Chương 7


Buổi sáng, lúc tôi ra bưu điện gửi lá thư cho chị Hà thì trời mưa. Mưa không kịp vuốt mặt. Mưa giam tôi ở hiên nhà mất một phần của buổi sáng. Cuối cùng tôi cũng đội mưa mà về, ướt sũng từ đầu tới chân. Thay áo quần xong tôi leo lên giường quấn chăn nằm trong phần buổi sáng còn lại. Trời mưa mù mịt. Mưa với những cơn gió khủng khiếp. Tôi ho từng chập và đầu hâm hấp nóng như muốn đau. Nếu chị Hà biết được điều này hẳn là tôi đã không tránh khỏi bị la. Hồi nhỏ tôi có tật ham tắm mưa và lớn lên tôi ưa thèm dầm mưa.

Hễ gặp mưa dọc đường, trú mưa chỉ được một chốc lát là tôi cảm thấy thèm nhào ra đường dầm cơn mưa ngay. Dù tôi chẳng khỏe gì, đội mưa một đoạn đường là run lên cầm cập, về nhà muốn đau ngay. Trong thư chị Hà viết cho tôi, Sài Gòn sửa soạn mưa, nóng ran người, nắng hoa mắt. Chị Hà trách tôi: “… Sao lười viết thư, ba má nhắc em hoài về chuyện xa nhà. Chị nghĩ rằng chị hiểu được Huy phần nào, những thay đổi bắt buộc phải có. Nhưng phần nào đó thì cũng rất mơ hồ thôi. Hình như những thay đổi này là sự bất thường, phải không Huy? Thỉnh thoảng chị cũng trở lại phòng em, để tìm vài cuốn sách có thể đọc được hay để lau chùi đám bàn ghế đóng bụi. Chị vẫn nghĩ rồi chẳng lâu em sẽ trở lại phòng này như ngày nào”.

Căn phòng quen thuộc và vuông ban công nhỏ ngày nào, rồi tôi bỏ quên đi. Khi tôi bắt đầu thân thiết với cái phòng trong ngôi biệt thự rêu ẩm, hoang phế ở đây. Rồi buổi sáng thức dậy không còn thấy đám núi mờ mờ ngoài khung cửa sổ như thường ngày. Trời đem về những cơn mưa dài lê thê. Ðám quỳ vàng quấn lấy bùn ở dưới con dốc cánh rã tơi tả trông thật tội nghiệp. Như đám hoàng cúc mọc dưới chân bờ tường, be bé thấp thấp giống đám gà con, bây giờ còn lại những cọng vàng yếu ớt nằm rạp trên mặt đất đang ăn năn một kiếp, nuối tiếc một mùa qua.

Một mùa rắc hương cho trời đất đã chấm dứt từ buổi chiều Chi và tôi trên phố, khi vừa ở trong một tiệm sách bước ra thì trời mưa xối xả. Chúng tôi đi men theo các hiên nhà để tìm một quán cà phê. Ðúng hơn là tìm một nơi ngồi cho ấm. Tôi gọi cho Chi một ly sữa nóng và tôi một phin cà phê. Em nói, bây giờ thỉnh thoảng em vẫn hay thèm một ly sữa như dạo còn ở với mẹ. Chúng tôi ngồi chụm đầu nhau chuyện trò như những người con trai và những người con gái ngồi trong quán. Khác chăn là câu chuyện của chúng tôi.

- Anh Huy ơi, có người nhìn mình nãy giờ đấy.

- Ðâu nào.

- Chị mang kính cận ở bàn trong cùng kia kìa.

- Kệ họ.

- Họ nhìn anh đấy.

- Khỏi phải đi, họ ngắm em thì có.

- Em mà họ ngắm làm chi.

- Thì em đẹp chứ sao.

- Không thèm.

Chi cúi xuống ly sữa, hai gò má chín đỏ, dễ thương.

- Không thèm. Anh Huy ngạo em.

- Thật chứ bộ.

- Thật sao ạ?

- Chi cũng lớn rồi chứ bộ.

- Em mà lớn với ai. Em vẫn thèm uống sữa mãi thôi.

Tôi đưa tách cà phê của tôi lên miệng Chi, gạ em uống một ngụm. Uống thử với anh đi. Môi Chi đã ngậm trên vành sứ nhưng rồi lại đẩy ra.

- Chịu thôi, vậy mà anh Huy uống được.

Tôi cười và rót phần sữa còn lại của Chi sang tách cà phê của tôi.

Mưa còn hạt nhỏ và những ly tách của chúng tôi lạnh tanh. Chẳng còn tìm đâu được hơi ấm để dành hai bàn tay ấp lên má nhau. Chúng tôi ra khỏi quán với đôi mắt đục của bầu trời đầy hơi nước. Hai đứa đi chung một cái áo mưa băng qua các con đường, các khu phố xá, mặc những con mắt dòm ngó. Chính lúc này trong đầu tôi đã thoáng qua ý nghĩ, tôi và Chi sẽ trở thành những kẻ lạ lùng nhất của thành phố này mà ai cũng phải biết tới.

Tôi đưa Chi trở lại nội trú. Soeur giám thị hình như cố ý chỉ còn đợi mình Chi, đang đi qua đi lại ngoài hành lang phòng khách. Soeur xem đồng hồ khi thấy chúng tôi bước vào.

- Hôm nay em Chi lại trễ nữa.

Tôi đỡ lời Chi:

- Thưa sơ, tại chúng con gặp mưa.

sửa lại gọng kính, soeur giám thị ngó thẳng tôi, nói:

- Mẹ em mới viết thư cho nhà trường, dặn chúng tôi chăm nom em kỹ lưỡng. Ðó là bổn phận được lưu ý riêng. Có điều lạ là tôi không được nghe bà nhắc Chi với những chuyện xin phép cho em Chi ra chơi ngày chủ nhật.

Câu nói với mắt nhìn của người nữ tu hướng về tôi, làm tôi tái mặt. Có thể họ bắt đầu nghi ngờ về sự hiện diện của tôi bên Anh Chi và rồi sắp khám phá ra rằng tôi không phải là anh ruột của Anh Chi, như tôi đã dối họ. Những buổi sáng chủ nhật tới đón Chi đi chơi rồi sẽ không còn, khi mẹ Chi đã biết tôi có mặt ở thành phố này, nơi mà bà tưởng sẽ giữ được tôi xa Chi. Thật là một sự kinh hãi. Rồi bà sẽ đưa Chi đi một nơi khác, rất xa xôi nào đó. Nơi đó, hẳn sẽ nằm ngoài bước chân của tôi. Tôi mơ hồ rồi sẽ mất Chi.

Từ buổi chiều ấy ở nội trú về, tôi mơ hồ rồi mình sẽ mất Chi vĩnh viễn. Tôi buông tay Chi, lặng câm run sợ, không dám ngước nhìn người nữ tu có bổn phận phải chăm sóc em. Tôi quên cúi xuống trán em ở hành lang tối và chúng tôi quên dặn nhau như những lần trước. Anh về ngủ ngon. Em về ngủ ngon.

Bởi thế tôi về ngủ chẳng ngon. Khi tôi trêu làm Chi dỗi, rồi hết lời dỗ Chi, có một lần em nói với tôi. Anh ưa trêu em rồi anh về ngủ mơ thấy cây xương rồng cho mà xem. Những cây xương rồng đang mọc đầy trong đầu tôi thành vườn. Những nhánh ngang nhánh dọc, những gai nhọn, những nhựa mủ đang đâm kín tâm hồn bệnh hoạn của tôi. Tôi về chẳng ngủ được và hút thuốc lá liên miên. Những đêm thật khuya, tôi bỏ sách vở ra ngoài hiên ngồi đốt thuốc, co mình trong cái lạnh. Cho đến khi mềm người, cái đầu om lên vì thuốc như muốn nứt ra, tôi nằm ứa nước mắt nhớ tới Chi. Giờ này biết đâu em cũng chẳng ngủ được như tôi, nằm vùi mặt trên gối mà khóc vu vơ. Bởi một lần em ngả trên vai tôi nói, từ nay anh nghĩ gì em cũng biết hết cho mà xem. Anh không ngủ được và đang nghĩ tới bé Chi ạ. Anh đã quyết định rồi, từ tuần tới anh sẽ chẳng tới đón bé. Và những tuần tới nữa anh cũng chẳng tới thường với bé. Có thể chúng ta gặp nhau hoặc nhìn nhau mà thôi. Vì anh muốn nâng niu những ngày này. Không biết bởi linh tính nào đã khiến anh nghĩ thế, rồi chuyện tình cảm này vỡ ra. Chúng ta sẽ không còn được ở bên nhau mãi đâu.

Phần đêm còn lại tôi ngủ mơ thấy mình là anh chàng phi công mất trí trong phim, bị bắn những phát đạn nơi ngực, nằm chết trong sân nội trú trường Chi, mắt mở trừng trừng. Tôi mơ thấy tôi, thấy lẫn lộn tất cả. Khi thấy mẹ Chi với đôi mắt đỏ hoe. Khi thấy cũng là đôi mắt nhưng soeur giám thị, bà nhìn tôi thật dữ tợn sau lớp kính sáng quắc. Và tôi thấy cả đôi mắt của người đàn ông đã làm tôi khó chịu trong buổi sáng chủ nhật đi chơi với anh em Trường nữa. Kỳ lạ. Tôi thấy ông ta cười với Chi, nắm lấy tay và ẵm Chi lên con ngựa trắng phi như bay trên ngọn đồi cỏ mướt. Tỉnh dậy tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ và miệng khan, môi đắng ngắt.

Bỏ học liên tiếp mấy ngày, người tôi lao đao trong cơn đau. Cơn đau như thời tiết đang thay đổi ở ngoài, mưa từng chiều lê thê, lạnh ngắt từng những bậc cửa, những đồ đạc trong nhà. Tôi muốn đau vùi qua ngày chủ nhật, để tôi sẽ quên đến đón Chi. Và tôi đau thật sự, buổi sáng lúc đội mưa từ bưu điện về.

Cô Ngàn đã đặt tay lên trán tôi, lo ngại:

- Cháu sốt cao rồi đó.

- Vâng có lẽ thế. Sao miệng cháu đáng ngắt à.

- Tại cơn mưa đó. Mưa đầu mùa bao giờ cũng độc.

Tôi nhớ tới cái thư, nhớ chị Hà và thành phố mà những người thân tôi đang sống. Có lẽ cũng đang vặn mình trong cơn đau của mùa mới. Chỉ vào những tháng này người ta mới biết có thời tiết đang thay đổi chung quanh, suốt một năm. Và những ngày lạnh rơi rớt vào cuối năm họa hiếm để người ta biết có những ngày tết sắp đến. Thành phố mà lúc nào cũng đầy khói, bụi bặm với những tiếng động mệt mỏi. Tôi thích được nói, cái thư có một chụt thời tiết nơi gửi. Trong thư tôi cũng kể cho chị Hà nghe, nơi đây cũng bắt đầu mưa.

Tôi co quắp người trong chăn với cơn ho dài. Cô Ngàn đi lấy thêm cho tôi chiếc khăn dày đắp phủ gần kín cả chiếc giường. Cô bóc một tờ lịch treo trong phòng rồi đến ngồi bên tôi. Hôm nay là thứ bảy.

Cô nói:

- Mai chắc cháu không đi đón em Chi được nhỉ.

Tôi quay lại nhìn cô, bặm chặt môi, không nói gì. Cô đặt bàn tay lên bờ vai tôi, cười nhẹ. Cô đùa, anh Huy đau không tính toán gì cả, nhằm đúng ngày tới đón người ta thì đau. Cô cố vui cho tôi vui được:

- Cô đang định nấu một bữa bún mọc để đãi hai người, ráng khỏi tuần tới còn đón em Chi về chứ anh Huy.

Tôi vẫn không cười được, hằm răng vẫn ngậm chặt môi. Tuần này và tuần tới, không biết toi có còn dám tới nội trú đón Chi không. Biết rồi chúng tôi có còn vui vẻ để gặp nhau.

Cô Ngàn lay vai tôi:

- Kìa anh Huy. Hẹn tới đón em Chi đi chứ.

Tôi nhìn chăm vào cô Ngàn, nghe cô nói. Em chi dễ thương ghê đi ấy. Và tôi ứa nước mắt.

- Ðừng chứ anh Huy.

Cô làm tôi khóc oà. Chưa bào giờ tôi thấy mình trẻ dại như thế. Cô Ngàn cuống lên. Cô tôi gọi tôi như Chi đã gọi tôi.

- Ðùa tí vậy mà cháu.

Cô bỏ xuống bếp. Một lát sau cô trở lại với ly sữa và tiếng muỗng khua vào bờ thủy tinh, cô nói:

- Cháu uống ly sữa cho khỏe.

Tôi ôm bàn tay mình vào ly sữa tìm một chút ấm tỏa ra. Tôi nhớ Chi và những giọt nước mắt đã khô một cách vội vàng. Không biết giờ này ở trường em Chi đang làm gì. Ðang huyên thuyên bên bạn bè, cắm cúi trên cuốn vở hay đang đứng cúi mặt trước soeur giám thị nghe hạch hỏi. Trời ơi, có thể lắm, nếu soeur giám thị gạn hỏi mọi chuyện thì Chi biết những gì phải trả lời, biết những gì phải dấu giếm. Nhất định rồi mọi chuyện sẽ vỡ lở, hỏng hết. Tôi nhắm chắc ly sữa tưởng như có thể bóp vỡ nát thủy tinh được. Trời ơi. Tôi căm hận người nữ tu cận thị, căm hận nội trú trường Chi, cả hai là những bức tường đá nặng nề vây kín lấy Chi và sửa soạn ngăn cấm tôi tới với em.

Nhưng có lẽ giờ này em đang ở nhà nguyện.

Buổi sáng chủ nhật tôi nằm nghe tiếng chuông lễ đầu vang từ ngọn đồi nhà thờ Chính toà, đổ từng hồi rộn rã, ngân nga. Lòng bỗng nôn nao quá đỗi. Tôi thèm được khỏe khoắn để bò dậy khóac áo đi đến đón Chi, như mọi sớm chủ nhật khác, khi tiếng chuông lễ đầu chưa dứt tiếng ngân là tôi đã ra khỏi nhà, chui trong sương mù ẩm ướt mà cảm thấy hạnh phúc. Một chút hạnh phúc bé mọn đó tôi nhận ra bước chân mình rất ngây ngô, khờ khạo leo lên những con dốc, ngửa mặt lên nhìn trời. Tôi cảm thấy bất ổn. Y hệt hình ảnh một người chẳng lấy gì gọi là giàu có nọ, có một chút của cải đem chôn giữ nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo lăng là sẽ bị đào mất. Hạnh phúc của tôi bên Anh chi mỏng manh, bé mọn và thật buồn. Hạnh phúc mà mỗi chiều chủ nhật tôi đưa em trở lại nội trú để nghe bước chân mình nhẹ tênh, vùi dập trong bóng tối, đi về một mình một đoạn đường. Hạnh phúc đó bây giờ đây đang ngân nga trong tiếng chuông. Tiếng chuông dứt, tôi vùi người trong nỗi nhớ Chi. Giờ này chắc em đang ở nhà nguyện.

Tôi tưởng Chi đang quỳ ngoan ngoãn trong nhà nguyện, mắt ngước lên. Và khi mọi người dự lễ về hết, chỉ còn một vệt nắng chiếu qua khe kính vỡ nào đó của khung cửa vòng cung và em nhỏ bé bên những hàng ghế lạnh. Rồi lời nguyện nở trên cánh môi hồng của người con gái nhỏ, đôi mắt long lanh.

Có bao giờ Chi nhớ tới anh trong những lời nguyện ấy.

Chi giương mắt nhìn tôi mong đợi thương yêu.

- Chi cầu nguyện xin Chúa thương anh.

- Nhỡ Chúa chả thèm thương anh thì sao.

- Anh nhảm. Chúa bao giờ cũng thương hết mọi người.

- Nhưng Chúa thương Chi hơn.

- Sao anh biết?

- Biết chứ, anh còn biết hơn thế nữa kìa.

- Anh biết làm sao ạ?

- Biết có người còn thương Chi hơn Chúa nữa cơ.

Chi “la” tôi:

- Anh lại nhả nữa, không được đem Chúa ra so sánh với bất cứ ai.

Tôi ngoan ngoãn khoanh tay lại đứng trước mặt Chi:

- Vâng ạ, thưa em Chi. Ai dạy em Chi mà em Chi… khôn thế ạ.

Chi phì cười chồm lên ôm cánh tay tôi.

- Anh Huy đừng nói nhảm vậy nữa, Chi phạt đó nha.

Tôi vẫn khoanh tay, nhìn ngược lên trời.

- Nhưng Chi có biết “một người” anh nói đó là ai không nhỉ.

Chi buông cánh tay tôi ra, sững sờ. Người tôi co lại như cây tùng khô lá đứng giữa trời chơ vơ, run rẫy chờ đợi. Buổi chiều chủ nhật gió chạy đuổi với những xương lá dưới chân chúng tôi, gió đưa mái tóc mền Chi ngả vào vai tôi, gió thổi tung tâm hồn chúng tôi lên cao, hòa nhập vào nhau. Chúng tôi là những người có bước chân đi đứng không chạm mặt đất. Sống bằng hơi thở của nhau. Bé yêu dấu, bé có biết, anh thương bé nhất đời. Tôi bỗng xuôi tay xuống, cất tiếng nói lớn để chặn hạt nướt mắt nặng nề nằm trong khóe mắt có thể ứa ra, làm hơi thở nóng hừng hực trên mái tóc Chi.

- Anh muốn được sống bé mọn như thế này hoài hoài, Chi ạ.

Tôi bế bổng Chi lên xoay một vòng qua thân cây thông nằm ngang và hai đứa bước ra đường, rời khỏi quê hương nhỏ bé của chúng tôi thường lập nghiệp trên đường về. Vào một buổi chiều khi cầu nguyện bên nhau, bên những thân thôgn già trụi lá cao vút của chủ nhật êm đềm. Ðó là một khu rừng thưa ở lưng chừng con dốc, trước khi hai đứa chui vào cái hầm là là những cành cây dày đan kín thành vòm trên đầu, rẽ tới khu vực của Marie. Thế là buổi chiều tắt ngấm trong đôi mắt của hai đứa nhìn nhau. Anh về ngủ ngon. Em về ngủ mơ. Ngủ trong suốt một tuần lễ đợi một ngày chủ nhật. Anh muốn được sống bé mọn như thế này hoài hoài, Chi ạ.

Giờ này nếu tôi được quỳ cầu nguyện bên Chi thì có lẽ lời cầu nguyện sẽ chắt ra từ hơi thở nóng mê man hơn lúc nào hết của tôi. Lạy chúa con chỉ có một trái tim nhỏ nhoi tội nghiệp và những giọt máu vui buồn, đã lẫn vào với nỗi vui buồn của em Chi. Xin thương giữ cho con, chứng giám cho con với tình yêu đơn sơ, chân thành này. Con như người mù, con sẽ nhắm tít mắt và không còn thiết gì nữa hết, ngoài em của con ra…

Tôi rũ người trong cơn ho dài. Tiếng chuông tan lễ bắt đầu đổ từng tiếng chậm, ngân nga rồi đổ dồn lan rộng. Tôi nằm bất động lắng nghe, dố dằn cơn ho cho đến khi dứt hồi chuông, dứt hắn tiếng ngân nga vang vọng từ những thung lũng chung quanh đưa về. Ở một góc nào đó trong ngực mình đau nhói. Tôi bắt đầu sợ tiếng chuông. Rồi những tiếng ngân vang vọng sẽ kế tiếp. Tôi nghiêng người nhìn chiếc đồng hồ treo trên bàn, hai chiếc kim và những con số. Trong cơn đau này, và những tiếng chuông, tôi nhớ em Chi, chắc giờ này em mong tôi lắm.

Cô Ngàn mang cả tô cơm lớn đang ăn vào phòng tôi. Cô hỏi:

- Thèm cơm không?

Tôi lắc đầu. Cô Ngàn ngồi xuống mép giường:

- Cháu ăn cháo nhé.

Tôi lắc đầu. Cô cười cười:

- Bây giờ thèm cái gì nào?

Tôi xoay người, kê hai bàn tay dưới má:

- Cháu chả thèm cái gì cả. Cháu chỉ thèm chết.

- Dại dột chưa, cô Ngàn cười cười, thế còn em Chi để đâu.

Tôi lặng thinh, nước bọt trong miệng đắng ngắt. Tôi không dám nhìn cô. Quay mặt ra phía cửa sổ, cô nói:

- Sáng nay chắc người ta mong lắm đấy. Ðáng lẽ phải nhờ người nhắn giùm là cháu không tới được.

Xoay người lại ngay ngắn, tôi nhìn ngược lên trần nhà:

- Chả cần cô ạ.

- Sao vậy?

- Cháu không thích.

- Không sợ em ấy mong sao?

Tôi lặng thinh nhìn vào khoảng không mơ hồ. Trong mắt hình như hạt nước nặng nề nào lại thu về. Cô Ngàn lập lại câu nói, không sợ em ấy mong sao, và sửa lại mép chăn xô lệch trên ngực tôi. Tôi muốn có một người để nghe kể và hiểu chuyện của tôi quá.

- Có thể tuần tới cháu cũng không tới đón em ấy nữa cô ạ.

Cô Ngàn nhổm lên:

- Sao vậy ?

- …

- Có chuyện giận em ấy hả?

Nếu để giận được em. Tôi xoay mặt vào trong giấu giọt nước mắt ứa ra. Làm sao có thể kể cho ai hiểu được nỗi lo sợ sắp mất Chi của tôi

Buổi chiều mê man trong cơn sốt, khi tỉnh dậy tôi thấy trán mình vã mồ hôi. Nắng cuối ngày chủ nhật từng vạt lớn còn nằm dưới chân dốc, những vạt nắng thật dễ sợ. Tôi xin cô Ngàn một ly nước, uống một hơi mà nghe rõ từng giọt lạnh trôi xuống. Ngồi dựa lưng vào tường và ôm chiếc gối đầy lòng, tôi thở mệt nhọc.

- Sáu giờ chưa hả cô?

- Kém mười phút nữa. Hồi nãy cháu mê gì dữ thần vậy.

- Gì cơ ạ?

- Cô thấy cháu ú ớ gọi ai đó không rõ.

- Vậy hả cô.

Tôi đưa tay đỡ lấy cái đầu hình như đang chất chồng đầy sỏi đá, nặng chình chịch:

- Hình như cháu thấy mình cưỡi ngựa. Không, hình như cháu đuổi theo một con ngựa trắng…

Hình như trên con ngựa trắng ấy có Chi. Tôi đuổi theo mãi con ngựa trắng trong cơn mê để đến lúc tỉnh dậy thì mệt nhoài. Tôi thắc mắc, tôi quay cuồng, không hiểu tại sao mình lại bị ám ảnh bởi bóng dáng người đàn ông và con ngựa trắng hoài như vậy. Tôi không tin rằng chuyện khó chịu của buổi chiều chủ nhật ấy ở nhà chú Thuyên sẽ còn liên hệ với tôi. Trong bệnh hoạn, cơn mê là bóng đen mờ lối, làm sao giải thích được. Tôi thu người lại với nỗi lo sợ mất Chi của đầu giấc ngủ vùi ban trưa.

- Sao cháu muốn chết quá cô ạ.

Cô Ngàn đang xếp đặt những cuốn sách bừa bộn trên bàn tôi, bỗng ngừng tay nhìn lại.

- Rõ rang cháu có vẻ lạ lắm rồi đấy nhé. Có thấy mệt nhiều không?

- Không, cháu đang tỉnh táo lắm mà.

- Ðôi khi mình cứ tưởng thế nhưng kỳ thực tinh thần đang mệt mà không biết. Cháu có vẻ bi quan quá.

Cô Ngàn bật tiếng cười khô khang rồi tiếp tục với công việc, dọn dẹp lại cái phòng giùm tôi.

Con trai mới đụng ốm đâu một tí là đã bi quan đây rẫy rồi. Câu nói của cô Ngàn không ngờ khiến tôi chạm tự ái. Tôi nghĩ tới Chi và câu nói cảnh cáo của soeur giám thị. Có phải chỉ chừng ấy chuyện mà khiến tôi lo lắng lao đao cả tuần lễ nay. Tôi yếu đuối thật. Tôi cũng hiểu, đâu phải tất cả mọi điều mình muốn đều được chìu chuộng. Sống là phấn đấu. Chút tự ái là những hạt cát đang chà lên da thịt của một đứa con trai ấy là tôi, ran ran nóng. Tôi tung cái gối ôm trong lòng văng xuống giường.

- Cháu đui đâu vậy?

Cô Ngàn hốt hoảng nhìn tôi đứng dậy khỏi giường:

- Cần gì cô lấy cho.

- Cháu chả cần gì cả. Tại cháu thấy khỏe rồi.

Tôi ra đứng ở cửa sổ, đặt cả hai bàn tay trên mặt kính nhìn ra phía ngoài. Dưới chân con dốc, đám bụi vàng vừa tung lên trong cơn gió bất chợt. Cuốn theo những chiếc lá khô cong queo, rồi tất cả nhẹ nhàng rơi vao hai bên bờ cỏ. Lặng yên.

Khi ấy, tiếng chuống sáu giờ của nhà thờ Chính toà đổ rời rã từng tiếng một, thật chậm. Từng tiếng một ngân nga trong lòng ngực tôi, nghèn nghẹn. Ðã hết một ngày chủ nhật. Một chủ nhật tôi chẳng có Chi.