Chương 7


Thứ bảy, 09.07.2005 Sáu giờ sáng thức dậy, đi dạo một vòng bãi biển. Dân ở đây đã dậy từ lúc nào. Người chạy bộ, người tập Taichi, người chơi cầu lông, người đá banh trên lối dẫn ra bờ biển. Tình cờ gặp vài anh em VoViNam - Việt Võ Đạo đang tập võ. Nghe kể VoViNam - Việt Võ Đạo ở Nha Trang phát triển mạnh và được sinh hoạt tự do hơn xưa.
Đi bộ hết một vòng, tôi ghé vào một quán cóc vỉa hè uống cà phê. Ngồi trò chuyện với mấy anh đạp xích lô, lái xe ôm kể cũng vui. Từ ngày về Việt Nam đến giờ, tôi thường làm như thế. Nói chuyện hiểu biết được nhiều điều và nhanh hơn đọc báo.
Cảnh sinh hoạt ở vỉa hè chỉ tồn tại đến bảy rưỡi. Dân xích lô, xe ôm từ từ biến mất. Chủ quán cũng lật đật dời bàn ghế vào trong sân căn nhà bên cạnh để cảnh sát đừng tịch thu bàn ghế.
Hôm nay chúng tôi đi Đà Lạt. 8:30, ghé phở Hồng ăn sáng. Đúng 9:00, rời Nha Trang.
Xe về hướng Cam Ranh rồi rẽ phải qua đường 27B. Đường trống trải, xấu, quanh co, xe chạy 40 cây số một giờ. Toàn khu, núi rừng trùng trùng điệp điệp. Thỉnh thoảng mới thấy một túp lều tranh, một căn nhà gỗ mái tôn cũ kỹ, vài người Thượng vác nỏ đi săn, nhưng hoàn toàn vắng bóng một ngôi nhà sàn. Mặt đất hoang sơ đôi lúc được thay thế bằng những mảnh vườn trồng ngô khoai, cư dân đông hơn, nhà nhiều hơn, vài quán cóc, một tiệm bida, một tiệm hớt tóc, một trường học, một ngôi chợ nhỏ, ... Tất cả đều lụp xụp.
Quang cảnh hoang vu trở lại, bên trái là sườn núi đá, bên phải là mặt đất bỏ hoang. Đường trống trải, vẫn hẹp và xấu, xe không thể đi nhanh.
Xe băng qua nhiều cầu. Cầu Sát dài nhất. Nhiều cầu nhỏ không tên.
Sắp đến địa phận huyện Bái Ái. Đằng xa, bóng dáng cảnh sát giao thông đã xuất hiện bên kia đường. Xe chúng tôi ngừng lại. Như một phản xạ tự nhiên, anh tài xế nhanh nhẹn cầm một cuốn sổ nhảy xuống xe, chạy tới hai anh cảnh sát áo vàng. Mọi chuyện xảy ra nhanh chóng, anh tài xế trở về xe, chạy tiếp. Chẳng hiểu sao xe không phạm luật giao thông, không có lỗi kỹ thuật mà lại bị phạt 50.000. Hỏi ra mới biết, cảnh sát vòi tiền mãi lộ, sáng sớm làm một lần lấy tiền uống cà phê, ăn điểm tâm, gần trưa làm một lần, lấy tiền ăn cơm trưa.
Huyện Bác Ái nhỏ, vừa được xây mới với những cơ quan hành chính: uỷ ban nhân dân, trụ sở công an, bưu điện, ... Đi lâu lắm giờ mới thấy lại bóng cờ. Cách khu hành chính không bao xa là khu dân cư mới. Tấm biển dựng bên đường ghi hàng chữ "Dự án cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng". Một tác phẩm đẹp sắp hoàn tất. Mỗi căn hộ là một ngôi nhà gạch nhỏ mái đỏ, cùng kiểu, quét vôi trắng, nằm biệt lập, rất đẹp, nghe nói dành cho dân Thượng, dân nghèo ở vùng hẻo lánh này.
Xe xuyên qua cầu Trà Cổ và những khu vườn bạch đàn, qua cầu Sông Cái, cây cầu dài nhất và cuối cùng bẻ phải đi về hướng Đơn Dương. Đường tốt hơn, nhà cửa nhiều hơn, vẫn đậm vẻ nghèo nàn của vùng quê.
Xe qua cầu sông Pha nước đỏ.
Đến trạm Thuỷ điện Đa Nhim, xe tạm ngừng nghỉ mệt.
Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy tận mắt nhà máy điện Đa Nhim. Nhà máy hiện đại, không lớn lắm. Từ trên đỉnh núi xa xa, hai ống nước màu bạc chạy dài xuống dưới như một con trăn khổng lồ. Nhà máy này do Nhật xây dựng trước 1975 trong chương trình bồi thường chiến tranh Việt Nam.
Sát nhà máy điện Đa Nhim có một ngôi chợ nhỏ. Chúng tôi ghé mua một ít nước uống và đồ ăn nóng để ăn trưa dọc đường. Cũng sát nhà máy là con đường sẽ dẫn chúng tôi lên đèo Ngoạn Mục đi Đà Lạt.
Đường đèo hẹp quanh co, một bên là sườn núi hiểm trở, một bên là vực thẳm âm u. Đường nhựa tốt. Ở mỗi khúc quanh đều có kiếng soi để tài xế có thể thấy xe đi ngược chiều thay vì phải bấm còi. Bìa đường đèo sát vực ở khúc quanh được chắn bằng dải tường bê tông hoặc thép; chỗ không nguy hiểm được chắn bằng những cột bê tông sơn vạch xanh, vạch đỏ.
Xe lên cao không mấy khó khăn. Đường vắng. Lâu lâu mới thấy một chiếc Honda, một chiếc xe hơi chạy ngược chiều. Tới một trạm kiểm soát của nhà máy điện, xe ngừng lại. Chúng tôi muốn chụp hình hai ống nước khổng lồ của đập Đa Nhim. Một nhân viên trạm kiểm soát từ trong nhà chạy ra ngăn lại. Anh lễ phép giải thích, du khách có thể tham quan nhưng xin đừng chụp hình. Lệnh trên cấm vì lý do an ninh.
Xe đã lên tận đỉnh đèo và tạm nghỉ. Tưởng trên vùng khỉ ho cò gáy không có người nhưng trước mặt chúng tôi là một cái chợ trời dã chiến đầy quán cóc bán cà phê, nước uống, trái cây, thức ăn, ... Người bán hàng rong đang mời mọc khách. Họ không đến nỗi dai dẳng làm khách bực mình. Dân bán hàng ở đây tương đối hiền lành, dễ chuyện trò, vui vẻ. Tất cả đều là người Việt ở vùng dưới lên đây bán hàng cho du khách. Không có người Thượng.
Trời nắng đẹp. Bầu trời xanh ngắt. Trên đỉnh đèo, không khí trong lành, mát mẻ. Bên dưới, nhà cửa bé li ti hoà lẫn ruộng vườn xanh tươi được chia thành vô số những ô vuông đều đặn. Bên trên, thiên nhiên còn nguyên vẹn, núi rừng hùng vĩ.
Xe rời đỉnh đèo Ngoại Mục, vào địa phận Ðà Lạt. Rừng thông bắt đầu xuất hiện càng lúc càng rập rạp. Đi một đoạn, xe tới thị trấn Dran, tức Ðơn Dương.
Giống mọi thị trấn khác, Đơn Dương cũng nhộn nhịp, nhà cửa tồi tàn, hỗn độn.
Đèo Dran giáp Đơn Dương. Xe đi hướng này về Ðà Lạt. Ðèo Dran hẹp, xấu, tuy vậy ít nguy hiểm hơn đèo Ngoạn Mục. Vùng này toàn đất đỏ.
Ðến thị trấn Cầu Ðất. Vẫn nhà cửa thô sơ, lụp xụp. Dân sống chủ yếu nhờ nghề trồng rau quả. Mặt đất chia thành những mảnh vườn nho nhỏ, cái nằm bên sườn đồi, cái nằm dưới thung lũng, trồng đủ thứ sà lách, cải nồi, cải bó sôi, cà rốt, khoai tây, ớt Ðà Lạt, ...
Hết thị trấn Cầu đất, xe qua cầu Ðức Dục. Đi giữa rừng thông, mùi thơm dễ chịu ... Cuối cùng chúng tôi ghé Trại Mát thăm chùa Linh Phước.
Chùa Linh Phước cách Ðà Lạt khoảng mười cây số. Chùa này còn gọi là chùa ve chai, vì được lát bằng mảnh sành sứ, ve chai.
Nghe giải thích, nguyên thuỷ chùa được một nhóm tăng ni, phật tử Huế bắt tay xây dựng vào cuối thập niên bốn mươi.
Linh Phước Tự bao gồm Long Hoa Viên, chùa Linh Phước, Linh tháp, Bảo đài Quan Thế Âm Bồ Tát.
Long Hoa Viên có kiến trúc khá đặc biệt với một con rồng dài bốn năm chục mét, vảy được lát bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai bia, uốn lượn quanh một tượng đài Phật Di Lạc đặt trên hòn non bộ giữa một hồ nước nhỏ.
Chùa Linh Phước có Tiền đàn bảo tháp bên ngoài và chánh điện bên trong. Tiền đàn bảo tháp cao khoảng 30 mét chạm trổ hình rồng. Tầng thứ nhất thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Cạnh tháp cao chính giữa là hai tháp nhỏ hai bên. Bên trong, cuối nội điện là tượng Phật Thích Ca thếp vàng, cao 5 mét. Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm sành. Phù điêu trên cột cũng được khảm sành miêu tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến lúc nhập niết bàn. Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ.
Ðối diện với Long hoa viên là Linh tháp bảy tầng cao 36 mét, nơi thờ Phật, tôn trí xá lợi và cũng là viện bảo tàng. Tầng thứ nhất có một cái chuông rất lớn gọi là Đại hồng chung. Nghe kể đây là chuông chùa lớn nhất Việt Nam hiện tại: cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng 8,5 tấn.
Trong sân còn có Bảo đài Quan Thế Âm Bồ Tát. Cột, mái cũng được khảm sành tựa vậy.
Nhìn chung, toàn kiến trúc Linh Phước tự đều có hình rồng; tường, cột, mái được khảm khắc rất công phu. Khu bên trái đang được mở rộng. Du khách đến thăm viếng khá đông, có cả du khách Tây phương. Chỉ có điều dọc con ngõ hẹp dẫn vào, hàng quán bày biện hỗn độn, làm hỏng không khí thanh tịnh và vẻ đẹp của ngôi chùa.
2:00 trưa tới Ðà Lạt. Bắt đầu từ đoạn đèo Prenn dẫn vào thành phố, xe chỉ được chạy 20 cây số một giờ.
Xe vào trung tâm Ðà Lạt. Hồ Xuân Hương hiện ra trước mặt. Nhiều biệt thự kiểu Pháp mới xây hay mới được sửa sang nằm rải rác trên đồi. Ðây là nét đẹp đặc thù của Ðà Lạt. Song thỉnh thoảng nó lại bị dính cái vết nhơ của sự pha trộn tạp nhạp giữa nhà mới và cũ, thấp cao lổm chổm, màu sắc sặc sỡ. Đường sá cũng vậy, mới xây, tốt, nhưng quá rộng làm Ðà Lạt mất hẳn vẻ đơn sơ, thơ mộng, gần gũi ngày xưa.
Khí hậu Ðà Lạt mát mẻ như đầu hè ở châu Âu. Trời chỉ khoảng 20 độ C mà thiên hạ đã mặc áo len, áo khoác, quấn khăn choàng cổ.
Chúng tôi kiếm chỗ ăn trưa. Anh tài xế giới thiệu quán Hồng Loan, 3 Lê Thị Hồng Gấm và quảng cáo thêm đây là nhà hàng thuộc hạng sang nhất Ðà Lạt.
Ngồi trong quán, chúng tôi được xem các tiếp viên tập phục vụ cho một đám cưới nay mai. Đằng này, một chị đang tập một bài ca cách mạng "Gặp em trên cao lộng gió. Ðường Trường Sơn ào ào lá đỏ, ...". Đằng kia, một nhóm tập bưng mâm quả dưới sự đạo diễn của cô chủ quán trẻ đẹp có đôi má hồng: quỳ xuống, đứng lên, vào vị trí, quay lưng, giáp mặt, giơ mâm lên, hạ mâm xuống, ... Khách cứ ăn tự nhiên, tiếp viên tập cứ tập.
Được một bữa ăn vui. Vừa ăn vừa xem kịch. Bù lại giá hơi đắt. Vấn đề vệ sinh cũng không khá mấy.
Cơm nước xong chúng tôi về khu khách sạn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhớ lần cuối tôi về Việt Nam năm 1996, khu này chỉ có vài ba khách sạn, giờ đây khách sạn mọc lên như nấm xen lẫn tiệm ăn, quán cà phê, salon uốn tóc, hiệu buôn.
Thứ bảy, du khách đến Ðà Lạt rất đông. Khách sạn hết phòng. May nhờ quen biết chúng tôi thuê được 3 phòng cho cả nhà ở Hotel Nam Kỳ. Giá 250.000 một phòng hai giường.
Khách sạn ở Đà Lạt không có máy lạnh do khí hậu mát lạnh quanh năm. Phòng đủ tiện nghi: TV, tủ lạnh, điện thoại, nhà tắm sạch sẽ. Nhưng hãy cẩn thận khi dùng nước nóng.
Hệ thống nước nóng là nơi trú ngụ của vị tử thần thầm lặng. Cách lắp đặt bình nước nóng ở Việt Nam rất cẩu thả; chỉ có hai dây nóng, lạnh, không có dây đất. Điện mát dây có thể giật chết người. Báo Tuổi Trẻ ngày 07.07.2005 - mới cách đây hai ngày - có đăng tin, một du khách nước ngoài ở Ðà Lạt bị điện giật chết trong khi tắm do bình nước nóng chạm điện vì không có dây đất.
* Chiều tối, hai vợ chồng chúng tôi rủ nhau đi thăm lại đường xưa phố cũ. Nhớ ngày xưa chưa có con, đi chơi thoải mái; tối ngồi ăn bánh xèo bà Chi, ăn hột vịt lộn dưới chợ Âm phủ, ngồi uống cà phê trên đồi, nghe nhạc Lê Uyên Phương, nhạc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, tình tứ làm sao, bây giờ trở lại, đã đùm đề con cái.
Anh bạn L. cũng là dân Ðà Lạt thời xưa, nên rành khu này. Chúng tôi tới đầu hẻm thăm lại sạp bánh xèo bà Chi, nhưng không còn. Hàng ăn đã dời vào một căn nhà cuối hẻm.
Quán độc đáo. Mặt tiền không có cửa ra vào ngoài cái ban công. Dĩ nhiên khách đến thăm không thể bắc thang lên ban công để vào nhà ngoại trừ ăn trộm. Muốn vào, khách phải đi cửa sau, chui qua nhà bếp mới lên phòng khách được.
Bánh xèo bà Chi vốn nổi tiếng Ðà Lạt, nay có thêm món chả giò, thịt nướng. Đồ ăn ngon, giá phải chăng, chỉ có điều vệ sinh vẫn là một vấn đề cố hữu. Bếp núc, thức ăn, chén đũa đều nằm sát nhà vệ sinh, rãnh nước bẩn thỉu.
Chủ nhật, 10.07.2005 6:30 sáng, ra quán cóc ngồi uống cà phê, ngắm cảnh sinh hoạt của người Ðà Lạt vào sáng sớm. Cà phê ngon, rẻ, 3000 một ly. Nước trà miễn phí. Cô chủ hết sức niềm nở.
Giờ này khu phố khách sạn đã đông. Người và xe ôm lẫn lộn làm nên một cái chợ trời bán đủ thứ: hoa quả, bánh kẹo, trà, cà phê, áo quần, mũ nón, ... Xe bus hết chiếc này đến chiếc khác tắp vào nhà nghỉ đón khách. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, chợ tan. Xe bus không còn chiếc nào. Ðường phố vắng trở lại. Một người phu quét đường đang hì hục đẩy chiếc xe ba gác ngập rác. Chẳng hiểu sao lại để phụ nữ làm nghề này.
Ngồi viết tiếp nhật ký và trò chuyện với dân trong vùng một chút, tôi cùng mọi người xuống thăm dãy cà phê trên đồi. Ðây là một khu cà phê nổi tiếng của Ðà Lạt. Chúng tôi ghé thử Café Gia Nguyễn.
Quán đẹp, tiếp tân lịch sự, cà phê ngon. Ngồi ngoài vườn có thể ngắm phong cảnh bên ngoài, chợ Ðà Lạt đằng xa, người qua lại tấp nập bên dưới.
Hôm nay ăn sáng ở Thanh Trì, 69 đường 3 tháng 2. Quán bình dân, đông khách, bánh cuốn ngon và rẻ. Món thịt nướng cũng ngon. Điểm tâm xong, cả nhà đi lễ ở nhà thờ chính toà.
Ghé Thuỷ Tạ ở hồ Xuân Hương. Vườn hoa đẹp. Phong cách vẫn trang nhã như xưa. Yên lặng, hiếu khách, toilet sạch sẽ, cà phê ngon, 9000 một ly. Ngồi bên bờ hồ, ngắm vẻ đẹp thiên nhiên cũng là một thú tiêu khiển thanh nhàn, chỉ tiếc là nước hồ bây giờ đục quá.
Ðà Lạt từ lâu đã nổi tiếng sang trọng với nhiều kiến trúc và thiết kế đô thị có trình độ thẩm mỹ cao. Tuy vậy vẫn không thiếu những tác phẩm vụng về như mấy cái vòm hoa công viên ở đằng xa. Lối trang trí lòe loẹt cải lương không thích hợp với một Ðà Lạt thanh nhã và trầm lặng chút nào.
Trước khi về Việt Nam tôi đã nghe nói Đà Lạt có cáp treo. Điều này làm tôi hơi lo. Tâm lý người Việt là hễ thấy gì lạ, hiện đại, ai cũng thích và lấy làm tự hào Việt Nam cũng có, không thua gì các xứ tiên tiến. Ít ai nghĩ những thứ ấy có thể làm xấu cảnh thiên nhiên, thậm chí phá hư văn hoá, môi trường. Ý tưởng đặt cáp treo ở chùa Hương là một ví dụ.
Chúng tôi ghé xem thử cáp treo Ðà Lạt.
Khu cáp treo nằm ngay đường 3 tháng 4, vị trí khá cao, một nơi lý tưởng cho mọi người muốn đến nhìn ngắm hoặc chụp hình toàn cảnh thành phố nằm dưới thung lũng. Chúng tôi đi thử cáp treo. Vé vào cửa: 30.000/người lớn, 15.000/trẻ em. Tiếp viên lịch sự. Nhất là các chị mặt áo dài xanh quần trắng, rất dễ thương.
Hệ thống cáp treo của Áo và Thuỵ Sĩ khá hiện đại và an toàn. Từng cabin cặp bến, thả khách cũ ra, đón khách mới vào. Mỗi cabin ngồi được 4 người. Chúng tôi chỉ đi một chuyến từ đây tới Trúc Lâm Thiền Viện. Từ trên cao nhìn xuống, toàn cảnh thành phố Ðà Lạt hiện ra như một bức tranh đầy chi tiết: nhà cửa, phố xá, con người, xe cộ, rừng thông, đồi núi, bể hồ, vườn rau, vườn hoa, … Thực ra hệ thống cáp treo Đà Lạt không lớn lắm. Cách bố trí cũng khuất, không làm xấu cảnh thiên nhiên.
Ra khỏi trạm cáp treo, khách có thể bước thẳng vào khuôn viên Trúc Lâm Thiền Viện. Khu này được sửa sang nhiều nhưng kiến trúc vẫn giữ nguyên.
Trúc Lâm Thiền Viện nổi tiếng là một thắng cảnh đẹp và đồ sộ của Ðà Lạt. Khách thập phương đến viếng tấp nập quanh năm. Người tu hành lắm khi bị du khách làm ồn, không biết có tu được gì không. Dù có bảng nhắc nhở "Xin giữ yên lặng nơi thiền viện", nhiều người vẫn ăn to nói lớn. Rải rác chung quanh còn có vài đám trải chiếu ngồi ăn uống trên bãi cỏ như đi cắm trại, trông phàm tục quá chừng.
Khai thác khu tôn giáo nhằm mục đích du lịch là một điều cần cẩn thận. Du lịch đối với những nơi thờ phượng trang nghiêm không khác gì cáp treo đối với thiên nhiên vậy. Được tiền nhưng có thể làm tổn thương thiên nhiên, văn hoá.
Chúng tôi dừng lại bên hồ Tịnh tâm. Nhớ xưa, từ đây nhìn xuống, khách sẽ được chiêm ngưỡng một phong cảnh thơ mộng tuyệt vời: một làng chài nằm chơ vơ như một hòn đảo màu vàng trên mặt hồ Tuyền Lâm, chung quanh là núi rừng. Cảnh này đã mất. Mật độ xây dựng hôm nay quá dày đặc đã làm hỏng hết cảnh hoang sơ. Một kết quả của sự hiện đại hoá quá trớn. Thật sai lầm và đáng tiếc.
Tại đây có bán nhiều sản phẩm thủ công của người Thượng: thổ cẩm, bầu rượu, nỏ, cung tên, dụng cụ âm nhạc, v.v. Mọi thứ đều lạ mắt đối với du khách Tây phương. Đây là những sản phẩm có thể xuất khẩu được hoặc bán cho nhiều du khách tới thăm Việt Nam. Nếu biết khai thác, dân Thượng sống ở vùng xa xôi hẻo lánh sẽ có việc làm, có cơ hội thoát nghèo. Có điều cần để ý, hàng thủ công phải có trình độ mỹ thuật cao, chất lượng cao và hợp thị hiếu dân Tây phương. Bỏ công thêu một con rồng thật tỉ mỉ, công phu mà màu sắc xanh đỏ vàng quá rực rỡ, cũng chẳng ai mua.
* Trời đã trưa, chúng tôi ghé tiệm Kim Phú mua ít quà đặc sản Ðà Lạt trước khi về khách sạn. Cô chủ quán lanh lạ thường. Cô vồn vã mời chúng tôi vào uống trà, uống rượu, ăn bánh miễn phí rồi ríu rít mời mua hết món này đến món khác: bánh, mứt, kẹo, ô mai, trà A ti sô, rượu dâu, rượu cần, rượu rắn, rượu bò cạp và cả … dương vật "chúa sơn lâm". Đà Lạt ngày xưa nổi tiếng có khô nai, giờ không thấy.
* Tối, chúng tôi ghé thăm ấp Ánh Sáng. Đây là một trong những khu lập nghiệp đầu tiên của Ðà Lạt, nơi sinh sống của nhiều người Huế.
Ấp Ánh Sáng bây giờ tăm tối. Nhà cửa thấp lè tè, cũ nát. Ðường lầy lội. Những bực thang xiêu vẹo muốn sụp lúc nào không biết. Bún bò ở đây ngon tuyệt. Từ ngày về Việt Nam tôi chưa thấy chỗ nào nấu ngon như vậy. Hương vị Huế chính cống. Cách làm ăn khiêm tốn, không chụp giựt. Khách chủ yếu là dân lao động, lái xe ôm.
Ấp Ánh Sáng là một địa danh lịch sử nổi tiếng. Dân còn nghèo nhưng chắc chắn có thể trở nên giàu có nếu biết biến nơi này thành một khu du lịch ẩm thực với đặc sản Huế. Cần sửa sang lại cơ sở hạ tầng. Không nên xây theo kiến trúc mới mà chọn kiến trúc cổ xưa, ấm cúng như Hội An chẳng hạn. Chính phủ nên tạo điều kiện cho dân vay tiền xây nhà và quảng cáo rộng rãi thương hiệu ấp Ánh Sáng. Chỗ nào du khách ghé, chỗ đó làm ăn nên. Làm ăn nên, người dân thừa khả năng trả được nợ. Có lợi đôi bên: Dân sung túc, thành phố Đà Lạt nổi tiếng thêm nhờ ấp Ánh Sáng với món ăn ngon.
Thứ hai, 11.07.2005 Sáng nay tôi lại dậy thật sớm và qua quán cóc bên đường ngồi uống cà phê.
Du khách đến Đà Lạt chơi cuối tuần đã về hết từ hôm qua. Không khí vắng hẳn. Hàng quán vẫn mở sớm như mọi ngày. Khách ngồi uống cà phê, ăn sáng chủ yếu là người địa phương. Đa số là dân lao động, lái xe ôm.
Có du khách hay không, đối với lũ trẻ con đánh giày, bán vé số, … vẫn là một ngày lao động kiếm ăn bình thường. Có đứa mới sáu bảy tuổi cũng biết cầm hộp đánh giày đi năn nỉ từng người. Một thằng bé gầy còm, khuôn mặt sáng sủa, ăn mặc không đến nỗi rách rưới, có lẽ là học sinh, đến mời chúng tôi đánh giày. Chúng tôi ủng hộ nó.
Thằng bé mới sáu tuổi, bây giờ đang nghỉ hè, phải đi làm thêm. Lũ trẻ bán vé số cũng cùng hoàn cảnh như nó. Nó vừa đi thì có đứa khác đến mời mua vé số. Đứa này vừa đi, đứa khác lại tới. Ngồi không yên.
Có một điều đáng mừng là ở Việt Nam bây giờ không còn trẻ ăn xin. Lâu lâu mới thấy một đứa trẻ bán hàng rong, thế nhưng trẻ bán vé số lại nhiều hơn xưa. Có lẽ chính phủ không cấm. Dẫu sao đi nữa không nên để tình trạng này tiếp diễn. Tuổi thơ là tuổi phải được chăm sóc, vui chơi, học hành, chứ không phải là tuổi lao động.
* Hôm nay chúng tôi về lại Sài Gòn. Ăn sáng ở khu phố đi bộ xong, 9:20 xe khởi hành.
Dọc đèo Prenn, chúng tôi được dịp nhìn ngắm phong cảnh Đà Lạt một lần cuối. Đèo Prenn ít nguy hiểm hơn đèo Ngoạn Mục. Đường tốt, rộng, khá an toàn. Xe chỉ được chạy 20 cây số một giờ. Nhìn kỹ hai bên đường, rừng thông nay đỡ thưa thớt hơn lần cuối tôi về. Cây cối được bảo vệ, trồng thêm, xanh tươi, rập rạp hẳn.
Xe đi quốc lộ 20, qua Finôm, phi trường Liên Khương, Đức Trọng. Ra tới nơi này, nhà cửa không đến nỗi tồi tàn nhưng bắt đầu lộn xộn. Giao thông cũng bắt đầu mất trật tự. Trước mặt xe chúng tôi là một anh cảnh sát giao thông lái Honda chở anh sau, mỗi tay xách một hũ rượu cần.
Càng đi xa càng thấy nhiều xe tải. Nhiều chiếc quá cũ đáng lý không được phép lưu thông. Phần lớn là xe công nông và IFA của Tiệp Khắc. Thỉnh thoảng lại gặp một công trường sửa chữa đường sá không biển báo, không rào chắn an toàn. Cảnh này cũng thường thấy ở nhiều nơi khác.
Trời mưa lớn. Đến Di Linh gặp một tai nạn. Cảnh sát ra hiệu cho xe chạy chậm lại. Một chiếc UOAT chở gỗ lậu bị lật và bốc cháy.
Mưa tầm tã suốt đoạn đường dài đến Lộc An mới dứt.
Tới Bảo Lộc, xe dừng nghỉ ở siêu thị Tâm Châu.
Siêu thị Tâm Châu rất lớn, chuyên bán đặc sản cao nguyên: trà, cà phê, hoa, rau quả, … Khu này khá hiện đại, đúng tiêu chuẩn quốc tế, có Restaurant, Caféteria, sạch sẽ, tiếp khách ân cần. Khách ghé thăm được uống cà phê miễn phí, sử dụng toilet miễn phí, khác hẳn quán cơm tù. Cách đó không xa là siêu thị Trâm Anh, mệnh danh là trung tâm bơ (quả bơ) cũng sang trọng, sạch sẽ, ân cần không kém. Khách cũng được mời uống cà phê miễn phí, được sử dụng toilet miễn phí. Hầu hết du khách từ Đà Lạt về Sài Gòn đều ghé hai nơi này. Du khách tấp nập, người trong nước có, người ngoài nước có, mua sắm rất nhiều.
Ở châu Âu, mô hình "trạm dừng chân" này khá phổ biến nhưng nhỏ hơn và không đẹp bằng. Xe có chỗ dừng để đổ xăng, khách có thời gian tạm nghỉ, vận động, hít thở không khí trong lành, ăn uống trong Restaurant, giải quyết nhu cầu vệ sinh (miễn phí), rất tiện lợi.
Xe đi tiếp qua đèo Bảo Lộc. Một bên là dốc núi cheo leo, một bên là vực thẳm, núi rừng, thung lũng mờ ảo trong mưa và sương mù.
Qua Đambri với đặc sản sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm.
Đèo Chuối, đường tốt, ít nguy hiểm.
Qua Định Quán, quê hương của những tảng đá cuội khổng lồ nằm hai bên đường lộ.
Qua rừng Dã Tị của bà Ngô Đình Nhu thủa trước, nổi tiếng cho gỗ tốt để làm báng súng.
Xe vào Gia Kiệm. Không khí thay đổi hẳn. Đây là một khu người Bắc 54, toàn người Công Giáo. Hai bên đường, nhà cửa khang trang. Nhiều kiến trúc lạ kỳ có tháp nhọn trông giống những lâu đài trong truyện cổ tích. Hầu hết đều là nhà mới xây, bốn năm tầng. Nhiều nhà có tượng Đức Mẹ đặt ở tầng cao nhất. Đi một đoạn lại thấy một nhà thờ. Ở đây không thấy nhà nào treo cờ ngoài vài trụ sở hành chính.
Qua khỏi Gia Kiệm là rừng cao su. Rải rác bên bìa đường là những quán cóc bán nước, có mắc võng cho khách nằm nghỉ mệt.
Đến Dầu Giây, xe bẻ phải vào quốc lộ 1A về Sài Gòn. Nhà cửa lộn xộn xen lẫn tiệm sửa Honda, tiệm thay vỏ xe hơi, tiệm mua bán phế liệu, phòng trọ, nhà hàng, quán cà phê, quán thịt chó, lẩu dê, … Thỉnh thoảng lại xuất hiện vài ngôi nhà lầu sang trọng có tượng chúa Giê Su, Đức Mẹ trước ban công.
Vào trung tâm Trảng Bom, không khí "cách mạng" lại hiện ra với cơ quan hành chính đồ sộ. Con đường độc đạo rộng thênh treo đầy cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, hình ảnh Hồ chủ tịch, khẩu hiệu ca ngợi Đảng. Như mọi nơi, qua khỏi khúc này lại đến một thế giới khác. Đường nhỏ lại, xấu, nhà cửa, cảnh sinh hoạt lại bát nháo, không thấy một bóng cờ, kể cả ở các cơ sở tôn giáo. Thật vậy, ở vài ngôi chùa như Linh Phước tự, Trúc Lâm Thiền Viện, … còn thấy treo cờ, còn ở khu này, hoàn toàn không thấy nhà thờ giáo xứ nào treo cờ: nhà thờ Trà Cổ, nhà thờ Tân Bắc, nhà thờ Tân Thành, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Thanh Hoá, v.v. Địa phận Hố Nai cũng nổi tiếng là khu Bắc di cư 54, toàn người Công Giáo.
Xe đang chạy trên xa lộ Biên Hoà. Đường tốt, rộng, có tường bê tông ngăn chính giữa. Xe cộ nhộn nhịp. Thủa xưa đoạn này toàn đồng ruộng, giờ nhà cửa mọc lên kín mít, hỗn tạp. Chỉ có khu công nghiệp Biên Hoà 1, 2 là khá đẹp và trật tự.
Đến khu du lịch Suối Tiên, xe giảm tốc độ. Một đoàn người đang được người bảo vệ hướng dẫn băng qua xa lộ. Ra giữa đường, mọi người đua nhau trèo lên tường ngăn cách để băng qua bên kia đường. Không có đường cho người đi bộ, khách đến thăm Suối Tiên muốn băng qua đường đón xe về Sài Gòn chỉ còn cách leo trèo như thế.
Xe sắp đến nghĩa trang quân đội Biên Hoà. Chúng tôi định ghé vào thăm nhưng nhà cửa, cơ xưởng đặc nghẹt, không có lối vào, chỉ có thể nhìn thấy thấp thoáng ngôi đền trên đỉnh đồi trong sâu.
Trên chặng đường dài hàng ngàn cây số, tôi đã thấy không biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ, mọi nghĩa trang đều đẹp đẽ, có nhiều nơi rất bề thế, trong khi đó nghĩa trang Biên Hoà bị bỏ mặc.
Tôn trọng người đã khuất là đạo lý truyền thống của người Việt, dù là đối phương. Đến hài cốt của quân nhân Mỹ, một thời là đối phương, cũng được cố công tìm kiếm và trao trả lại một cách quân tử đúng tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận. Thế nhưng phải chăng cái tinh thần ấy chỉ có giá trị đối với người lính Mỹ, còn người lính Việt Nam Cộng Hoà, người Việt mình, đã khuất thì không, vì Mỹ có tiền, cho tiền thì mới được?
Cách hành xử ấy chỉ nuôi lòng oán hận triền miên. Rất đáng tiếc. Thử tượng tượng, người dân có thể đặt câu hỏi, lấy tiền đâu để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ? Tiền viện trợ quốc tế hay tiền thuế của dân ? Dân là ai, là dân cách mạng hay là toàn dân? Lấy tiền thuế của toàn dân mà chỉ lo cho một phía thì có tránh khỏi sự bất mãn của phía kia không?
Chính thái độ bảo thủ, phân biệt là nguyên nhân gây mất đoàn kết. Nó hoàn toàn đi ngược lại chủ trương đại đoàn kết dân tộc của nhà nước, và đáng buồn hơn nữa là không đúng truyền thống văn hoá nhân bản của người Việt. Đừng nên để người có thân nhân tử trận cảm thấy mình bị phân biệt. Nhiều người buồn, mặc cảm nhưng họ để bụng. Mọi lời kêu gọi hoà giải hoà hợp rất khó được hưởng ứng. Đây là vấn đề cần suy ngẫm.
Muốn hoà giải hoà hợp thực ra không khó. Đừng tự ái và duy lý trí nữa. Hãy dùng lòng nhân ái đối xử tử tế với nhau một cách tự nhiên như thường làm cũng đủ giải quyết được vấn đề rất hiệu quả mà không cần đến bất kỳ một nghị quyết gì. Cụ thể: hãy tạo điều kiện cho sửa sang lại nghĩa trang quân đội Biên Hoà, không cần đẹp đẽ như nghĩa trang liệt sĩ, chỉ cần đàng hoàng thôi cũng đủ đắc nhân tâm. Chắc chắn nó sẽ có tác dụng rất lớn, giúp người Việt xích lại gần nhau.