Chương 6
Khoảng năm giờ sáng, người ta ra lệnh cho chúng tôi đứng dậy xếp hàng. Lúc ấy, kẻng từ một vài cơ quan gần bãi biển đang khua nhức nhối. Bộ đội đếm tù. Người bộ đội này ngậm điếu thuốc lá, tay chỉ từng tù nhân, miệng lẩm nhẩm một, hai, ba, bốn… Anh ta đếm vài lần, đi quanh chúng tôi vài vòng. Bỗng điếu thuốc trên môi anh ta văng xuống bãi cát. Một thằng tù cúi lượm. Bàn chân anh bộ đội mang dép râu đạp lên bàn tay thằng tù. Điếu thuốc nát bấy. Tay thằng tù ê ẩm.
- Không thằng nào trốn, hả?
Im lặng.
- Không thằng nào chết, hả?
Vẫn im lặng. Người bộ đội hất khẩu AK:
- Đi lên!
Chúng tôi, hàng đôi thẳng tắp, đi lên bờ. Và chúng tôi được dồn lên xe nhanh chóng. Xe nổ máy, lăn bánh. Chúng tôi ra khỏi thị xã Nha Trang, thị xã thơ mộng trong những bản nhạc êm đềm, tha thiết mà nhiều người đã nghe, đã biết. Nhưng sẽ chẳng ai biết, trên bãi biển Nha Trang quê hương cát trắng, có một đêm, người ta đã dùng làm nhà lao nhốt chúng tôi. Xe qua cầu Bóng. Tôi nhìn xóm chài âm thầm dưới sương mờ. Tôi nhìn “Tháp Bà êm mơ” một cách buồn tủi. Hòn Chồng kìa, hòn Chồng hay mẹ tôi đang đứng đợi tôi đầm đìa nước mắt.
Đường sớm mai vắng vẻ, xe chạy mau. Tới ngã ba Ninh Hòa, tôi thấy mặt trời chui lên từ mặt biển. Cái khối lửa ấy to dần, đỏ chói, hứa hẹn với chúng tôi một ngày rạng cháy. Nó chưa làm mui xe nóng bỏng mà chúng tôi đã khát khô cổ rồi. Đêm qua, nhờ lạnh chúng tôi quên khát. Bây giờ, cơn khát vụt thức, đòi hỏi chúng tôi phải uống nước.
- Báo cáo cán bộ, chúng tôi khát nước.
- Báo cáo bộ đội, cả ngày qua không được uống nước.
Xe bớt ga, chạy chậm rồi dừng bên lề. Bộ đội xuống, mở cửa, chửi bới chúng tôi một chập mới ra lệnh:
- Uống khẩn trương đấy!
Chúng tôi ào xuống đầm sen bên đường, nằm dài, vục mặt uống nước đầm ừng ực. Nước lã làm chúng tôi mau tỉnh táo và quên sợ lệnh. Chúng tôi trườn xa, dầm mình, ngụp lặn, hái lá sen, hoa sen. Bộ đội chỉ giục giã chứ không quát tháo. Rồi chúng tôi lên xe. Cửa lại khóa, vải che không buông. Bây giờ, quần áo chúng tôi sũng nước. Thân thể chúng tôi ướt mềm như rau xà lách vừa được tưới đẫm. Nhưng, những bãi nôn mửa đã khô quánh, nhờ nước nhỏ giọt, cũng mềm tươi. Mùi hoa sen khó át mùi chua cức mèo. Chúng tôi dùng lá sen thay vải, lau chùi sàn xe và tống cặn nôn mửa xuống đường. Hôm nay, xe chúng tôi chạy sau, không sợ bộ đội xe trước nhòm ngó, nên chúng tôi có phần nào thoải mái.
Quãng đường này, ngày xưa, lính Đại Hàn trấn giữ. Chúng nó rút về nước mấy năm rồi, nhưng mãi bây giờ những cái biển vẽ ngựa trắng, dấu hiệu của bọn sư đoàn Bạch Mã, mới bị hạ gục, nằm chổng chơ dễ ghét. Căn cứ đóng quân của Đại Hàn đã đổi thành doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam. Có thể, trong đó còn nhốt tù mà ít ai biết. Mặt trời lên khá cao thì chúng tôi qua bãi biển Đại Lãnh vi vút tiếng phi lao reo trong gió. Rồi xe leo đèo Cả chậm rãi như thể nó bò. Tôi tha hồ ngắm núi, ngắm biển. Mai bím bảo tôi ăn chút cơm nắm. Chúng tôi nhắm nhá lót lòng. Nhiều thằng, trước lúc quét sàn xe đã lượm cơm nắm ướp bãi mửa, giờ bóc vỏ cơm, nhai ngon lành. Tôi và Mai bím để dành quà bánh, sợ còn đi xa. Xe nuốt hết đèo Cả, vào địa phận Tuy Hòa. Chúng tôi qua cầu Đà Rằng, cây cầu mới làm, dài thứ nhì và đẹp thứ nhất Việt Nam. Đang còn mùa mưa, nước sông dâng ngập cao, đỏ ngầu, chảy xiết.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi qua ngã ba thị xã Tuy Hòa. Quần áo, tóc tai chúng tôi đã khô rom. Hôm nay đỡ khổ hơn hôm qua. Đó cũng là niềm bí ẩn nhỏ của đời sống chăng? Bọn nhãi nhấm nhá cơm nắm nhạt nhẽo xong thì ngồi dựa nhau ngủ. Người ta chỉ phát cơm, không phát thức ăn, dù là muối trắng. Trên đời có loại tù nào đặc biệt, nhất định, loại tù ấy phải là chúng tôi. Chúng tôi đi lao động cải tạo. Lao động là cuốc đất, trồng khoai, khuân vác. Cải tạo là gì, tôi chưa biết. Xe đã đến Sông Cầu. Nó chạy chậm rì như nó đến Hố Nai, Gia Kiệm. Dân chúng hai bên đường túa ra, đuổi theo xe. Họ vất cho chúng tôi đủ thứ quà bánh, trái cây, nước trà đá đựng túi ny lông. Bộ đội chĩa mũi súng đuổi. Họ chửi bộ đội. Có đứa nhỏ, kém tuổi tôi, hất luôn cả mẹt mía đã róc vỏ, tiện khẩu và găm vào que tre lên xe. Có cô gái liệng hết ngăn thuốc lá, thuốc lào. Mai bím chộp thuốc lào, mắt nó sáng rực, miệng nó cám ơn lia lịa. Chẳng ai hỏi chúng tôi một câu vì họ biết chúng tôi là tù. Nhiều người chưa kịp liệng quà, đứng giữa đường, dậm chân bực tức. Chúng tôi lại ê hề quà cáp. Mai bím vỗ vai tôi: “Mày nói đúng, người ta thương hại trẻ con bị tù.” Tôi vương vướng sợi khói bùi ngùi trong mắt. Dân Tuy Hòa nghèo xác nghèo xơ. Học địa lý, tôi hiểu điều này. Thế mà, có thằng bé dám hất hết cả vốn lẫn lãi của nó cho chúng tôi. Nó sẽ trả lời mẹ nó như thế nào? Cô gái liệng thuốc lá sẽ trả lời chồng cô ra sao?
Chúng tôi qua Sông Cầu một lát thì xe dừng lại. Bộ đội, tài xế, lơ xe, đi ăn cơm. Chúng tôi được dặn dò tuân lệnh và chúng tôi cũng ăn bánh chuối, hút thuốc, uống nước phủ phê. Tôi châm điếu thuốc không nhãn hiệu. Mai nhìn tôi cười. Tôi hít làn hơi đầu tiên trong đời. Tôi không bị sặc. Khói thuốc thơm ơi là thơm. Và khẩu mía ngọt lịm ơi là ngọt. Khói thuốc và nước mía là niềm bí ẩn của đời sống mà tôi vẫn thấy trên đường tù đày. Chúa tước đoạt và Chúa cho lại. Mai bím bảo tôi: “Có ngày mày sẽ khoái thuốc lào.” Tôi nói tôi chỉ khoái thuốc lào Sông Cầu. Hôm nay, chúng tôi được nghỉ trưa lâu hơn hôm qua. Nắng thật gắt gao nhưng mùi nôn ói đã hết. Chúng tôi có lá sen làm mũ đội chống nắng. Chúng tôi có nước trà đá mát rượi. Chúng tôi có bánh, chuối, kẹo, thuốc lào, thuốc lá. Chúng tôi có tình thương xót. Chúng tôi có những thứ mà những người bắt chúng tôi không có, những người canh giữ, ra lệnh, đánh đập chúng tôi không có. Trưa hôm nay khác trưa hôm qua. Bọn nhãi, thay vì ngủ gật, ngủ ngất ngư, đều tỉnh như sáo, đốt thuốc lá, rít thuốc lào và nói chuyện líu lo. Mai bím vẫn giàu thuốc lào nhất. Nó dấu kỹ, chỉ véo gỡ của những thằng chộp được thuốc lào. Khói thuốc làm chúng tôi ngộp thở. Thế nhưng chúng tôi lại muốn mãi mãi bị ngộp thở bởi khói thuốc.
Bây giờ nắng hung hăng hơn. Cái lá sen trên đầu tôi đã khô và màu xanh đã biến thành màu vàng úa. Người ta đưa chúng tôi đi tiếp đến nơi mà chúng tôi chưa biết. Xe vượt đèo Cù Mông. Bọn nhãi ngưng hút thuốc, tán dóc. Chúng nó ngồi im một lát rồi mắt khép dần và tiếp tục cái kiểu ngủ lưu đầu đường xa. Mai bím hỏi tôi:
- Đường này là đường số mấy?
- Quốc lộ số 1.
- Nó tận cùng ở đâu?
- Biên giới nước Tàu.
- Có ra miền Bắc?
Tôi cười, Mai bím thộn mặt.
- Tại sao mày cười?
- Tao buồn cười.
- Mày chưa trả lời tao.
- Có, yên chí, đường này ra Bắc đấy.
Tôi nói:
- Yên tâm đi, chỉ có hai nắm cơm ăn đường.
Mai bím khen tôi đoán giỏi. Nó hết sợ phải ra Bắc. Xe đã qua ngã ba vào thị xã Qui Nhơn. Nó cứ việc nuốt đường, tôi cứ việc nhìn phong cảnh hai bên đường. Đến chiều, xe qua ngã ba Sa Huỳnh. Bên trái tôi là biển. Biển sát đường như khúc biển Cà Ná hôm qua. Biển rực rỡ, dạt dào mong muốn, khác hẳn biển ngụp lặn. Nắng đã dìu dịu. Xe vun vút chạy. Khi mặt trời lặn, chúng tôi tới Mộ Đức. Người ta dừng xe ngoài quận lỵ, cho phép chúng tôi xuống tắm rửa, đi đái, đi ỉa với mệnh lệnh cộc lốc: Khẩn trương. Chúng tôi vội cởi quần áo, tìm những vũng nước sâu dưới ruộng, tắm táp. Chúng tôi giặt bộ quần áo bụi đường, vắt kiệt nước. Nhiều đứa đi ỉa nhưng chúng bảo không tài nào ỉa được. Phải thành thật nói rằng bộ đội đã ban cho chúng tôi một ân huệ to tát. Chúng tôi uống nước ruộng say sưa. Rồi chúng tôi bị lùa lên xe, khóa chặt cửa. Lúc này, trời nhá nhem tối. Bộ đội dặn chúng tôi ngồi im lặng, cấm hò hét, cãi nhau, nếu trái lời, mai sẽ không được uống nước.
Chúng tôi lấy cơm bánh ăn, hết hai nắm cơm, chắc là sắp tới chỗ lao cải. Bộ đội, tài xế, lơ xe bỏ đi hết. Chúng tôi hút thuốc, chờ đợi lên đường. Chờ mãi mới thấy một người bộ đội xuất hiện đi kiểm soát cả hai xe tù. Vậy là đêm nay chúng tôi ngủ trên xe. Cũng được, còn sướng hơn ngủ ngoài bãi biển. Khi người ta quá khổ, người ta quên mất nhiều thứ. Chúng tôi đã quên bệnh ghẻ từ khi lên xe. Tôi không thấy thằng nào gãi hay nhăn nhó cả. Đối với tôi đó là điều kỳ lạ. Ở phòng, chúng nó gãi xoàn xoạt, khều mủ hàng giờ, tranh giành những hũ thuốc. Ở xe, chẳng còn đứa nào nghĩ mình là ghẻ kềnh, ghẻ càng. Chúng tôi nín đái, nín ỉa thật tài tình. Mệnh lệnh cho phép chúng tôi “đái ỉa tại chỗ” nhưng chúng tôi chưa phải thi hành. Mệt mỏi khiến người ta hết thích ỉa, đái. Người ta chỉ còn nỗi ham thích duy nhất là rít thuốc lào và chửi thề.
Đêm lưu đầy thứ nhất, tôi ngủ ngoài trời, đêm thứ hai ngủ trên xe. Người ta không thể biết được số phận của mình nên tôi cũng không thể biết được đêm thứ ba sẽ ngủ đâu. Và đêm thứ tư, đêm vô tận… Sáng hôm sau, mãi lúc mặt trời mọc, cuộc hành trình mới tiếp tục. Bọn nhãi vẫn ngủ khì, mặc xác xe nổ máy, lăn bánh. Xe chạy qua quận Mộ Đức rồi qua cầu sông Vệ. Dòng sông Vệ chả thơ mộng chút nào. Chả có gì thơ mộng hết vì tôi ngắm cảnh qua chấn song sắt khóa chặt. Xe chạy qua thị xã Quảng Ngãi. Bọn nhãi chưa thèm thức. Mai bím đang cựa quậy. Nó dụi mắt, hỏi tôi:
- Tới đâu rồi, Vũ?
- Quảng Ngãi.
- Sắp tới đâu?
- Chu Lai.
Mai bím mở bừng mắt. Luôn luôn, nó ngồi cạnh tôi. Chu Lai, căn cứ quan trọng ngày trước, đang chạy lùi dưới mắt tôi. Tôi thấy khá đông người, giầy dép lôi thôi, mũ nón đủ kiểu, quần áo lính ngụy tơi tả đương ra sức phá những công sự xi măng cốt sắt. Quanh họ là những người bộ đội kè kè súng đạn. Mai bím bạo miệng hỏi đám người sát lề đường:
- Tù gì vậy?
- Sĩ quan ngụy cải tạo.
“Sĩ quan ngụy cải tạo”, tôi giật mình. Xe chạy vun vút. Một cảnh tượng đáng ngắm nhất xa dần tầm mắt tôi. Cha tôi, có thể, có mặt trong số sĩ quan ngụy đang cải tạo ở Chu Lai. Ôi giá tôi nhìn rõ cha tôi nhỉ?
- Ba mày cũng bị như vậy.
Mai bím nói, tôi nghẹn ngào quá, không biết phải làm gì, đành nhắm mắt. Xe chúng tôi qua Tam Kỳ. Đến hai giờ thì chúng tôi rẽ vào thành phố Đà Nẵng. Xe dừng lại, không có lệnh ăn uống chi hết, người ta kéo tấm vải bố trùm kín mít phía sau. Chúng tôi bắt đầu nóng rang, ngộp thở. Nghĩ rằng đã tới đích, chẳng đứa nào dám kêu ca. Chúng tôi đành chịu trận, há mồm, lè lưỡi như con chó trưa hè. Người ta đưa chúng tôi từ phố này qua phố khác. Cuối cùng, xe chúng tôi đậu trước một nhà tù. Chúng tôi nằm ụ ở đây, đợi chờ giải quyết. Tôi nhớ một đêm, mấy tháng trước, người ta gom chúng tôi ở sân vận động Hoa Lư, chở chúng tôi tới khám Chí Hòa, đấu lý mỏi miệng rồi ngắt chúng tôi ra mà phát sợ. Nhà tù chê nhận tù, tù lêu bêu đi nơi khác. Nhà tù Đà Nẵng chê chúng tôi, đoạn đường trở lại Sài Gòn cũng đủ chết.
Tự nhiên, không cần dặn dò nhau, chúng tôi cùng câm họng. Chúng tôi chẳng dám ăn, dù rất đói; chẳng dám hút thuốc, dù rất thèm. Nóng khủng khiếp. Cái mui xe muốn bốc hơi. Chúng tôi ngồi bó gối, hít thở khó nhọc trong cái địa ngục di động này. Người ta quên phát cơm ngày thứ ba cho chúng tôi. Người ta quên hỏi một cách nhân đạo chúng tôi có đứa nào chết khát chưa. Mồ hôi chúng tôi chảy ướt mềm quần áo. Cứ thế, chúng tôi chờ vào nhà tù. Mai bím hé tấm bố, lẩm bẩm: “Hết mẹ nó nắng rồi mà chưa chịu cho xuống.” Nắng buổi chiều tàn tạ và đêm tối sắp đến. Hơi nóng trên xe chưa giảm. Chắc chắn, chúng tôi bị cúp khẩu phần ăn uống hôm nay. Không cần ăn uống, chúng tôi chỉ mong cái lò bánh mì khốn kiếp này mở cửa.
Có tiếng ồn ào. Tôi lắng tai nghe. Một cuộc cãi cọ y hệt cuộc cãi cọ trước cổng khám Chí Hòa.
- Tại sao các đồng chí không nhận?
- Không đúng tiêu chuẩn.
- Tiêu chuẩn gì nữa? Một trăm hai mươi đứa đủ cả.
- Chúng tôi xin một trăm hai mươi tù nhân có năng suất lao động tốt chứ không xin con nít. Văn thư chúng tôi ghi rõ.
- Chúng tôi chỉ chở tù, không cấp phát tù.
- Thì các đồng chí chở về trả lại Sài Gòn.
- Chở về, đồng chí Thủ trưởng nghĩ dễ dàng quá nhỉ. Nếu đồng chí không nhận, cho chúng tôi gởi tạm ở trại con nít.
- Chúng tôi thừa con nít, thiếu nhà giam!
- Đồng chí nặng tinh thần cục bộ quá.
- Đó là sự thật. Ở đâu bắt, ở đấy nhốt.
- Nhất trí thôi. Đồng chí cho gửi tạm đêm nay.
- Sai nguyên tắc. Chúng tôi không dại gì ôm trách nhiệm giữ đám con nít Sài Gòn.
- Chúng tôi gửi một đêm.
- Không được.
- Chúng tôi vẫn nhốt chúng trên xe.
- Tôi đã nói sai nguyên tắc. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cấp dầu cho các đồng chí về Sài Gòn và mời các đồng chí ăn cơm tối.
- Còn lương thực một trăm hai mươi tù nhân?
- Tự túc.
Cuộc cãi cọ chấm dứt. Số phận chúng tôi thê thảm rồi. Người ta “de” xe lại và đưa chúng tôi đi một chỗ khác. Đó là bến xe đò mới, cuối thành phố, phía Đà Nẵng - Qui Nhơn. Người ta đậu xe ở đây, mở miếng vải bố trùm sau. Chúng tôi thấy khí trời và màn đêm. Người bộ đội nói:
- Hôm nay chúng mày chịu khó nhịn đói, tại tụi Đà Nẵng chơi xỏ chứ không phải tại bọn tao. Lát khuya sẽ cho chúng mày xuống.
- Chúng em khát cháy cổ rồi, bộ đội ơi! - Mai bím kêu nài.
- Khắc phục xem sao! - Người bộ đội bỏ đi.
Khi bến xe ngừng sinh hoạt và khi bộ đội đã ăn uống phè phỡn, chúng tôi được xuống xe. Người ta gom tất cả tù nhãi ranh hai xe vào một cụm cho dễ kiểm soát. Tôi có dịp nhận diện “anh em” mới. Cũng rặt dân vỉa hè. Thằng lớn nhất cỡ Mai bím, thằng bé nhất chừng sáu bảy tuổi. Có đến hai ba chục thằng lên sáu, lên bảy. Chúng tôi đều đói, khát, mệt mỏi và sợ hãi như nhau. Đói còn chịu được chứ khát thì vô phương. Cách bến xe không xa mấy, có một dòng sông ăm ắp nước. Hằng trăm con mắt ấu thơ dồn phía dòng sông. Sự thèm muốn nước trong tôi tăng dần đến nỗi sự sợ hãi súng đạn giảm xuống. Tôi không còn tí xíu nước miếng nào để nuốt. Cái lò bánh mì nóng bỏng đã hút hết nước trong cơ thể tôi. Tôi sắp điên vì khát. Tất cả đều sắp điên vì khát. Chúng tôi nhìn nhau rồi nhìn dòng sông quyến rũ, mời gọi. Và, bất thần, đám nhãi bung ra khỏi hàng ngũ, lao về phía sông. Tôi cũng buông ra. Mai bím nắm chặt tay tôi, níu lại. Tôi giật mạnh, nhưng không thoát khỏi sự kiềm chế của Mai bím.
- Buông tao ra, tao khát quá!
Một băng đạn nổ ròn rã. Mai bím quật tôi ngã dễ dàng. Tôi đứng dậy ngay. Mai bím không chịu buông tay tôi. Một băng đạn nữa. Đám nhãi vẫn cố chạy miết. Nhiều đứa ngã gục. Những đứa khác phóng người, nhảy xuống bãi sông, úp mặt xuống nước nốc cho đã khát. Có đứa thỏa mãn trước khi lãnh đạn. Có đứa chưa kịp uống ngụm nào đã ngoẹo cổ. Đạn rê thật sự, trúng đích. Bọn nhãi còn trong hàng cũng bung ra, chạy vào thành phố. Đạn nã hai phía. Đạn báo động lực lượng vũ trang. Người ta đổ xô tới. Cuộc truy lùng khởi sự. Chỉ còn độ hai mươi đứa đứng yên tại chỗ. Bây giờ, ngồi hết. Mai bím đã buông tay tôi ra. “Tao hứa sẽ đưa mày về, mày dại dột chết toi mạng.” Tôi nói tôi khát quá, chịu hết nổi. Nó bảo nó còn khát gấp mười lần tôi. Tôi đặt tay lên vai Mai bím: “Cám ơn mày đã cứu tao.” Nó giục tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện và thấy đỡ khát. “Chừng mày tính làm ẩu mày hãy nghĩ tới ba má mày, em mày và mày cầu Chúa của mày.” Mai bím dặn tôi.
Chẳng mấy chốc, người ta đã tóm gọn những thằng tự ý đi uống nước và những thằng chạy trốn. Những thằng bị bắn chết và những thằng bị thương, người ta không thèm biết đến nữa. Bọn không bỏ hàng được ngồi riêng. Người ta đánh những thằng chạy trốn bằng báng súng, bằng đá, đạp và bằng cả roi dây điện. Mặc kệ những người ở bến xe bu quanh đứng xem, bầy thú khát nước vẫn sặc sụa đòn thù. Chúng rên la, xin xỏ, lạy lục. Vô ích. Đủ chỉ tiêu đòn người ta mới ngưng. Và bầy thú mềm nhũn, lê lết… Nhiều đứa hết cựa quậy.
- Tại sao chúng nó trốn? Thằng nào nắm rõ cho phép nói. - Người bộ đội Đà Nẵng hỏi.
- Từ đêm qua tới giờ không được uống nước, chúng nó khát, - Mai bím trả lời, - khát quá chúng nó làm ẩu, vi phạm lệnh.
- Tại sao chúng mày không khát?
- Chúng em khắc phục!
- Tốt. Chúng mày chấp hành tốt kỷ luật, sẽ thưởng chúng mày nước uống.
Người ta đem cho bọn “khắc phục khát” hai xô nước. Chúng tôi, thay phiên nhau uống như chưa bao giờ được uống, chúng tôi uống trong nỗi đau khổ của những thằng no đòn đang thèm nước hơn bất cứ thứ gì trên đời. Mai bím lôi cả bình điếu, đổ nước biển Nha Trang đi, cho vào xô nước chút ít, xúc sạch rồi múc đầy bình. Màn uống nước chấm dứt, người ta hất nước thừa trong xô một cách lạnh lùng. Không cần mất tờ giấy nào lập biên bản vụ chết chóc vừa xảy ra. Mọi việc bình thường, cả sự sống lẫn sự chết, trong cảnh đổi đời này. Tôi chưa biết rõ bao nhiêu thằng chết đạn, bao nhiêu thằng chết đòn, bao nhiêu thằng bị thương, bao nhiêu thằng ngắc ngoải. Chuyến xe của tôi chỉ còn năm bảy đứa “khắc phục khát”. Tèo tép, Ba méo, Hoa rỗ chẳng hiểu có hề chi. Nếu Mai bím không níu tôi, tôi đã lãnh viên đạn đồng tàn nhẫn.
- Phải có một ông Chúa cho mày đeo, Vũ ạ!
- Ừ.
- Tao hứa sẽ tặng mày ông Chúa xiện. Ổng sẽ ngăn mày làm ẩu. Mà mày phải hứa với tao một điều.
- Điều gì?
- Bao giờ tao trốn mày mới được trốn.
- Mai bím ơi!
- Chi?
- Tại sao mày thương tao thế?
- Tao đéo biết nữa.
Luôn luôn, nhưng nó biết thật nhiều. Không chừng, nó còn biết rõ những niềm bí ẩn của đời sống. Người ta để mặc những thằng no đòn thù rên la, thèm nước. Nếu chúng nó chết luôn cũng chẳng sao. Kẻ nào vi phạm mệnh lệnh sẽ bị trừng phạt đích đáng, dù là con nít. Khi đã là tù, phải khắc phục đủ thứ. Khắc phục đói, khắc phục khát, khắc phục bệnh hoạn và khắc phục chết! Tôi ngồi rướn gót nhìn về phía dòng sông. Tôi không rõ tên dòng sông này. Có nhiều giọt máu đã hòa với nước sông. Có nhiều xác chết, đầu gục xuống nước, chân phơi trên bãi. Có nhiều đứa đã gãy chân, gãy tay, lòi bụng. Có nhiều đứa nát bấy thân thể vì những làn roi dây điện, những báng súng không thèm phân biệt thịt xương người lớn và thịt xương trẻ con. Chỉ vì đã nhìn thấy dòng sông. Chỉ vì dòng sông khiêu khích sự thèm khát nước. Nửa đêm, người ta gom tù nhân xe nào lên xe ấy. Tôi đếm xe tôi, còn ba chục đứa. Vậy là đã có ba chục đứa chết dưới bãi sông, chết trên đường thành phố. Tèo tép chưa chết, nhưng Ba rỗ, Hoa méo vĩnh biệt các nhà tù. Chúa sẽ nhớ tên chúng nó. Mai bím đưa bình nước cho Tèo tép và những thằng bị trừng phạt, dặn chúng mỗi đứa một ngụm mới đủ. Lần thứ nhất, từ ngày gặp gỡ, tôi thấy Mai bím không thu khoản lợi nào cho sự chi bình nước quý giá của nó. Nó bảo tôi lấy ve dầu cù là xoa bóp cho những đứa ăn đòn nặng. Mai bím tẩm quất lành nghề. Mồ hôi nó toát ra, nhiễu giọt. Trong cái địa ngục nổi tối ám này, hình như, tôi nghe rõ cả những giọt nước mắt của Mai bím. Đó mới chính là niềm bí ẩn. Oái oăm thay, người ta chỉ thấy niềm bí ẩn của cuộc sống trong nỗi khốn cùng, trên vực thẳm chết chóc và dưới đáy thê lương.
Tôi chẳng cần lo lắng chuyện ngày mai nữa.
Bookmarks