-
Chương 8
Chương 8
Trường đang đứng nói chuyện với đám bạn gái. Vừa thấy tôi ở cổng hắn đã vội chạy ra, hai cánh tay áo len cột lại trước ngực bay bay, trông hắn có vẻ hớn hở.
- Sao cả tuần nay không thấy tới trường. Ðang định tìm cậu đây. Chuyện gì vậy?
- Ðau.
- Ðau kỹ thế cơ à, hèn chi thấy mặt mũi hốc hác hẳn ra.
- Cũng xoàng vậy. Ðâu đã chết.
Trường bá vai tôi cười lớn. Mỗi ngày thấy bạn ta mỗi lạ quá.
- Cậu đi courses đều không?
- Ðiểm danh từng giờ, sức mấy dám nghỉ.
- Có thông báo gì mới không?
- Cậu biết gì về vụ thi cử chưa?
- Chưa.
- Tuần tới bắt đầu nộp đơn, cuối tháng sáu thi.
- Vậy hở.
Những cuốn sách trong tay tôi bỗng nặng nề, trong khi đầu óc tôi tưởng nhẹ tênh. Tôi theo Trường đến bên đám bạn cả trai cả gái đang chụm nhau cười nói. Sao tôi thấy ai cũng dửng dưng. Ngồi hai giờ Kinh tế học tôi cũng chỉ ghi được cái tựa. Tiếng giáo sư đều đều mãi vô nghĩa. Tôi nghĩ tới Chi, chắc giờ này em cũng đang ở lớp học. Không biết bao giờ em nghĩ tới tôi một chút trên những trang vở em mở ra, hôm qua hay hôm nay. Và không biết có bao giờ em nghĩ rằng tôi đang nhớ em, nhớ em đến lịm người, như bây giờ đây. Nhưng Chi ạ, hãy ngoan mãi nha bé. Hãy cúi đầu dễ thương trên cuổn vở và môi hồng hãy khẽ nhẩm đọc bài. Hãy hồn nhiên như chim muông, tâm hồn em, xin nhẹ tênh như những phiến mây trắng trên bầu trời. Và hãy vui, môi em cười suốt ngày đẻe mắt em long lanh suốt ngày. Còn phần anh, anh xin nhận nỗi buồn cùng tất cả nhữgn dằn vặt này. Anh muốn thu mình là ngọn cỏ vùi dập dưới chân em qua. Bé yêu dấu, để anh nhớ bé đến ngọt môi như bây giờ.
Tôi cười thầm một mình khi nghĩ rằng, có thể nào gọi như mình đang tương tư. Anh Huy tương tư em Chi. Những cuốn sách hờ hững trên tay, tôi bước ra khỏi lớp với nụ cười nhỏ. Trời mưa, mưa trắng xóa, sinh viên đứng hàng dài trước hiên lớp nhìn ra trời mưa. Mưa vừa đủ để chẳng ai dám bước ra khỏi chỗ đứng. Các lối đi trong khuôn viên trường vắng hoe. Ðám mimosa viền hai bên đường, có lẽ những chùm hoa nhung vàng đã rữa ra hết cả, chúng ngã rạp theo từng cơn gió và những cành lá màu bạc đôi khi tưởng lẫn vào những hàng mưa. Có một cặp tách bạn bè, bỏ hàng hiên đi ngược lên thư viện. Tiếng la ó ở phía hàng hiên bên kia.
- Biểu diễn dù mới hả.
Người con trai cầm chiếc dù cho cô bạn đang núp chung quay lại cười. Chiếc dù đỏ nổi bật trong màn mưa với hai người. Rồi thỉnh thoảng lại thêm một cặp bước ra. Họ che chung một chiếc áo mưa, hoặc núp chung một chiếc dù đi bên nhau thong thả, tình tứ. Cuối cùng là một cái thú đi bên nhau trong mưa. Khối cô cậu rủ nhau đi vòng các con đường trong trường. Và đám con trai ở hiên đối diện luôn ồn ào cười nói.
- Quyến rũ con nhà người ta bỏ học hở, về mách mẹ cho bi giờ.
- Giấu áo mưa rồi đòi đi chung hở.
Khi trời còn mưa nhỏ, tôi rời hàng hiên lớp chạy đi tìm Trường. Cũng đúng lúc Trường đi tìm tôi, hai đứa đụng đầu ở một lối rẽ.
Trường ôm vai tôi:
- Còn giờ học nào nữa không?
- Hai giờ sau hình như nghỉ.
- Hình như à?
- Ừ, hình như ông thầy kẹt chuyến bay.
Chúng tôi chạy lúp xúp qua mấy hàng hiên đi ra chỗ đậu xe, gió thổi quất những hạt mưa rát mặt. Trường hỏi tôi:
- Ði uống cà phê nhé.
- Ngồi quán buổi sáng chán chết.
- Mình có hẹn với mấy người bạn ở ngoài đó.
- Bạn trai hay bạn gái?
Trường nhếch môi cười, nhìn tôi:
- Ðiều đó chó hệ gì đâu?
Tôi cũng cười theo hắn:
- Thì cũng hỏi vậy thôi.
Trường ậm ừ một câu hát trong miệng. Khi xe ngừng lại ở một ngã tư, hắn quay sang hỏi tôi:
- Ở Sài Gòn cậu có nhiều bạn không?
- Biết mình rồi mà. Rất ít.
- Ðó là từ bao giờ.
- Bây giờ vẫn vậy.
Trường cười lớn:
- Ðiều đó khó tin quá.
- Khó tin nhưng có thật.
Trường vẫn cười. Tôi hét lên: cười chi dữ vậy. Trường nhìn tôi lạ lùng lúc hắn bất chợ ngừng xe lại ở một lề đường. Cái lối nhìn khó hiểu của hắn luôn làm tôi nghĩ ngợi. Tôi quay sáng hỏi Trường:
- Còn cậu thì sao?
- Sao nghĩa là sao?
- Nghĩa là có những thay đổi.
- Dĩ nhiên là có.
- Thí dụ.
- Như sự hình thành một tập tình ca chẳng hạn.
- Còn gì nữa chứ - Người hay khóc của cậu đâu rồi?
- Quyên hả?
- Dấu nàng ở đâu rồi?
- Chỉ còn những giọt nước mắt đã khô.
Bất chợt Trường cười buồn trong câu hát. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn hò là những cơn mưa. Tôi tưởng hắn có thể ứa nước mắt ở cuối câu hát. Lời hẹn hò là những cơn mưa phải không Huy. Những cơn mưa bụi, mưa không kịp ướt đất. Những cơn mưa hương hoa trong đời, cuối cùng chỉ còn lại chút xót xa nghẹn ngào nơi ngực khi tưởng lại. Quyên hay khóc ngày nào của Trường bây giờ chỉ còn là những giọt nước mắt khô, tôi có thể tưởng tượng ra được, ở một góc nào đó chiếc khăn trắng cầm tay của người con gái ấy còn in lại những dấu vết. Và Trường, dạo chúng tôi còn luôn gặp nahu, có dịp hắn vẫn thường nói, sao nàng hay khóc. Quyên hay khóc và nàng cũng khóc trôi luôn cả một mối tình mơ mộng.
Thay vì đi thẳng lối Trần Hưng Ðạo, Trường thả xe vòng bờ hồ, qua cầu rồi leo dốc lên khu Hoà Bình. Trường còn đi mấy vòng nữa trước khi ngừng ở quán Tùng. Mưa dứt hột và bắt đầu có một chút nắng quý hóa trải trên các mái nhà phố xá khi chúng tôi bước xuống xe. Mãi đến lúc này chúng tôi mới nói chuyện với nhau trở lại.
- Hẹn mười giờ mà bây giờ đã gần mười một giờ, không chừng họ bay cả rồi.
- Rất có lý do. Trời cũng vừa tạnh mưa.
Chúng tôi đứng ở cửa, ngó khắp một lượt trong quán trước khi bước lên lầu trên. Trường gọi một chai bia. Tôi gọi một ly sữa nóng. Trường bảo tôi, cậu lúc nào cũng như con gái. Và hắn cười. Nếu hắn biết là tôi đã nhớ Chi ngay từ khi đặt chân vào quán. Nếu hắn biết tôi và Chi đôi lần bước vào đây, trong những chiều chủ nhật trước. Nếu hắn biết được bây giờ đây tôi đang uống thay cho Chi một ly sữa nóng. Và nhất định chẳng có ai hiểu được, tôi đang nghĩ tới em. Nghĩ tới em mỗi lúc.
Trường chia tôi một điếu thuốc, tôi lắc đầu:
- Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cậu hút cơ mà.
- Nhưng không ai hút thuốc khi uống sữa bao giờ.
- Nhưng cũng không có người con trai nào vào quán kêu một ly sữa bao giờ.
- Bộ nhìn tôi đáng buồn cười lắm hở?
- Buồn cười thì không. Nhưng mà lạ.
- Tôi thích vậy.
- Cậu thì bao giờ chả thế, khác người không hà.
- Tôi chả bao giờ nghĩ rằng mình phải lập dị một chút cho thiên hạ chú ý tới.
- Thì có ai nghĩ oan cho cậu thế bao giờ đâu, sao lại biện minh.
Trường phả mạnh khói thuốc về phía tôi, cười cười. Sống với mình đã vất vả, sống với người khác nữa quả là một điều quá mệt, phải không Huy? Tôi vẫn nghĩ thế. Tôi thích những người có đời sống hướng về nội tâm. Ðó là một đời sống khó khăn nhưng hạnh phúc. Trường dụi tắt điếu thuốc vào gót giầy, cười nhỏ:
- Tôi đang ngắm nhìn cậu đó, Huy ạ.
Tiếng nhạc từ góc phòng dìu dịu một bản tình ca màu xanh. Tình ca ngậm ngùi. Tôi và Trường ra khỏi quán, trưa nắng bỗng rực rỡ trên mặt đường còn đọng nước. Trường cởi bỏ áo len ném lại băng sau.
- Người hẹn mình hôm nay là hai chị em mình kèm học. Trường nói, chắc mai gặp lại các nàng hận mình ghê lắm. Bây giờ con gái lãng mạn khũng khiếp. Các nàng chẳng thèm học toán, học sinh ngữ, các nàng đòi thầy giáo ôm đàn và tán lời nhạc cho các nàng nghe.
- Bởi thế mà thầy giáo hẹn học trò ở quán cà phê hở?
- Bậy nào.
- Chứ không phải cậu vừa nói.
- Thì học trò hẹn thầy giáo chứ bộ
Trường cười. Ðùa vậy. Học trò với thầy giáo gì đâu. Hai nàng hình như có họ hàng xa lắc xa lơ gì với mình đó mà. Họ hàng đụng nhau chan chát ở ngoài đường rồi dắt nhau về nhà mới nhận ra nhau. Họ hàng của những người lớn thôi.
Trường nhận còi inh ỏi khi qua mặt hai người con gái chở nhau bằng xe đạp phía trước và đưa tay vẫy họ khi lao vút đi. Hắn nói:
- Dễ thương đấy chứ.
- Ai vậy?
- Hai nàng mà mình nhắc tới đó.
- Sao cậu không ngừng lại. Kìa, hình như họ vẫy cậu.
Trường nhấn ga cho xe vượt một ngã tư, nói:
- Ngừng lại nguy hiểm lắm cậu biết không, lần trước cũng một lần gặp hai chị em chở nhau như vậy, mình đứng lại nói chuyện một lát, họ liền bắt mình khiên xe của họ lên xe mình rồi chở đi vòng vòng khắp phố.
- Vui phải biết.
- Vui nỗi gì. Về nhà kể cho nhỏ Liên nhỏ Chúc nghe, hôm sau chúng liền bắt chước cái trò đó. Khiêng xe đạp bỏ thùng sau xe mình bắt chở lên phố cho chúng đi. Ức muốn chết.
Qua góc phố, Trường dừng xe lại mua một gói thuốc. Hắn chỉ cho tôi:
- Cô bé ngồi đọc sách xinh quá kìa.
Tôi nhìn lên khung cửa sổ trên cao, một người con gái nhỏ cúi đầu trên cuốn sách, khuôn mặt bị mái tóc che khuất một phần. Hình ảnh đó làm tôi bắt nhớ tới Chi và khung cửa nơi em ở. Một lần Chi đã nói với tôi, phòng em ở trên lầu, có một cửa sổ phía sau nhìn xuống con đường nhỏ đầy hoa quỳ vàng. Em hay ngồi đấy nhìn đám trẻ nhỏ vào mỗi giờ học và tan học. Chúng đi theo cha mẹ hoặc anh chị. Có khi chúng đi một mình và có thể là khóc suốt quãng đường. Nhìn chúng đeo cặp trên vai dễ thương ghê lắm.
- Cậu không phải về nhà ngay chứ?
- Chi vậy?
- Cậu làm tài xê cho tôi một quãng đường cần thiết được không?
Trường ngó thẳng tôi một giây, khẽ cười:
- Ðược chứ.
Xe ra khỏi khu chợ, tôi nói với Trường rẽ phải rồi rẽ trái mấy lần. Hắn la to lên:
- Ði đâu mới được chứ bạn?
- Thì cứ theo người ta, làm gì mà sốt ruột vậy.
Trưòong cho xe chậm lại ở một ngã tư. Hắn cười, tay hờ hững trên vô lăng.
- Nơi ta ở rành rẽ từng viên đá, bạn ta muốn đi đâu ta chỉ cần kẻ khẽ một đường thẳng là tới ngay.
Tôi địnhnói với Trường nơi Chi ở, nhưng cuối cùng tìm ra con đường quen thuộc, tôi nói với hắn.
- Cứ đi thẳng đây đi.
Trường nhấn ga, cười lớn.
- Thế thì ta biết bạn muốn đi đâu rồi.
- Xạo.
Tuy nói thê như tôi hơi chột dạ. Có thể nào Trường biết được nơi tôi sẽ tới. Có thể nào đây là con đường độc nhất dần đến Domaine de Marie. Trường nhìn thẳng, miệng tủm tỉm cười. Lâu lâu mới có dịp được chìu bạn ta. Xe qua khu bưu điện, thư viện rồi leo dốc. Xe qua chỗ cây gỗ đổ, qua thế giới bé nhỏ quen thuộc của chúng tôi những ngày chủ nhật. Xe chui dưới bóng những cành thông đan kín trên đầu, qua cây cầu xi măng nhỏ dưới chân dốc. Lát sau đó xe đưa tôi đến khu nội trú Chi ở. Bên này đường là nhà nguyện và đối diện là nhữgn dãy nhà một tầng với những hành lang sâu hun hút nằm bên kia. Mười hai giờ hơn, nắng rực rỡ trên các mái ngói đỏ, nắng thắp sáng những hạt bụi vàng tung lên ở con đường đất mà xe chúng tôi vừa quẹo vào. Con đường vào những giờ đi học và tan học Chi đã thấy bọn trẻ con ngang qua. Tôi ngước lên, cố tìm một khung cửa sổ là cửa sổ phòng Chi mà tưởng tượng có Chi đang đứng ở đó. Nhưng không. Một dãy cửa sổ đóng kín mít, câm lặng. Giờ này có lẽ Chi đang ngồi ở bàn ăn với bạn bè hay đã trở về phòng, đóng cửa chuyện trò đợi giấc ngủ trưa.
Tôi thật là ngớ ngẩn. Xe vòng hết con đường đất đi ra một khu cư xá, tôi nói với Trường:
- Bây giờ cậu có quyền kẻ một đường thẳng ngắn nhất để về nhà.
Chiếc xe vọt ra khỏi lề đường, lao đi. Trường nói lớn:
- Lâu lâu mới có dịp chìu bạn ta, mà bạn ta thì luôn luôn khó hiểu vậy.
Cảnh vật bị cắt nát gẫy vụn hai bên đường. Trường rủ tôi về nhà hắn ăn cơm rồi chiều đi ciné nhưng tôi từ chối. Tôi không thích nghĩ tới bất cứ chuyện gì bây giờ. Bây giờ tôi chỉ muốn trở về ngay phòng mình, trải dài người trong nỗi nhớ Chi. Nỗi nhớ tuyệt vời. Nỗi nhớ bỗng ngọt biết thành say ngất.
Chi ngả đầu trên vai tôi, trách móc:
- Sao mãi chẳng thấy anh tới đón Chi?
- Chi có chờ anh không?
- Chi khóc hoài. Bộ anh bận chuyện gì hở?
- Ừ... anh bận.
- Anh bận rồi quên luôn Chi chứ gì.
- Anh vẫn nhớ Chi. Nhớ lịm người.
- Sao anh không tới đón Chi. Anh bận đến thế ư?
- Không phải vậy...
- Anh không dối Chi đâu. Nhưng anh cũng không thể nói gì hơn được Chi hiểu.
- Anh giấu Chi.
- Ðến lúc rồi tự dưng Chi nhận ra. Ðời sống thường là không đơn giản như nỗi nhớ và những hạt nước mắt. Chi thấy không, một đám sương mù trước mặt...
- Chi không hiểu.
- Rồi đám sương mù sẽ dày đặc mãi thêm. Ðám sương mù ở giữa chúng ta. Hai đứa mất nhau. Và chúng ta bỗng biến thành những cụm sương mù lạnh buốt.
- Chi không hiểu. Chi không biết mọi điều.
Tôi nắm tay Chi, bóp mạnh. Chi bật khóc đau đớn trên vai tôi.
Nhưng còn lại chính là bàn tay mình trong tay mình. Tôi hiểu tôi phải làm gì. Buổi sáng tới trường, sách vở, lớp học, lời giảng và bạn bè nhe tênh bay bổng. Buổi chiều tôi lại nhà Trường mượn cái xe đạp của bọncon gái với ý nghĩ rằng sẽ lên phố sắm sửa vài thứ lặt vặt.
Chúc hỏi tôi:
- Chúc đợi mãi, mấy tuần lễ nay sao anh Huy không dẫn công chúa dễ thương của anh Huy tới chơi?
Tôi vờ hỏi:
- Công chúa nào cơ?
- Anh còn giả bộ nữa?
- Bộ gì mới được nhỉ.
- Chứ còn công chúa Anh Chi anh cất đâu rồi?
- Ðây nè.
Tôi móc túi áo ra một cục kẹo đưa cho Chúc.
Chúc vồ lấy reo lên:
- Ồ, dễ thương quá.
Dễ thương như một cục kẹo. Một công chúa đã biến thành một cục kẹo để nằm trong túi áo, để ngậm ngọt ngào trong miệng. Em muốn nuốt chửng quá anh Huy ơi. Ðiều đó phải để tôi nói. Chúc reo “A” thật to.
- Chị Liên đâu rồi?
- Chắc chị ấy còn ngủ.
- Ngủ kỹ thế cơ à?
- Có khi 5 giờ cũng chưa bò dậy ấy chứ.
Tôi theo Chúc lên lầu. Chúc đập cửa gọi Liên ơi, anh Huy tới. Tôi nói để cho chị ấy ngủ và ra ngoài ban công nhìn xuống vườn sau nhà. Lát sau Liên trở ra, mặt phờ phạc. Nàng ngồi xuống chiếc ghế mây đặt ngoài hàng hiên, luồn những ngón tay trong tóc và kêu lên nhức đầu quá.
- Nhức đầu quá mi ơi.
Liên ngả đầu vào cánh tay Chúc (con bé đang ngồi ở cái dáng nửa người dựa trên ghế). Chúc vỗ về vai chị:
- Làm bộ hoài, chị. Hôm nay chưa thay phim mới mà chị.
Liên hất cánh tay em ra:
- Mi chuyên môn xuyên tạc, ta nghỉ chơi mi ra.
Chúc bỏ chỗ, chạy lại dựa người vào lan can bắt chước thế đứng của tôi, bĩu môi:
- Chị ấy hay làm nũng ghê đi ấy, anh Huy. Chả ai chìu chị ấy nổi.
Tôi cười với Chúc:
- Nói thế chứ...
Chúc đứng trước mặt tôi:
- Anh chìu chị ấy nổi không?
Tôi trừng mắt, nhìn thẳng vào mắt đứa con gái đối diện để nghĩ rằng mình không bị... bắt nạt.
- Bao giờ cũng thế hết, cô ạ. Luôn luôn có một người sinh ra để chìu chuộng một người.
Hình như Liên cảm động. Hình như câu nói ấy là một điều mới lạ đối với Liên. Tôi thấy nàng dấu mặt vào tóc, cúi xuống. Nỗi dao động của người con gái mà tôi ít có dịp được bắt gặp, được sống với. Ở Sài Gòn, tôi có một người bạn gái tên Quỳnh. Chúng tôi ít khi gặp nhau, ít khi nói chuyện. Nhà nàng ở cùng ngõ mà thỉnhthoảng chúng tôi chỉ giao hữu... bằng mắt, mỗi khi tôi ngang qua hay có dịp nàng sang chơi với chị Hà. Có một lần Quỳnh khiến tôi dao động đôi chút, đó là lần nàng viết đầy đủ tên nàng trên mép cuốn vở nháp của tôi để trên bàn. Tôi có để ý đến vài người con gái khác nữa mà tôi còn nhớ. Cô học trò trường bên cạnh, thời mà trường nàng mỗi thứ hai còn đổi đồng phục màu thiên thanh, nàng ngồi gọn trên chiếc xích lô đi ngang qua cổng trường tôi. Dạo ấy tôi hay đứng ở lưng chừng cầu thang, có một khung sổ nhìn xuống con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vun vút hai hàng sao. Thuở đó tôi là chú học trò ngu ngơ hết sức, chả bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt một người con gái mà mình không quen. Và mới năm rồi chứ đâu đã xa gì lắm, tôi còn cuống lên khi ngồi họp với ban báo chí của các trường nữ, bị bạn bè “kiểm thảo” gay gắt là để người ta bắt nạt.
Và, để rồi có một điều phải thú thực, từ ngày quen biết Anh Chi, tất cả những người con gái mà tôi gặp, tôi nói chuyện, chỉ vài phút sau, chưa đầy một câu nói, tất cả họ đều bắt tôi nhớ tới Anh Chi.
Cũng như lúc này đây tôi đang nhớt tới em. Người con gái nhỏ bé đã là cái bóng lớn đè nặng trên trái tim đời tôi, đôi lúc tưởng như sẽ ngạt thở, chết mất.
- Anh Huy, anh Huy, tối nay ở đây rồi chơi domino với bọn này nha. Bố mới cho bọn này một bộ domino bằng ngà đẹp lắm.
Chúc ôm bộ bài ra khoe, cái miệng nàng không chịu nhường cho ai một câu nào.
- Lát chị Liên nấu chè nha chị Liên. Em thích vừa đánh bài vừa có cái gì ăn. Anh Huy nhất định phải ở lại chơi với bọn này đấy.
Tôi xóc xóc hai con bài ngà trong lòng bàn tay.
- Tôi không biết chơi cái trò này.
- Anh Huy xạo.
- Thiệt mà.
- Chắc anh Huy chơi xì phé như anh Trường chứ gì.
- Tôi cũng không biết chơi thứ đó.
- Anh xạo.
- Thiệt mà, tôi chỉ biết chơi có một trò chơi là chơi cờ cá ngựa.
Chúc reo lên, trò chơi đó con nít thấy mồ. Ừ con nít thấy mồ. Tôi trả những con bài vào hộp cho Chúc.
- Chúc biết tôi hay chơi trò con nít ấy với ai không?
Chúc lắc đầu, ai mà biết. Nhưng bỗng như nàng khám phá ra được chuyện bí mật, reo to lên:
- Anh Chi phải không?
Tôi đưa một ngón tay bảo Chúc khẽ chứ, để Liên ngồi nghỉ. Nãy giờ liên vẫn ngồi làm như vẻ thản nhiên trong câu chuyện giữa tôi và Chúc, chợt nàng ngẩng lên như muốn tham dự. Chúc vẫn lớn cái miệng:
- NHưng Anh Chi phải không đã?
Tôi gật đầu cười:
- Tôi chơi mà ngựa mình cứ về bét hoài à.
Chúc tròn xoe mắt:
- Dễ thương ghê nhỉ!
Lên hơi mỉm cười với câu chuyện. Nhưng sau đó nàng lại kêu nhức đầu quá và đứng dậy vào nhà. Tôi hỏi Chúc:
- Anh Trường có nói đi đến bao giờ về không Chúc?
- Ông ấy đi lúc nào về lúc nào chỉ có cái chân ông ấy biết. Anh cần gì em nhắn cho.
- Nhắn thì chả có gì để nhắn. Nhưng cần thì có chuyện cần.
- Chi vậy anh?
Tôi ngần ngại hỏi:
- Nhà Chúc có xe đạp phải không?
- Vâng, có hai cái, một của em và một của chị Liên.
- Tôi mượn một cái đi bây giờ được không?
- Ðược chứ, nhưng xe đạp mi-ni thấp xủn hà, anh Huy thử xem.
Tôi theo Chúc xuống nhà để xe và đạp thử một vòng sâu. Chiếc xe đạp bánh nhỏ ghi đông cao có hơi mất thăng bằng lúc đầu nhưng sau một vòng thì tôi thấy có thể quen được.
- Tôi mượn đạp xuống phố tối mang trả nha.
- Anh Huy xuống phố hả, cho Chúc theo với.
Chúc đã dắt chiếc xe của nàng ra nhưng tôi nói để bữa khác, tôi chỉ đi có công việc rồi về ngay nên nàng đạp theo đến cổng rồi dặn nhớ mua cái gì ăn được.
Tôi đạp xe tới phố thì mệt phờ người. Ngừng xe lại đã nghe như có mồ hôi lấm tấm sau lưng áo, tôi phải đứng nghỉ một lúc lâu mới nghĩ tới chuyện đi tìm tiệm sách quen mà một lần tôi và Chi đã vào. Hạc Trắng đóng cửa. Tôi dắt xe một quãng xa mới tìm được một cửa tiệm khác. Hỏi mua hộp màu và chọn mấy cọ vẽ, cô bán hàng bày ra đủ mọi món mà tôi mô tả rồi lấm lét nhìn tôi. Con bé chừng mười lăm mười sáu, cắt tóc kiểu con trai, ý chừng mới tập đứng bán hàng. Ðến khi tôi hỏi mua giấy cuộn canson thì cô ta nói, để cháu hỏi má cháu đã. Khi má nàng trở lại, tôi nhận ra người đàn bà đã đi cùng chuyến bay với tôi dạo nào. Bà đã lãnh giùm tôi chiếc vali và hẹn tôi ghé qua cửa hàng bà, mà bà không nhớ. Chính tôi cũng không để ý đến điều đó, cho đến khi gặp lại bà. Bà nói, trông cậu quen quen. Tôi cười, cám ơn bà, giá hôm đó không nhờ bà lãnh giùm chiếc vali ở Trạm đến Hàng không thì có lẽ tôi đã phải vất vả lắm. Người đàn bà reo “à” lên một tiếng nhọn hoắt và rối rít hỏi thăm tôi mọi chuyện. Trong khi bà tìm thú giấyh mà tôi hỏi thì tôi đi quanh quanh các quầy hàng nhìn ngắm vài thứ bày trong tủ kính. Ở đây tôi chú ý đến một cái khay nhỏ, trên mặt in hình hai bông hồng đỏ và những chiếc lá có đọng vài giọt sương long lanh. Lối in thật tinh vi, chợt nhìn ta có thể tưởng lầm là một bông hồng tươi đặt trên đó, cả những giọt nước. Chỉ thiếu có hương thơm. Trên cái khay ấy, thật kỳ lạ, tôi đã liên tưởng nhanh đến ly sữa nóng và bờ môi hồng của Chi ngậm trên vành thủy tinh. Người đàn bà, sau khi đã tới lui tìm kiếm, đếntôi phân bua, trước tôi chỉ bán đồ mỹ thuật cho du khách thôi, mới đây bà chị họ tôi phải đưa chồng về Sài Gòn chữa bệnh nên nhờ tôi chăm nom giùm cửa hàng này của bà. Cửa hàng cả trăm thứ, tôi chưa làm sao quen ngay được. Chắc cái thứ giấy mà cậu hỏi ở đây không có. Tôi đã kiếm cùng hết, cuối cùng tôi đành phải mua vài tờ giấy croquis thay thế.
Tôi hỏi bà về cái khay hồng dễ thương bày bán đằng kia, sau đó tôi nảy ra ý kiến tìm một chiếc ly thật đẹp và một cái muỗng cũng thật đẹp. Tôi đếm hết tiền trong túi để vừa vặn trả những thứ ấy. Ðứa con gái cắt tóc ngắn ngó tôi tủm tỉm cười khi tôi xách nặng một tay bước ra. Lòng tôi bỗng nao nao một nỗi vui khó tả. Ðó là món quà lẩm cẩm nhất, dễ thương nhất thế giới mà một người con trai sẽ tặng cho một người con gái. Tôi buộc giấy dọc theo ghi đông xe. Cái túi có chiếc ly, cái khay có cái muỗng dài tôi đã nhờ cô gái bán hàng bọc gói cẩn thận để xách đằng trước. Những thứ khác, tất cả cột lại một gói nhỏ chở phía đằng sau. Chiếc xe đạp cồng kềnh những thứ mà bỗng nhẹ tênh như có thể bay bổng được. Tôi thả xe xuống dốc, nghe tiếng bánh xe đổ một thứ âm thanh reo vui. Thứ âm thanh đã biến thành những nốt nhạc tung lên tung xuống trong trái tim, vang vang trong đầu. Tôi biết từ nay tôi có em. Tôi biết mãi mãi tôi có em. Và năm tháng ngày giờ này thật sự có nghĩa. Như trái tim và sự sống có thực, đang nhảy múa, đang đỏ rực, đang muốn ứ tràn, nứt vỡ các đường mạch trong cơ thể tôi lúc này.
Tôi lững thững đạp xe, nhàn nhã như một người đi bộ. Gió thổi như muốn nâng tôi lên khỏi mặt đất. Qua con dốc cầu tôi quyết định sẽ leo ngược lên phía nhà thờ Chính toà thay vì về nhà ngay lúc này. Buổi chiều đẹp quá, tôi nghĩ tới một vòng ngang qua khu nội trú trường Chi. Giờ này nơi cửa sổ nhìn xuống con đường hẹp ở phía sau nội trú, có thể nào Chi đang ngồi ở đó đợi tôi. Ý nghĩ này đã nhắc tôi nhớ tới những chiều chủ nhật ở thành phố thơ ấu ngày nào. Tôi sang với Chi, vô tư như cỏ như lá, chưa kịp gọi cổng thì cổng đã mở. Tôi hỏi em, Chi đang làm gì vậy? Chi tựa vào cánh cổng đã khép sau lưng:
- Chi đang đọc báo và chờ anh.
Nhìn những vuông cửa sổ, buổi chiều tất cả các phòng đều mở tung cánh. Tôi thấy những đứa con gái nhỏ, cỡ bằng Chi hay lớn hơn đứng chơi hay ngồi chuyện trò ở đó. Chúng dễ thương như những con bồ câu thò đầu ra ở các ô cửa chuồng để hong nắng sớm. Nhưng không thấy con chim bồ câu Anh Chi của tôi. Ở một khung cửa kín, tôi đoán chắc đó phải là khung cửa phòng Chi. Em đang làm gì Chi nhỉ. Tôi ước thấy em hiện ra như thiên thần ở cánh cửa vừa tung ra, đúng lúc tôi mong đợi. Em cười thật tươi khi thấy tôi và vẫy tay gọi rối rít.
Tôi hét vọng lê:
- Chi đang làm gì đó?
Chi chụm hai bàn tya ở cửa miệnt đáp lại:
- Học bài và chờ anh. Còn anh?
- Lang thang. Buồn quá, đắng miệng quá.
- Ai bảo anh ham hút thuốc nhiều vào.
- Ðâu có, tại tự nhiên vậy.
Chi nhoài người khỏi khung cửa:
- Xòe cả bàn tay ra đi anh.
- Cho anh cái gì thế?
- Thì cứ xòe hai bàn tay ra đi đã.
- Sẵn sàng rồi đjay, nhưng coi chừng té đấy.
- Em té cũng đâu sao, anh quên là em có cánh sao.
- Ừ nhỉ, con chim chích chòe nhỉ.
Ðang nhoài người ở một thế sửa soạn ném “cái gì đoó” cho tôi bắt lấy nghe tôi nói Chi tụt người xuống:
- Anh nói con chim gì vậy?
Tôi cười trêu em:
- Chim chích chòe nó kêu chích chòe.
Chi hét lên giận dỗi.
- Không.
Tôi vờ hỏi lại:
- Không gì cơ?
- Người ta không thèm làm chim chích chòe.
- Chứ thích làm chi gì bây giờ?
- Không biết.
- Anh không biết luôn.
Chi hét to hơn, rất “dữ”:
- Anh Huy phải biết.
Tôi phải vội chìu em ngày.
- Ừ, anh biết rồi.
Tôi biết mình phải gọi em ra sao rồi.
Ðã lâu lắm, khi tất cả đã được lấp bởi một lớp lá mục, đó là kỷ niệm. Thời gian không là một mảng màu tươi mãi để nuôi hoài trí nhớ. Tảng màu đã chết, đã co lại thành một màu xám tro. Thơ ấu đã qua. Ðã lâu lắm, trong khu vườn huyền thoại của chúng tôij.
Trong đôi tay này tôi đã xoe ra để nắm gọn lấy tay em, và nói với em rằng, em là chim Anh Chi dễ thương nhất đời tôi. Ðời tôi là một khoảng trời, tâm hồn là màu xanh và em là con chim cánh trắng tung mình trong khoản trời xanh thăm thẳm đó. Như thế, tôi đã ôm trọn lấy em và cuộc đời em.
Chi vừa bới đám lá khô, nhặt lại cho tôi một mảnh trí nhớ. Tôi nói lớn để có thể vượt một cơn gió lớn đang thổi tới:
- Anh hét thật to nha.
- Ðừng, anh. Nói thật nhỏ thôi.
- Nhưng em ở cao thế em làm sao nghe được.
- Anh quên là anh chỉ nghĩ thôi em cũng biết được cơ mà.
- Trời ơi, tôi kêu lên, thế thì làm sao anh có thể dối em được điều gì. Anh có bao giờ dối em không Chi nhỉ.
Chi chu cái mỏ vòi vĩnh:
- Anh phải trả lời em.
Tôi dại quá, tự dưng phải nhật lấy phần kiểm điểm rồi “xưng tội” với Chi. Tôi chạy chữa:
- Chi bảo không cần nói Chi cũng biết mà.
- Nhưng Chi muốn anh nói cơ.
Tôi vo tròn miệng để nói một tiếng “không”. Chi nghe không được nhưng nhìn là biết. Và cũng lối nói chuyện thầm cho người ở xa nghe được” ấy, tôi nắn miệng để nói ba tiếng “Chim Anh Chi”. Không bao giờ anh dối em, chim Anh Chi ạ. Ở xa nhưng tôi cũng nhìn được đôi mắt sao của Chi long lanh. Chi đứng trên khung cửa sổ, nghiên đầu cười với tôi.
- Bộ ở đó có cái ghế sao?
- Không, nãy giờ Chi quỳ lên đầu giường, bây giờ Chi đứng.
Tôi xòe hai bàn tay giục Chi:
- Ném cái gì xuống cho anh đi chứ.
Tôi biết Chi sẽ ném cái gì cho tôi rồi.
Cái gì đó không hơn một cái kẹp ngọt. Nhưng thay vì Chi ném trúng hai bàn tay xòe ra đợi thì Chi ném nó trúng ngực tôi. Chiếc kẹo rớt đâu mất.
- Bắt được không anh?
- Không, trúng người anh văng đâu mất rồi.
- Anh tìm xem, chắc ở dưới bãi cỏ chứ gì.
Tôi tìm khắp bãi cỏ dưới chân.
- Hay ỏ trong đám hoa quỳ kia.
Tôi bới nát đám quỳ vàng. Thất vọng tôi đứng nhìn lên:
- Mất rồi.
Nhưng khi đứng chống tay hơi ưỡn người về phía trước thì tôi cảm thấy có vật gì cồm cộm ở ngực áo. Tôi reo lên và đưa tay tóm lấy cục kẹo ở trong túi áo lôi ra, đưa ngang mặt:
- Hắn đây rồi.
- Thấy đâu vậy?
- Trong túi áo anh. Chi ném rớt vào túi áo anh mà không biết. Người ngoan nên kẹp của người cũng ngoan. Ðáng lẽ anh phải há sẵn miệng để Chi tung vào.
Tôi gỡ lớp giấy bóng, gỡ lớp giấy bạc và bỏ viên kẹp vào miệng ngậm. Viên kẹo vỡ ra như mật ong ngọt lịm người. Tôi muốn được say và vật ngã dưới chân tường nơi em ở, ngủ trên đám cỏ sương suốt đêm nay. Ðể đời có những lúc thật sự thèm chết đến ngọt ngào môi miệng như lúc này.
Tôi dựng chiếc xe đạp sát tường của nội trú, dưới chân cửa sổ phòng Chi rồi đứng trên yên xòe rộng bàn tay, hỏi vọng lên:
- Còn gì cho anh nữa không?
Chi tủm tỉm cười:
- Còn sách vở và những bài học.
- Ném xuống cho anh.
- Còn giờ kinh tối và quỳ cầu nguyện ở đầu giường.
- Ném cả xuống cho anh.
- Còn những giọt nước mắt và nỗi nhớ mẹ.
- Ném xuống cho anh luôn.
Chi ngẩn ngơ:
- Còn em?
Tôi chồm lên:
- Em ném em xuống luôn.
Cái đầu Chi ngó sâu xuống, hai bàn tay vịn ở bờ cửa sổ.
- Nhưng làm sao được.
- Thế còn đôi cánh trắng của em đâu?
- Sơ giám thị dấu mất ở trong tủ, khoá kỹ rồi.
Chúng tôi ngậm ngùi nhìn nhau, buồn rười rượi. Hai tay Chi đỡ lấy cằm ngó xuống:
- Nếu như em xuống được thì anh có gì cho em nào?
- Em ngồi sau xe anh, anh chở em đi một vòng phố.
- Rồi sao nữa?
- Anh sẽ đếm hết tiền trong túi, mở hết những tiền còn gấp quên trong các cuốn sách, luôn tiền để dành trong heo đất, mua cho em tất cả những thứ gì mà em thích.
- Rồi sao nữa?
Tôi cười:
- Rồi anh sẽ pha cho em một ly sữa thật đầy.
Chi mím môi:
- Chà, thèm quá.
Tôi thò tay vào trong ngực áo:
- Bây giờ thì anh có cái này cho em.
Hai bàn tay Chi thò xuống.
- Chi vậy anh?
- Không ném lên được.
- Nếu vậy em biết rồi, một chùm hoa phải không?
Một chùm hoa mà tôi ngắt vội được ở một bờ rào bên kia đường kia. Chùm hoa trắng. Chắc hẳn là nó có một cái tên, nhưng tôi đã không biết cũng như chẳng bao giờ tìm biết tên của những loài hoa và hương thơm của nó. Ðời sống, thở trong mộng tưởng có thể được nhận ra là như thế.
Tôi hỏi Chi:
- Em có một cuộc chỉ không?
- Ðợi em một chút.
Một chút, thời gian đủ đẻ Chi trở vào bới trong đám đồ khâu của mình ra một cuộng chỉ, Chi thò đầu chỉ xuống. Nhưng thay vì cột chùm hoa vào, tôi lại cột cái ngón tay út của tôi.
- Rồi, kéo mạnh lên.
Khi biết là đầu chỉ đằng này là tôi chứ không phải là chùm hoa, Chi cười lớn:
- Anh làm như anh là... kiến không bằng.
Tôi cũng cười theo:
- Thì anh là kiến mà.
- Kiến gì?
- Kiến vàng. Kiến vàng hay đốt, đốt sưng vù hai mí mắt em luôn.
Chi giựt đầu sợi chỉ:
- Anh Huy xạo ghê.
Tôi đáp lại:
- Anh chi dễ thương ghê.
Ðầu sợi chỉ đã được gỡ từ ngón tay tôi buộc vào ngang thân cọng hoa. Tôi dặn Chi, nhẹ nhẹ thôi nha, coi chừng người ta rớt xuống thì tội nghiệp lắm đó. Nhìn cảnh tượng một người đúng trên cửa sổ với một bông hoa đang được “leo lên” bằng sợi chỉ, chắc là soeur giám thị chẳng ưa chút nào. Có thể tôi sẽ bị kêu cảnh sát tới bắt và có lẽ em Chi sẽ bị nhốt kín trong phòng, bị cấm ra khỏi nội trú cả tháng không chừng. Nghĩ thế, tôi chột dạ bèn dắt xe ra đứng ở đường nhìn lên.
Bây giờ cọng hoa đã leo lên được tới cửa sổ và Chi đang ngậm nó trong miệng. Trời ơi, dễ thương quá, tôi kêu lên khẽ như vậy và đưa tay vẫy Chi.
Chi cầm cọng hoa trên tay, nói vội:
- Anh chờ Chi một chút.
Một chút sau của Chi hơi lâu. Thời gian đợi Chi trở vào kiếm giấy và cây bút rồi ngồi hí hoáy viết gì đó xong xếp lại ở bờ cửa sổ.
Cầm một miếng giấy trên tay, Chi nhoài người ra khỏi cửa gọi tên tôi thật to:
- Anh Huy.
Miếng giấy được xếp lại thành hình một chiếc máy bay. Chiếc máy bay chẳng chở bom đạn mà chỉ chở một hàng chữ mựx anh, hẳn là một lời thật dễ thương. Chiếc máy bay giấy thoát từ những ngón tay của Chi, vút ra khỏi cửa sổ rồi chao lượn trên không. Tôi chờ cho nó lượn hết vòng sẽ rớt xuống để chạy tới lượm lấy. Nhưng nó không rớt xuống mà lại bay đi. Kỳ lạ quá kìa, tôi nhảy lên xe và gắng đạp theo. Hình như đang có một cơn gió lớn, chiếc máy bay giấy của Chi cưỡi gió cứ vậy là bay đi. Thỉnh thoảng nó lại chao lượn một vòng như tinh nghịch muốn trêu chọc kẻ đang đuổi theo nó. Cuối cùng, khi tôi gần đuổi kịp, chiếc máay bay giấy rớt xuống cài trên những đám lá của một bụi cây thấp. Tôi ngã vội chiếc xe đạp nhào tới gỡ lấy tờ giấy mở ra đọc ngấu nghiến:
Chúc anh Huy ngủ ngon
Và nhớ mơ thấy em Chi.
Ðã khuất xa mất khung cửa sổ phòng Chi, tôi cầm tờ giấy đứng ngẩn ngơ nhìn trời. Trời có đám mây trắng lường biếng ngủ sớm. Trời còn lại vạt nắng vàng cuối ngày nằm mệt mỏi trên những ngọn cây. Tôi nhét miếng giấy có hàng mực xanh vô túi rồi cắm đầu đạp miết. Một lúc sau bỗng thấy mình nhẹ tênh, thấy mình bay bổng và tan biến vào những cụm mây trên trời. Lúc ấy, những cụm mây trắng tan loãng ra, tỏa hương thơm ngát.
Khung cửa sổ phòng Chi vẫn khép kín. Khung cửa số ấy đã không bao giờ mở ra trước mắt tôi như trong mộng tưởng. Có lẽ một lần nào đó tôi sẽ chết. Tôi mong được chết trong cơn mộng tưởng ngọt ngào, để tôi còn sống hoài với thế giới không hơi thở của mình. Thế giới ấy, Chi sống trên đôi bàn tay tôi chụm lặi, khi mở ra như một khung trời. Bởi vậy, tôi sẽ không bao giờ sợ mất Chi.
Chiếc xe nặng nhọc đếm từng vòng trên đường về. Mọi thú lỉnh kỉnh đeo theo hình như trĩu xuống. Ở lưng chừng một con dốc tôi muốn vứt tung chúng đi hết. Khi về đến nhà Trường thì đôi chân mỏi nhừ, muốn gãy rời từng khúc, tôi đẩy chiếc xe cho Chúc dắt vào. Con bé hỏi vài câu gì đó tôi chẳng kịp nghe, và cô ta lục tung mọi thứ tôi chở về.
- Anh Huy coi bộ mệt phờ người.
Liên khui cho tôi một hộp nước trái cây. Tôi nói, cái đau của Liên hồi nãy nó chạy sang tôi rồi đấy. Trường đẩy tôi lên nhà, cậu ở đây ăn cơm, lát tôi đưa về.
Ngả dài lưng trên chiếc ghế rộng ngoài ban công, buông thõng tay chân và nhắm nghiền mắt, tôi nghĩ, có lẽ chủ nhật tới tôi phải đến với Chi.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks