Chương 8


Thứ ba, 12.07.2005 Đêm qua chúng tôi ngủ tại nhà ông anh. Hôm nay cô chú tôi về Bắc lại. Mọi người đang ngồi kiểm tra lại mọi thứ mua sắm cho cô chú tôi. Các thứ thuốc men, bánh mứt, đồ khô, quần áo, giầy dép, ... thật là lỉnh kỉnh, nhiều quá, không biết hai ông bà có xách nổi không.
Thu xếp hành lý xong, chúng tôi ngồi uống trà chuyện trò với nhau lần cuối. Đến giờ này, chúng tôi chỉ nói những chuyện quanh quẩn về gia đình, người thân trong dòng họ trong cũng như ngoài nước chứ chẳng quan tâm gì đến chuyện khác. Hôm nay sắp về, cô chú tôi muốn tôi kể cho hai ông bà nghe thêm về đời sống Âu châu, nhất là bên Đức, nơi phần đông người trong gia tộc chúng tôi đang sinh sống.
Tính cô chú tôi rất hiền. Mang tiếng là đảng viên cộng sản kỳ cựu nhưng thực ra chẳng có vẻ gì là cộng sản Liên Xô, Trung Quốc ngoài tính thương người tự nhiên theo kiểu Việt Nam mà ai cũng có. Tuy nhiên do thói quen, chú tôi hay đặt những câu hỏi mang tính chính trị. Ví dụ như bây giờ đang ngồi nói chuyện với nhau, ông nghĩ, ở châu Âu, chủ hãng, kỹ sư, bác sĩ rất giàu có, còn người lao động đơn giản, nhà nông vẫn nghèo rách mồng tơi; xã hội đầy giai cấp, giàu nghèo chênh lệch, rất bất công. Người giàu ở nhà sang cửa rộng, có xe hơi, TV, tủ lạnh, ăn xài thoải mái, có tiền đi du lịch, con cái được ăn học đàng hoàng, có tiền đi bác sĩ, mua thuốc men mỗi khi đau ốm, còn người nghèo thì chết, không ai lo, làm việc cùng cực không đủ ăn. Nhiều kẻ vô gia cư phải ăn xin, ngủ ngoài đường.
Tôi hỏi, tại sao chú biết vậy? Ông trả lời, trong sinh hoạt Đảng, chính trị viên nói vậy.
Tôi bảo, người chính trị viên ấy nói dối hoặc không biết gì.
Ở châu Âu, người thu nhập càng cao, càng bị đánh thuế cao. Chính phủ sẽ lấy thuế để tái phân phối cho người nghèo và dùng cho các tiện ích xã hội.
Tôi lấy mẹ tôi làm ví dụ. Bà cụ đã về hưu. Khi xưa bà chỉ làm việc ở Việt Nam, còn ở Đức thì không vì bà bị bệnh phong thấp kinh niên; bác sĩ cấm không cho làm việc. Bà không làm việc, nên không đóng bảo hiểm hưu trí, nhưng nhà nước vẫn công nhận việc làm của bà ở Việt Nam là sức lao động của bà và trả lương hưu cho bà. Tiền hưu ít, nhà nước bù thêm để bà đủ sống. Mỗi tháng bà lãnh được gần 900 Euro, đủ trả tiền nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm, … Ngược lại, con cái bà có công ăn việc làm thì phải đóng thuế. Có người 30%, thậm chí có người 40-50% do còn độc thân và thu nhập cao. Thu nhập cao nhưng bị đóng thuế nhiều quá thành thử lương bỏ túi của mình cũng không hơn của người khác là bao.
Nhìn chung, xã hội quân bình, không có tầng lớp quá giàu, quá nghèo. Ai cũng có chỗ ăn chỗ ở. Đừng thấy thỉnh thoảng có người ăn xin ngoài đường mà tưởng đó là người vô gia cư. Không đúng. Họ có chỗ ở được nhà nước cấp nhưng họ thích sống lang thang, xin tiền uống rượu, hút thuốc. Gặp cảnh sát, họ lại bị đem về nhà và bị cấm không được ngủ ngoài đường.
Đời sống ở xứ tư bản Âu châu là vậy. Cái cần thiết được nhà nước đảm bảo. Cái không cần thiết mà cá nhân có nhu cầu, thì phải tự bỏ tiền túi ra sắm. Âu cũng là lẽ tự nhiên. Người giàu sắm được TV, tủ lạnh, xe hơi, người nghèo cũng sắm được. Một anh công nhân lao động chân tay cũng có thể sắm một chiếc Mercedes giống anh kỹ sư, nếu anh ta thích đi Mercedes và biết dành dụm như anh kỹ sư. Hoặc anh ta vẫn có thể đi du lịch hằng năm giống ông bác sĩ, nếu anh ta thích và biết dành dụm như ông bác sĩ. Dân lao động ngoại quốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, … là những trường hợp điển hình. Họ vẫn thường về quê hương du lịch hàng năm.
Vì xã hội không có sự khác biệt lớn, cho nên không có giới trưởng giả, giới bần cùng. Chẳng hạn như ở Đức, ông tổng thống đi làm bằng xe bus là chuyện bình thường. Dân biểu ở nhà thuê là chuyện bình thường. Ông thủ tướng chưa chắc đã có ngôi nhà tư đồ sộ như nhà anh V. đây.
Những nhân vật lãnh đạo bên kia thực ra cũng là người bình thường. Cuối tuần cũng phải tự đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn nhà cửa chứ không có ô sin như ở Việt Nam. Chính giới lãnh đạo, cán bộ cao cấp, thương gia giàu có ở Việt Nam mới là giới trưởng giả. Đi có xe đưa đón, về có người hầu hạ, nhà có hai ba người làm. Có ông nào tự mình ra chợ mua nổi một bó rau về cho vợ nấu ăn? Cô tôi liền la lên "Ối giời ơi. Con nói vậy là đỡ đấy. Mấy ông có thèm ăn cơm nhà đâu. Tối đến là rủ nhau đi nhậu. Nhiều ông say sưa về đánh đập vợ con. Có nhiều ông còn lăng nhăng …".
Ông chú tôi cũng hơi ngạc nhiên khi biết Tổng thống, Thủ tướng Đức mà bình dân đến thế. Ông hỏi tôi, ở Đức không có ô sin thực à? Tôi bảo không. Ông bảo, thực ra ở Việt Nam không chỉ có quan chức, người giàu mới có thể thuê người làm mà người trung bình cũng thuê được.
Ông nghe nói chủ hãng bên đó giàu lắm, bóc lột, đàn áp công nhân dữ lắm. Tôi kể, đồng ý rằng chủ hãng bên đó giàu, giám đốc lãnh lương cao. Nhưng được cái này mất cái khác. Họ có nhiều tiền, bù lại họ không có thời gian. Công nhân bình thường làm bảy tám tiếng mỗi ngày, còn họ 10 tiếng, 12 tiếng, có khi 15 tiếng, nhiều khi cuối tuần cũng phải làm việc kiệt sức trong khi người khác được nghỉ ngơi, giải trí. Hoặc họ phải xa gia đình, trong khi người khác được sum vầy với gia đình. Trách nhiệm của họ rất nặng. Nếu họ không cố gắng điều hành công việc, hãng có thể sa sút, có thể phá sản. Họ chết, công nhân cũng chết. Rốt cuộc họ cũng chẳng sung sướng gì. Bị stress, đau tim, tổn thọ. Thế nhưng có nhiều người thích vậy, thích tạo sự nghiệp. Đó là ý muốn của họ. Còn nói rằng bóc lột công nhân, thực ra không dễ. Ở châu Âu có công đoàn, có luật lao động nghiêm khắc, chứ không như ở Việt Nam, công nhân bị bóc lột khủng khiếp, nhiều khi còn bị xúc phạm đến nhân phẩm, bị đánh đập. Chẳng hạn chủ hãng Đài Loan, Đại Hàn hay đánh công nhân Việt Nam. Ở bên kia không có chuyện này. Chủ mà đánh công nhân vào tù ngay. Vừa ở tù vừa phải bồi thường rất nặng.
Ông chú tôi bị bệnh nan y đường ruột. Ông kể, mặc dầu có thẻ bảo hiểm sức khỏe nhưng trên thực tế, bác sĩ, y tá thường không nhiệt tình với người nghèo như ông. Muốn được chữa trị tốt hơn, phải có tiền. Ông hỏi tôi, bên Đức ra sao? Tôi giải thích, ở Đức, mọi người đều có bảo hiểm sức khỏe. Nếu không có tiền, chính phủ sẽ đóng cho. Người đi làm đóng phân nửa, hãng trả phân nửa. Con cái tự động được hưởng bảo hiểm của cha mẹ mà không phải đóng thêm. Người vợ hoặc người chồng cũng được vậy, nếu trong nhà chỉ có một người đi làm. Người có thu nhập càng cao, càng đóng nhiều. Chính những người này mới trả thêm một ít tiền tượng trưng cho thuốc men, còn người nghèo được miễn phí hoàn toàn. Đã có bảo hiểm sức khỏe luật định thì ai cũng được chữa trị giống như nhau, không phân biệt. Nếu chú ở Đức, chú sẽ được chữa trị đến nơi đến chốn, tốn kém đến bao nhiêu, chú vẫn không trả một đồng xu.
Ngồi kể chuyện về đời sống Âu châu, cô chú tôi say mê lắng nghe. Nói đến xã hội tư bản, xưa nay, hai ông bà - hai cán bộ với bốn năm chục tuổi đảng đã về hưu - chỉ biết đó là xã hội bất công, giàu nghèo chênh lệch, giai cấp công nhân bị bóc lột đến tận xương tuỷ, cho nên cần phải làm cách mạng đấu tranh giai cấp để diệt trừ tư bản thì mới mong thoát khỏi áp bức, bất công. Ông chú tôi bảo, nhờ chúng tôi về đây kể, ông bà mới hiểu tại sao xã hội tư bản Âu châu bình đẳng, đời sống người dân sung túc, người Việt có tiền gửi về cho thân nhân, có tiền về Việt Nam du lịch, … Hoá ra, Đức mang tiếng là xứ tư bản, nhưng thực chất lại là cộng sản, còn Việt Nam thì ngược lại. Tôi hỏi đùa chú tôi, chú có muốn nước Việt Nam mình được vậy không, tư bản đấy? Ông trả lời ngay, muốn chứ, chính Bác Hồ cũng muốn một nước Việt Nam độc lập, ấm no, hạnh phúc như thế.
Đã đến giờ tiễn đưa cô chú tôi về Bắc. Gặp gỡ là chia tay. Cô tôi lại khóc. Nhưng bà đã mãn nguyện. Chú tôi dặn dò, hãy giữ tình cảm gia đình, quyến thuộc thật êm đẹp, đừng để sự khác biệt ý thức hệ chi phối. Bác Hồ từng khuyên không phân biệt chính kiến, lập trường, miễn là yêu nước; tất cả phải đoàn kết để mà xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.
* Chiều, chúng tôi sẽ ở lại trung tâm thành phố. Bà xã tôi và mấy đứa nhỏ muốn ở nhà chơi với gia đình. Tôi có hẹn với anh bạn dưới phố.
Sài Gòn vào giờ tan sở, khoảng năm sáu giờ chiều, đường sá mọi nơi đều kẹt cứng xe. Hầu hết là xe hai bánh. Trước đèn đỏ, xe và xe nối đuôi nhau chực chờ chuyển bánh. Mùi khói xe nồng nặc. Nhiều người phải mang khẩu trang. Đèn xanh vừa bật, cả đàn xe rồ ga phóng chạy như một đàn kiến vỡ tổ. Tất cả đua nhau phóng thật nhanh như thể muốn thoát ra khỏi đàn kiến đặc nghịt. Đến ngã tư kế, lại gặp đèn đỏ, cả đàn ngừng lại.
Ðúng giờ cao điểm, ở các góc đường đông xe đều có cảnh sát đứng gác: cảnh sát áo vàng, cảnh sát áo xanh, cảnh sát công lộ, cảnh sát điều khiển đèn xanh đèn đỏ. Chưa thấy nơi nào trên thế giới cần nhiều loại cảnh sát điều khiển giao thông như vậy. Ngoài ra còn có thêm thanh niên xung phong mặc quần áo xanh đứng trên lề phất cờ ra lệnh người lái xe phải lui xe lại, không được chạm vào đường dành cho người đi bộ.
Chỗ nào không có cảnh sát, chỗ đó lại có người vượt đèn đỏ. Có những đường kẹt cứng, xe không tiến được, bèn leo lên lề. Thấy bóng cảnh sát, xe lại len xuống đường. Xe chạy thẳng không sao, còn muốn rẽ là cả một vấn đề. Xe hơi ở làn đường bên ngoài muốn rẽ phải, phải bấm còi inh ỏi, lích nhích từng chút một, len vào làn đường xe hai bánh; không một xe gắn máy nào chịu nhường, vẫn thản nhiên lạng tránh. Phải mệt lắm tài xế xe hơi mới rẽ được. Rẽ trái tựa vậy, xe ngược chiều cũng không chịu nhường, phải lích nhích từ từ mới rẽ được. Người lái xe hơi nào cũng biết, muốn rẽ trái, phải rẽ thẳng góc, vì rẽ xéo rất nguy hiểm. Thế nhưng phương pháp này không áp dụng được ở Việt Nam. Ở Việt Nam mọi xe hơi đều rẽ xéo theo phương pháp "lấy thịt đè người" nhờ to lớn khiến xe gắn máy sợ, phải tránh. Xe gắn máy nhỏ không được lợi điểm này, khi quẹo trái bao giờ cũng bị xe ngược chiều lấn áp không thương tiếc.
Cách chạy xe gắn máy ở Việt Nam có một bài bản không nơi nào có. Nguyên tắc rất đơn giản. Lấn được thì cứ lấn. Chạy thẳng không được thì lách. Lách sang trái không được thì sang phải. Lách không được thì leo. Thấy chỗ nào trống thì cứ đâm vào. Cứ làm vậy là sẽ tiến được một chút. Một giải pháp coi dã chiến vậy mà rất hiệu nghiệm.
Anh lái Honda ôm chở tôi bị cảnh sát thổi lại. Tôi đứng xa nhìn anh nói chuyện với cảnh sát, chẳng hiểu có chuyện gì. Vài phút sau anh quay lại than phiền, anh bị phạt. Ðút lót 10.000 cũng xong.
* Tôi gặp anh bạn L. trước văn phòng Vietnam Airlines ngay khu Rex. Trời Sài Gòn đã xế chiều mà vẫn còn oi bức. Tôi rủ anh đi uống nước. Chúng tôi nhờ anh tài xế Taxi chở ra một quán đồng quê ở ngoại ô ngồi cho mát mẻ. Anh đề nghị chúng tôi tới quán Hai Lúa gần chợ Bến Thành, không cần phải đi xa. Ở đó cũng có không khí thôn dã miền Nam, cũng mát mẻ vì trời cũng sắp mưa rồi. Nhìn bầu trời đầy mây đen, chúng tôi cũng gật đầu.
Quán Hai Lúa nằm ở đường Ký Con quận 1. Lối trang trí đượm vẻ đồng quê với những gốc dừa, bụi tre, chòi tranh, vách lá. Hầu hết tiếp viên nam lẫn nữ đều mặc quần áo bà ba. Phụ nữ giữ chức vụ cao mặc áo dài; nam thì mặc quần tây, áo sơ mi, thắt cà vạt lịch sự. Quán đông khách. Đa số ngồi ngoài sân. Một số ít ngồi trong phòng máy lạnh.
Chúng tôi chưa đặt gì hết, một cô tiếp viên đã đem ra vài món khai vị: cóc lát, bắp rang mỡ hành, đậu chua. Ngồi uống bia nhấm nháp mấy thứ này kể cũng vui. Đặc biệt là món cóc lát, mới thấy lần đầu. Cóc xắt lát, ngâm dấm, thêm tí tôm khô, na ná như món tôm khô củ kiệu vậy.
Ông anh tôi tới. Trời đổ mưa to. Khách vội vã chạy vào chòi. Không khí mát dịu hẳn. Ngồi thảnh thơi, lai rai, nghe mưa gõ lộp độp trên mái tranh, thật thú vị.
Mưa lớn quá, chỉ dăm mười phút, nước đã ngập sàn. Tội nghiệp mấy chị tiếp viên, vừa vén quần, vừa bưng thức ăn, mưa ướt hết cả người. Cô nào cô nấy mang đôi guốc đế cao quá cỡ. Chắc là để đi trong nước ngập. Các chị ở đây đều nói tiếng Nam rặt, có duyên, lễ phép và vui tính.
Biết khai thác bản sắc miền Nam làm du lịch là đúng. Chính bản sắc này du khách Tây phương mới thích vì lạ. Khách nước ngoài tới đây khá đông.
Hôm nay là ngày cuối, quán sẽ đóng cửa, dời lên khu Thuận Kiều - Chợ Lớn, cho nên có văn nghệ và xổ số. Nhạc hơi sến, nhưng tôi chẳng quan tâm. Ngồi nói chuyện với mọi người vui hơn, nhất là với tiếp viên để tìm hiểu họ ra sao.
Tôi có đọc đâu đó một bài báo phê bình các quán loại này. Người viết kể phụ nữ muốn được tuyển chọn phải đẹp, ăn nói có duyên, phải có thân hình đầy đặn, mặc áo bà ba bó sát, hở eo khiêu gợi.
Tôi cho rằng lời phê phán ấy có lẽ hơi quá đáng. Tiếp viên ở đây ăn mặc vậy là bình thường. Từ xưa đến giờ, chiếc áo ba ba hay chiếc áo dài đều phải xẻ bên eo để tránh bị rách khi ngồi xuống. Các loại áo này nhiều khi cũng bó, tuỳ người thích hay không. Tựu trung, chẳng có gì đáng phê phán. Đáng phê phán chăng là lối ăn mặc kiểu Tây hở hang ở nhiều quán nhằm "câu khách" đàn ông. Du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam, họ thích chiếc áo dài, áo bà ba của Việt Nam vì lạ. Quần tây, áo đầm đối với họ rất bình thường, không có gì đặc sắc. Vả lại dáng người Á châu mặc Âu phục khó đẹp bằng người Tây phương.
Thứ tư, 13.07.2005 Sáng nay cả gia đình bên vợ tôi đi Tây Ninh chơi. Tôi có hẹn, phải ở lại Sài Gòn.
Sau nhiều năm, tôi lại gặp nhóm khoa học đã quen thời 1993 và được mời trao đổi về lĩnh vực kỹ nghệ hoá, tự động hoá. Đây không phải lần đầu. Trong khoảng thời gian 1993-1994, về Việt Nam làm việc, tôi đã được nhiều dịp thảo luận, song mọi việc chẳng đi đến đâu. Tôi hơi thất vọng về cách làm việc chỉ nói cho có để chứ chẳng giải quyết được gì.
Phải nói rằng, tiếp xúc với giới khoa bảng Việt Nam, lần nào cũng vậy, tôi đều gặp hai tính chất hoàn toàn trái ngược: lý thuyết và thực tế, lạc quan và bi quan, tự kiêu và mặc cảm, ... Ở Việt Nam cho đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn không thiếu các vị giáo sư tiến sĩ nói rất hay, mang nặng lý thuyết chính trị nhiều hơn kiến thức khoa học, lạc quan, tự cao tự đại Việt Nam không thua ai, thậm chí làm được những cái mà dân tộc khác không làm được. Ngược lại, có nhiều vị cho rằng, Việt Nam còn chậm tiến, lạc hậu mà giới khoa bảng, lãnh đạo giáo điều không nhìn thấy, hoặc có nhìn thấy nhưng vẫn tự an ủi bằng cách này hay cách khác, hoặc không muốn nhắc tới. Đương nhiên đối với khả năng nhận thức của con người bình thường, cái suy nghĩ của giới trí thức trường hợp sau thực tế hơn. Song nói gì thì nói, hai bên vẫn không gặp nhau, không thể đoàn kết thống nhất tư tưởng để làm được điều thực tiễn.
Theo kinh nghiệm của tôi, dẫu biết khó hy vọng được người ở đây lắng nghe "ý kiến Việt kiều", nhưng hôm nay được mời, tôi vẫn dành chút thời gian trao đổi với mọi người như một hình thức trò chuyện cho vui vậy thôi, chứ chẳng trông mong gì cả.
Dịp về lần đầu tiên, năm 1993, tôi đã được hướng dẫn đi thăm nhiều đại học, nhà máy. Theo nhận xét của tôi, trình độ kỹ thuật Việt Nam còn rất yếu, cần phải được cải thiện thật hiệu quả và nhanh chóng, còn không càng ngày sẽ càng bị thế giới bỏ xa.
Tất nhiên ngoài yếu tố văn hoá, không có một quốc gia dân tộc nào có thể tiến bộ mà không cần đến kỹ thuật. Cải thiện tính tiến bộ không những về phương tiện, tri thức mà còn cả con người, và thậm chí yếu tố đó mới là quan trọng nhất.
Để xây dựng con người tiến bộ, cần phải giáo dục con người sống văn minh, đề cao tính trung thực, tính kỷ luật, biết tôn trọng luật lệ, quy ước, tinh thần trách nhiệm, sở hữu cái tâm tốt. Những điều này không chỉ có giá trị đối với dân khoa học, kỹ thuật thuần tuý mà còn đối với quần chúng nói chung.
Tôi lấy vấn đề giao thông làm ví dụ cụ thể. Lần đầu tiên về Việt Nam, chúng tôi được ở cư xá Thanh Đa, nơi dành riêng cho chuyên gia Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, ... Mỗi ngày vào phố làm việc, đường đã xa lại hay bị kẹt xe vì xe Honda nhiều quá. Nhận thấy bầu không khí đầy khói xe, bụi bặm, cộng với nạn giao thông mất trật tự, chúng tôi gợi ý mọi người nên hạn chế xe hai bánh, hãy tập trung phát triển phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như xe bus, xe điện mà các xứ Âu châu thường làm. Ban đầu chưa có tiền thì phát triển công nghiệp xe bus, còn xe điện để làm sau. Chúng tôi sẽ giới thiệu đối tác đầu tư và cố vấn kỹ thuật. Song rất tiếc là đại đa số không đồng tình bằng các lý lẽ đại để như trong hoàn cảnh Việt Nam hiện thời, đi xe bus bất tiện, xe điện đầu tư tốn kém, xe Honda rẻ, hợp với túi tiền của người dân, tiện lợi, dễ di chuyển, có thể đậu xe trước nhà, đi xe bus phải ra trạm chờ đợi mất công, v.v. và v.v.
Biết ý kiến đơn độc của mình không thể thắng đa số, chúng tôi vẫn khuyến cáo mọi người bằng những phân tích như sau. Một là cho dân đi xe gắn máy có nghĩa là vô tình dạy cho dân sống dã chiến, luồn lách, giải quyết vấn đề một cách dã chiến, có tính tiện lợi tức thì. Hậu quả tất yếu sẽ là thiếu tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy ước. Một khi tính dã chiến đã thấm vào máu con người thì khó mà gột rửa. Con người vẫn mãi tủn mủn, khôn vặt, vô bài bản, làm ăn chụp giật, kém chất lượng, không làm được chuyện lớn, chuyện khó. Tính dã chiến là kẻ thù của sự phát triển vĩ mô có bài bản với trình độ cao. Nó là kẻ thù của sự công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hai là cho dân đi xe gắn máy có nghĩa là vô tình dạy cho dân làm ô nhiễm môi trường một cách vô thức. Ba là nếu phát triển công nghiệp xe hai bánh, lượng xe ngày càng tăng, sẽ không còn đất giao thông; những vấn đề tiêu cực vừa kể càng trở nên trầm trọng.
Chúng tôi còn khuyến cáo thêm rằng dân Sài Gòn đông quá, cần giãn dân ra ngoài, mở rộng đô thị thật nhanh, nhưng phải để ý đến yếu tố văn hoá, truyền thống gia đình, đừng quá máy móc như xã hội Tây phương.
Hôm nay, sau 12 năm, gặp lại, có người nói những ý kiến ấy đã được nhà nước thực hiện. Hiện nay nhà nước đang cố gắng giảm bớt xe hai bánh, phát triển phương tiện giao thông công cộng như xe bus, và sắp tới đây Sài Gòn sẽ có xe điện ngầm. Thành phố đã được mở rộng đáng kể.
Phải công nhận điều đó đúng, nhưng muộn, và cách giải quyết vấn đề phần nào cũng mang tính chữa cháy, đợi nước đến chân mới nhảy, thiếu tầm nhìn xa, thiếu bài bản tổng quát cho tương lai lâu dài. Chẳng hạn, vì nhận thấy lượng xe tăng quá nhanh, đường sá trở nên chật hẹp, người ta bèn nghĩ ra biện pháp giải toả, cắt bớt nhà dân để mở rộng đường. Tiền đền bù lớn hơn tiền xây dựng rất nhiều mà đáng lý nên dùng vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu dân cư mới. Rõ ràng đó không phải là một giải pháp tối ưu.
* Sau buổi hội thảo, chúng tôi đi dạo một vòng. Nhìn thấy một chiếc xe bus đậu ngoài sân, tôi tò mò đến xem. Ông bạn giáo sư giải thích xe này do hãng Transinco của Việt Nam đóng. Nhìn kỹ chiếc xe bus, kỹ thuật đóng thùng tuy có khá hơn xưa nhưng chất lượng vẫn kém (nước sơn, khung, mấu ráp, ốc, ... ). Phải nói, trong lĩnh vực chế tạo ô tô, khung xe là bộ phận dễ làm nhất nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được hoàn hảo, chưa thoả chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, v.d. tiêu chuẩn EU, muốn xuất khẩu, cạnh tranh, rất khó. Tôi chưa thấy Transinco đóng xe bus thế nào nhưng tôi đoán, có lẽ kỹ thuật đóng khung xe vẫn còn mang tính thủ công hơn là dùng máy ép, máy cắt NC & PLC và hàn bằng robot.
Ông bạn thừa nhận, trình độ kỹ thuật Việt Nam vẫn chưa cao, vẫn chưa thể tự sản xuất hoàn toàn một chiếc xe Honda, một chiếc xe hơi, chủ yếu vẫn còn lắp ráp. Chiếc xe bus, Việt Nam chỉ đóng thùng, còn máy móc đều của Hyundai.
Tôi biết Hyundai. Họ là khách hàng của Siemens mà chúng tôi đang cố vấn kỹ thuật. Kỹ thuật Hyundai không khá như BMW, MAN, Mercedes, bù lại, sản phẩm giá phải chăng. Hyundai hiện đang làm ăn phát đạt ở Việt Nam.
Không đủ trình độ kỹ thuật tự chế tạo, Việt Nam chỉ có thể làm công việc lắp ráp, gia công cho người khác. Đó là lẽ tự nhiên. Nên nhớ chủ đích của người Nhật, người Đại Hàn, người Đài Loan đầu tư vào Việt Nam là muốn khai thác sức lao động rẻ mạt của công nhân Việt Nam để kiếm lợi. Chẳng ai thiết tha đào tạo kỹ sư Việt Nam cho giỏi để tự chế tạo được chiếc xe hơi, chiếc Honda, chiếc xe đạp rồi đi cạnh tranh với họ. Không bao giờ. Chính phủ Việt Nam muốn những sản phẩm công nghiệp từng bước phải được nội địa hoá, cụ thể đến năm nào phải đạt được bao nhiêu phần trăm, đến năm nào phải chế tạo được cái máy. Tất cả đều là ảo tưởng. Không ai để cho mình làm như vậy. Họ thấy Sài Gòn, Hà Nội chạy xe càng hỗn loạn chừng nào, họ càng mừng chừng nấy. Càng dã chiến anh càng là con người chậm tiến, phi kỹ thuật, càng có lợi cho chúng tôi. Thực tế là vậy, sau hơn 10 năm, tỷ lệ nội địa hoá một chiếc Honda, một chiếc xe hơi, ... là bao nhiêu, có đạt chỉ tiêu đặt ra không, hẳn chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam đều biết.
Một ông giáo sư đảng viên rất tự hào rằng, Việt Nam đã đóng được tàu và chế được robot, không thua ai. Tôi vốn không thích tính tự hào, tự mãn, liền lên tiếng, Việt Nam chúng ta mới chỉ đóng được cái vỏ tàu chứ chưa chế được cái máy tàu. Còn robot, tôi không tin Việt Nam đã chế được motor, đó mới là cái chính. Chừng nào chế tạo được những cái khó, mới đáng tự hào. Chúng ta cần có tinh thần biết nhìn thấy chỗ yếu của mình và biết cố gắng vươn lên.
Ví dụ về ngành cơ khí chế tạo, ngay từ đầu chúng tôi đã cố thuyết phục, phải bắt đầu ngay từ bây giờ, nghĩa là năm 1993, đầu tư tối đa, thành lập một trung tâm thẩm năng (center of competence) kiểu mẫu cho ngành này. Phải cấp tốc đưa kỹ thuật điều khiển và tự động hoá (control & automation technique) tiên tiến nhất vào. Ban đầu chưa có tiền thì làm nhỏ, rồi từ từ mở rộng. Sắm đủ mọi máy: máy tiện, máy mài, robot, ... mỗi thứ một ít, kể cả máy đa năng (Verarbeitungszentren), hệ thống dây chuyền. Cấp tốc đào tạo chuyên viên ứng dụng kỹ thuật NC, PLC, kỹ thuật thiết kế máy, quản lý dự liệu kỹ thuật, … với CAD, CIM, CAM, ... Xây dựng một đội ngũ nghiên cứu, theo sát tình hình công nghệ thế giới về kỹ thuật chế tạo, thăm dò thị trường, thậm chí cả chiếc máy, software, hardware mua về, chức năng, năng suất thế nào, kỹ thuật ra sao, có dùng được cho ứng dụng OEM của mình không, chỗ nào bán rẻ, Siemens hay Fanuc, Trumpf hay Index, Heller, v.v. và v.v. Trung tâm thẩm năng này rất có lợi. Nó vừa là chỗ thử nghiệm sản xuất prototypes, vừa là chỗ làm ra sản phẩm đơn lẻ đủ đáp ứng nhu cầu chưa cao trong nước, vừa là chỗ nghiên cứu thử nghiệm của giới khoa học, kỹ thuật, chỗ rút kinh nghiệm của kỹ sư, chỗ làm luận án, thực tập của sinh viên, chỗ đào tạo thợ chuyên môn. Nói ngắn gọn, đây là nơi vừa có thể sản xuất những mặt hàng không có tính hàng loạt để tự kinh doanh nuôi sống mình, vừa là lò đào tạo nhân tài một cách thực tế và hữu hiệu. Hãy tưởng tượng nó như một nhà máy nhỏ có đủ kỹ thuật tiên tiến nhất. Tôi lấy hãng Z&B (Zirsch & Balrusch) làm ví dụ.
Z&B là một hãng chuyên chế máy mài của Đức. Hãng có khu đổ thép, đúc đế, đúc bộ phận thô. Đồ đúc xong được đưa vào khu tiện, khoan, mài, ... để ra những phụ tùng thực thụ. Kế tiếp, mọi thứ được đưa qua khu lắp ráp theo sơ đồ. Công việc tính toán, thiết kế chế tạo, lắp ráp mô hình đã có văn phòng kỹ sư nghiên cứu, thực hiện trước đó với đủ phương tiện cần thiết: software, hardware, ... Tất nhiên nhà máy không thể chế ra đủ loại bộ phận từ A tới Z mà cần phải mua ở những nơi khác miễn thoả yêu cầu chất lượng, rẻ, vận chuyển nhanh, đúng hẹn: ốc vít, đây điện, ống dẫn dầu, kiếng, van, v.v. Ráp xong mọi thứ, chỉ còn thiếu cái vỏ bên ngoài. Hãng Z&B có một khu chuyên làm vỏ, sơn và dán nhãn hiệu. Sau khi đã được thử chức năng ở từng khâu lắp ráp trước đó, máy sẽ được đưa vào thử lần cuối với những chương trình NC, PLC để làm ra sản phẩm, ví dụ, mài con dao mổ, mài cái kéo, mài cái piston, ... Xong tất cả mọi khâu, chiếc máy mài sẽ được đóng thùng vận chuyển đến người đặt hàng.
Để có một nhà máy như thế, người quy hoạch biết sẽ cần những thứ gì.
Z&B không phải là một nhà máy lớn, chỉ có khoảng 100 nhân viên, nhưng có khả năng làm ra cái máy mài tốt nổi tiếng hàng đầu thế giới xưa nay. Một nhà máy cỡ nhỏ ấy, Việt Nam thừa khả năng làm.
Nếu năm 1993, Việt Nam biết đầu tư xây dựng một trung tâm thẩm năng kiểu mẫu như vừa kể, thì bây giờ, sau 12 năm, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã khá lắm rồi, Việt Nam đã có khả năng nội địa hoá chiếc xe hơi, xe gắn máy, ... Nhà nước dám bỏ hàng tỉ đô la đầu tư vào nhà máy lọc dầu Dung Quất, chưa biết lợi thế nào, tại sao không dám đầu tư thành lập một trung tâm thẩm năng để đào tạo nhân tài, để làm chủ được kỹ thuật cao như Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc từng làm với sự cố vấn của kiều bào chuyên về ngành ấy. Trường hợp Việt Nam không khác. Nếu gặp khó khăn về chuyên môn, tại sao không nhờ kiều bào giúp một tay? Có biết bao nhiêu chuyên gia người Việt đang làm việc cho các công ty tiên tiến nhất thế giới về lĩnh vực này.
Nhu cầu vận chuyển ở Việt Nam trong tương lai còn rất lớn. Riêng về đường bộ, phải kể đến các phương tiện như xe hơi, xe vận tải, xe điện, xe bus, ... Đây là nhu cầu để phát triển một ngành công nghiệp cơ khí quy mô. Thế nhưng Việt Nam chưa có kinh nghiệm, cho nên tốt nhất là nên bắt đầu từ cái nhỏ, ví dụ như hình thức trung tâm thẩm năng, để rút kinh nghiệm rồi sau đó mở rộng dần thành những nhà máy sản xuất hàng loạt. Muốn sản xuất hàng loạt, phải nghĩ đến tự động hoá. Chẳng hạn khách hàng đặt làm 1000 bộ phận và một tháng sau phải giao hàng, người thợ không thể tiện, mài, ... từng cái bằng tay, rất lâu, khó đồng đều, mà phải sử dụng máy tiện, máy mài có kỹ thuật NC. Chỉ cần viết một chương trình NC đưa vào máy, máy sẽ tự động làm thay cho người. Nhanh chóng và chính xác.
Việt Nam không nên đứng mãi ở vị trí chỉ biết làm những cái dễ mà phải biết vươn lên, chế tạo được sản phẩm phức tạp. Điều này đòi hỏi càng nhiều máy móc tương ứng và nhất là tri thức cơ khí chế tạo của kỹ sư. Kỹ sư phải biết chế tạo một sản phẩm mới giống như lập trình vậy. Thời xưa, muốn thiết kế một một sản phẩm, phải nói là rất cực. Phải tự tính bằng tay, vẽ bằng tay, gôm xoá, ... rất mất công. Thời nay đã có sẵn chương trình, có thể vẽ thẳng trên máy, muốn tính gì, chỉ cần đẩy thông số vào là xong, rất nhanh chóng, tiện lợi. Người kỹ sư có thể ngồi thử tới thử lui, làm giả (simulate) mô hình trên máy. Đến khi vừa ý, anh ta có thể biến kết quả thành một chương trình NC, đưa thẳng vào máy cho chế tạo thử vật dụng vừa thiết kế, xem mặt mũi nó ra sao. Tất nhiên cũng cần sửa đổi. Phương pháp MDA cho phép làm công việc này trực tiếp nơi máy. Rất tiện lợi.
Nói chung, ngày nay, kỹ thuật cơ khí chế tạo đã tiến rất xa, thế nhưng không phải vì thế mà càng phức tạp, ngược lại, nhờ ứng dụng tin học, mọi thứ đã trở nên giản tiện. Người kỹ sư không còn mất nhiều thì giờ cho khâu tính toán mà là sáng tạo. Đó là cái chính. Kỹ sư Việt Nam đừng quanh quẩn mãi ở chuyện chỉ biết đóng cái khung xe, thậm chí phải theo thiết kế của Hyundai chứ không được khác, rồi lấy cái motor của Hyundai ráp vào, thế là xong. Tầm thường quá. Người kỹ sư Việt Nam hôm nay phải biết sáng tạo ra cái khung xe khác tốt hơn, đẹp hơn, phải biết sáng tạo ra cái motor khác tốt hơn, bền hơn cái motor của Hyundai.
Chiếc xe bus trước mặt vô tình trở thành một đối tượng khiến tôi không hài lòng. Một chất lượng không khác chất lượng "Made in China". Sau nhiều năm, trình độ kỹ thuật Việt Nam vẫn còn kém. Lập tức, có người tỏ vẻ khó chịu, đặt tôi câu hỏi, "Đồ Việt Nam kém thật, còn anh ở Đức chắc anh biết người Đức có bí quyết gì để làm đồ ‘Made in Germany’ tốt nổi tiếng thế giới, đúng không?". "Đồ ‘Made in China’ kém là vì sao?".
Biết tính phê phán bộc trực của mình thiếu tế nhị, làm phật lòng người khác, tôi liền xin lỗi mọi người và không nói nữa. Một ông bạn cố tạo bầu không khí vui tươi trở lại. Ông mời mọi người đến gốc cây có bóng mát gần đó, kêu người cho xin nước uống, và xin mọi người cho tôi nói tiếp.
Tôi trả lời nhỏ nhẹ rằng "Người Đức không có bí quyết gì ngoài tinh thần trách nhiệm, khả năng biết phân biệt giữa sự thật và ý kiến và biết xem trọng cái đúng, còn người Trung Quốc kém hơn". Ông bạn hỏi "Nghĩa là sao?". Tôi dè dặt bảo, tôi muốn giải thích nhưng xin đừng nghĩ tôi có ý đề cao người Đức mà xem rẻ người khác bởi vì ai cũng có mặt xấu mặt tốt. Nhiều người bảo tôi cứ tự nhiên. Và tôi giải thích như sau.
Người Đức có một bản tính là rất chính xác, rất kỷ luật và có tinh thần trách nhiệm tự giác trong công việc. Khi làm một việc gì, họ sẽ cố gắng làm thật tốt như thể đang thực hiện một tác phẩm nghệ thuật; phải hoàn hảo, họ mới hài lòng.
Tính chính xác của người Đức có được là nhờ tính trung thực, khách quan. Khi đánh giá một cái gì, họ phân biệt được một cách dễ dàng, đâu là sự thật (Fakten, facts), đâu là ý kiến (Meinungen, opinions). Sự thật bao giờ cũng đúng, còn ý kiến thì chưa chắc. Nó có thể đúng với mình nhưng chưa chắc đã đúng với người khác và không thể bắt người khác phải đồng ý với mình. Trẻ con Đức đã được giáo dục như thế từ lúc mới bước chân vào vườn trẻ. Phô mai làm bằng sữa. Đúng. Đó là sự thật khách quan. Phô mai thì ngon. Chưa chắc. Đó chỉ là ý kiến chủ quan. Phô mai có thể ngon đối với mình nhưng chưa chắc đã ngon đối với bạn mình.
Người Trung Quốc khác. Một mặt họ hay lẫn lộn giữa sự thật và ý kiến, mặt khác dễ chấp nhận ý kiến người khác do vị nể hoặc sợ bị phiền phức. Nhiều khi một vị lãnh đạo rõ ràng đã làm điều sai trái, nhưng người dân vẫn chấp nhận, không dám cãi, sợ phiền phức, không dám bênh vực sự thật. Một con người với một tinh thần như thế thì làm cái gì cũng méo mó, làm cho có là lẽ tự nhiên.
Tôi kể mọi người nghe một câu chuyện.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã gửi rất nhiều người sang Đức tu nghiệp về ngành cơ khí. Họ thực tập, làm những việc phụ giống người học nghề trong công xưởng chế tạo máy. Ví dụ làm prototype một bộ phận của một cái máy đang được nghiên cứu. Thường thường phòng nghiên cứu giao việc này cho ông thợ cả (Meister).
Có một dịp có một nhóm người Trung Quốc sang thực tập. Ông thợ cả giao việc này cho họ và hỏi kỹ họ có thể làm cho ông những món hàng này, đúng kích thước này theo hoạ đồ này được không. Các anh Trung Quốc hồ hởi, khẳng định mình làm được. Thấy lòng nhiệt thành của người Á châu, ông thợ cả vui mừng đặt hết niềm tin vào họ. Đến khi giao hàng cho phòng kỹ thuật, không biết các anh Trung Quốc làm thế nào mà kỹ sư không thể ráp lọt các bộ phận vào với nhau, bèn trả lại ông thợ cả cùng với lời trách móc. Ông thợ cả phải tự tay đo lại mọi thứ và mới biết là không chính xác. Ông ta có lý để than phiền, tôi đã hỏi các ông có làm được việc này không, các ông nói "được", nhưng làm "không được", khiến tôi bị khiển trách.
Các anh Trung Quốc nghĩ ông thợ cả này hơi khó tính. Đối với ông như vậy không được nhưng đối với họ, vậy là được rồi, sai số không nhiều, đâu có sao.
Đó là một ví dụ điển hình cho thấy một sản phẩm bị méo mó vì bệnh lẫn lộn giữa sự thật và ý kiến. Một con ốc, đường kính, chiều cao, bao nhiêu vòng xoắn, sâu như thế nào là sự thật yêu cầu của hoạ đồ. Phải tiện đúng vậy mới gọi là đúng. Nhưng người làm ra con ốc lại có ý kiến rằng làm như vậy cũng được rồi, cảm thấy được rồi. Đó là vấn đề.
Với tính giả dối, không coi trọng sự thật, phẩm chất hàng Trung Quốc kém là phải. Vấn đề không phải nằm ở cái máy mà là ở con người. Cũng cùng một cái máy tiện của hãng Index, hoặc cái máy mài của Jung đặt tại Đức và tại Trung Quốc, người thợ ở Đức có thể dùng nó làm ra một sản phẩm tốt, còn người Trung Quốc chưa chắc. Cứ nhìn vào hàng "Made in China" bán tràn lan ở Đức, người bình thường cũng dễ dàng nhận ra nhiều khuyết điểm kỹ thuật huống gì giới chuyên môn.
Nhờ tính trung thực, chính xác, người Đức làm được món hàng chính xác. Nhưng chưa hết, tính chính xác còn được đảm bảo bằng con số DIN (Deutscher-Industrie-Norm). Văn bản kỹ thuật DIN xác định vô số tiêu chuẩn của linh kiện, phụ tùng, bắt buộc kỹ nghệ Đức phải tuân theo, không được chế tạo tuỳ tiện. Trung Quốc cũng xin Đức cái DIN này về sử dụng nhưng sản phẩm làm ra vẫn thiếu chính xác.
Việt Nam phải học bài học này của Trung Quốc. Nếu con người Việt Nam có được tinh thần trách nhiệm, biết trung thực, biết phân biệt giữa sự thật và ý kiến, chắc chắn họ sẽ đánh bại người Trung Quốc về mặt phẩm chất. Một yếu tố cạnh tranh quyết định.
Kể xong câu chuyện, có người hỏi, tôi nghĩ gì về khả năng công nghiệp hoá đất nước. Tôi xin phép được trả lời một cách thẳng thắn rằng, với tính thiếu trung thực, bóp méo sự thật, giả dối, lẫn lộn sự thật với ý kiến, tính dã chiến, luồn lách, vô trật tự, vô trách nhiệm, con người không thể công nghiệp hoá đất nước. Còn nếu muốn, thì phải xoá hết các tính tiêu cực ấy, không phải ở một số người mà là rất rất nhiều người. Nói ngắn gọn, trước tiên là cách mạng con người, sau đó mới cách mạng kỹ thuật.
Buổi gặp gỡ lần này không trịnh trọng như những lần trước nhưng thân mật và khá cởi mở mặc dầu còn một số người vẫn chưa quen nghe ý kiến phê bình. Mọi người muốn giữ tôi lại đi ăn trưa, trò chuyện tiếp nhưng tôi xin phép về làm một số việc riêng. Ông bạn nhờ anh tài xế đưa tôi về. Tôi cảm ơn và bảo để tôi đi xe ôm cũng được. Nghe vậy, ông lấy Honda chở tôi về.
Tới nhà thờ Đức Bà, chúng tôi ghé quán Paris uống nước. Ông bạn than phiền, nhiều người Việt hôm nay cũng giống như người Trung Quốc như tôi kể. Thiếu đúng đắn và giả dối, cho nên làm cái gì cũng thiếu chất lượng. Căn bệnh này đang lan tràn khắp xã hội.
Ông không nói tôi cũng biết điều ấy. Làm sao có thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bằng cái tính thiếu đúng đắn, giả dối đã ngấm sâu vào trong máu con người? Công nghiệp hoá để sản sinh ra những sản phẩm thiếu đúng đắn, giả dối thì làm sao cạnh tranh? Chế một con ốc cũng giả dối, không đúng dữ liệu, chất lượng yêu cầu thì bán cho ai? Hiện đại hoá cũng vậy, một toà nhà mới xây, một cây cầu mới xây nhưng bị rút ruột, bị làm sai bởi tính thiếu đúng đắn, giả dối thì làm sao tránh khỏi sự xuống cấp và sụp đổ mau chóng? Làm sao có thể đạt đến một xã hội công bằng thực sự với tính thiếu đúng đắn, giả dối? Mỗi người dân Việt Nam có bảo hiểm sức khỏe, đúng theo nguyên tắc, đều được đối xử bình đẳng bất kể giàu nghèo, nhưng trên thực tế không phải vậy; người nghèo vẫn bị coi thường hơn người giàu. Một thực tế hoàn toàn phi xã hội. Làm sao có thể có một xã hội dân chủ trong khi người dân muốn được quyền bày tỏ tư tưởng, góp ý, phê phán những điều sai trái một cách độc lập mà không được. Hiến pháp cho phép nhưng trên thực tế thì không. Vậy, người lãnh đạo có làm đúng hiến pháp hay không hay đã nói dối? Làm sao một xã hội có thể gọi là văn minh trong khi con người từ trên xuống dưới đều thiếu đúng đắn, giả dối? Đến ngay cái việc học cũng giả dối. Bằng cấp giả, chủ nghĩa thành tích tràn ngập xã hội. Quốc nạn tham nhũng hối lộ cũng xuất phát từ tính thiếu đúng đắn, giả dối. Ở phi trường, cảnh sát cũng nhận tiền hối lộ bất chấp luật lệ. Ở ngoài đường, cảnh sát cũng muốn ăn hối lộ. Ở bộ thương mại cũng giả dối trong vấn đề phát quota. Đâu đâu cũng có sự luồn lách, gian dối để kiếm tiền. Biết đâu ngày nào đó, đến ông thẩm phán, ông trọng tài bóng đá Việt Nam cũng vậy, thì còn gì là lẽ phải.
Ông bạn ngao ngán nói, đã biết mình yếu mà vẫn "nổ", đi đâu cũng gặp những khẩu hiệu đao to búa lớn. Tôi cho đó là căn bệnh vĩ cuồng. Nó cũng xuất phát từ tính thiếu đúng đắn, nghĩa là nhận diện khả năng của chính mình không được đúng đắn. "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" là một ví dụ điển hình. Người ta đã cường điệu như thế mấy chục năm trời, bây giờ mới dứt bởi vì không làm được. Thế nhưng căn bệnh ấy vẫn còn. Trong khu vực nhà thờ Đức Bà hôm nay không thiếu những khẩu hiệu tuyên truyền tựa vậy được dán trên những pano rất đẹp, được trưng bày khắp nơi. Lời lẽ hùng hồn nhưng bất khả thi. May mà nó được viết bằng tiếng Việt, chỉ có người Việt hiểu, còn viết bằng tiếng Anh, du khách ngoại quốc mà đọc được, người ta sẽ cười cho.
Uống xong ly nước, ông bạn phải đi. Ông đang bận chấm thi đại học, hẹn nay mai gặp lại. Ông bạn đi rồi, tôi cũng muốn tranh thủ thời gian làm một số việc.
* Đã mười một giờ trưa. Tôi qua bưu điện, gửi bưu thiếp cho đồng nghiệp và bạn bè.
Bưu thiếp Việt Nam bây giờ làm rất đẹp. Một tấm 3000, tiền tem 8000. Bưu điện bên trong thật tráng lệ, nhân viên lịch sự, làm việc tận tình. Anh nhân viên tưởng tôi không phải người Việt, cứ nói tiếng Anh. Tôi cũng đáp lại bằng tiếng Anh. Trước khi đi, tôi bảo, tôi là người Việt. Anh cười nắc nẻ và xin lỗi. Tôi cũng cười và chào anh.
Rời bưu điện, tôi thả bộ dọc con đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) xuống phố tìm văn phòng hãng máy bay Cathay Pacific để xác nhận ngày về. Văn phòng Cathay Pacific nằm ở tầng trệt trong một cao ốc không rõ tên trên đường Nguyễn Huệ. Tôi đã chuẩn bị tinh thần ngồi đợi, nhưng khi vào trong thì thấy trên cửa kiếng ra vào có in lời thông báo: "Cathay Pacific không yêu cầu tái xác nhận chuyến bay nếu quý khách đi đúng theo giờ đã được giữ chỗ trước. Xin quý khách vui lòng có mặt tại phi trường trước giờ khởi hành 2 tiếng đồng hồ để làm thủ tục". Vậy là tôi không cần làm gì hết. Một sáng kiến tối ưu đỡ mất thì giờ của khách hàng.
Bước qua đường, tôi vào nhà sách Fahasa. Nhà sách đồ sộ có máy lạnh, sạch sẽ, đông khách, tiếp viên phục vụ ân cần, lịch sự không thua kém một nhà sách ở Đức. Tôi không ngờ đã mua được khá nhiều sách Ngôn ngữ học mà ở nhà sách Xuân Thu, Sài Gòn, Minh Khai không có. Ngoài ra tôi còn mua được một số sách văn học. Có cả tác phẩm văn học hải ngoại như Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tính tôi thích đọc sách, nhìn một kho sách tiếng Việt mênh mông, thấy mà ham. Bên Đức làm gì có. Cho nên thấy thứ gì cũng muốn mua, chỉ sợ không xách nổi.
Vừa ôm chồng sách, vừa kiếm tiếp, thì có một cô bán hàng đến giúp. Cô mang chồng sách ra gửi ở quầy tính tiền rồi quay lại tiếp tôi. Có người kè kè bên cạnh làm tôi hơi mất tự nhiên, nhưng phải công nhận, phong cách tiếp khách của nhân viên ở đây rất văn minh, lịch sự, niềm nở không kém gì ở nhà sách Minh Khai. Tôi chọn được gần 60 thứ, trả khoảng 4 triệu, tức 200 Euro, quá rẻ.
Rời hiệu sách, tính đi thêm một vòng phố chụp hình, nhưng vác một đống sách nặng quá, tôi bèn ghé quán kem Bạch Đằng trên đường Lê Lợi, ngồi uống nước nghỉ mệt và gọi điện thoại cho ông anh chở về giùm.
Ông đến, thấy trời tốt, bèn rủ tôi đi quay phim ở quận Bình Tân. Đường vào khu này đầy ổ gà. Trời nắng như lửa mà vẫn không làm cạn nổi những vũng nước trên mặt đường.
Hai giờ trưa về lại phố. Ăn trưa ở phở Lệ. Cúp điện.
Đi giang nắng cả ngày mệt lử. Về đến khách sạn, trời mưa lớn. Tắm rửa xong, đem đống sách ra ngắm nghía. Thích quá. Đọc lướt sơ vài cuốn, ngủ lúc nào không biết.
Tỉnh giấc, nói chuyện điện thoại với Cao Xuân Hạo. Ông cụ hỏi thăm và rủ bữa nào họp mặt anh em Ngôn ngữ học.
Tối, đi nghe nhạc với mấy người bạn ở quán Ami, góc Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm. Đã lâu rồi mới được nghe hát nhạc sống tiền chiến của Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, … Không khí thanh lịch, ấm cúng; một tụ điểm của giới văn nghệ sĩ, trí thức, người thích nghe nhạc trước 75.