúng ta. Họ muốn xem phản ứng của người Mỹ, và Hoa Kỳ đã không nhúc nhích !"



Ông Thiệu không tin chút nào về chuyện đó. Ông Nhã nói với ông Thiệu như một người em nói với " ông anh cả". Lúc ông Thiệu chỉ mới có một đứa con gái, ông xem Nhã như một người con trai hơn là một người em. Khi ông Thiệu là chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia ở Đàlat, ông Nhã còn là học sinh nội trú trường Trung học ở đó, nên thường đến chơi với gia đình ông Anh mình. ông Nhã thông thạo cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Sau đó ông qua học bốn năm ở trường đại học Oklahoma trước khi vào đại học Pittsburgh, và tốt nghiệp ở đó với bằng kỹ sư. Cũng giống như ông Kissinger và người dân Mỹ thuộc vùng Trung Tây Hoa Kỳ, ông Nhã không có lòng tin đối với những người Mỹ ở vùng bờ biển phía Đông. Có rất ít người Việt Nam hiểu người Mỹ bằng ông Nhã. Ông Nhã cũng đã giải bày cho "ông anh cả" của mình ít nhất 90% những suy tư của mình. Đối với một Tổng Thống, như vậy cũng đã quá nhiều rồi. Đối với người Mỹ, ông Nhã không có một tự ty mặc cảm nào mà trái lại ông có một ý thức tự tôn. Và ông cũng không giữ sự tôn kính đối với người già hay các niên trưởng theo truyền thống của người Việt Nam. Ông ta có đủ mọi thứ để quyến rũ người ta và cũng có đủ mọi thứ để làm phật ý mọi người, tùy theo. So với người Việt Nam bình thường thì ông Nhã có hơi to con với 1 thước 65 bề cao. Với cách ăn mặc thanh lịch và đúng mốt, với sự thông minh và kiến thức nhanh nhẹn, ông Nhã bổ túc và lần lượt gây khó chịu cho các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ. Ông cũng khuyên ông Thiệu nên thay người tham mưu trưởng của mình đi. Lúc ông Martin đến SàiGòn, một nhân viên ngoại giao có nói với ông Nhã: - " Ông có muốn tôi giới thiệu ông với ông Đại sứ không ? " Ông Nhã thẳng thừng nhấn mạnh: - "Không . Tôi là một Bộ trưởng, Ông Đại sứ phải tự giới thiệu với tôi mới phải chứ !" Ông Martin không bao giờ tha thứ cho ông Nhã về tính yêu nước bồng bột và quá tự tin về nghi thức xã giao của ông nầy. Ông Kissinger và ông Martin đều cho là vì còn quá trẻ tuổi nên ông Nhã chưa có đủ kinh nghiệm. Và ông Nhã không đến đỗi dùng ảnh hưởng của ông trong vấn đề lạm dụng quyền hành . Lối sống của ông cũng khác lạ hơn người ta nữa. Ông lái xe Mustang, Mercedes, và trong phòng khách của ông, ông xây một ống khói cho lò sưởi đốt bằng củi, như của người Mỹ vậy, dĩ nhiên đây là lò sưởi độc nhất ở SàiGòn. Ông Nhã có một hệ thống tin tức khắp thế giới. Trước khi Hiệp Định Paris được ký, ông ta đã có nhiều đụng chạm dữ dội với ông Kissinger. Ông ta thúc giục ông Thiệu :



- " Tổng Thống Ford bị trói tay trong lãnh vực tài chánh. Người Mỹ chỉ nói cho Anh những gì mà họ muốn Anh nghe thôi. Tôi nói thật với Anh là chúng ta không thể tin vào ông "Anh Lớn" Hoa Kỳ được ".



Ông Thiệu thở ra và nói:



- " Chú nói hơi quá. Chú nghiêm khắc quá ! Ông Martin bênh vực và ủng hộ chúng ta."







Từ khi tới SàiGòn ông Martin đã bảo đảm là sẽ có viện trợ Hoa Kỳ cho Tổng Thống Thiệu, một sự tin tưởng mà ông Thiệu đang cần . Đại sứ Mỹ đã cho lệnh nghiêm nhặt cho các ban ngành trực thuộc phải phá tan mọi âm mưu nhằm làm lung lay hay lật đổ ông Thiệu. Mỗi một hành động đối lập hay chống đối ông Thiệu đều phải được xem là một mầm móng của âm mưu đó. Mệnh lệnh còn đi xa hơn : các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ phải bớt tiếp xúc với cánh đối lập không cộng sản ở Miền Nam Việt Nam , nhất là với "lực lượng thứ ba" mà lãnh tụ của họ là tướng Dương văn Minh mà người ta thường gọi là ông "Minh Dương" (nguyên tác: "Grand Minh" ), (người Mỹ thường gọi là "Big Minh"). Đối với người Mỹ, lực lượng thứ ba nầy có nhiều điểm yếu. Một số cá nhơn hay phe nhóm không đáng kể ở tại Thủ Đô SàiGòn và một vài tỉnh nào đó, được coi là đại diện cho lực lượng nầy mà qua họ để tìm kiếm được một giải pháp chánh trị nào đó, thật là một điều quá vô ích.



Ngày 24 tháng giêng 9 người Mỹ gồm 6 nam 3 nữ, biểu tình trước Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ . Họ mang một biểu ngữ bằng vải : "người Mỹ muốn có hòa bình ở Việt Nam . Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh" . Khách qua đường tò mò nhìn vào nhóm người nầy với một vẻ chế diễu. Báo chí được gọi đến. Họ quay cảnh nầy và phỏng vấn những người tham gia. Và như vậy là các đài NBC, AP, UPI, và báo chí Hoa Kỳ bảo trợ cho hành động nầy. Những người biểu tình đòi "hòa bình" nầy, những người mà Đại sứ Martin ghét nhất, đã vào SàiGòn với giấy phép nhập cảnh du lịch chỉ có giá trị trong một tuần lễ. Họ phát một số truyền đơn. Một nhiếp ảnh viên ngoại quốc biết chuyện đã cười và nói mỉa mai:



-" Các tay nầy có dám gan ra tận Hà Nội để làm trò biểu tình như vầy không?



Cảnh sát đến yêu cầu họ giải tán. Họ từ chối. Cảnh sát trưởng không muốn bắt họ một cách công khai, nhất là không muốn sự bắt bớ nầy được truyền hình Mỹ quay phim. Về sau, người ta đến khách sạn mời họ một cách rất có lễ độ, và hộ tống họ ra tận phi trường, đưa lên phi cơ về Bangkok lúc 21 giờ 30.



Ông Martin mừng lắm. Chính tổ chức của Fred Bransman, người đã ở Hà Nội với bà ký giả FritzGerald cách đây mấy ngày, đã đài thọ mọi chi phí cho chuyến du lịch của những tay biểu tình nói trên. Những người "đòi hòa bình" nầy đã thất bại trong việc gặp gỡ và phối hợp với những thành viên của lực lượng thứ ba cùng các phật tử ở SàiGòn để tổ chức một cuộc biểu tình khác trước Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ . Ông Martin tin rằng đây là một sự cố ý nhằm gây ra những sự xô xát mà nếu được quay thành phim và phổ biến ở Hoa Kỳ thì bọn "đòi hòa bình" sẽ chứng minh rằng chế độ đàn áp của SàiGòn không đáng được nhận viện trợ kinh tế và quân sự. Ông Martin rất vừa ý, Dù sao thì những người biểu tình nầy cũng là công dân Hoa Kỳ , họ đã được đối xử một cách đàng hoàng và bị trục xuất một cách quá đẹp.







Có những tâm hồn cao thượng, có những kẻ trung gian, thật có giả có, có những con rối... lúc nhúc, hướng về Hoa Thạnh Đốn, ai cũng xác nhận là mình có một giải pháp chánh trị cho Việt Nam.



Ngày 27 tháng giêng, trong căn phòng số 6209 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Robert Miller tiếp ông Trần văn Hữu. Ông Miller là cánh tay phải của ông Kissinger, là phụ tá Tổng trưởng đặc trách về Đông Nam Á và Thái bình Dương Sự Vụ. Ông Trần văn Hữu là cựu Thủ Tướng Miền Nam Việt Nam. Hai mươi năm trước ông đã từng thương nghị về nền độc lập của Việt Nam tại thành phố Pau (Pháp). Giống như tất cả các cựu Thủ Tướng thời Pháp, ông nào cũng tin rằng mình có có thể lãnh đạo đất nước trong tương lai. Ông Hữu được ông Donald Heath Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam từ 1950 đến 1954 giới thiệu. Tuy nhiên sự giới thiệu nầy không được nặng ký lắm để được đích thân ông Kissinger tiếp kiến. Ông Hữu đã tìm mọi cách vận động trong thời gian ông ở khách sạn Hilton ở New York: ông xác quyết rằng ông là người có thể đứng ra thương nghị giữa hai nước Việt Nam quốc gia và cộng sản. Ông viện dẫn rằng ông có sự chấp thuận của ông Thiệu trong việc "dùng tên của cá nhơn mình để đứng ra thương thuyết, chớ không phải dưới danh nghĩa của một nhân viên của Tổng Thống Thiệu, vì Hà Nội "không ưa" ông Tổng Thống nầy". Ông Hữu còn đoan chắc rằng Hà Nội khuyến khích ông vì lúc nào ông cũng tán đồng cho một viện trợ kinh tế cho Miền Bắc Việt Nam .



Là một người giàu có, và chống cộng, ông chống đối lực lượng thứ ba, mà theo ông chỉ là một loại tổ chức chánh trị đã có trò chơi không minh bạch với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông giải thích với ông Miller rằng ông Thiệu chắc chắn sẽ không bao giờ từ nhiệm để trao quyền lại cho một tướng nào khác, dù đó là ông Khiêm hay ông Minh Dương (nguyên tác : Grand Minh). Trái lại ông Thiệu sẽ ra đi nếu qua thương thuyết ông Hữu đạt được một nền hòa bình có thể chấp nhận được . Lúc bấy giờ ông Thiệu sẽ vui vẻ mà lui ra khỏi chánh trường, vui vẻ vì vẫn còn để lại sau lưng mình hình ảnh của người anh hùng đã từng chiến thắng Bắc Việt năm 1972 , ông Hữu nhấn mạnh: - " Là một tướng lãnh Miền Nam đã đánh bại được người anh hùng Miền Bắc Võ nguyên Giáp năm 1972, ông Thiệu sẽ giữ được tên tuổi của mình trong Lịch Sử". Trước khi kết thúc buổi tiếp xúc, ông Hữu giới thiệu với ông Miller hai người cộng sự viên: Lê quốc Túy, cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Mai văn Hạnh, cựu phi công Quân Đội Pháp, người có hai quốc tịch Pháp và Việt Nam.



Ông Miller tóm tắt quan điểm của Hoa Kỳ với ông Hữu :



- " Chúng tôi luôn luôn nhắm vào sự thi hành Hiệp Định Paris, chủ trương rằng hai Bên Việt Nam phải cùng nhau bàn bạc về tương lai của Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn tự hứa là phải tiếp tục giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa về phương diện vật chất cho đến khi nào quốc gia nầy thấy còn cần thiết để chống đỡ áp lực quân sự của phía Bắc Việt."



Sau đó ông Miller thảo một bản tường trình về việc nầy cho ông Kissinger :



- "Chủ yếu, ông Hữu nghĩ rằng Miền Bắc công nhận là họ không thể chiếm được Miền Nam bằng võ lực. Và họ mong kết thúc bằng một giải pháp chánh trị . Ông Hữu nói ông ta có tất cả lý lẽ để tin rằng Tổng Thống Thiệu sẽ sẵn sàng từ nhiệm để nhường quyền lại cho một người nào có thể thiết lập một nền hòa bình thật sự ở Việt Nam ."







Liên Hiệp Quốc cũng là một trong số những trung gian có máu mặt. Đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc phản kháng, sau khi Bắc Việt chiếm Phước Long. Qua văn thư trả lời ông Tổng thư ký Kurt Waldheim rất lấy làm tiếc và chua chát ghi nhận rằng với tư cách Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông không có một nhiệm vụ gì trong việc soạn thảo và ký kết Hiệp Định Paris. Ông Waldheim tiếc rằng những sự mất mát về nhân mạng là do sự leo thang chiến tranh ở Việt Nam . Ông không thể làm gì hơn được, ngoài việc chuyển những sự kinh sợ và lo âu của ông đến Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Hà Nội. Và không quên nhắc lại sự kính mến đối với đại diện Hoa Kỳ (theo thông lệ) !



Đối với Việt Nam, dưới trào ông Waldheim, Liên Hiệp Quốc hoàn toàn đứng ngoài cuộc, trong một sự bất lực đáng ghê sợ. quá "tục tỉu" như De Gaulle đã từng nói . (nguyên tác: "machin")



Như vậy thì Waldheim có hữu ý gì đối với trò chơi của Hà Nội ?







Ngày 30 tháng giêng, với sự có mặt của Kissinger và Schlesinger, Tổng Thống Ford tiếp các lãnh tụ Quốc Hội trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Ông phải vận động với lưỡng viện Quốc Hội để họ có thể chấp nhận đơn xin ngân khoản viện trợ bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa. Các nghị sĩ và dân biểu đang canh chừng Trung Đông. Theo thuyết của ông KIssinger, ông Ford giải thích rằng trong việc thi hành chủ nghĩa quốc tế của mình Hoa Kỳ không thể chỉ chú trọng đến mỗi một vùng Trung Đông vì đó mới chỉ là một điểm trên bản đồ của thế giới mà thôi Như vậy Hoa Kỳ sẽ tự phơi bày chủ nghĩa phân biệt của mình ở chỗ khác, như Việt Nam chẳng hạn.



Các lãnh tụ có nghe mà không có cam kết gì hết.



Tại Thượng Viện và Hạ Viện, không khí có hơi mát. Nhưng ông Ford không lấy làm ngạc nhiên khi nghị sĩ dân chủ Edward Kennedy đổ tội cho Chánh Phủ là "dậm chân tại chỗ" trên địa hạt ngoại giao. Phía chánh trị gia dân chủ, đối thủ vẫn còn là đối thủ. Tổng Thống Ford và những người của ông càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghị sĩ Henry Jackson, đưa ra một lời tuyên bố công khai, hoàn toàn đối với chủ nghĩa chống cộng:



-" Hoa Kỳ phải chấm dứt cuộc chiến nầy"







Bộ máy lập pháp nặng nề và chính xác của Hoa Kỳ đang chạy. Ngày 30 tháng giêng nầy người ta triệu tập các thành viên thuộc Ủy Ban Phân Phối Ngân Khoản . Một cuộc họp quan trọng của các ủy ban và tiểu ban thuộc Thượng Viện và Hạ Viện. Hạ Viện vẫn giữ độc quyền trình bày những luật lệ về tài chánh. Nặng nề và rất thận trọng, trong một khung cảnh oai nghiêm , các tiểu ban đưa ra những câu hỏi chất vấn các viên chức cao cấp của Chánh Phủ. Tiểu Ban "Phân Phối Ngân Khoản" nghe nhiều nhân chứng. trong đó có Eric von Marbod, cộng sự viên của Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng, đặc trách về tiếp vận.



Ông Von Marbod xác nhận rằng: Ngũ Giác Đài dự kiến một cuộc tấn công của cộng sản trong sáu tháng sấp tới.



Tướng A. Graham, trưởng Phòng Tin Tức Tình Báo của Ngũ Giác Đài xác nhận rằng: " - " Chúng tôi không nghĩ rằng Hà Nội mưu toan đạt được chiến thắng toàn bộ trong những tháng sấp tới. Chúng tôi dự kiến là quân đội của Miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi những cuộc tấn công trong vùng Kontum và Pleiku".



KonTum và Pleiku, chính là vùng mà Bộ Tham Mưu Bắc Việt đã quyết định là "không tấn công".



Tất cả những sứ quán cộng sản ở Hoa Thạnh Đốn đều theo dõi các cuộc điều trần ở Quốc Hội. Họ có cả những biên bản khi những cuộc điều trần nầy được diễn ra công khai và khi họp kín thì những tiết lộ sẽ làm thỏa mãn những kẽ tò mò muốn tìm hiểu. Như vậy là Hà Nội được báo trước ngay sau đó. Một xã hội (quá) cởi mở không có gì còn là bí mật hết, ngay ở cấp quyết định tối hậu cũng vậy. Ở Hoa Kỳ gần như không thể giữ kín được bất cứ một hành động bí mật nào, cho dù đó là một hành động có tầm mức quan trọng . Lời khai của các nhân chứng Graham và Von Marbod không có gì mâu thuẫn quan trọng với nhau hết: một cuộc tấn công có thể không nhắm vào chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, những nhân chứng nầy gây bối rối cho các vị dân cử, đại diện cho dân chúng Hoa Kỳ . Dân biểu Robert Gialmo (dân chủ) của tiểu bang Connecticut nói:



- "Những con số về tương quan lực lượng mà quý vị cung cấp cho chúng tôi cho thấy là quân số Miền Nam cao hơn quân số Bắc Việt ở trong Nam Bộ"



Từ 10 năm nay, câu hỏi về quân số của hai Bên Nam Bắc Việt Nam thật khó có thể ước tính được . Phải biết phân biệt giữa chánh quy và không chánh quy, giữa việt cộng của CPLTCHMN và lực lượng bảo an của Miền Nam Việt Nam . Tổng Thống Ford vừa nói rằng hiện tại 298.000 bộ đội Bắc Việt đang có mặt ở chiến trường Miền Nam . Ở Hoa Thạnh Đốn với sổ sách trong tay, người ta quả quyết là quân đội chánh quy thuộc QLVNCH và lực lượng bảo an, dân vệ là 1.300.000 người . Như vậy, phải nghiêm chỉnh xét lại xem cán cân lực lượng sẽ ngiêng về bên nào ? Đó là ý nghĩ của các vị đại diện dân ở Quốc Hội. Tướng Graham biết rõ là QLVNCH không có được tới 500.000 người thực sự là quân số hành quân hay tác chiến. Quân đội nầy được tổ chức rập khuôn theo kiểu Hoa Kỳ : cứ mỗi người lính trong đơn vị tác chiến thì người ta phải có 5, 10, hay đôi khi 20 ở hậu cứ, trong những kho, trong các Bộ Tham Mưu hay ở các căn cứ không quân. Thú nhận việc nầy là sẽ đặt lại cả vấn đề chánh trị quân sự của Hoa Kỳ từ bao nhiêu thời gian lâu nay rồi.



Vấn đề không phải là giải thích sự yếu kém thuộc về cơ cấu tổ chức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà phải chỉ cho người ta thấy được những thuận lợi giúp cho bộ đội Miền Bắc có thêm sức mạnh. Tướng Graham bèn xoay qua đường mòn Hồ chí Minh:



-" Giờ đây, một phần quan trọng của con đường nầy đã được tráng nhựa. Trước kia lực lượng tăng viện của Bắc Việt phải mất 70 ngày đi bộ mới vào được chiến trường Nam Bộ. Bây giờ họ chỉ mất có 3 tuần lễ . Thời gian nầy họ vượt phần lớn các đoạn đường bằng xe vận tải."



Ông Philip Habib, Phụ tá Tổng trưởng ngoại giao đặc trách Đông Nam Á Sự Vụ cũng ra điều trần trước Ủy Ban. Ông là một trong những phụ tá của Kissinger ở Paris. Ông Gialmo hỏi :



- " Trên phương diện pháp lý Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải tiếp tục võ trang cho Việt Nam Cộng Hòa hay không ? Hỏi xong ông Giamo lại tự mình trả lời luôn cho câu hỏi của mình :



- " Có nghĩa vụ tinh thần, mà không có nghĩa vụ pháp lý"



Ông Habib rất hân hoan: - Đó là một thể thức rất tốt, rất chính xác.! "



Và cuộc điều trần vẫn tiếp tục.....







Có lẽ đây là một sự khéo phối hợp đúng lúc: ông Thiệu thấy được nghệ thuật xử dụng truyền thông mà ông Nhã đã chỉ cho ông, nên ông đã cho tờ Washington Post phỏng vấn. Tờ nhật báo nầy là một tờ báo rất có ảnh hưởng ngay tại thủ đô Hoa Kỳ. Tổng Thống Thiệu không nghĩ rằng Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh của họ. Tuy nhiên ông cũng phải dự trù trường hợp xấu nhất, ông tuyên bố :



- " Nều Hoa Kỳ bỏ rơi SàiGòn thì Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu " Nhưng thật ra đây là một thất sách. Ông Thiệu lẽ ra phải tuyên bố là :



- "nếu không có được một viện trợ tài chánh nào thì quân dân Việt Nam Cộng Hòa đành phải chịu buông súng bỏ cuộc thôi !"



Đằng nầy ông Thiệu đã vô tình cho thấy là nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ thì SàiGòn vẫn có thể tiếp tục chiến đấu.. Cuộc phỏng vấn chẳng những đã trở thành vô hiệu mà còn có hiệu quả ngược lại!



Để chứng minh quyết tâm của mình, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố là không cho giải ngũ nữa. Các binh sĩ sẽ không được rời khỏi quân đội trước 38 tuổi, hạ sĩ quan không trước 42 tuổi và sĩ quan cấp úy không trước 45 tuổi. Để nói lên tinh thần chiến đấu của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa Tòa Đại Sứ Việt Nam Ở Hoa Thạnh Đốn bèn thông báo cho lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ . Do đó mà có một số dân cử trong Quốc Hội đã nói với nhau :



- " Cuối cùng rồi thì người Việt Nam của "chúng ta" cũng có thể xoay trở để tự lo liệu lấy " (nguyên tác : nos Vietnamiens với chữ nos nghiêng)



Tình cờ, Quốc Hội Mỹ ngẫu nhiên chú ý tới vùng Đông Nam Á, các đại biểu lại nhìn thấy tình hình ở Cam Bốt có vẻ nghiêm trọng. Chỉ cần theo dõi tin tức trên truyền hình cũng xác định được tình thế .



Nếu Quốc Hội Hoa Kỳ có thật tâm muốn nhận định tình hình ở Việt Nam năm 1975 có nghiêm trọng hay không, thì chỉ cần xem một vài hình ảnh đánh nhau trên hệ thống truyền hình cũng đủ rồi, nhưng rất tiếc là trận đánh Phước Long chẳng có được nhiêu phim ảnh!



- Lực lượng Khmer Đỏ chiếm 80 % lãnh thổ, bắn rốc kết vào Phnom Penh. SàiGòn chưa có gì đến đổi như vậy.



- Quân số mỗi tiểu đoàn Cam Bốt từ 300 hao hụt chỉ còn 100 người . Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không có tan rã như vậy



- Trên sông Cửu Long (địa phận Cam Bốt), Khmer Đỏ bắn chìm tàu dầu. Chiếc tàu dầu cuối cùng đến được Phnom Penh ngày 23 tháng giêng. Con sông Mekong (địa phận Việt Nam) vẫn còn lưu thông tốt.



Đường dây duy nhất nối liền thủ đô Cam Bốt với thế giới bên ngoài là cây cầu không vận.



Tại Hoa Thạnh Đốn vào một buỗi trưa mát trời, ông Douglas Pike, một chuyên viên về Việt Nam, tác giả của một quyển sách nói về Việt Cộng, lững thững rảo bước trên con đường Mall, một con đường mà hai bên có các viện bảo tàng, có các đài kỹ niệm, và các Bộ của Chánh Phủ. Ông Pike là một chuyên viên thầm lặng, nên luôn luôn từ chối không muốn dính líu về tình cảm đến chuyện Việt Nam . Ngay như lúc ông còn làm việc ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở SàiGòn cũng vậy. Trong trận tấn công của Việt Cộng hồi Tết Mậu Thân - lúc nước Việt Nam đang trong cảnh máu lửa- bạn bè khách khứa của ông Pike lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông bình tỉnh xếp loại các con tem trong bộ sưu tầm của ông và nói rằng : " Phải biết chờ.. rồi mọi việc cũng sẽ qua đi..." Cùng tản bộ với ông, có ông Sam Burger, một cựu nhân viên của sứ quán Mỹ ở SàiGòn. Hai người vừa mới tham gia một hội đồng giám khảo của trường đại học. Một đại tá đã trình luận án tiến sĩ : "Không có Hoa Kỳ quân dân Miền Nam có giữ được đất nước mình hay không ?" Ông đại tá nầy có vẻ lạc quan. Hai vị giám khảo thì không quá lạc quan như vậy. Trên đường về Bộ Ngoại Giao, ông Sam Burger nói nhỏ với ông Pike :



- " Xem chừng như hết rồi phải không ?



Hơi trầm ngâm, ông Pike đi được 10 bước mới trả lời :



- " Đúng vậy, Hết rồi !



Ông Pike chưa cần phải suy nghĩ là đã tin chắc như vậy rồi ! Ông lại nghĩ miên man : Tôi lại kể chuyện gì nữa đây ? ông không thể tự nói với mình là "Miền Nam Việt Nam có thể sống còn... "



Trong giới công chức ở đây, những người như hai ông Pike và Burger quá hiếm....



Chung quanh ông Kissinger, người ta đang bị Trung Đông ám ảnh.



"Không có gì nguy hiểm bằng tình hình ở Trung Đông"



Ông Kissinger xác nhận như vậy. Ông ta muốn đạt được một Thỏa Ước về sa mạc Sianai. Tổng Thống Sadate của Á Rạp dường như dễ dãi hơn Thủ Tướng Do Thái Rabin. Ông nầy chỉ có một đa số mong manh ở Quốc Hội nên không mạnh tay trong hành động. Còn ông Kissinger thì theo dõi những uẩn khúc chánh trị trong nội bộ của Do thái nhiều hơn là của Miền Nam Việt Nam . Ông ta đang chuẩn bị cho một chuyến đi 10 ngày qua Trung Đông vào tháng hai. Ông muốn đạt được một thỏa thuận với người Do Thái là họ phải lui về 50 cây số ở Sinai. Trong cuộc vận động nầy, qua các tài liệu ngoại giao hay qua nghiên cứu trên bản đồ, các công chức cao cấp đã tốn rất nhiều thì giờ cho đèo Mitla trong sa mạc Sinai hơn là đèo Ải Vân ở Đà Nẵng.



Ở Hoa Thạnh Đốn, có rất ít người có trách nhiệm hình dung được là Bắc Việt sấp sửa tiến quân hằng trăm cây số đến vùng Cao Nguyên. Toàn là những người làm việc ở văn phòng nên họ thiếu óc tưởng tượng.



Ở Bruxelles (Bĩ) ông Đại sứ Nguyễn phú Đức của Việt Nam Cộng Hòa đến thăm tướng Alexander Haig, Tổng Tư Lệnh lực lượng Đồng Minh Khối Bắc Đại Tây Dương. Ông Thiệu không thích Kissinger nhưng giữ kỷ niệm tốt với tướng Haig. Năm 1972, ở Nhà Trắng, dưới trào Tổng Thống Nixon, tướng Haig đã có thảo luận về Hiệp Định Paris với ông Thiệu . Ông Haig cũng có ép ông Thiệu ký váo Hiệp Định, nhưng rất là nhã nhặn và lịch sự. Giữa quân nhân với nhau, họ dễ thông cảm và hiểu nhau hơn. Tướng Haig hứa với ông Nguyễn phú Đức là ông sẽ đích thân can thiệp với Tổng Thống Gerald Ford.



Từ tướng Marshall đến tướng Eisenhover, người ta chưa từng chứng kiến một sự thăng cấp nhanh như trường hợp của tướng Haig. Chỉ trong vòng có bốn năm, từ cấp đại tá ông ta nhảy vọt lên cấp đại tướng bốn sao. Ở tuổi 50, ông giữ một nhiệm vụ đầy uy quyền ở Âu Châu. Ông sớm hiểu được là muốn thành công trong binh nghiệp thì cần phải có nhiều quan hệ tốt với giới chánh trị . Sỹ quan cấp tướng cần phải chứng tỏ mình có đầy đủ năng lực về chánh trị cũng như về chiến lược quân sự. Tướng Haig đã tốt nghiệp về khoa "bang giao quốc tế" ở Đại Học Hoa Thạnh Đốn . Ông đã từng chiến đấu ở Việt Nam, là Tổng Tư Lệnh của Khối Bắc Đại Tây Dương, qua vài phản ứng của các thủ đô Âu Châu tướng Haig biết rõ là người ta đang đánh giá về lòng tin của họ đối với Hoa Kỳ . Ông biết rằng Lịch Sử tạo anh hùng, và nhiều người như Nixon, hay Kissinger cũng có thể tạo ra thời thế. Nhưng liệu ông Ford có cơ may nào nắm bắt được thời cơ hay không ?



Đến Hoa Thạnh Đốn, ông bàng hoàng thấy không khí chánh trị có vẻ lộn xộn quá. Muốn đánh mạnh vào dư luận quần chúng, ông nghĩ có lẽ ông phải xin từ nhiệm. Người ta tiếp ông ở Nhà Trắng. Thông thường thì ông có tật hay dùng tiếng lóng, nói dài dòng, và thích dùng những danh từ trừu tượng bóng gió hơn là nói thẳng như người Anh, nhưng lần nầy quá cảm xúc, ông nói thẳng với ông Ford, rất là dản dị và dể hiểu :



- Thưa Tổng Thống, ông phải cho tái oanh tạc, dù Quốc Hội có từ chối."



- Ồ, Tôi không làm được việc đó đâu. Cả nước đã chán ghét chiến tranh lắm rồi ! Ông Ford nói.



Tướng Haig lại nhấn mạnh là ông Ford cần phải gởi pháo đài bay B 52 đến đó ngay. Đúng theo nguyên tắc và cũng đúng theo quyền lợi của cá nhân ông ! Nếu không thì ông sẽ không được tái bầu lại đâu, tướng Haig xác nhận như vậy:



- Ông phải chứng tỏ quyền lãnh đạo của mình ngay bây giờ đây, trước khi nó quá muộn.



Ông Ford có vẻ quan tâm nhưng vẫn không bị lay chuyển. Các nhân viên thân cận như Ron Nessen và Donald Rumsfeld an ủi ông:



- Ông Haig không nắm vững được tình hình thực tế ở Hoa Thạnh Đốn. Trong những ngày nầy, ông có phản ứng của một quân nhân chớ không phải của một chánh trị gia.



Và họ bồi thêm một phát súng ân huệ nữa:



- " Dưới trào ông Nixon, tướng Haig thường có nhiều cuộc hành quân bí mật và làm mất hòa khí giữa Quốc Hội và Nhà Trắng. "



Ông Ford phải giữ đúng vị trí của một Tổng Thống pháp định, để không còn ai nhớ đến các cuộc dội bom bí mật xuống Cam Bốt của ông Nixon.



Hơn nữa, theo ước tính của những công chức của Nhà Trắng, thì sẽ không có cuộc tấn công nào của Bắc Việt trước năm 1976.



Đúng là những người đang "ngủ đứng" !