Chương 6
An tưởng mình đi học đã muộn, nhưng chị Hà lại còn muộn hơn. Ra tới đường rồi, nghe tiếng gọi An còn thấy chị đang vội vã ở phía cổng cư xá vẫy An rối rít. Chờ chị với.
- Có lẽ lỡ mất tiết đầu rồi chị ạ.
- Chẳng sao, lỡ luôn tiết sau cũng được. Hai giờ toán hai giờ lý hóa chồng lên nhau nhức hai ba cái đầu một lượt, chẳng ham.
Nhưng An không yên tâm. Chị Hà nói:
- Hay để gọi xích lô đi chung nhé. Tới trường em xuống trước.
- Thôi chị ạ.
- Chị có tiền bao An mà. Sáng nay bố chị dúi cho một xấp, chưa kịp xem lại, cỡ phải trên hai chục không ít.
An vẫn rảo bước:
- Bữa qua chị nghỉ học phải không?
- Ừ, chị Hà đáp rồi ngập ngừng kể, tại bữa trước chị đi chơi khuya quá về ông bố nện cho một trận.
- Chị bị đánh ư?
- An tin không, mình lớn thế còn bị đánh đòn như trẻ con ấy. Ðòn thì chả đau nhưng đau nhất là ông bố xé nát cái váy mới của mình vừa may. Thật bất công.
- Chị nói gì vậy?
- Mình về nhà còn sớm hơn bố. Bố hôm nào cũng vậy, cho tới quá nửa đêm có khi còn qua đêm luôn. Nào ai nói gì đâu. Mẹ mình có càu nhàu thì ông lấy cớ này nọ, làm ăn lớn phải biết nhiều mặt, biết tiêu những đồng tiền nhỏ để kiếm được những đồng tiền to. Có lý. Mẹ mình cũng đang mê sảng về những thứ ấy. Hình như bà đang hùn hạp làm ăn gì hai ba nơi, toàn những “cây” với triệu với đô la. Mẹ đi tối ngày. Bố đi tối ngày. Rủi là tối đó ông bố thấy mình trên đường, thế là ông ấy phóng xe về nhà trước, đón mình ở cửa. Thây kệ, mình chán ngấy đã muốn nghỉ học luôn rồi đấy chứ. Nhưng sáng nay...
- Còn một năm nữa, chị bỏ dở uổng.
- Tốt nghiệp phổ thông hay không thì cũng vậy. Mình nghĩ chán, chả muốn học làm gì.
- Chị nói thế chứ, lắm kẻ thèm được có cơ hội như chị.
Hai người băng qua đường, nhìn sang cổng trường đã vắng hoe. Hà kéo An:
- Ði ăn bánh cuốn với chị đã.
- Thôi.
- Bún, phở gì ở đầu đường này cũng sẵn.
- Thôi, muộn mười lăm phút lên văn phòng xin giấy vào lớp cũng chưa sao chị Hà ạ.
Nói rồi An đi như chạy vào phía trong sân trường.
Sau đó không biết chị Hà có tới trường chị hay bỏ luôn tiết đầu. Cả tiết sau nữa không chừng. Khi tan học An đã thấy chị đứng ngoài cổng đợi An với mấy người con trai vây quanh. Thấy An, chị rẽ đám bạn bước tới.
- Lối vào cư xá mình có một quãng cách đường xe nhưng đêm hay ngày đi ngang qua khu cổng một mình chị vẫn thấy “lạnh lạnh” thế nào ấy.
Không biết chị Hà nói thật hay “ngẫu hứng” nhưng tự nơi chị đã khiến An phải có cái nhìn lạ hơn mọi ngày. Chung đường với chị kể cũng vui. Cả hai đều chung sở thích, thích hoa nở vườn nhà người khác và thích cả những cây cối có tên hay không có tên, có chủ hay không có chủ ở sâu hai ven đường. Có khi đề tài lại là những khung cửa sổ. Cả hai đều thích những khung cửa sổ hình vòng cung và những thanh sắt uốn lượn hoa văn của các lan can đã tự bao đời, hơn là những kiến trúc gãy góc hiện tại. Nhưng dù sao nếu ở thì ở trong một ngôi nhà “nhấn nút” nhiều vẫn thích hơn là phải khom lưng nhóm bếp hay gục mặt xuống thau quần áo đầy ú ụ. Ðiều này cả hai cũng đều nhất trí.
- Bọn con trai có đứa lì lắm, nó thích nghe cả khi mình mắng vào mặt chúng nữa.
Chị Hà kéo An đi. Chả mấy khi mà chị không có một cái “đuôi”. Một chiếc “cúp” rà theo hay vài câu vừa mới... trọ trẹ được từ bài thơ đầu gửi đăng báo. Mất tự nhiên thật, nhưng kể ra cũng “thinh thích” dù An chỉ là nhân vật phụ.
- Khi biết có ai ở sau, mình cũng cảm thấy nhột lưng lắm. Thây kệ, mãi rồi quen. Miễn là họ đừng mở miệng tán tỉnh chọc ghẹo là yên thân.
An nhớ câu: Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Bây giờ An hiểu phần nào nỗi “bạc phước” của người nữ... bị trời bắt đẹp. Khốn khổ họ vẫn thích tỏa hương, thích ươm mật thì đất trời nào chẳng dễ ngả nghiêng. Như chị Hà, áo đi học bao giờ cũng chọn vải trắng mỏng. Mái tóc thì bữa mùi dâu, hôm mùi táo, chẳng bữa nào tới trường quên bôi lén sau gáy một chút nước hoa. Ðiểm văn, điểm toán, điểm hạnh kiểm thì chỉ thầy cô với bạn bè biết. Ra đường nàng là hoa hậu. Ở nơi vũ hội nàng là nữ hoàng. Môi nho, mắt nhãn, nàng tươi trẻ và sống động... hơn những bài sinh vật, hóa lý ngoằn ngoèo công thức.
An nhớ lời chị Kim: Nếu yêu cái này thì thôi yêu cái kia. Khổ nỗi, có người con gái nào giấu kỹ được cái gương. Và cái gương đối với một số tóc dài thì lại nằm ngay trong mắt nhìn của bọn con trai ngoài đường mới chết chứ.
- Chị có ngượng không, bao giờ chị bị vấp té không?
Chị Hà nựng cằm An:
- Em bé ạ, em dễ thương lắm. Bọn con trai nó không nhìn đường thì nó té sấp xuống vũng nước chứ mắc mớ chi tới mình, chị vẫn có thể mút kem tỉnh bơ hay nhai đầy miệng ổi, xoài mà đi về tới nhà an toàn.
- Có bao giờ chị trả lời người lạ?
- Vui lắm chị mới có lịch sự ấy. Vì thực ra em nghĩ coi, người đàng hoàng đâu có sẵn ở ngoài đường như thế. Phần đông bọn chúng chỉ nhố nhăng, hoạ hiếm lắm mới có người thành thật.
- Làm sao mà biết được?
- Hãy cứ nhìn thẳng vào mắt họ, nếu họ cúi xuống hay vội ngó lơ thì...
Chị Hà cất tiếng cười. An thắc mắc:
- Thì sao hở chị?
- Thì coi chừng trái tim mình chứ còn làm sao nữa.
- Trái tim mình là trái tim mình chứ có làm sao phải coi chừng?
- Ấy thế mà bị đánh cắp lúc nào không biết đấy, nhỏ ơi.
An mơ hồ hiểu, hẳn cái “bà này” cũng đã nhiều lần bị “đánh cắp”. Nhưng chẳng lẽ một người lại có thể có lắm trái tim đến thế?
- Trái tim mình chỉ bị đánh cắp một lần thôi nhỏ ơi. Bởi sau đó hắn sẽ ngộp và chết lăn quay ra nếu hắn không tìm lại được trái tim... người khác thay thế vào.
-...
- Chị chẳng trách An khờ đâu, nhỏ ạ. Ðã có lần chị tưởng trái tim mình bị đánh cắp đấy. Ðó là lần đầu tiên biết yêu. Mình cứ đi theo anh ta mà đòi, đòi cạn cả nước mắt, nát cả sách vở. Ấy thế mà nhận ra trái tim mình vẫn còn nguyên đấy. Nghĩ lại ngượng chết được.
- Thấy An yên lặng, chị Hà hỏi:
- Chị hỏi thật, An có bạn trai chưa?
An cũng trả lời thật:
- Bạn trai trong lớp em thiếu gì, may là chưa đánh nhau lần nào cả.
- Nói chi tới mấy “chú bé” cùng lớp, chị Hà cười, có bạn trai để đi chơi riêng cũng thú lắm An ạ.
- Em ghét cay ghét đắng cái thứ “kết mô đen,” bồ bịch lung tung, giận hờn linh tinh chẳng ra sao cả.
Chị Hà bẹo má An:
- Chưa tới lúc đó thôi, em bé ơi.
Chợt chị Hà đứng khựng lại, hỏi:
- Còn cái anh chàng đi vespa hôm nọ là sao hở An?
An tròn xoe mắt:
- Là sao, là sao?
- Có vờ không đấy?
- Chị tưởng em lớn lắm à?
- Lớn lắm thì chưa lớn lắm đâu, nhưng cũng chẳng còn nhỏ nữa. Mà này An, em có biết là mình dễ thương lắm không?
Bước chân An chậm lại:
- Chị chọc em làm chi.
- Thật đấy. Ðáng lẽ câu ấy phải để dành cho một ai đó thì hay hơn, phải không? Chị nhớ hồi học cấp hai chị cũng chỉ thích diện một màu trắng, đi học hay đi chơi. Hồi đó nhà thường lắm chứ chả được như bây giờ, bố mẹ chi li từng đồng trong ăn mặc. Mới cách đây đôi ba năm chứ đâu xa, ấy thế bây giờ mỗi lúc nghĩ lại chị tưởng như đã lâu lắm vậy, xa lắc xa lơ từ cái thời nào rồi...
Hai người đã về tới lối vào cư xá, một vùng cây xanh và những khu nhà cũ kỹ nằm chen lẫn hút sâu vô trong như lúc nào cũng đựng bóng tối yên lặng, xa khuất hẳn thành phố.
- Có vespa đón trễ kìa.
Chị Hà quay lại bất ngờ làm An cũng quay lại. Rồi chị bật cười thành tiếng giòn giã trêu chọc.
- Anh ấy tên gì vậy An?
- Thức.
- Cái tên nghe quen quen. Anh ấy thường đón An không?
- Họa hiếm. Anh ấy quen với chị Kim mà.
- Quen thân hay sơ?
- Thân sơ gì ai mà biết được chị.
- Tới nhà thường thì biết chứ gì?
- Còn cái điện thoại và nơi làm việc. Ai biết hết được thành phố này ngang dọc bao lối.
- Ừ nhỉ. Chị Hà cười gằn khó hiểu, trông dáng anh ta cũng quen quen, không biết mình đã gặp anh ta ở đâu đó một lần rồi thì phải.
Chia tay chị Hà rồi An còn thấy câu chuyện chưa hết.
Suốt buổi chiều và buổi tối An cứ phân vân không biết có nên kể cho chị Kim nghe câu chuyện hồi sáng với chị Hà, cả sự kiện “quen quen không biết gặp anh ta ở đâu?” Chị Kim đánh giá chị Hà thế nào nhỉ? Chẳng ra sao cả. Ðối với An, mọi chuyện vừa được nghe có gì đáng e ngại song cũng thật quyến rũ. Một người nam tới gần một người nữ, hình ảnh này không lạ chi trong phim hay trong truyện, nhưng nó vẫn thật lạ từ miệng của chị Hà đối với An. Có một cửa sổ nào đó rất gần, rất kỳ diệu mà ta chưa mở ra. Biết chắc là rất nhiều gió nhiều ánh sáng từ sau khung cửa ấy, chị Hà đã hé mở, tránh sao một An mỏng manh không khỏi rung rẩy, chóa mắt, choáng ngợp.
Buổi tối chị Kim đi làm về trễ, An cứ bồn chồn đi lại mãi ngoài sân. Giá có ai đó để nói chuyện, chuyện gì cũng được, có lẽ An đã không phải suy nghĩ vẫn vơ những chuyện gì đâu đâu như vậy.
Ngồi trên xích đu được một lát An nghĩ hay là mình sang chơi với chị Hà một chút. Cô bé đứng lên ra cổng. Nhưng chưa ra tới cổng An chợt nhớ tới chậu cây mà anh Thức đã tặng hôm sinh nhật. Nó vẫn còn đứng đó, lẫn trong đám chậu kiểng của ba gần sát cổng. Cho dù là đích thân “bộ trưởng bộ phá hoại cây cỏ” xem lá nhưng vẫn chưa gọi được tên hoa. Hỏi ba, ba cũng lắc đầu. An tính phải hái mẫu lá đem hỏi mấy chủ nhân “hoa cá kiểng” trong khắp phố may ra mới truy tìm lý lịch loài hoa này. Nhưng có thể chẳng ai biết, bởi biết đâu nó chẳng là một loại hoa dại nào đó.
An xoa đầu đám lá trơn mượt với cảm giác mơn trớn thích thú khó tả. Lớn mau lên cây ơi, ta muốn biết mi sẽ tặng ta gì trong mùa tới.
Rồi An bứt một cọng lá đưa về phòng, ủ xuống dưới gối. An tin là mình sẽ ngủ mơ, một giấc mơ thật đẹp. Giấc mơ có cánh đưa An lớn lên.
Bookmarks