Hãy Tha Thứ Chính Mình

Buổi thuyết giảng của Thanh Hải Vô Thượng Sư tại ngôi Đền Ấn Độ,
Fremont, California, USA ngày 25 tháng 11, 1993 (nguyên văn tiếng Anh)



Thức Ăn Tinh Thần


Cám ơn quý vị đã tạo cơ hội để chúng ta gặp gỡ nhau, cũng như có ngày để tưởng nhớ tới Thượng Đế, trong bất kỳ hình thức nào và cách xưng hô nào chúng ta dùng để gọi Đấng Tối Cao này. Sư Phụ phải cám ơn quý vị cùng tất cả những người đã tha thiết yêu cầu Sư Phụ đến đây, nếu không Sư Phụ sẽ chẳng làm gì cả (Sư Phụ cười). Do đó, mỗi khi Sư Phụ có dịp thuyết pháp hoặc ở trước đám đông, thì Sư Phụ lại phải cám ơn và cám ơn, vì lúc đó Sư Phụ biết mình đang làm điều đúng. Nhưng nếu không có người nào thỉnh nguyện, yêu cầu hoặc thúc giục Sư Phụ làm việc này, thì Sư Phụ sẽ không làm gì cả. Và Sư Phụ cũng không cảm thấy gì cả. Ý của Sư Phụ muốn nói là Sư Phụ không cảm thấy ăn năn hay hối hận gì về việc Sư Phụ không làm công việc của mình.

Nhưng mỗi khi Sư Phụ thuyết pháp hay gặp gỡ mọi người, Sư Phụ cảm thấy rất tri ơn là có người đã chịu khó đốc thúc Sư Phụ đến đây. Nếu không thì Sư Phụ không làm gì hết. Sư Phụ không biết tại sao một công việc cao cả như vậy mà Sư Phụ lại không bao giờ ham thích làm. Sư Phụ không hiểu tại sao, nhưng mỗi lần làm công việc này, Sư Phụ cảm thấy nó rất tốt đẹp. Tốt hơn là Sư Phụ nên làm việc này. Nhưng sau đó thì Sư Phụ không còn ước muốn làm nữa, và rồi lại có người khuyến khích Sư Phụ ra thuyết pháp, rồi Sư Phụ lại biết ơn rằng mình sẽ làm việc này. Quý vị có biết đó là gì không? Đúng rồi, là lười biếng (mọi người cười).

Sư Phụ nghĩ Sư Phụ không thật sự hiểu con người của mình. Có người bảo rằng: "Khi quý vị được đại khai ngộ, quý vị là Minh Sư, đáng lý ra quý vị phải biết mình". Nhưng Sư Phụ xin thú thật là Sư Phụ không biết (Sư Phụ cười) Sư Phụ không biết. Sư Phụ có thể nằm nhà ngủ mà vẫn an vui (Sư Phụ cười). Nên thật sự Sư Phụ không biết. Nhưng khi ở đây, Sư Phụ rất hoan hỉ và cám ơn rằng mình được ở đây. Khi Sư Phụ nằm trên giường và ngủ, Sư Phụ cũng rất hoan hỉ và cám ơn chuyện mình ngủ được. Sư Phụ cũng rất thành thật cám ơn quý vị đã đốc thúc Sư Phụ đến đây, Sư Phụ cảm thấy vui mừng, rất vui mừng là vì mình cũng hữu dụng chút ít.

Ngôi đền thờ này cũng hữu dụng vì đã cho chúng ta một nơi để tụ họp, để cùng nhau tưởng nhớ đến Thượng Đế tối cao. Hay quý vị chỉ đến để dùng cơm trưa? (mọi người cười) Sư Phụ có nói gì sai không? Không hả? Quý vị đến đây vì Thượng Đế phải không? (Phải) Được rồi, tốt lắm. Vậy thì sau đó quý vị sẽ được dùng cơm trưa (mọi người cười). Có điều chắc chắn là nếu chúng ta không có món ăn tinh thần thì cho dù chúng ta ăn món gì đi nữa, chúng ta vẫn không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn về cả tinh thần lẫn vật chất. Vì vậy chúng ta cứ cảm thấy đói mãi và dù chúng ta có ăn bao nhiêu thức ăn bổ dưỡng, uống bao nhiêu liều thuốc bổ đi nữa, thỉnh thoảng chúng ta vẫn đau yếu, có khi tinh thần bị suy nhược hoặc bị khó tiêu. Trong cổ thư Bhagvad Gita có đề cập rằng thức ăn nào được cúng dường cho Thượng Đế trước rồi sau đó cho chúng ta ăn, thì thức ăn đó rất bổ dưỡng và đầy sức gia trì. Tuy nhiên nếu chúng ta ăn chỉ để thỏa mãn sở thích của mình thì đó thật là một điều lầm lỗi. Nó sẽ mang đến cho chúng ta nhiều sự thất vọng và đôi khi rắc rối như là bị chứng khó tiêu và đại khái như vậy. Thật ra trong cuốn Bhagvad Gita, họ dùng ngôn ngữ có vẻ mạnh bạo hơn câu trên. Chẳng hạn như "Nhà ngươi sẽ ăn uống trong tội lỗi nếu không chịu cúng dường cho Thượng Đế trước". Sư Phụ không phải là người nói câu này, đó là Krishna (Sư Phụ cười và mọi người vỗ tay). Cám ơn.

Người Làm Đau Lòng

Những thứ khác cũng vậy, không phải chỉ có thức ăn thôi. Mọi người có biết cuốn Bhagvad Gita hay không? Đó là cuốn sách nói về trí huệ của người Ấn Độ thời xưa. Nó có từ khoảng 5,000 năm nay, có phải vậy không? Đúng! Câu này do Krishna, vị Vô Thượng Sư thời đó nói, Krishna, nguời đẹp da đen được tôn thờ yêu mến (Sư Phụ cười). Có phải da ông đen và đẹp lắm phải không? Chúng ta gọi là nước da ngăm đen xinh đẹp, phải không? Da của ông ngăm ngăm đen tương tự như nhiều người Ấn Độ khác. Nhưng ông rất đẹp trai nên người đời gọi ông là con người phụ tình, vì ông đã làm cho nhiều người đau khổ khi ông rời khỏi thế giới này (Sư Phụ cười). Bất cứ ông đi chỗ nào, người ta cũng yêu mến ông, tôn kính và cúng dường cho ông, chạy theo ông một cách điên cuồng. Sư Phụ nghe nói ông có đến bảy chục ngàn bà vợ, không phải, mựời sáu ngàn. Đôi khi người Ấn Độ hay phóng đại câu chuyện, (Sư Phụ cười) nhưng chắc chắn là ông ta có rất nhiều người theo. Thật ra họ không phải là vợ, quý vị biết đó, họ là đệ tử. Có thể đa số đệ tử của ông là phụ nữ vì có lẽ ông ấy rất đẹp trai. Sư Phụ nghe nói thôi. Lúc đó Sư Phụ không có mặt ở đó. Có thể là Sư Phụ ở đó nhưng Sư Phụ quên mất rồi. (Sư Phụ cười),

Cho nên cổ thư Bhagvad Gita là một hồ sơ giáo lý của một vị Minh Sư, Krishna. Vì vậy quý vị có thể lãnh hội được nhiều trí huệ và sự dẫn dắt của Minh Sư trong cuốn sách này. Sư Phụ thỉnh thoảng có đọc sách đó. Sư Phụ vẫn còn đọc bởi vì cuốn sách này rất hay, rất cô đọng và uyên thâm. Khi đọc sách này quý vị sẽ tìm được nguồn an ủi và sự tĩnh lặng trong tâm hồn, nếu quý vị thật sự thông hiểu và áp dụng được những lời lẽ trong đó. Đó là một tuyệt tác phẩm của trí huệ. Nhiều vị Minh Sư thời xưa có quan hệ với luật pháp Ấn Độ, vì thế chúng ta không thể nào không đề cập đến Ấn Độ và cuốn Bhagvad Gita. Ngay cả Milarepa mà quý vị biết, vị thiền sư Yoga vĩ đại của Tây Tạng. Ngay cả vị thiền sư Yoga vĩ đại này, gia tài của ông chỉ gồm có một cái nồi và cuốn Bhagvad Gita. Trong cổ thư này nói rằng không riêng gì thức ăn mà trước tiên chúng ta phải nấu nướng trong tinh thần cúng dường cho Thượng Đế rồi sau đó mới dùng, nhưng những thứ khác trong đời sống hàng ngày cũng phải được thực hiện trong tinh thần hy sinh và dâng hiến cho Thượng Đế tối cao. Trong trường hợp này chúng ta sẽ không bao giờ nhận lãnh bất cứ kết quả xấu hay tốt gì từ việc làm của chúng ta. Bởi vì kết quả tốt hay xấu đều ràng buộc chúng ta lại trong thế giới vật chất này.

Hãy Tha Thứ Chính Mình

Có những lúc chúng ta không thể tự giúp mình và dường như chúng ta đâm ra mất tự chủ, trở nên nóng giận, chúng ta biết là không nên làm như vậy. Về sau đôi khi chúng ta cảm thấy ân hận rất lâu mặc dù sự nóng giận của chúng ta đã bớt đi. Nhưng Sư Phụ khuyên quý vị nên tha thứ cho mình, lúc nào cũng phải tha thứ cho chính mình. Bất kỳ làm điều gì, chúng ta đều cúng dường cho Thượng Đế và để Ngài lo liệu kết quả. Vì thật ra chúng ta không phải là thân thể này, chúng ta không phải là hành động, không phải là người chủ động làm những công việc ở thế giới này. Ngay cả nếu chúng ta là người chủ động; giả sử chúng ta là người chủ động, chúng ta vẫn phải tha thứ cho chính mình, khi chúng ta lầm lỗi, khi chúng ta không thể làm gì được với tập quán của chúng ta như sự giận dữ, hoặc đôi khi là lòng tham hay tư tưởng ham muốn nhục dục, vì những thứ này cũng do hoàn cảnh tạo ra chứ không phải là bản ngã chân thật, không phải là linh hồn chúng ta ham muốn những thứ này. Do đó cuối cùng lúc nào chúng ta cũng phải luôn luôn cố gắng và cố gắng để tha thứ cho chính mình. Sư Phụ muốn nói đó là điều trên hết. Vì phần bên trong là Thượng Đế, là trí huệ tối cao. Nên chúng ta không thể la mắng, lạm dụng hoặc lỗ mãng với Ngài được. Do đó nếu chúng ta có tự giận mình thì chỉ nên giận những thói quen, tập quán đời đời kiếp kiếp của chúng ta. Hoặc giả chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh, chứ đừng đổ lỗi cho trí huệ tối cao của mình, người chủ nhân ông thật sự, vì bản ngã chân thật không bao giờ tạo rắc rối, đau khổ, không bao giờ sai lầm.

Ngay cả nếu chúng ta là người chủ động và chúng ta ở trong một xã hội như vầy, đôi khi chúng ta nổi giận. Nhưng không phải lúc nào cũng là lỗi của chúng ta, phần nhiều đều không phải lỗi của chúng ta. Có khi bất cứ điều gì cũng có thể làm chúng ta giận dữ, thí dụ quý vị làm việc trong một công ty nào đó và làm chung với những người chuyên làm sai việc. Quý vị có nói với họ điều gì, họ cũng không hiểu, hoặc họ hiểu nhưng lại làm theo cách khác. Họ chỉ làm cho quý vị càng giận thêm. Cho dù quý vị có tha thứ họ bao nhiêu lần đi nữa, họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Chuyện nhỏ thôi, nhưng ngay cả một chuyện nhỏ cũng làm cho đầu óc chúng ta bực bội và cảm thấy khổ sở. Cho nên chúng ta biết có một cái gì khác cao hơn là trí óc và thân thể là điều rất tốt. Vì thân thể chúng ta là cấu tạo của những nguyên tố vật chất như thủy, thổ, và kim. Phải, số lượng kim loại ở trong chúng ta thừa đủ để làm một vài cây đinh, quý vị biết không? (Sư Phụ cười) Thêm thủy, thổ và có thể là hỏa, loại hỏa trọng yếu để giữ thân thể được ấm áp và đại khái như vậy.

Thiền Định Là Cách Sắp Xếp Lại Sự Suy Tưởng của Chúng Ta

Còn trí óc thì gồm có những gì? Nó chỉ là một bộ máy để ghi nhận và lưu trữ các dữ kiện, tốt cũng như xấu. Nó giống như một cái máy điện toán, quý vị sắp xếp bất kỳ chương trình gì để đưa vào trong máy này rồi quý vị bấm nút, nó sẽ tự động in ra y hệt như vậy, phải không? Một đồng tu của chúng ta có cái đàn đại phong cầm bằng điện, anh ta sắp xếp trong đàn này nhiều điệu nhạc khác nhau, rồi anh ta có thể trình tấu những điệu nhạc này nhiều lần qua băng đã thâu sẵn. Đầu óc của chúng ta cũng vậy. Ban đầu nó rất trống trải, giống như cái máy điện toán mới mua, cho đến khi chúng ta bắt đầu thâu vào những dữ kiện và những tin tức, có lúc là dữ kiện hay, đôi khi là tin tức dở. Do đó nếu chúng ta đã thâu những dữ kiện tốt thì lúc đem ra dùng, chúng ta sẽ có những tài liệu tốt. Trái lại nếu chúng ta thâu vào những dữ kiện xấu thì đương nhiên nó sẽ phát ra những tin tức xấu. Do đó việc thiền định hay cầu nguyện Thượng Đế hoặc học hỏi kinh điển cũng giống như sắp xếp lại ý nghĩ, cách sống của chúng ta. Và vì chúng ta sắp xếp lại những chương trình theo đường hướng tốt đẹp nên kết quả luôn luôn tốt, hay ít ra không tệ như trước hoặc không quá tệ. Mặc dù chúng ta không thể tuyệt đối tránh được sự thâu nhận thêm những dữ kiện xấu mỗi ngày, nhưng con số càng ngày càng giảm thiểu đi, phải không? Vì chúng ta thâu nhận vào những dữ kiện tốt như khi thiền định, khi nghĩ đến danh hiệu Thượng Đế, đến lực lượng của Ngài và được lực lượng này đến với chúng ta, cho chúng ta niềm vui, đạo hạnh và những điều thiện lành. Cho nên khi những dữ kiện xấu đến cũng không có chỗ để thu nhận vào, và nếu có cũng giảm đi đến mức tối thiểu. Nhờ những năng lượng vô biên từ Thượng Đế, do việc thiền định mỗi ngày, chúng ta có thể hòa tan hay hoàn toàn tiêu hóa được bất kỳ dữ kiện nào phương hại đến đầu óc và linh hồn của chúng ta. Đó là lý do chúng ta không thể nào bỏ tọa thiền, không thể nào không học hỏi kinh điển được.

Thấu Đáo Kinh Điển Sau Khi Khai Ngộ

Có nhiều người không thích học hỏi kinh điển, tại sao? Tại vì họ không hiểu. Vì vậy Sư Phụ có nghe nhiều vị tu hành ở nhà thờ, ở chùa chiền, than phiền về giới trẻ hay dân chúng ngày nay không ai thích kinh điển, không thích học hỏi Thánh kinh. Đó là vì hầu hết những bộ kinh điển đều quá sâu sắc, quá phức tạp, quá thâm sâu, nên nhiều khi quá khó hiểu đối với người thời nay hay những người bình thường. Tuy nhiên chúng ta có một giải pháp, trước tiên chúng ta phải khai mở lực lượng hiểu biết của mình, rồi sau đó chúng ta sẽ hiểu được Thánh Kinh hoặc các kinh điển khác. Bất cứ những gì chúng ta cầm trong tay, bất kỳ cuốn sách nào chúng ta cũng có thể hiểu được. Có nhiều đoạn trong Thánh Kinh, trong cổ thư Bhagvad Gita, trong kinh điển Phật giáo hoặc trong sách của Lão Tử và Khổng Tử mà Sư Phụ đã từng đọc, Sư Phụ cũng đã không thể hiểu được. Sư Phụ chỉ hiểu một khía cạnh nào đó, nhưng không sâu sắc cho lắm, không được uyên thâm như bây giờ. Sau khi lực lượng hiểu biết của chúng ta được khai mở, trí huệ sẽ hữu dụng trở lại và chúng ta có thể hiểu biết được rất nhiều thứ.

Vậy nếu chúng ta không hiểu kinh điển, việc tốt nhất là trước tiên nên có sự khai ngộ. Khai ngộ có nghĩa là quý vị khai mở lực lượng hiểu biết của mình, rồi sau đó ánh sáng thiên đàng, hào quang của Thượng Đế sẽ chiếu soi sự hiểu biết lên bất kỳ sự vật gì mà chúng ta muốn học hỏi. Do đó hiện nay, ngay cả tại các trường đại học, người ta bắt đầu dạy các sinh viên cách ngồi thiền, ít ra là để làm dịu bớt đầu óc năng động của họ. Nếu họ có được pháp thiền tốt hơn, một pháp thiền có thể giúp khai mở cánh cửa trí huệ, lực lượng của sự hiểu biết, thì họ sẽ được đem lại rất nhiều lợi ích. Dó đó nhiều sinh viên vừa đi học đồng thời vừa thực hành thiền định thấy rằng sự học của họ trong bất cứ môn nào cũng đều trở nên dễ dàng hơn. Họ luôn luôn học hành rất tiến bộ. Đây là một sự kiện mà hiện nay ai cũng biết.

Nước Biển Trong Ly Đồng Một Thể Với Đại Dương

Vì sao có luân hồi? Đó là vì chúng ta không nhận biết chân ngã của mình mà cứ theo đuổi cái vỏ ngoài của chân ngã. Do đó chúng ta cứ theo đuổi hết vỏ này đến vỏ khác. Thí dụ như, nước trong biển đều là một khối. Nếu chúng ta đổ một ít nước biển vào một cái ly hoặc chúng ta nhúng cái ly này vào trong nước biển, rồi đóng nắp lại, thì nước biển trong ly sẽ bị ngăn cách với bên ngoài. Nhưng một khi cái ly bị vỡ ra thì lập tức nước trong ly sẽ trở lại thành đồng một thể với biển. Nhưng nếu nước trong ly bị ràng buộc vào cái vỏ bọc ngoài, và sau khi cái ly bị bể nó đi tìm một cái ly khác, nó sẽ mãi mãi cách biệt với đại dương. Cũng tương tự như như vậy, chân ngã của chúng ta không bị bao bọc trong cái thân thể này, không bao giờ! Vì nó có thể thâm nhập mọi nơi và đây chỉ là một trong những cái trạm, một trong những vỏ bọc ngoài chứa đựng một phần nhỏ của chúng ta. Cho nên khi chúng ta phá vỡ được sự giới hạn này, chúng ta sẽ trở nên đồng nhất với toàn thể. Chúng ta không cần phải phá vỡ cái thể xác này để ra đi (Sư Phụ cười), có cách khác để đi ra. Thí dụ chúng ta không cần phải đập bể cái ly để giải thoát cho đại dương, cho nước biển bên trong cái ly. Như quý vị biết, khi có chỗ bị rỉ nước hoặc có một lỗ thủng ở đâu đó, cái ly vẫn còn đó và nước vẫn còn đó nhưng đồng thời nước lúc nào cũng có thể ra vào để hòa lẫn với đại dương.

Tương tự như vậy, cái ly của chúng ta ở đây, thân thể này, có một cái lỗ nhỏ và nó bị đóng kín. Nó được đóng lại để giam giữ linh hồn, mạch nước của sự sống ở bên trong. Nhưng chúng ta có thể mở ra được. Cũng giống như vậy, có một vài loại ly được làm ra giống như vầy nhưng có một cái lỗ nhỏ ở phía dưới để người ta dùng cái nắp bằng nhựa đậy lại. Một số những chai đựng thuốc uống cũng vậy. Chúng ta chỉ việc mở nắp ra, nắp bằng nhựa hoặc bằng chất gì đó, là có thể giao tiếp với bên trong được. Cho nên có một vị trí mà chúng ta có thể dùng để giao tiếp được với toàn vũ trụ trong khi vẫn giữ được dụng cụ thân thể này. Đó là trung tâm con mắt thứ ba, chỗ ngồi của trí huệ, chỗ ngồi của linh hồn; nếu nó có thể được khai mở bằng một cách nào đó, do lòng kiên trì, sự thành tâm muốn được giải thoát của chúng ta hoặc qua sự giúp đỡ của một vị Minh Sư. Từ đó chúng ta sẽ được tức khắc câu thông với toàn thể vũ trụ, với Đấng Tối Cao ở mọi nơi. Lực lượng Tối Cao không phải chỉ giới hạn trong thân thể này, nhưng hiện tại đang ở khắp không gian, ở khắp mọi nơi, trên từng ngọn cỏ, trên từng cành lá của những thân cây, trong mọi tạo vật.

Lực lượng này dễ được khai mở hơn nếu chúng ta có một người dẫn đạo thông thạo, một người đã câu thông được với lực lượng của toàn vũ trụ. Họ có lực lượng vĩ đại vì họ không còn dùng đến lực lượng riêng của họ nữa. Họ dùng lực lượng của toàn vũ trụ vì họ đã câu thông được với lực lượng này. Giống như nước ở trong ly, mặc dầu vẫn còn ở bên trong, nhưng lúc nào cũng giao tiếp được với nước biển ở bên ngoài qua cái lỗ nhỏ; và lúc nào cũng có nước trong sạch ra vào mặc dầu nước vẫn còn nằm bên trong ly. Một vị Minh Sư hoặc một người khai ngộ cũng giống như vậy. Người được truyền Tâm Ấn là người có sự giao tiếp này, cái nắp được mở trống, và Minh Sư là người đã nhận thức được lực lượng của vũ trụ.

Trở Thành Chủ Nhân Của Định Mệnh

Mặc dầu chúng ta ai cũng có lực lượng này, nhưng Minh Sư là người đã giác ngộ được nó. Điều này giống như hai người con cùng được thừa hưởng một số tiền như nhau từ người cha, nhưng một người biết được chỗ cất tiền và có thể lấy ra tiêu dùng, còn người kia mặc dầu cũng có tiền nhưng không biết cất ở chỗ nào, anh không hề biết tiền để ở đâu thì anh ta đâu có thể dùng được. Tương tự như vậy, mỗi chúng ta đều giống nhau, nhưng nếu chúng ta biết chỗ để xử dụng lực lượng vô biên này, chúng ta sẽ trở thành Minh Sư của chính mình, chủ nhân của định mệnh chúng ta và chúng ta có thể dẫn dắt những người khác để họ có thể trở thành chủ nhân định mệnh của họ. Nếu không, cho dầu chúng ta đều vĩ đại như nhau, nhưng chúng ta không biết đến sự vĩ đại của mình thì thật là uổng phí thì giờ. Do đó chúng ta phải tiếp tục trở lại và trở lại để tìm cho ra cái kho tàng quý giá này; cho đến khi tìm ra rồi thì cuộc hành trình của chúng ta mới được chấm dứt. Rất là đơn giản. Chúng ta ở thế giới này để tìm kiếm cái kho tàng bị lãng quên đó và chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào chúng ta tìm ra được nó.

Đó là lý do tại sao cuộc sống của chúng ta không bao giờ được mãn túc vì lúc nào chúng ta cũng thấy hình như có một cái gì đó, một cái gì khác vĩ đại hơn tất cả những gì hiện thời chúng ta đang có. Một cách nào đó, lúc nào chúng ta cũng biết rằng chúng ta không phải là cái thùng chứa này, phần nhục thể này, bởi vì sau khi chúng ta kêu bằng chết đi, cái thân thể này vẫn còn đó, nhưng chúng ta không còn cử động được, không còn làm được bất cứ chuyện gì nữa, không còn yêu thương người nào được, không còn mở miệng ra được nữa, chúng ta không còn làm được bất cứ công việc nào cả! Điều đó có nghĩa là chúng ta không phải là cái thân xác này, có một cái gì bên trong thân thể làm cho nó cử động và làm việc khi chúng ta còn sống. Một cái gì đó trong thân thể sẽ ra đi khi chúng ta chết, nên chúng ta không còn cử động được bất cứ một bộ phận nào của thân thể nữa. Cho nên bằng cách nào đó chúng ta biết, trong tận cùng tâm khảm của mỗi người, chúng ta đều biết. Sư Phụ biết. Sư Phụ không biết là quý vị có biết không? (Sư Phụ cười) Quý vị biết hả? Quý vị phải biết, đó là lý do tại sao khi quý vị có thì giờ, đặc biệt là lúc bị phiền não, có lúc quý vị muốn ngồi xuống nơi nào một mình và không muốn gần ai nữa, chỉ muốn ngồi một mình. Sau đó quý vị từ từ suy nghĩ, quý vị cảm thấy dần dần đỡ hơn. Bởi vì quý vị tin rằng có một cái gì đó, một cái gì thỉnh thoảng an ủi chúng ta trong tĩnh lặng. Sư Phụ có lúc cũng như vậy trước khi Sư Phụ biết đến Pháp Môn Quán Âm. Sư Phụ có lúc cầu nguyện rất nhiều, cầu Đức Phật, cầu Chúa. Sư Phụ e ngại rằng một trong những vị này không thể nghe được tiếng kêu cầu của Sư Phụ, (Sư Phụ cười) nên Sư Phụ cứ cầu tên bất cứ bất cứ vị nào Sư Phụ nhớ đến. Có khi Sư Phụ cầu Krishna, Thượng Đế của Ấn Độ giáo. Thật ra không có Thượng Đế của Ấn Độ giáo gì cả, chỉ một Thượng Đế mà thôi. Chỉ vì đôi lúc Thượng Đế tái sinh qua hình dáng của người Ấn Độ hoặc người Trung Hoa, nên chúng ta gọi là Thượng Đế Ấn Độ hay Thượng Đế Trung Hoa. Thật ra thì không có chuyện như vậy.

Cho nên đôi khi lúc Sư Phụ buồn phiền, Sư Phụ đã từng bị nhiều buồn phiền trước khi biết đến Pháp Môn Quán Âm, lúc đó Sư Phụ cầu nguyện rất thành tâm, để được yên ổn một mình, không cầu nguyện một cách ồn ào, nhưng thật lòng than thở ở bên trong. Rồi tự nhiên Sư Phụ cảm thấy như có một cái gì nâng cao Sư Phụ lên, cảm thấy thật thoải mái và thật êm ái, giống như là không còn phải lo âu điều gì nữa. Đó là lúc mà chúng ta biết được rằng có một cái gì đó còn vĩ đại hơn đời sống, một cái gì đó lúc nào cũng lắng nghe chúng ta. Hầu hết những người cầu nguyện mà không cảm thấy linh ứng là vì họ cầu nguyện không đủ thành tâm, không đủ thâm sâu. Đó là tại sao chúng ta có nhiều linh ứng khi chúng ta quá đau khổ, vì lúc đó chúng ta rất thành tâm. Nhờ vậy chúng ta sẽ phá xuyên qua được những tầng lớp đạo đức giả tạo, xuyên qua được bản ngã giả tạo của chúng ta, rồi một cách nào đó, dù chỉ trong một giây phút ngắn ngủi, chúng ta sẽ tiếp xúc được với chân ngã thật sự của mình. Đó là lúc lời cầu nguyện của chúng ta được linh ứng. Nhưng Sư Phụ đề nghị chúng ta không cần phải đợi đến lúc bị phiền muộn để làm như vậy. Điều này quá đau khổ. Cho nên chúng ta có cách hay hơn, chúng ta hãy tu hành ngay khi chưa bị phiền não, như vậy tốt hơn, Chúng ta hãy tu hành trước khi chết, như vậy hay hơn.

Liên Hệ Giữa Một Vị Minh Sư Và Thượng Đế

Do đó khi chúng ta chết sẽ giống như chúng ta bước từ phòng này qua phòng nọ, không có trở ngại gì cả! Và chúng ta có thể vĩnh viễn bước ra. Chúng ta có thể đập bể cả cái ly để hội ngộ với toàn thể đại dương, hay chúng ta muốn giữ nó lại cũng được. Chúng ta có thể tìm một cái ly khác, để thỏa mãn lòng mong mỏi của một người nào đó hoặc để giúp đỡ những kẻ khác. Giống như một vị Minh Sư, có lúc vị Minh Sư tái sinh nhiều lần qua nhiều nhục thể khác nhau, hầu giúp cho loài người. Cũng có những Minh Sư thích hưởng thụ cõi Thiên đàng, thưởng thức cõi Niết Bàn và không bao giờ muốn trở lại nữa. Có một số Minh Sư không bao giờ, không bao giờ đầu thai vào cõi đất, không hề có ý định này. Có những Minh Sư tiếp tục đầu thai trở lại, trở lại và trở lại hầu giúp đỡ những đứa con đang bị đau khổ, những người có tài sản vĩ đại nhưng không biết cách dùng, cho nên họ vô cùng nghèo khó và phiền muộn. Ở Ấn Độ người ta rất quý trọng vị Minh Sư, họ sùng kính vị Minh Sư còn hơn là Thượng Đế vì lý do này. Họ nói: "ồ! Nếu bây giờ Thượng Đế và Minh Sư cùng hiện ra một lúc, thì tôi sẽ chọn vị Minh Sư để sùng bái, tôi không cần đến Thượng Đế." (Sư Phụ cười) Đó chỉ là một cách hâm mộ và biết ơn Minh Sư mà thôi. Thật sự thì họ sùng bái Minh Sư vì Thượng Đế, họ cũng sùng bái Thượng Đế vì Minh Sư. Không có Minh Sư họ không biết được Thượng Đế có thật sự hiện hữu hay không. Và không có lực lượng của Thượng Đế thì Minh Sư cũng chẳng là gì hết.

Chúng Ta Đều Đến Từ Thượng Đế

Cho nên chúng ta đều đến từ Thượng Đế, cho dù chúng ta là Minh Sư hay không phải là Minh Sư. Minh Sư là người đã biết được Thượng Đế, còn người không phải là Minh Sư là người chưa biết được Thượng Đế. Nhưng họ vẫn có Thượng Đế ở bên trong, cả hai đều đến từ một nguồn gốc. Sư Phụ vừa mới kể cho quý vị nghe câu chuyện cái ly và nước biển ở bên trong. Nên trong lúc truyền Tâm Ấn, quý vị đã biết rồi, cái nút sẽ được khai mở ra để chúng ta có thể tiếp xúc được phần nào với Thượng Đế, ít ra trong một khoảnh khắc nào đó. Rồi chúng ta tiếp tục làm công việc này mỗi ngày cho đến khi nào chúng ta hoàn toàn nhận biết được mình và Thượng Đế là một, không có sự cách biệt. Quý vị thấy, có nhiều điều mà một người mới thọ Tâm Ấn am hiểu và biết được nhưng rất khó giải thích bằng ngôn ngữ. Sư Phụ cũng vậy. Nếu như không có ai yêu cầu Sư Phụ điều gì cả, Sư Phụ cũng không hề nghĩ đến Thượng Đế. Quý vị hiểu ý Sư Phụ phải không? Ngài giống như người lúc nào cũng đứng xung quanh Sư Phụ hoặc ở bên trong Sư Phụ, nên Sư Phụ cũng chẳng nghĩ gì đến Ngài. Sư Phụ không nói gì về Ngài, Sư Phụ không tưởng nhớ đến Ngài, Sư Phụ không còn tìm kiếm Ngài nữa. Chỉ vì lợi ích của người khác nên Sư Phụ mới nói đến Thượng Đế. Sư Phụ đã nói đến những điều này rồi. Đối với Sư Phụ đôi khi nói về Thượng Đế rất khó khăn. Có lẽ đó là lý do tại sao Sư Phụ ít thích ra giảng pháp hoặc làm những công việc tương tự, vì bất cứ ở đâu, bất kỳ làm điều gì, Sư Phụ cũng đều mãn túc cả. Những người thọ Tâm Ấn xong hầu hết đều như vậy. Có nhiều người lập tức có được sự mãn túc ngay lúc thọ Tâm Ấn và tiếp tục như vậy mãi mãi. Có một số người phải chờ đợi một thời gian để biết rằng mình đã tìm ra được kho tàng. Tại sao như vậy? Vì cái màn che của số người này dầy hơn những người khác. Bởi vì chúng ta bị ngăn chận bởi sự hiểu biết trí thức và bởi những kiến thức chúng ta học hỏi được trong đời sống, và chúng ta hãnh diện về những kiến thức này. Vì hãnh diện về điều này nên chúng ta bị dính cứng vào đó. Đó là lý do tại sao chúng ta quên mất là chúng ta còn vĩ đại hơn những kiến thức này nữa, vĩ đại hơn cả cái bằng tiến sĩ, vĩ đại hơn cả cái tên mà chúng ta hãnh diện đã có như bác sĩ này, ông nọ và địa vị nọ kia. Chúng ta vĩ đại hơn như vậy, vĩ đại hơn bất cứ một vị vua nào trên trái đất này. Có lúc chúng ta không biết rằng mình có cái ngã chấp này và bị kẹt trong đó, trong lưới của ma vương. Chúng ta không biết điều này cho đến khi chúng ta tu hành nhiều hơn và càng tu nhiều chúng ta càng khám phá ra rằng chúng ta bị thói quen của mình, những rác rưới của mình, và nhiều cách thức suy nghĩ vô lý của mình làm cản đường.

Chúng Ta Là Những Chúng Sinh Vô Cùng Vĩ Đại

Tương tự như vậy, mỗi ngày chúng ta bận rộn với công việc của mình và với những kiến thức phàm tục, và chúng ta nghĩ mình có những kiến thức như vậy, rồi chúng ta quên mất đi là chúng ta rất vĩ đại, chúng ta còn biết nhiều hơn thế nữa. Chúng ta biết những điều cao quí hơn nhưng cũng bao gồm tất cả các kiến thức này. Lực lượng này mới thật sự vĩ đại, trí huệ này mới thật to lớn, thật xuất thần nhưng chúng ta lại xử dụng trí huệ siêu việt này chỉ để hiểu một ít những kiến thức phàm phu, thí dụ như những kiến thức về y khoa, về luật khoa hay những môn khác, và rồi chúng ta ôm cứng vào đó. Tất cả trí huệ vĩ đại của chúng ta chỉ được xử dụng để chú tâm vào một góc nhỏ của kiến thức. Do đó chúng ta quên đi trí huệ to lớn đó, quý vị có hiểu ý Sư Phụ không? Chỉ có vậy. Rồi chúng ta tưởng là chúng ta rất vĩ đại, chúng ta là ông bác sĩ nọ, vị tiến sĩ kia. Sư Phụ không có ý nói quý vị. Sư Phụ nói "chúng ta" bao gồm cả chính Sư Phụ. Nên chúng ta nghĩ là chúng ta biết nhiều như vậy, chúng ta xinh đẹp, chúng ta có chức tước này, bằng cấp nọ.

Thật ra chúng ta đã mất đi 99.9999 phần trăm trí huệ vĩ đại của chúng ta chỉ để trả cho chừng đó kiến thức trần gian. Rồi sau cùng chúng ta không có được gì cả, vì đây là chuyện phù du, kiến thức này sẽ bị thay đổi, vì rất nhiều định nghĩa y khoa hay nhiều loại thuốc đã được chứng minh là lỗi thời, và sau đó được thay thế bởi những khám phá khác hay những loại thuốc khác. Hoặc những sự kiện khoa học luôn luôn được thay đổi, bị đào thải và thay thế bằng những phát minh khác, để rồi lại tiếp tục bị thay đổi mãi trong khi loài người tiếp tục tiến hóa đến một trình độ ý thức cao hơn. Do đó không cần biết chúng ta thâu lượm được bao nhiêu kiến thức từ thế giới này, từ lực lượng của trí óc hoặc từ sự khảo cứu, chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết tất cả, vẫn chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ. Giống như lượng nước nằm trong cái ly, hãnh diện rằng mình rất to lớn mà không biết rằng nó là toàn đại dương và khi nó giao tiếp được với toàn đại dương, nó sẽ trở nên vô cùng vĩ đại. Sư Phụ nghĩ là quí vị hiểu Sư Phụ muốn nói gì, phải không?

Có lẽ Sư Phụ để cho quý vị hỏi câu hỏi, được không? Sư Phụ không nói quá nhiều nữa. Quý vị có câu hỏi thì Sư Phụ mới nói thêm chút nữa. Nếu quý vị không có câu hỏi nào thì Sư Phụ sẽ để cho quý vị ra về, vĩnh viễn giải thoát để dùng cơm trưa. (mọi người cười)

Phần Vấn Đáp

Minh Sư Và Tôn Giáo Là "Cây Nạng Chống"

Vấn: Sư Phụ, tại sao Krishna Murti lại bảo các Minh Sư và tôn giáo là cây nạng chống? Nên ông đã từ chối không làm cây nạng cho các học trò của ông?

Đáp: A! Tại sao quý vị không hỏi ông ta? Sư Phụ không chịu trách nhiệm về giáo lý của người khác. Mỗi người có một tư tưởng và triết lý khác nhau với điều kiện người đó phải giữ tư tưởng riêng cho mình.

Dầu sao đi nữa, được rồi, có lẽ điều Ngài muốn nói là nếu quý vị quá bị ràng buộc bởi các giáo điều hoặc bởi bất kỳ vị Minh Sư nào thì quý vị sẽ như là bị tàn tật. Theo ý nghĩa đó thì Ngài nói đúng. Ông thầy hay vị Minh Sư không phải là người mà quý vị lệ thuộc vào nhưng từ những người này quý vị mới học hỏi được kinh nghiệm và trí huệ rồi sau đó tự một mình quý vị bước đi. Nếu người thầy là người xứng đáng họ nên dạy học trò theo cách này. Nhưng cũng không sao, ngay cả khi người học trò hay vị thầy cảm thấy rằng người học trò chưa đủ khả năng để tự mình phát triển thì người học trò này có thể cầu nguyện vị minh sư của họ trong khoảng thời gian đầu mới tu hành. Rồi sau đó khi trưởng thành, họ sẽ tự nhiên không cần đến người thầy nữa. Điều này giống như con người, không phải ai cũng đều có thể đi thẳng đường được. Sư Phụ cần chống dù để đi, chân của Sư Phụ thỉnh thoảng rất yếu. Nhưng lúc chân của Sư Phụ khoẻ, Sư Phụ không cần đến cây dù. Đôi lúc có người bị tật khi mới sinh ra, hoặc tàn tật vì tai nạn, thì họ sẽ cần chống nạng để đi. Điều này cần thiết đối với họ. Quý vị có thể đá cái nạng của họ và bảo: "Ông không cần cái nạng này nữa, nó sẽ làm cho ông lệ thuộc vào nó!" Hay không? Hiểu không? (Hiểu).

Cho nên chúng ta không thể nói thẳng thừng như vậy và kết luận là Minh Sư và tôn giáo tuyệt đối không tốt cho con người. Đối với một vài người điều này rất tốt. Đúng không? Nếu quý vị không cần đến thì không sao. Nếu quý vị cần thì đợi một chút cho đến lúc quý vị không còn cần nữa. Sư Phụ không giảng những điều cực đoan. Theo thiển ý của Sư Phụ, tôn giáo cũng rất tốt cho nhiều người, ít ra họ cũng học hỏi được đức hạnh ở đời, họ sợ Thượng Đế, họ sợ luật nhân quả, nên nhiều người trở nên đạo đức. Sư Phụ nói sự thật với quý vị. Nhưng miễn là chúng ta biết rằng đây không phải là điều tối hậu, quý vị hiểu ý của Sư Phụ phải không? Phải, không là điều tối hậu, thí dụ như, vị Minh Sư ở trong cái thân thể này không phải là điều tối hậu. Điều tối hậu là ở bên trong vị Minh Sư, và bên trong quí vị! Qua vị Minh Sư, quý vị sẽ tìm được điều tối hậu. Và nếu như quý vị chưa tìm được điều này, thì quý vị có thể nhờ cậy vào sư giúp đỡ của vị Minh Sư để dẫn dắt quý vị một thời gian rồi sau đó quý vị có thể tự bước đi một mình, điều này cũng tốt! Nhưng không cần phải cực đoan để mà vơ đũa cả nắm. Có phải vậy không? (Mọi người vỗ tay) Nếu có câu trả lời nào không vừa ý quí vị, thì quý vị có thể lên tiếng hoặc hỏi lại nữa.

Vấn: Thưa Sư Phụ, loài người ở trên trái đất này bao lâu rồi?

Đáp: Ối trời! Sư Phụ có thể đếm được trên đầu ngón tay hay sao? (Mọi người cười) Quý vị có biết bao lâu không? Chúng ta biết bao lâu để làm gì? Làm việc hàng ngày là đủ rồi! Ha! Đã lâu, lâu, lâu lắm rồi! Một số người luân hồi trở lại, một số đã được giải thoát, một số phải tiếp tục trở lại và trở lại. Vậy nếu quý vị muốn đếm, điều này khó lắm. Quý vị có thể nói hàng a tăng tì kiếp đã trôi qua.

Vấn: Một người phải bỏ hết những giáo lý, Minh Sư khác v.v... khi được Sư Phụ Thanh Hải truyền Tâm Ấn hay không? Nếu người đó không muốn thọ Tâm Ấn, người đó có thể cầu nguyện đến Sư Phụ Thanh Hải để được sự gia trì hay không?

Đáp: Quý vị không cần phải bỏ giáo lý hay thầy của mình. Sư Phụ đã nói với quý vị điều này rồi. Cả tôn giáo cũng vậy, quý vị cũng không cần phải bỏ đạo của mình. Thí dụ Sư Phụ đã thọ Tâm Ấn rồi; Sư Phụ vẫn còn nói đến cổ thư Bhagvad Gita, Sư Phụ vẫn còn nói đến Thánh Kinh, nói đến Phật giáo, và tất cả những điều khác, tất cả các Minh Sư khác, ngay cả các Minh Sư thời xưa. Sư Phụ đâu có từ bỏ điều gì! Sư Phụ chỉ học hỏi làm cho mình được phong phú thêm, nhiều trí huệ hơn, nhiều sự hiểu biết hơn từ những Minh Sư khác nhau thời xưa, thời nay và có thể thời vị lai nữa. Vị Minh Sư thời vị lai, quý vị có thể gặp ở thế giới cao hơn vì chưa có ai xuống trái đất này, nhưng trong lúc thiền quý vị có thể gặp Minh Sư thời vị lai và học hỏi nơi họ. Nên quý vị không mất gì cả, quý vị chỉ được thêm thôi. Phải không?

Và nếu quý vị chưa được truyền Tâm Ấn nhưng cầu nguyện với người được gọi là Sư Phụ Thanh Hải, Sư Phụ không biết bà ấy có giúp gì được không? Quý vị cần hỏi thẳng với bà ngay lúc đó (Sư Phụ cười). Có thể có, mà cũng có thể không, tùy mức độ thành tâm và nghiệp chướng của quý vị.

Ân Sủng Lớn Lao Của Thượng Đế Trên Trái Đất

Vấn: Thưa Sư Phụ, khi thiền con không thể giữ sự tập trung ở đây được, đầu óc cứ chạy lung tung với đủ thứ tạp niệm. Làm thế nào con có thể tập trung và thiền tốt hơn?

Đáp: Vị đó đã được truyền Tâm Ấn chưa?

Xướng ngôn viên: Bà đã được thọ Tâm Ấn chưa?

Đáp: Vì Sư Phụ sẽ trả lời khác nhau. Ai hỏi câu hỏi đó? Hả? Cô không cần phải ra mặt nếu biết mình quá tệ. (Sư Phụ cười) Được rồi. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đi cộng tu. Vì lực lượng tập trung của cộng tu có ích cho chúng ta. Chúng ta cần phải kiên nhẫn. Vâng! Có người tập trung được ngay, có người cần phải lâu hơn. Sư Phụ đã có giảng điều này rồi. Ngoài ra cũng nên tự tha thứ cho chính mình. Hoàn cảnh ở thế giới Ta Bà này không dễ dàng cho tình trạng thiền định tĩnh lặng và sự suy tư trầm lặng. Nhưng cứ tiếp tục cố gắng. Thật ra ở thế giới này chúng ta có một lợi điểm là vì ở đây rất khó tu hành nên Thượng Đế đã gia trì cho chúng ta muôn phần. Chúng ta bước một bước thì lực lượng của Minh Sư bước cả trăm bước để hỗ trợ cho chúng ta. Nếu chúng ta tu trên thiên đàng thì không được lợi như vậy. Cho nên tu ở trên thiên đàng đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Ví dụ ở đây chúng ta tu một ngày bằng một trăm ngày tu trên đó. Đó là lý do tại sao nhiều thiên nhân ở cảnh giới cao hơn muốn đầu thai vào xác phàm để tu mau hơn. Vì ở đây có rất nhiều sự cọ xát như luật nhân quả, hoàn cảnh ngang trái, thiên tai, chiến tranh, đau khổ, vui sướng, tất cả trộn lại với nhau. Giống như lửa ở nhiệt độ cao để nung nấu chúng ta. Như khi từ miếng sắt, mình làm con dao. Thứ lửa này rèn luyện chúng ta để trở thành dụng cụ hữu dụng cho chính mình và cho thế giới. Và trong khi tu ở đây, chúng ta cũng có dịp giúp đỡ người khác để được thêm công đức.

Thí dụ như quý vị thiền một mình ở nhà thì quý vị chỉ có công đức của một người. Nhưng qua sự cố gắng hay biện tài, hay bất cứ cách gì, thí dụ như dùng chỗ ở của mình để cho trăm người đến thiền tập thì công đức sẽ tăng thêm một trăm lần, cộng vào với công đức riêng của mình. Do đó quý vị tu sẽ nhanh hơn một trăm lần. Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Hay quý vị đem một trăm người đến thọ Tâm Ấn, những công đức này cũng thuộc về quý vị. Vì thật ra tất cả chúng ta đều là một. Thật vậy! Càng liên kết với nhiều người, mình càng trở nên vĩ đại và công đức càng to lớn. Theo toán học mà nói là như vậy. Do đó ở đây tốt hơn là lên thiên đàng. Ở thiên đàng ai cũng vui sướng nên họ trở thành khoan thai (Sư Phụ cười) Không có động lực đằng sau để thúc đẩy họ tập trung. Vì vậy Sư Phụ mới nói quý vị cầu nguyện sẽ thấy hiệu quả hơn khi quý vị buồn bực hoặc thất vọng. Phải vậy không? Đôi khi thiền lại dễ dàng hơn. Lúc đó quý vị nhớ Sư Phụ nhiều hơn. Quý vị kêu cứu: "Sư Phụ ơi! Cứu con với, làm ơn, làm ơn, làm ơn ..." (mọi người cười) Và ngày hôm đó quý vị có thể nghiệm tốt. Ánh sáng lớn hơn, âm thanh to hơn và cảm thấy mình nhẹ bổng, phải vậy không? Cảm thấy mình gần Thượng Đế hơn. Thật vậy! Cho nên tu ở thế giới này có lợi điểm, mặc dù có khó khăn.

Sư Phụ vui mừng thấy có nhiều đồng tu tu hành rất tinh tấn. Có người đến trung tâm chỉ để nhìn quanh quất nhưng sau đó ... (mọi người cười) Họ không thể nhìn tới nhìn lui hoài. Vì ai nấy cũng đều nhắm mắt nên họ cảm thấy lúng túng. Không bao lâu họ cũng bắt đầu nhắm mắt và thấy điều gì đó bên trong thay vì ngắm nhìn các cô gái đẹp bên ngoài. Vì thế có một ngôi đền, ngôi chùa hoặc một trung tâm cũng rất có ích lợi, để mọi người có thể tụ họp cùng nhau tập trung ý lực và nhất tâm nghĩ về Thượng Đế, điều này giúp ích cho mọi người. Nên quý vị cứ kiên nhẫn. Quý vị có thể nhìn quanh quất đôi chút, khi thấy chán thì nhắm mắt lại thiền với mọi người. Thật ra khống chế đầu óc rất khó khăn, cho nên cần phải tu hành mỗi ngày. Nếu không Sư Phụ sẽ bảo quý vị cứ thọ Tâm Ấn là thành Phật, khỏi phải làm gì khác. Phải không? Bởi vì tập quán của chúng ta có từ lâu đời, hàng bao nhiêu ngàn năm, có khi còn lâu hơn nữa. Cho nên chỉ cần một đời để rửa sạch là một việc rất khó, nhưng cũng rất đáng công. Hoặc giả quý vị muốn ở đây thêm một ngàn năm nữa để làm việc đó? Chắc là vui lắm! (Mọi người cười) Vì vậy nên Sư Phụ mới bảo quý vị phải thiền nhiều giờ. Hai tiếng rưỡi hay ba tiếng, vì hai mươi phút đầu là để tranh đấu. Cứ tiếp tục như vậy, tiếp tục và sau hai mươi phút mọi chuyện sẽ từ từ lắng dịu. Sau nửa tiếng quý vị sẽ bắt đầu thấy sảng khoái và sau bốn mươi phút quý vị sẽ biến mất. (Mọi người cười)

Giữ Quân Bình Trong Đời Sống

Vấn: Con người được tạo ra với mục đích gì? Có sự sống giống như con người ở các hành tinh khác trong vũ trụ hay không?

Đáp: Có, có đời sống như con người ở trên các hành tinh khác. Có mục đích gì à? Sư Phụ không biết. Điều đó quý vị nên hỏi Thượng Đế khi quý vị lên trên ấy. Sư Phụ không bao giờ hỏi Ngài tại sao, vì Sư Phụ không đặt nhiều câu hỏi. Sư Phụ là mẫu người ít nói. (Sư Phụ cười)

Vấn: Làm cách nào để chúng ta tự giải thoát khỏi những đau khổ, những cảm xúc đau đớn, khi chúng ta muốn buông bỏ những cuộc đời và hoàn cảnh chung quanh? Nhưng muốn nhìn cho thấu đáo rất khó vì có những người mà chúng ta bị ràng buộc với họ, và rất khó để biết được rằng có những điều còn cao quí hơn là cuộc sống, cao quí hơn là bản thân chúng ta và tình cảm trói buộc của chúng ta đối với một người nào đó mà ta không buông bỏ được?

Đáp: Sư Phụ đã có nói là hãy tha thứ cho mình và rồi hãy tiếp tục cố gắng. Đôi khi trong vài hoàn cảnh chúng ta có thể tự chế ngự được mình, nhưng phải với một sức cố gắng rất lớn, nhưng cũng có lúc chúng ta không muốn chế ngự hoặc không thể chế ngự được mình. Đường nào cũng vậy, quý vị chỉ có thể phản ứng cách nào tốt đẹp nhất cho quý vị ngay tại thời điểm đó. Hiểu chứ? Không cần quan tâm nhiều về cảm xúc. Nó chỉ là những gợn sóng trên mặt biển. Không phải là lỗi của biển. Chính là gió và sự vận chuyển của trái đất đã tạo nên sóng. Nên biển không thể luôn luôn tự đổ lỗi là mình đã tạo ra sóng, rằng mình đã gây khó khăn cho thuyền bè, cho người ta v.v... Biển không thể làm khác hơn được. Hả? Ông biển hay bà biển đây?

Xướng ngôn viên: Sư Phụ muốn gọi thế nào cũng được.

Đáp: Chúng ta không bao giờ biết được. Được rồi, cứ tạm gọi là nàng biển đi, vì tên Sư Phụ là Thanh Hải. Thanh Hải có nghĩa là "đại dương tinh tuyền". Thật ra ở Ấn Độ họ gọi là Vishudananda, đại dương tinh tuyền, có phải vậy không? Vâng, vì hôm trước... Sư Phụ nghĩ phải đổi tên Sư Phụ thành tên Ấn Độ để lôi cuốn thêm nhiều người Mỹ (Sư Phụ cười). Hôm trước có một đệ tử người Mỹ nói với Sư Phụ: "ồ! Hầu hết người Mỹ chỉ thích có thầy Ấn Độ, nên Sư Phụ không có duyên với họ được nhiều. Sư Phụ chỉ hấp dẫn được người Âu Lạc và người Á Châu mà thôi." Sư Phụ nói: "Được, Sư Phụ cũng đổi tên được chứ." Ông ta hỏi: "Sư Phụ có tên Ấn Độ không?" Sư Phụ trả lời: "Có chứ! Tên là Vistudananda. (Sư Phụ và mọi người cười) Đó là phiên dịch từ tên của Sư Phụ. Đúng vậy! Cứ Ananda, Da, Da, Da là được! Nghe rất giống Ấn Độ! (Mọi người vỗ tay) Bây giờ quý vị có thể gọi Sư Phụ là Ananda, Vistuananda, nghe rất giống Ấn Độ, phải không?

Vấn: Làm sao đạt được bình an nội tâm và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày?

Đáp: Một cách từ từ (Mọi người cười) Sau khi thọ Tâm Ấn, trí huệ càng mở mang, chúng ta càng nhận nhiều ân sủng và sự bình an từ Thượng Đế, đời sống chúng ta càng an vui, nhưng chỉ khi nào quý vị không làm Minh Sư. Sư Phụ không thể hứa một đời sống bình an nếu quý vị muốn làm Minh Sư. Nhưng nếu quý vị chỉ làm đệ tử mà thôi thì mọi sự đều hoàn hảo (mọi người vỗ tay).

Vấn: Thưa Sư Phụ, con luôn luôn phạm cùng một lỗi mà con muốn tránh. Con cảm thấy như có hai người bên trong con: Một người tốt và một người xấu. Con phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Đáp: Làm thế nào để chấm dứt? Có thể đây là sự quân bình cần có để cho quý vị học hỏi. Thật ra chúng ta không thể lúc nào cũng quá tốt. Như vậy quý vị sẽ gãy. Quý vị thấy người đi giây trong gánh xiệc chứ, anh ta nghiêng bên này, nghiêng bên kia, có lúc ngã hẳn về phía này, lúc gượng lại về phía kia. Nếu anh ta cứ đi thẳng thừng như bình thường thì sẽ bị té ngay. Cuộc sống cũng có hai mặt như vậy, một dương, một âm. Một mặt là sung sướng hạnh phúc, mặt kia thì đau khổ bi ai. Cho nên đôi khi chúng ta không thể làm gì khác hơn là ngã bên này rồi nghiêng bên kia. Điều đó không sao! Hãy tha thứ cho chính mình. Cố gắng hết sức mình, nếu không được nữa thì hãy tự tha thứ chính mình. Nếu mình cảm thấy một tập quán nào đó là xấu thì mình làm ngược lại để phản công. Thí dụ như bình thường quý vị thật keo kiệt, không muốn cho ai cái gì, bây giờ quý vị tự ép mình để cho ra. Mỗi khi quý vị muốn thu vào cho mình, thì ngay lúc đó mình cho ra, lần sau nó sợ nó không dám tham nữa, vì nó thấy lỗ vốn (mọi người cười). Thí dụ như quý vị muốn lấy một đồng thì tự ép mình cho ra hai đồng. Lần sau mình không còn dám lấy vô nữa. Hay là thường thường quý vị thích ngắm nghía mấy cô khác ngoài vợ mình ra. Khi nào quý vị cảm thấy thích như vậy thì cứ về nhà ngắm vợ mình. Lần sau quý vị sẽ ớn, không muốn ngắm nữa. Được chưa? Thử xem sao! Không chừng có hiệu quả (mọi người vỗ tay).

Tại Sao Nhiều Lời Tiên Tri Không Thành Sự Thật

Vấn: Có vài tôn giáo nói về ngày tận thế sắp đến. Ý nghĩa thật sự của lời này là gì?

Đáp: Đâu có tôn giáo nào nói vậy đâu?

Vấn: Chỉ có Thiên Chúa giáo...

Đáp: Sao? Thiên Chúa giáo có nói vậy?

Vấn: Con muốn nói là Thánh kinh có nói vậy.

Đáp: Thánh kinh không có nói năm 2000 là tận thế. Thánh kinh chỉ tiết lộ vài điều về những thảm họa của thế giới này. Nhưng đó chỉ là thể nghiệm của một cá nhân. Và một vài người trong số chúng ta cũng có những thể nghiệm này. Khi quý vị trở lại một quá khứ hủy diệt nào đó, khi quý vị chứng kiến sự tàn phá này ở một kiếp trước, bây giờ nó lại hiện ra quý vị nghĩ rằng sự kiện ấy sẽ xảy ra cho thế giới này. Nhưng điều đó không đúng. Có thể quý vị đã chứng kiến sự hủy diệt của một vũ trụ khác, một hành tinh khác, và lầm tưởng là thế giới này. Hoặc chuyện thuộc về quá khứ mình hiểu lầm là sẽ ứng dụng cho thời điểm này. Đôi khi quý vị thấy những chuyện thật xa, xa thăm thẳm ở tương lai nhưng tính lầm và nghĩ là chuyện bây giờ. Vì thế mà có nhiều lời tiên đoán không bao giờ xảy ra.

Vừa rồi có người ở Keeth tiên đoán về ngày tận thế và bà ta đổi ngày đến ba bốn lần. Đáng lẽ thứ sáu, nhưng thứ sáu lại nhằm ngày lễ nên phải đổi lại chủ nhật, nhưng chủ nhật chờ hoài mà cũng không tận thế (mọi người vỗ tay). Nhưng cũng đừng bận tâm. Ngày tận thế chính là ngày mình chết đi, vậy hãy chuẩn bị cho ngày đó. Hãy sẵn sàng để khi chúng ta rời cái thế giới này, mình được cùng đi với Thượng Đế, thay vì với thần chết. Đó là ngày tận thế của chúng ta.

Vấn: Có tương quan gì giữa lòng từ bi và sự chú tâm hay không?

Đáp: Sự chú tâm là khi quý vị tập trung tốt, còn lòng từ bi có nghĩa là khi quý vị có tình thương cho kẻ khác. Quý vị hỷ xả thương yêu những chúng sinh khác, thương yêu súc vật, con người, không muốn làm điều gì phương hại đến họ. Quý vị muốn giúp đỡ khi họ cần. Đó là lòng từ bi. Còn sự chú tâm là mức độ tập trung có được khi thiền quán.

Vấn: Sư Phụ có nói trước đây là khi chúng ta mở rộng trí óc để tiếp nhận vũ trụ, chúng ta sẽ đạt được trí huệ, kiến thức về vũ trụ và có thể hiểu thấu mọi kinh sách. Câu hỏi của tôi là làm sao có thể được vậy nếu mình sinh ra với một đầu óc không minh mẫn? Làm sao có thể học về những kiến thức của càn khôn vũ trụ sau khi đã mở rộng trí óc?

Đáp: À!

Xướng ngôn viên: Còn thêm nữa. Ông ta nói là ông ta hỏi trước khi Sư Phụ trả lời... Đối với tôi trong quá khứ, tôi cố học để trở thành một người chuyên nghiệp. Tôi không thành công vì tôi là người đần độn. Sư Phụ có thể chỉ cho tôi cách nào không?

Đáp: Không thể thích ứng được trong trường học không có nghĩa là quý vị đần độn. Có thể quý vị thiếu nghị lực, hay không có thầy giỏi, bạn tốt hoặc hoàn cảnh không thuận tiện, hoặc có thể quý vị thiếu kiên nhẫn. Có người học mau, có người học hơi chậm hơn. Nhưng không có nghĩa là quý vị đần độn, không có nghĩa là quý vị ngu si. Không nhận ra được cái trí huệ vĩ đại của mình đó mới thực là ngu si (mọi người vỗ tay). Nên Sư Phụ mời quý vị đến thọ Tâm Ấn để nhận ra sự vĩ đại của mình, từ đó quý vị sẽ hiểu được đủ điều. Được chưa? Vì những gì Sư Phụ nói chỉ mới là những lời đầu môi chót lưỡi mà thôi, nói nhiều quá. Vâng, không có thể nghiệm đi kèm thì đó mới chỉ là quảng cáo. Sư Phụ nói nào là nước cam trong ly của Sư Phụ ngon lắm, bổ dưỡng lắm, nhiều sinh tố C, quý vị uống vào thì sẽ đã khát. Nhưng quý vị không đến uống thì dù Sư Phụ có nói cách nào cũng chỉ là đại ngôn mà thôi. Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Vô nghĩa! Lắm lời! Tốt nhất là nên uống vào! Nên khai ngộ! (Mọi người vỗ tay)

Minh Sư Tại Thế Sẽ Đáp Ứng Lời Cầu Nguyện Của Mọi Người

Vấn: Tôi cảm thấy như bị lạc. Tôi đã tìm kiếm và tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được Thiên quốc, điều mà đáng lẽ tôi phải làm được và phải có được. Làm sao có thể tìm được Thiên đàng trên Trái đất?

Đáp: Hãy khai ngộ. Thiên quốc ở rất gần, ngay bên cạnh quý vị, gần hơn cả lớp da của quý vị nữa. Nhưng nếu quý vị không có ánh sáng, quý vị không thể thấy được, quý vị không thể thấy được gì trong bóng tối dù là gần đến đâu. Quý vị có thể cảm nhận được nó nhưng không thấy được. Phải có ánh sáng, ánh sáng của Thượng Đế sẽ chiếu rọi trên mọi thứ mà quý vị muốn tìm, kể cả thiên quốc. Nhưng đây chỉ là những lời trừu tượng mà thôi, quý vị phải thật sự có thể nghiệm và điều đó chỉ có được khi quý vị chuyên tâm tu hành sau khi thọ Tâm Ấn. Quý vị sẽ biết quý vị là ai và từ từ mỗi ngày sẽ thực sự hiểu biết thêm.

Vấn: Tại sao các tôn giáo và các vị Minh Sư quá khứ đã dạy dỗ qua nhiều năm rồi mà thế giới vẫn không tốt đẹp hơn, trái lại còn tệ hại hơn?

Đáp: Bởi vì các vị Minh Sư đã đi rồi không thể dạy dỗ quý vị. Quý vị phải tìm một vị Minh Sư tại thế mới có thể trả lời những câu hỏi, giúp đỡ quý vị khi gặp sự nghi ngờ; và tay nắm tay đưa quý vị về Thiên Quốc. Chúng ta cần phải giao tiếp mặt giáp mặt, không phải giao tiếp với những người đã quá vãng. Cũng như là không cần biết những giai nhân trong quá khứ đẹp ra sao, quý vị vẫn không thể lập gia đình với họ được. Không thể được. Họ không thể có con cái với quý vị, không thể cho quý vị một cảm giác yêu đương như là một người vợ đang còn sống.

Vấn: Tôi đã được dạy bảo tại nhà thờ chính gốc Thiên Chúa giáo rằng chúng ta chỉ cầu nguyện Thượng Đế, không phải Đức Chúa Giê-Su, Đức Mẹ đồng trinh, các thiên thần hay bất cứ người nào hoặc một sự vật nào, chỉ cầu nguyện với một mình Thượng Đế, là Đức Cha của Giê-Su, đấng tạo nên trời đất. Rồi tại sao người ta lại cầu nguyện với Ngài như là một Minh Sư, hoặc với bất cứ Minh Sư nào khác?

Đáp: Sư Phụ không biết, đó là vấn đề của họ (Sư Phụ cười) Giống như lần trước, có người hỏi Sư Phụ, nếu anh ta không muốn thọ Tâm Ấn, có nghĩa là anh ta không muốn trực tiếp liên lạc với Thượng Đế, vậy anh ta có thể cầu nguyện Minh Sư Thanh Hải không. Sư Phụ phải làm sao? Được, nếu anh ta cầu nguyện và được linh ứng, thì cứ tiếp tục làm. Nhưng Sư Phụ luôn luôn khuyên quý vị nên đi thọ pháp, phải không? Quý vị trực tiếp liên lạc với Thượng Đế và trực tiếp cầu nguyện với Thượng Đế. Đó là con đường tốt nhất, nhưng nếu người nào không muốn chọn con đường có, muốn chọn con đường thứ hai, dễ hơn; không phải ăn chay, không phải thiền hai tiếng rưỡi một ngày, không phải giữ một giới luật nào cả, chỉ muốn có quyền lợi. Người này sẽ cầu nguyện bất cứ ai có thể cho họ những điều này. Có thể họ cầu nguyện Chúa Giê Su hoặc Đức Phật mà không được giúp đỡ nên họ cầu Thanh Hải và được giúp, cho nên họ cứ tiếp tục cầu hoài. Con người là như vậy, thích lợi lộc, đúng vậy (mọi người vỗ tay).

Quý vị biết không, thật ra các vị Minh Sư tại thế sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của mọi người. Nhưng sau khi vị Minh Sư qua đời, người ta học lại từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên nên họ cứ tiếp tục cầu nguyện như vậy, rồi quên đi sự khác biệt giữa một vị Minh Sư tại thế và một vị Minh Sư quá khứ. Cho nên họ cứ tiếp tục cầu nguyện những vị Minh Sư quá khứ và thỉnh thoảng than phiền rằng những vị Minh Sư này không giúp họ. Thật ra khi quý vị cầu nguyện với bất cứ vị Minh Sư nào điều này có nghĩa là quý vị cầu nguyện với Thượng Đế. Quý vị có hiểu ý Sư Phụ không? Bởi vì vị Minh Sư giao tiếp được với Thượng Đế nên cũng giống như quý vị cầu nguyện với Thượng Đế vậy. Có gì ở bên trong họ ngoài Thượng Đế? Quý vị nghĩ quý vị cầu nguyện "Thanh Hải" à? Ai là Thanh Hải? Khi quý vị nghĩ tới "bả", bà ấy là ai? Là ông nào? Là bà nào, là ai vậy? Chỉ có Thượng Đế ngự trị trong thân xác bà ấy mà thôi, ngoài ra không còn gì khác! Vậy quý vị cầu nguyện bà và bà ta liên lạc được với Thượng Đế, tức là quý vị cầu nguyện với Thượng Đế, hiểu không? (mọi người vỗ tay)

Hãy Khai Ngộ Và Sẽ Có Mọi Lời Giải Đáp

Vấn: Con hỏi câu này cho một người bạn, khi con hỏi Sư Phụ là con hỏi cho anh ta.

Đáp: Được.

Vấn: Câu này không rõ ràng, nhưng con sẽ cố gắng diễn đạt. Anh ta muốn biết nếu anh ta chia rẽ cha mẹ của anh vì một lý do chính đáng, như vậy có sai không, bởi vì...

Đáp: Để làm gì, ly thân...

Vấn: Ly thân vì lý do chính đáng. Cha mẹ của anh ta, người này không cho người kia tu thiền. Anh ta muốn biết làm vậy có tạo nghiệp chướng không? Nếu anh ta tu thiền có bù đắp lại việc chia rẽ cha mẹ anh hay không? Đó là ý của câu hỏi này, và nếu con diễn đạt không đúng thì anh ta nên tự hỏi Sư Phụ.

Đáp: Đừng bận tâm, quý vị hãy nên để thời gian trả lời. Những gì quý vị quan tâm về cha mẹ của quý vị, đừng nên lo lắng quá. Quý vị không nên lo lắng vì mọi việc sẽ thay đổi vào đúng thời điểm của nó. Nếu quý vị cố gắng ép buộc vấn đề khi chưa đúng thời điểm, quý vị sẽ gây trở ngại và dĩ nhiên quý vị sẽ tạo ra nghiệp chướng.

Vấn: Sư Phụ nói rằng nước trong ly đồng một thể với nước trong đại dương, nhưng bởi vì cái ta làm cho nước bị cách biệt với đại dương qua cái ly. Tu thiền có phải là làm một cái lỗ ở đáy ly, để nước liên lạc với đại dương?

Đáp: Thọ Tâm Ấn có nghĩa là như vậy. Phải, đục một cái lỗ thông ra và rồi nước có thể ra vào bất cứ lúc nào. Nên nước ở ly là nước ở đai dương và nước ở đại dương là nước ở trong ly. Phải, mỗi ngày khi quý vị thiền định, giống như là để nước ra vào luôn luôn, lúc nào cũng có nước mới để nước trong ly không bị ô nhiễm.

Vấn: Làm sao để thiền?

Đáp: Quý vị hãy thiền theo cách quý vị muốn. Nếu quý vị không biết, quý vị đến thọ pháp, chúng tôi sẽ giúp, được không? Thật ra quý vị không nên hỏi Sư Phụ bất cứ câu nào. Kết quả không tùy thuộc vào quý vị có bao nhiêu câu trả lời. Có nhiều giải đáp để làm gì? Con đường duy nhất là khai ngộ và tự biết giải đáp hoặc đạt đến trạng thái không cần phải biết bất cứ câu trả lời nào; và rồi chúng ta vĩnh viễn tự do, thoát khỏi bất cứ những tò mò, ước ao muốn biết mọi sự. Đó là lúc chúng ta biết mọi sự việc, bất cứ điều gì chúng ta cần biết, chúng ta sẽ biết ngay lập tức. Ngay cả những gì chúng ta không cần biết, chúng ta cũng biết nữa, nhưng ở bên trong, chúng ta không dùng đến kiến thức này. hiểu không? Không còn câu hỏi nào nữa sao?

Xướng ngôn viên: Thưa không còn nữa.

Đáp: Được rồi, có thể đi dùng cơm trưa. hết câu hỏi rồi, thật vậy à?

Vấn: Ồ! Chúng con có nhận được một bưu kiện đặc biệt gởi hỏa tốc đến đây: "Chồng con bị một chứng bệnh ngoài da, đau khổ suốt 8 năm nay. Con rất yêu anh ấy và đã cố thử nhiều cách, đi bác sĩ, chạy chữa thuốc men, tôn giáo, tu thiền và hy vọng chữa trị được căn bệnh của anh ấy..."

Đáp: Tất cả mọi cách tu thiền?

Vấn: Vâng, ngay cả thiền nữa.

Đáp: Ông ta tự thiền một mình?

Vấn: Vâng.

Đáp: Còn người vợ thì sao?

Vấn: Không thấy đề cập đến, "... nhưng mỗi ngày một tệ hơn. Bây giờ mỗi lần con nhìn anh ấy mà rơi nước mắt, và tệ hơn nữa, con bắt đầu mơ tưởng đến những người đàn ông khác khi con quá buồn. Có phải như vậy là xấu và không chung thủy không? Làm thế nào để chữa được đầu óc con và sự đau buồn này?"

Đáp: Không, không, quý vị không xấu, chỉ là do hoàn cảnh xấu. Cô ta quên không nói rằng chồng của cô thiền hay chính cô thiền? Bởi vì chồng của cô nên thiền nhiều và cầu nguyện cho chính ông ấy. Còn câu hỏi nào nữa không?

Vấn: Thượng Đế là một người, là một thực thể, một siêu hiện hữu hay là gì?

Đáp: Là tất cả những điều kể trên, tất cả những điều này và hơn thế nữa.

Bây giờ, mỗi khi bệnh hoạn, thứ nhất chúng ta nên cố gắng chấp nhận; thứ nhì chúng ta tìm cách điều trị căn bệnh. Thế nào cũng phải có cách và trên hết là chúng ta phải cầu nguyện năng lực tối cao giúp chúng ta. Chúng ta cầu nguyện, nhưng phải thành tâm. Đôi khi những chứng bệnh do nghiệp chướng tiền kiếp, hậu quả của tiền kiếp, sự trừng phạt của tiền kiếp do việc chúng ta đã làm sai hoặc làm hại dung nhan của người nào đó, nên bây giờ chúng ta gặt hái hậu quả này. Nhưng đôi khi, sau khi nghiệp chướng tiêu tan dần, sự việc sẽ bắt đầu tốt đẹp hơn. Có nhiều cách để điều trị bệnh ngoài da. Sư Phụ đã từng gặp một người da rất xấu, nhưng cũng có cách điều trị. Có thể quý vị tìm kiếm chưa đủ, vậy quý vị có thể hỏi thăm cách chữa trị khác hoặc nói với ông chồng nên tự cầu nguyện, phải không? Hoặc là thiền? Sư Phụ không bảo đảm rằng thọ pháp rồi sẽ chữa được bệnh của quý vị hoặc bệnh của chồng quý vị. Bởi vì Sư Phụ không muốn thu hút người ta đến đoàn thể này chỉ vì nguyên do thể xác. Như vậy không đủ để quý vị được giải thoát, bởi vì vẫn còn bám vào vật chất thay vì ước muốn Thượng Đế, là người ban phát tất cả mọi điều. Một khi chúng ta thật sự muốn, Thượng Đế sẽ cho. Nhưng nếu chúng ta chỉ muốn những điều vật chất thôi, có khi Ngài cho, có khi Ngài không cho. Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Đó mới là vấn đề.

Ở Ấn Độ có một câu chuyện về một ông vua thích cho thuộc hạ của mình những gì ông có. Ông bày tất cả châu báu chung quanh và nói mọi người đến lấy bất cứ món gì họ thích. Người thì lấy kim cương, vàng, châu báu, đồ cổ, ly tách, tất cả mọi thứ; rồi họ ra về sung sướng. Chỉ có một cô gái không lấy gì cả. Cô ta đi thẳng đến ông vua và nói: "Ngài có phải là quà tặng không?" (mọi người cười) "Tôi chỉ muốn lấy món quà này thôi". Dĩ nhiên ông vua rất ngạc nhiên và vui mừng vì có người muốn ông vì chính ông chứ không phải vì tặng vật của ông. Và rồi dĩ nhiên nhà vua cưới cô gái đó và tất cả mọi thứ thuộc về cô, không phải sao? (mọi người cười) Phải (mọi người vỗ tay). Câu chuyện là vậy. Quý vị biết chuyện này à? Nếu quý vị có thì giờ, có một câu chuyện nữa để dẫn chứng.

Câu Chuyện Về Shiva

Quý vị có đói không? (Không) Sư Phụ chỉ nợ quý vị nửa tiếng nữa thôi. Có câu chuyện về Shiva. Nhân tiện, có Shiva ở đây không? (Sư Phụ quay nhìn ra sau nơi để các hình tượng) Phải, đúng vậy, với một mặt trăng hoặc nửa mặt trăng và tay cầm chỉa ba. Đúng, đó là Ngài. Shiva là một vị Minh Sư trong quá khứ. Ngài giả định là Thần hủy diệt. Ngài hủy diệt sự phủ định, không phải là hủy diệt loài người. Một số người hiểu lầm, họ lo ngại Ngài sẽ hủy diệt họ, nên cứ hối lộ Ngài, với tất cả hoa quả và bánh trái (Sư Phụ cười). Điều này không phải vậy. Trong quá khứ Shiva đã chìm đắm trong thiền định ở rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, phải, ông nhập đại định, không bao giờ thức dậy nữa. Không có điều gì khuấy động được ông. Đó là huyền thoại của Ấn Độ, phải không?

Ông thiền rất say sưa trong rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, hoàn toàn bất động. Nhưng có những ông trời trên thiên giới sợ rằng ông không có vợ, ông sẽ không sinh con nối dõi tông đường, đoạn dứt hạt giống thiêng liêng hoặc dòng máu thánh thiện. Cho nên họ cũng lo lắng nhiều, vì ông ta quá thánh thiện và họ muốn có người tiếp nối dòng dõi này. Bởi vậy họ gởi đến một tiên nữ thật là đẹp, tuyệt đẹp, tên của cô là Parvati. Phải, tên thì đúng, nhưng giọng của Sư Phụ không giống Ấn Độ (Sư Phụ cười). Cô ta rất đẹp và thân hình của cô thừa sức để làm các đấng nam nhi xiêu lòng. Nhưng cô ta không thể khuấy động được ông, cô cố gắng với tất cả mọi khả năng, nhẩy múa chung quanh ông, làm đủ mọi thứ, nhưng ông vẫn không xuất định. Cuối cùng cô ta chán quá, bèn đến phía bên kia núi, xa hơn một chút, chọn một rặng núi và ngồi xuống thiền. Cô nói: "Bây giờ tất cả đều vô nghĩa! Tôi thiền với Thượng Đế, tôi sẽ được giải thoát và hạnh phúc vô tận. Như vậy tốt hơn là đeo đuổi một người giống như gỗ đá, không có tình cảm, chẳng có chút gì hết". (mọi người cười) "Tôi đẹp như vầy mà ông ta không ngó ngàng tới. Hừ". Cô ta chán nản, giận dữ và bực tức, nên đến một ngọn núi khác. Sư Phụ quên ngọn núi đó tên là gì rồi, Kailasa? À, Kailasa, phải không? Không tệ lắm đối với một người Việt Ấn! Được, trí nhớ của Sư Phụ không đến nỗi nào, cuối cùng Sư Phụ cũng chưa lẫn, chỉ già thôi. Cho nên cô ta đến ngọn núi Kailasa, có thể nói là ngọn núi nổi tiếng là linh thiêng đối với tín ngưỡng của người Ấn Độ, phải không? Ngọn núi rất cao và có một hồ nước thật đẹp, quý vị biết không, trong làng kế bên họ gọi hồ nước này là Mansa River. Phải rồi, cô ta ở lại đây và thiền, đúng vậy. Sau một thời gian, cô đạt được trạng thái chân phúc.

Phần Shiva, trong lúc chìm đắm trong thiền định, bỗng nhiên ông cảm thấy có điều gì khuấy động ông, một lực luợng nữ tính rất mạnh. Không hẳn là quấy phá, có chút khuấy động nhưng đồng thời cũng làm ông cảm thấy dễ chịu và phấn khởi. Cho nên ông mới mở con mắt thứ ba để nhìn và nói: "Úi chà! Có một người đẹp ở bên kia". Thế là một chuyện tình thơ mộng bắt đầu, đúng vậy. Thôi phần còn lại quý vị tự biết lấy, được không?

Cho nên lực lượng của thiền định, lực lượng của Thượng Đế, ngay cả đến ông trời cũng bị khuấy động, hiểu ý của Sư Phụ không? Lực lượng ấy đã khiến một thiền sư khổ hạnh nhất cũng phải giao động (Sư Phụ cười). Được, nếu quý vị muốn có một ông chồng tốt, đây có thể là một lời khuyên hiệu quả (mọi người cười) Nhưng thật ra khi quý vị không muốn, nó sẽ đến. Phải không? Parvati đã cố hết sức để quyến rũ ông, nhưng không thành công, bởi vì cô cố gắng với cái ta, với cái sức hạn hẹp muốn chiếm đoạt để làm sở hữu, và sự suy nghĩ phàm phu. Nhưng khi cô trở nên thánh thiện, sự quyến rũ của cô cải biến. Bởi vì từ trường của ông ta thánh thiện, đẳng cấp rất cao. Nếu cô ta dùng từ trường và năng lực phàm phu để thu hút ông, làm sao mà ông ta có thể xuống được? Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Để thu hút đối phương, ít nhất quý vị phải bằng họ.

Bởi vậy, một số các cô hoặc các cậu không thành công trong việc thu hút đồng tu của chúng tôi, tốt hơn hết là đi thọ Tâm Ấn (mọi người cười và vỗ tay). Chỉ nói đùa thôi nhé! Chỉ nói đùa thôi! Sự thật là như thế này. Có nhiều người lúc trước không có sức quyến rũ, rồi sau khi thọ pháp và tu thiền một thời gian, họ bắt đầu có sức thu hút mọi người. Không nhất thiết là về thể xác, người khác chỉ cảm thấy mến và muốn ở gần quý vị, đó là vì từ trường của quý vị, lực lượng tình yêu Thượng Đế của quý vị. Quý vị không thể che đậy được, nó sẽ tỏa ra và thu hút người khác giống như nam châm vậy, bởi vì linh hồn của họ cũng có Thượng Đế tính. Cho nên họ cảm thấy quý vị thu hút họ, giống như những vị Minh Sư thu hút người khác. Nhưng đó hoàn toàn không phải là một cái nạng. Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Đó chỉ là một linh hồn được thu hút bởi một linh hồn cao hơn. Cho nên một thời gian sau đó, họ sẽ vỡ lẽ ra là cả hai chỉ là một. Bởi thế ai là người mang nạng, ai là người nương tựa ai? Quý vị hiểu ý Sư Phụ không? Do đó đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi về Sư Phụ và tôn giáo, và cây nạng cùng sự nương tựa. Còn tùy trường hợp! Được rồi phải không? Thôi đi ăn trưa (mọi người vỗ tay)