Chương 6
Ông bảo lái xe đưa đến phòng tranh Quốc gia.
Khi chiếc xe mới ra tới cổng Nhà trắng một sĩ quan thuộc Lực lượng bảo vệ mật đứng ở chòi gác chạy ra mở cánh cổng sắt và giơ tay chào ông. Lái xe rẽ sang Quảng trường Nhà nước và đi qua cục thương mại.
Bốn phút sau chiếc xe dừng lại trước cổng phía đông của phòng tranh Quốc gia. Ông bước nhanh trên con đường dải đá cuội để lên bậc thềm bằng đá. Lên đến bậc trên cùng ông ngoái lại để chiêm ngưỡng bức tượng Henry Moor vĩ đại đứng sừng sững ở cuối quảng trường, đồng thời kiểm tra xem có bị ai theo dõi không. Ông không chắc lắm, nhưng dẫu sao ông có phải nhà nghề đâu.
Ông đi vào toà nhà và rẽ trái để đi lên cầu thang bằng đá cẩm thạch dẫn lên phòng tranh ở tầng hai nơi ông từng trải qua không biết bao nhiêu giờ hồi còn trẻ. Những gian phòng rộng lớn đông đặc học sinh, điều hơi là trong một buổi sáng ngày thường. Ông bước vào phòng 71, nhìn lên những bức tranh quen thuộc của Homer, Bellow, Hopper và bắt đầu cảm giác như đang ở nhà - một cảm giác mà ông không bao giờ có được khi ở trong Nhà trắng. Ông chuyển sang phòng 66 để được một lần nữa ngắm nhìn bức August Saint - Gauden Tưởng nhớ Shaw và Quân đoàn thứ 54 Massachusetts. Lần đầu tiên khi thấy bức tranh đồ sộ, sống động và dữ dội này ông đã đứng sững sờ trước nó hơn một tiếng đồng hồ. Lần này ông chỉ có thể ngắm nó vài phút.
Bởi vì ông cứ luôn luôn dừng lại cho nên phải mười lăm phút sau ông mới tới được gian nhà vòm ở giữa toà nhà. Ông đi nhanh qua bức tượng Mercury và đi xuống cầu thang, len lỏi qua kho sách, chạy xuống một cái cầu thang nữa và qua gian phòng lớn ở tầng trệt, cuối cùng bước vào cánh phía đông. Ông đi dưới bức Calder lớn treo suốt từ trần nhà xuống, xuyên qua các cánh cửa quay để ra khỏi toà nhà và bước lại ra con đường rải đá cuội. Đến lúc này thì ông đã yên tâm là không có ai đi theo mình. Ông nhảy vào chiếc taxi xếp đầu tiên trong hàng, nhìn qua cửa sổ ông thấy xe mình và lái xe đang chờ ở phía bên kia quảng trường.
-Đến A.V ở Đại lộ New York.
Người lái xe rẽ trái sang đại lộ Pennsylvania rồi chạy về phía North Street. Ông cố gắng sắp xếp những ý nghĩ thành một trật tự dễ hiểu nào đó và lấy làm vui mừng vì người lái xe không muốn chuyện gẫu trên đường bằng cách phát biểu các quan điểm của mình về các vấn đề hành chính, hoặc biết đâu về Tổng thống nữa cũng nên.
Họ rẽ sang đại lộ New York và ngay lập tức chạy chậm lại. Xe chưa kịp dừng hẳn ông đã đưa cho người lái xe tờ giấy mười đô la rồi bước ra đóng sập cửa lại không chờ trả lại tiền.
Ông bước qua mái hiên sọc trắng, đỏ và xanh lá cây với dáng vẻ rõ là chủ nhân của nơi đây và đẩy cửa. Mất một hồi lâu mắt ông mới quen được với ánh sáng lờ mờ bên trong. Khi đã quen mắt ông mới yên tâm khi thấy gian phòng trống không, chỉ có một bóng người ngồi đang nghịch nghịch chiếc cốc đựng nước cà chua uống dở. Bộ quần áo lịch sự cắt rất đẹp chứng tỏ anh ta không phải là một kẻ thất nghiệp. Mặc dầu có thân hình của một vận động viên điền kinh nhưng cái trán hói sớm khiến anh ta có cáivẻ già hơn cái tuổi ghi trong hồ sơ. Mắt họ gặp nhau, anh ta gật đầu chào. Ông bước tới và ngồi xuống trước mặt anh ta.
-Tôi là Andy… - ông bắt đầu nói.
-Ngài Andy, điều bí ẩn không phải ở chỗ ông là ai, mà ở chỗ tại sao thư ký nhà nước lại muốn gặp tôi? - Chris Jackson nói.
Stuart Mc Kenzie hỏi:
-Vậy bác làm chuyên môn gì?
Maggie liếc nhìn chồng: thường thì chồng chị không thích một câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp như vậy.
Connor nhận ra Tara chưa báo trước để anh chàng mới tinh này đừng vi phạm lời hứa của cô là sẽ không nói chuyện về công việc của cha.
Chưa bao giờ gã có một bữa ăn trưa vui vẻ như vậy. Cá tươi rói, chắc vừa được đánh trước khi họ ngồi vào cái bàn ăn nhỏ ở góc bãi biển Cronulla này. Hoa quả thì không hề có thuốc bảo quản hoặc đóng hộp, còn bia thì gã chỉ hy vọng người ta sẽ xuất khẩu sang Mỹ thứ bia này. Connor uống một ngụm cà phê rồi ngồi thả người dựa trên lưng ghế, nhìn người ta lướt ván chỉ cách đó một trăm mét - một môn thể thao mà gã ước gì mình được biết cách đây hai mươi năm. Stuart rất ngạc nhiên khi thấy tuy mới thử lần đầu nhưng cha Tara trông có vẻ rất cường tráng. Connor cười cười nói rằng gã vẫn rèn luyện cơ thể hai ba lần một tuần. Thật ra hai ba lần một ngày mới gần đúng với sự thật.
Mặc dầu gã sẽ chẳng bao giờ thừa nhận có ai xứng đáng với con gái mình, nhưng Connor phải thừa nhận rằng trong mấy ngày qua gã đã thấy thích thú khi có chàng luật sư trẻ ở bên cạnh.
-Tôi làm trong ngành bảo hiểm - Gã nói với Stuart, biết chắc rằng con gái cũng nói với anh ta như vậy.
-Vâng, Tara nói bác là chuyên viên cao cấp, nhưng cô ấy không kể thêm chi tiết nào về bác cả.
Connor mỉm cười:
-Đó là vì bác chuyên làm các vụ bắt cóc và đòi tiền chuộc, vì thế bác cũng coi trọng các bí mật của khách hàng như cháu vẫn thường đảm bảo trong nghề của cháu vậy - Connor tự hỏi trả lời như vậy có khiến cho chàng trai thôi không theo đuổi đề tài này nữa không. Nhưng không hề.
-Nghe có vẻ thú vị hơn những vụ liên quan đến điều hành các mỏ như cháu vẫn thường phải tư vấn - Stuart nói, cố gợi chuyện.
-Bác có thể nói chín mươi phần trăm các vụ là giống nhau và chán ngắt - Connor nói - Bác cho là thực tế có lẽ bác còn phải giải quyết các công việc giấy tờ còn nhiều hơn cháu nữa kia.
-Nhưng cháu có bao giờ được sang Nam Phi đâu.
Tara lo lắng liếc về phía cha, biết rằng Connor sẽ không hài lòng khi thấy thông tin này đến tai một người xa lạ. Nhưng Connor không tỏ ra bực mình tí nào.
-Phải, bác phải thừa nhận là nghề nghiệp đó cũng có đôi điểm bù lại.
-Nếu bác kể cho cháu nghe một vụ điển hình thì có hại gì đối với các bí mật của khách hàng không?
Maggie định chen vào bằng một câu mà chị đã dùng nhiều lần trước đây thì chính Connor lại hăng hái:
-Cái công ty mà bác đang làm việc này đại diện cho nhiều khách hàng có những quyền lợi ở nhiều nước.
-Vậy tại sao các khách hàng không muốn thuê những công ty ở các nước sở tại? Nhất định là họ có cảm giác tốt hơn về bối cảnh ở địa phương chứ?
Maggie chen vào:
-Connor,em nghĩ là anh bị cháy nắng rồi đấy. Có lẽ chúng ta nên trở về khách sạn nếu không thì trông anh sẽ giống như một con tôm hùm mất.
Connor thấy bối rối vì sự chen ngang không mấy tự nhiên của vợ, nhất là vì gã vẫn đội mũ suốt một giờ nay. Gã nói tíêp với chàng luật sư trẻ:
-Không bao giờ hoàn toàn dễ dàng như vậy đâu. Thử lấy một công ty như Coca Cola làm ví dụ. Bác phải nói rõ là bác không đại diện cho công ty đó. Họ có văn phòng ở khắp các nước trên thế giới, sử dụng hàng chục ngàn lao động. Ở mỗi nước họ đều có những người điều hành cao cấp.
Maggie không thể tin nổi rằng Connor lại cho phép câu chuyện đi xa đến thế. Họ đã đi rất nhanh đến gần câu hỏi sẽ khiến mọi sự tò mò muốn đi sâu thêm đều bị ngăn lại.
Stuart cúi xuống để rót thêm cho Connor một ít cà phê và hỏi:
-Nhưng ở đây cũng có những người đủ khả năng tiến hành những công việc như vậy ở Sydney này. Dù sao đi nữa thì việc bắt cóc và đòi tiền chuộc cũng không phải là việc chưa từng xảy ra ở Australia.
-Cám ơn cháu - Connor nói và uống một ngụm cà phê nữa trong khi cân nhắc câu nói này. Stuart vẫn quan sát rất tỉ mỉ - đúng như một luật sư bên nguyên giỏi anh kiên nhẫn chờ với hy vọng là đến một lúc nào đó nhân chứng sẽ có một câu trả lời không hợp ly.
-Thực ra là bác không bao giờ bị gọi tới nếu không phải là trường hợp đặc biệt phức tạp.
-Phức tạp ư?
-Ví dụ, thử nói rằng một công ty rất lớn có mặt ở một nước mà tội phạm là rất phổ biến, bắt cóc và đòi tiền chuộc là chuyện thông thường. Chủ tịch của công ty đó bị bắt cóc - nhưng thường là vợ ông ta, bởi vì bà ta không phải lúc nào cũng được bảo vệ kỹ càng.
-Vậy là lúc đó bác phải đến ư?
-Không, không cần thiết. Dù sao đi chăng nữa thì cảnh sát địa phương có thể có đủ kinh nghiệm để đối phó với những vấn đề như vậy, và không có nhiều hãng thích sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là những kẻ từ Mỹ sang. Thường thường thì bác chỉ bay đến các thành phố lớn và bắt đầu tiến hành những điều tra riêng. Nếu như trước đó bác đã có dịp đến các thành phố đó và có các quan hệ thân thiết với cảnh sát địa phương thì bác cũng sẽ chỉ làm cho họ biết rằng bác đang có mặt, nhưng ngay cả khi đó bác cũng sẽ chờ họ yêu cầu hợp tác.
-Thế nếu họ không yêu cầu thì sao? - Tara hỏi. Stuart ngạc nhiên khi thấy rõ ràng là trước đây cô chưa bao giờ hỏi cha câu đó.
Connor nói:
-Vậy thì bố sẽ phải làm việc một mình. Như vậy sẽ làm cho quá trình bấp bênh hơn nhiều.
Stuart nói:
-Nhưng nếu cảnh sát không có được tiến triển nào thì tại sao họ lại không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của bác kia chứ? Nhất định họ phải biết trình độ chuyên môn của bác.
-Bởi vì cũng có khi chính cảnh sát cũng tham gia ở một mức độ nào đó.
Tara nói:
-Hình như con chẳng hiểu gì cả.
Stuart nói:
-Cảnh sát địa phương cũng có thể nhận được một phần trong số tiền chuộc, vì thế họ sẽ không hoan nghênh sự can thiệp từ bên ngoài. Dù sao đi nữa, họ có thể nghĩ là một công ty nước ngoài thừa sức trả tiền chuộc ấy.
Connor gật đầu. Thật dễ hiểu vì sao Stuart lại được làm việc với một trong những văn phòng chống tội phạm nổi tiếng nhất Sydney.
Stuart hỏi:
-Vậy bác sẽ làm gì nếu bác nghĩ rằng cảnh sát địa phương cũng được chia phần?
Tara bắt đầu nghĩ giá như mình báo trước để Stuart đừng lạm dụng sự may mắn của anh để đi quá xa như vậy, mặc dầu cô đã nhanh chóng đi đến kết luận là người Australia chẳng hề biết khái niệm “quá xa” nghĩa là thế nào.
-Khi xảy ra điều đó thì anh sẽ phải nghĩ đến việc tự mình thương lượng, bởi vì nếu khách hàng của anh bị giết thì anh có thể tin chắc rằng những điều tra sau đó sẽ không còn hoàn toàn chính xác nữa, và bọn bắt cóc sẽ chẳng bao giờ bị bắt cả.
-Vậy một khi bác đã đồng ý thương lượng thì bác sẽ bắt đầu thế nào?
-À, giả sử như bọn bắt cóc yêu cầu một triệu đô la - Bọn bắt cóc bao giờ cũng đòi một con số tròn trĩnh, thường thường là bằng đô la Mỹ. Giống như mọi nhà đàm phán chuyên nghiệp khác, trách nhiệm đầu tiên của bác là phải đạt được kết quả đàm phán tốt nhất trong phạm vi có thể. Và yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo cho người của công ty đó không bị phương hại gì. Nhưng bác sẽ không bao giờ để cho mọi việc tới mức phải thương lượng nếu như bác cảm thấy khách hàng có thể được thả mà công ty không phải đưa cho bọn chúng xu nào. Anh càng trả nhiều, thì khả năng chỉ mấy tháng sau là tội ác lặp lại càng lớn, đôi khi bọn bắt cóc lại bắt cóc đúng người đó.
-Bác có hay phải thương lượng không?
-Khoảng năm mươi phần trăm số lần. Đó chính là điểm cho người ta thấy có phải là họ đang làm việc với một tay chuyên gia hay không. Anh càng kéo dài thời gian thương lượng thì kẻ không chuyên nghiệp sẽ càng lo sợ bị lộ. Và sau vài ngày thường thường chúng bắt đầu thấy thích nạn nhân, do đó hầu như không thể tiến hành được kế hoạch ban đầu của chúng. Ví dụ, trong trường hợp bắt cóc Đại sứ Peru, cuối cùng chúng ta đưa ra việc đấu một ván cờ vua. Và tên khủng bố đã thắng.
Cả ba người cười ầm lên, khiến cho Maggie cảm thấy đỡ căng thẳng hơn một chút. Stuart hỏi với nụ cười nhăn nhó:
-Vậy cái tên đã gửi tai người qua đường bưu điện đó là tay chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp?
-Bác rất sung sướng nói rằng bác không đại diện cho cái công ty đã thay mặt cho cháu trai của ngài Getty. Nhưng ngay cả khi thương lượng với một tay chuyên nghiệp bác cũng vẫn nắm một số con bài tốt nhất.
Connor không để ý thấy vợ và con gái đã để cho cà phê của họ nguội ngắt.
Stuart nói:
-Bác nói tiếp đi.
-Phải, phần lớn các vụ bắt cóc là một việc chỉ làm một lần, và mặc dầu gần như bao giờ cũng do một tay tội phạm chuyên nghiệp thi hành, tên này có thể có rất ít hoặc không có tí kinh nghiệm nào trong việc thương lượng trong tình huống như vậy. Một tên tội phạm chuyên nghiệp hầu như bao giờ cũng quá tự tin. Chúng tưởng là chúng có thể làm được tất cả mọi việc. Không khác gì một luật sư nghĩ rằng anh ta có thể mở tiệm ăn chỉ vì anh ta ăn ba bữa mỗi ngày.
Stuart mỉm cười:
-Vậy nếu chúng nhận ra là khó có thể đòi được con số hàng triệu khó tin thì liệu chúng có chịu thoả thuận không?
Connor nói:
-Bác chỉ có thể phát biếu dựa trên những kinh nghiệm của chính bản thân mình mà thôi. Thường thường là cuối cùng bác chịu trả một phần tư con số chúng đòi - và trả bằng những đồng tiền đã được đánh dấu. Chỉ có một lần duy nhất bác phải trả đúng theo con số chúng đưa ra ban đầu. Nhưng trường hợp đó bác đã phải bảo vệ trước hội đồng là ngay cả Thủ tướng quốc đảo đó cũng dự phần.
-Có bao nhiêu trường hợp bọn chúng tẩu thoát được?
-Trong số những vụ mà bác thực hiện trong mười bảy năm qua thì chỉ có ba trường hợp chúng nuốt trôi, tính ra là tám phần trăm.
-Không tồi lắm. Và có bao nhiêu khách hàng không cứu được?
Lúc này họ đã đặt chân lên một lĩnh vực mà từ trước đến nay Maggie chưa bao giờ dám mạo hiểm hỏi đến, chị bắt đầu nhấp nhổm không yên trên ghế.
-Nếu như anh không cứu được khách hàng thì công ty sẽ bảo vệ anh đến cùng - Gã ngừng lại một lúc - Nhưng không một ai được phép làm hỏng việc đến lần thứ hai.
Maggie đứng lên, quay lại nói với Connor:
-Em đi bơi đây. Có ai muốn đi cùng tôi không nào?
-Con không muốn bơi, nhưng con sẽ lướt ván thêm một lần nữa - Tara đứng lên và hăng hái góp sức với mẹ để chấm dứt cuộc dò hỏi.
-Sáng nay con đã ngã mấy lần rồi? - Connor hỏi, tỏ vẻ khẳng định là gã cũng thấy câu chuyện đi xa đến thế đã là hoàn toàn đủ.
Tara nói:
-Khoảng một chục lần. và đây là vết đau nhất - Cô tự hào chỉ vào một vết thâm tím trên đùi phải.
Maggie ngồi xuống để nhìn kỹ vết thâm tím:
-Stuart sao cháu để nó mạo hiểm như thế này?
-Tại vì như vậy cháu sẽ có dịp để cứu cô ấy và tỏ ra rất anh hùng.
Connor cười phá lên:
-Cẩn thận đấy, Stuart. Cuối tuần này nó sẽ là bậc thầy lướt ván, và lại quay ra cứu cháu đấy.
Stuart mỉm cười:
-Cháu biết thế chứ. Nhưng bao giờ xảy ra chuyện đó thì cháu lại giới thiệu cho cô ấy môn nhảy tử thần.
Maggie trắng bệch mặt, vội vã quay sang nhìn về phía Connor.
Stuart vội vã nói thêm:
-Bác Fitzgerald, bác đừng lo. Đến lúc đó thì mọi người đã về Mỹ lâu rồi.
Không một ai muốn nhớ đến chuyện phải trở về Mỹ.
Tara nắm lấy cánh tay Stuart;
-Đi thôi, siêu nhân. Đã đến lúc để tìm một con sóng nữa cho anh cứu em rồi đấy.
Stuart nhảy bật dậy. Anh quay sang phía Connor, nói:
-Nếu có bao giờ bác thấy con gái bác bị bắt cóc thì cháu sẽ không đòi tiền chuộc đâu - và cháu cũng sẽ không chiụ thương lượng, dù bằng tiền Mỹ hay bất cứ tiền gì.
Tara đỏ mặt:
-Đi nào.
Họ chạy ra bãi biển.
Connor vươn vai và nói với Maggie:
-Và cũng sẽ là lần đầu tiên anh nghĩ là anh không cố gắng thương lượng.
Maggie nói và cầm lấy tay chồng:
-Quả là một chàng trai đáng yêu. Chỉ tiếc là cậu ta không phải là người Irish.
Connor đứng dậy, nói:
-Vẫn còn khả năng tệ hơn thế nữa kia. Nó có thể là người Anh thì sao?
Maggie mỉm cười trong khi hai người cùng bước về bãi lướt ván.
-Anh biết không, tận năm giờ sáng nay nó mới về đấy.
Connor cười:
-Chớ có nói với anh là em nằm thức đến tận sáng mỗi khi con gái hẹn ai đi chơi đấy nhé.
-Nói khẽ thôi, Connor Fitzgerald, và hãy nhớ rằng đó là đứa con độc nhất của chúng mình.
Gã nói:
-Maggie, nó không còn là một đứa trẻ nữa. Nó là một phụ nữ đã trưởng thành, và chưa đầy một năm nữa nó sẽ là tiến sĩ Fitzgerald.
-Và dĩ nhiên là anh có lo lắng gì về nó đâu.
Connor ôm lấy vợ:
-Em biết rõ là anh lo lắng cho nó. Nhưng nếu nó yêu Stuart - đó không phải là việc của anh - thì nó có thể làm những chuyện tồi tệ hơn.
-Trước khi chúng mình cưới nhau em không hề ngủ với anh, và ngay cả khi người ta nói là anh đã mất tích ở Việt Nam em cũng không hề nhìn đến một người đàn ông nào khác. Và không phải là thiếu những lời mời mọc.
Connor nói:
-Anh biết, em yêu. Nhưng lúc đó em đã hiểu rằng không thể có ai thay thế anh được.
Connor buông vợ ra và chạy về phía những ngọn sóng và cố giữ để chỉ chạy trước vợ một bước. Cuối cùng Maggie cũng đuổi kịp gã, miệng thở hổn hển:
-Declan O’Casey đã cầu hôn em trước khi…
Gã nhìn vào đôi mắt xanh thẳm, lấy tay vuốt một lọn tóc xoà xuống mặt nàng, đáp:
-Em yêu, anh biết. Và không một ngày nào trôi qua mà anh không lấy làm cảm tạ rằng em đã chờ anh. Đó là điều duy nhất giữ cho anh còn sống. Điều đó và ý nghĩ sẽ được nhìn thấy Tara…
Những lời nói của Connor khiến Maggie nhớ đến nỗi buồn trong những lần bị sảy thai và biết rằng mình sẽ không thể có thêm được một đứa con nữa. Lớn lên trong một gia đình đông đúc, bản thân chị cũng mong rằng mình sẽ đẻ thật nhiều con. Chị vẫn không chấp nhận được lý luận của mẹ: Đó là do ý chúa.
Trong thời gian Connor sang Việt Nam, chị đã có bao nhiêu giờ phút hạnh phúc cùng Tara. Nhưng kể từ khi Connor được đoàn tụ với hai mẹ con thì cô con gái dường như đột nhiên thay đổi sự chú ý của nó, và cho đến giờ mặc dù hai mẹ con vẫn rất thân nhau nhưng Maggie biết rằng mình chẳng bao giờ có nổi mối quan hệ như Connor đối với con gái.
Khi Connor quyết định làm việc cho Công ty bảo hiểm Maryland với chức danh Điều phối viên tập sự Maggie đã cảm thấy rất khó hiểu. Chị luôn nghĩ rằng giống như người cha, gã sẽ làm việc gì đó trong ngành hành pháp. Đó là trước khi gã giải thích cho chị hiểu thực sự gã đang làm việc cho ai. Mặc dầu gã không nói rõ một cách chi tiết, nhưng cho chị biết ai là người trả lương cho gã và nhiệm vụ đặc biệt của một sĩ quan không chíng thức hay còn gọi là NOC. Chị đã giữ bí mật cho gã suốt bao nhiêu năm, mặc dầu đôi khi việc không thể nói chuyện với bạn bè hay đồng nghiệp về nghề nghiệp của chồng mình có chút gì đó hơi kỳ quặc. Nhưng chị thấy rằng điều đó chỉ là thứ yếu so với những cái mà các bà vợ khác bị các ông chồng buộc phải ngắt điện thoại vì nói những chi tiết lê thê về công việc mà họ muốn giữ bí mật.
Và chị thật sự hi vọng là một ngày kia con gái chị cũng sẽ tìm được một ai đó có thể ngồi suốt đêm trên ghế đá chỉ để nhìn thấy nó ra kéo rèm cửa sổ.
Bookmarks