Mẹ Con


Từ hôm đi chơi Bách Môn về, Lộc mất hẳn tính vui cười tự nhiên. Có khi cà ngày, ngoài hai buổi đi làm, chàng chỉ ngủ. Mai sợ chàng ốm, có săn sóc hỏi thì chàng chỉ gạt đi mà chối rằng không sao cả.

Chàng buôn rầu ủ rũ đến nỗi Huy mọi khi vẫn hằn học với chàng mà bây giờ cũng phải đem lòng thương hại.

Một hôm, đương ăn cơm, chàng đột nhiên bảo Huy:

- Chắc cậu cho tôi là một người đáng khinh bỉ.
- Không, anh chỉ là một người đáng thương.

Mai cười khanh khách nói tiếp:
- Một người đáng trọng thì đúng hơn.

Lộc lắc đầu, thở dài:
- Em khen, làm anh thêm xấu hổ.

Mai vẫn cười:
- Những người tốt thường tự cho mình là xấu. Rồi sinh ra nghỉ ngợi điều nọ điều kia. Em chắc anh là hạng người ấy, nên mấy hôm nay lúc nào cũng không được vui.

Lộc không trà lời, mắt lờ đờ nhìn qua cửa sổ ra phía hồ Trúc Bạch như đương dự định làm một việc gì chưa dám quả quyết.

Chiều hôm ấy cũng như mọi ngày, Lộc ở sở ra, lại thẳng đằng phố H.... thăm mẹ. Bà An thấy con có dáng mệt mỏi thì tỏ ý lo lắng:
- Mẹ coi con độ này xanh lắm.

Lộc đáp, cứng cỏi:
- Thưa mẹ, bao giờ con cũng thế.
- Không phải. Mấy hôm nay mẹ xem ra con khác hẳn. Chắc con có điều gì phiền muộn mà con giấu mẹ.

Lộc đến thăm mẹ hôm nay, là cốt đề thú thực cả với mẹ, một phần để mẹ thương mà cho phép được chính thức lấy Mai, nhưng nhất là để được ngỏ cùng một người thân yêu những nỗi đau đớn của mình. Thường vẫn thế, khi ta bị lương tâm cắn rứt mà ta được thổ lộ tâm tình, trao đổi tư tưởng với một người thân thì hình như ta thấy ta đỡ khổ sở, ta thấy trút được ít nhiều sự nặng nề nó đè nén trái tim ta.

Vì vậy thấy mẹ hỏi gạn Lộc liền thưa:
- Vâng, có thể, bẩm mẹ con buồn lắm.

Bà Án cũng thừa biết đến cái khổ của con nhưng bà vờ hỏi:
- Chuyện gì thế con?
- Bẩm mẹ, mẹ có tha tội cho con thì con mới dám thưa.
- Con cứ nói.

Lộc cúi đầu nhìn xuống đất thì thầm:
- Cô Mai...

Lộc bỗng ngừng lại. Bà Án hỏi:
- Con Mai, có phải con bé nhà quê nó rủ rê, nó quyến rũ anh không?

Lộc mỉm cười:
- Bẩm mẹ, nói con quyến rũ người ta thì đúng hơn.
- Ừ, thế sao?
- Bẩm mẹ, bây giờ cô ấy vẫn ở với con, cô ấy...

Bà Án đứng phắt dậy trỏ tay vào mặt con, mắng:
- Thế thì mày giỏi thật... mày dối tao... mày đánh lừa tao...mày đi thuê nhà riêng để ở với nó. Mày còn coi tao ra gì nữa, thằng kia?

Lộc không trả lời, bà Án lại nói:
- Giời ơi! Đẹp mặt! Ông Tham con quan Án mà làm những việc khốn nạn như thế. Nếu bên quan Tuần mà biết chuyện này thì mày bảo sao? Thì tao còn mặt mũi nào, hở thằng kia?

Thấy Lộc vẫn đứng yên, bà Án càng tức giận, quác tháo:
- Muốn sống ngày mai phải về đây ở với tao. Không biết tao điên hay sao mà để cho mày ở riêng như thế. Còn con bé thì tao sẽ trình sở cẩm bắt bỏ vào nhà thổ.

Lộc hai má đỏ bừng, cặp mắt sáng quắc:
- Bẩm mẹ, người ấy đã là vợ con.

Bà Án vỗ sập, gầm thét:
- Vợ mày! Ai hỏi nó cho mày!
- Con hỏi lấy.
- À, thằng này giỏi thực, vượt quyền cha mẹ. Không còn biết ngũ luân, ngũ thường là gì nữa! Phải rồi! Cậu văn minh! Cậu tự do kết hôn. Nhưng cậu phải biết dù thế nào cậu cũng phải xin phép tôi đã chứ.
- Bẩm mẹ, con đã xin phép mẹ, nhưng mẹ không bằng lòng.
- Vậy tôi không bằng lòng thì cậu cứ lấy, có phải không?

Lộc lại gần mẹ, dịu dàng:
- Bẩm mẹ, con thiết tưởng lấy vợ là một sự quan trọng một đờI, phải tự chọn lấy một người ý hợp tâm đầu thì gia đình mới được vui vẻ, thuật hòa. Chứ xưa nay cha mẹ hỏi vợ cho con chỉ kén những chỗ môn đăng hộ đốI...

Bà Án cười gằn:
- Thế thì xưa nay các gia đình dễ không hòa thuận, vui vẻ cả đấy! Bây giờ chúng mày đi học chữ Tây mới biết kén vợ, còn mấy cụ thì lấy liều làm lĩnh cã chăng?

- Bẩm mẹ không phải thế. Các cụ cũng có kén chọn nhưng chỉ chọn những chỗ ngang hang thôi. Thí dụ: Con quan thì lấy con quan. Còn như mẹ nói gia đình các cụ cũng vui vẻ, êm thắm nhưng cái đó chỉ nhờ ở sựbắt buộc mà có, chỉ nhờ có lễ nghi mà có, chớ không phải vì tính tình của vợ chồng hợp nhau. Thao lễ nghi, vợ phải phục tòng, chồng bảo sao nghe vậy, dẫu bị áp chế cũng không dám hé môi. Như thế thì làm gì mà chẳng êm thắm.

Bà Án cười khinh bỉ:
- Thì hãy được thế: chả hơn ba con đĩ cũng rước về tôn làm vợ được sao! Nhưng thôi tôi không cần nhiều lờI, cậu còn muốn trông thấy mặt tôi đi nữa thì phải lập tức tống cổ con đĩ ấy đi rồi về đây ở với tôi.

Lộc cất giọng run run đáp lạI:
- Bẩm mẹ, thực con không tuân theo ý mẹ được, dẫu mẹ giết con cũng cam chịu, vì người ta đã có chửa với con.

Bà án giận uất lên, ngồi im ngẫm nghĩ. Nhưng bà nghe giọng quả quyết của Lộc thì biết rằng khó lòng mà đem oai quyên ra thi thô với con được. Bà liền xoay ngay chiến lược: là gieo sự ngờ vực vào lòng đa nghĩ của con.
- Con nói cũng phải. Nhưng đã chắc đâu rằng nó có chửa với con?

Lộc cười:
- Bẩm mẹ, con không biết thì còn ai biết?

Bà Án nghe con nói, cười ngặt nghẽo:

- Rồi con sẽ rõ. Con phải hiểu mẹ còn lạ gì. Dễ thường con tưởng mẹ không biết gì hết đấy hẳn? Giấu sao được mẹ. Mẹ còn biết nhiều chuyện bí mật thế nữa kia. Chẳng hạn, trong khi con đi làm thì ở nhà con, ở cái nhà mà con cho là một tổ uyên ương, đã xảy ra những chuyện gì....Vì thế, mẹ đã đề mặc con, mẹ chắc thế nào rồi con cũng xét ra được cái lòng bất trắc của con đĩ.... Ai ngờ.... con ngốc đến thế... Nhưng thôi rồi con sẽ rõ.....

Lộc cúi đầu ngẫm nghĩ, lo sợ vẫn vơ. Bà Án lại nói:
- Nhưng giá lấy nó làm nàng hầu thì cũng được.

Lộc vẫn suy nghĩ. Cái tính đa nghi của Lộc mà bà Án muốn lợi dụng ngờ đâu lại có hại cho mưu cơ của bà. Lộc đoán chắc rằng mẹ dùng kế ly gián đối với mình, liền thưa:

- Bẩm mẹ, nếu lấy nàng làm hầu được, thì lấy làm vợ cũng được. Hay là thế này thì con không dám trái lệnh mẹ nữa: Mẹ cho phép con chỉ lấy nàng hầu chớ không phải lấy vợ.

Bà An quát mắng:
- Thế mày bảo tao nói lại làm sao với bên quan tuần, hở thằng kia?
- Bẩm mẹ, mẹ cứ nói con không bằng lòng.
- Mày nói dễ nhỉ? Chỗ người lớn với nhau mà mày bảo lật lọng lời hứa. Mày phải biết, ngày xưa hai người thông gia với nhau ngay từ khi có mang mà về sau cũng còn phải giữ lời ước hẹn nữa là!.... Thôi mỗi cái thế này, nếu anh muốn lấy con bé ấy làm lẽ thì tôi cũng cho phép anh, làm giai lấy năm, lấy bảy mặc ý, nhưng phải nghe lời tôi: đến tháng tám này tôi cưới con quan tuần cho anh đấy.... Tùy anh nghĩ sao thì nghĩ. Muốn tử tế thì được tử tế. Lộc chiều ý mẹ, xin vâng lời, rồi cáo từ ra về, trong bụng mừng thầm rằng mẹ đã nhượng bộ đôi chút. Chàng lẩm bẩm:

- Dần dà rồi cũng xong.

Ba hôm sau vào ngày chủ nhật, trong khi Lộc và Mai đang ngồi nói chuyện ở sân, một thằng bé con thập thò ngoài cổng như muốn hỏi ai mà không dám vào.
Lộc thoáng trông thấy, cho thằng xe ra xem ai hỏi gì thì thằng bé lảng đi nơi khác.

Một lúc sau, nó lại đến ghé mắt nhòm vào trong nhà, Lộc lấy làm bực, chạy vội ra nắm tay hỏi:
- Mày định đến đây ăn cắp à?

Thăng bé con luống cuống, giấu vội một bức thư vào túi áo.
- Bẩm không.

Lộc giật lấy thư xem thì đó là một cái phong bì màu xanh có đề hai chữ "Cô Mai".

Lộc mặt tái mét, tay run run, ấp úng:
- Thư này... đưa cho... gởi cho... cô Mai?

Thằng bé sợ hãi:
- Bẩm không.... con không biết.
- Nhưng gởi đến nhà này phải không?

Thằng bé không trả lời. Lộc lại nói:
- Ai bào mày....? Thư của ai?
- Bẩm con không biết.

Lộc toan giơ tay tát, song lại ngừng lại ngay, ôn tồn, dịu dàng nói:
- Thôi được! Em cứ về. Về nói rằng đã đưa tận tay cô ấy rồi nhé!

Lộc chờ thằng bé đi xa, cầm bức thư soi lên, ghé vào mũi ngửi thấy sực nức mùi nước hoa. Chàng toan xé ra xem, lại thôi, vì chàng nhiễm chút phong tục lịch sự Âu Tây không muốn coi trộm thư của kẻ khác. Nhưng tính tò mò và lòng ghen tuông vẫn đắc thắng nhất là trong những lúc tức giận. Lộc liền quả quyết bóc thư ra. Chàng giật mình kinh hoảng. Chiếc phong bì đựng một cái giấy bạc hai chục và một bức thư, trong có gọn gàng mấy dòng chữ:

Em Mai yêu quý,

Giữ lời hứa, anh gởi tặng em số tiền ấy và chiều mai đúng giờ như lần trước, anh chờ em ở Bách Thú.
Ng. Y

Lộc đứng đờ người, tức uất không thở được nữa.

Bỗng nghe có tiếng giầy đi ra, chàng liền vội vàng bỏ bức thư vào túi quay lại làm ra mặt vui vẻ, tươi cười. Nhưng giấu sao nỗi mắt người yêu. Mai ngơ ngác hỏi:
- Mình làm sao vậy.

Lộc đáp:
- Không, anh có làm sao.
- Sao mặt mình tái mét đi thế?
- Anh hơi đau bụng nhưng không hề gì.
- Em đi lấy dầu để xoa anh nhé.
- Thôi!.... Anh khỏi rồi.

Hai người lại vào chỗ cũ, vơ vẫn ngắm hồ. Mai đột nhiên hỏi:
- Mình nghĩ gì vậy?

Lộc thong thả quay lại, song không trả lời câu hỏi, se sẽ bảo Mai:
- Chắc mình cần tiền lắm phái không?

Mai cười:
- Em thiếu thứ gì anh sắm cho thứ ấy, tiền học của em Huy thì anh đã giả cho rồi. Em còn cần tiền làm gì?

Mai cười khanh khách, cô làm cho Lộc vui lòng:
- Hoặc chăng dăm tháng nữa em mới cần đến tiền. Lộc ngửng phắt đầu hỏi:
- Em cần tiền?... Em cần tiền làm gì?

Mai bẽn lẽn nói sẽ:
- Để sắm sửa cho con.

Lộc sợ hãi, nghĩ thầm: "Hay nó có chửa với thằng kia, với thằng Ng.Y nào đó, nên xin sẵn tiền để dành. Biết đâu?.... Chắc nó không muốn dùng tiền của ta vào việc đó".
- Mình làm sao vậy?

Lộc giật mình cười gằn:
- Không.
- Em chắc mình đương lo nghĩ điều gì.

Lộc không trả lời, cúi xuống cầm viên gạch vạch đi vạch lại xuống đất hai chữ Ng.Y. Mai tò mò nhìn theo, rồi cười, Lộc ngửng lên hỏi:
- Sao em lại cười?
- Vì em biết anh yêu em.
- Sao em biết?
- Anh đương viết tắt chữ Người Yêu xuống đất chứ gì?
- Ng. Y. là người yêu?
- Anh lại còn vờ. Ng. Y. không là người yêu thì là người gì?

Lộc lại ngồi yên lặng.... Chàng cố tìm ra hai chữ tên bắt đầu bằng Ng. và Y. rối lẩm bẩm:
- Nguyễn... nguyễn...

Mai nói tiếp:
- Nguyễn Yên à?

Lộc sửng sốt hỏi:
- Em quen Nguyễn Yên?
- Nào em biết Nguyễn Yên là ai? Em thấy anh chắp thì em cũng chắp hộ.

Lộc càng nghi ngờ, nghĩ thầm: "Chẳng lẽ nó tinh quái, dối trá đến thế được?... Nhưng còn số tiền? Ta không ngờ sao được?" Chàng đăm đăm nhìn vào mắt Mai, hỏi:
- Em có quen người nào tên là thế không?

Mai ngơ ngác:
- Tên là thế nào?
- Tên có chữ Ng. và Y.

Mai ngẫm nghĩ:
- Không. Họa chăng có ông lý Nghi ở làng. Nhưng chắc không phải. Sao anh lại hỏi em thế?
- Không! Thôi, được!

Mai lấy làm lo ngại, đoán chắc xảy ra sự gì.

Lúc bấy giờ Huy đi chơi về tươi cười lại bắt tay Lộc:
- Ở vườn hoa Bách Thú hôm nay có nhiều chuyện hay quá.

Lộc giật mình nghĩ tới sự gặp gỡ hẹn hò trong thư. Chàng lạnh lùng mỉm cười hỏi:
- Chắc lại chuyện trai gái chứ gì?

Lộc đưa mắt nhìn Mai, không thấy nàng đổi sắc mặt, lại hỏi luôn:
- Hay mai chúng ta đi chơi Bách Thú?

Mai vui mừng vỗ tay:
- Phải đấy.

Lộc hỏi:
- Em chưa xem Bách Thú lần nào à?
- Chưa.
- Rõ em quê mùa quá. Ở Hà Nội hơn một năm trời mà không biết vườn Bách Thú.... Hay vì trước mắt ta luôn luôn có cảnh hồ rồi, nên ta không thích một cảnh nào khác nữa.

Lộc đăm đăm nhìn Mai đề dò ý tứ song vẫn không thấy diện mạo nàng lộ ra vẻ gì gọi được là khả nghi.
- Vậy chiều mai, năm giờ nhé. Anh xin về sớm một chút, cho kịp.

Mai cười:
- Thì anh cứ để hết giờ làm việc về cũng được. Cần gì phái năm giờ?

Lộc vội hỏi:
- Em sợ cái giờ ấy lắm sao?
- Rõ anh hỏi lẩn thẩn. Sao em lại sợ cái giờ ấy.

Huy cười:
- Thôi, chuyện phiếm mãi. Ta đi ăn cơm thôi.

Chiều hôm sau, Mai và Huy y phục chỉnh tề ngồi chờ Lộc ở sở về để đi chơi vườn Bách Thảo. Chốc chốc Mai lại chạy ra cổng nhìn hai bên đường, trong lòng thắc thỏm vì quá năm giờ rưỡi vẫn chưa thất Lộc về.

Huy cười bảo chị:
- Chị làm gì mà mong mỏi như chờ đợi một người bạn xa thế?

Mai không trả lời, thở dài. Huy nhìn chị lo lắng:
- Chị sao vậy?

Mai cười gượng:
- Không, chị có sao đâu?

Hai chị em lại lẳng lặng ngồi nhìn ra sân. Huy chẳng biết làm gì, đánh diêm hút thuốc lá, rồi nhìn khói cặp mắt mơ mộng. Mai hơi cau mày.
- Em hút thuốc lá ư?
- Vâng!
- Không nên! Em không nên tập hút thuốc lá. Ít lâu nay chị thường thấy húng hắng ho.

Huy cười:
- Hút cho đỡ buồn chị ạ! Có thiệt đi mất mấy năm sống cũng chẳng sao.

Mai đau đớn nhìn em:
- Độ rày em làm sao ấy. Chị thấy em không vui như xưa nữa.
- Có lẽ vì trời nóng quá đấy, Chị ạ.
- Không phải!

Có người gọi cổng. Mai vội chạy ra. Người chạy giấy tờ ở sở đưa cho Mai một bức thư của Lộc nói Lộc có chút việc không thể cùng đi chơi vườn Bách Thảo được, và dặn Mai với Huy Cứ đi, đừng chờ nữa. Mai vừa đọc và vừa bước vào trong nhà, Huy hỏi:
- Thư thế nào, chị?
- Thư của anh, anh nói bận việc không đi chơi được.

Huy trả lời bằng một hơi thở khói thuốc lá.
Mai lại hỏi:
- Vậy em có đi không?
- Tùy chị.
- Hay thôi, em ạ! ở nhà quách, chị đi làm món kem cà phê đá chốc nữa hai anh em tráng miệng.
- Cũng được.
- Đi thì đi cả, không thì thôi chứ, em nhỉ?
- Phải đấy, nhất là đối với anh Lộc có tính hay ghen.

Mai chau mày:
- Em chỉ hỗn.

Huy cười, nói tiếp:
- Hay ghen mà lại cục.

Mai cười mát:
- Em không tốt, nói xấu người ta trong khi vắng mặt.

Mai tuy Cự Huy, nhưng lời nói của em đã làm cho nàng phải nghĩ đến cử chỉ, cùng ngôn ngữ của Lộc trong hai hôm nay, cái tính nết khó chịu ấy, Cái bộ mặt cau có ấy, cái giọng nói gióng một xưa nay thực Lộc không từng có.

Nếu giờ ấy, Mai gặp Lộc ở vườn Bách Thú thì nàng lại càng cho lời bình phẩm của em là đúng.
Vì tuy Lộc đưa tin về nói thác là bận việc, kỳ thực, chàng lên thẳng vườn Bách Thảo chờ sẵn.

Cây cỏ xanh tươi, nước hồ trong vắt, gió chiều dịu dàng lướt qua làm rung động mấy nõn sen mới mọc cuộn tròn như cái tổ sâu. Cảnh có đẹp, trời có mát, nhưng lòng chàng vẫn như nung như nấu bởi sự ghen tuông.
Thực vậy. Từ lúc nhận được bức thư nặc danh đến giờ, Lộc khổ sở, lo lắng.
Hai tay chặp sau lưng, chàng lững thững cúi xuống nhìn đường, có vẻ tư lự, trầm mặc.
Qua một cái chuồng khỉ nghe có tiếng cười trong trẻo, chàng ngửng đầu ngơ ngác nhìn, tưởng là Mai. Nhưng đó chỉ là một cô gái quê đứng ném lạc đùa với một con bú dù nhỏ.

Chàng lẩm bẩm nói một mình:
- Giá như nó quê mùa hẳn như thê cũng xong! Cái ý kiến ngộ nghĩnh ấy khiến chàng cười thầm, tự lấy làm thẹn cho lòng ích kỷ của mình.

Khi gần đến chân cái gò mà các nhà thi sĩ xưa kêu là núi Nùng, một chàng nhớn nhác vừa đi vừa nhìn những người qua lại, vô ý đâm sầm vào Lộc. Chàng ta xin lỗi rồi lại hấp tấp đi liền. Lộc ngờ vực, rão bước theo sau. Người kia đi đến ngồi nghỉ chân ở một cái ghế dài gần chỗ dựng cột đu. Lộc cũng ngồi xuống lân la gợi chuyện:

- Chừng ông tìm người quen?
- Vâng, tôi hẹn đợi ở đây.

Lộc cười, hỏi đùa:
- Thôi lại gái chứ gì?

Người kia ngượng nghịu nói sẵng:
- Có thế!

Lộc thấy nóng mặt. Chàng nghĩ mưu kế để cố tìm ra sự bí mật của người lạ.

Một lúc, chàng quay lại hỏi:
- Thưa ông, tôi ngôi gần ông chắc làm phiền cho ông lắm.
- Việc gì mà phiền. Trong khi chờ đợi mà có người ngồi nói chuyện thì càng đỡ sốt ruột chứ sao.
- Có thế. Vậy ta nói chuyện cho đỡ sốt ruột, vì tôi cũng như ông, cũng đương đợi một người.

Rồi Lộc vờ như nói một mình:
- Quái, cô Mai làm gì giờ chưa đến.

Người kia quay lại hỏi:
- Tên tình nhân ông là Mai?

Lộc sửng sốt đáp:
- Phải, chắc ông cũng quen Mai?
- Không! Tôi không quen.

Câu trà lời lạnh lùng khiến Lộc càng nghi lắm. Người kia thấy Lộc hỏi lôi thôi liền đứng dậy đi nơi khác. Lộc thở dài. Rồi chàng lại tự lấy làm xấu hổ về cái tính đa nghi của chàng, cũng đứng lên thủng thẳng ra về.

Tới nhà, trời đã nhá nhem tôi. Chàng vào các buồng, không thấy Mai và Huy, toan gọi thằng xe ra hỏi, thì có tiếng cười khanh khách ở bếp đưa lên. Chàng rón rén xuống xem, thấy hai người đang lúi húi bên cạnh một cái đĩa tây. Liên hỏi:
- Hai chị em cặm cụi làm gì thế?

Mai cười đáp:
- Làm kem cà phê. Đấy mình coi, có khéo không?
- Sao không đi Bách Thú?
- Mình không đi thì em đi làm gì?
- Thôi, đi ăn cơm.

Khi Lộc đã lên nhà, Huy sẽ bảo Mai:
- Đấy chị coi. Tính nết có khó chịu không?
- Ừ, không biết có chuyện gì mà từ hôm qua tới nay anh cầu nhầu như thế?

Huy ngẫm nghĩ, thở dài:
- Ấy may mà chị không đi chơi vườn Bách Thú đấy.

Bữa cơm chiều hôm ấy thật là buôn tẻ. Lộc chẳng nói chẳng rằng, ăn vội ăn vàng như làm cho xong một việc bắt buộc. Mỗi lần Mai gợi chuyện, chàng chỉ trà lời cộc lốc hoặc chỉ khẽ gật đầu.
Cơm xong vừa buông đũa bát, Lộc đã lấy mũ đội, ra đi.

Mai, nét mặt rầu rầu, thì thầm hỏi:
- Mình đi đâu đấy?
- Tôi lên thăm mẹ.
- Có việc gì cần không?
- Không.
- Thế thì thong thả, ăn kem đã.
- Thôi.

Mai có giọng kêu van:
- Anh ăn một tí cho em bằng lòng. Kem tay em làm ra.
- Tôi hơi đau bụng.... Mình với cậu Huy ăn hộ.

Nói dứt lời chàng vùn vụt ra đi. Huy nhìn Mai, Mai cúi đầu không nói.
Ra đến ngoài, Lộc thấy khoan khoái dễ thở.

Chàng lâm bẩm:
- Thà rằng biết hẳn nó có....

Chàng không dám đọc đến, không dám nghĩ tới chữ mà chàng kinh sợ: chữ tình nhân. Phải thà biết chắc có hay không, còn hơn cứ phân vân ngờ vực.

Một người kéo xe chào chàng. Chàng mãi suy nghĩ không nghe tiếng. Anh xe lẽo đẽo theo sau tán:
- Có món khá lắm, "dô-li" lắm, chỉ độ mười tám mà thôi. Có chồng cẩn thận.

Lộc quan lại nhìn anh xe, lộ vẽ ghê tởm, quát mắng:
- Cút ngay đô khôn nạn!

Rồi chàng cắm đầu rào bước. Một cái xe khác hạ càng mời chàng. Chàng như không lưu ý tới, lẳng lạng lên xe. Nửa giờ sau, luồng gió mát làm chàng tỉnh ra, thấy đương ở bờ sông mới nhớ rằng định về nhà thăm mẹ, liền bảo xe kéo đến phố H.

Đến nơi thấy cửa ngoài cón khép, vì con sen vừa ra phố có việc, chàng rón rén lẻn vào, đi thẳng tới nhà trong. Bỗng thấy mấy mẫu câu chuyện ở buồng bên cạnh, chàng liền nép mình vào cánh cửa đứng nghe.

Tiếng bà Án: "Mày trông cậu có buôn lắm không?" Tiếng tên người nhà: "Bẩm cậu con buồn lắm. Chiều nay đi Chơi đâu mà lúc hơn bay giờ chưa về.".
Tiếng bà Án: "Được rồi!... cũng là một sự bất đắc dĩ!"

Lúc bấy giờ con sen ở ngoài chạy vào trông thấy Lộc, liền kêu:
- À, cậu Tham!

Bên buồng câu chuyện im. Lộc cất tiếng vờ hỏi:
- Cụ có nhà không sen?
- Bẩm cậu có. Cụ ở buồng bên cạnh.
- Thê à?

Lộc mở cửa bước vào. Bà Án mừng rỡ:
- Chiều nay mẹ mong con mãi.

Lộc nét mặt thản nhiên, tươi cười trả lời:
- Bẩm mẹ, chiều nay nhiều việc con phải ở lại buồng giấy mãi tới bẩy giờ.

Bà Án hỏi săn sóc:
- Thế con dễ chưa ăn cơm.

Bà Án nhìn con có vẻ ái ngại:
- Con độ này gầy lắm. Phải uống thuốc mới được.

Lộc vâng dạ cho qua quít, Chỉ định lang xuống nhà hỏi dò anh bếp, người đứng nói chuyện với bà Án vừa rồi, vì chàng biết mẹ kín đáo lắm khó lòng mà biết được sự bí mật. Nhưng bà Án giữ chàng ngồi nói chuyện lâu lắm, hỏi thăm lan man hết việc nọ đến việc kia. Mãi gần mười một giờ mới trông lên đồng hồ, bảo con:
- Thôi, khuya rồi con về nghĩ kẻo mệt.

Thế là mấy mẩu chuyện vừa thoáng nghe trộm, chàng vẫn chưa thể dò được ra manh mối. Nhưng về phần bà Án thì bà biết rõ rệt hai điều: Một là sự ngờ vực đang nung nấu lòng con, hai là con đã thoáng nghe được câu chuyện bà bàn bạc với anh bếp, bà nghĩ thầm:
"Phải làm cho mau mới mong có kết quả. Kể thì cũng hơi ác. Nhưng vì lòng thương con, biết sao!"

Lòng thương con của các bà mẹ Việt Nam, cho dẫu con đã lớn tuổi, không thể đem sự gì ra so sánh được. Họa chăng có thể ví với sự chăn dắt đàn con của con gà mái. Nếu ai có ngắm qua cái dáng điệu, cái lòng can đảm của con gà mái khi nó xòe hai cánh, quả quyết đưa ngược cái mỏ yếu ớt lên để chống với con quạ hay con diều hâu bay là xuống định bắt con nó, thì sẽ thấu hiểu lòng thương con của bà mẹ Việt Nam.

Tính bà Án đối với con cũng vậy. Bà yên trí rằng Mai sắp sửa làm hại đến đời con bà như con diều hâu định ăn thịt con gà con. Vậy thì cái mưu kê của bà sắp dùng dẫu kẻ khác có cho là tàn ác đến đâu bà cũng không ngại. Làm một việc để cứu vớt một linh hồn đương bị đắm đuối ở chỗ dơ bẩn, thì còn mưu kế gì là vô nhân đạo, là tàn ác đôi với lương tâm bà?

Huống chi cái linh hồn đương bị đắm đuối ấy lại là linh hồn con bà, con một rất yêu quý của bà. Bà nghĩ thế thì bà mỉm cười nói một cách quả quyết:
- Ngày mai!