-
Ăn Chưa No - Lưu Thị Lương
Chương 6
Đi bác sĩ về, Chi bắt đầu học cách không ăn.
Đó là nói cường điệu phóng đại, bắt chước theo kiểu ma cũ hù dọa ma mới của tên mập kia, cho vui vậy thôi. Thiệt ra là Chi phải ăn kiêng, ăn giảm bớt khẩu phần dư dả hằng ngày. Ba nôn nóng hỏi khi Chi vừa vào tới cửa:
- Toa bác sĩ đâu?
Má đưa ra một xấp giấy.
Tờ thực đơn lớn nhất, dài nhất, nổi bật nhất, nên ba đọc trước:
- Nửa chén cơm. Nửa cái trứng luộc. Nửa trái chuối tráng miệng. Nửa ký rau... Ối trời ơi! Sao mà cái gì cũng chỉ có một nửa không vậy?
Anh Hai không khi nào bỏ qua dịp chọc ghẹo Chị Anh giả bộ lăng xăng:
- Ba! Ba coi kỹ lại coi. Có chỗ nào ghi nửa con gà hầm không?
Thấy thương ba ghệ Vậy mà ba cũng tin anh Hai nói thiệt nữa.
Ba chìa tờ giấy ra, gắt lên:
- Gà đâu mà gà. Trái trứng cân nặng có một trăm gờ ram, mà chỉ được ăn có một nửa. Nửa con gà hơn một ký lộ Mong gì?
Anh Hai cười, nghe muốn... đá cho mấy cái:
- Có. Có đó. Nửa con gà… ác, da đen thui. Gà ác là giống gà nhỏ bằng con chim cút chớ bộ. Hí hí...
Than thở thì than thở nhưng vẫn phải làm theo toa bác sĩ thôi. Ba nhìn tờ thực đơn, chép miệng:
- Cứ thử coi sao!
Má quyết định:
- Từ hôm nay, cả nhà ăn cũng nhiều rau giống Chi luôn, cho Chi đỡ buồn.
Anh Hai lật đật nhào tới ôm tay má, lắc lắc. Anh hỏi rất thành khẩn.
- Má nói thiệt hả má?
Má gật đầu:
- Thiệt!
Anh Hai ngó một vòng cả nhà, hỏi nữa:
- Mỗi người một ngày ăn hết nửa ký rau như con… con thỏ nuôi trong chuồng vậy hả?
Má an ủi anh Hai:
- Ăn rau giúp tiêu hóa thuận lợi dễ dàng, không bị táo bón. Mặt con hay nổi mụn, ăn rau càng tốt chớ sao? Sức thanh niên đang lớn như con, một ngày ăn cả ký rau mới vừa, nói gì có nửa ký?
Anh Hai rên hừ hừ.
- Còn đùi gà chiên? Tôm rim? Sườn nướng? Em bị cấm, chỉ được ăn nửa miếng. Còn thằng anh đáng thương này? Con đâu có bị dư thừa, ối đọng da thịt như nó. Má tính sao đây? Không lẽ khẩu phần của con chính là nửa miếng còn lại của nó hay sao?
Má nhìn bạ Ba chép miệng thêm một cái nữa, xác nhận:
- Ừ. Cũng phải làm vậy thôi.
Anh Hai nhảy tưng lên, kêu thảm thiết:
- Không công bằng! Phản đối tệ nạn gia đình, trọng nữ khinh nam.
Trong nhà, ba là người ít khi đùa giỡn nhất. Không biết ba có hiểu anh Hai chỉ nói chơi thôi, muốn chọc Chi cho vui ấy mà, ngày nào chẳng vậy?
Ba nói sẵng:
- Khinh nam là đúng quá rồi. Mày là thằng anh không biết thương em. Đáng lẽ anh phải ăn kiêng để làm gương cho em mới phải.
Quay sang má, ba sang sảng ra lệnh:
- Bây giờ má đi chợ, mua cho tụi nó ăn thả cửa một bữa ngon lành, no nê óc ách suốt ngày luôn. Bắt đầu từ ngày mai, cả nhà ăn theo thực đơn của bác sĩ.
Anh Hai tính nói gì đó nữa, nhưng nghĩ sao lại há miệng thở dài một tiếng thiệt to.
- Ha!
Rồi nín luôn.
*
* *
Thường thường, khi Chi bị đau bụng hay nhức đầu thì còn có cớ nhăn nhó kêu rên, đòi người này người kia xức dầu, xoa bóp... Chớ còn cái bệnh không đau này thì Chi phải tự chữa trị, tự săn sóc cho mình thôi, chẳng ai làm giùm được.
Nhưng cả nhà vẫn chung sức giúp Chi hết mình, trong khả năng mà họ có thể giúp được.
Nửa ký rau trên giấy tờ, má đổi ra thành cóc, ổi, mận, dưa leo, bưởi, củ sắn, sơ ri, cà rốt, cà chua... ăn cho đỡ ngán.
Ba lẳng lặng đi phô tô những điều hướng dẫn ăn kiêng, làm ốm ra làm mấy bản, sau đó phóng to ra, hết cỡ mà khổ giấy chứa đựng được.
Anh Hai lăng xăng xách mớ giấy đó với cuộn băng keo hai mặt, đi dán tùm lum khắp nhà. Đầu giường. Bàn học. Kệ sách. Vách tường bên cạnh bàn ăn. Chỗ rửa chén. Cửa tủ lạnh. Tủ treo quần áo. Cửa toa lét... Tất cả những nơi mà Chi hằng ngày ghé mắt tới, chạm tay vô, đặt chân vào.
Dán đều hết. Lia lịa.
Nhưng tới cái ti vi ở phòng khách thì anh Hai ngừng tay.
Anh xếp kéo, cuốn băng keo, tuyên bố:
- Nhiệm vụ dán giấy đến đây là chấm dứt.
Chi hỏi:
- Tại sao chứ.
- Bởi vì tờ giấy này là của gia bí.
Anh Hai nói mí mí thêm.
- Tuyệt đối không để cho người ngoài nhìn thấy. Có hại lớn chớ không nhỏ đâu.
Rồi tủm tỉm cười chờ nghe Chi ào ào thắc mắc.
Hai anh em cứ như vậy hoài. Một đứa thích phá. Một đứa khoái tò mò.
Đứa em tò mò hỏi:
- Của gia bí là sao?
Đứa anh ghiền chọc phá trả lời:
- Lần này thì Chi phải nhận là mình chậm hiểu thật sự, không cách gì chối cãi rồi. Dỏng tai lên mà nghe nè! Gia bí tức là bí mật gia đình. Cũng như gia bảo là đồ vật quý hiếm riêng của từng gia đình vậy đó. Dễ ợt vậy mà cũng không biết.
Chi sắp khóc tới nơi. Chi nói một hơi.
- Ý anh Hai muốn nói em làm xấu gia đình phải không? Nên anh không dám trưng ra ở phòng khách, sợ người ngoài biết, người ta cười nhà mình có đứa con quái tướng phải không?
Anh Hai trợn mắt, xua tay phủ nhận:
- Anh không có ý đó. Không hề.
Chi hít mũi xịt xịt:
- Anh xấu hổ vì có đứa em dị dạng phải không?
- Không phải luôn!
Chi giậm chân, nôn nóng muốn biết:
- Nói thiệt đi!
Anh Hai nhìn thẳng mặt Chi, giọng anh trầm xuống:
- Vì anh sợ em xấu hổ.
- Híc híc...
- Anh đã dán đầy nhà bếp. Nhưng không dán ở phòng ngoài. Anh muốn em thật thoải mái tự nhiên. Không ai biết thì sẽ không ai nói ra nói vào, góp ý, khen chê làm em nhụt chí. Anh mong muốn em sẽ... - anh la lên như mấy người dẫn chương trình - bác sĩ đáo thành công!
- Hu hu...
*
* *
Chi quyết tâm lắm lắm. Sáng, Chi dậy sớm, chạy dài dài hết nguyên con đường hai làn xe trước nhà, ăn nửa gói xôi hoặc uống nửa ly sữa.
Trưa, nửa chén cơm với đồ ăn, kèm thêm một chén rau.
Tối, như buổi trưa.
Mới có mấy ngày mà hiệu quả đã… đập chát bốp ngay vào mắt.
Chi thì thào nói riêng với má.
- Má! Cái lưng quần rộng rinh muốn tuột rồi nè.
Má mừng như được thưởng. Má rối rít nói.
- Đâu? Mặc vô cho má coi.
Hai má con ngắm nghía, kéo thử coi rộng được mấy phân.
Má cười rạng rỡ.
- Rộng thiệt. Phải bóp lại chút xíu, mỗi bên một phân. Lấy kim chỉ cho má.
Chi gấp rút lấy kim chỉ ra, vừa chỉ đen, vừa chỉ trắng.
- Màu nhạt xài chỉ trắng. Màu sậm dùng chỉ đen.
Chi vừa nói vừa lôi ra một đống ngồn ngộn, từ quần tây đi chơi tới quần mặc áo dài đi học, quần đồ bộ Ở nhà.
Má cười ngặt nghẽo.
- Từ từ thôi con. Tạm thời bóp chật lại mấy cái này trước đã. Để dành đó, mai mốt còn rộng nữa. Chớ bây giờ mình bóp một khúc, bữa sau bóp tiếp khúc nữa, nó sẽ bị cộm lên, không đẹp.
Chi gật gù:
- À há! Con quên. Mới có năm ngày thôi mà.
Hai má con cắm cúi khâu khâu vá vá, nói rỉ rả, cười rúc rích.
Chi nói:
- Má. Đây là nữ bí. Má không được nói cho ba hay anh Hai nghe đó!
Má cười hiểu ý:
- Nữ bí này cũng na ná như anh Hai nói gia bí chớ gì?
Chi cũng cười:
- Má hiểu đúng rồi đó. Nữ bí là bí mật phụ nữ. Chỉ có hai người là má với Chi được biết thôi. Má hứa đi!
- Được rồi. Má hứa.
Phe phụ nữ, chẳng hiểu tại sao, lại giữ bí mật về hiệu quả tức thời cụ thể của đợt điều trị bệnh béo phì.
Nhưng sự thực muôn đời vẫn là sự thực. Đừng hòng che giấu bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời. Bí mật rồi sẽ phải bật mí ra thôi. Không sớm thì trễ. Không trước thì sau.
Về phía nam giới trong nhà, anh Hai cũng mơ hồ có cảm giác rằng, Chi đã có phần nào sút giảm cân nặng. Nhưng anh không dám chắc lắm.
Anh ngần ngại nói:
- Hình như Chi có nhẹ bớt đi hay sao ấy. Mấy bữa nay, anh Hai chở Chi, thấy tay lái đỡ lảo đảo, lạng lách cũng dễ dàng hơn trước.
Ba thì kêu lên hoảng hốt như bị mất tiền:
- Má nó ơi! Con gái tôi xanh lè xanh lét như người bị bệnh thiếu máu nè. Bà tính sao đây?
Má coi vậy mà cứng rắn hơn ba rất nhiều. Lại thêm lời hứa giữ cái “nữ bí”với Chi, nên má tỉnh bơ nói:
- Mình tính làm sao bằng bác sĩ tính được?
Ba sờ trán Chi, lo lắng hỏi:
- Con có sốt không?
Chi tươi tỉnh trả lời:
- Đúng ngay mức ba mươi bảy độ trong nhiệt kế đó ba ơi!
Ba nắn nắn cánh tay Chị Đôi lông mày rậm rạp nhíu lại. Giọng nói lo âu:
- Chết chưa! Con tôi da thịt đang săn chắc như củ khoai mì dẻo, bác sĩ chữa trị làm sao mà bây giờ tay chân nó bủng beo, nhão nhẹt như củ khoai mì bở.
Hai bàn tay nhám nhám của ba dịu dàng vỗ vỗ hai bên gò má mềm mại của Chị Ba dòm thẳng vào mắt Chi mà hỏi:
- Con có bị đói không?
Chi xúc động quá, không nói được tiếng nào. Ba thương Chi như vậy đó, lo lắng từng li từng tí, coi như Chi vẫn còn là đứa con nít chưa biết nói ra những nhu cầu thuộc về bản năng: ăn, ngủ, mắc tiêu, tiểu…
Chi nghẹn giọng, lắc đầu. Ba đập lưng bàn tay này lên lòng bàn tay kia. Đó là dấu hiệu cho biết, ba vừa phát hiện ra một điều mới mẻ. Ba quả quyết.
- Chắc chắn là con bị sụt cân trầm trọng. Con có cảm giác gì khác lạ không? Con có bị bước hụt chân, đi không vững không?
Má chen vô:
- Ba thắc mắc về sức khỏe cô con gái cưng của mình, mà sao má nghe y như ba đang cứu trợ một đứa bé vô gia đình. Hết ốm đói lại đến choáng váng lảo đảo. Muốn biết nó có giảm cân nặng hay không, thì chờ tới bữa tái khám biết liền chớ gì?
Ba nôn nóng:
- Tôi muốn biết liền, ngay bây giờ. Mọi ngày có cái cân di động đi qua đi lại, léo nhéo mời chào hoài, nghe muốn điếc ráy. Sao bữa nay trốn đi đâu hết ráo.
Vừa lúc đó, có tiếng nhạc lẻng tẻng quen thuộc văng vẳng ngoài đường. Lồng trong tiếng nhạc là giọng nói cứng queo, của người nước ngoài nói tiếng nước mình.
- …đo huyết áp… Rất hân hạnh phục vụ…sức kéo…
Cả nhà cùng reo:
- Nó đó.
Không chờ ba sai bảo, anh Hai phóng ra đầu hẻm, hét chói lói:
- Cân! Cân ơi! Bán cho một miếng cân đi. Ở đây nè. Lẹ lên!
Cái cân có gắn bánh xe được đẩy vào tới ngay cửa nhà.
Ba lôi Chi ra cửa:
- Cân cho ba biết đi con.
Chi đặt một chân, rồi hai bàn chân không mang dép lên bàn cân. Cái cân chớp đèn nhấp nháy. Rồi giọng nói cứng đơ bật nói oang oang: “Chiều cao một mét năm mươi lăm, cân nặng bẩy mươi bốn kí lô gam. Thân hình quá sức béo mập. Đề nghị tích cực giảm cân, để tránh mọi thiệt hại về sau... ”.
Ba móc túi lấy tiền trả, làu bàu nói với người chủ cái cân:
- Thôi, tắt đi!
Cái cân lại ong óng đi tiếp con đường cân đo của nó, càng lúc càng tiến sâu vào trong ngõ hẻm có hai đầu thông ra đường cái.
Bên ngoài, tiếng rao nhỏ dần.
Trong nhà, tiếng ba tỷ lệ nghịch với tiếng cái cân đang rao hàng:
- Bảy mươi bảy! Mới có năm ngày thôi đó.
Ba đột ngột ngưng ngang, không nói. Nhưng mặt ba lộ vẻ căng thẳng lắm. Mấy má con nhìn nhau, chờ đợi, biết chắc rằng ba sẽ nói tiếp.
Thế rồi ba đứng chống nạnh, nói lớn tiếng như mấy thầy cô chủ nhiệm nóng tánh, la rầy khiển trách những kẻ vi phạm nội quy kỷ luật, trong giờ sinh hoạt lớp hằng tuần.
- Tính ra, cứ mỗi năm ngày thì mất toi hai kí lộ Khủng khiếp chưa!
Anh Hai ghé sát tai má, nói lép nhép:
- Ba dùng hai tiếng mất toi, kèm theo câu hỏi tu từ “khủng khiếp chưa” là có nguy hiểm rồi má ơi!
Má ừ ừ khẽ khẽ. Chỉ có Chi dám vô tư đối đáp, với nỗi bực bội của ba.
- Sao ba lại khủng khiếp? Bác sĩ yêu cầu một tuần phải xuống ba ký lận đó. Để con lấy máy tính, bấm thử coi tỷ lệ hai ký năm ngày có bằng ba ký bảy ngày không nghe ba.
Chi chạy lại bàn học lục tìm.
Trong khi chờ đợi tìm ra máy tính, ba nói lẩm nhẩm:
- Mỗi tuần ba ký! Cứ cái đà này thì một tháng hai tháng, nửa năm nữa, chắc con tôi teo tóp lại như xác ướp. Rồi… rồi biến mất luôn. Tại vì giảm cân riết rồi hết ráo, có còn giữ được kí lô nào đâu.
Má cười trước:
- Ha hạ Ba nó đang tấu hài đó hả?
Anh Hai mạnh dạn cười nối đuôi.
- Hi hị Tưởng tượng Chi su mô của nhà mình, sáu tháng nữa, tự nhiên biến thành cái xác ướp khô queo, ốm teo, nhăn nheo, nằm chèo queo. Qúa hớp!
Ba đột ngột quát lớn:
- Má con bà cười cái gì?
Ông bà ta khi xưa đã truyền dạy lại một kinh nghiệm đối nhân xử thế rằng “một sự nhịn chín sự lành” nên khi ba vừa ngậm miệng lại mà mắt thì cứ mở ra trừng trừng dò xét thì má nắm tay anh Hai giựt một cái thiệt mạnh. Ý má muốn nhắc nhở anh Hai hãy ngậm miệng lại y như ba cho yên cửa yên nhà.
Còn Chi thì la lên:
- Ba ơi! Ba nói thiệt hay giỡn vậy ba?
Ba lúng túng một thoáng rất nhanh, như con ruồi bay vèo qua.
Rồi ba quát tiếp hiệp hai:
- Dẹp. Dẹp. Ngưng ngaỵ Chấm dứt. Không chữa chạy gì nữa. Chẳng thà mập xấu mà sống, còn hơn đẹp người mà có ngày kiệt sức chết đói!
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks