Lời Giới Thiệu
Tuyển chọn từ cuộc thi viết ngắn tâm hồn cao thượng do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
1. Con người ta sinh ra đều có mầm thiện. Cái mầm thiện ấy có thể lớn dần lên đơm hoa kết trái thành những đức hạnh tốt được cộng đồng gìn giữ, lưu truyền, mà cũng có thể bị thui chột, biến hoá thành tính xấu, tính ác. Những thay đổi ấy đều do sự giáo dục của gia đình, nhà trường, quan hệ bè bạn, môi trường nghề nghiệp và xã hội quyết định. Bao trùm lên tất cả là tính cách của một dân tộc tác động tới tính cách của mỗi một con người từ nguồn gốc. Dân tộc Việt Nam luôn luôn phải cố kết với nhau để chống nạn ngoại xâm, cứu giúp đùm bọc lẫn nhau để vượt qua nhiều hoạn nạn do thiên tai, địch hoạ và đói nghèo gây ra nên sự đoàn kết, lòng vị tha, tính nhân nghĩa đã là bản tính của mỗi người Việt Nam, gần như chả ai dạy cũng đã sẵn có. Họ làm việc thiện không cần ai biết, không cần ai khen, tự mình cũng thấy là việc làm tự nhiên, việc vốn phải thế, có gì mà phải nói. Tôi đã nhận thức lại được điều này qua việc đọc trên ba chục mẫu chuyện TÂM HỒN CAO THƯỢNG đã được chọn lọc của báo Tuổi Trẻ.
Một bà già, một anh trung niên, một đứa bé không có quan hệ máu mủ gì với nhau, đều là những kẻ tứ cố, vô thân, chỉ vì tình thương yêu nên đã gặp nhau, quấn quýt với nhau tạo nên một gia đình hạnh phúc có ba thế hệ (Chuyện Của Ba Người). Một đứa trẻ bố chết, mẹ đi lấy chồng nhưng ông bố ghẻ là kẻ tàn ác, tham tiền bắt con riêng của vợ làm chim mồi trong các cuộc đỏ đen. Nhưng đứa trẻ vẫn giữ được nguyên vẹn sự trong trắng, không muốn làm hại bất cứ ai dầu bị roi vọt, bị nhịn đói cũng cam lòng (Chim Mồi Ngày Ấy). Một anh gù xấu xí, là thợ máy, sống lặng lẽ trong cái lò đường bị bạn bè chế giễu, trêu chọc, khinh rẻ. Nhưng anh không ghét một ai cả, anh thương yêu cả mọi người, sẵn sàng lao vào nguy hiểm cứu một cô bé vốn xem anh như kẻ thù đến nỗi bị giập nát cả một cánh tay (Con Quỷ Gù). Một cái xóm nhỏ nghèo khó sống bằng nghề đóng gạch và bắt cá sông luôn luôn làm việc nghĩa cứu người, nuôi người, chôn người, đều là người tứ xứ không may gặp nạn. Một cái xóm trẻ con thấy tiền rơi cứ dửng dưng lặng lẽ thu nhặt để trả lại người mất của. Người dạy dỗ chúng nó là chủ một cái quán giải khát nhỏ, xem sự làm việc thiện là cái nghĩa vụ tự nhiên ở đời, có gì để phải hãnh diện, phải kể lại (Bọn Trẻ Xóm Cống). Một trọng tài bóng đá của làng phải giữ sự công minh giữa đội mình và đội bạn. Nếu đội của anh thắng thì anh sẽ nhận thêm ruộng, nhận phân, nhận thóc giống và nhiều sự giúp đỡ khác để trả công, anh em hứa thế. Còn để đội bạn thắng thì liệu hồn, sự trừng phạt sẽ đến tức thì. Nhưng đội anh đã ăn gian, không ai nhìn thấy nhưng trọng tài đã nhìn thấy và anh đã bắt phạt. Quả bóng phạt đã làm đội bạn thành đội chiến thắng và anh trọng tài làng đã ngã khuỵu xuống, nước mắt ròng ròng sau khi thổi còi kết thúc trận đấu (Một Quyết Định Danh Dự).
2. Ở lứa tuổi tôi không chỉ đọc sách mà còn bằng sự chiêm nghiệm của gần trọn một đời người để nhận ra cái lẽ của nhiều sự được mất, hay dở ở đời. Nếu tôi nói lại chưa hẳn đã có ai nghe, cũng như tôi – đã từng được nhiều bậc cao tuổi khuyên bảo khi còn nhỏ mà nào tôi đã nghe. Vì không tin nên không muốn nghe. Với ông thì là thế, nhưng với tôi chưa hẳn đã là thế. Vả lại quý vị sống ở một thời khác còn chúng tôi… Chúng tôi thì sao? Sau nhiều va vấp thất bại, sau nhiều lần bắt đầu rồi lại bắt đầu mới ngẫm ra lời dạy của người xưa là rất xác thực. Người xưa đã bảo: TỎNG THIỆN NHƯ ĐĂNG – TỎNG ÁC NHƯ BĂNG, làm điều thiện như leo lên cao, làm điều ác như đổ xuống thấp. Leo cao khó, đổ xuống dễ. Nên đã tự nhủ lòng, bất cứ việc gì chỉ thấy mình lợi còn cái hại thuộc về người khác chớ có làm vì đó là điểm rơi đầu tiên để mình xuống thấp mãi. Tôi đọc ba chục mẫu chuyện làm việc thiện, người làm thì hồn nhiên, nhưng người đọc là tôi thấy cũng khó, không phải ai ai cũng làm được. Mẹ đau, phải giặt quần áo đầy mủ máu của mẹ, không chỉ vài tháng mà cả năm, những sáu năm. Cũng là con nhưng người anh thì sợ, tránh được là tránh, còn người em thì chỉ nghĩ tới những đau đớn của mẹ mà không ngửi thấy mùi hôi thối nơi quần áo mẹ (Nơi Có Chỗ Mẹ Nằm). Một đứa trẻ, sau giờ học xin làm chân rửa chén một nhà hàng suốt một năm để đủ tiền mua một cái xe đạp em vẫn mơ ước. Tới ngày đủ tiền vì mãi cứu một em bé nhỏ trong vòng lửa, em dùng áo đập lửa tắt, cháy áo cháy luôn cả tiền nhét trong túi áo. Tiếc thì rất tiếc nhưng em vẫn vui vì đã cứu sống một mạng người, còn cái xe không mua được năm nay thì mua năm sau.Tất nhiên là phải rửa chén thêm một năm nữa (Chiến Dịch SS 10). Thử hỏi người lớn có dám vô tư làm theo những tấm gương của các nhân vật, hầu hết là có thật, trong mấy chục mẫu chuyện này cũng đủ để ngẩng cao đầu nhìn bạn bè, nhìn đồng loại. Nhưng những người đã làm những việc cao đẹp đó lại không nghĩ là phải ngẩng cao đầu để nhìn ai cả, chỉ là một việc làm tự nhiên thôi, đã là người ắt phải làm thế, không làm thế sao gọi là người!
Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết ngắn TÂM HỒN CAO THƯỢNG. Văn hay chỉ là thứ yếu, ánh sáng toả ra từ người, từ việc được ghi lại mới là chủ yếu. Nó là văn là đạo của một thời. Giải nhất giải nhì cũng chả quan trọng. Cái quan trọng là hương thơm ngào ngạt củ nó sẽ thổi át mùi tanh của đồng tiền, mùi thối rửa củ nhiều tham vọng bất chính trong cuộc sống náo nhiệt hôm nay. Tôi đề nghị Bộ Giaó Dục và Đào Tạo nên chọn lọc những mẫu chuyện này, viết lại cho các em học sinh tiểu học đọc, chắc chắn sẽ gây được những ấn tượng cao đẹp suốt một đời người như cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư của ngày xưa.
Nguyễn Khải
Bookmarks