Chương 6


Thứ tư, 06.07.2005 Từ ngày về Việt Nam chưa bao giờ được ngủ một giấc thật ngon như đêm qua. Căn phòng sát biển, gió mát, dễ chịu. Không nghe tiếng xe, tiếng còi ngoài tiếng sóng.
Sáng dậy sớm ra ban công ngồi ngắm biển. Mặt trời vừa ló dạng. Nắng mới lên nhuộm vàng cả chân trời. Sóng lăn tăn, lóng lánh. Không khí trong lành. Gió nhẹ.
Nhìn xuống dưới, hai bà cụ - mẹ tôi và cô tôi - đang đi dạo trên bãi biển. Sóng đánh vào chân. Đằng xa, một con thuyền thúng đang lênh đênh trên mặt nước.
Ngồi viết tiếp nhật ký ...
Mọi người đã thức dậy. Điểm tâm tại nhà: mì gói, trứng gà ốp la.
8:30 sáng khởi hành đi Nha Trang.
Xe chạy hướng chợ Mũi Né, lấy đường tắt đâm ra Quốc lộ 1A. Đi ngang khu Hòn Rơm, đường đèo tuyệt đẹp. Dọc bờ biển, đồi cát trắng lốm đốm những bụi cây xen lẫn thùy dương. Mọi thứ còn hoang dã. Qua khỏi resort Hải Đăng, tới Bàu Sen, hồ nước ngọt, dài; sen mọc tự nhiên phủ kín bờ. Đất nơi này hình như bị bỏ hoang ngoại trừ khu dân cư nằm hai bên đường lộ Lương Sơn Hoà.
Ra Quốc lộ 1A tới huyện Linh Sơn. Nhà cửa xiêu vẹo, bò thả đi rong đầy đường. Đồng ruộng không phì nhiêu lắm. Dãy Trường Sơn hiện lờ mờ trước mặt.
Quốc lộ 1A ở khúc này có vẻ chưa được mở rộng. Xe thưa thớt hơn chặng đường Vũng Tàu - Phan Thiết.
Xe qua Cầu Sông Lũy đến thị trấn Chợ Lầu.
Qua cầu sông Cạn, xe ngừng lại bơm bánh. Mỗi bánh xe 3000.
Đường bắt đầu có dải phân cách nhưng chỉ được một đoạn dài 1 Km. Nghe kể khu này thường xảy ra tai nạn. Hai bên đường, miếu thờ người tử nạn nằm rải rác đó đây.
Trên chặng đường này còn có một quán cơm tù đầy tai tiếng. Khách không ăn bị đánh chết. Quán lợp mái tôn, ba gian, hai chái, giờ bỏ hoang như một căn nhà ma tối tăm, không cửa không mành, trống lổng, nằm chơ vơ bên quốc lộ.
Đến Liên Hương, tài xế được đồng nghiệp chạy ngược chiều báo động có cảnh sát đằng xa. Xe lập tức giảm tốc độ từ 60 xuống 30.
Qua nhiều cầu nhỏ, sông cạn nước, trơ đầy sỏi đá.
Ra khỏi địa phận Liên Hương. Một vai vườn nho xanh ngắt. Chỉ được một đoạn rồi hết.
Qua cầu Vĩnh Hảo 3, không còn cây cối mọc cao ngoài những bụi cây và ruộng muối.
Qua khỏi cầu Vĩnh Hảo 2, hai bên đường, những gốc điều mọc thưa thớt trên mặt đất pha lẫn cát trắng, khô cằn.
Dãy Trường Sơn hiện rõ trước mặt, trùng trùng điệp điệp. Bên tay phải, mặt biển nhô lên ở cuối chân trời như một dải lụa đào thiên thanh dài vô tận.
Quốc lộ 1.A từ từ tiến sát bờ biển. Biển xanh trong vắt. Bầu trời cũng xanh. Được một đoạn, con đường lộ lại bẻ vào trong, chạy song song với đường xe lửa Bắc Nam. Vô số những hòn đá cuội khổng lồ nằm ngổn ngang trên sườn núi. Nhà cửa bắt đầu xuất hiện. Khang trang. Sát biển, một khu nghỉ mát đang được xây dựng. Nhà biệt lập mái đỏ to lớn xây theo kiểu Âu châu. Thùy dương mới trồng chưa lớn lắm.
Tới Cà Ná. Xe ngừng nghỉ.
Cà Ná đẹp. Một bên là núi, một bên là biển. Bờ biển dài, cát trắng. Dân hiền lành, không chụp giựt như những nơi khác. Quán xá ít nhưng lịch sự. Toilet khá sạch sẽ, miễn phí. Thông thường khách còn được tắm miễn phí, nhưng bây giờ đang mùa hạn hán, thiếu nước, chủ quán xin khách trả một ít tiền tượng trưng, nếu được.
Tuy không nổi tiếng như Phú Quốc, Phan Thiết, thị trấn Cà Ná cũng là nơi sản xuất nước mắm với nhiều cơ sở tư nhân nằm rải rác hai bên quốc lộ: Hiếu Thảo, Trung Nữ, Ri Hong, Nhật Tân, Kim Tuyến, ... Đặc biệt, không khí ở đây không có mùi nước mắm.
Cuộc hành trình tiếp tục.
Xe băng qua Phan Rang. Thị trấn nhỏ, tiêu điều. Tiếp theo là ruộng đồng cạn nước. Vài đàn bò ốm yếu đi tìm cỏ. Cây cối thấp lè tè như những bụi rậm. Dừa mới trồng chưa lớn, lá lơ thơ. Thỉnh thoảng mới thấy một đoạn dừa mọc cao tươi tốt, đều đặn.
Xe chạy càng xa, mặt đất càng cằn cỗi. Ít có loại cây nào sống nổi ngoài xương rồng. Xương rồng mọc khắp nơi, mọc quanh nhà, mọc trong vườn, mọc hoang trên cát. Nhà cửa xiêu vẹo. Con người đen đúa, gầy yếu, đi đứng chậm chạp như những người mất sức. Một vài nông dân đang cuốc đất, không biết trồng gì; không biết người ở đây sống nhờ gì.
Bất chợt tôi nhìn thấy một toà nhà có tấm bảng đề "trung tâm nghiên cứu cây trồng cho vùng khô cạn". Một ý tưởng hay. Hy vọng các nhà khoa học sẽ tìm được giải pháp giúp dân. Nhìn mặt đất khô cằn ở đây, tôi lại nhớ đến Israel. Cũng từa tựa vậy. Không hiểu sao, ở Israel, người ta có thể làm những khu vườn trồng rau quả. Các nhà nông nghiệp Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm gì của Israel chăng ?
Đến Phước Dâu. Vườn nho và ruộng lúa lại xuất hiện. Đi mấy trăm cây số, giờ mới thấy một tấm bảng tốc độ đúng mẫu quốc tế. Ðường rộng hơn thì phải. Xe cộ nhộp nhịp hơn, nhất là xe hai bánh. Một nửa người lái xe đội nón an toàn, một nửa không.
Qua cầu sông Quao. Dòng sông còn chút nước. Các đầm nuôi tôm gần như khô cạn, chỉ còn vài vũng nước nhỏ cho vịt tắm.
Xe băng qua cầu ông Sô, ông Chi, Gò Đền, cầu Ba Tháp, cầu Đôi 1 và 2, cầu Lăng Ông 2, cầu Cột Chuối 1 và 2, cầu Kiền Kiền, ... Sông cạn nước. Hình như nước chỉ còn trên thượng nguồn. Trên sườn núi xa xa có những khu đất được phân ô đều đặn có trồng cây. Trong đó cũng có nhiều cơ sở khai thác đá: Lô Cô, Giác Lan, Núi Một.
Qua cầu Mỹ Thanh. Dừa bắt đầu xuất hiện dọc theo bờ biển Phan Rang. Tiếp theo là ruộng muối. Những cụm muối ngọn nhô cao như những kim tự tháp sáng long lanh.
Xe dừng lại trạm thu thuế. Nhân viên bán vé mặc áo kaki ngắn màu xanh nhạt, quần đen, đầu đội nón kết, tay đeo băng đỏ. Trước mặt chúng tôi là một chiếc xe bus du lịch màu xanh lá cây hiệu Kia. Trên cửa kiếng sau có ghi hàng chữ "Xe chất lượng cao loại 1. Bến xe Miền Đông - Nha Trang". Sau xe chúng tôi là một dãy xe đò, xe du lịch cũng đang xếp hàng mua vé. Nhiều xe không có máy lạnh, khách thò cả hai chân ra cửa sổ.
Xe tiếp tục lăn bánh.
Ruộng muối. Vài con bò đang nhai cỏ bên bờ lộ. Một tấm bảng xanh chữ trắng dựng bên vệ đường "Đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với ngồi trên xe môtô, xe gắn máy". Thế nhưng hầu như không ai đội mũ.
12:30 xe vào địa phận Cam Ranh. Quốc lộ 1.A chỉ còn hai làn. Dọc đường bán đầy xoài Mút, một đặc sản của vùng này.
Xe rẽ phải đi hướng phi trường Cam Ranh. Đường hẹp, xấu. Hai bên là những vườn xoài rập rịt. Hết đoạn đường xấu chừng vài cây số, xe rẽ trái vào đoạn đường mới. Đường xây chưa xong hẳn. Chưa có bảng chỉ đường. Cột đèn chưa gắn bóng. Con đường được đặt tên là Nguyễn Tất Thành, rất đẹp, hiện đại, đúng tiêu chuẩn Âu châu, có tường phân cách ở giữa ngăn hai chiều xe, mỗi bên hai làn. Đường chạy quanh co bên sườn núi hiểm trở. Bên phải, mặt biển mênh mông xanh ngắt với nhiều đảo nhỏ. Bên duới, Bãi dài cát trắng. Một làng chài. Khung cảnh đẹp tuyệt vời.
Con đường mới xây đẹp thật, chỉ có điều dốc núi khá trống trải, gặp trời mưa lớn khó tránh bị sạt lở.
2:00 trưa chúng tôi tới Nha Trang. Cuộc hành trình từ Phan Thiết tới đây mất gần 6 tiếng.
Chúng tôi ghé quán 2a Hoàng Văn Thụ ăn cơm. Lại gặp kiểu làm ăn chụp giựt không khác gì ở Mũi Né. Anh tài xế cứ tưởng đường không cấm đậu xe, có thể đậu vào bất cứ chỗ trống nào, nhưng không. Các quán ăn tự đẻ ra luật rừng: Xe đậu trước cửa quán nào hoặc đối diện quán nào, chỉ được vào ăn quán đó, còn không bị đuổi đi. Tội nghiệp anh tài xế phải đi kiếm chỗ đậu xe, vì trước cửa tiệm chúng tôi vào không còn chỗ đậu.
Cơm nước xong, không hài lòng lắm, đắt và không ngon.
Chúng tôi về khách sạn. Chúng tôi sẽ ở lại khách sạn 88 - 88a đường Trần Phú vài ngày. Khách sạn của quân đội, cũ nhưng không đến nỗi tệ. Giá phải chăng, 225.000/phòng đôi, tương đối tiện nghi, phục vụ đàng hoàng. Mọi thứ đều tốt, trừ một bất lợi là khách sạn nằm ngay đường chính, rất ồn ào. Thế nhưng không phải một mình nó mà tất cả khách sạn khác nằm trên con đường này đều lãnh đủ tiếng ồn của xe cộ.
Thế mới thấy cái sai lầm của người thiết kế con đường Trần Phú. Con đường rộng, trải nhựa tốt, nằm sát biển, gió mát, dễ chịu bao giờ cũng là mục tiêu cho mọi người đổ dồn về. Đường luôn ngập xe. Từ khách sạn băng qua đường đến bãi tắm cũng như trở về, du khách luôn khổ sở với nạn giao thông hỗn độn, nhất là vào giờ tan sở. Người lái xe ở Việt Nam không bao giờ biết tôn trọng người đi bộ cho dù có đi trên đường dành cho người đi bộ. Một chuyện lạ lùng ít thấy ở nơi khác. Càng lạ nữa là không hiểu tại sao người lái xe có thể kiên nhẫn đợi một đàn bò băng qua đường rồi mới chạy tiếp, như tôi đã từng thấy dọc đường, mà không thể đợi người băng qua đường.
Nói tóm lại, đường dọc theo bãi biển nên làm hẹp để hạn chế xe cộ, nơi có đông người đi bộ. Đường dành cho lượng lưu thông lớn có thể xây song song với con đường này sau khu khách sạn; tốt nữa là xa khu du lịch để tránh tiếng ồn cho du khách. Đường nên xây rộng, trang hoàng đẹp để hấp dẫn người lái xe dồn về nơi đó.
Đường Trần Phú có nhiều hotel lớn nhỏ. Viện Pasteur được tân trang rất đẹp. Những kiến trúc Pháp khác tựa vậy. Giữa đường là một dải trồng hoa và thùy dương. Hai bên đường cũng trồng thùy dương. Ở đâu cũng có thùy dương và được cắt xén thành những hình khối vuông vức quái gở, trông mất hết tự nhiên. Vỉa hè lát gạch sạch sẽ. Khách bộ hành có thể đi lại thoải mái, không còn bị xe Honda, hàng rong choán chỗ như xưa.
Bãi biển Nha Trang rất dài, cát trắng. Nước hơi sâu, ra chừng chục thước đã ngập đầu. Du khách phần lớn vẫn là người Việt.
Máy ảnh của tôi đã đầy hình. Chiều ra Photo Shop sang hết qua đĩa CD. 45.000 một đĩa, đắt gấp đôi Sài Gòn. Xong việc, cả nhà ghé thăm ông cậu.
Cậu tôi cũng là dân cách mạng như cô chú tôi, 60 tuổi Đảng, trước 75, hoạt động chủ yếu ở miền Nam. Sau 75, ông trở thành cán bộ cao cấp lãnh đạo chương trình Kinh tế mới tỉnh Khánh Hoà.
"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" bao giờ cũng là lời khuyên của ông đối con cháu. Chính vì vậy mà ông mãi bần hàn.
Tối, chúng tôi ghé một tiệm phở ăn nhẹ rồi trở về khách sạn. Vài du khách ngoại quốc cũng ngồi ăn phở. Nhìn cảnh thiếu vệ sinh, họ lắc đầu. Thế nhưng có một cái không thiếu vệ sinh mà họ vẫn lắc đầu. Hầu hết mọi quán ăn ở Việt Nam đều có cuộn giấy đi cầu trên bàn để khách chùi miệng.
Thứ năm, 07.07.2005 Sáng dậy sớm, ghé tiệm Internet, đọc thư rồi đi dạo. Thả bộ một vòng bãi biển, không khí trong lành, thật khỏe người. Chưa được bao lâu, xe cộ từ từ rộn rịp, bấm còi inh ỏi, không khí lại trở nên ồn ào.
Vài người ngoại quốc dậy sớm chạy bộ trên lối đi sát bãi biển. Gặp hai vợ chồng Đức, nói chuyện vài câu, hỏi cảm tưởng về Việt Nam thế nào, và được trả lời, Việt Nam tuyệt đẹp, riêng Nha Trang nếu biết xây dựng cho đàng hoàng, chắc chắn du khách sẽ tới nhiều hơn. Nha Trang đẹp nhưng bãi tắm hơi dốc, nguy hiểm cho trẻ con. Người Việt nhiệt tình, hiếu khách, sống động như dân Ý, Tây Ban Nha. Cần cải thiện vấn đề giao thông và tiếng ồn.
Chương trình của chúng tôi hôm nay là làm một chuyến đi thăm đảo. Chúng tôi thuê một chiếc tàu nhỏ cho một ngày, giá 550.000. Đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong. 8:30 sáng, khởi hành.
Xe lấy đường Trần Phú đi dọc biển về hướng bến tàu. Đường Trần Phú chỉ được một khúc giàu có với nhiều hotel sang trọng và những kiến trúc đẹp, phần còn lại khá nghèo nàn; nhà cửa tồi tàn, lộn xộn. Xích lô đạp ở đây nhiều hơn Sài Gòn.
Bến tàu đông nghẹt người và xe, náo loạn. Xe bus nhỏ lớn nườm nượp đổ khách. Thấy khách mới đến, vô số người bán hàng rong ùa lại tranh giành, mời mua mũ nón, bánh trái, nước nôi, ... Nhìn cảnh níu kéo, phiền nhiễu thật là ngao ngán. Vài du khách bực bội, xua tay từ chối, liền bị chửi. Cách làm ăn chụp giựt này chỉ để lại ấn tượng xấu cho du khách, làm tổn thương ngành du lịch chứ không có ích gì. Tại sao nhà nước không lập kiosk hợp tác xã để mọi người cùng kinh doanh, lợi chia đồng đều, vừa trật tự, văn minh, vừa có lợi cho chính phủ về mặt quản lý trật tự, vừa có lợi cho du khách, vừa có lợi cho ngành du lịch ?
Cảnh tượng lên tàu cũng mất trật tự không kém. Hướng dẫn viên thiếu chuyên nghiệp. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy tàu của mình.
Tàu từng chiếc ra khơi. Con tàu Hoàng Mỹ của chúng tôi dài khoảng 10 thước, rộng khoảng hai thước rưỡi, thừa chỗ chứa 10 người. Con tàu này làm tôi nhớ đến con tàu vượt biển xưa kia, hao hao vậy, cũng lớn cỡ này nhưng chứa đến 250 người, nhồi nhét như cá hộp từ tầng dưới đến tầng trên.
Đoàn tàu dăm chiếc lướt mình trên biển cả. Gió mát thổi vào mặt, vào cơ thể, xua tan cơn nóng bức mùa hè. Trời nắng đẹp, bầu trời trong vắt, biển xanh. Xa xa vài hòn đảo mờ mờ ẩn hiện.
Tàu đi khá chậm. Máy nổ bình bịch làm chiếc tàu rung đến độ tôi phải liên tục sửa lại gọng kiếng. Chiếc máy chụp hình trên tay cũng rung theo, không chụp được gì.
Dáng tàu ở đây hầu như giống nhau, làm bằng gỗ, sơn xanh trắng, viền mạn tàu sơn đỏ, chung quanh máng đầy vỏ xe hơi. Phải nói, công nghệ đóng tàu du lịch, tàu đánh cá nhỏ của Việt Nam còn quá thô sơ, lạc hậu, trước 75 cũng vậy, giờ cũng vậy, không thấy thay đổi. So với Mã Lai và Thái Lan về kỹ thuật đóng tàu gỗ, Việt Nam vẫn còn yếu kém.
Tàu tiến vào đảo Hòn Tằm. Ngồi trên tàu, tôi có thể nhìn thấy cái cầu tàu nằm thẳng góc với bờ phân cách hai khu. Khu bên phải có nhiều bungalow mái đỏ, một bãi tắm không người; khu bên trái lố nhố người tắm biển và người đi bộ.
Tất cả tàu đã đến đảo. Chiếc đầu tiên may mắn nhất vì được cặp sát cầu tàu. Khách có thể đặt chân thẳng lên cầu để vào bờ. Chiếc thứ hai đậu bên hông chiếc thứ nhất. Muốn lên bờ, khách phải trèo qua tàu thứ nhất. Chiếc thứ ba đậu bên hông chiếc thứ hai, khách phải trèo qua hai chiếc. Nhiều người bồng con, cõng người già cả, ôm đồ đạc trèo từ chiếc này sang chiếc khác. Tàu nhấp nhô theo sóng làm nhiều người ngã lên ngã xuống. Chiếc của chúng tôi áp chót. Chúng tôi cũng phải bế con, chuyển hành lý, trèo qua năm sáu chiếc để vào trong. Thật là một lối chuyển khách độc đáo có một không hai trên thế giới.
Chiếc cầu tầu xi măng hẹp và ngắn dẫn khách vào bờ. Vào cổng phải mua vé, bất kể người lớn, trẻ con lớn nhỏ. Chúng tôi rẽ qua khu bên trái. Khu này không có người da trắng; đại đa số là người trong nước, số còn lại là người Việt hải ngoại. Lối đi nhỏ, một bên sát núi, một bên sát biển dẫn vào trong. Quầy quán, hàng rong bày la liệt bên đường. Đảo ít cây lớn có tàn che ánh nắng. Muốn có chỗ ngồi nghỉ ngơi dưới bóng mát, khách phải thuê chòi. Mỗi cái giá 50.000, có ghế bố nằm và một cái bàn xi măng hình tròn chính giữa. Mọi chòi lán đều đông, vừa là chỗ ăn uống, nhậu nhẹt, vừa là chỗ ngủ ... Hầu hết mọi người ăn xong đều xả rác ngay tại chỗ. Ðảo toàn rác. Vỏ cua, vỏ ghẹ, xương cá, vỏ đậu phộng, lá chuối, bao ni lông, lon bia, vỏ nhựa, ... , chỗ nào cũng có. Những sọt rác nằm những bên gốc dừa kể như vô dụng. Ðảo cũng đầy ruồi nhặng, đầy người bán hàng rong lui tới mời mọc mãi.
Bãi biển không dài lắm, khoảng hơn trăm thước và khá hẹp. Trời không gió, biển không sóng. Người tắm khá đông. Tắm nước ngọt cũng phải trả tiền, người lớn 5000, trẻ em 3000.
Lối trang trí khu du lịch này rất thiếu thẩm mỹ. Cờ đỏ sao vàng cộng đủ thứ cờ xanh đỏ tím vàng treo khắp nơi. Cách tổ chức, quản trị, xây dựng hoàn toàn thiếu tính chuyên nghiệp và đượm vẻ quốc doanh. Hình như khu du lịch này do người trong nước đầu tư xây dựng.
Nghĩ thấy tiếc, một hòn đảo quá đẹp mà không có trình độ để xây dựng và khai thác hiệu quả hơn. Tính thẩm mỹ hết sức quan trọng, cần được để ý. Thấp về thẩm mỹ cũng giống như thấp về dân trí vậy.
12:00 trưa, chúng tôi rời đảo đi thăm làng chài và dự định sẽ ăn trưa ở đấy. Tàu đang đợi ngoài bến. Lại một phen nữa hành khách phải leo trèo từ tàu này sang tàu khác để về đến tàu mình.
* Tàu đi khoảng mười lăm phút thì tới làng chài. Ở đây du khách có thể mua đồ biển sống nuôi trong bè thả dưới nước.
Tàu cặp sát vào những cái bè lớn để du khách lên thăm. Mỗi bè nuôi mỗi loại mực, cá khác nhau. Người bán cầm cây vợt lớn, giới thiệu khách từng loại và giá cả. Khách tha hồ chọn lựa. Chọn được con nào, người bán sẽ vớt con ấy lên đem vào bờ nấu cho khách ăn ngay. Giá tiền tùy món, tùy kí lô. Nhìn chung khá đắt. Chẳng hạn một kí mực giá 200.000 (khoảng 10 €), bao nấu nướng.
Nơi đây cũng là ổ trộm cắp. Lợi dụng du khách đang đắm mình trong cảnh bán buôn, trẻ con trong vùng có thể lẻn ra sau tàu trèo lên ăn cắp ba lô, hành lý của khách như chơi. Suýt nữa chúng tôi đã thành nạn nhân.
Ghé Làng chài khoảng nửa tiếng, chúng tôi thử đi thăm Thủy cung. Nghe người trong nước quảng cáo đây một kỳ công rất đẹp của Nha Trang đáng tới thăm.
Từ ngoài biển nhìn vào, Thủy cung hiện ra như một con tàu buồm thời Colombus bị mắc cạn trên bờ. Vé vô cửa rất đắt. Người lớn 20.000, trẻ em 5000. Tuy vậy chúng tôi cũng muốn đi thăm một vòng cho biết. Du khách vắng vẻ và chỉ toàn người Việt.
Giống lối trang trí của Hòn Tằm, khu Thủy cung cũng treo đầy cờ rực rỡ. Thoạt tiên du khách sẽ đi xuyên qua cửa vào Thủy cung. Cửa vào là một cái mõm cá khổng lồ được đúc bằng xi măng trông hết sức cải lương, chẳng có một chút gì gọi là mỹ thuật cả. Ra khỏi bụng cá, khách đi thêm một đoạn đường đất sát bên một nghĩa trang để vào Thủy cung.
Thủy cung, một tác phẩm nhái con tàu buồm Colombus, cũng được đúc bằng xi măng; bên trong đầy hang động.
Tầng triệt là nơi khu hàng mỹ nghệ bán đồ lưu niệm: vỏ sò, vỏ ốc, xà cừ, xách tay, sơn mài, tranh gỗ, đồng hồ treo tường, hình cá heo, hình rồng, hình máy bay trực thăng, rượu thuốc, ... Những chai rượu rắn hổ mang, bò cạp trông thật kinh dị. Không biết mua thứ này về để làm gì. Để trưng hay để uống? Uống có bổ gì không?
Tầng dưới là khu trưng bày cá. Mỗi hồ chứa một vài loại cá biển đang bơi lội giữa rong rêu, san hô, hốc đá nhưng không phải là cảnh thật mà là một tấm bình phông dán sau hồ kiếng làm hậu cảnh.
Lối trang trí vừa vô lý, vừa xấu xí. Khắp nơi, hình thạch nhũ, rễ cây trên trần rũ xuống làm du khách có cảm tưởng như đang ở trong động thạch nhũ hay trong rừng rậm chứ chẳng phải Thủy cung dưới đáy biển. Cửa vào hồ cá mập, cá đuối giống hệt cửa vào China Restaurant với đèn lồng Trung Quốc treo phía trước. Trên một bức tường bên cạnh, hình một thiếu nữ người cá khoả thân được trạm khắc khá chi tiết với khuôn mặt gợi tình, trơ hai bầu vú căng phồng với hai núm vú đỏ tươi. Du khách cứ tưởng mình đang đứng trước cửa một sex shop chứ không phải China Restaurant.
Không còn hứng thú, tôi bước ra ngoài. Đứng dựa lan can, tôi nhìn ngắm mấy chú rùa nằm bất động dưới đáy hồ. Hồ nước đục ngầu. Rác rưởi nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Đã một giờ trưa. Nắng chói chang. Du khách về gần hết. Nhân viên đang ngủ trưa bên quầy hàng, trên ghế đá. Từ từ chúng tôi cũng ra về.
Định đi thăm mấy đảo nữa cho hết nguyên ngày như dự tính, nhưng nghĩ chỗ nào cũng vậy, nên thôi. Tàu cập bến, đã gần hai giờ trưa, ai cũng đói và mệt mỏi. Ghé quán Thiên Hương ăn sơ xong về nhà nghỉ.
* Chiều có hẹn với một người bạn cũ. Trời mưa lớn và cũng là trận mưa đầu mùa của Nha Trang. Ông bạn lái Honda chở tôi xuống phố. Ghé tiệm sách mua được một cuốn từ điển làm quà cho ông.
Về nhà, nghe tin con bé gái con tôi phải vào bệnh viện cứu cấp. May thay mọi việc đều tốt lành. Bác sĩ vui vẻ, nhiệt tình, không tính toán làm tiền tuy biết bệnh nhân là người Việt nước ngoài. Gửi họ tiền thù lao, họ nhất định từ chối, bảo không đáng gì. Thành thật cảm ơn lòng tốt ấy.
* Mọi người đã đi ngủ sớm. Cánh đàn ông chúng tôi còn thức, không biết làm gì, bèn rủ nhau đi dạo một vòng.
Vỉa hè đường Trần Phú về đêm tấp nập người qua lại. Dân địa phương bày bán đủ thứ đồ lưu niệm trên mặt đường. Du khách ngoại quốc khá đông. Họ ưa thích những món hàng thủ công: vỏ sò, vỏ ốc, ... Cách tổ chức phố đêm có tính văn hoá, gần gũi, bình dân nhưng không xô bồ, chụp giựt.
Chúng tôi ghé Café Java uống nước. Quán đẹp và ấm cúng. Gần khách sạn chúng tôi có quán Sailing Club. Chúng tôi cũng vào thử. Quán nằm sát bãi biển, thanh lịch; lối trang trí nửa vẻ Á đông nửa vẻ Âu châu khá nghệ thuật. Khách hầu hết là người Tây phương và người Việt hải ngoại. Đông nhưng không xô bồ. Nghe nói đây cũng là tụ điểm của các "chị" về đêm. Thức uống đắt, một chai bia Heineken 40.000, gấp ba lần quán thường. Hôm nay quán có chơi nhạc Jazz. Ngồi uống nước, nghe nhạc một chút, chúng tôi về đi ngủ.
Thứ sáu, 08.07.2005 Hôm nay chúng tôi đi thăm Dốc Lết.
8:15 khởi hành.
Xe qua đèo Rù Rì đến quốc lộ 1A. Trời mát. Đến thị trấn Ninh Hoà rồi lên đèo Bánh Ít (thực ra là một con dốc dài). Đi khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi tới Dốc Lết.
Dốc Lết được quảng cáo là một khu du lịch cao cấp đẹp nổi tiếng của tỉnh Khánh Hoà. Xe chở du khách tới nơi phải đậu ở bãi đậu xe bên phải lối vào. Từng đoàn người xuống xe, xách đồ đạc lỉnh kỉnh, đứng xếp hàng mua vé. Người lớn 5000, trẻ con 3000. Mua vé xong, du khách trình vé cho nhân viên gác cổng. Đi được một đoạn, khách lại phải trình vé cho cổng kiểm soát lần thứ hai. Một động tác thừa thãi.
Từ cổng vào trong khá xa. Giả sử có một trạm xe đổ khách bên trong thì thật tiện cho người già, trẻ nhỏ, người có nhiều hành lý. Nhưng khi vào trong, lại thấy xe bus chở hành khách đậu đầy. Hỏi ra mới biết, tài xế phải quen biết hoặc phải đút lót chút đỉnh, mới được lái xe vào.
Chúng tôi ghé nhà hàng ăn sáng. Nói đúng hơn là một quán ăn quốc doanh bình thường. Quán trang trí lòe loẹt. Khu bên ngoài thoáng sạch nhưng bên trong khu nhà vệ sinh thì lại kém, nước chảy tràn lan dưới sàn không ai buồn lau cho khô ráo.
Tiếp viên ở đây toàn nữ, mặc đồng phục áo trắng bỏ vào quần xanh đậm. Chúng tôi gọi vài món ăn sáng quen thuộc như hột gà ốp la, hủ tiếu, phở, ăn sơ cho đỡ đói. Cô tiếp viên xinh đẹp nhẹ nhàng nhắc nhở bằng tiếng Quảng, chỉ nên đặt một lần để mang ra cho gọn, đừng có người đặt trước đặt sau, không tiện cho nhà bếp. Kể cũng lạ. Quán có khách phải mừng, phải chìu ý khách vào mọi lúc chứ, sao lại yêu cầu khách như vậy.
Ăn tô phở không hài lòng. Bánh phở là hủ tiếu dai, không giống bánh phở bình thường. Hay có lẽ gu phở của người Quảng là vậy?
Quán vắng, không có ai khác ngoài chúng tôi. Về sau mới biết, phần đông du khách đến đây đã mang sẵn đồ ăn ở nhà. Nhiều nhóm còn mang theo bếp gas, thuê chòi vừa nghỉ ngơi, vừa nấu ăn tại chỗ giống như đi du ngoạn vậy.
Không khí và lối thiết kế khu du lịch Dốc Lết giống hệt khu du lịch Hòn Tằm. Thiếu chuyên nghiệp và trình độ thẩm mỹ.
Vào giờ này không còn chòi trống cho thuê. Chúng tôi kiếm một khoảng trống vắng người, thuê vài chiếc ghế bố đặt dưới gốc dừa có bóng mát. Sát bên cạnh là hàng rào kẽm gai phân cách hai khu. Khu bên chúng tôi dành cho giới bình dân, khu bên kia là khu bungalow dành cho khách sang, không thấy người.
Được một chỗ đơn sơ nhưng cũng được. Bọn nhỏ có thể chơi cát, vui đùa bên cạnh, dễ trông coi. Chỗ vắng yên lặng, nghỉ ngơi thật thoải mái. Trước mặt là biển, bước ra vài chục thước là tắm được rồi.
Biển Dốc Lết đẹp, còn hoang dã. Bờ cát trắng đầy dừa chạy dài đến tận dãy núi mờ mờ ở tít đằng xa. Trời đẹp. Biển xanh trong vắt. Bãi biển phẳng lài lài ra biển, không sâu, thích hợp cho trẻ con và người không biết bơi.
Lâu lắm rồi tôi mới được nằm ghế bố hóng gió, thư giản trên bãi biển. Nhìn trời nhìn đất, tâm hồn thanh thản mới thấy cái thú nghỉ ngơi bây giờ là một thứ xa xỉ ít khi nào có được. Thế mới thấy cái thiên nhiên đáng quý làm sao.
Bất chợt có khách ghé thăm. Một lũ trẻ trong vùng tới xin vỏ chai. Cho đứa này một cái, đứa kia xí phần cái sau. Mỗi cái bán được 500. Cả đám kiên nhẫn ngồi yên một góc chơi và đợi.
Nằm nghỉ một chút, chúng tôi cho mấy đứa nhỏ đi tắm biển. Nước ấm, sóng nhẹ, thật lý tưởng cho trẻ con. Lũ trẻ vui đùa thoả thích.
Nước biển trong nhưng nhiều rác quá. Bao ni lông, lá chuối, bao mì gói, ... trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trên bãi cát cũng đầy rác rưởi. Nhiều người ăn xong xả bừa ra đấy. Đi trên cát phải cẩn thận kẻo giẫm phải vỏ sò, vỏ ghẹ sắc nhọn có thể làm đứt chân.
Du khách ở đây hầu như toàn người Việt. Nhìn qua khu bungalow, chỉ có đúng hai người phụ nữ và ba đứa nhỏ người da trắng đang tắm biển ở khu riêng của họ.
Giữa người Việt cũng dễ phân biệt qua cách ăn mặc. Người ngoài nước thường mặc đồ tắm, còn người trong nước thì không, nhất là phụ nữ. Phụ nữ trong nước thường không mặc bikini hay áo tắm mà để nguyên y phục bình thường xuống tắm. Kể cũng lạ. Để cả bộ quần jean áo thun tắm thì làm sao cử động, bơi cho thoải mái. Chẳng lẽ tắm xong lên ngồi nghỉ mệt với áo quần ướt.
Trời đã trưa, nhiều người đang dùng bữa. Đa số đều ăn tại chỗ. Đồ ăn thức uống đã đem sẵn từ nhà. Nhiều nhóm còn có bếp gas nấu nướng. Có những đám ăn uống ồn ào; tiếng mời cụng bia "dzô, dzô", tiếng cười hô hố, nói năng như cãi lộn làm phiền người bên cạnh không ít.
Chúng tôi cũng ăn trưa với bánh mì mang sẵn. Ở đây muốn ăn đồ biển cũng có. Chỉ cần đặt dân bán dạo, họ sẽ đem đến tận nơi một cái bàn nhỏ và mọi thứ sò, ốc, tôm, ghẹ, ... tùy ý khách.
Đang ăn mà thấy lũ trẻ lượm vỏ chai bu sát bên cạnh làm bữa ăn mất ngon. Thực ra tụi nhỏ rất lễ phép, không làm phiền gì ai, chỉ ngồi đó lấy lá dừa xếp hình người, hình chim. Xếp xong, chúng cho mấy đứa nhỏ con tôi. Thật tội nghiệp, nhiều đứa còn bé quá, mới bảy tám tuổi, sáng đi học, chiều đi lượm vỏ chai bán lấy tiền phụ giúp cha mẹ. Có vài đứa lớn tuổi hơn không được cắp sách đến trường. Hỏi, tại sao bên kia có lon uống xong rồi, tụi con không qua xin. Chúng nó nói, người ta không cho, người ta đuổi đi chỗ khác để người ta ăn, nên mới qua đây ngồi. Hỏi tụi con có đói bụng không, đứa nào cũng lắc đầu. Hỏi tụi con có muốn ăn không, chúng cũng lắc đầu. Dĩ nhiên chúng nó nói dối vì không dám. Chúng tôi bèn gọi bà bán hàng rong lại, mua đủ thứ bánh trái cho tụi nhỏ cùng ăn. Quả thật đứa nào cũng đói, ngấu nghiến ăn thật ngon lành.
Vừa ăn vừa trò chuyện với tụi nhỏ và người ở đây mới hiểu được cái nghèo của dân vùng này. Bây giờ đang nghỉ hè, tụi nhỏ có cả ngày đi kiếm ăn, còn mình thì đi du lịch. So với lũ trẻ khốn nạn, con mình sung sướng quá. Nghĩ, thật, thấy đau lòng và bất nhẫn với cái xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội gì mà trẻ con mới bảy tám tuổi phải lang thang kiếm sống.
Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi rủ cả bọn trẻ con đi tắm biển một lần nữa rồi chuẩn bị về. Thức ăn còn nhiều quá, đem chia đều cho các cháu, cho mỗi đứa thêm ít tiền và an ủi dặn dò, dù có lao động cực khổ nhưng vẫn ráng học cho giỏi, ngoan ngoãn. Lũ trẻ dạ, lễ phép khoanh tay cúi đầu chào tạm biệt chúng tôi.
Khách cũng từ từ ra về, để lại vô số rác rưởi: vỏ sò, vỏ ốc, vỏ cua, vỏ ghẹ, vỏ chai, giấy báo, cạc tông, lá chuối, bao ni lông, bao mì gói, ... và những đống nôn oẹ; ruồi nhặng bu đầy. Không có những thứ ấy có lẽ bà công nhân vệ sinh đang đẩy chiếc xe rác không có việc làm.
Trên đường về, ngẫm nghĩ, thật tiếc cho một phong cảnh Dốc Lết tuyệt đẹp mà không được khai thác đàng hoàng. Cách xây dựng thiếu bài bản và tổ chức vụng về cho thấy giới lãnh đạo địa phương rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch. Về lĩnh vực này, Việt Nam cần phải đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp. Cần gửi sinh viên ra ngoại quốc học hỏi, cần cho người đi thăm thực tế các khu du lịch quốc tế, cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các xứ mạnh về du lịch thì mới mong phát triển ngành du lịch của mình một cách chuyên nghiệp đúng trình độ quốc tế, giúp những vùng nghèo khổ miền Trung như Dốc Lết này trở nên thịnh vượng. Chỗ nào có biển, chỗ đó có tiền. Chỉ cần biết làm sao biến nó thành tiền và đương nhiên phải muốn.
5:30 chiều chúng tôi trở về khách sạn ở Nha Trang. Tắm rửa, nghỉ ngơi một chút, cả nhà qua căn tin quân đội ăn cơm.
Căn tin này thuộc về khách sạn chúng tôi đang ở. Ăn được. Giá phải chăng. 20.000 một phần ăn gồm rau muống xào tỏi, mực xào, canh cải, thịt ram, cá thu chiên sốt cà. Cả nhà mười người lớn nhỏ, đặt bốn phần ăn vừa đủ. Căn tin rộng rãi, sạch sẽ, tiếp khách tận tình giống quán ăn thường, không có vẻ gì quân đội cả. Nha Trang nổi tiếng về đồ biển, chúng tôi cũng muốn thử một lần cho biết, nhưng căn tin không có bán. Gần nhất có quán Gió sát bên khách sạn.
Tối, chúng tôi ghé thử sang quán Gió. Ở đây có đủ thứ cá, mực, tôm, cua, sò, hến, ... Bà xã tôi và mấy đứa nhỏ ưa thích các thứ này. Được dịp về Việt Nam ăn cho thoả thích. Tôi cũng thích nhưng bụng hơn yếu, chỉ ăn vài con nghêu, sò huyết cho vui. Phải công nhận, đồ ăn Việt Nam phong phú và ngon, ít nơi nào trên thế giới sánh kịp.
Tôi có mấy ông bạn đồng nghiệp làm chung phòng ở Siemens sang công tác bên Nhật kể lại rằng, dân Nhật là dân chuyên ăn đồ biển. Đồ biển ở Tokyo cực kỳ đắt. Đi ăn ở nhà hàng thường thường, một đĩa cá, một đĩa tôm chỉ vài con giá đã vài chục đô. Cho nên cuối tuần, dân Siemens ở Nhật hoặc dân Nhật có tiền thường rủ nhau bay sang Hà Nội ăn uống, mua sắm, giải trí. Vé máy bay không đắt. Đồ ăn ở Việt Nam quá rẻ, chỉ cần vài ba đô đã được một đĩa cá, đĩa tôm. Dân Siemens ở Đại Hàn và dân Đại Hàn cũng vậy. Cuối tuần họ cũng thích sang Việt Nam chơi để được thưởng thức món ăn vừa ngon, vừa rẻ, thưởng thức một xứ sở chưa bị máy móc hoá, ít stress. Ở Việt Nam không chỉ có đồ ăn rẻ mà còn nhiều thứ khác: massage, bia ôm, v.v.
Giờ này quán Gió đông nghẹt. Hầu hết là người Việt. Lác đác vài du khách Tây phương. Người ăn kẻ uống thật xô bồ, nhất là cái bàn bên cạnh. Một bà Úc sồn sồn, một anh Việt kiều, hai ông còn lại có lẽ là người trong nước vì nói tiếng Anh không vững. Họ chỉ nói tiếng Anh, cố la gào thật to như thể muốn chứng tỏ mình là Việt kiều. Mỗi lần cụng ly là tiếng hô "Vietnam. Paradise", "Vietnam. Paradise" lại vang lên như sấm.