Chương 9
Sau khi được thả, Khôi tìm luật-sư làm đơn kiện sở cảnh-sát liên-bang với giá 10 triệu đô với lý do là vô cớ bắt người giam giữ một cách oan uổng làm thiệt hại đến danh dự và có thể làm hại cả tương-lai cùng sự nghiệp của chàng. Kết quả, Khôi đã thắng kiện và được sở cảnh-sát liên-bang bồi thường...
Hôm ấy, sau khi rủ nhau đi ăn sáng về, Louis Winston cùng Văn-Lang trở về lại văn-phòng. Louis Winston hỏi:
-Văn-Lang, anh nghĩ sao về chuyện anh Khôi và Bill Cohen?
Văn-Lang cười đáp:
-Còn nghĩ sao! Bắt oan người ta thì phải đền tiền là hợp lý lắm rồi. Mà người phải trả tiền đáng lẽ phải là Bill Cohen mới đúng.
Louis Winston gật đầu nói:
-Ăn nhằm gì! Chính phủ liên-bang moi tiền của dân cũng đã nhiều rồi, nay phải trả lại chút đỉnh có gì là quá đáng đâu. Tôi chỉ buồn cười cho Bill Cohen mà thôi. Hắn từ giờ cho đến chết cũng không còn dám xen vào chuyện của người khác nữa đâu. Nhẹ nhất cho hắn là bị cách chức, không thì chỉ có nước về vườn mà thôi!
Văn-Lang cười thích chí nói:
-Tôi thật lấy làm hết sức may mắn được làm chung với ông. Còn giả dụ phải làm chung với con người đó thì chẳng thà tôi sống theo lối vô nghề nghiệp, vô gia cư cho xong.
Vừa lúc đó có một cô thư ký chạy vào báo:
-Có ba người, hai đàn ông, một đàn bà muốn gặp ông đấy Văn-Lang.
-Mời họ lên cả trên này!
Không đầy một phút sau, Lộc, Khôi và Yến, ba người lên đến nơi. Văn-Lang giới-thiệu ông Louis Winston với cả ba rồi thân mật bắt tay từng người một. Louis Winston tế nhị tìm cớ đi ra chỗ khác để bốn người tự-do nói chuyện với nhau. Khôi nhìn Văn-Lang khẽ cúi đầu tỏ ý bái phục và biết ơn.
-Anh Văn-Lang! Tôi không biết phải dùng lời gì để cám ơn anh đây. Ngoài Lộc ra, anh là người bạn thứ hai trên đời của tôi đó. Có được một người bạn tri-kỷ thật là may mắn lắm rồi, mà đàng này tôi có được những hai người!
Văn-Lang cả cười, khiêm tốn đáp:
-Anh Lộc mới thật là người bạn tốt của anh. Còn tôi thì chỉ làm theo bổn phận và nghề nghiệp của tôi mà thôi chứ có gì đâu.
Lộc nhìn Văn-Lang với một vẻ đầy kính trọng nói:
-Văn-Lang! Từ này về sau, bất cứ lúc nào anh cần gì mà tôi có thể làm được thì anh ‘phải’ cầm điện-thoại lên mà gọi tôi đó nghe!
Còn Yến thì với dáng điệu bẽn lẽn nói:
-Xin lỗi anh nhe! Tôi thật quá cạn nghĩ, hiểu lầm anh quá nhiều. Anh không phải là người tệ chút nào! Một lần nữa, cho tôi xin lỗi anh.
Văn-Lang nhìn Yến cười nói đùa:
-Tôi làm gì có lỗi cho cô xin? Cô nói đúng, tôi không phải là người tệ. Cùng lắm thì tôi chỉ là ‘người tồi’. Nhưng thôi, mọi chuyện đã qua rồi, và kết quả lại êm đẹp. Thật tôi không có gì mừng hơn.
Sực nhớ ra điều gì, Lộc vỗ vai Văn-Lang hỏi:
-Quên nữa! Anh còn thiếu nợ tôi đó. Bây giờ phải cho tôi biết lúc đó tại sao anh biết tôi nói dối?
Văn-Lang cười lớn nói:
-Có gì đâu. Cái khuy này, con dao găm này, là đều do tôi bịa ra để nói cho mấy ông nội nhà báo nhằm mục đích đánh lạc hướng họ cùng thủ phạm. Vì thế lúc anh nhận tội lại bảo là vật lộn với nạn-nhân bị rớt một cái khuy rồi cầm dao găm đâm hắn thì chẳng khác nào anh ‘viết tiếp truyện tiểu thuyết’ của tôi bày vẽ ra. Thêm vào đó, con dao kia là con dao thường chỉ dùng trong việc bếp núc hôm anh Khôi dùng để hăm dọa ba mẹ con bà Hội và sau đó anh giằng lấy chứ dao găm nào! Vì thế cho nên trên cán dao có dấu tay của anh Khôi và anh. Hung thủ biết rõ điều này nên khai thác tối đa. Hơn nữa, con dao chỉ là vũ khí dàn cảnh chứ không phải là vũ khí giết người. Gã Phát kia dùng cái tượng chim ưng đập vỡ sọ tên Quý rồi cắm con dao lên ngực nạn nhân để cho mọi người tưởng là nạn nhân chết vì bị đâm.
Lộc gật đầu thán phục nói:
-Nghe anh giải thích thật tôi như người ngủ mê mới tỉnh. Thế mới biết là một khi không phải nghề của mình thì chớ hòng mà ‘nhanh nhẩu đoảng làm tài khôn’!
Văn-Lang cười nói tiếp:
-Còn một điểm nữa. Sự thật thì nạn nhân chết vào lúc một rưỡi sáng chứ không phải là mười một rưỡi như mọi người đọc trên báo. Bởi vậy ai mà bảo với tôi là giết người lúc mười một giờ hơn thì rõ ràng là có ý muốn ‘lừa gạt’ tôi rồi.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, chàng gọi Khôi nói:
-Anh Khôi, chúc mừng anh thắng kiện. Mong rằng anh coi đó là một sự đền bù cho những bất công đối với anh. Tôi rất mừng là ít nhất là từ nay về sau anh không bao giờ phải lo lắng về vật chất nữa. Mà tôi cũng cam đoan từ nay về sau anh sẽ được sống hạnh-phúc, thoải mái cả tinh thần.
Khôi thở dài nói:
-Thưa kiện vốn là một trong những điều tôi ghét nhất trên đời này. Nhưng tôi thù cái bọn ăn không ngồi rồi đi bắt bớ bậy bạ nên phải cho chúng một mách cho bõ ghét. Tôi sẽ dùng một nửa số tiền thắng kiện để giúp đỡ bạn bè và những người nghèo, đau khổ cũng như sẽ đóng góp xây chùa chiền... Tôi cũng sẽ đền bù lại cho người đàn ông tên Toàn kia lại những gì ông ta đã bị tên Quý kia lừa bịp. Và tôi dự định vẫn đi làm như thường nhưng chắc phải xin nghỉ một thời gian cho ổn định lai tinh thần cái đã.
Khôi quay qua nhìn Yến cười mỉm chi một cái rồi quay sang nói tiếp với Văn-Lang:
-Thứ bảy này, tôi, Yến và vợ chồng Lộc định tổ chức một bữa tiệc lớn tại tửu lâu nên có ý định mời anh đến tham dự chung với chúng tôi. Anh mà từ chối tức là không coi tụi này là bạn đó nghe chưa!
Văn-Lang gật đầu đáp:
-Yên chí, tôi sẽ có mặt. Nhưng tôi có thể đem theo một người bạn nữa được không?
-Đừng nói là một người. Anh muốn đem theo mười người tụi này cũng hoan nghênh nữa là...!
Mọi người đều phá lên cười vui vẻ. Bốn người ngồi lại chuyện trò thêm một lúc nữa rồi mới chia tay. Lộc về lại Richmond, còn Khôi đưa Yến về nhà mình. Dựa đầu vào vai Khôi, Yến nói:
-Mấy tuần nữa là em ra trường rồi. Lúc đó việc làm ở đâu thì em phải đi đó thôi chứ đâu có sự lựa chọn. Có lẽ là mình rất có thể phải xa nhau rồi.
Khôi cười nhạt không nói gì. Yến lại cúi mặt hỏi:
-Lúc đó anh có nhớ người ta không?
Khôi lắc đầu, cười nói:
-Không!
Yến nhăn mặt phụng phịu như một đứa con nít. Khôi ôm nàng sát vào lòng nói nhỏ nhẹ:
-Tại sao phải nhớ một người mà hàng ngày ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với mình chứ? Tại sao lại không yêu thương và lo lắng cho người đó có hơn không mà lại đi nhớ làm gì hả?
Yến tươi nét mặt, cười tủm tỉm vì sung sướng, thỏa mãn. Khôi cảm thấy lòng mình như ấm áp hơn bao giờ hết. Tất cả oán thù cho dù chàng không quên được hết, nhưng giờ đây không còn ám ảnh dằn vặt chàng nữa. Oán thù dường như đã phải nhường chỗ cho những gì đẹp đẽ và cao quý hơn trong đời sống: sự yêu thương.
Khôi âu yếm nhìn Yến nói:
-Anh không muốn thấy em phải vất vả làm gì. Nếu em muốn đi làm vì thích làm việc không muốn ‘ở không’ thì anh không cản. Nhưng nếu em muốn làm với mục đích ‘kiếm tiền’ thì phải nói trước cho biết là anh không bằng lòng đâu, và sẽ không cho đâu! Nên nhớ là theo truyền thống Á Đông của chúng ta thì con gái một khi ‘xuất giá’ thì phải ‘tòng phu’ đó nghe!
Yến quá cảm động không nói lên lời, chỉ biết ôm chặt lấy Khôi mà ‘nũng nịu’. Khôi nhắm mắt mơ màng, nghĩ đến những ngày vui sắp tới cũng như cuộc đời thay đổi mới. Trước đây, chàng chưa bao giờ nghĩ đến những điều này. Trong cái vui Khôi cũng cảm thấy có cái lo. Nhưng lo đây là lo cho người khác được sung sướng và hạnh-phúc hơn là lo cho chính bản thân mình. Có thể nói đây là lần đầu tiên trnng đời Khôi cảm thấy tha thiết với hai chữ ‘gia đình’. Chàng vẫn tưởng hai tiếng đó đã chết từ lâu trong chàng rồi!...
Trong vài phút ngắn ngủi, cả một dĩ vãng hiện lên trong trí Khôi. Vui có, buồn có, ân có, oán có, thù có, và bạn cũng có... Khôi nhận thấy cứ bên cạnh một dấu cộng lại có một dấu trừ, và ngược lại. Khôi chợt như đã giác ngộ. Chàng thấy trăm muôn ngàn sự rồi kết quả cũng chỉ là một chữ ‘Không’ mà thôi.
Khôi ngồi Trầm tư mặc tưởng một hồi, sau đó lại trở về với thực tại. Chàng khẽ hôn lên tóc Yến nói:
-Anh nghĩ mà thấy thương anh Văn-Lang quá. Anh ta một đời tận tụy cho công việc, cho nghề nghiệp, không còn thì giờ để lo cho bản thân cũng như hạnh phúc cá nhân. Nhưng có lẽ đời là thế, em ạ. Phải có những người hy-sinh chịu khổ như vậy thì bao nhiêu người khác như chúng mình đây mới được vui sống hạnh phúc.
Yến nghe nói chợt cũng thấy cảm khái đôi chút trong lòng. Nàng khẽ gật đầu, nhưng rồi lại gạt đi.
-Thôi, đừng nói chuyện này nữa anh!
***
-Văn-Lang, anh thật đúng hẹn!
Văn-Lang gật đầu chào rồi bắt tay vợ chồng Lộc, Khôi và Yến. Xoay qua người ‘bạn đồng hành nữ’, chàng giới-thiệu:
-Đây là Liên, bạn gái của tôi. Cô ta cũng là người Trung-Hoa, cùng quê quán với cô Yến đấy. Thôi, mọi người xin ai nấy tự giới thiệu đi thôi.
Liên lịch-sự chào tất cả mọi người rồi mới kéo ghế ra ngồi xuống. Nàng ta tuổi sấp xỉ 30, khá đẹp và xinh xắn, trông chỉ độ vào khoản 25 là cùng. Nghi-thức chào hỏi vừa chấm dứt thì cũng là lúc cô chạy bàn đem thực đơn ra. Dĩ-nhiên mọi người dành danh-dự đó cho Khôi và Yến, hai người chủ sự của bữa tiệc.
Yến và Khôi gọi món ăn thật nhiều cộng thêm một ít bia rượu. Mọi người ăn uống no nê, say sưa chuyện trò vui như pháo nổ, không khí chẳng khác gì ba ngày Tết...
Mãi đến quá nửa khuya, bữa tiệc mới tàn. Khôi đứng dậy ra trả tiền. Vợ chồng Lộc ở xa hơn nên xin về trước. Văn-Lang và Liên cũng xin ‘rút lui’. Sau đó là những lời từ tạ, những câu cám ơn, những cử-chỉ quyến luyến không nỡ rời nhau...
Trên đường về, Liên nhìn Văn-Lang cười nói:
-Này! Nói thật đi! Có phải anh yêu thương cô Yến kia đó không?
-Bậy nào! Cô ta là vị hôn thê của Khôi, bạn anh đó!
Liên ranh mãnh liếc nhìn Văn-Lang ‘lý luận’:
-Làm gì mà giẫy nẩy lên thế? Đã có ai lên án anh điều gì chưa mà phải vội vàng lên tiếng ‘cải chính’ với ‘cải tà’! Có thể cô ta giờ là vị hôn thê của bạn anh, nhưng cô ta ít nhất cũng đã một lần ‘đi qua đời anh’! Có đúng không nào?
Văn-Lang lắc đầu nói:
-Đàn bà con gái các cô sao nhiều chuyện quá! Cứ đoán bậy đoán bạ, đoán cả ngày lẫn đêm!
Liên cười lên một tràng sảng khoái nói:
-Nhưng mà trúng quá phải không?
-Trúng gió thì có!
-Sao lại trúng gió? Trúng tim đen kia!
Liên móc bao thuốc lá ra lấy một điếu mồi đưa cho Văn-Lang, nàng lại lấy một điếu khác gắn lên môi mình rồi bật lửa. Nàng nói tiếp:
-Mặc dầu anh đóng kịch rất giỏi, cười nói vui vẻ luyên thuyên suốt buổi tiệc, nhưng cặp mắt anh đượm một vẻ buồn man mác nào đó, nếu để ý nhìn kỹ sẽ thấy ngay.
Văn-Lang nghe vậy cũng phì cười hỏi:
-Giờ cô nương định làm thầy bói hay tâm-lý gia đó hả?
Liên hít vào một hơi thuốc thật dài rồi đáp:
-Em không phải là thầy bói, mà cũng chẳng phải là tâm-lý gia, chỉ là đàn bà con gái mà thôi. Nhưng anh đừng quên là đàn bà con gái nhạy bén lắm đấy nhé, còn bằng vạn thầy bói và tâm lý gia nữa! Chỉ cần một nụ cười, một cái nhìn, một ánh mắt, hay một câu nói hớ là đủ biết hết rồi. Anh định dùng em làm bức bình phong che đậy để cho cô Yến kia thấy là anh có người yêu rồi thì sẽ yên tâm mà lấy chồng thoải mái đó chứ gì!
Hít thêm vài hơi thuốc, Liên lại nói:
-Nhưng phải công nhận là đàn bà con gái khó ai có thể ghét anh được. Chính em đây cũng hết sức cảm kích khi anh giới thiệu rằng em là bạn gái của anh.
Văn-Lang nhìn Liên nheo mắt hỏi:
-Thật vậy sao?
Liên kéo cái gạt tàn trong xe ra dụi điếu thuốc rồi nhìn Văn-Lang rồi cười cợt nói:
-Dĩ nhiên là thật! Nhưng tại sao anh không nói thẳng với họ rằng em, con nhỏ này chỉ là ‘bạn gái một đêm’ của anh thôi? Hoặc là cứ giới thiệu rằng em là ‘bạn gái tạm thời’ cũng đâu có làm sao. Nhỡ mai mốt mấy người bạn anh thấy có ai con nhà đàng hoàng, xinh đẹp định giới thiệu cho anh nhưng đâm ra ngại ngùng vì anh có bạn gái rồi thì có phải thiệt cho anh không. Anh chớ đùa với ái tình nhé! Hậu quả đùa giỡn ái tình thường không mấy gì tốt đẹp lắm đâu!
Văn-Lang nắm lấy tay của Liên, dịu dàng nói:
-Ân oán giang hồ phức tạp lắm, em không hiểu được đâu!
-Vậy thì chắc anh hiểu?
Bookmarks