Đêm Đầu Ở Tirana


Đó là khẩu Colt Agent, loại súng bỏ túi, rất nhẹ do Hoa kỳ chế tạo. Nòng trái khế của nó chưa được 6 viên cỡ trung bình, tầm bắn không xa song vô cùng chính xác. Nhân viên F.B.I mặc thường phục khi đi công tác chìm hay dùng loại súng này. Colt Agent bằng thép cũng chỉ nặng trên 300 gờ-ram, vậy mà khẩu này lại toàn bằng nhom, nòng được chế bằng một thứ kim khí cứng rắn mà nhẹ hơn thép.

Văn Bình tung hất khẩu súng lên lòng bàn tay, nó chỉ nặng độ 150 gờ-ram là cùng. Nó nằm gọn trong tay chàng, bỏ vào túi nó chỉ lớn bằng gói thuốc lá đầu lọc. Loại bằng thép được bán trên thị trường 71 đô-la, còn loại đặc biệt này phải đắt gấp ba, gấp bốn.

Một mảnh giấy nhỏ được đặt bên dưới khẩu côn. Bên trên có một hàng chữ nguệch ngoạc bằng bút chì:

“Cẩn thận, dường như bị lộ”

Văn Bình nhét khẩu súng vào cái túi nhỏ may sẵn trong vét-tông dưới nách. Chàng không tin công an và quan thuế Tirana bắt chàng lột bỏ quần áo để lục soát. Dầu sao chàng cũng là đồng chí của họ. Chuyến đi này chàng được chính phủ Anbani liệt vào hàng khách quý.

Tại sao Vêlana lại đưa súng cho chàng? Nếu cần, Bôrết đã đưa súng từ khi còn ở Mạc tư khoa. Tại sao Vêlana lại nói là “dường như bị lộ?” Có lẽ toán mật vụ Trung cộng trên phi cơ nghi ngờ chàng, và Vêlana đã may mắn nghe lỏm được môt vài mẩu chuyện. Bại lộ, chàng sẽ bị mật vụ Anbani bắt. Và chàng sẽ khai ra Vêlana. Phải chăng Vêlana đưa súng cho chàng để tự vệ? Phải chăng để chàng tự xử?

Văn Bình lắng lặng trở ra ngoài. Chàng bước một mạch qua chỗ Vêlana và bọn đầu trâu mặt ngựa của KGB. Tuy không nhìn sang bên, chàng vẫn thấy cặp mắt của Vêlana chăm chú nhìn theo nên chàng cảm thấy nhồn nhột ở gáy.

Phi cơ hạ thấp dần dần.

Và sau cùng là đáp xuống.

Như thường lệ. Văn Bình duyệt lại một lần tối hậu những chi tiết sử địa về quốc gia mà chàng sắp đến. Anbani, đồng minh mật thiết của Trung hoa cộng sản tại vùng ban-kăng, là một tiểu quốc đầy đồi núi, bắc và đông giáp Nam tư, nam giáp Hylạp, và về phía tây là biển Ađờriatít. Hai phần ba dân số theo đạo Hồi. Năm 1939, Anbani bị phe Trục xâm chiếm. Sau thế chiến thứ hai, vương quyền của vua Zog đệ nhất bị lật đổ, và lãnh tụ cộng sản Enver Hoxha lên làm bà chủ. Từ bấy đến nay, Hoxha vẫn tiếp tục ngự trị. Dân số vẻn vẹn 2 triệu lại ở mực sống thấp nhất châu Âu, mật vụ lại hoạt động tàn bạo ngoài sức tưởng tượng nên tình hình nội bộ được yên tĩnh. Nhưng về phương diện điệp báo, chư hầu bé nhỏ này lại đóng một vai trò quan trọng. Tình báo Anh-Mỹ thường dùng Anbani làm đầu cầu để ly gián Liên sô và Trung cộng. Lợi dụng địa hình hiểm trở, Tây phương đã thiết lập một đường dây giao liên qua lãnh thổ Anbani.

Con chim sắt khổng lồ rùng mình một cái thật mạnh trước khi đứng dừng hẳn.

Đã đến Tirana.

Ánh nắng bên ngoài tràn vào phi cơ. Phái đoàn địa chất Trung hoa được mời xuống trước. Thủ tục chiêu đãi của công ty hàng không cộng sản khác hẳn tây phương: khi mua vé, hành khách đều trả tiền ngang nhau, nhưng khi lên hoặc xuống máy bay hành khách phải tuân theo sự chỉ dẫn độc đoán của nữ tiếp viên Phái đoàn Trung hoa xuống trước vì bên dưới đã sắp sẵn một cuộc nghênh đón trọng thể.

Chu-Yao đi đầu. Bọn vệ sĩ kèm riết hai bên. Sau cùng mới đến Chu-Ling. Một vệ sĩ dạt sang bên, chìa tay mời nàng xuống trước song nàng lắc đầu từ chối. Thời xưa đàn bà Trung hoa phải đi sau đàn ông. Mời mọc như vậy đã là quá lịch sự rồi nên gã vệ sĩ thản nhiên đặt chân xuống cầu thang.

Văn Bình nhận thấy Chu-Ling bước chậm lại. Dường như nàng đang tìm cơ hội để quay lại nhìn chàng. Chàng nghển cổ nói:

- Chào cô Chu-Ling.

Nàng ngúc đầu chào trả. Trên làn môi trái tim tuyệt đẹp bừng nở một nụ cười tuyệt đẹp. Văn Bình ngây người như vừa uống xong một vò rượu nếp cẩm.

Tiếng quân nhạc từ dưới sân bay vọng lên. Thoạt đầu là quốc thiều Trung hoa nhân dân. Tiếp đến quốc thiều Anbani. Đợi ban nhạc trổi xong hai bản quốc thiều, toán hành khách còn lại mới được phép xuống. Thật ra trên máy bay cũng chẳng còn ai, ngoại từ Văn Bình, Vêlana, Khơrút và bọn điệp viên KGB.

Bọn Vêlana, Khơrút đến Tirana với tư cách gì? Tại sao chính phủ Anbani lại cho phép họ nhập cảnh? Trong một sao đồng hồ Văn Bình vừa khám phá ra một phần sự thật. Chính phủ Hoxha đã cương quyết từ chối nếu biết họ là nhân viên KGB. Như vậy có nghĩa rằng Vêlana cũng như Khơrút là những bộ mặt mới trong làng gián điệp sô viết.

Văn Bình thở phào một hơi thật dài khi xuống hết nấc thang cuối cùng, và đặt chân lên nền bê-tông thẳng băng. Thế là chàng đã đến Anbani bằng cửa trước! Chàng cảm thấy một bầu không khí quen thuộc đang bao trùm sân bay. Trong quá khứ, chàng đã nhiều lần nhập nội các quốc gia cộng sản bằng cửa trước. Lần từ Vọng các sang Hà nội chàng cũng từng được đón tiếp bằng quân nhạc, bằng hàng trăm người phục sức chỉnh tề dàn thành hàng ngang và nhất là bằng một đạo binh thiếu nhi quàng khăn đỏ, le te chạy đến mang vòng hoa quàng cổ.

Đám trẻ con từ 6 đến 10 tuổi mặc đồng phục xanh, quàng khăn đỏ chói lòa trên cổ tại sân bay Tirana cũng không khác đội thiếu nhi ở Gia lâm là bao. Chúng túa ra một lượt như ong vỡ tổ, miệng chào hỏi rối rít. Văn Bình lõm bõm được mấy tiếng Anbani nên thoáng hiểu là chúng chào chú, chào bác, chào cô. Văn Bình đinh ninh sau tấn trò tặng hoa là hội hè giải tán, nhưng chàng đã lầm.

Ngay sau đó là mục diễn thuyết. Phái đoàn Trung hoa được mời lên một cái bục gỗ khá cao, đứng trước máy vi âm. Nắng chiếu xuống thật nhiều song lại mát mẻ dễ chịu. Nhờ trời chàng thông thạo tiếng Tàu nên Chu-Yao nói gì chàng cũng hiểu Chu-Yao nói được một đoạn thì tạm ngừng để chờ phiên dịch.

Té ra thông dịch viên là kiều nữ Chu-Ling. Nàng nói tiếng Anbani nhanh như gió. Khi nói, miệng nàng cử động vô cùng duyên dáng.

20 phút trôi qua. Phái đoàn bác học ôm hôn đám trẻ con, bắt tay nhân viên tiếp đón một lần nữa rồi ra xe. Cha chả, Anbani là xứ xã hội chủ nghĩa, căm thù tư bản tây phương mà lại xài toàn Mercédès. Xin thưa, đây không phải là Mercédès loại 800, nghĩa là loại đắt nổ tròng con mắt, gần 10 ngàn đô-la một chiếc. Sai gòn là thủ đô của sự kiếm tiền và tiêu tiền như rác mà chưa ai dám chơi loại 300 (tác giả xin lưu ý là ngoại trừ điệp viên Z-28) chỉ có vài ba chiếc của Nhà nước song toàn là Mercédès cũ rích cũ rì.

Mercédès nghênh đón phái đoàn Trung hoa thuộc loại Pullman 600; đắt gấp đôi loại 300 thượng hạng, dài đúng 621 phân, nặng xấp xỉ 3 tấn, gồm 6 cửa, phía sau có thể mở ra bằng điện và ghế được nâng cao lên cho dân chúng hai bên đường có thể chiêm ngưỡng được đại quan ngự bên trong. Ngăn tài xế và ngăn chủ nhân ngồi có kiếng chắn, chủ nhân ra lệnh cho tài xế bằng điện thoại. Ngăn chủ nhân có hai hàng ghế đối diện, ghế rộng như xa-lông. Ở trong tầm tay chủ nhân có đầy đủ tiện nghi tân tiến, tủ lạnh đựng rượu và đá cục, máy hát đĩa, máy ghi âm, máy điện thoại, và vô tuyến siêu tần số. Tốc độ trên hai trăm cây số-giờ mà chủ nhân ngồi êm ru như nằm trên nệm mút.

Cả thảy có ba chiếc Mercédès dài ngoằng, sơn đen, bóng lộn nối đuôi nhau trên phi đạo.

Trong chớp mắt, đoàn xe thượng lưu đã biến dạng. Văn Bình không nghe tiếng máy nổ. Chàng liếm mép thèm thuồng. Thế nào chàng cũng phải tậu một chiếc chiến xa quý phái này để làm le với bà con Sài gòn chơi! Đường phố Sài gòn chật ních xe cộ, chiếc 600 của chàng sẽ khiến những cô gái mới lớn ngồi vắt vẻo trên xe gắn máy lác hai mắt. Và chàng sẽ còn gắn ống sắp-măng đặc biệt, phun ra một mùi thơm pha trộn tinh chất nước hoa hồng. Chàng sẽ không quên gắn ở sau se một cái bảng nhỏ đề địa chỉ của chàng, để các kiều nữ ghi chép vào sổ tay mà tìm tới. Băng sau của chiếc Pullman lại thích hợp với thú thưởng hoa bất tận và bất chấp kiểm tục của chàng. Chiều dài, chiều ngang nó đều vừa vặn, và sức êm của nó thì tuyệt. Dầu sao chàng cũng quá tuổi thành niên và sắp sửa mắc bệnh đau lưng nên hưởng thụ tình yêu phải có đầy đủ tiện nghi.

Chừng nào có chiếc Mercédès 600 Pullman chàng sẽ đùa dai, đùa thật dai với ông cò Quận Nhất của hòn ngọc Viễn đông. Một chiều thứ bẩy cuối tháng nào đó “vì cuối tháng thì thiên hạ mới đi chơi đông”, nhất là trời tạnh ráo, chàng sẽ bắt Lê Diệp đội kết làm tài-xế chở chàng dạo phố. Đến đại lộ Tự Do, gần khoảng đèn giao thông khách sạn Caravelle là chỗ đông nhất, và được ông cò quan tâm đến nhất thì đậu lại. Hàng ngàn cặp mắt sẽ trầm trồ khen ngợi, ai cũng muốn rờ thử một tí xem hơi hướng chiếc xe ra sao. Trai thanh gái lịch thèm hơi hướng của chiếc xe là chuyện dĩ nhiên, nhưng dĩ nhiên hơn nữa là hơi hướng thần tiên của một cô gái ngồi bên trong mặc đồ mỏng dính, và đặc biệt là chữ V trên ngực thật sâu, thật táo bạo.

Đợi cho công chúng bụ đen quanh xe, chàng mới ấn nút cho mọi riềm trong xe tự động kéo lại. Xe của Văn Bình biến thành cái hộp kín như bưng. Lê Diệp muốn nhìn ra sau cũng vô ích vì tấm kiếng ngăn cách cũng được che riềm dầy. Ở trong xe, chàng và nàng tâm sự, người đứng ngoài không thể nào nghe tiếng. Chàng không phải là nhà thơ ngu ngốc nên không biết tâm sự bằng ngòi bút. Mà là tâm sự bằng miệng, bằng tay và bằng tài nghệ thiên phú …

Trời đất ơi, còn gì thú bằng được … tâm sự chứa chan và trường kỳ với giai nhân ngay trên đại lộ Tự do giữa một rừng người chiêm ngưỡng. Thế nào cũng có kẻ khôn ngoan đoán biết thâm ý nghịch ngợm và ngạo nghễ của chàng. Họ sẽ tìm cách mở cửa. Vô ích. Vì chàng sẽ sắm loại Pullman đóng mở toàn bằng điện. Họ sẽ tìm cách đập vỡ kiếng xe. Uổng công. Vì chàng sẽ dặn hãng Mercédès cung cấp loại kiếng đạn đại liên bắn không xuy xuyển. Lê Diệp sẽ nóng mắt vội vã mở công-tắc cho xe chạy khỏi đám đông tò mò. Phí sức mà thôi. Vì chàng sẽ bí mật gắn một công-tắc thứ hai, khi nào chàng mở thì tài-sế mới mở được máy và mở được cửa. Lê Diệp chỉ còn nước kêu Trời như bọng và nhấc điện thoại lên để van vỉ, lạy lục chàng buông tha. Chàng sẽ nhấc ống nói đặt sát một bên để mời Lê Diệp nghe một số âm thanh độc đáo những âm thanh mà con trai, con gái kinh nghiệm trong tình yêu không thể không nhận ra …

Các ông cò sẽ giải tán đám đông. Khi ấy chàng mới rút riềm và mở cửa. Nhưng nửa giờ đã trôi qua …

Khoái chí Văn Bình cười rộ lên một tiếng.

- Ông Kêvin? Ông là Kêvin phải không?

Mải buông hồn theo suối mộng … đùa dai với ông cò Sài gòn Văn Bình quên bẵng chàng không còn ở Sài gòn mà đang đứng như bị trời trồng trên nền bê-tông cứng đét của một quốc gia cộng sản rất ghét những kẻ hay nghịch và rất thù những kẻ hành nghề gián điệp như chàng.

- Ông Kêvin?

Người lạ gióng tiếng hai lần Văn Bình mới nghe thấy. Chàng giật bắn người, quay lại:

- Vâng, tôi đây.

Trong thời gian qua, Văn Bình mắc một chứng bệnh mới, bệnh đãng trí. Chàng đã tự nhủ nhiều lần “mình là Kêvin, mình là Kêvin” thế mà vẫn quên, phải gọi hoài, gọi mãi chàng mới nhớ. Kể ra trong quá khứ Văn Bình cũng thường quên như vậy. Nhưng dạo này có vẻ chàng quên nhiều hơn. Có lẽ vì con ma rượu, và nhất là con ma tình ám ảnh. Nhưng cũng có lẽ vì chàng bắt đầu khinh địch một cách tắc trách.

Nhiệm vụ đầu tiên của điệp viên khi đặt chân xuống đất lạ, đặc biệt là đất thù là phải nhớ tên mượn, và nhớ kỹ tiểu sử. Nhưng bài học nhập môn trong trường điệp báo đều dạy điều đó. Trên thực tế, nhiều điệp viên tây phương đã mất mạng oan uổng vì quên tên. Một thiếu tá trong C.I.A. giả làm diễn viên sân khấu của một quốc gia cộng sản Trung-Âu đứng đợi xe điện ngầm ở Mạc tư khoa đã bị xích tay, chở về khám đường Lubiănka, lãnh một viên đạn vào gáy vì nhân viên KGB gọi tên ba lần ngay bên tai mà không thưa. Một thương gia Anh kiêm nhân viên MI-6 cũng bị giết chết trong trường hợp tượng tự tại Tirana: y làm tình với một cô gái Anbani, nhân viên chìm của sở Mật vụ Sigurimi trong cơn say sưa, cô gái gọi tên y, y chỉ hờ hữ nên vô tình tiết lộ là y đội tên giả.

Mật vụ Sigurimi khét tiếng trên thế giới về thủ đoạn gọi tên người lạ bất thình lình để khám phá điệp viên tây phương ngụy trang. Sự ngạc nhiên của Văn Bình có thể là một dấu hiệu khiến mật vụ nghi ngờ.

Văn Bình vội che giấu sự sửng sốt bằng một nụ cười thật tươi. Cũng may sự biến đổi của chàng chỉ thoáng qua nên không bị để ý.

Kẻ gọi tên chàng là một người trung niên hơi lùn, nếu đối chiếu với tiêu chuẩn tây phương. Không những thấp, hắn còn mập nữa. Từ đầu xuống chân hắn chỉ là một khối thịt bèo nhèo, cái sọ dừa tròn như hòn bi ve đặt trên cái cổ cũng tròn, và dính vào tấm thân tròn lẳn. Chàng có cảm tưởng là hắn không có cổ. Nếu hắn không chìa ra bắt thì Văn Bình có ấn tượng hắn không có cả tay nữa.

Bất giác Văn Bình liên tưởng đến Bôrết, đến gã mật vụ đón chàng tại phi trường Mạc tư khoa, đến những nhân viên Nhà nước nghênh tiếp chàng tại phía sau bức màn sắt. Toàn thể đều giống như giọt nước. Giống nhau ở bộ y phục đen thùng thình ống quần rộng đã đành, áo vét-tông cũng rộng như thể áo mượn, thậm chí lưng quần còn rộng thêm hàng chục phân nữa. Nhưng giống nhau nhất là bề cao và bề ngang. Hầu hết đều không cao. Hầu hết đều to ngang. Và dường như họ chỉ ăn toàn thịt, toàn mỡ nên người nào cũng béo như cái chum. Và dường như họ trừ hao còn béo thêm nữa nên người nào cũng may áo rộng thêm hai, ba cỡ …

Nghĩ vậy Văn Bình mỉm cười.

Gã béo cũng cười theo. Hắn lắc bàn tay chàng thật mạnh rồi hỏi:

- Ông nghĩ đến ngày vui ở Mạc tư khoa phải không?

Văn Bình đáp:

- Vâng, vui lắm. Chỉ tiếc là tôi lưu lại có 24 tiếng đồng hồ ngắn ngủi.

- Ông là người Mỹ mà có óc trào lộng ghê. Chắc ông giận họ lắm!

- Ồ, ông cũng biết tin tôi bị chính phủ Liên sô làm khó dễ ư?

- Biết rất rõ. Cái gì chúng tôi chẳng biết. Chúng tôi thành thật khen ngợi ông. Trong thời gian ở đây ông sẽ thấy một sự đối xử hoàn toàn khác. Ông sẽ thấy chính quyền dân chủ nhân dân Anbani hoàn toàn khác bọn xét lại sô viết.

Phi đạo đã bắt đầu vắng. Sau khi đoàn công-voa mercédès biến dạng, đám đông nghênh tiếp cũng giải tán. Hàng trăm người với đủ nhạc khí cồng kềnh, với bọn thiếu nhi quàng khăn đỏ, hai tay nặng chĩu vòng hoa, đã biến đâu mất như có phép quỷ thuật.

Văn Bình cũng không nhìn thấy Vêlana và Khơrút đâu cả. Gã béo vỗ vai chàng:

- Mời ông ra xe.

Giờ đây chàng mới có thời giờ quan sát hắn. Mặt mũi hắn không đến nỗi hãm tài mặc dầu chỉ nhìn phớt qua ai cũng biết hắn là cớm thứ thiệt. Hắn đã lấy cái mũ dạ cầm tay, nhưng cái lối bẻ vành vũ hơi cong của hắn chứng tỏ hắn là mật vụ viên chuyên nghiệp. Mắt hắn hơi nhỏ, bất lợi khi nhìn xa, nhưng bù lại hắn có lỗ mũi lớn quá khổ, có thể đánh hơi mùi vị trong đường kính trăm thước. Tai hắn vểnh lên như tai chó bẹt-giê và cũng dài, cũng nhọn như thế. Dĩ nhiên hắn phải là người thính tai.

Chàng chỉ hơi phàn nàn cái miệng. Miệng đã nhỏ lại luôn luôn mím chặt, làn môi vừa mỏng lét vừa thâm sì. Mỏng môi là hạng người ăn gian nói dối. Mùi bạc hà từ răng hắn xông ra làm Văn Bình cười thầm. Ngậm kẹo bạc hà để đi đón khách ngoại quốc, hắn đã tỏ ra thận trọng và lịch sự hết mực. Hắn đã cứu chàng khỏi chết ngạt.

Hắn không tự giới thiệu, Văn Bình cũng không muốn hỏi tên hắn làm gì. Vì hỏi vô ích. Nếu bị hỏi dồn hắn sẽ khai tên láo. Và biết đâu hắn lại thắc mắc về tính tò mò của chàng. Hoạt động ở sau bức màn sắt phải biết kềm hãm tính tò mò.

Hắn bước về phía một chiếc xe hơi sơn đen đậu bên ngoài phi đạo. Anbani là đồng minh ruột thịt của Trung cộng có khác, xe hơi cũng từ Bắc kinh gởi sang, mặc dầu Âu châu là lò sản xuất hàng triệu xe hơi hàng năm.

Nhìn qua Văn Bình biết là xe Fan Hoan. Nghĩa là Phượng hoàng. Tên là phượng hoàng mà nó chẳng có mảy may đức tính của chim phượng hoàng, nghĩa là hình thù đẹp đẽ và tốc lực phi thường. Về mã ngoài, có chỉ là sự cóp nhặt quê kệch và vụng về của chiếc mercédès 15 năm trước, kiếng chắn gió vuông vức, phẳng lì không cong tròn như các kiểu xe hơi thời thượng, cẳng nó lại cao lên nghiêu, còn cao hơn cả xe Rolls nữa. Văn Bình chưa được ngồi trên xe Fan Hoan vì mỗi năm kỹ nghệ Hoa lục chỉ sản xuất được vẻn vẹn 500 chiếc tại nhà máy Thượng hải cũng như 50 chiếc Hongshi sang trọng sản xuất tại Mãn châu hàng năm, và chỉ dành riêng cho các quan to.

Nệm xe được bọc bằng vải kaki vàng khiến bộ mã của nó đã ảm đạm càng ảm đạm thêm. Gã béo mới đặt đít, nệm xe đã lún xuống. Ông nhún và lốp xe có vẻ không đủ sức để chịu đựng khối thịt nặng nề của hắn. Hắn choán gần phân nửa băng sau, Văn Bình đành nép một bên.

Miệng hắn bô bô:

- Ông đã có dịp đi xe Fan Hoan này chưa? Tốt dáo để. Tốc lực của nó có thể tới 150 cây số-giờ.

Văn Bình gật gù:

- Chưa. Đây là lần thứ nhất. Thật là hân hạnh cho tôi. Máy nó nổ êm ghê!

Gã béo híp mắt:

- Tôi sẽ dành riêng cho ông một chiếc Fan Hoan để đi thăm danh lam thắng cảnh trong thành phố. Ông mới đến Tirana lần thứ nhất chứ?

- Vâng, lần thứ nhất.

- Ồ, chắc ông sẽ mất nhiều thời giờ cho các danh lam thắng cảnh. Ông đừng ngại chúng tôi có bổn phận săn sóc ông được chu đáo.

Văn Bình lên tiếng cám ơn. Chàng đã biết thế nào là “bổn phận săn sóc” của mật vụ Sigurimi.

Xe đã chạy ra khỏi phi trường.

Gã béo nói đúng thật! Fan Hoan là xe hơi “tốt đáo để”. Chưa ra khỏi phi trường tài xế đã xả hết tốc độ. Chàng liếc nhìn đồng hồ tốc độ: 130 cây số. Đối với xe hơi tây phương thì trên xa lộ chạy 130 là thường. Nhiều lần Văn Bình đã chạy trên 200. Nhưng đối với chiếc Fan Hoan thì 130 cây số giờ đã là một thành tích ghê gớm, vì bốn bánh nó chồm lên, lạng sang trái, sang phải, vỏ xe kêu ầm ầm như bị xút hết đinh ốc và long hết mối hàn. Văn Bình phải nắm lấy cái tay cầm trên cửa để khỏi bị lúc lắc.

Có lẽ muốn khoe khoang kỹ thuật ráp xe hơi của đồng minh Trung hoa nên tài xế đã không ngần ngại đùa với tử thần. Nhưng nghĩ kỹ thì con đường từ trường bay về trung tâm thành phố, tuy không tốt lắm, cũng có thể chạy trên 200 cây-số giờ một cách dễ dàng.

Vì lẽ chiếc Fan Hoan gần như là chiếc xe duy nhất. Chốc chốc mới có một chiếc xe chạy ngược chiều. Không một chiếc nào bóp kèn điếc tai sau lưng, cũng không một chiếc nào vù vù qua mặt. Bỗng dưng Văn Bình nẩy ra ý muốn ở lại Tirana. Chàng vốn thích lái xe nhanh, thật nhanh nhưng chưa có dịp. Trên thị trường xe đua quốc tế đã có những chiếc chạy được 300 cây số-giờ trở lên. Mỗi khi cơn ghền tốc độ nổi dậy trong lòng, Văn Bình đành phải dằn xuống vì đường xá ớ Á châu, và ngay cả ở Mỹ châu cũng không cho phép phóng đến 300. Năm thì mười họa Văn Bình mới được diễm phúc nhìn cây kim đỏ vượt qua con số 300. Những lần ấy là ở Âu châu, trên những đoạn đường ngắn dành cho cua-rơ xe hơi, hoặc là xa lộ riêng do các công ty xe hơi thiết trí để thí nghiệm thần mã cơ khí.

Được ở Tirana, chàng sẽ tha hồ chơi xe. Nếu cần, chàng sẽ yêu cầu nhà cầm quyền cấm lưu thông trên vài ba trăm cây số để cho chàng trổ tài.

Gã béo hét vào tai chàng:

- Núi Dajti đấy, ông thấy không?

Văn Bình bừng tỉnh mộng. Qua những cánh đồng và nhà máy dọc hai bên xa lộ, xe bắt đầu chạy vào ngoại ô thủ đô Tirana. Thành phố Tirana nằm phía trước rặng núi Dajti tuyệt đẹp.

Tài xế đã lái vào thành phố. Cũng như khi ở xa lộ, tài xế không phải bóp kèn. Tuy nhiên, hắn cũng giảm tốc độ. Văn Bình đâm ra thương hại và khâm phục giới tài xế Sài gòn. Trời nóng như thiêu như đốt, từ sáng đến trưa ngồi sau vô-lăng, chưa được ăn cơm, chưa được uống nước, bụi đường bay tối mù, mùi ét-xăng từ hàng ngàn ống sáp-măng xông ra nghẹt mũi, nhức đầu mà còn phải bóp kèn lia lịa, càng bóp lại càng thấy xe hai bánh hiện ra lúc nhúc, càng thấy thiên hạ phớt tỉnh, không thèm nghe … Tài xế Tirana cũng như của các thủ đô cộng sản sẽ thất nghiệp nếu bị đưa qua Sài gòn làm nghề … tài xế. Nếu không thất nghiệp thì họ sẽ vào khám Chí hòa về tội gây tai nạn lưu thông …

Xe lướt qua tòa nhà Quốc hội. Sau cùng đến một đại lộ rộng thênh thang. Cuối đại lộ là công trường Scanderbeg. Cũng như quảng trường Ba Đình ở Hà nội, đây là một trục lưu thông bát ngát được dùng làm địa điểm mét-tinh hoan hô và đả đảo. Văn Bình nhận thấy các thủ đô cộng sản có nhiều nét giống nhau. Thủ đô nào cũng có một quảng trường mênh mông ở trung tâm, đủ rộng để chứa hàng nửa triệu người. Và ở quảng trường này chắc chắn phải có một bức tường đại lãnh tụ.

Sừng sững trước mắt Văn Bình là bức tường đặt trên bệ cẩm thạch đồ sộ của Sít ta Lin. Nhà độc tài sô viết án ngữ một khoảng đất lớn của quảng trường. Trong khi mọi bức tường và chân dung của họ Sít bị tháo gỡ tại Liên sô thì chính phủ Anbani lại tiếp tục tôn sùng.

Văn Bình có thể không nhìn thấy tượng Sít ta Lin, nhưng không thể không nhìn thấy chân dung Enver Hoxha, lãnh tụ “vĩ đại” của cộng hòa dân chủ nhân dân Anbani. Hàng chục bức hình của Hoxha được đặt hoặc treo chễm chệ trên khắp quảng trường, ở đâu cũng có, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái Văn Bình nhìn phía nào, quay mặt ra phía nào cũng thấy, và có cảm tưởng là Hoxha đang giương cặp mắt thao láo theo dõi mọi phản ứng của chàng.

Trước ngày lên đường Văn Bình đã đọc kỹ lý lịch của Hoxha. Từ năm 1946, Hoxha là đại lãnh tụ của Anbani. Dưới quyền Hoxha, mật vụ địa phương đã trở thành một cơ quan vô cùng hữu hiệu. Nhân viên gián điệp tây phương sợ mật vụ Hoa lục chừng nào thì cũng sợ mật vụ Anbani chừng nấy. Chàng lẩm bẩm một mình:

- Vậy mà mình đến tận nơi!

Ngồi bên, gã béo cựa mình làm chiếc Fan Hoan rung chuyển dữ dội:

- Phải, đến nơi rồi.

Ý hắn muốn nói đến khách sạn Dajti. Khách sạn này do người Ý xây cất được coi là một kỳ quan ở Tirana, vì ở đó cái gì cũng lớn nhất, đắt nhất và sang nhất. Chỉ có ngoại kiều, và phải là ngoại kiều tư bản mới dám léo hánh tới đó vì tiền phòng cũng như tiền ăn uống đắt ngoài sức tưởng tượng của dân chúng trong xứ.

Tòa nhà đã rộng lớn, khách trọ lại ít – vì được đành cho yếu nhân – nên đứng ngoài trông vào nó càng rộng lớn thêm, như thể không có người ở.

Chiếc Fan Hoan đậu xẹt trước lữ quán. Văn Bình mừng khắp khởi khi thấy đoàn xe Mercédès dài ngoằng. Phái đoàn bác học Trung hoa vừa xuống. Họ ngụ tại đây làm công tác của chàng trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, chàng quan tâm đến công tác thì ít ( vì đâu phải là công tác của chàng ) mà là quan tâm đến Chu-Ling thì nhiều. Nụ cười, luồng mắt chan hòa ý nghĩa của nàng đã báo chàng biết là nàng có thiện cảm với chàng. Từ thiện cảm đến yêu đương chỉ là một quãng đường ngắn.

Gã béo lạch bạch xuống xe. Một thanh niên tầm thước đợi sẵn ngoài cửa khách sạn chạy lại. Hắn nói nhỏ vào tai gã béo.

Gã béo quay lại Văn Bình:

- Như ông đã rõ, tôi là cộng sự viên của đồng chí thứ trưởng bộ Ngoại thương Mêlét. Ngày mai đồng chí thứ trưởng sẽ tiếp ông. Nhân tiện giới thiệu với ông một cộng sự viên của tôi.

Cộng sự viên, cộng sự viên … ở đâu cũng thấy toàn là cộng sự viên, tại sao hắn không nói quách rằng cả Mêlét, lẫn hắn và tên cộng sự của hắn đều ăn lương của mật vụ thần kinh quỷ khốc Sigurimi?

Gã thanh niên cúi đầu chào Văn Bình. Chào xong hắn mới rón rén chìa tay ra bắt. Trông hắn, ai cũng tưởng hắn là con người khiêm tốn và hiền hậu nhất thế giới. Nhưng Văn Bình không thể tưởng lầm như vậy được. Tròng mắt hắn, cử chỉ nhún nhường giả tạo của hắn đã tiết lộ cho chàng biết hắn là nhân viên an ninh giàu kinh nghiệm, còn giàu kinh nghiệm gấp hai gã KGB theo chàng như hình với bóng ở Mạc tư khoa.

Gã thanh niên nói bằng tiếng Anh giả cầy:

- Tôi có nhiệm vụ giúp đỡ ông về mọi mặt. Ông cần gì, xin cứ cho tôi biết, tôi sẽ làm ông vừa lòng ngay.

Văn Bình định xỏ “anh có em gái nào kháu khỉnh ông, tôi cần cái khoản ấy lắm”, nhưng lại lên tiếng cám ơn. Vì nếu chàng vòi vĩnh, hắn sẽ tìm cách thỏa mãn. Có thể hắn dẫn em gái của hắn đến phòng chàng thật, nhưng cô ả cũng lại là nhân viên mật vụ. Biết đâu hắn chẳng giới thiệu một cô gái lầu xanh, mà giới làm tiền ở Tirana lại khét tiếng về bệnh hoa liễu … Tham ăn để rồi phải uống trụ sinh hàng kí, phải vào dưỡng đường của Sở ở Sài gòn để điều trị thì nguy. Các nữ nhân viên Biệt vụ, trong số có Thu Thu, Nguyên Hương, Quỳnh loan sẵn sàng tha tội trăng hoa cho chàng, nhưng chắc sẽ không bao giờ sẵn sàng đón tiếp một đại tá Z 28 mắc bệnh … tình, căn bệnh ghê tởm nhất đối với giai nhân thượng lưu.

Gã béo đã lủi đầu mất. Té ra hắn chỉ có trách nhiệm hộ tống chàng từ sân bay về đến lữ quán. Từ phút này trở đi là trách nhiệm cũa gã thanh niên tầm thước.

Hắn trạc độ 25, 26, cái tuổi không già cũng không trẻ. Đối với các hoạt động thương trường hoặc kỹ nghệ thì 25 tuổi là còn non, song trong ngành điệp báo thì đó là tuổi lớn. Phần lớn nhân viên gián điệp đều chết hoặc giải nghệ trước khi quá 30.

Thân thể và diện mạo hắn không có nét nào đặc biệt. Văn Bình không thể đặt tên cho hắn là gã béo hoặc gã gày. Mọi bộ phận trên người hắn đều thuộc cỡ trung bình, không cao không thấp, không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, không nặng cũng không nhẹ. Hắn có bộ mã tầm thường cũng như hàng ngàn, hàng vạn nhân viên an ninh lão luyện khác trên thế giới. Chính sự tầm thường ấy lại rất nguy hiểm.

Điểm đặc biệt duy nhất trên mặt hắn là một vết thẹo. Vết này không lấy gì làm lớn. Nó nằm khuất dưới vành tai, phải quan sát kỹ mới nhìn thấy.

Không biết tên hắn, Văn Bình đành đặt tên hắn là “gã thẹo” vậy.

Gã thẹo xun xoe dẫn đường. Văn Bình định xách cái va-li đựng quần áo lên thì một nhân viên khách sạn ốm o le te chạy ra. Hắn lẩn trốn ở đâu mà bây giờ mới thấy mặt. Muộn còn hơn không, vì được bồi xách va-li là hên lắm rồi. Tại các quốc gia cộng sản, vấn đề xách va-li cho khách được coi là xa xỉ phẩm hạng nhất. Nhiều khi còn được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia nữa là khác. Trong những dịp hoạt động tại Hà nội, Văn Bình đã phải xách hành lý lên lầu, xuống lầu mỏi tay, è cổ.

Tên bồi có vẻ không được ăn no nên ì à ì ạch mới vác nổi cái va-li mà Văn Bình chỉ cần một ngón tay là rón lên được. Mặt hắn rám nắng nhưng vẫn xanh mét. Mặt trời ở công trường chỉ có thể đốt cháy làn da chứ không che giấu được vẽ thiếu ăn và bệnh hoạn. Dân Anbani là dân nghèo nhất, cực nhất trong đám chư hầu cộng sản Đông-Âu.

Gã thẹo đã vọt lên cầu thang từ trước. Văn Bình hơi ngạc nhiên khi thấy hắn quên mở cửa thang máy. Té ra cái bệnh thang máy hỏng là bệnh chung của toàn thể thế giới “xã hội chủ nghĩa”.

Thấy chàng dán mắt vào cái thang máy đồ sộ, kền sáng bóng, tên bồi cười một cách thiểu não:

- Phiền ông dùng cầu thang thường vậy.

Văn Bình cũng cười:

- Thang máy hư?

- Thưa ông. Hôm qua nó mới hư. Còn hôm nay thì điện hư.

- Còn mai? Liệu nó còn hư nữa không?

Tên bồi không hiểu rằng chàng có ý châm biếm tàn nhẫn. Nên trả lời một cách hiền lành:

- Ồ, một tháng 30 ngày thì nó được nghỉ 25 ngày. Nó còn sướng hơn chúng tôi gấp chục lần.

- Tại sao không thay máy mới?

- Vì cái thang máy khốn nạn này chỉ có mã ngoài là mới, bên trong là động cơ do Liên sô chế tạo. Từ năm 1961, đồng chí chủ tịch Hoxha tẩy chay bọn xét lại Liên sô thì bộ phận thay thế thang máy cũng hết.

Hai người đã lên đến nửa cầu thang. Gã thẹo đã tới lầu trên từ nãy. Giờ đây chỉ có Văn Bình và tên bồi. Chàng lấy trong túi ra tờ 10 đô-la xòe rộng ra, áp vào mắt hắn. Buộc-boa 10 đô-la cho bồi phòng là chuyện quá thường đối với Văn Bình. Nếu bồi phòng là hoa thơm của giống cái, đã có lần chàng buộc-boa ba, bốn tờ giấy trăm đô-la một lúc. Đó là tặng không. Trong trường hợp có này nọ, tiền tặn, có thể lên đến cả ngàn.

Anbani xài một loại tiền gọi là đồng lek. Cứ 5 đồng lek ăn một đồng đô-la. Giỏi lắm tên bồi được lãnh hai ba chục lek một tháng. Nghĩa là 10 đô-la tương đương với hai tháng lương của hắn.

Trước tờ bạc xanh thơm phức, mắt hắn đang ti hí vì sợ ánh sáng bỗng mở toét ra. Miệng hắn cũng loe tròn như cái ống nhổ. Văn Bình thấy tay hắn run run, chân hắn run run, toàn thân hắn đều run run. Chắc hắn từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay hắn chưa khi nào được khách thưởng một món tiền lớn như vậy.

Hắn nói không ra hơi:

- Thưa, ông cho tôi?

Văn Bình nhét vào túi trên của hắn:

- Ừ, cho anh đấy.

- Thưa, ông cho cả?

- Ừ, chẳng lẽ bắt anh xé lại một nửa.

- Thưa, đó là 10 đô-la Mỹ.

- Ừ, đúng 10 đô-la.

- Ông cho cả 10 đô-la.

- Dĩ nhiên là cho cả. Tại sao anh hỏi đi hỏi lại ngây ngô như thế?

Hoảng hốt, hắn rút tờ bạc ra khỏi túi áo trên đút thật nhanh vào trong cạp quần. Hắn đã tỏ ra có khá nhiều kinh nghiệm. Tại Anbani, chỉ trò truyện với ngoại nhân cũng đủ bị tù. Trên khắp nước có chừng 15 trại giam. Dân số chưa tới 2 triệu mà gần 90.000 người bị tù, và gần 9.000 người chết trong tù, kể ra đó cũng là một thành tích đáng ghi nhớ. Tại nhiều vùng trong xứ, luật pháp còn dùng roi vọt làm hình phạt. Hình phạt thường thấy nhất là một viên đạn vào gáy. Nửa đêm về sáng, một chiếc xe hơi đậu xịch trước cửa, nạn nhân bị lôi đi, và không bao giờ trở về nửa. Nạn nhân không hề bị đưa ra tòa để xét xử hoặc lãnh án. Mà chỉ bị đưa vào trụ sở Sigurimi, thẩm vấn qua loa rồi ăn đạn.

Phòng của Văn Bình ở lầu nhất. Gã thẹo đã mở cửa sẵn, và đợi bên ngoài.

Tên bồi khúm núm xách va-li vào trước. Văn Bình đoán chắc hắn phải là nhân viên mật vụ. Chàng đã đánh một nước cờ dò đường, tuy nhiên chàng không sợ thua vì quan sát vẻ mặt của tên bồi sau khi nhận tiền chàng biết hắn sẽ không báo cáo với cấp trên. Kinh nghiệm cho thấy những chế độ độc tài nghiệt ngã nhất cũng là những chế độ dễ hối lộ nhân viên công lực nhất.

Tên bồi lại khúm núm bước ra ngoài. Gã thẹo mở cửa sổ, hít một hơi dài rồi nói:

- Có lẽ phòng ở Dajti không sang trọng bằng phòng khách sạn bên Mỹ, nhưng xin ông tin rằng sự chiêu đãi ở đây nồng hậu hơn. Có nước lạnh, nước nóng đủ cả. Có cả điện thoại trong phòng. Ông có thể nói tiếng Anh với điện thoại viên. Tôi sẽ túc trực ngày đêm ở dưới nhà. Ông cần gì, cứ cho tôi biết.

- Tên tôi là Kêvin, còn ông?

- Baki. Xin ông cảm phiền, phòng này lâu ngày không có người ở cửa đóng im ỉm, lại ít lau chùi nên thoang thoảng có mùi mốc. Nhưng chỉ mở cửa một lát là hết. Tôi sẽ sai bồi bơm nước thơm cho ông. Ông đã đói chưa?

- Cám ơn ông. Nếu ông ở vào địa vị tôi, ông sẽ biết là tôi không đói mặc đầu bao tử còn rỗng.

- Tôi hiểu rồi. Mọi du khách mới đến lần đầu đều nói như ông. Ông nóng ruột muốn ra đường để viếng thăm phố sá chứ gì?

- Ông quả là người sành khoa tâm lý. Ông tính, từ Mỹ đến đây đã xa, tôi lại phải đi từ Hạ uy di đến Mỹ rồi từ Mỹ mới đáp phi cơ qua Âu châu. Trong số đồng bào tôi ở Hạ uy di, có lẽ tôi là người thứ nhất được vinh dự đến thăm cộng hòa Anbani. Tôi phải đi thăm thật nhiều nơi để về kể lại cho gia đình và bè bạn …

- Cái đó, ông hoàn toàn yên tâm. Như đồng chí phụ tá nói hồi nãy, bộ Ngoại thương để sẵn chiếc Fan Hoan ngoài cửa khách sạn cho ông xử dụng. Chỉ phiền một nỗi là ông chưa quen đường sá lại không biết nói tiếng nước tôi nên lái xe một mình bất tiện. Chúng tôi đã lo liệu tài xế cho ông. Ông muốn đi đâu tùy ý. Còn như ông muốn đi bộ chơi để thở hút khí trời thì cứ tự tiện. Xin ông nhớ giùm Anbani là Anbani, không phải là Liên sô. Chúng tôi không khắc nghiệt với du khách tây phương như Liên sô đâu. Thôi bây giờ tôi xin kiếu từ vì ông đi xa, trong người chắc mệt mỏi, ông cần tắm rửa và nghỉ ngơi một lát.

Hắn rối rít bắt tay chàng. Chàng tiễn hắn ra ngoài cửa rồi mới trở vào. Theo kinh nghiệm, chàng không khóa cửa mà chỉ khép hờ. Như vậy để nhân viên mật vụ có thể mở ra bất cứ lúc nào họ muốn.

Chàng cũng không cần khom lưng nhìn dưới giường, phía sau vách tủ để tìm kiếm mối dây ghi âm nữa. Vì chắc chắn là mọi căn phòng đều bị ghi âm.

Tì tay vào cửa sổ Văn Bình nhìn xuống đường. Khách bộ hành ở Mạc tư khoa đã ít, ở đây còn ít hơn, ít đến nỗi chàng cảm thấy cô đơn và buồn tênh như lủi thủi một mình trên sa mạc mênh mông.

Đến khi quay lưng lại chàng đã thấy tên bồi ngoan ngoãn đứng chờ. Chàng chép miệng:

- Buồn quá!

Hắn nhe răng cười:

- Thưa, tài xế đã lái xe đến. Mời ông dạo quanh thành phố một lát.

Văn Bình thắt cái cà-vạt mới màu xám vào cổ:

- Dạo xe đã chán, mà dạo một mình còn chán hơn nữa. Ở nước tôi, ít khi du khách đi một mình.

- Đồng chí Baki sẽ cùng đi, nếu ông muốn.

- Đi với Baki thà ở trong phòng còn hơn. Người Mỹ chúng tôi có thói quen đi chơi với đàn bà. Trong khách sạn có cô thư ký nào xinh xắn không?

- Thưa, xin ông nói với đồng chí Baki. Việc này ở trên thẩm quyền của tôi.

- Vậy thì tôi gõ cửa từng phòng để mời nữ du khách đi chơi với tôi cũng được.

- Thưa, không được đâu.

- Tại sao? Baki nói là tôi được hoàn toàn tự do kia mà …

- Thưa, tôi nói như vậy không có nghĩa là cấm đoán ông. Mà vì ở tầng thứ nhất này chỉ có một mình ông.

- Chỉ có một mình tôi ở tầng nhất? Còn các du khách khác?

- Thưa, tôi không biết. Tôi chỉ phụ trách ở tầng lầu nhất.

- Nghe anh nói, tôi buồn phát thối ruột.

Chàng định hỏi phái đoàn bác học Trung hoa ở tầng lầu mấy song chợt nhớ đến máy nghi âm trong phòng nên lặng thinh. Chàng bèn rón rén bước ra hành lang đóng cửa lại. Tên bồi vội vã theo sau.

Chàng dí một tờ 20 đô-la mới tinh vào má hắn:

- Anh còn thích đô-la nữa không?

Hắn thở ra một cái nhẹ:

- Thưa, tiền thì ai chẳng thích.

- Vậy, anh cầm lấy.

Không đợi chàng nhắc lại hắn đã dùng phép quỷ thuật cất biến tờ bạc vào cạp quần. Xong xuôi hắn mới ghé tai chàng:

- Ông cần gì?

Chàng cũng thì thầm đáp lại:

- Đàn bà.

- Chuyện này hơi khó, nhưng nếu ông chờ đến đêm em có thể lo liệu được. Thỉnh thoảng gặp khách tốt, các cô thư ký ở đây cũng làm thêm giờ phụ trội. Giá cả không lấy gì làm đắt.

- Bao nhiêu?

- Tùy theo trường hợp. Chẳng hạn cô phụ trách tổng đài còn trẻ, mới 20 xuân xanh, chưa chồng, lại đẹp nên đòi giá cao, 15 lek một lần, và khách phải là đàn ông khôi ngô, khỏe mạnh như ông, già nua và ốm yếu thì đừng hòng, xấu trai thì trả 100 lek cô ta cũng không thèm đến. Nếu ông không chú trọng đến sắc đẹp mà chỉ cần kinh nghiệm thì có hai cô thư ký trong ban giám đốc. Tối đa là 5 lek. Những ngày lãnh lương thì có thể cao hơn đôi chút. Ông có thể trả 3 lek cũng được.

- Chắc hai cô này phải là gái già …

- Khoảng 32, 33 gì đó.

- Bên ngoài anh có quen ai không?

- Quen thì quen nhiều, nhưng mang vào trong khách sạn không được. Chẳng dám giấu ông …

- Hiểu rồi. Hoạt động mãi dâm của nữ nhân viên khách sạn được Sigurimi cho phép.

- Không hẳn như vậy. Trung ương không hề cho phép. Đó chỉ là sáng kiến của ban giám đốc. Để cho nữ nhân viên kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, tuyệt đối họ không được ngủ với người bản xứ. Họ chỉ được phép ngủ với du khách ngoại quốc. Ông muốn không? Tôi đưa ảnh ông xem. Đây là ảnh của cô phụ trách tổng đài điện thoại.

Tên bồi “ma cô” chìa cho Văn Bình xem ba tấm ảnh đen trắng cở 6 x 9, cất trong bót-phơi. Vì là ảnh đen trắng nên chàng không biết được da dẻ nàng ra sao. Nhưng căn cứ vào những đường nét trong hình, cô bé tổng đài điện thoại cũng không đến nỗi là hạng xoàng. Nếu là ở Sài gòn thì nàng có thể được tuyển mộ vào các ổ nhện thượng lưu từ ba bốn ngàn bạc trở lên. Trong cả ba tấm ảnh, nàng đều mặc đủ quần áo, chứ không khỏa thân như trong an-bom của các khách sạn ăn chơi. Tuy nhiên, áo quần của nàng đều thuộc loại mỏng dính và lõa lồ nên du khách có thể quan sát tường tận món hàng trước khi mua sắm.

Giá không bận việc Văn Bình đã xỉa ngay 6 đô-la, nghĩa là 30 lek để thuê cô vợ đẹp Anbani, 6 đô-la, cho dẫu giá chợ đen ở Sài gòn là hơn 200 đi nữa thì mới có 1.200, còn rẻ chán! Những biệt thự kiêm thanh lâu ở Sài gòn đều đòi giá cắt cổ mà đôi khi lại cung cấp vi trùng nữa. Dầu sao gái Sigurimi cũng có bảo đảm hơn …

Nhưng công việc trên hết, Văn Bình chỉ mượn câu chuyện chơi hoa để bước sang một đề tài khác. Chàng bèn nhăn mặt:

- Cũng tàm tạm thôi. Anh có thể kiếm người nào khá hơn cô này nữa không?

Hắn liếm mép:

- Thưa, cô này là hạng nhất rồi.

- Hừ, so sánh với cô con gái rượu của bác sĩ Chu-Yao thì chỉ là ma mút đứng cạnh thần Vệ nữ.

Tên bồi trợn tròn mắt:

- Trời đất quỷ thần ơi, ông muốn nói đến cô Chu-Ling ư?

- Phải, người đẹp Trung hoa Chu-Ling.

- Tôi không dám so sánh như vậy.

- Tại sao?

- Vì cô Chu-Ling là thượng khách của chính phủ, và đang học tại trường đại học Tirana.

- Về cơ khí?

- Vâng, chỉ còn một năm nữa thì tốt nghiệp. Không ngờ ông là du khách mới đến mà biết rõ đến thế. Nếu ông cho phép tôi khuyên nhủ thì tôi sẽ mong ông tránh xa.

- Bông hoa đã có chủ?

- Không, nàng vẫn còn son giá. Nhưng chiếm được trái tim nàng khó lắm. Nhiều nhân vật trong chính phủ đã có cảm tình sâu đậm với nàng song đều thất bại, hoàn toàn thất bại. Chu-Ling không hề yêu ai.

- Nàng sẽ yêu tôi.

- Tôi can ông lần nữa. Dầu sao tôi trò truyện với ông thế này đã là quá nhiều. Cấp trên có thể sẽ quở trách tôi.

- Quở trách là ít. Anh còn có thể ăn đòn nữa nếu cấp trên biết anh nhận của tôi 30 đô-la.

- Thôi, tôi xin trả lại ông.

- Trả lại vô ích, dầu sao anh cũng đã cất vào túi, và tôi đã dứt khoát biếu anh. Tôi không nói với ai đâu mà anh sợ. Chóng ngoan, tôi còn cho anh thêm nữa.

- Ông muốn biết số phòng của Chu-Ling?

- Giỏi lắm. Phòng nàng số mấy?

- Số 308, lầu 3.

- Đây nầy, cầm lấy 20 đô-la. Vị chi 5 chục. Tán hươu tán vượn trong 5 phút mà được 50 đô-la, anh quả là người tốt số.

- Cám ơn ông. Ông cần gì, dầu khó khăn đến đâu tôi cũng xin giúp đỡ.

Tên bồi “ma cô” vái chàng một cái thật dài rồi bước lùi một quãng trước khi quay lưng lại, tiến lại cầu thang. Các quốc gia cộng sản thường tự hào tận diệt được lề lói nô lệ, nhưng trên thực tế lề thói nầy lại phát triển mạnh mẽ hơn ở nơi nào khác dưới thế lực của đồng tiền. Theo kinh nghiệm Văn Bình biết là có thể làm được nhiều việc với giá trị ghê gớm của ngoại tệ đô la tư bản. Chính vì kinh nghiệm này mà các phi công thám thính bay trên vùng trời sau bức mán sắt đều mang theo một cái túi riêng đựng tiền vàng, đồng hồ vàng và … đô-la Mỹ để mua chuộc dân chúng bản xứ trong trường hợp phải đáp xuống.

Văn Bình huýt sáo miệng bước vào phòng tắm. Nếu nhân viên Sigurimi theo dõi chàng bằng máy ghi âm họ sẽ không nghi ngờ vì họ luôn luôn cho rằng du khách tây phương, nhất là du khách Mỹ, thường mắc bệnh huýt sáo miệng điếm đàng.

Chàng cởi quần áo, đứng dưới hoa sen, những giọt nước lăn tăn đang rớt xuống vai chàng thì cửa phòng tắm mở ra. Kẻ đột nhật vô lễ này là Khơrút, nhân viên KGB.

Hắn đon đả:

- Chào anh Kêvin. Chà, thân hình anh đẹp ghê! Trách nào đàn bà con gái chẳng mê anh như mê thuốc phiện!

Văn Bình nhìn ra phòng ngoài:

- Tôi đã khóa cẩn thận, anh vào đây bằng cách nào?

- Bằng chìa khóa.

- Anh coi chừng, họ biết được thì nguy.

- Thành thật cám ơn anh. Khơrút này đã nổi tiếng về đức tính chu đáo.

Văn Bình đưa ngón tay lên môi:

- Suỵt. Yêu cầu anh giữ miệng.

Khơrút cười ha hả:

- Chà … anh định lo giùm cả cho nhân viên KGB nữa hả?

Văn Bình hốt hoảng:

- Nói nhỏ chứ. Có máy ghi âm trong phòng.

- Dĩ nhiên. Mọi khách sạn ở Tirana đều có máy ghi âm bí mật. Cũng như ở Mạc tư khoa vậy. Nhưng tôi đã có cách làm cho máy ghi âm của Sigurimi không thu, không phát được gì cả.

- Anh đã gỡ ống loa ghi âm?

- Điên. Trừ phi là điên mới làm như vậy. Tắm xong, anh ra phòng ngoài kiểm soát lại xem. Mọi ống loa, mọi mối giây đều còn nguyên.

- Các anh đã gài được nhân viên trong ban an ninh Sigurimi tại khách sạn?

- Phải, anh bắt đầu khôn rồi đấy. Tôi đã ra lệnh cho họ rút phit ghi âm trước khi tôi đến.

- Các anh giỏi thật.

- Ồ, KGB giỏi hơn Sigurimi một trời một vực. Già dặn như C.I.A. của anh mà còn phải học hỏi chúng tôi thì bọn Sigurimi chỉ là con nít măng sữa đối với chúng tôi.

- Anh gặp tôi về chuyện gì? Anh nói ngay đi kẻo bọn mật vụ đến tìm tôi thì hỏng bét.

Khơrút nhìn đồng hồ tay:

- Đang còn chán thời gời. Anh cứ tắm đi.

Văn Bình nhăn mặt:

- Tôi không thích tắm trước con mắt tò mò của người lạ.

- Ồ, chúng mình đều là đực rựa cả mà.

- Vì là đực rựa nên tôi không khoái. Nếu anh là đàn bà thì tôi sẽ tha thiết mời anh lại xát xà bong và lau khô cho tôi.

- Vậy tôi sẽ ngồi chờ anh bên ngoài.

- Tôi có bệnh tắm rềnh rang có khi cả giờ chưa xong.

- Không hề gì. Anh cứ tắm cho sạch. Con gái Trung Hoa rất ghét bọn đàn ông ở bẩn.

- Anh đừng vội hy vọng. Tôi mới gặp Chu-Ling một lần trên phi cơ chưa hề được trò truyện với nàng. Đối với gái thanh lâu cũng phải hỏi han đưa đẩy, huống hồ nàng là con nhà thế gia lệnh tộc.

- Dưới chế độ cộng sản không có thế gia lệnh tộc. Chỉ có đàn ông và đàn bà. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ. Anh rất hợp với Chu-Ling. Nội đêm nay anh phải đến phòng nàng.

- Hừ … để bọn Sigurimi tống cổ vào khám à?

- Tôi không tin. Dầu sao anh cũng đã tốn 50 đô-la. Với 5 đô-la anh có thể làm chuyện tày đình ở đây phương chi 50 đô-la.

- Trời ơi! Té ra tên bồi khách sạn là nhân viên chìm của các anh.

- Chúng tôi không có tiền để trả lương cho những kẻ ươn hèn như tên bồi. Sở dĩ tôi nghe được cuộc đối thoại tâm tình là do nhân viên Sigurimi ghi âm.

- Khổ quá tôi cứ đinh ninh là họ chỉ ghi âm trong phòng.

- Cứ đinh ninh một cách dại dột như vậy thì chẳng mấy chốc mất mạng. Mai kia về nước, anh nên bỏ nghề này đi. Làm thư ký hãng buôn ít lương mà hơn.

- Tôi muốn bỏ nghề ngay từ Mạc tư khoa. Vì bị cưỡng ép nên tôi phải tiếp tục.

- Thôi, đừng giả vờ nữa. Trên thế giới đã có hàng vạn, hàng triệu đàn ông sẵn sàng lãnh án tử hình nếu được ngủ một đêm với giai nhân thơm tho Chu-Ling. Anh còn nhớ số phòng nàng không? Số 308, lầu 3. Tối nay, phái đoàn bác học sẽ tới dự tiệc do chính phủ khoản đãi. Chừng nửa đêm họ mới về khách sạn. Ai nấy sẽ say bí tỉ, và anh sẽ tha hồ …

- Tại sao anh dám đoán chắc là toàn thể phái đoàn Trung Hoa sẽ say bí tỉ?

- Giản dị lắm. Vì tôi đã nắm trong tay thực đơn của bữa dạ tiệc. Họ sẽ ăn cả thảy 8 món, món nào cũng bằng thịt cừu, và được nấu theo lối Thổ nhĩ Kỳ. Họ sẽ uống rượu Ý đại lợi, thứ Barôlô thật ngon nhưng nặng. Thịt cừu mà nhắm với rượu Ý thì tượng đá cũng say. Theo chương trình đã định đúng 11 g 45 họ sẽ rời bàn tiệc. Hẳn anh đã biết là mọi cuộc tiếp tân ở các nước xã hội chũ nghĩa đều được tính giờ đàng hoàng, không thể mãn trước giờ hoặc sau giờ đã định. Từ bàn tiệc về đến khách sạn đúng 15 phút. Độ nửa giờ sau là họ ngủ say sưa.

- Tôi sẽ lên phòng Chu-Ling hồi 12 giờ rưỡi?

- Phải. Đúng 12 giờ rưỡi. Chúng tôi sẽ bố trí cho tên cận vệ canh gác ở cầu thang đi chỗ khác khi anh lên phòng nàng. Anh sẽ làm cách nào để lưu lại với nàng đến gần sáng. Đến 5 giờ sáng. Giờ đó anh có thể xuống tầng dưới dễ dàng.

Văn Bình choàng khăn tắm vào người. Khơrút mân mê cái bàn chải đánh răng:

- Ngày mai Chu Yao sẽ lên đường tới địa điểm bí mật. Anh phải chinh phục Chu-Ling cho kỳ được đêm nay.

- Tôi xin cố gắng tận tình. Tuy nhiên, tôi chỉ sợ nàng không bằng lòng. Vì thời giờ quá gấp rút. Nếu các anh cho tôi chuẩn bị đầy đủ thêm nữa, tôi sẽ có nhiều hy vọng thành công.

- Chúng tôi đã chuẩn bị giùm anh. Bây giờ anh cứ thắng bộ cánh thật đẹp, leo lên xe Nhà nước dạo chơi một vòng thành phố rồi đi bộ một lát cho dãn gân cốt. Đúng 6 giờ chiều, anh hãy ra ngồi trên ghế đá công viên đối diện khách sạn.

- Để làm gì?

- Anh sẽ biết sau.

- Trong công viên có hàng chục ghế đá, anh muốn tôi ngồi trên chiếc nào?

- Chiếc nào cũng được.

- Tôi sẽ ngồi đến mấy giờ.

- Tùy theo tình thế. Tôi chưa thể cho anh biết rõ vì mọi việc có thể thay đổi vào phút chót. Mục đích của chúng tôi là tạo cơ hội cho anh gặp Chu-Ling và có thiện cảm sâu xa với anh.

Văn Bình đang lau khô bỗng giật mình để rơi khăn tắm xuống nền phòng:

- Giờ ấy nàng sẽ ra công viên, và …

Khơrút ngắt lời:

- Anh tò mò hơi nhiều. Tò mò là điều cấm kị đối với nhân viên KGB.

- Tôi không phải là nhân viên KGB.

- Song tương lai anh, tính mạng anh, hoàn toàn nằm trong tay KGB. Thôi, đến giờ tôi phải từ giã khách sạn rồi. Chúc anh may mắn … Tuy tôi là thượng cấp trực tiếp của anh tôi lại muốn được làm thuộc viên, với bất cứ giá nào. Anh hiểu tại sao không? Tại vì Chu-Ling … Chưa khi nào trên thế giới lại xảy ra tình trạng KGB, cơ quan điệp báo hùng hậu nhất hoàn vũ, huy động hàng trăm nhân viên từ Liên sô đến Anbani để bố trí cho một cô gái tuyệt đẹp của môt quốc gia xã hội chủ nghĩa thù nghịch ngả vào lòng một gã đàn ông làm việc cho Tình báo tư bản chủ nghĩa C.I.A. … Anh là người có diễm phúc vô tiền khoáng hậu.

Văn Bình chưa kịp đáp Khơrút đã xập mạnh cánh cửa, nện đế giầy bước ra ngoài. Thái độ của hắn chứng tỏ một sự tự tin kiên cố, gần như bất chấp thiên hạ.

Đặc điểm của đời sống phía sau bức màn sắt là sự im lặng. Nếu người tây phương có cái thù đóng cửa thật mạnh thì ngược lại người Nga lại chỉ đóng cửa rụt rè dường như tiếng động lớn làm cho thần kinh hệ của họ bị xúc động dữ đội. Đi ngoài đường, trèo thang gác, người Nga cũng rón ra rón rén. Vậy mà Khơrút đập cửa kêu sầm và gõ giầy lộp cộp … Hắn nói đúng, mật vụ Sigurimi nguy hiểm thật đấy, song chỉ nguy hiểm đối với ai kia, còn đối với KGB thì chỉ bằng muỗi tép.

Nếu vậy, tại sao KGB lại lao tâm khổ trí đưa một điệp viên C.I.A. vào “vòng chiến” ở Anbani?

Văn Bình mỉm cười một mình. Chàng mỉm cười là để tự thưởng công, nhưng cũng để tỏ thái độ với tên bồi quen thuộc vừa xô cửa. Vừa bước vào, hắn vừa ra hiệu cho chàng. Chàng vỗ vai hắn:

- Đừng sợ nữa. Máy ghi âm đã hỏng rồi.

Hắn lùi lại một bước:

- Tại sao ông biết?

Văn Bình nói giọng thân mật:

- Đùa dai làm gì, anh bạn! Thú thật quách đi cho rồi. Trong lúc chúng tôi trò truyện, anh đứng ngoài canh phòng phải không?

Hắn thở dài (tiếng thở dài còn ảo não hơn là tiếng thở dài của ông chồng già bị cô vợ trẻ cắm sừng với chú tài xế trong nhà ):

- Thưa phải.

- Đấy, anh em cả nhà … Khơrút và Vêlana có cùng ở trong khách sạn này không?

- Khơrút và Vêlana là ai?

- Khơrút là thằng cha gày ốm, xanh xao vừa từ phòng tôi đi ra xong.

- À, em tưởng ai. Em không biết tên ông ta là gì. Em chỉ có bổn phận đứng gác ở cầu thang.

- Anh hoạt động cho KGB lâu chưa?

- Lâu rồi. Từ ngày Liên sô và cộng hòa Anbani chưa đoạn giao.

- Anh có biết tôi là ai không?

- Không. Nhưng em đoán chắc ông cũng là nhân vật cao cấp. Ông yên tâm, sau khi biết rõ về ông, em sẽ cố gắng hơn nữa để giúp ông lên phòng Chu-Ling đêm nay.

- Ồ, từ giờ đến đêm còn nhiều thời giờ quá, tôi chịu đựng không nổi.

- Ông muốn giải quyết …?

- Phải.

- Ban ngày bất tiện.

- Vì bất tiện nên phải nhờ cậy đến anh. Vả lại, chẳng có gì là khó khăn cả. Anh cứ gọi người đẹp tới và như hồi nãy anh lại túc trực bên ngoài chờ tôi.

- Vâng, em xin tuân theo lệnh ông. Nhưng có đều này hơi phiền phức cho em …

- Vấn đề tiền chứ gì?

- Thưa ông, vâng. Tưởng ông là du khách Mỹ thật thụ em mới dám nhận tiền.

- 50 đô-la có là bao mà anh phải băn khoăn. Anh cứ giữ lấy, tôi không báo cáo với cấp trên đâu. Nếu anh dễ thương, tôi còn cho thêm nữa.

- Ông muốn em gọi ai?

- Cô bé giữ tổng đài điện thoại.

- Khổ quá. Nàng đã hẹn trước với một trưởng phái đoàn thương mãi từ Ba Lan tới.

- Bao giờ?

- Trong vòng 10 phút nữa. Hiện ông trưởng phái đoàn đang chờ trong phòng.

- Anh phải đưa nàng tới đây. Nàng có quen anh chàng Ba Lan kia không?

- Có. Tháng nào ông ta cũng đến hai lần. Và lần nào cũng cho gọi nàng. Phiền ông đợi đến tối.

- Không được. Nàng phải gặp tôi ngay.

- Thưa … ông.

Văn Bình khoèo nhẹ một cái. Tên bồi ma cô ngã nhào, đầu cụng vào tường. Hắn lóp ngóp bò dậy, miệng méo sệch:

- Ông để em lo liệu, đánh em làm gì, tội nghiệp!

Văn Bình bẹo má tên bồi, rồi dằn từng tiếng:

- Nhang lên. Tôi gia hạn cho anh đúng 5 phút. Sau 5 phút nếu cô bé điện thoại chưa đến, anh sẽ ăn đòn đau gấp chục lần. Tuy nhiên, có tội thì phạt, có công thì thưởng …

Chàng ngưng lại, mỉm cười, nhét tờ 50 đô-la vào túi tên bồi ma-cô.

- 50 đô-la nữa, vị chi 100.

Đang khóc, tên bồi toét miệng cười.

Văn Bình trèo lên giường. Giường của khách sạn Dajti không lấy gì làm êm. Lại còn đau lưng nữa là khác. Nhưng từ giờ đến tối, chàng phải tìm cách giết thời giờ, cho dẫu mất thêm vài ba ngàn calori và mất thêm tiền tẩm quất.

Trong tự điển mới của thanh niên Việt, có một thành ngữ thích thú: trả thù dân tộc. Rất nhiều người xuất ngoại nhưng đều già quá, đầu gối đã chùng, tim phổi đã xẹp, hoặc trẻ quá chưa hội đủ kinh nghiệm chiến trận quốc tế, nên vấn đề “trả thù dân tộc” chỉ thoáng qua ngắn ngủi và mong manh như tơ sương buổi sáng. Cũng may mà trong đội binh xuất ngoại đã có điệp viên Văn Bình. Không những chàng trả thù được, chàng còn làm cho năm châu phải giật mình kinh sợ.

Từ ngữ “trả thù dân tộc” hiện ra trong óc Văn Bình. Chàng rút Salem ra hút và tủm tỉm cười một mình.

° ° °

Dầu nhiều lúc Văn Bình chỉ muốn thời gian đứng lại nó vẫn cứ lặng lẽ trôi qua. Vì vậy chẳng mấy chốc trời đã xế chiều, chàng phải sửa soạn xuống dưới đường để ra công viên.

Chàng từ biệt cô gái phụ trách điện thoại một cách tiếc nuối. Nếu không bận việc, chàng sẽ ở lì trong phòng cho đến đêm, hoặc có thể đến trưa hôm sau. Người đẹp Anbani không đến nỗi bết bát như chàng tưởng …

Quang cảnh khách sạn nghèo nàn, quang cảnh bên ngoài còn nghèo nàn hơn nhiều. Hồi mới đến, Văn Bình chỉ nhìn phớt qua nên chưa nhận thấy. Nhân viên lữ quán lớn nhất và sang nhất của cộng hòa xã hội Anbani lại chỉ gồm toàn đực rựa đứng tuổi và một số đại điện giống cái nhạt nghẽo gày nhom như que tăm hoặc phì nộn như chum nước.

Có lẽ đã được chỉ thị của Sigurimi nên nhân viên giám đốc đối xử với chàng rất cung kính. Tên bồi ma-cô xun xoe đưa chàng xuống hết cầu thang. Gã thẹo có cái tên dễ đọc và dẽ nhớ là Baki đang ngồi đọc báo vội đứng dậy. Hắn cho chàng biết là suốt ngày đêm túc trực dưới nhà. Và hắn đã giữ đúng lời hứa.

Hắn nhanh nhẩu:

- Chào ông, ông vừa ngủ dậy? Tôi lên phòng định mời ông dạo xe một vòng trong thành phố nhưng bồi nói là ông còn mệt nên không dám đánh thức. Ông đã khỏe hẳn chưa?

Văn Bình chưa kịp đáp thì hắn đã thao thao bất tuyệt tiếp theo:

- Máy bay từ Mạc tư khoa đến đây hơi xa đường, thời tiết lại xấu nên hành khách thường bị mệt. Nhưng ông nghỉ ngơi một lát là hồi phục. Ông như thế là khỏe đấy. Lần tôi về tôi bị mửa mật xanh mật vàng, nằm cả tuần mới hoàn hồn … Phái đoàn địa chất gia Trung quốc còn nằm mọp trên lầu, đã có ai xuống đâu …

Văn Bình bước ra cửa khách sạn. Không hiểu sao chàng lại có cảm giác là không khí bên ngoài dễ chịu hơn là không khí bên trong khách sạn. Chàng chỉ đáp lại lời nói của Baki bằng cái nhún vai.

Nắng chiều đã xế.

Trước khách sạn là một bãi rộng hình tròn gần như là quảng trường Đỏ thu nhỏ. Giữa bãi đứng sừng sững bức tượng bằng đồng đen của nhà độc tài Enver Hoxha. Bức tượng to gấp ba, gấp bốn người thường nên cặp mắt của Hoxha tròn xoe như quả cam Sơn-kít, Nhà độc tài nhìn trừng trừng vào mặt Văn Bình, như hăm dọa:

- Liệu hồn … từ trước đến nay chưa điệp viên tây phương nào thoát chết ở Anbani … Muốn sống thì đừng làm gì cả. Còn muốn chết thì cứ đâm đầu vào …

Tự dưng Văn Bình cảm thấy rờn rợn. Rờn rợn không phải vì chàng sợ chết. Mà vì một cái gì khó hiểu, không rõ từ đâu đến. Chàng nhún vai lần nữa rồi bước xuống tam cấp.

Chung quanh chàng chỉ thấy cờ là cờ. Cờ nhỏ treo trước khách sạn, trên thân cây, ở lưng chừng cột điện. Cờ hạng trung phất phờ, phía sau bức tượng hùng dũng của ông vua cộng sản Hoxha. Cờ lớn bằng hai cái chiếu kêu soàn soạt trên kỳ đài cao ngất ngưởng như muốn gây sự với Trời. Là nước cộng sản nên cờ màu đỏ tươi, cũng có sao vàng nhưng là sao viền vàng trên nền đỏ ở phía trên, còn ở chính giữa lá cờ thì có một con ó màu đen hai đầu. Hoxha chắc phải là người khó tính nên mới đặt ra cái cớ đa đoan như vậy.

Văn Bình đi qua bức tượng đồng đen rồi tiến vào công viên. Đối với người dân sau bức màn sắt, ghế đá và hóng mát công viên có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Vì đó là nơi có nhiều khí trời trong sạch nhất để họ hút thở và nghỉ ngơi. Bơi vậy Văn Bình chỉ gặp toàn đàn ông nghiêm nghị, đàn bà nghiêm nghị, thậm chí trẻ con cũng nghiêm nghị. Dường như họ sợ màn tối buông xuống quá nhanh, họ phải về nhà nên họ hoảng hốt hút thở khí trời.

Văn Bình là đệ tử trung thành của chủ nghĩa “công viên”, nghĩa là chủ nghĩa của nhiều trai thanh gái lịch Âu châu, mượn công viên làm nơi hò hẹn. Cuộc hò hẹn có thể diễn ra nhiều cách, chay tịnh hoặn mặn mà, tùy theo phong tục và luật lệ từng xứ. Mỗi khi dừng chân trong công viên, nhất là dừng chân ban đêm, Văn Bình đều nghĩ đến thú vui mặn mà, với cô gái có thân hình bốc lửa một bên, một gói kẹo cao-su thơm tho, một bao thuốc Salem ngào ngạt, và nếu cần, vài ba tờ báo giấy làng, hoặc khi trời mưa, một cái áo tơ lớn.

Chàng rầu rầu nét mặt vì công viên trước đại khách sạn Dajti chỉ là một đống cây lá và ghế dài vô tri giác, dân chúng trong đó cũng vô tri giác không kém.

Chàng nhìn đồng hồ tay.

Đúng 6 giờ.

Từ đằng xa Khơrút từ từ đi tới. Nhưng còn Chu-Ling? Văn Bình chưa nhìn thấy nàng. Mấy phút sau chàng mới nhận ra nàng ngồi khuất sau một thân cây cổ thụ xum xuê. Mặt nàng cúi xuống, có lẽ đang đọc báo. Những đám mây vàng đỏ dần dần rủ nhau lặn hết ở chân trời, và một màn sám tuần tự kéo lên, che gần kín không phận thành phố.

Chàng thầm phục KGB vì họ đã biết trước Chu-Ling sẽ có mặt tại công viên sau 6 giờ. Tuy nhiên, chàng sẽ phải làm gì để chiếm đoạt cảm tình sâu xa của Chu-Ling? Khơrút dặn chàng đợi, chàng đành ngồi yên trên ghế đá, nhẩn nha đốt thuốc Salem và thở khói một mình để giết thời giờ.

Sự việc do Khơrút bố trí đã sảy ra nhanh như chớp nhoáng.

Chu-Ling đang ngồi một mình thì hai gã đàn ông mặc sơ mi và quần tây đồng màu không biết từ đâu hiện ra. Khi ấy trời đã bắt đầu nhá nhem, đứng trong lữ quán không thể nhìn thấy bên trong công viên. Văn Bình vẫn quan sát được rõ ràng, phần vì chàng ở gần, phần khác vì cặp mắt chàng đã quen vận dụng trong bóng tối.

Chàng thấy cả hai gã đàn ông lạ xồ tới người Chu-Ling. Nàng há miệng toan kêu song một tên đã chặn ngang họng nàng. Văn Bình vụt hiểu. Khơrút tạo ra một cảnh hiếp dâm táo bạo để chàng có thể biến thành chàng hiệp sĩ hào hoa nhảy vào tiếp cứu giai nhân cô thế.

Chu-Ling bị vật ngã trên ghế đá. Chàng thấy rõ một tên đè nàng xuống, còn tên thứ hai cuống quýt cởi áo của nàng. Tuy đóng kịch, chúng đã đóng kịch như thật. Chu-Ling giãy dụa trong vòng tay khỏe mạnh của hai gã nhân viên KGB. Nếu biết sự thật nàng cứ nằm yên, chúng nó có ba đầu sáu tay cũng không dám mó vào làn da trắng nõn của nàng. Vì nàng đinh ninh bị cưỡng hiếp nên cố vận dụng hết sức lực để bảo vệ tấm thân ngàn vàng quý báu.

Trời đã tối hẳn.

Văn Bình chạy vội lại phía ghế đá. Cả hai nhân viên KGB đang quay lưng lại. Dầu chúng nhìn thấy chàng chúng cũng chỉ dám kháng cự lấy lệ. Chàng giơ bàn tay lên, quét ngang một cái. Chàng ra đòn rất nhẹ, tưởng như phủi bụi trên áo người đẹp cũng chỉ nhẹ đến thế là cùng, vậy mà cả hai tên đều lăn xuống như sung rụng.

Được giải thoát Chu-Ling rú lên một tiếng nhỏ:

- Trời ơi!

Nàng vừa nhận ra chàng. Tia mắt nàng bao hàm một sự biết ơn và thương yêu vô tận. Qua màn tối, nàng đã thấy rõ chàng, và chàng cũng thấy rõ đôi mắt to rộng ươn ướt của nàng.

Trong khi ấy, cả hai nhân viên KGB đã đứng dậy. Cả hai đều thủ lưỡi dao sáng quắc trong tay. Giá chúng tấn công thật sự thì khỏe khoắn cho chàng biết bao! Đằng này chúng lại đâm dứ một cách rụt rè, dường như sợ nặng tay sẽ gây thương tích cho chàng. Vút một tiếng, cả hai lao vào người Văn Bình. Chàng né sang bên, đập sống bàn tay xuống, cả hai đều rớt dao và như trước đó một phút chúng đều đo ván trên nền đất công viên. Văn Bình dựng từng tên dậy, tát trái cho một cái rồi nghiêm giọng:

- Cút đi cho khuất mắt. Lần này tao tha cho, lần sau thì ăn đòn tan xương nát thịt và rũ tù.

Cả hai liu ríu đi lùi. Đến khi ra khỏi tầm mắt của Chu-Ling, chúng cắm đầu cắm cổ chạy miết, Văn Bình cầm tay Chu-Ling, giọng lo lắng:

- Cô có bị hề gì không?

Nàng lắc đầu, nước mắt rưng rưng:

- Cám ơn ông. Chúng mới … bắt đầu thì ông ra tay kịp. May có ông, nếu không …

Bàn tay nhỏ nhắn của nàng vẫn nằm ngoan ngoãn trong bàn tay của Văn Bình. Nàng đứng gần chàng, hơi thở của nàng toát ra một mùi thơm kỳ diệu. Chàng cảm thấy tâm thần và thể xác xao xuyến. Có lẽ nàng còn xao xuyến mạnh mẽ hơn nhiều vì bàn tay nàng, gân tay nàng đột nhiên run rẩy, run rẩy không phải vì sợ. Vì nếu nàng sợ nhiệt độ của thân thể này đã giảm xuống. Nhưng tay nàng lại nóng hừng lên, như thể có lửa từ dưới da thịt bốc ra.

Lửa này là lửa tình. Văn Bình không thể chần chừ thêm giây phút nào nữa. Nếu muốn tấn công nàng, chàng phải tấn công vũ bão ngay trong giây phút này. Chàng bèn kéo nàng lại gần. Nàng áp mặt vào ngực chàng, đôi vai rung rung.

Chinh phục phái yếu cũng như cầm quân đánh giặc, khó nhất là giai đoạn chuẩn bị. Sau khi đã nắm vững yếu điểm của đối phương, và sửa soạn xong phương tiện tấn công thì chẳng còn gì đáng kể nữa. Thái độ của Chu-Ling chứng tỏ Văn Bình đã thắng.

Chàng bèn kéo nàng lại gần thêm nữa.

Và đặt một cái hôn xẹt điện trên môi mọng ướt của nàng. Đêm đầu tiên của điệp viên Z-28 tại Tirana đã mở màn bằng nhạc điệu ái tình. Chu-Ling đeo cứng lấy cổ chàng.

Trong khi ấy Khơrút chống nạnh đứng nhìn. Đứng cạnh hắn là Vêlana, nữ nhân viên KGB. Vêlana đang chăm chú chĩa ống ảnh máy quay phim về phía Văn Bình. Cuộc tỏ tình nồng cháy đã được ghi vào phim nhựa hồng ngoại tuyến.