Hồi 76 - Biệt Vô Tông Tích
Vô Kỵ đứng dậy vừa đi được một bước thì chân vướng phải một vật gì mềm nhũn, suýt tí nữa ngã lăn ra đất.
Chàng thấy hai chân như không có sức, kinh ngạc vô cùng, vội hỏi Tạ Tốn:
- Nghĩa phụ có được mạnh không?
Nhưng chàng không nghe thấy Tạ Tốn trả lời, vội chạy tới chỗ Sư vương nằm, thấy nghĩa phụ mình đang ngủ rất say, lúc ấy mới yên tâm.
Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly ba người thì ngủ sau một tảng đá lớn.
Chàng vội chạy tới đó xem, chỉ thấy Chỉ Nhược với Hân Ly nằm cạnh nhau, còn Triệu Minh thì mất tích.
Chàng trông thấy mặt Hân Ly đầy những máu, liền cúi xuống nhìn, thấy mặt của người yêu bị rạch mười mấy nhát dao, nằm mê man bất tỉnh. Chàng vội nắm tay nàng thăm mạch thử xem, thấy mạch vẫn chạy nhưng rất yếu ớt. Chàng lại nhìn Chỉ Nhược, thấy tóc của nàng bị cắt mất một mảng lớn, tai trái cũng bị cắt đứt mất một nửa, máu còn rỉ ra, nhưng mặt nàng rất tươi, tựa như đang nằm mơ một giấc mơ thần tiên vậy. Dưới ánh nắng mặt trời mới mọc, trông nàng đẹp như hoa nở.
Vô Kỵ thấy tình cảnh đó trong lòng đau khổ và lên tiếng kêu gọi:
- Chu cô nương, hãy mau thức tỉnh lại.
Chỉ Nhược vẫn mê man, chàng bèn lay vai nàng mấy cái mới thấy nàng ngáp, hơi thở của nàng thơm như hoa lan. Nhưng sau đó nàng lại trở mình ngủ thiếp đi. Chàng biết nàng đã uống trúng phải thuốc mê, chàng rất ngạc nhiên đêm qua xảy ra việc quái dị như vậy mà mình không hay biết gì. Và lúc này chàng lại thấy mình không có hơi sức gì hết, nên chàng mới biết chính mình cũng trúng độc rồi. Chàng gọi Chỉ Nhược hoài mà không thức dậy, liền chạy đến gọi Tạ Tốn:
- Nghĩa phụ, nghĩa phụ!
Tạ Tốn mơ mơ hồ hồ hỏi lại:
- Làm gì thế?
Vô Kỵ đáp:
- Nguy tai, chúng ta đã trúng phải âm mưu độc kế của bọn tiểu nhân rồi.
Tiếp đó, chàng kể cho Tạ Tốn hay, thuyền của người Ba Tư đã bỏ chạy, Hân Ly và Chỉ Nhược bị thương.
Tạ Tốn nghe xong kinh ngạc, hỏi tiếp:
- Còn Triệu cô nương đâu?
Vô Kỵ rầu rĩ đáp:
- Không thấy nàng đâu cả.
Nói xong, chàng vận nội công thử xem, thấy tay chân vẫn yếu ớt, không sao lấy sức được. Rồi chàng lại nói tiếp:
- Nghĩa phụ! Chúng ta đã bị người ta cho uống thuốc độc "thập hương nhuyễn cân tán" rồi.
Chuyện các tay cao thủ của sáu đại môn phái bị Triệu Minh cho uống nhuyễn cân tán, rồi cùng bị bắt trói trên chùa Vạn Pháp, Tạ Tốn đã nghe Vô Kỵ kể cho hay một lần rồi nên Sư Vương vội đứng dậy đi thử xem, thấy bước đi của mình cũng loạng choạng, không có một chút hơi sức nào cả.
Sư Vương định thần giay lát rồi nói:
- Có phải nàng đã đem cả Ðồ Long đao với Ỷ Thiên kiếm đi không?
Vô Kỵ nhìn chung quanh, quả nhiên không thấy đao kiếm đâu cả. Chàng tức giận vô cùng suýt khóc lên thành tiếng. Chàng không phải thương tiếc gì đao kiếm bị người lấy trộm mất mà không ngờ Triệu Minh lại nhân lúc nguy nan này giở gian kế ra đối xử với mình như vậy. Chàng đứng ngẩn người giây lát, bỗng sực nhớ đến vết thương của Hân Ly, vội chạy lại cạnh người tiểu muội và nàng Chỉ Nhược, chàng đẩy Chỉ Nhược mấy cái, nhưng thấy nàng vẫn ngủ say như thường liền nghĩ thầm: "Nội lực của ta cao thâm nhất, vì thế mới thức tỉnh sớm hơn hết, sau đó mới tới nghĩa phụ, còn nội lực của Chu cô nương thì kém ta với nghĩa phụ xa, nên tới giờ nàng chưa tỉnh".
Nghĩ đoạn, chàng liền xé một mảnh áo lau sạch những máu dính trên mặt Hân Ly. Chàng thấy mặt nàng bị chém ngang dọc mấy nhát dao, trông những vết thương đó chàng biết ngay kẻ tiểu nhân kia đã dùng ỷ Thiên kiếm rạch mặt nàng.
Hân Ly bị Kim Hoa bà bà đả thương đến giờ, vì máu ra quá nhiều, chất độc của những con nhện độc lan tràn theo máu mà chạy khắp mình mẩy, mặt nàng đã bớt sưng được một phần, bộ mặt xinh đẹp xưa kia đã khôi phục dần, nhưng bây giờ nàng lại bị chém mấy nhát như thế, bộ mặt lại trở nên xấu xí kinh dị.
Vô Kỵ thấy vậy vừa đau lòng vừa tức giận, nghiến răng mím môi nói:
- Triệu Minh ơi Triệu Minh! Ngươi đừng để cho ta bắt gặp thì thôi, còn nếu có dịp nhìn thấy ngươi, ta quyết sẽ rạch mặt ngươi mười bảy mười tám nhát như vậy. Nếu không làm được như thế, ta không còn là Trương Vô Kỵ nữa.
Nói xong, chàng định thần giây lát, chạy đi kiếm ít thuốc lá "chỉ huyết" bỏ vào mồm nhai nát rịt lên trên mặt Hân Ly.
Sau đó, chàng lại rịt thuốc vào trán và tai của Chỉ Nhược.
Chỉ Nhược ngáp một cái rồi mở mắt ra nhìn, nàng bỗng thấy Vô Kỵ giơ tay ra rờ đầu mình.
Nàng hổ thẹn vô cùng, mặt đỏ bừng vội giơ tay lên gạt tay Vô Kỵ ra, hờn giận hỏi:
- Giáo chủ làm gì thế?
Nàng chưa nói dứt, đã cảm thấy tai đau nhức, vội đưa tay lên rờ mó, liền thất thanh kêu "ủa" một tiếng.
Nàng giật mình kinh hãi, nhảy hẳn người lên tự hỏi:
- Tại sao thế?
Rồi đột nhiên ngã khuỵu xuống, lăn vào lòng Vô Kỵ, Vô Kỵ vội đỡ lấy nàng và an ủi:
- Chu cô nương đừng sợ.
Chỉ Nhược thoáng trông thấy mặt Hân Ly rùng rợn như vậy, vội giơ tay lên rờ mặt mình và hỏi:
- Tôi... có bị như chị Hân Ly không?
Vô Kỵ đáp:
- Không, cô chỉ bị thương nhẹ thôi.
Chỉ Nhược kinh hãi hỏi tiếp:
- Có phải bọn ác đồ Ba Tư hạ độc thủ đấy không? Tôi... tại sao tôi không biết một tí gì cả?
Vô Kỵ thở dài một tiếng rồi đáp:
- Tôi e chính Triệu cô nương đã hạ độc thủ như vậy, tối hôm qua trong lúc chúng ta ăn uống, nàng đã bỏ thuốc độc vào trong thức ăn.
Chỉ Nhược nghe nói ngẩn người ra, rờ tay lên chỗ tai bị cắt, rồi khóc nức nở.
Vô Kỵ vội an ủi:
- Chu cô nương, không có gì đáng lo ngại cả. Vết thương của cô nương không nặng lắm, tuy tai có bị cắt một miếng nhưng vẫn có thể buông xoã tóc xuống che lấp được, như thế không mất sắc đẹp của cô nương đâu.
Chỉ Nhược lại nói tiếp:
- Giáo chủ bảo lấy tóc che lấp sao được, giáo chủ coi, đuôi tóc của tôi cũng bị cắt, còn đâu nữa.
Vô Kỵ lại nói:
- Cô nương khỏi lo, nếu tóc trên đầu không mọc được, vẫn có thể đội tóc giả...
Chỉ Nhược lại hờn giận trả lời:
- Tại sao tôi lại phải đội tóc giả? Ðến bây giờ giáo chủ còn bảo vệ Triệu cô nương của giáo chủ nữa không?
Vô Kỵ bị Chỉ Nhược đay nghiến, xấu hổ vô cùng, nhưng cũng ngượng nghịu đáp:
- Y ác độc thật, chém nát mặt Hân cô nương như vậy... rồi nhất định không tha thứ cho y thị đâu!
Chàng càng nhìn mặt Hân Ly càng đau lòng và ứa nước mắt.
Lúc ấy một người mê man bất tỉnh, ba người trúng độc mất hết hơi sức cũng nằm ở trên hoang đảo.
Dù Tạ Tốn với Vô Kỵ là anh hùng nhất thời cũng phải bàng hoàng kinh hoảng.
Vô Kỵ vội ngồi xếp bằng tròn thử vận nội công xem sao. Chàng cảm thấy bị trúng độc rất nặng, chàng biết rằng trúng phải thuốc độc đó, phải có thuốc giải độc của Triệu Minh mới có thể cứu được. Nhưng chàng nghĩ ngồi thúc thủ chịu chết, thì chi bằng vận dụng nội công siêu phàm nhập thánh của mình để chống đối với thứ thuốc độc đó thử xem. Vận nội công hơn tiếng đồng hồ, chàng mới hơi yên tâm vì thấy hơi sức phục hồi rất nhiều, nhưng môn Cửu Dương thần công này không thể nào truyền cho Tạ Tốn và Chỉ Nhược ngay để hai người vận nội công cứu chữa như mình được. Cho nên chàng đành phải tự mình xua đuổi hết chất độc ra ngoài rồi mới vận thần công đó để cứu chữa cho Tạ Tốn và Chỉ Nhược. Môn thần công của chàng nói ra thì rất giản dị nhưng lúc thi hành thì lại phức tạp và phiền phức vô cùng.
Luyện tới ngày thứ bảy, Vô Kỵ chỉ đẩy được ba thành chất độc trong người thôi. "Thập hương nhuyễn cân tán" vốn là một chất độc lợi hại vô cùng. Trước đây, những người tài ba như Thiếu Lâm thần tăng mà cũng đành chịu thua môn thuốc độc này.
Bây giờ Vô Kỵ luyện nội công trong bảy ngày mà xua đuổi được ba thành chất độc, khôi phục được một hai thành công lực, như vậy kể cũng hiếm lắm rồi. Có thể nói trong thiên hạ không có người thứ hai làm nổi như chàng. Cũng may thứ thuốc độc đó chỉ làm cho người ta mất hết hơi sức thôi, chứ không làm hại đến thân thể được.
Mấy ngày đầu, Chỉ Nhược buồn bực hết sức, nhưng dần dần cũng quen đi, ngày nào cũng cùng Tạ Tốn đi bắt cá bắn chim, đun nước, thổi nấu.
Ðêm thì một mình nàng vào trong hang động ngủ còn Vô Kỵ và Tạ Tốn thì nằm ở bên ngoài, cách hang động khá xa. Hai mắt tuy mù, Tạ Tốn sớm biết nàng có tình với Vô Kỵ nên nàng mới phải thủ lễ như vậy. Vì thế Sư vương rất kính trọng nàng.
Vô Kỵ cũng hổ thẹn ngầm và nghĩ thầm:
-Mối tai hoạ này là do ta mà nên cả. Triệu cô nương rõ ràng là Quận chúa của quân Mông Cổ, là kẻ thù của Minh giáo, trong võ lâm đã có không biết bao cao thủ bị chết vì tay nàng. Thế mà ta không đề phòng nàng chút nào, thật là ngu dại vô cùng.
Chàng thấy Tạ Tốn với Chỉ Nhược không hề oán trách chàng đến nửa lời nên trong lòng lại càng hổ thẹn và đau đớn thêm.
Có lúc chàng trông thấy sắc mặt của Chỉ Nhược, cảm thấy hình như nàng muốn nói:
- Chỉ vì giáo chủ ham mê sắc đẹp của nàng Triệu Minh, nên mới gây nên tai hoạ như vậy.
Chất độc trong người của Vô Kỵ càng ngày càng ít dần, trái lại vết thương của Hân Ly càng ngày càng nặng thêm.
Trên hoang đảo này lại rất ít thuốc men, dù chàng có yêu thuật thần thông đến đâu cũng không chữa được. Chàng biết vết thương của Hân Ly có thể cứu chữa được, nhưng trên đảo không có thuốc, lại thiếu những cây lớn, bằng không chàng đã nhặt thân cây làm bè, mạo hiểm trở về đất liền rồi. Lúc ấy tim của chàng như bị muôn vạn con dao nhọn đâm trúng hòai. Tới đêm, chàng nhai một ít cỏ thoái nhiệt mớm cho Hân Ly uống. Chàng thấy nàng ta không nuốt nổi, đau lòng đến ứa nước mắt ra. Lệ của chàng nhỏ xuống mặt nàng, nàng bỗng thức tỉnh mỉm cười và nói:
- A Ngưu đại ca hà tất phải rầu rĩ như thế làm chi, em sắp xuống âm phủ và sắp được gặp tiểu quỷ Trương Vô Kỵ, con người nhẫn tâm và chết non kia. Em sẽ bảo y biết trên thế gian này có một vị là A Ngưu đại ca đối xử với em tử tế hơn Vô Kỵ nhiều.
Vô Kỵ nghẹn ngào không sao nói ra tiếng để trả lời nàng được. Chàng phân vân, không biết có nên nói rõ mình là Trương Vô Kỵ không?
Giữa lúc đó Hân Ly đã nắm chặt tay chàng và nói:
- A Ngưu đại ca, trước sau em vẫn không nhận lời lấy anh, chẳng hay anh có hận em không? Em đoán chắc vì muốn làm cho em được vui, nên anh mới dối em đấy thôi, chứ em mặt mũi xấu xí tính nết lại quái dị như thế này thì khi nào được anh để ý tới em.
Vô Kỵ đáp:
- Không, tôi không lừa dối cô đâu. Cô quả thật là một cô bé, tình thâm ý thực, nếu tôi cưới được cô làm vợ thì đời tôi thực là hạnh phúc. Chớ tới khi cô khoẻ mạnh và mọi việc của chúng ta cũng dàn xếp xong, chúng ta sẽ kết hôn với nhau, chẳng hay cô có bằng lòng không?
Hân Ly giơ tay ra khẽ vuốt má chàng, lắc đầu mấy cái rồi trả lời:
- A Ngưu đai ca, em không thể nào lấy anh được vì lòng em đã hứa cho Trương Vô Kỵ, một tên hung ác và nhẫn tâm rồi... A Ngưu đại ca, em hơi sợ, sợ xuống đến âm ty, không biết y có đối đãi với em hung ác như trước nữa không?
Vô Kỵ thấy nàng ta ăn nói tỉnh táo hai má đỏ bừng, liền giật mình, kinh hãi và thầm nghĩ:
- Ðây là hiện tượng hồi quan phản chiếu. Chẳng lẽ này hôm nay nàng sẽ tận số hay sao?. Chàng lại ngẩn người ra suy nghĩ, nên không nghe thấy Hân Ly nói gì. Nàng lại nắm lấy cổ tay chàng và hỏi lại một lần nữa.
Với giọng dịu dàng, chàng trả lời:
- Y sẽ vĩnh viễn đối đãi tử tế với cô, coi cô như hạt châu hạt báu của y vậy.
Hân Ly lại nói tiếp:
- Ðại ca thử đoán xem, y có thể đối đãi với em bằng được một nửa của sự đối đãi của đại ca không?
- Trên có trời dưới có đất chứng kiến cho, quả thật tôi biết Trương Vô Kỵ đã thành thật yêu cô. Tôi biết y đã hối hận lúc còn nhỏ đối đãi với cô nương hung tợn như vậy. Y... Y cũng như... tôi không có một tí gì khác lạ hết.
Hân Ly thở dài một tiếng, mồm tủm tỉm cười và nói tiếp:
- Nếu vậy... nếu vậy em mới yên tâm...
Nói tới đó, hai tay nàng đang nắm chặt tay của Vô Kỵ đã từ từ buông ra, hai mắt nhắm nghiền và tắt thở tức thì.
Vô Kỵ ôm xác của nàng vào lòng nghĩ thầm:
-Cho tới lúc thở hơi cuối cùng mà nàng cũng chưa biết ta là Trương Vô Kỵ. Mấy ngày gần đây nàng cứ mê man bất tỉnh, ta không sao nói rõ chân tướng của ta cho nàng hay được. Trong lúc nàng "hồi quang phản chiếu" đầu óc tỉnh táo, trong phút chốc ấy, tại sao ta không nói cho nàng hay?
Sự thực tới lúc đó, nói hay không cũng vậy thôi, Vô Kỵ lòng đau như cắt, không sao khóc ra tiếng được liền nghĩ thầm:
- Nếu Triệu Minh không rạch mặt nàng, chưa chắc nàng đã chết, nếu Triệu Minh không bỏ rơi chúng ta ở trên đảo hoang này thì chỉ trong vài ngày ta cũng đã về tới Trung thổ rồi. Như vậy có phải ta đã có cách cứu nàng thoát chết không?
Nghĩ tới đó, chàng hậm hực, buộc miệng lên tiếng nói:
- Triệu Minh ơi! Triệu Minh, lòng dạ ngươi ác độc như rắn rết, thế nào cũng có ngày lọt vào tay ta, Vô Kỵ quyết không tha thứ cho ngươi đâu.
Chàng vừa nói tới đó, bỗng nghe thấy phía sau lưng có giọng nói lạnh lùng xen lời:
- Nhưng tới khi giáo chủ trông thấy bộ mặt đẹp như hoa nở của nàng thì lại không đang tay hạ thủ phải không?
Vô Kỵ vội quay người lại, mới hay đó chính là Chỉ Nhược, vẻ mặt nàng lạnh lùng và hình như còn khinh miệt chàng nữa.
Chàng vừa đau lòng vừa hổ thẹn, vội đáp:
- Tôi đã thề trước xác của cô em họ rồi, nếu tôi không giết chết yêu nữ đó thì Vô Kỵ tôi không còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa.
- Như vậy mới phải là chí của một người đàn ông chứ.
Nói xong, nàng tiến lên vuốt ve xác Hân Ly và lớn tiếng khóc lóc.
Tạ Tốn nghe tiếng khóc vội lần mò tới, biết Hân Ly đã chết cũng đau lòng vô cùng.
Vô Kỵ đào một cái huyệt ở trên núi để chôn cất Hân Ly rồi bẻ một cành cây cắm lên trên.
Sau đó, chàng lấy con dao găm của Hân Ly khắc trên cành cây đó mấy chữ "ái thê Thù Nhi, Hân Ly chi mộ" bên dưới khắc "Trương Vô Kỵ cẩn lộc".
Khắc xong mấy chữ đó, chàng liền quỳ xuống đất vái lạy, khóc lóc thê thảm.
Chỉ Nhược liền khuyên can:
- Trương giáo chủ, Hân cô nương yêu giáo chủ như vậy mà giáo chủ đối với nàng cũng nhân nghĩa trí tận rồi, quý hồ giáo chủ đừng phụ lời thề hôm nay, cố giết chết Triệu Minh để trả thù cho nàng. Cô em họ Hân dù có ở dưới chín suối cũng ngậm cười chớ không sai.
Vô Kỵ vì sự đau thương đó không vận nội công khiến độc tố ở trong người lại tản mát ra. Vì vậy, chàng phải tốn thêm bảy tám ngày mới dồn được độc tố đó ra khỏi người thì đã mất hơn một tháng.
Trên đảo nhỏ này khác hẳn Băng Hỏa đảo và Linh Xà đảo, cây cối thưa thớt và không có một con dã thú nào hết, vì vậy ba người càng khốn cùng thêm.
Chỉ Nhược biết Vô Kỵ đau buồn vì thương tiếc Hân Ly và tức giận Triệu Minh xảo trá, hơn nữa Vô Kỵ lại không có người hầu hạ, nên nàng càng đặc biệt an ủi chàng.
Vô Kỵ vận thần công, xua đuổi hết độc tố ở trong người của Tạ Tốn xong, lại định giúp Chỉ Nhược dồn độc tố ra ngoài, nhưng khi nghĩ đến cách xua đuổi độc tố phải để một bàn tay áp chặt vào sau lưng bệnh nhân, còn bàn tay khác ấn vào lỗ rốn, chàng lại thấy ngại ngùng, vì hai người là thanh niên nam nữ, chàng đâu dám chạm vào da thịt nàng như vậy. Nhưng nếu không chữa chạy cho nàng, thì là sao mà dồn Cửu Dương chân khí sang người nàng được. Chàng trù trừ không biết giải quyết như thế nào cho phải. Chàng suy nghĩ mấy ngày liền mà vẫn chưa tìm ra được một phương pháp nào hoàn hảo cả. Một tối hôm nọ, Tạ Tốn bỗng lên tiếng nói:
- Vô Kỵ thử nghĩ xem, chúng ta còn phải ở trên đảo này bao nhiêu ngày nữa?
Vô Kỵ ngẩn người ra giây lát rồi đáp:
- Vấn đề này khó nói lắm, bây giờ chỉ mong có thuyền bè nào đi qua đây rồi nhờ họ cứu chúng ta về Trung thổ mà thôi.
Tạ Tốn lại hỏi tiếp:
- Hơn một tháng nay, con có thấy hình bóng thuyền bè nào đi qua đây không?
- Không.
- Phải rồi, chưa biết chừng ngày mai sẽ có thuyền đến nơi, nhưng cũng chưa biết chừng trăm năm nữa mới có thuyền đi qua cũng nên.
Vô Kỵ thở dài một tiếng rồi nói tiếp:
- Hòn đảo này mọc trơ trụi ở giữa mặt bể và nơi đây cũng không phải là đường đi của các thuyền bè. nên sự hy vọng trở về Trung thổ của chúng ta rất mỏng manh.
- Trên đảo này không sao kiếm ra được thuốc giải độc, vậy độc tố ở lại trong người, ngoài việc chân tay mỏi mệt, không có hơi sức, còn có tệ hại gì nữa không?
- Không có việc gì hết, nhưng không chữa ngay, lâu ngày lục phủ ngũ tạng cũng tổn thương.
- Thế ư! Như vậy sao con không mau xua đuổi độc tố cho Chu cô nương đi? Cha mẹ của Chu cô nương vốn là người của bổn giáo, nàng lại là chưởng môn của phái Nga Mi. Người hiền hậu và có đức như thế thực trên thế gian này khó có người thứ hai, chẳng lẽ con lại hiềm mặt cô ta xấu xí hay sao?
Vô Kỵ đáp:
- Không, Chu cô nương là người đẹp nhất thế gian này, trên thế gian này không có người thứ hai đẹp như thế.
Tạ Tốn lại tiếp:
- Nếu vậy để nghĩa phụ đứng ra làm chủ hôn để con cưới nàng làm vợ, như vậy con khỏi lo ngại về vấn đề "nam nữ thụ thụ bất thân" nữa.
Chỉ Nhược đang lắng tai nghe hai người nói chuyện, thấy nói đến cuộc hôn nhân của mình, nàng hổ thẹn vô cùng, vội đứng dậy đi ra nơi khác, nhưng Tạ Tốn đã nhảy tới ra tay cản ngăn, không cho nàng đi, rồi vừa cười vừa bảo nàng rằng:
-Cháu đừng đi đâu hết, ngày hôm nay ta nhất định phải làm mai cho được cuộc hôn nhân này.
Chỉ Nhược đáp:
- Cám ơn Tạ lão gia, bây giờ chúng ta chỉ mong làm sao về được Trung thổ thôi, chứ nghĩ làm gì đến những chuyện vớ vẫn ấy.
Tạ Tốn cười ha hả và nói tiếp:
- Nam nữ hỗn hợp, đó là một đại sự của đời người, sao cháu lại bảo là bậy bạ được? Chính cha mẹ của Vô Kỵ cũng kết hôn với nhau trên hoang đảo. Nếu hai người không phải vượt qua lễ giáo của xã hội thì trên đời này làm gì có thằng nhỏ Vô Kỵ? Huống hồ ngày hôm nay đã có nghĩa phụ làm chủ hôn cho hai con, Vô Kỵ chẳng lẽ con không yêu Chu cô nương hay sao? Không muốn xua đuổi độc tố trong người nàng hay sao?
Chỉ Nhược giơ tay lên ôm mặt, cứ định bỏ chạy, nhưng Tạ Tốn đã nắm chặt tay áo của nàng, vừa cười vừa nói tiếp:
- Cô định đi đâu? Cô tưởng tránh mặt được mãi hay sao? Trên đảo này chỉ có ba chúng ta thôi, lúc nào mà chẳng gặp mặt nhau? à, hay cô không muốn lão già mù này làm bố chồng cô?
Chỉ Nhược đáp:
- Không, không phải thế.
Tạ Tốn lại hỏi tiếp:
- Thế cô đã nhận lời chưa?
Thấy Chỉ Nhược luôn mồm nói "không" hoài, Tạ Tốn liền vừa cười vừa hỏi tiếp:
- Hay là cô hiềm Vô Kỵ nghĩa tử của lão, là kẻ bất tài phải không?
Chỉ Nhược ngừng giây lát vội đáp:
- Trương công tử võ công trác tuyệt, tiếng tăm lừng lẫy vô cùng, lấy... lấy được người chồng như vậy thì còn gì bằng... nhưng... nhưng...
Tạ Tốn lại hỏi tiếp:
- Nhưng cái gì cơ chứ?
Chỉ Nhược liếc mắt nhìn Vô Kỵ rồi đáp:
- Công tử... công tử chỉ yêu một mình Triệu cô nương thôi, cháu biết lắm.
Tạ Tốn nghiến răng mím môi nói tiếp:
- Con khốn nạn Triệu Minh làm hại chúng ta như thế này, khi nào Vô Kỵ còn mê man, không tỉnh ngộ nữa. Vô Kỵ, con cứ nói thật cho ta với Chu cô nương hay đi.
Vô Kỵ chưa biết trả lời ra sao cho phải, thì bỗng chàng trông thấy hình bóng của Triệu Minh hiện lên đang tủm tỉm cười với mình, liền nghĩ thầm:
- Cưới được một người vợ như Triệu Minh, đời mình mới có hạnh phúc...
Chàng vừa nghĩ tới đó, lại thấy bộ mặt của Hân Ly dính đầy máu và bị kiếm chém nát. Chàng liền giật mình, vội trả lời Tạ Tốn ngay:
- Thưa nghĩa phụ, Triệu cô nương là kẻ thù lớn của con, thế nào con cũng phải giết nàng để trả thù cho biểu muội.
Tạ Tốn quay lại nói tiếp với Chỉ Nhược:
- Ðó, Chu cô nương nghe thấy chưa? Cô nương còn nghi kỵ gì nữa không?
Chỉ Nhược khẽ đáp:
- Cháu chưa yên tâm... trừ phi... trừ phi Trương công tử phải... phải thề thì cháu mới chịu, bằng không cháu đành để cho độc tố nó tan ra mà chết chứ không chịu để cho công tử chữa giúp.
Tạ Tốn liền ra lệnh cho Vô Kỵ:
- Vô Kỵ, con thề ngay đi.
Vô Kỵ không ngần ngại gì hết, quỳ ngay xuống đất và nói:
- Nếu Trương Vô Kỵ tôi quên mối thù của biểu muội thì trời đất sẽ không dung thứ cho.
Chỉ Nhược lại nói tiếp:
- Công tử phải nói rõ là công tử sẽ đối xử với Triệu cô nương ra sao?
Tạ Tốn nghe thấy Chỉ Nhược nói như vậy, cười thầm và nghĩ:
- Cô bé này có máu ghen không thua gì Hoạn Thư, chưa vào nhà chồng mà đã bắt chồng làm việc này việc nọ rồi. Nàng rất khôn ngoan bắt buộc Vô Kỵ như vậy, sau này Vô Kỵ không còn cách gì mà trở mặt.
Nghĩ đoạn, Sư vương liền bảo Vô Kỵ:
- Vô Kỵ, con cứ nghe lời Chu cô nương mà nói thật cho rõ đi.
Bất đắc dĩ, Vô Kỵ phải lớn tiếng nói:
- Yêu nữ Triệu Minh đã ra công giúp sức cho hoàng triều Mông Cổ của y thị, làm cho dân chúng khổ sở biết bao, lại giết hại võ lâm nghĩa sĩ và lấy trộm bảo đao của nghĩa phụ tôi để giết hại biểu muội tôi là Hân Ly. Vô Kỵ tôi sống ở trên đời này không ngày nào là quên mối thù ấy. Nếu tôi trái lời thề sẽ bị trời chu đất diệt.
Chỉ Nhược có vẻ hài lòng, tủm tỉm cười và nói tiếp:
- Chỉ sợ lúc ấy công tử lại nương tay không dám giết nàng ta thôi.
Tạ Tốn xen lời nói:
- Ở trên đảo này không có lịch để ta chọn ngày lành tháng tốt, vả lại chúng ta là người giang hồ hào kiệt, không mê tín như người thường, vậy hai bên đã bằng lòng rồi thì hãy quỳ xuống vái lạy trời đất để thành hôn, và sau đó Vô Kỵ hãy xua đuổi độc tố trong người Chu cô nương sớm ngày nào hay ngày ấy.
Vô Kỵ liền đỡ lời:
- Không, thưa nghĩa phụ và cô nương, xin hãy nghe tôi nói. Hân cô nương đối đãi với tôi tình thâm nghĩa trọng như vậy, nàng coi tôi như chồng từ hồi còn nhỏ, tôi cũng coi nàng như vợ từ lâu, tuy tôi với nàng chưa có hôn ước ràng buộc, nhưng đã có nghĩa vợ chồng, vậy nàng mới chết, xác còn chưa lạnh, tôi làm sao mà nhẫn tâm kết hôn với người khác ngay được?
Tạ Tốn ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói tiếp:
- Con nói rất phải, vậy ý con định thế nào?
Vô Kỵ đáp:
- Theo ý con thì ngay hôm nay trước hết con xin đính hôn với Chu cô nương để xua đuổi độc tố cho cô ta, như vậy có phải là thuận tiện cả không. Nếu trời phù hộ cho chúng ta bình yên về đến Trung thổ chờ con giết chết Triệu Minh, lấy lại được thanh bảo đao Ðồ Long trao cho nghĩa phụ xong, lúc đó chúng con thành hôn với nhau, có phải lưỡng toàn không?
Tạ Tốn vừa cười vừa nói:
- Con nghĩ rất phải nhưng nếu mười năm hay trăm năm nữa mà chúng ta không về được đến Trung thổ thì sao?
Vô Kỵ đáp:
- Ba năm sau, dù chúng ta có dời khỏi hòn đảo này được hay không, con cũng xin nghĩa phụ chủ trì cuộc hôn lễ cho chúng con.
Tạ Tốn gật đầu tán thành và quay đầu lại hỏi Chỉ Nhược:
- Còn Chu cô nương nghĩ sao?
Chỉ Nhược cúi đầu xuống, không trả lời, một lát sau mới lên tiếng:
- Cháu là một con bé mồ côi cha mẹ từ hồi còn nhỏ, sống không anh em chú bác gì hết, vậy cháu còn biết hỏi ý kiến ai nữa, nên bất cứ việc gì xin lão gia tự tiện làm chủ cho.
Tạ Tốn ha hả cười :
- Hay lắm, hay lắm. Thế là chúng ta ba người đã quyết định rồi, bây giờ hai người đã là vị hôn phu phụ, khỏi cần phải nghi kỵ gì nữa. Vô Kỵ, con mau xua đuổi độc tố trong người của vị hôn thê con đi.
Nói xong, lão hiệp đi luôn ra phía sau đảo để mặc cho hai người chữa bệnh cho nhau. Vô Kỵ khẽ hỏi Chỉ Nhược rằng:
- Em Chỉ Nhược, chẳng hay em có lượng thứ cho nỗi khổ tâm của tôi không?
Chỉ Nhược mỉm cười đáp:
- Chỉ vì tôi xấu xí, công tử mới vịn lẽ này lẽ nọ từ chối như vậy, nếu tôi là Triệu cô nương chắc lẽ hôm nay đã...
Nói đến đây, nàng quay đầu đi, không tiện nói nữa.
Vô Kỵ bỗng động lòng và nghĩ thầm:
- Khi còn ở trên thuyền nhỏ nổi lênh đênh trên mặt bể, ta đã vọng tưởng sau này sẽ được lấy cả bốn nàng một lúc. Sự thực người ta yêu nhất lại là tiểu yêu nữ thâm độc giảo hoạt bất cứ việc gì cũng dám làm. Ta thực uổng là một anh hùng hào kiệt, ham mê nữ sắc không biết phân biệt thiện ác gì hết...
Chỉ Nhược quay đầu lại, thấy chàng cứ đứng ngẩn người ra, nàng vội đứng dậy định đi nơi khác, Vô Kỵ vội giơ tay ra bắt lấy nàng, khẽ kéo một cái, không ngờ vì nàng uống phải thuốc độc nọ mà chân tay không còn chút hơi sức nào cả nên vừa bị Vô Kỵ kéo một cái, nàng ngã sắp về phía trước, ngã luôn vào trong lòng chàng.
Nàng hờn giận nói:
- Thế nào em cũng sẽ suốt đời bị công tử hà hiếp mất!
Vô Kỵ thấy nàng hơi hờn giận, lại càng xinh đẹp hơn trước nhiều, liền ôm chặt nàng và nói:
- Chỉ Nhược, hồi nhỏ chúng ta gặp nhau ở trên Hán Thủy, không ngờ bây giờ tôi được toại nguyện. Khi ở trên Quang Minh đỉnh, tôi một mình đấu với bốn ông già của phái Hoa Sơn và Côn Luân, nhờ có em lên tiếng chỉ điểm cho, tôi mới thoát chết, ơn đó tôi không bao giờ quên được.
Chỉ Nhược nằm tựa trong lòng chàng, thấy chàng nói như vậy, sực nghĩ lại chuyện xưa, vội hỏi:
- Hôm đó thiếp đâm chàng một kiếm, chẳng hay chàng có hận thiếp không?
Vô Kỵ đáp:
- Tôi thấy em đâm chéo mũi kiếm sang bên, không chịu đâm vào giữa ngực tôi, tôi liền biết ngay là em đã có lòng yêu tôi rồi.
Chỉ Nhược giả bộ hờn giận, hai má đỏ bừng, rồi đáp:
- Nếu sớm biết có ngày hôm nay, thì lúc ấy thiếp cứ đâm trúng ngay vào trái tim của công tử thì bây giờ đỡ phải lôi thôi phiền phức như thế này, và sau này cũng không bị công tử hà hiếp hay bị công tử chọc tức nữa.
Vô Kỵ ghì chặt lấy hai cánh tay nàng và nói tiếp:
- Từ giờ trở đi, tôi chỉ có thương mến em thêm, chứ đâu dám hà hiếp em, nhưng không biết hai vợ chồng chúng ta có trở về Trung thổ được không? Chúng ta đã lấy nhau, hai người kết thành một khối rồi thì khi nào tôi lại chọc tức em nữa.
Chỉ Nhược quay đầu nhìn mặt chàng giây phút rồi hỏi tiếp:
- Nếu thiếp làm sai lầm việc gì mà thất lễ với công tử, chẳng hay công tử có đánh mắng và chém giết thiếp không?
Chỉ Nhược quay mặt lại, mặt của nàng chỉ cách mặt Vô Kỵ có vài tấc thôi, nên khi nàng nói, hơi thở của nàng thơm như mùi hoa lan, khiến chàng không sao cầm lòng được, liền đưa môi khẽ hôn vào má nàng một cái và khẽ đáp:
- Người nhu mì văn vẻ hiền thục như em thì khi nào em còn lầm lỡ việc gì mà để cho tôi phải trách mắng.
Chỉ Nhược vuốt tóc của Vô Kỵ và nói tiếp:
- Dù là thánh hiền cũng có lúc lầm lỡ, huống chi là em. Thiếp mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ, không có người dạy bảo, thế nào mà chả có lúc hồ đồ.
- Dù em có lầm lỡ việc gì đi chăng nữa, tôi cũng chỉ dùng lời lẽ để khuyên bảo mà thôi.
- Công tử quyết không thay lòng đổi dạ chứ? Và cũng không bao giờ ra tay giết thiếp đấy chứ?
Vô Kỵ khẽ hôn trán nàng một cái nữa và nhẹ nhàng an ủi tiếp:
- Em chớ có nghĩ vơ vẫn nữa, không bao giờ có chuyện như thế đâu.
- Công tử phải hứa ngay với thiếp để thiếp yên lòng.
- Ðược, tôi sẽ không bao giờ thay đổi tâm tính và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện giết em.
Chỉ Nhược ngước nhìn đôi mắt chàng, rồi nói tiếp:
- Thiếp cấm công tử cười hì hì hà hà như vậy, công tử phải nói đứng đắn mới được.
Vô Kỵ vừa cười và đáp:
- Không hiểu trong đầu óc nho nhỏ của em đang nghĩ gì thế?
Chàng vừa nói vừa nghĩ thầm:
- Có lẽ vì ta quyến luyến cùng một lúc Triệu Minh, Tiểu Siêu và biểu muội, nên nàng tưởng ta là người đa tình mới không yên trí, nhưng từ giờ trở đi, làm gì có chuyện đó xảy ra nữa?
Nghĩ đoạn, chàng nghiêm nét mặt lại, trang trọng nói tiếp:
- Chỉ Nhược, em là vợ cưng của tôi, trước kia tôi có đa tình thực, nhưng mong em đừng nghĩ chuyện đó nữa, từ nay trở đi, tôi quyết không thay lòng đổi dạ nữa. Dù em có làm lầm lỗi điều gì, tôi cũng không trách mắng em đến nửa lời.
- Vô Kỵ đại ca, đại ca là nam nhi đại trượng phu, nên giữ lời hứa hôm nay nhé.
Nàng vừa nói vừa chỉ lên mặt trăng và nói tiếp:
- Có mặt trăng kia làm chứng cho chúng ta.
- Phải, em nói rất phải, trăng trên trời tức là nhân chứng của chúng ta đấy.
Chàng vẫn ôm chặt Chỉ Nhược trong lòng ngửng mặt nhìn trăng tròn và nói tiếp:
- Chỉ Nhược, tại suốt đời bị nhiều người lừa dối và bắt nạt, hồi nhỏ vì quá tin người, nên tôi chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ. Bây giờ tôi cũng không nhớ ra đã bị người ta lừa dối hay đánh đập bao nhiêu lần, nhưng tôi chỉ nhớ lúc còn cha mẹ và nghĩa phụ ở trên Băng Hoa đảo, thì không có những người gian trá mưu hại chúng tôi. Lần đầu tiên, khi về đến Trung Nguyên, tôi bị ngay một tên ăn mày đánh lừa, úp chụp cái túi vải lên đầu và bắt tôi đem đi. Tôi có ngờ đâu Triệu cô nương, người cùng sống chết và cùng hoạn nạn với chúng ta, khi chạy tới đảo này, lại bỏ thuốc độc vào thức ăn hại chúng ta.
- Ðại ca không bị như thế thì có lẽ đến giờ chưa hối hận...
Vô Kỵ cảm thấy tương lai rất hạnh phúc, liền nói:
- Chỉ Nhược, em mới thực là người thân thiết vĩnh viễn của tôi, xưa nay em đối đãi với tôi rất tử tế, nếu sau này chúng ta về được tới Trung thổ, em sẽ giúp tôi đề phòng những tiểu nhân xảo trá đó. Tôi có người nội trợ hiền đức như vậy, thật là may mắn vô cùng.
Chỉ Nhược lắc đầu đáp:
- Thiếp là một con bé vô dụng, nhu nhược, bất tài. Mặt mũi lại xấu xí, đần độn thì bằng sao được với Triệu cô nương người thông minh tuyệt đỉnh, ngoài nàng ta ra, lại có cả Tiểu Siêu cũng hơn em nhiều. Ðại ca nên hiểu, Chu cô nương của đại ca chỉ là một đứa tốt và ngu xuẩn thôi. Chẳng lẽ cho tới ngày hôm nay, đại ca chưa biết con bé này tầm thường như thế hay sao?
- Chỉ có cô bé trung hậu hiền đức này mới không lừa dối tôi thôi.
- Vô Kỵ đại ca, thiếp được làm vợ chồng với đại ca, trong lòng sung sướng khôn tả, chỉ mong đai ca đừng vì thấy thiếp ngu dốt vô dụng mà khinh thường hà hiếp thiếp... thiếp thế nào cũng cố hết sức hầu hạ cho đại ca được vừa lòng.
Hai người ngồi bên cạnh bờ bể, mải chuyện trò tình tứ với nhau không biết lúc ấy trời đã sắp tối.
Ngày hôm sau, Vô Kỵ liền dùng Cửu Dương thần công xua đuổi độc tố cho Chỉ Nhược.
Chàng không ngờ Chỉ Nhược lại nhiễm độc rất ít, chàng đoán chừng bữa đó nàng ăn ít nên vết thương mới nhẹ hơn Tạ Tốn.
Nhưng chàng chữa cho nàng đến ngày thứ bảy, bỗng thấy trong người nàng có một luồng âm hàn cản trở, chống lại với Cửu Dương chân khí của mình.
Tuy Chỉ Nhược cố hết sức kiềm chế hơi hàn độc đó lại, nhưng không dễ dàng thâu được Cửu Dương chân khí vào trong người.
Vô Kỵ kinh ngạc vô cùng liền hỏi nghĩa phụ xem sao.
Tạ Tốn ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
- Ta không hiểu sao hết, nhưng có lẽ nàng đã tập võ công của phái Nga Mi, nên mới có âm hàn khí như vậy.
Vô Kỵ gật đầu cho là phải. Cũng may, nội công của Chỉ Nhược kém chàng rất xa, nên không bao lâu âm hàn khí trong người của nàng đã bị Cửu Dương chân khí của chàng lấn át. Tuy vậy chàng đã phải tốn rất nhiều hơi sức hơn là lúc chữa Tạ Tốn.
Chàng khen Chỉ Nhược rằng:
- Sư phụ của em quả thật là một đại nhân kiệt, nội công của bà truyền thụ cho em là một môn nội công cao thâm nhất trong cửa Phật, bây giờ tôi đã nhận thức ra rồi. Nếu em cứ tiếp tục luyện tập, sau này có thể ngang tài với Cửu Dương thần công của tôi được.
- Ðại ca nói dối thiếp, võ công của phái Nga Mi bằng sao được Cửu Dương thần công và Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp của đại ca.
- Chỉ Nhược, thiên tính của em rất thuần hậu, tuy em chưa học hỏi các môn võ công, nhưng nội công của em đã có căn bản rất vững rồi. Theo lời nói của Thái sư phụ tôi, muốn luyện võ công cho tới mức thật cao siêu thì phải có tư chất riêng mới được, chứ chỉ có chăm chỉ và thông minh không thì không thể nào luyện được tới mức tối cao được. Nghe nói cha của Quách nữ hiệp, tổ sư của môn phái em là Quách Tỉnh đại hiệp cũng vậy, người rất đần độn, nhưng võ công đã luyện tới mức thiên hạ vô địch. Thái sư phụ tôi có nói chính võ công của ông ta chưa chắc đã bằng Quách đại hiệp năm xưa. Nội công của phái Nga Mi của em còn cao siêu hơn nữa. Theo sự nhận xét của tôi thì sau này sự thành công của em còn hơn Diệt Tuyệt sư thái nữa.
Chỉ Nhược liếc mắt nhìn chàng một cái hờn giận nói tiếp:
- Ðại ca muốn lấy lòng thiếp, khỏi phải khen thiếp võ công cao siêu như vậy. Nếu thiếp học được một phần mười của tiên sư, thì thiếp đã mãn ý rồi. Khi nào đại ca truyền thụ Cửu Dương thần công và Càn Khôn Ðại Nã Di cho thiếp, thì lúc ấy thiếp sẽ cảm ơn đại ca liền.
Vô Kỵ suy nghĩ hồi lâu chưa kịp trả lời, thì Chỉ Nhược liền nói tiếp:
- Ðại ca bảo thiếp không đáng là đồ đệ của Trương giáo chủ hay sao?
Vô Kỵ đáp:
- Không, tôi nhận thấy nội công của tôi khác hẳn nội công của em nhiều. Nói trắng ra thì nội công của hai người đường lối khác hẳn nhau. Nếu tôi dạy em, thì thực khó nhất trên đời.
Chỉ Nhược thở dài một tiếng rồi hỏi tiếp:
- Ðại ca không chịu dạy tôi thì thôi, dù không học được võ công cũng không có gì là nguy hiểm hết.
- Không, Cửu Dương thần công của tôi thuộc nội công thuần dương, mà nội công của em học theo phái của Nga Mi lại là thuần âm. Muốn âm dương phối hợp vào trong người mình như thế, trên đời này chỉ có Thái sư phụ của tôi, mới có thể học được cả hai môn nội công khác như thế thôi. Người nào nội công kém một chút mà cố học cả hai môn trái ngược đó, thế nào cũng bị "tẩu hỏa nhập ma". Chờ sau này nội công của em luyện tới mức thành tài rồi, lúc ấy em có thể học môn Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp của anh liền.
- Thiếp đã nói đùa với đại ca đấy thôi. Sau này thể nào thiếp cũng ở bên cạnh chàng. Như vậy võ công của chàng với võ công của thiép có phân biệt gì nữa đâu. Chắc Cửu Dương thần công của đại ca thể nào cũng khó luyện lặm, dù đại ca có bắt thiếp luyện, thiếp thấy khó chưa chắc đã chịu đâu.
Vô Kỵ nghe thấy nàng nói như vậy khoái chí vô cùng.
Hai người âu yếm bên nhau, nên không cảm thấy thời gian trôi chay mau lâu hay sao. Thoáng cái đã qua được vài tháng, lúc ấy đã Ðông cận Xuân tới, Chỉ Nhược cảm thấy sức lực của mình hoàn toàn khôi phục, nên nàng đoán chắc trong người đã hết độc tố. Hôm đó rất đẹp trời; mấy cây hoa đào ở phía Ðông đã nở rất sai.
Vô Kỵ tỉa mấy cành hoa đào đem cắm ở trước mộ Hân Ly.
Chàng nghĩ đến người em họ đó suốt đời chưa hề được một ngày nào hưởng hạnh phúc hết. Chàng rầu rĩ, bỗng nghe thấy chim hải âu trên mặt bể kêu ríu rít. Chàng ngẩng đầu lên nhìn, bỗng đằng xa, có một chiếc thuyền buồm đang đi tới.
Chàng mừng rỡ vô cùng, vội lớn tiếng kêu:
- Nghĩa phụ, Chỉ Nhược có chiếc thuyền tới đây nè.
Tạ Tốn và Chỉ Nhược nghe thấy tiếng gọi, liền chạy về phía Vô Kỵ.
Chỉ Nhược với giọng run run hỏi:
- Vô Kỵ đại ca, tại sao có thuyền tới đây như vậy?
Vô Kỵ đáp:
- Lạ thực, chẳng lẽ là thuyền của giặc?
Nửa tiếng đồng hồ sau, chiếc thuyền nọ đã thả neo đậu ở cạnh đảo.
Tiếp theo đó một chiếc thuyền nhỏ bơi vào bờ.
Bọn Vô Kỵ ba người liền chạy ra ngoài bờ bể nghênh đón.
Vô Kỵ thấy các thủy thủ ở trên thuyền đó đều ăn mặc quân phục thủy sư của người Mông Cổ.
Chàng động lòng suy nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ, Triệu cô nương lương tâm cắn rứt, lại quay lại đảo này chăng?
Chàng vừa nghĩ vừa liếc mắt nhìn Chỉ Nhược. Chàng thấy nàng tỏ vẻ lo âu, trống ngực đập mạnh, hiển nhiên nàng có tâm sự gì rất lớn vậy. Giây phút sau chiếc thuyền nhỏ đã ghé vào bờ, liền có năm tên thủy thủ bước vào bờ.
Người đi đầu là một quan quân thủy sư, y vừa lên tới nơi đã cúi đầu vái chào Vô Kỵ và hỏi:
- Ngài có phải là Trương công tử đấy không?
Vô Kỵ đáp:
- Phải, chính tôi đây, chẳng hay trưởng quan là ai đấy?
Người nọ nghe thấy Vô Kỵ đã tự nhận, liền hân hoan hỏi tiếp:
- Tiểu nhân họ Ðạt tên là Túc Ðài, ngày hôm nay Ðạt tôi gặp công tử thật là may mắn vô cùng. Tiểu nhân được lệnh tới đây nghênh đón công tử, và Tạ đại hiệp trở về Trung thổ.
Y chỉ nói với Vô Kỵ và Tạ Tốn hai người, chứ không nhắc nhở đến tên của Chỉ Nhược. Vô Kỵ liền đáp lễ và hỏi:
- Trưởng quan ở nơi xa tới nhọc mệt, chẳng hay ai đã sai như vậy?
Ðạt Túc Ðài vội đáp:
- Tiểu nhân là thủ hạ của thủy sư đô đốc Ðạt Hoa Xích Lỗ, vẫn trú phòng ở tỉnh Phúc Yên. Tiểu nhân thừa lệnh tướng công Ðạt Nhĩ Ðô Tư, tới đây nghênh đón hai vị. Ðạt Nhĩ Ðô Tư chúng tôi đã phái tất cả tám chiếc thuyền ra bể, để tìm kiếm công tử và Tạ đại hiệp, không ngờ tiểu nhân lại lập được công đầu.
Y nói xong có vẻ khoái chí lắm, hiển nhiên là cấp trên của y đã hứa hẹn hễ ai kiếm thấy Vô Kỵ là được trọng thưởng nên y mới có vẻ mặt tươi cười như thế. Vô Kỵ nghe thấy nói tên tướng công Mông Cổ đó rất lạ, chàng chưa hề nghe thấy Triệu Minh nói tới bao giờ. Nhưng chàng đoán chắc những tướng quân Mông Cổ đó thể nào cũng thừa lệnh Triệu Minh đi tìm kiếm mình nên mới hỏi tiếp:
- Trưởng quan có biết tới đây đón tôi để làm chi không?
Ðạt Túc Ðài đáp:
- Ðạt Nhĩ Ðô Tư tướng công dặn bảo, Trương công tử là một vị đại quý nhân, và cũng là một vị anh hùng hào kiệt đương thời. Cho nên bảo tiểu nhân kiếm lấy Trương công tử, thì phải cẩn thận mà hầu hạ tiếp rước. Còn tại sao lại phải đi tới đây nghênh đón công tử về làm gì thì tại hạ không biết, vì chức vụ của tại hạ thấp kém, nên không được tướng công cho hay.
Chỉ Nhược liền xen lời hỏi:
- Có phải Minh Minh Quận chúa ra lệnh cho các người đi đón không?
Ðạt Túc Ðài đáp:
- Tiểu nhân làm gì có phúc đức được gặp Minh Minh Quận chúa như thế.
Chỉ Nhược lạnh lùng hỏi tiếp:
- Tại sao ngươi lại bảo phải có phúc mới được gặp Quận chúa?
Túc Ðài trả lời:
- Minh Minh Quận chúa là đệ nhất mỹ nhân của người Mông Cổ chúng tôi, à không, là đệ nhất mỹ nhân trên thiên hạ thì đúng hơn. Quận chúa văn võ toàn tài, lại là gái cưng của Nhữ Dương Vương. Tiểu nhân làm gì có phước mà được gặp kim diện của Quận chúa chứ.
Chỉ Nhược chỉ dùng giọng mũi kêu hừ một tiếng chứ không nói năng gì nữa.
Vô Kỵ liền nói với Tạ Tốn rằng:
- Nghĩa phụ, nếu vậy chúng ta xuống thuyền ngay đi.
Tạ Tốn liền nói với người Mông Cổ kia:
- Chúng tôi quay trở về sơn động lấy ít đồ đạc rồi trở ra thuyền ngay. Trưởng quan ở đây đợi chờ chúng tôi giây lát nhé.
Ðạt Túc Ðài nói tiếp:
- Ðể tiểu nhân với các thủy thủ khiêng hành lý hộ ba vị cho.
Tạ Tốn vừa cười vừa đáp:
- Chúng tôi làm gì có hành lý mà dám phiền đến quý vị.
Nói xong, Sư vương dắt tay Vô Kỵ và Chỉ Nhược đi ra phía hậu sơn, rồi dừng chân lại nói:
- Triệu Minh bỗng phái người đến đây đón chúng ta, chắc thế nào cũng có âm mưu gì, chúng ta phải thận trọng đề phòng.
Bookmarks