Chương 7


Sau việc làm có ý nghĩa là cứu giúp người hành khất tai qua nạn khỏi, Đen, Trí và Diễm sống vui vẻ hơn bao giờ. Họ lại vui đùa, cãi vã nhau vì khắc khẩu, và hăng say học tập bên nhau trong năm cuối cấp II.

Buổi tối, trời không mưa, trăng sáng vằng vặc, Diễm chợt nghĩ tới giao kèo hôm nọ với Trí, nên xin phép mẹ cho đến nhà Trí một tiếng đồng hồ. Mẹ Diễm rất cưng con gái, nhưng bà e dè:

-Nếu không có việc gì cần thiết, thì mai đến trường gặp Trí. Bây giờ con lo học bài đi ! Năm cuối cấp quan trọng lắm ! Con biết không ?

Diễm ôm vai mẹ, nũng nịu:

-Dạ, con biết, và con đâu xao lãng việc học mà mẹ lo.

-Nhưng con và nhóm Trí, Đen hay làm những việc "kinh thiên", mẹ không lo sao được !

Diễm nghẹo đầu, cười làm điệu:

-Mẹ lại muốn nhắc chuyện tụi con giúp đỡ ông ăn xin chứ gì ? Không phải tụi con bốc đồng đâu mẹ ơi. Lúc ấy, ba đứa tụi con rất lo sợ ông ấy chết. Đen là đứa quyết tâm nhất, vận động con và Trí cứu giúp ông ấy.

Mẹ Diễm suy nghĩ giây lát, rồi gật gù:

-Đành rằng ba đứa làm được việc tốt, nhưng rồi sau cái buổi dầm mưa ấy, ba đứa đều phải nằm dài vì ngã bệnh. Đã vậy còn lén lén lút lút giấu cha mẹ, hằng ngày phân công nhau đến trạm xá săn sóc ông ta. Phải chi các con nói cho người lớn biết để giúp đỡ một tay, có phải hơn không ?

Diễm chống chế yếu xìu:

-Con sợ người lớn không cho phép tụi con tiếp tục giúp đỡ ông ăn xin đến khi bình phục hẳn.

Mẹ Diễm cốc yêu lên đầu con gái, trách:

-A, té ra con nghĩ mẹ của con không có chút lòng nhân từ nào ư ?

Diễm xua tay rối rít:

-Đâu có, con đâu dám nói vậy. Con biết mẹ luôn luôn ủng hộ con làm việc tốt mà.

-Khéo nịnh chưa !

Không để mất thời gian, Diễm nói lớn:

-Con đến nhà Trí nghen mẹ !

Không cần chờ mẹ gật đầu, mà chỉ cần nhìn nụ cười của mẹ, Diễm biết mẹ đã đồng ý. Cô tót vào trong, thay quần áo liền. Tánh của Diễm đi đâu ra khỏi nhà cũng ăn mặc chải chuốt kỹ lưỡng, vì thế mà cô bị đặt chết cái tên Diễm "điệu".

Đạp xe mi-ni trên đường phố, Diễm không ngớt nghĩ về Đen. Hắn làm gì mà phải vất vả, hì hục trồng cây hoa đồng tiền ? Có khi sáng sáng, hắn còn chạy ra chợ mua hai ba cái hoa rồi cắm cổ chạy về. Nhà Đen không hề thấy chưng hoa, vậy hắn mua cho ai, làm gì ?

Hừm, thật là bí ẩn mà mình thì tò mò muốn biết đây !

Trí mở cửa cho Diễm vô nhà, cậu hơi ngạc nhiên:

-Đen đâu ?

Diễm ngẩn người:

-Đen gì ? Bộ bồ tưởng tui đi với Đen đến đây hả ?

-Ủa ! Diễm đến chơi một mình sao ? Không nói ra, ai mà biết.

Diễm đỏng đảnh:

-Tui không có đi chơi, mà tui đi công chuyện.

-Công chuyện ? Ghê nhỉ ! Vậy hãy nói ra là công chuyện gì đây ?

Diễm nguýt sắc lẻm:

-Còn công chuyện gì nữa, ngoài việc cần theo dõi Đen xem hắn làm gì mà hôm trước tụi mình đã bàn tới đó.

Trí vỗ trán:

-Tui nhớ rồi. Tại hổm giờ, mấy đứa mình đều bịnh cả, nên tui không nhớ đến chuyện này.

Diễm châu đầu lại gần Trí:

-Giờ tính sao ?

-Sáng mai, trước năm giờ sáng, hai đứa mình phải mai phục trước nhà của Đen thì mới mong theo dõi nó được.

Diễm rụt vai:

-Trước năm giờ sáng, tui hổng thức nổi đâu.

Trí động viên:

-Muốn làm "nữ trinh sát" thì phải chịu khó một chút !

-Nhưng tui không biết lấy lý do gì, để ra khỏi nhà vào giờ đó.

Trí giải toả ngay:

-Diễm có thể nói là dậy sớm tập thể dục.

-Nhưng... tui có khi nào tập thể dục đâu.

-Thì bây giờ bắt đầu khởi sự.

Diễm le lưỡi:

-Eo ơi ! Tập thể dục mệt chết, tui hổng tham chút nào !

Trí trợn mắt, doạ:

-Diễm mà lười biếng, không chịu tập thể dục, mai sau cái thân phì lũ như cái lu, khó coi lắm đấy !

Diễm hét toáng:

-Bồ không được trù ẻo tui !

-Bồ mê tín dị đoan quá đi ! Động chút gì cũng đổ thừa tui trù ẻo. Tui nói thật đấy, bồ không tin cứ để thử xem, lúc đó đừng có khóc vì mất thẩm mỹ.

Diễm thở dài:

-Thôi được rồi, để tui làm quen với môn thể dục điền kinh.

-Vậy không có gì thay đổi nhé ! Sáng mai, đúng năm giờ thiếu mười phút có mặt tại điểm hẹn.

Hai đứa xoè tay, vỗ vào nhau vui vẻ, nhất trí. Diễm chuyển đề tài:

-Hôm rồi bị bệnh, mẹ Trí có la không ?

-Mới đầu la quá chừng vì cái tội đi từ sáng tới tối mịt mới về, lại ướt sũng như chuột lột, nhưng đến khi Trí bệnh thì mẹ lo lắng lắm. Nhìn mẹ thấy thương, nên Trí nói hết sự thật cho mẹ nghe. Thế là mẹ không la nữa...

Cậu đổi giọng, khoe:

-... Mà mẹ còn cho tiền, để Trí mua đôi giầy thể thao và trái banh da khác. Chỉ tội nghiệp cho Đen ! Nó bị mẹ mắng và giận luôn, nhưng nhất định không kể những việc nó làm.

Diễm nhận xét:

-Đen là đứa bạn tốt, luôn luôn hành động âm thầm, không cần ai ghi ơn hay ca ngợi.

Trí công nhận:

-Người ta nói: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Tụi mình ở cạnh ánh đèn, chắc cũng được thắp sáng lây.

Diễm rủ Trí:

-Trời trăng đẹp quá, tụi mình đến nhà Đen chơi không ?

Trí đồng ý:

-Cũng được, nhưng nhớ đừng nói gì đến "kế hoạch", bí mật của tụi mình nghen !

Diễm chu môi:

-Làm như người ta ngu lắm vậy !

Trí vào nhà lấy xe. Cậu mở tủ lạnh, lấy hai trái táo, bỏ vô bọc xốp, treo nơi cổ xe. Diễm hỏi:

-Để làm gì ?

-Cho thằng Đen ăn. Nhà tụi mình ăn không hết, nhưng tội nghiệp thằng Đen đâu có mà ăn.

Diễm thinh lặng, chứng tỏ cô cũng hiểu điều đó và rất thương cảm hoàn cảnh của bạn. Trí và Diễm đến nhà, gặp Đen đang miệt mài làm bài tập. Diễm liếc nhìn khoảnh đất trống đã được trồng những cây hoa đồng tiền lên là rà sát mặt đất. Cô trêu chọc:

-Chừng nào hoa đồng tiền của Đen nở những đoá hoa đầu tiên, Đen vui lòng bán cho tui nhé !

Bờ môi mim mím của Đen hé nụ cười:

-Diễm ngạo tui hoài ! Tui còn đang hồi hộp, chưa biết những cây này có nở hoa không, hay lại toi công ích ?

-Theo lời chị Ngọc Hồng, cây hoa lên tươi tốt thế này thì nhất định sẽ cho hoa to và đẹp.

-Hy vọng được như thế !

Trí chìa hai trái táo trước mặt Đen:

-Cho mày.

Đen nheo mắt:

-Sao đem táo cho tao ?

Trí gỡ kính cận, dùng vạt áo chùi:

-Tao đem qua thì mày cứ việc ăn, hỏi làm gì cho lôi thôi.

Đen gợi ý:

-Tao lấy dao gọt táo, ba đứa mình cùng ăn cho vui nhé !

Diễm từ chối:

-Tui mới ăn cơm xong, hổng ăn đâu.

Trí thì tống ra một cái thở:

-Một mình tao vừa xơi hai trái. Bộ mày muốn tao bội thực hay sao mà biểu ăn nữa ? Thôi một mình mày ăn đi. Tụi tao qua chơi một lát rồi về học bài, kẻo bị mẹ mắng.

-Ừ thôi, nếu tụi mày chưa học bài thì về làm tròn nhiệm vụ. Tao cám ơn Trí "cận" đã cho hai trái táo.

Trí xoạc chân, chống hông, hất mặt:

-Cái mặt mày khách sáo, nhìn phát ghét !

Trí và Diễm dẫn nhau ra về rồi, Đen cứ đứng nhìn theo mãi. Cuối cùng, cậu đưa một trái táo cho mẹ để chia cho các em. Còn một trái, Đen cầm trong tay, đưa mắt nhìn qua khung cửa nhỏ nhà Hạnh. Mẹ Đen hiểu ý, nói:

-Con để dành cho Hạnh, phải không ?

Đen bị mẹ đoán trúng, đỏ mặt đáp:

-Dạ.

Mẹ cậu cười trìu mến:

-Đem qua cho nó đi !

-Con ngại quá ! Giờ này dì Lan có ở nhà, mẹ à. Hay là mẹ đem qua cho Hạnh dùm con nhe ?

Mẹ Đen khích lệ:

-Con cứ đem qua, có gì đâu mà sợ ! Tội nghiệp ! Nhà mình đã nghèo, nhà dì Lan còn nghèo hơn. Đã vậy, con Hạnh còn tật nguyền, thương quá !

Đen không nói gì, song trong lòng cậu dạt dào niềm thương cảm. Mẹ cậu hối:

-Con đi đi !

-Liệu... dì Lan có cười con không ?

-Mẹ nghĩ là không. Tình bạn của con và Hạnh là tình bạn chân thành, đẹp đẽ. Dì Lan phải ủng hộ con mới đúng.

Nghe mẹ nói, Đen như được truyền thêm can đảm. Cậu cười ngượng:

-Vậy con đi, nghen mẹ !

Người mẹ gật đầu, mắt nhìn như ngầm khích lệ. Đen băng qua nhà dì Lan. Khung cửa nhỏ đã khép kín, nhưng bên trong hắt ra ánh đèn tù mù. Đen nghĩ, giờ này có lẽ mẹ con dì Lan chưa ngủ. Đưa tay vuốt lại mái tóc cho ngay ngắn, Đen đánh bạo lên tiếng gọi:

-Dì Lan ơi !

Ở trong nhà vang lên tiếng hỏi:

-Ai đấy ?

-Con ! Con là thằng Đen !

Cánh cửa bằng ván mỏng hé mở, mái tóc đốm bạc của dì Lan rối bù ló ra:

-Có chuyện gì không cháu ?

Tự nhiên Đen lại run sợ:

-Con... có làm phiền dì không ? Có làm mất giấc ngủ của dì không ?

Người đàn bà có gương mặt khắc khổ mỉm cười:

-Dì chưa ngủ. Nhưng có gì không ?

Đen ngập ngừng, khó nói:

-Con... đem cho.. Hạnh trái táo.

Dì Lan mở to mắt:

-Ồ ! Sao cháu không ăn, mà lại đem cho Hạnh ?

-Thưa dì, con ăn rồi.

-Dì không biết Hạnh nó còn thức không.

Tiếng con gái trong trẻo, dịu dàng của Hạnh chợt cất lên:

-Con còn thức nè mẹ !

Chiếc mùng nhỏ vá năm bảy chỗ được vén lên, gương mặt xinh xắn của Hạnh chợt xuất hiện dưới ánh đèn mờ nhạt. Vừa thấy Đen, Hạnh nở nụ cười thân ái:

-Đen qua Hạnh chơi lạ vậy ?

-Đen đem cho Hạnh trái táo.

Đen hơi rụt rè, vì có mặt dì Lan. Thấy thế, dì Lan cười nói:

-Hạnh vén mùng, để bạn ngồi chơi đi con ! Cháu Đen ngồi tạm trên giường. Nhà dì nghèo quá, chẳng có bàn ghế gì.

-Dì đừng nói vậy ! Nhà con cũng rất nghèo, nên hiểu cảnh nghèo mà.

Dì Lan khen:

-Cháu tốt và biết thông cảm hoàn cảnh của người khác ! Dì nghe Hạnh nói, cháu tìm cách giúp đỡ nó hoài. Dì cảm ơn cháu không ngại nó tật nguyền mà làm bạn với nó.

Hạnh và Đen nhìn nhau, cười thân thiết. Đen đâu biết được rằng, hằng ngày mẹ Hạnh phải đi làm, Hạnh ở nhà một mình buồn và cô đơn lắm, nên mỗi lần Đen đến chơi, Hạnh vui vô cùng.

Không ai hiểu con hơn dì Lan. Dì thấy trong mắt con gái ngập đầy niềm vui và hạnh phúc thì hết sức cảm động. Dì hiểu tình bạn đối với hạnh quan trọng và cần thiết biết chừng nào.

-Cháu Đen ở đây chơi. Dì muốn theo dõi chương trình truyền hình, xem có gì không. Cháu uống nước tự nhiên nhé ! Dì qua nhà hàng xóm coi ké tivi đây.

Dì Lan đi rồi, Đen vẫn ngồi một chỗ, không dám nhúc nhích. Hạnh nhắc:

-Đen uống nước đi ! Nước đậu rang, mẹ nấu uống cho mát đó.

-Đen cảm ơn Hạnh.

-Đen khách sáo quá hà ! thế Đen đem táo cho Hạnh nè, Hạnh phải nói thế nào ?

-Thôi, không nói gì nữa.

Đen vờ hỏi thăm:

-Lâu nay, "bà tiên" có cho Hạnh hoa đồng tiền nữa không ?

Hạnh chúm chím cái miệng dễ thương, đáp như tâm sự:

-Thỉnh thoảng, Đen à. Đôi lúc Hạnh nghĩ mãi vẫn không ra. Không biết ai tốt bụng, lâu lâu lại cho Hạnh mấy đóa hoa đồng tiền để trên khung cửa nhỏ vào những buổi sáng ? Hạnh mở mắt thức dậy, thấy hoa đồng tiền xinh tươi nằm đấy, lòng vui sướng và hạnh phúc lắm, nên mới gọi người bí mặt tặng hoa cho Hạnh là "cô tiên".

Đen nheo mắt, cố tình làm như mình không biết gì thật.

-Hạnh có đoán được ai có thể là người thường xuyên mua hoa để lên khung cửa không ?

-Hạnh không biết là ai. Có khi Hạnh nghĩ là mẹ, nhưng mẹ đã ra đi từ lúc ba giờ sáng, để kịp quét dọn những con đường trước khi mọi người thức giấc, thì làm sao có thì giờ mua hoa đồng tiền tặng Hạnh. Hơn nữa, nếu mẹ mua hoa thì cần gì làm ra vẻ bí mật, chỉ để lên khung cửa vào những buổi sáng sớm.

Đen giả bộ gợi ý:

-Có khi nào là chị bí thư Đoàn phường không ?

Hạnh thật thà nói:

-Hạnh có nghĩ đến, nhưng không chắc. Vì nhà chị bí thư ở xa, chị lại bận bịu nhiều công việc xã hội...

Hạnh bỏ lửng câu nói, chứng tỏ giả sử đó không khả quan cho lắm. Đen lại nói:

-Sao Hạnh không để ý, xem có bắt gặp người nào không ?

Hạnh lại cười:

-Đen biết không ? Hạnh có tật từ hai giờ đêm cho đến một, hai giờ sáng không ngủ được. Thế là Hạnh lết dậy, nấu cơm cho mẹ ăn để ba giờ mẹ đi quét đường. Sau khoảng đó, Hạnh vô giường nằm và mới ngủ được, nên thường hay dậy trễ...

Nói đến đây, Hạnh dùng tóc che miệng như mắc cỡ. Cô thay đổi tư thế ngồi, buông thòng hai chân tong teo tật nguyền của mình xuống, trông rất thương tâm. Đen biết số phận của Hạnh rất đau khổ và thiếu may mắn. Cha Hạnh đã chết vì một tai nạn khi Hạnh chưa chào đời. Khi lên hai tuổi, Hạnh bị sốt một trận và bại liệt luôn cho đến bây giờ. Dì Lan đã phải bán đi căn nhà khang trang để lấy tiền sinh sống và lo thuốc thang cho Hạnh, và vào tận trong xóm nghèo này mua căn nhà tồi tàn, xập xệ làm chỗ che nắng trú mưa. Dì phải đi làm công nhân vệ sinh kiếm tiền làm kế sinh nhai và nuôi dưỡng đứa con tật nguyện. Đen hiểu được những điều đó. Cậu càng thêm gần gũi để an ủi Hạnh và kính trọng dì Lan, người đàn bà can đảm đã vượt qua vô vàn phong ba để đứng vững bằng nghị lực của mình.

Hạnh nhắc:

-Sao Đen không nói chuyện gì ?

-Đen đâu biết nói chuyện gì ?

-Đen kể chuyện ở trường ở lớp cho Hạnh nghe đi !

-Đen có mấy đứa bạn rất vui tính, nhà tụi nó giàu có lắm. Bữa nào, Đen dẫn tui nó tới chơi với Hạnh nha ?

Hạnh đột ngột xụ mắt, khiến Đen lúng túng:

-Nếu như.. Hạnh không thích thì thôi vậy.

Hạnh ngước khuôn mặt thon thon dễ mến nhìn Đen:

-Không phải Hạnh không thích có nhiều bạn, nhưng Hạnh không dám chơi với những bạn nhà giàu có.

Đen làm động tác bẻ những khớp ngón tay, cho đôi tay bớt thừa thãi:

-Đen hiểu rồi. Có phải Hạnh mặc cảm không ? Nhưng đối với bạn của Đen thì Hạnh đừng có mặc cảm. Vì tụi nó tốt bụng lắm, chưa khi nào có biểu hiện khinh miệt bạn bè và rất hoà đồng.

Hạnh lặng thinh. Đen cố thuyết phục:

-Hạnh chưa gặp tụi nó một lần thì chưa tin lời Đen nói đâu.

Hạnh trầm buồn, nói:

-Hạnh chỉ ngại thân phận mình nghèo, lại tật nguyền, chơi với các bạn chỉ làm mất giá trị của các bạn thôi.

-Bạn của Đen không phải những đứa như vậy. Hạnh nghĩ xem thân phận của Đen đâu có hơn gì Hạnh, nhưng các bạn đối xử rất tốt.

Hạnh dần dần yên tâm:

-Đen đừng dối Hạnh nhé !

Đen đáp thật nghiêm túc:

-Đen không hề dối Hạnh.

Hạnh nhoẻn cười. Trước mắt cô là màn đêm, nhưng cô hình dung bóng đêm không thể nào giăng kín con đường phía trước, khi bên cạnh cô còn bao nhiêu tấm lòng vàng!