Chương 7 - Những Dấu Hiệu Của Tình Yêu
Những cử chỉ âu yếm, những lời nói yêu thương chan chứa tình cảm, có khi chỉ là cái vỏ bề ngoài che giấu cho sự phản bội, lừa dối. Vậy làm sao để nhận biết được một tình yêu chân thực?
Nhiều bạn trẻ thường hay băn khoăn, thắc mắc khi bước vào một tiêu đề chủ yếu: Như thế nào là yêu? Ở nhiều bạn có những vội vàng hoặc lầm lẫn đáng tiếc. Đi ra đường gặp một cô gái dáng điệu thướt tha, má hồng môi đỏ, cặp mắt long lanh… chàng trai thấy lòng rộn ràng xao xuyến: ‘Ôi! Mình đã yêu nàng. Mình không thể thiếu nàng’. Trong một buổi sinh hoạt cô gái được chàng trai quan tâm chăm sóc như thỉnh thoảng anh lại đến gần mình, hói chuyện mình. Ảnh nhìn mình mấy lần, lại cười với mình nữa. ‘Trời ơi! Ảnh đã yêu mình!’.
Đọc sách truyện, xem phim ảnh, nghe các bạn kể… nhiều bạn thường hiểu tình yêu như ‘một cái gì’ thơ mộng, đơn giản, nhanh chóng. Có bạn còn mơ tưởng ‘một tiếng sét ái tình’ tuyệt diệu: chỉ gặp nhau một lần, đã yêu nhau thắm thiết trọn đời. Thực ra, tình yêu không đơn giản như thế.
Gặp nhau lần đầu tiên, chàng trai rung động mãnh liệt tưởng mình đã yêu say đắm. Chàng cố tìm gặp lần thứ hai. Nhưng ở những lần gặp sau, chàng thấy ‘mọi sự’ trở nên bình thường những rung cảm yêu đương đã biến mất. Có khi đã nhiều lần ‘tưởng yêu’ như thế, chàng vẫn chẳng yêu ai cả.
Các bạn hãy chú ý rằng, những cảm xúc yêu đương bạn thấy nhiều khi chỉ bùng lên chốc lát rồi nhẹ nhàng tan đi không trở lại. Những cảm xúc ấy chưa phải là tình yêu thật sự. Cô gái tưởng chàng trai yêu mình, nhưng có biết đâu rằng, sự quan tâm chăm sóc của chàng có khi chỉ vì tính nhiệt tình, tính lịch sự bề ngoài, hoặc vì một cám xúc thoáng qua. Hơn nữa, có không hiếm trường hợp, chàng trai không yêu cô gái lắm (hoặc không yêu chút nào) vẫn sẳn sàng tỏ thái độ nhiệt tình, âu yếm yêu thương. Có khi chàng tấn công để ‘thử sức’ mình, để ‘cho vui’ vậy thôi. Những cử chỉ âu yếm, những lời nói yêu thương chứa chan tình cảm có khi chí là cái vỏ bề ngoài, che dấu cho sự phản bội, lừa dối.
Vậy làm sao để nhận biết được một tình yêu chân thực?
Đây là một vấn đề phức tạp và khó khăn vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố của đời sống tâm lý, hoàn cảnh xã hội… Tuy nhiên điều quan trọng trước hết là bạn hãy dựa vào những dấu hiệu cơ bản sau:
1. Cả hai người yêu thương nhau bằng sự rung động chân thành, sâu sắc của tâm hồn, của ‘trái tim’ mình. Đó là thương yêu tha thiết. Hai người luôn lo lắng chăm sóc cho nhau về mọi mặt, từ cái nhỏ nhặt trong sinh hoạt đến sức khoẻ, công danh sự nghiệp của nhau. Họ luôn nghĩ đến nhau, sẳn sàng hy sinh vì nhau. Tình thương ở đây là tình cảm chân thực và tự nguyện. Đuợc làm việc, được quan tâm chăm sóc cho nhau là niềm hạnh phúc của mỗi người và những hành động đó được thôi thúc bởi tình cảm, bỏi ‘mệnh lệnh của con tim’. Tình yêu thương giữa hai ngươi luôn luôn có sự cân bằng và bình đẳng. Họ đến với nhau, yêu chiều nhau. Những hành động và tình cảm yêu thương luôn được đáp lại, được bù đắp lại và ngày càng tăng, ngày càng sâu sắc hơn.
Tình thương chân thành làm cho hai người luôn lo lắng và bảo vệ cho nhau, bênh vực nhau. Họ thấy người yêu của mình làm gì cũng tốt, cũng đúng hoặc nếu có sai thì cũng dễ chấp nhận, dễ tha thứ. Chính vì thế cũng dễ dẫn đến sự mù quáng, chủ quan, thiên vị khi đánh giá về nhau. Những người yêu nhau thường chỉ nhìn thấy những nét đẹp của người yêu. Có khi những cái xấu cũng trở thành ‘dễ thương’. Nếu ở tình yêu si mê, những nhược điểm ‘sự ốm yếu’, một vết thẹo… làm người ta dễ chán nhau, thì ở tình yêu chân thực những yếu điểm ấy làm cho tình thương càng tăng lên, càng sâu nặng thắm thiết hơn. Chính vì thế, người ta thường nói: ‘Đẹp nhất chính là người mình yêu’.
Do tác động của tình thương, hai người đều mong muốn cho nhau cùng tiến bộ. Để có sự tiến bộ đó, người ta có thể hy sinh quyền lợi cá nhân mình. Bởi vậy, tình yêu chân chính là tình cảm cao thượng của con người. Có thể nói, sự yêu thương giữa hai người là dấu hiệu quan trọng và cơ bản nhất của một tình yêu thực sự và chân chính. Khi hai người còn thương nhau, tình yêu của họ vẫn còn tồn tại. Bạn muốn biết ‘người ta’ có yêu bạn không, trước hết bạn hãy xem ‘người ta’ có thương mình thực sự hay không?
2. Hai người luôn có sự gắn bó thân thiết. Trong tình yêu, ngoài tình thương còn có sự gắn bó mật thiết giữa hai tâm hồn. Họ luôn mong muốn được gặp nhau, được ở bên nhau, cùng làm việc hoặc để âu yếm, yêu thương. Nói một cách khác, sự gặp gỡ nhau trở thành một nhu cầu mạnh mẽ của mỗi người. Do đó nếu xa nhau sẽ tạo nên sự nhớ nhung da diết. Sự nhớ nhung này có khi trở thành một dấu hiệu điển hình của tình yêu. Nó thôi thúc hai người tìm đến nhau, gặp nhau bằng mọi cách. Đôi khi họ chỉ cần được nhìn thấy nhau, hoặc nghe tiếng nói của nhau.
Họ luôn muốn tâm sự với nhau, muốn trao đổi, muốn kể cho nhau nghe những nỗi niềm thương nhớ, những cảm xúc về nhau. Ở tình yêu chân thực, hai người bộc lộ với nhau tất cả. Họ chẳng dấu nhau điều gì, từ đời sống riêng tư đến những dự định tương lai, thậm chí ngay cả những điều ‘bí mật’ nhất mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không được biết. Vì thế, hai người thường có sự cảm thông sâu sắc và sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ. Cũng nhờ đó, hai người dễ ‘nhất trí’ với nhau, dễ chấp nhận, nhường nhịn nhau, dễ cảm hoá nhau để đi đến hoà hợp thực sự.
Sự gắn bó giữa hai người là dấu hiệu rất đặc biệt của tình yêu. Khi nào bạn luôn muốn gặp ‘người ta’, rất… nhớ ‘người ta’, chi mong được tâm sự, được kể mọi chuyện của mình với ‘người ta’… khi ấy, bạn đã bước vào ngưỡng cửa của tình yêu.
3. Ở tình yêu thực sự, hai người thường có sự hoà hợp hoặc dễ đi đến sự hoà hợp. Do có sự thương yêu và thân thiết gắn bó, nhất là do hiểu nhau, cảm thông sâu sắc với nhau, hai người rất dễ hoà hợp, hoặc dễ cảm hoá nhau để đi đến hoà hợp. Họ thường thấy ưa thích nhau, dễ tán đồng với nhau, dễ nói chuyện với nhau. Ở bên nhau họ nói chuyện không biết chán. Người yêu nói chuyện gì họ cũng thấy ‘hay hay’, làm việc gì họ cũng thấy ‘có lý’. Những cảm xúc ở người này thường làm xuất hiện những cảm xúc tương tự ở người kia, và do đó họ luôn cảm thấy những suy nghĩ tình cảm của ‘hai đứa’ giống nhau hoặc dễ tán thành nhau. Nếu có sự bất đồng, thường cả hai sẽ chủ động đến với nhau, cả hai đều mong muốn nhờ đó mọi chuyện đuợc xí xoá nhanh chóng.
Thường thường khi yêu nhau thực sự, cả hai tự giác yêu chiều nhau, mong muốn được làm toại nguyện ước muốn của nhau. Sự bất đồng thường chỉ là sự hiểu lầm và nó chỉ có tác dụng làm cho tình yêu thêm thi vị và phát triển mạnh mẽ.
4. Hai người đều có sự trân trọng lẫn nhau: họ tôn trọng nhân cách của nhau, tôn trọng những kỷ niệm về nhau. Những kỷ vật của nhau dù rất nhỏ cũng trở thành thiêng liêng quý giá. Do sự trân trọng này, hai người thường cố gắng giữ đúng lời hứa, đúng giờ hẹn. Họ tin tưởng nhau, cảm phục nhau, có khi tin tưởng đến mức độ tôn thờ. Sự tin tưởng ở đây được biểu hiện trong mọi hành vi, lời nói, trong mọi lúc, mọi nơi, trong khi âu yếm yêu thương và cả trong lúc giận hờn. Mọi hành vi tàn nhẫn, thô bạo đối với nhau, những lời nói tục tàn xúc phạm nhau trong lúc bức xúc, giận dữ đều làm cho họ hối hận đau khổ hoặc trở thành dấu hiệu cho sự sút giảm, tan vỡ của tình yêu.
Nếu ở tình yêu si mê, nhiều khi người ta phải năn nỉ đến mức độ quỵ luỵ van xin, thì trong tình yêu thực sự, quan hệ giữa hai người là tôn trọng và bình đẳng. Bạn hãy chú ý rằng, nếu một người nói là yêu bạn, nhưng luôn luôn coi thường bạn, luôn ‘hứa lèo’, luôn trể hẹn… người đó không thực sự yêu bạn đâu. Có thể họ chỉ thích bạn hoặc họ không tập trung tình cảm cho riêng bạn.
5. Trong tình yêu trung thực, những hành vi tình dục thường có cơ sở là tình cảm yêu thương, thường có sự hoà hợp giữa hai người. Hai người đến với nhau bằng sự nhớ thương những rung động chân thành. Yêu tố tình dục nảy sinh là kết quả của những cảm xúc yêu thương say đắm, vừa là su trao tặng, vừa là sự đón nhận với tất cả sự trân trọng yêu mến. Do đó, những rung cảm tình dục ở hai người thường rất hoà hợp và tương ứng, mang tính chất cao đẹp, thiêng liêng, tạo nên những kỷ niệm tuyệt vời của tình yêu ở mỗi người. Những hành vi tình dục ban đầu thường ở mức dộ rụt rè, vụng về, dần dần trở nên nhiệt thành, ngây ngất với cả hai bên. Ở mức độ cao của tình yêu, tình dục dể hoà hợp và say đắm, tạo nên cảm xúc hạnh phúc của cả hai người.
Tuy nhiên, do sự yêu thương sâu sắc, do sự trân trọng và ‘tin tưởng’ nhau, cả hai đều quan tâm đến nhau. Họ không cần vội vã ‘tiến tới’. Họ cũng chẳng cần có những ‘đòi hỏi quá mức tham lam’. Trong lúc âu yếm yêu thương, hai bên vẫn tôn trọng nhau, bảo vệ cho nhau. Vì thế những cảm xúc tình dục tuy có thể rất mãnh liệt nhưng thường lại ít ‘gây tai hoạ’. Ngược lại, nó thường có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của tình yêu, tạo nên sự hấp dẫn, say đắm ở mỗi người.
Bạn hãy lưu ý rằng, những hành vi tình dục có tính thô bạo, cưỡng bức, những đòi hỏi ‘quá múc’ làm người yêu sợ hãi chỉ là biểu hiện của một tình yêu vị ký nhỏ nhen, hoặc của một thứ tình yêu lợi dụng, lừa dối. Trong những trường hợp ấy, nếu bạn miễn cưỡng ‘đáp ứng’ để cho ‘anh ấy khỏi giận’, để ‘chứng tỏ cho anh ấy biết là bạn yêu hết mình’, có thể bạn sẽ chỉ trở thành … nạn nhân của một sự nông nổi dại dột. Sự đáp ứng ‘miễn cưỡng’ ấy nhiều khi là sự mở đầu cho thời kỳ tan vỡ của tình yêu.
6. Tình yêu chân thực là mối tình duy nhất của cả hai người trong thời gian họ yêu nhau. Do tình thương mãnh liệt, do sự hiểu biết, cảm phục và tin tưởng nhau… cả hai đều rất chung thuỷ trong tình cảm và thiên lệch khi đánh giá, bao giờ người ta cũng cho người yêu của mình là phù hợp với mình hơn cả, là tốt đẹp hơn cả. Người ta say đắm trong tình yêu và ít khi ‘nhìn thấy’ đối tượng khác. Người ta thường trân trọng tình yêu của mình. Do đó, người ta không muốn và không thể yêu thêm một người thứ hai, nếu một người đã có người yêu lại còn yêu hoặc ‘tấn công’ thêm người khác, hoặc một người cùng lúc có nhiều người yêu, người đó hoặc là kẻ lừa đảo, hoặc chẳng yêu ai cả.
Trên đây chỉ là những dấu hiệu quan trọng nhất để bạn nhận ra một tình yêu chân thực. Đó không phải là những dấu hiệu riêng lẻ, rời rạc mà có liên quan mật thiết với nhau. Một tình yêu chân thực ít nhất phải có đủ các dấu hiệu trên và để có thể nhận ra được các dấu hiệu đó, bạn cần phải có thời gian tìm hiểu. Bởi vậy, bạn đừng vội vàng kết luận mình ‘đã yêu’ hay ‘đã được yêu’, mỗi khi gặp gỡ ‘ai đó’. Nhất là ngày nay, những kiểu tình yêu như Nguyệt Nga và Vân Tiên đã ngày càng trở nên hiếm hoi. Những tiếng sét ái tình dù là mạnh mẽ đến mấy cũng chỉ là những cảm xúc yêu đương ban đầu.
Bạn cũng nên lưu ý rằng, nhiều khi có đủ các dấu hiệu trên cũng chưa chắc là bạn đã được yêu, bởi những dấu hiệu này đều có thể được tạo nên với những hành vi giả dối. Bạn đừng vội vàng tin ngay vào những lời tán tụng ca ngợi ban đầu, kể cả những hành vi âu yếm, yêu thương… Bạn rất cần phải thận trọng tìm hiểu, đôi khi phải qua kiểm tra thử thách. Tình yêu chân thực không phải là đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng xuất hiện.
Bookmarks