Chương 8
Ngày đầu tiên trở thành một anh chàng bán kẹo kéo đối với Thường là một ngày đẹp trời. Tất nhiên, những giây phút khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi chú Kiến bỏ đi sau khi đã căn dặn Thường những điều cần thiết.
Hôm đó, khi hai chú cháu đến nơi thì các lớp đã vào học. Cổng trường đóng kín mít. Hai bên cổng, dọc trên lề đường toàn những người bán dạo. Cô bé bán bong bóng đứng cạnh xe nước mía. Bà bán bánh kẹo ngồi cạnh bà bán đồ chơi trẻ em. Có cả một chú lớn tuổi đeo toòng teng trước ngực những chiếc trống tí hon cắm lông gà nhuộm màu sặc sỡ.
Trước khi đi, chú Kiến "sắp xếp" cho Thường đứng kế một dì lớn tuổi, trước mặt là một chiếc mẹt bày la liệt những con thú đủ màu nặn bằng bột.
- Dì Sáu! - Chú Kiến giới thiệu - Bữa nay thằng cháu bán thế chỗ tôi. Nó mới ra nghề, còn khờ khạo, có gì nhờ dì bảo ban dùm!
Dì Sáu vui vẻ: - Chú nói quá! Thằng bé lớn tồng ngồng rồi chứ nhỏ nhít gì mà bảo ban! Nói xong, dì ý tứ nhích sát qua một chút để Thường có chỗ dựng xe. Kể từ lúc đó, dì Sáu thỉnh thoảng quay sang trò chuyện với Thường.
Dì hỏi han chuyện nhà cửa, gia đình. Hẳn nhiên Thường không dám kể thật. Anh bảo cha mất, mẹ đi bán rau quả ngoài chợ, nhà đông anh em nên anh phải nghỉ học đi bán kẹo kéo. Nhờ trò chuyện qua lại với dì, dần dần Thường cảm thấy tự nhiên hơn. Anh không còn cảm giác lạc lõng và lúng túng như khi chú Kiến vừa bỏ đi.
Những người khác chẳng chú ý đến Thường nhiều. Đội quân hàng rong trên hè phố thỉnh thoảng lại bổ sung thêm một tân binh vốn là chuyện bình thường trong xã hội hiện nay nên chẳng ai buồn ngạc nhiên về chú bé đồng nghiệp mới toanh này. Mọi người thản nhiên trò chuyện, nói dăm câu bông đùa rồi cười phá lên, chốc chốc lại liếc mắt về phía cổng trường chờ nghe tiếng kẻng ra chơi. Thái độ tự nhiên và giản dị của mọi người giúp Thường cảm thấy yên tâm. Anh trở nên bình tĩnh và tự tin. Nhưng sự bình tĩnh đó kéo dài không lâu. Khi tiếng kẻng báo giờ chơi vang lên, Thường lại đâm ra lúng túng. Anh hồi hộp không biết lát nữa đây, khi lũ trẻ con ùa ra, anh sẽ phải nói năng và bán chác với chúng như thế nào. Cũng không biết chúng có sẽ mua kẹo của anh không. Hằng trăm câu hỏi không lời giải đáp bỗng chốc hiện lên trong tâm trí, cộng với nỗi lo lắng của kẻ mới ra nghề, khiến Thường vô cùng thấp thỏm. Anh nghe tim mình đập thình thịch như muốn nhảy vọt ra khỏi lồng ngực. Có lúc, Thường tuyệt vọng trông ngang liếc dọc như muốn cầu cứu những người chung quanh. Nhưng ai nấy đều đang sửa soạn đón tiếp khách hàng. Chẳng ai chú ý đến vẻ mặt lo âu của anh. Chỉ đến khi lũ trẻ chen nhau ùa ra khỏi lớp và chạy xô về phía cổng, trong đó một vài đứa nhanh miệng reo lên "kẹo kéo, kẹo kéo" với giọng điệu hớn hở thì Thường mới thoát ra khỏi cảm giác nặng nề và nhanh chóng hòa nhập vào không khí ồn ã, náo nhiệt của phiên chợ học trò.
Bắt chước những người bán hàng khác, Thường lật đật đẩy xe tới sát hàng rào song sắt cạnh cổng ra vào.
Từ bên trong, chìa ra hàng chục cánh tay chen chúc nhau, tay nào cũng ve vẩy một tờ giấy bạc:
- Bán ba trăm kẹo kéo!
- Bán cho em năm trăm!
- Bán cho một khúc dài dài!
- Bán cho em trước! Kéo sao cho nhiều đậu phộng ấy!
- Em trước! Em đưa tiền trước!
Những tiếng nhi nhô thúc giục, kèo nài khiến Thường vừa mừng rỡ lại vừa lóng ngóng.
- Các em chờ một chút! Một chút thôi! Có ngay đây nè!
Vừa nói, Thường vừa vội vã quấn mảnh khăn vào cây kẹo và mím môi kéo. Lúc ở nhà chú Kiến, Thường đã thực tập trước nên bây giờ anh kéo chẳng mấy khó khăn. Nhất là sau khi kéo được năm, sáu khúc, động tác của Thường càng trở nên nhanh nhẹn, gọn gàng hơn. Nhưng đó chẳng phải là điều quan trọng nhất. Cái chính là khi đã bắt đầu hành nghề, Thường dần dà quên đi những mặc cảm của riêng mình. Anh không còn nhớ mình là cậu học trò lớp mười một và là con của một nhà giáo có uy tín. Anh không còn cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ về nghề nghiệp bất đắc dĩ của mình. Ở giữa những đồng nghiệp bình dân, được vây bọc bởi đám trẻ con vô tư và huyên náo, Thường cảm thấy thanh thản và tự nhiên như thể anh đã làm nghề này từ lâu lắm rồi. Trên đường về, khi nhớ lại, chính Thường cũng không khỏi ngạc nhiên về tâm trạng thảnh thơi của mình.
Dĩ nhiên, đối với Thường, hôm đó là ngày vui của anh. Anh đã hành động để giúp đỡ mẹ. Và anh tin chắc rằng kết quả của công việc nhất định sẽ giúp mẹ trút bỏ được phần nào gánh nặng cơm áo hiện nay.
Chỉ có điều, khi cây kẹo đã hết nhẵn sau khi bán thêm một hồi lúc tan trường, Thường thong thả xếp lại những tờ giấy bạc rồi nhẩm đếm, anh bàng hoàng nhận thấy khoản tiền thu được cũng xấp xỉ chi phí làm ra cây kẹo.
Tưởng mình lộn, Thường cẩn thận đếm đi đếm lại. Kết quả vẫn thế: chuyến ra quân đầu tiên của Thường coi như huề vốn. Lọc cọc trên đường về, Thường nghĩ mãi nhưng vẫn không tìm được nguyên nhân.
Khi Thường thuật lại điều đó với chú Kiến và chép miệng:
- Chắc cháu thối nhầm tiền!
Chú Kiến mỉm cười:
- Không phải cháu thối nhầm tiền đâu! Có lẽ cháu bán rẻ quá! Ai mới vô nghề kẹo kéo cũng vậy. Cứ sợ mình bán mắc, do đó không dám kéo mỏng, rốt cuộc khúc một ngàn lại bán năm trăm, khúc năm trăm thì bán có ba trăm!
Rồi thấy Thường cứ đực mặt ra, chú Kiến vỗ vai an ủi:
- Không hề gì đâu cháu! Bán chừng vài ngày, cháu sẽ quen tay. Những ngày đầu, chuyện lời lỗ không quan trọng. Cái chính là làm quen với môi trường chung quanh.
Nghe chú Kiến nói vậy, Thường mới thôi lo lắng. Và anh bắt đầu nghĩ đến chuyện lát nữa đây khi anh đưa cho Nhi khúc kẹo kéo anh để dành cho nó, chẳng biết anh sẽ giải thích như thế nào. Chắc là anh sẽ nói: "Đằng trước ngôi nhà anh dạy kèm, có một chiếc xe kẹo kéo...".
Bookmarks