Chương 8

Chi đọc đi đọc lại cuốn sách anh Tú mới đưa, coi tới coi lui mấy cái hình vẽ co tay duỗi chân. Đọc thì thấy dễ hiểu lắm, không biết thực hành thì sao đây. Giống như hồi còn học cấp hai, coi hình vẽ trong sách thì không sao nhưng khi thực hành mổ con cá lóc, đứa nào cũng sợ. Sợ tanh, sợ nhìn thấy cảnh vảy (cá) rơi máu chảy, sợ dợ Rồi không dám đụng vô con cá, bị cô la quá xá.

Nếu mai, lỡ mà Chi làm không được thì anh Tú có la ó như anh Hai không há?

Nghiền ngẫm chán chê rồi. Chi gấp sách, lẩm nhẩm dò lại như học bài thi.

Trước khi bật đèn ngủ, Chi vặn đồng hồ reng lúc năm giờ sáng. Ngày mai chủ nhật. Phải chi không có hẹn thì ngủ thẳng cẳng tới tám giờ sáng luôn, cho đã mắt. Anh Tú có nói hồ bơi bắt đầu tính giờ lúc năm rưỡi.

Tối hôm đó, Chi nằm mơ thấy mình biến thành một con ếch màu hồng tươi. Con ếch Chi bơi kiểu ếch. Nó co duỗi hai chân sau lia lịa, lướt vèo vèo trong cái ao dập dềnh những cây bèo tây xanh lè, nở xòe. Con ếch Chi đang bơi thi với một bầy ếch khác, màu cam, màu đu đủ, màu cà chua, màu cà rốt, màu bắp cải tím, màu dưa leo...

Và trên bờ, ngồi chồm hổm vòng quanh cái ao là những con ếch đủ màu khác nữa, sặc sỡ như một đàn bướm.

Những con ếch này cổ vũ cho cuộc thi bơi ếch bằng cách đập những bàn chân trước lên nền đất đắp thành bờ ao. Chúng reo hò inh ỏi, ủng hộ ếch nhà, đả kích các ếch đối thủ. Có lẽ vì đây là loại ếch đời mới nên tiếng kêu của chúng cũng khác tiếng ếch truyền thống. Thay vì kêu ộp ộp, chúng lại kêu tích tích tích như dế. Cũng phải thôi! Rõ ràng, bọn ếch trẻ tuổi này đã nhuộm màu bộ da sần sùi cho hợp thời trang, giống như mấy đứa quậy trong trường Chi thường đi vuốt màu đỏ nâu vàng lên tóc. Chi đạp chân, đạp chân, đạp chân. Và quơ tay, quơ tay, quơ taỵ Nước dồn dập đập vào mắt. Nhưng tay không còn rảnh mà dụi mà quẹt. Nhòe nhoẹt quá xá. Đích đến ở đâu? Sao Chi không thấy?

Trên bờ, bọn ếch đời mới đang nhảy chồm chồm bốn cái chân một lượt, mà gào la cổ vũ loạn xạ:

- Tích tích tích. Tích tích tích. Tích tích tích.

Chậc chậc! Công nhận tinh thần thể thao thật là mạnh mẽ đáng nể. Có mấy cái chân ếch thôi, vậy mà vỗ xuống đất cứ nghe bồm bộp, bồm bộp, inh cả tai. Chắc trên bờ ao bây giờ, bùn đất đang lở ra từng mảng từng mảng rồi.

Chi vừa đạp chân trong nước, vừa nghĩ thầm trong đầu.

Quả thật, có mấy tảng bùn mềm nhão vừa lăn xuống ao, phang trúng đầu Chi bịch bịch.

Chi giựt mình, ngừng đạp chân.

Trong cuốn sách anh Tú đưa có nói: biết bơi là biết phối hợp hoạt động cả tay lẫn chân, đều đặn, hài hòa, đúng lúc. Lúc này, con ếch Chi thôi co duỗi cặp chân nên đôi tay cũng dừng lại theo. Nhân dịp đó, Chi tranh thủ đưa tay lên dụi mắt.

- Á... á...

Không có bầy ếch sành điệu nào cả, chỉ có một người anh đang nhiệt tình chọi, quăng, ném tất cả mền gối và đống thú nhồi bông lên người cô em.

Thì ra, tích tích không phải là tiếng kêu của loại ếch thế hệ mới trong giấc mơ mà là tiếng réo của cái đồng hồ báo thức hình con cá heo, đặt ngay bên cạnh lỗ tai Chị Thứ đồng hồ có vỏ bằng nhựa này, nếu biết trả giá, thì chỉ cần mười ngàn đồng là mua được một cái. Vặn nút dặn dò mấy giờ, nó sẽ chăm chỉ kêu riết, tới chừng nào hết pin mới thôi.

Chi làu bàu.

- Một cách đánh thức quá thô bạo!

Anh Hai léo nhéo:

- Nhưng mà tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả hơn cái đồng hồ. Nó kêu muốn đứt dây mà em đâu có nghe.

Chi ngồi bật dậy, hốt hoảng:

- Vậy hả? Chết chưa! Mấy giờ rồi?

- Mới có gần năm rưỡi thôi.

- Chết mồ! Trễ rồi!

Chi quýnh quýu xếp cái mền.

Anh Hai nói.

- Để đó dọn sau. Lo đi cho rồi. Anh Tú đang chờ ngoài cửa kìa.

Chi rên lên:

- Chết cha!

- Thôi! Chết nãy giờ đủ rồi. Em không tập bơi thì có ngày chết thiệt, chết đuối, chết chìm đó.

Khi Chi sửa soạn xong, ra mở cửa, thì thấy anh Tú đang giơ tay lên, ngó đồng hồ. Anh xòe bàn tay:

- Trễ năm phút.

Chi nói, hơi bị vấp tí chút vì đang đối mặt với người sắp sửa thành người trong mộng của mình.

- Xin lỗi anh Tú nghe. Tại em ngủ quên. Tại mắc đọc cuốn lý thuyết bơi.

Thấy Chi vẫn đứng tại chỗ mà nói, anh Hai đẩy Chi ra khỏi cửa, không quên kèm theo lời khiển trách:

- Thôi đi đi. Ở đó mà tại với bị hoài. Đi thì đi bộ mà lại trễ hẹn như mày thì vừa tới hồ, chưa kịp thay đồ, chắc người ta thổi còi đuổi lên bờ hết ráo rồi. Bơi biếc gì nữa?

Anh Tú dụi nắm đấm vào ba sườn anh Hai:

- Đừng hù con nít chứ!

Rồi anh Tú thản nhiên nắm cánh tay Chi kéo đi:

- Rán bước sải cho kịp giờ mở cửa hồ nghen. Tới trễ vừa mất thời gian, vừa uổng tiền mua vé.

*

* *

Má đã cẩn thận chọn cho Chi một cái áo bơi đẹp và kín đáo. Màu sậm tạo cảm giác thân hình gọn hơn, bớt to lớn. Kiểu một mảnh, áo liền quần. Khỏi lo hở bụng, lòi rốn. Kiểu tập thể dục, áo có tay, quần có ống như quần soọc. Hết sợ hở nách, hở đùi.

Anh Tú còn khoác thêm cho Chi một cái áo phồng căng, đầy hơi. Vậy là đầu đội nón bơi, mắt đeo kiếng bơi, mình mặc áo bơi, trang bị đầy đủ, không đến nỗi hở hang, Chi tạm yên tâm đứng bên cạnh anh Tú.

Cũng may, nhờ tròng kiếng bơi màu xanh đậm đen, dòm cái gì cũng thấy mờ mờ không rõ nên Chi đỡ ngượng phần nào khi nhìn anh Tú… không mặc áo.

Chỉ đỡ thôi, chứ không hết hẳn.

Khi bị rơi vào tình huống ngượng ngùng, người ta hay tìm cách nói gì đó để khỏa lấp.

Chi đang vận dụng kinh nghiệm sống ấy đấy.

- Anh Tú ơi! Tại sao anh lại biết bơi?

- Anh đi học mấy khóa. Mỗi khóa một tháng.

- Tại sao phải học?

- Không học thì không biết.

- Không phải. Học bơi để làm gì?

- Để mười hai năm sau dạy lại cho em.

- Không phải. Ý em muốn biết tại sao anh học bơi. Anh đi chữa bệnh ốm cũng học bơi mà em đi chữa bệnh mập cũng học bơi là sao? Em không hiểu.



- Bơi là vận động điều chỉnh các cơ bắp. Anh teo quắt thì bơi cho nó nở ra. Em phù ra thì bơi cho nó săn lại.

- Kỳ quá há! Anh Hai chưa nói cho em biết chuyện này đó. Cứ tưởng đối nghịch như mập với ốm, vậy mà lại gặp nhau ở cùng một môn thể thao, cùng đạt được điều ước muốn trái ngược nhau. Ốm thành mập. Mập thành ốm.

- Em đã biết vậy rồi thì lo tập đi. Nãy giờ nói nhiều rồi đó. Cứ đứng yên trong nước, không cử động, dễ bị cảm lạnh lắm.

- Em có áo khoác nè.

- Trời ơi! Nói nhỏ nhỏ thôi. Cái này gọi là áo phao, không phải áo khoác đâu. Bộ em muốn cả cái hồ này nghe thấy hay sao? Người ta cười chết luôn.

Muốn cười có cười.

- Khà khà.

- Khửa khửa.

- Hỉ hỉ.

- Ủa! Cười hoài sao chưa thấy chết?

Sao giọng nói êm ái quen quen? Chi khẽ quay cổ, liếc hai bên:

Ý trời ơi!

Gặp nữa!

Lần này, tên mập mới biết bữa trước ở phòng khám, đứng bên tay phải của Chi.

Tuy không ăn mặc kín đáo, chân không có giày dép, nhưng cuộc nói chuyện (trong nước) diễn ra rất đúng phép tắc giao tiếp:

- Chào bạn. Bạn biết bơi hả?

- Chào. Chưa biết. Đang tập.

- Tập lâu chưa?

- Bữa nay là ngày đầu tiên.

- Tui biết bơi đó nghe.

- Vậy sao?

- Vậy sao béo phì chớ gì? Bạn muốn hỏi vậy phải không?

- Biết rồi thì trả lời đi.

- Tui biết bơi hồi còn học lớp mẫu giáo lận. Nhưng càng học lên, bài vở càng nhiều, không còn thì giờ đi bơi nữa. Tui cứ quanh năm suốt tháng ăn học, học ăn. Riết rồi thành ra như vầy đó.

- Tui cũng vậy.

- Cũng vậy thiệt không? Bạn học trường nào?

- Năng khiếu. Còn bạn?

- Trường chuyên.

- Vui quá hẹ Bắt tay một cái đi. Mừng chí bự gặp nhau.

Anh Tú vỗ tay lên mặt nước hồ, nhắc nhở:

- Mừng xong chưa?

Tên mập rụt cổ hỏi:

- Anh của bạn hả?

- Ừ.

Tên mập nói tía lia.

- Sao anh em nhà bạn không giống nhau há? Giới thiệu với bạn, chị tui nè. Thấy không? Bề ngang tương tự như nhau.

Chị tên mập đỏ mặt liếc anh Tú trước khi nạt nó:

- Nhiều chuyện quá. Lo bơi đi.

Tên mập le lưỡi:

- Dạ dạ. Tuân lệnh.

Trước khi úp mặt xuống nước, nó chu mỏ nói với Chi:

- Chúc bạn học gì biết nấy nhe.

Rồi nó ngoan ngoãn nằm dài ra, lướt đi, nhẹ nhàng như giọng nói của nó.

Chị tên mập cũng nhanh chóng bơi theo thằng em.

Những người khác cũng lần lượt bơi đi.

Chỉ còn lại Chi với anh Tú đứng giữa vùng nước dập dờn tới bụng.

Anh Tú nói:

- Bắt đầu học nghe. Kiểu bơi cơ bản là bơi ếch.

Chi cười toe toét:

- Hèn chi tối hôm qua, em nằm mơ thấy em biến thành một con ếch, bơi quá chừng luôn vậy đó anh Tú.

- Bây giờ em muốn bơi hay nói đây? Coi đồng hồ treo đằng đó kìa. Sắp hết xuất rồi.

- Em xin lỗi.

- Em đọc kỹ cuốn sách anh đưa chưa?

- Dạ đọc kỹ lắm. Tới nỗi nằm mơ thấy biết bơi ếch luôn đó.

- Được rồi. Bơi thử anh coi.

Chi ngó dáo dác:

- Bơi sao hả anh Tú?

Anh Tú khum tay hốt một bụm nước. Anh há miệng ra…nói:

- Phạt nè.

Anh đổ bụm nước đó lên đầu Chị Nước chảy ròng ròng xuống mắt mũi. Bị xối nước bất ngờ, Chi ngộp thở, há miệng hớp hớp như con cá bị bắt lên bờ.

Chi thét thầm trong bụng:

- Trời ơi! Thô bạo!

Con người thô bạo ấy dùng một loạt câu cầu khiến, lạnh lùng:

- Nghe nè. Nằm xuống. Duỗi thẳng chân ra. Thả lỏng.

Chi lom khom nằm. Cái áo phao đẩy Chi bềnh bồng, lắc lư.

Anh Tú la:

- Đừng có gồng.

Chi thấy mình nằm lửng lơ, vừa nổi vừa chìm trong nước rất kỳ cục.

Chi kêu om xòm.

- Khó chịu quá à!

Nước hồ tràn vào miệng, nồng nồng. Chi sặc sụa:

- Ớ. Hớ. Cứu!

Anh Tú không cứu. Anh cứ đứng nguyên tại chỗ mà hướng dẫn:

- Thẳng chân ra đi. Thả lỏng. Anh nhắc lại. Thả lỏng hoàn toàn. Cứ thoải mái như đang nằm chơi trò chôn sống trong cát, trên bờ biển.

- Á. Má ơi!

La hoảng như vậy, nhưng Chi vẫn còn dư cả đống sáng suốt để tỉnh táo suy luận, ngẫm nghĩ.

Tại sao anh Tú không tới cứu mình?

Anh ấy không đụng tay vào cái thân người mặc áo tắm của mình. Bộ anh Tú sợ vi phạm nguyên tắc cổ lỗ sĩ “Nam nữ thọ thọ bất thân” hay sao chứ?

Nhưng lúc ở cửa nhà mình, anh Tú có nắm tay mình mà.

Rắc rối quá.

Bơi ếch đâu có đơn giản như con ếch bơi.

Hai lỗ tai Chi căng ra, để nghe tiếng anh Tú từ xa truyền tới:

- Như nằm sấp trên bãi cỏ, trong công viên rình coi cào cào nhảy, lắng nghe dế gáy. Tưởng tượng đi em.

Chi ngóc đầu lên hét:

- Em làm được rồi. Em hết chìm rồi.

Và nuốt ực thêm một ngụm nước vừa xộc vào miệng.

Anh Tú cũng hét:

- Tiếp tục thả lỏng!

- Làm gì tiếp đây? Em sắp chìm rồi.

- Co chân. Kéo đầu gối vào. Bẻ bàn chân. Đạp nước ra. Y như trong sách.

Chân Chi co duỗi bắt chước theo kiểu bơi của mấy con ếch, cóc, nhái mà Chi từng coi thấy trong chương trình thế giới loài vật chiếu trên ti vi.

- Từ từ. Từ từ thôi. Đừng có đạp lia lịa lia lịa như đạp xích lô.

- Qươ tay đi.

- Úp mặt xuống.

- Nín thở. Nín thở.

- Đi luôn. Đi tiếp đi. Đừng ngồi lên.

Có mấy câu mệnh lệnh đó thôi mà anh Tú hò hét suốt buổi đến khản cả giọng, cho tới lúc trên bờ người ta thổi tu huýt báo hiệu hết xuất bơi.

Anh Tú nói khào khào:

- Tạm ngưng. Thôi, lên tắm lại rồi về. Mai đi tiếp.

Chi vuốt mặt, hỏi anh Tú:

- Anh Tú thấy em tập được không?

- Tạm được.

- Nhưng chưa thành thạo hả anh?

Anh Tú cười:

Lúc đó, Chi mới thấy môi anh Tú không hồng hào như mọi ngày mà tím tái như diễn viên đóng vai nghiện xì ke trong phim.

Chi kêu thảng thốt.

- Ủa! Sao vậy? Sao môi của anh bị tái mét kìa?

- Tại ngâm mình lâu trong nước.

Chi chìa cái mặt lại gần anh Tú:

- Vậy anh Tú coi môi em có bị không?

- Em không bị vì nãy giờ em quậy đùng đùng trong nước, còn anh thì không bơi, không vận động.

- Anh bị lạnh lắm hả?

Anh Tú gồng hai cánh tay, ngực ưỡn ra, mặt nghếch lên trời, nói vừa thiệt vừa giỡn:

- Nam nhi mình đồng da sắt. Ngâm nước suốt cả ngày không mềm.

Hai anh em cười hỉ hả.



Chi càng thấy anh Tú quá chừng dễ thương.

Chi không thấy lạnh, nên hào hứng đề nghị.

- Mình bơi thêm xuất nữa đi há!

Anh Tú lắc đầu quầy quậy, nước văng tung tóe:

- Thôi thôi. Ngâm nước cả ngày không mềm nhưng ngâm một xuất là móp hết mười đầu ngón tay rồi nè. Lên đi em ơi.

Ở trên bờ cũng kêu:

- Toét toét. Hết giờ rồi. Lên đi.

Hai anh em lóp ngóp leo lên, ướt chèm nhẹp. Anh Tú quẹo về phía cánh cửa có tấm bảng vẽ cái đầu đàn ông.

Anh dặn Chi:

- Hẹn gặp ở hàng cây cau phình bụng nghe.

Khi Chi thơm tho sạch sẽ thò đầu ra khỏi khu vực có vẽ hình cô gái mặc váy thì đã thấy anh Tú đang đi qua đi lại dọc theo hàng cây cau kiểng rồi.

Chi kêu anh Tú và hấp tấp bước lại phía anh. Tới gần, Chi thấy trên tay anh Tú có một bịch bông gòn ráy tai.

Anh đưa cho Chi:

- Lấy hai ba cây, lau kỹ cho khộ Để ẩm ướt khó chịu lắm.

- Dạ, em cám ơn anh.

- Không có gì. Lần sau em nhớ mua xài riêng là được rồi.

Chi cũng nói giỡn theo.

- Em sẽ trả lại anh năm sáu cây. Tính lãi suất… nhiều phần trăm.

Lại cười nữa. Vui ghê.

Chi vừa đi bên cạnh anh Tú vừa ngoáy tai vừa nghĩ.

Không biết Chi đã uống hết bao nhiêu lít nước hồ nhưng bây giờ thấy đói bụng ghê gớm, nghe bên trong bao tử cồn cào, bào bọt, xót xa.

Hai bên cổng vào hồ bơi có hai chỗ bán đồ ăn. Một bên là tiệm bánh ngọt, tủ kiếng trong suốt xếp ngồn ngộn đủ thứ bánh tròn, bánh dài. Một bên là xe sữa đậu nành bốc khói ngùn ngụt, thơm phưng phức.

Thời gian một xuất bơi đã khiến Chi thấy anh Tú gần gũi như anh hai nên Chi thân mật kéo áo anh Tú, bày tỏ đòi hỏi:

- Em đói bụng quá à.

Anh Tú đứng dừng lại:

- Anh biết.

- Vậy mình đi ăn cái gì rồi mới về nghen. Có làm mất thì giờ của anh không?

- Không.

Chi vỗ tay:

- Thích quá.

Anh Tú lắc đầu:

- Thích là dễ chết lắm đó. Tại em không biết, vừa mới hoạt động cơ bắp xong mà ăn vô thì cơ thể sẽ hấp thu được hết chất bổ béo, không bỏ phí miếng nào.

Chi e dèø hỏi, thầm mong mình nghĩ không đúng:

- Tức là, nếu bây giờ em ăn thì càng phì ra thêm phải không anh Tú?

Anh Tú gật đầu:

- Phải.

Chi vẫn chưa muốn tin.

- Sao anh biết?

- Anh đọc sách. Mà riêng bản thân, anh cũng có kinh nghiệm nữa. Hồi anh còn đi chữa bệnh ốm. Ba anh chở đi bơi đều đều mỗi ngày. Bơi một hồi, leo lên bờ ăn bánh ngọt, uống sữa. Bơi xong, ăn bánh canh, bánh cuốn, bánh bao, bánh bò, bánh giò, bánh tiêu…

Đang miên man liệt kê các loại bánh, anh Tú đột ngột ngừng lại:

- Quên! Anh xin lỗi đã làm cho em thấy thèm chảy nước miếng. Nhưng hồi đó anh bị ép ăn còn nhiều hơn như vậy nữa. Nhờ vậy mới hết ốm o.

Chi nói yếu ớt:

- Em hiểu rồi.

- Do đó ta suy ra, nếu bây giờ em đi ăn một cái gì thì…

Anh Tú lên giọng vui mừng:

- Em đừng lọ Không ăn được nhưng có thứ uống được. Uống... nước trắng.

Chi cảnh giác hỏi lại.

- Nước trắng là sô đa chanh đường hay là các loại sữa?

Anh Tú cười ầm lên.

- Sai lầm rồi em ơi! Nước trắng là nước nấu sôi để nguội đó. Không màu không mùi, không đường không muối, không bổ không hại.

Như để chứng minh rằng lời nói của mình rất đúng và chắc như trái bắp, anh Tú mở cái túi rút đang đeo hờ trên vai, lấy ra một chai nước trong veo. Anh đưa cho Chi:

- Cho em nè. Uống hết cũng không bị gì đâu - anh nháy mắt, cười cười - Chỉ hơi bị mắc chút xíu thôi!

Chi ngây thơ cãi:

- Làm sao mắc được? Chai nước này tháo niêm trên nắp rồi, đâu phải nước mới muạ Nước nhà anh nấu phải không?

- Đúng. Nhưng vẫn cứ phải mắc. Không tin em cứ uống thử đi. Một lát nữa là thấy mắc liền.

Á. Chi hiểu rồi. Chi quật tới tấp cái ba lô lên lưng, lên tay anh Tú:

- Nói bậy! Nói bậy trước mặt phụ nữ nè!

- Trời ơi! Coi kìa! Em mà dám đánh anh kìa.

Hai chị em tên mập chạy vụt qua mặt Chi với anh Tú. Mỗi người một cái xe đạp mà bánh xe to đặc biệt, bề ngang lớn như bánh xe gắn máy.