Kiến Thức và Trí Huệ

Thanh Hải Vô Thượng Sư Giảng tại Hồng Kông
Ngày 22 tháng 9, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)


Con người chúng ta có hai loại kiến thức - một loại chúng ta thâu thập được qua việc học hỏi, còn loại thứ hai chúng ta có được một cách tự nhiên. Loại chúng ta thâu thập được qua việc học hỏi được gọi là trí thông minh, kiến thức, hay trí nhớ. Nó có nghĩa là chúng ta thu thập và học hỏi những sự kiện đã được người khác khám phá ra. Loại kiến thức thứ hai là loại mà chúng ta được ban cho từ lúc sanh ra, và chúng ta gọi nó là "trí huệ bẩm sinh". Đa số mọi người làm việc rất vất vả để có được loại kiến thức thứ nhất, bằng cách thâu thập các tin tức, dữ kiện và phát triển trí nhớ của mình. Điều này rất tốt và đáng được khuyến khích. Nếu không thâu thập các dữ kiện về thế giới này thì chúng ta sẽ không biết nó tân tiến như thế nào, rồi sẽ bị thế giới văn minh bỏ lại đằng sau, mãi lạc hậu, và gặp khó khăn trong việc liên lạc, thông giao với người khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ quên trí huệ bẩm sinh của mình. Đa số mọi người quên, đôi khi khiến cho họ bị mất luôn cả kiến thức trần gian.

Nhiều khi đọc báo hay xem truyền hình, chúng ta biết về những nghiên cứu nào đó, như là cuộc thí nghiệm vừa rồi về vấn đề thiền định bởi một số sinh viên đại học ở Âu Châu và Mỹ Châu. Họ được học những cách thiền rất thông thường không cao đẳng cho lắm. Họ cũng không cần phải chăm chỉ để có kết quả; hằng ngày họ chỉ thiền khoảng 20 phút, nhưng đã có kết quả kinh ngạc. Cuộc nghiên cứu về các sinh viên này cho thấy một sự khác biệt rõ rệt về trí thông minh, phản ứng, và khả năng ghi nhớ trước và sau khi họ bắt đầu thiền. Trước khi học thiền, phản ứng của họ chậm chạp hơn, trí nhớ của họ không được tốt như vậy, và họ ít thông minh hơn. Sự thay đổi thấy rất rõ ràng. Bây giờ họ phản ứng nhanh hơn, nhớ giỏi hơn, và rất thông minh. Họ có thể học hỏi lẹ hơn trước rất nhiều.

Tại sao được như vậy? Đó là vì khi thiền, chúng ta tiếp xúc với trí huệ bẩm sinh luôn luôn hiện hữu bên trong. Một khi sự câu thông đã được thiết lập, thì trí huệ bẩm sinh này sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều lực lượng hỗ trợ, đánh thức kiến thức đã từ lâu bị quên lãng trong chúng ta, và làm cho chúng ta phát triển được lực lượng hay trực giác mà lúc nào chúng ta cũng có sẵn. Chúng ta nghe nói các khoa học gia thời nay khám phá ra rằng đa số con người chỉ dùng một phần rất nhỏ của bộ óc của mình. Vậy mà chúng ta đã có khả năng chế tạo phi cơ, du lịch bằng phi thuyền không gian để đi thăm Chị Hằng, đi đến Hỏa Tinh, v..v.. Chúng ta đã khám phá được nhiều góc cạnh bí ẩn trong vũ trụ. Thử tưởng tượng chúng ta có thể làm gì được nữa nếu có thể dùng hết khả năng của bộ óc!

Tại sao các người sinh viên này có thể phát triển được trí thông minh của họ sau khi học thiền? Đó là vì họ động đến khả năng của bộ óc. Có lẽ thiền định giúp chúng ta tận dụng được kiến thức, trí thông minh, và những tác dụng tiềm ẩn của đầu óc. Chính tôi cũng để ý thấy rằng đôi khi có nhiều vấn đề để giải quyết, tôi chỉ cần ngồi xuống yên lặng một lúc, là câu trả lời sẽ đến. Cái này cũng gọi là thiền. Không có gì bí ẩn về chuyện này cả. Thiền hoặc quán tưởng có nghĩa là ngồi im lặng, tập trung đầu óc, tránh đừng nghĩ đến điều gì khác và chỉ tập trung vào một chuyện mà thôi. Cái đó kêu bằng thiền hay quán tưởng. Loại thiền thông thường hoặc tập trung trí óc này có hơi khác với loại thiền với một mục đích. Nhiều khi có vấn đề gì đó và chúng ta im lặng xuống, tịnh hóa đầu óc lại, rồi tập trung tư tưởng vào vấn đề đó, không bao lâu câu trả lời sẽ hiện ra. Nhiều khi chúng ta đang nằm trên giường ban đêm, bỏ xuống những công chuyện trong ngày, bỗng nhiên một giải pháp cho vấn đề ngày hôm đó chạy thoáng trong đầu. Đây là kết quả của việc tập trung trí óc.

Nếu chúng ta có được kết quả tốt như vậy chỉ vì ngồi xuống hoặc tĩnh tâm một lát, thì thử tưởng tượng chúng ta còn có thể đạt được bao nhiêu nữa, nếu cố ý làm. Chúng ta có thể bỏ ra một khoảng thời gian nhất định nào đó mỗi ngày cho riêng mình để giải quyết những vấn đề to lớn hơn! Điều này không phải là không làm được, không phải là chuyện vô lý. Không có gì là lầm lẫn hay sai lạc về điều đó cả, cũng không phải là quảng cáo cái gì bí ẩn, trái lại, nó rất là hợp lý và có khoa học. Chúng ta đang ở trong thời đại khoa học mà con người rất là văn minh.

Hằng ngàn hay hằng vạn năm về trước, loài người rất là lạc hậu và trình độ thông minh rất thấp, nhưng đã có người trở thành những chúng sinh khai ngộ hoàn toàn hoặc thành các hiền nhân vĩ đại. Chúa Giê Su Ki Tô chẳng hạn, Ngài đã làm rung động thế giới trong thời kỳ của Ngài. Vậy, thử tưởng tượng ngày nay sẽ thế nào. Những người này chắc chắn là phải có nhiều hơn. Có chứ không phải là không. Có rất nhiều chúng sinh khai ngộ trong thời đại này, nhiều hơn trước! Thứ nhất, con người chúng ta đã trải qua nhiều thử thách, đổi thay; và qua tiến trình của sự tiến hóa thiên nhiên này mà chúng ta đã trở thành thông minh hơn và có thể phản ứng nhanh nhẹn hơn. Thứ hai, ngày nay chúng ta văn minh về mặt khoa học và có được hệ thống giao thông và truyền thông nhanh chóng. Chúng ta thấy có hy vọng lớn lao trong thời đại này, rất thuận lợi cho việc tu hành. Về vật chất, chúng ta không còn ham muốn; còn về tâm linh, chúng ta rất là ung dung tự tại.