Chương 7 - Người Ở Lại Với Charlie


Charlie tan, trên đất đá điêu tàn chỉ còn vươn vãi khói xám và thây người. Trong đó có Anh- Người đàn anh kính mến đã cùng tôi chia xẻ quãng đời dài. Những dòng chữ viết để nhớ Anh - Nguyễn Đình Bảo.

Ngày 22 tháng 5, ông Nixon đi Nga, không ít thì nhiều chuyến đi ấy đã có tác dụng với cuộc đại tấn công của Bắc quân vào ba quân khu.Rất nhiều giả thuyết về cuộc kịch chiến này được đem bàn tán, nhưng tất cả đều đồng ý: Chuyến đi có ảnh hưởng đến trận đánh và đây cũng là trận cuối mùa, một mùa đại loạn đẫm ướt máu đỏ chảy trên những thân thể gọi là “người Việt Nam”. Ngày 22 tháng 5 ông Nixon khởi đầu chuyến đi, ngày 12 tháng 4 anh chết. Sao anh không gắng sống? Anh chỉ cần gắng thêm một tháng rưởi nữa, nếu chưa chấm dứt, chiến tranh có thể mang những hình thức khác, cuộc đại tấn công này sẽ được đình chỉ lại, hoặc chuyển qua vùng khác... Những vùng dễ đánh để anh có thể tung hoành như anh đã làm nhiều lần trong tháng năm chinh chiến dằng dặt. Và biết đâu chiến tranh sẽ biến thái lại nên thành chiến tranh du kích, anh là tiểu đoàn trưởng đơn vị Nhẩy Dù, làm sao có thể chết được trong những “chiến tranh an toàn” như thế! Tại sao anh không gắng sống?Tại sao thế hở trời ?

Vẫn biết rằng đi chiến trận là mất mát. Không chết trước thì chết sau... Trước anh cả trăm ngàn người đã nằm xuống. Anh đã cùng tôi chứng kiến bao nhiêu lần “nghỉ phép” của ông Huệ, Thừa, Hổ... Anh gật gù, “Thôi tại số, mình gắng chịu vậy...”. Anh gắng chịu đã quen. Anh đã thoát nhiều lần. Từ trung đội trưởng tiểu đoàn 8, anh qua tiểu đoàn 3; làm đại đội trưởng tiểu đoàn 1 và tiếp theo tiểu đoàn 9. Anh đã dự bao nhiêu trận từ thuở ông Đống mới làm tiểu đoàn trưởng giờ này là Trung Tướng Tư Lệnh; anh đánh trận từ lúc chiến tranh còn như là trò chơi, ông Tư “Hòa Hảo” đi thuyền vào họp với Việt Cộng, đám giặc cỏ chỉ vài cây súng ngựa trời hay 2 khẩu Mat 36 để thay đại liên. Từ những trận đánh nhỏ đó, anh được “trưởng thành trong khói lửa”, thành ngữ nói ra nghe có vẻ “cải lương” nhưng quả thật không còn chữ nghĩa nào để dùng chính xác hơn. Anh đánh trận Ấp Bắc, giải vây đồn Bổ Túc vào những năm 60, với những trận đánh mở đầu “chiến tranh giải phóng”. Chiến tranh lớn dần như một thứ quái thai được mùa, như tế bào ung thư ngon trớn, chiến tranh lớn như sinh vật quái dị ở hành tinh khác đến đây nẩy nở theo cùng chiều rộng của không gian. Khói lửa từ đấy dậy lên như giông bão. Trong “môi trường” hào hùng độc địa nầy - Anh trưởng thành.

Anh già hơn không phải do số tuổi, nhưng chiến trận, hành quân như nối mối thời gian để nhắc nhở mỗi ngày, mỗi tháng, năm anh qua... Năm 1965 giải vây Đức Cơ, Pleiku; năm 1966 bị phục kích ở Cheo Reo, cũng năm này “giải phóng” Bồng Sơn, Tam Quan.67 “lội” nát người suốt vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, từ cái làng nhỏ ở bên kia sông Hương nhìn ra phá Tam Giang, đến cuộc tấn công vào khu phi quân sự đổ từ đèo Ba Giốc xuống. Hết 67 đến 68 anh đem quân về vùng đồng Ông Cộ, Hốc Môn, Bà Điểm; Việt cộng tấn công đợt Hai, tiểu đoàn 9 do anh làm “ông Phó” có cơ hội “rửa mặt” nhân vụ tịch thu cả hầm vũ khí chở đầy một chiếc F.O.M.Chiến thuật thay đổi, từ ven đô anh di chuyển về Tây Ninh để “cày” từ Tống Lệ Chân qua Katum, Trại Bí... Suốt một vùng biên giới dài theo con sông Vàm Cỏ anh đi như không mệt... Anh đi như định mệnh đốn mạt bắt anh dính liền vào mỗi thước đất phải bước qua.
Nhưng chưa bao giờ nghe anh than tiếng nhỏ. Sự chịu đựng và vẻ bình thản là tính chất căn bản của anh.

- Mầy biết nhá, tao di cư vào, mỗi ngày phải đạp xe mờ người chạy từ trại định cư đến Phú Thọ để lấy khẩu phần bánh mì và năm đồng bạc. Mầy biết, tao tập thể thao to chừng này, thằng Tây bán thịt gần trăm ký bị tao ném một cú đòn vai, nằm luôn.
Anh là con nhà võ, thắt đai đen nhu đạo thời kỳ 56, 57, tính chất võ chân truyền này là nền tảng tinh thần của anh. Đó là một tinh thần rất thường ở bề mặt nhưng phần trong rất “sáng”; một thứ “sáng” mã thượng, độ lượng và chân thật - Chân thật và thẳng thắn tuyệt đối. Anh sống ở đời giản dị và thẳng thắn như kẻ có võ công thượng thừa lại thêm tâm tư nhân ái. Anh không một lần than thở dù lúc làm “ông Phó” ở tiểu đoàn 9 anh bị “kẹt”. Anh bị nạn. Anh bị “ép”. Bị “nát như cái mền”. Nhưng tất cả đã không làđáng kể... Hãy nghe anh nói:

- Mày thấy, tao là lính tác chiến, rồi cũng có ngày tao phải chỉ huy, nhỡ bị kẹt là cái hạn của mình, sau đó mình “bốc”.

Anh cong một bàn tay lên làm cú “bốc” kèm theo tiếng chửi thề “mẹ”. Sự bực dọc của anh chỉ được diễn tả chừng ấy.Không hận đời và tin ở mình.Trong đời sống bình thường, anh sống với thái độ khắc kỷ thật cao thượng.

Anh Năm kính yêu,

Anh chết ngày 12 tháng Tư, đến giờ này, sau ba ngày xác anh vẫn chưa móc ra được. Ngày 14 ông Bạch Long cho hai trực thăng và một Skyraider vào, cố làm một bãi đáp để đưa anh ra, cả ba chiếc đều bị “shotdown”. Người lính về nói với gia đình như thế, cháu Tường bẩy tuổi đã lớn, nhưng cũng chưa hiểu nổi phận bi thảm của lần mất bố, kể lại câu chuyện... Kể lại phút anh nằm xuống với lồng ngực bị vỡ. Không biết chi tiết đó có đúng thế không, nhưng cháu cứ lập lại với mọi người xem như như một nét “xuất sắc” của anh. Tội nghiệp cháu quá anh ơi, nó đang lún xuống trong một bất hạnh với quả tim hồng và nụ cười sáng, nó nắm tấm ảnh lúc anh còn ở trường, thắt đai đen bên cạnh ông Hiếu... “Bố cháu là những người “xuất sắc”!Ôi anh đã sống, chết bới những hoàn cảnh cực độ. Những phiền não cùng cực và vinh quang bốc lửa. Anh di chuyển giữa những cực điểm với tâm tư bình yên, lặng lẽ, chiếc lưng gù xuống chịu đựng. Giờ này anh mới “thật sự nghỉ ngơi”, một cách nghỉ ngơi cay đắng và khắc nghiệt. Cuộc đời đã “ta-pi” anh trước khi anh kịp đứng lên rũ áo, thối tiền.Anh thua trong sáng suốt và nín lặng cũng như ván bài ở lăng ông Cẩn ngoài Huế trong tối mùa đông năm xưa... “Tao biết mày tháu, nhưng cũng cho mày ăn.”Anh úp bài cho tôi vồ tiền. Anh Năm ơi, anh bị cuộc đời “tháu” cú này nữa. Cúù tháu độc địa và hết thuốc chữa.

Anh chết thật rồi!! Tin cuối cùng rõ ràng về anh do Hải “khều” nói lại không thể sai vào đâu nữa. Hầm anh hứng đúng ba trái hỏa tiễn, mảnh ghim vào tim và anh chết ngay phút đầu tiên, khi “tụi nó” bắt đầu đánh biển người vào Charlie.Hải “gói” anh vào ba lớp poncho, nhưng máy bay không xuống được, Mê Linh lại bị thương. Chúng nó phải “rút lui chiến thuật” vì pháo và hỏa tiễn rơi đến cả ngàn trái vào căn cứ, đặc công cảm tử lại phá được hàng rào ngoài.Giữ thế nào được nữa, Mễ lẫn Hải đều bị thương, chúng cố điều động phần sống sót còn lại để mở đường máu, bảo toàn đơn vị.Phải bỏ anh lại, chắc chắn Mễ đau đớn lắm, vì hắn và tôi đều nặng ân tình với anh biết mấy; từ thuở ở tiểu đoàn 9, anh “che” cho hắn bao nhiêu đòn; Mễ là đứa rất có tình, bỏ anh lại nơi chốn núi rừng, vùi dưới đống đất cát và lửa đỏ chắc là vết thương dài đời không hết, tâm hồn khó được phần quên lãng nguôi ngoai.

Mấy hôm nay tôi ngủ không được, mắt nhắm lại thấy cảnh anh đang chết, những giờ khắc cuối cùng, anh chống ngược mắt xuôi tay và đi khuất... Tưởng đến tiếng nói, nụ cười và toàn thể không khí của bữa cơm chót trong vườn Tao Đàn, đâu có ngờ đây là bữa cơm vĩnh biệt?! Chưa bao giờ anh vui vẻ và tự tin cho bằng thời gian đó: “Số tao hết cực rồi, hạn 33 tuổi đi qua... Tao làm lớn cho mày nhờ.”Tôi cũng nghĩ như thế, vì cái “võ nghiệp” cứ phú quý thụt lùi, thôi thì chỉ mong ngày anh “làm ông tướng!!”Ngày đó sẽ không bao giờ có nữa, cũng không còn những ngày vui như buổi chiều cuối năm mờ hơi sương, anh và tôi đứng ở sườn đồi nhìn xuống sông Hương bốc khói lam, nồng hớp rượu “số Bảy” không đá, nghe từng âm ba rộn rã của men rượu tan trong máu và cất tiếng cười bất chợt... Tiếng cười hào sảng thống khoái vang động không khí u trầm bí ẩnchiều cuối năm dầy sương lạnh.

Tôi cũng tin vào số mạng, biết rằng anh có tướng lộ xỉ không được tốt, nhưng bù lại tai anh dày, có thùy châu, bước đi vững chãi... Nên nghĩ rằng anh sẽ đi qua, anh sẽ vượt qua tất cả hoạn nạn, vì anh đã hoạn nạn dư thừa, hoạn nạn ngập mặt. Từ tuổi thiếu niên anh đã gian nan phấn đấu, phấn đấu để thành người và dựng đời, anh đối chọi với khó khăn như con trâu miệt mài trên đồng ruộng. Năm nay anh 35 hay 36 tuổi, tôi không được rõ, nhưng hình như anh chưa có ngày nghỉ ngơi toàn nghĩa. Cuối đời, vừa le lói chút ánh sáng bình yên và hạnh phúc, anh hân hoan sửa soạn tương lại, rộn rã như cô dâu tốt số. Đời đã quật anh cú chót và anh đành thua. Bao nhiêu năm tranh sống để lúc chết quả tim đang hả miệng cười.

Tiểu đoàn rút khỏi Charlie và phi cơ oanh kích căn cứ. Ôi sao tàn khốc thế hở trời?! Anh đã sống cay nghiệt sao cái chết lại quá bi thương. Ba lớp poncho gói thân anh làm sao che chở nổi hình hài vô tri dưới cơn mưa bom, bão thép. Phép màu nào giữ nổi xác thân anh? Vĩnh biệt, Anh Năm kính yêu...Nơi chốn hư không nào...Mong linh hồn anh được lần yên nghỉ.

Viết lại, 12, Tháng Tư, 1972 - 12 tháng Tư, 1998.
Lần “thật chết như luôn sống lại”,
Dù bao lâu, Cách bao xa.