Rồng Rắn
Tác giả : Lê Thị Huệ


Kỳ 1


Rồng Rắn – Rồng Rắn lên mây có cây xúc xắc.

Có thầy thuốc ở nhà không?

Thầy Thuốc – Có.


Thầy Thuốc – Rồng Rắn đi đâu?

Rồng Rắn – Rồng Rắn đi thuốc về cho con.

Thầy Thuốc – Con lên mấy?

Rồng Rắn – Con lên một.

Thầy Thuốc – Thuốc chẳng ngon.

Rồng Rắn – Con lên hai.

Thầy Thuốc – Thuốc chẳng ngon.

Rồng Rắn – Con lên ba.

Thầy Thuốc – Thuốc chẳng ngon.

Rồng Rắn – …

Thầy Thuốc – …

Rồng Rắn – Con lên chín.

Thầy Thuốc – Thuốc chẳng ngon.

Rồng Rắn – Con lên mười.

Thầy Thuốc – Thuốc ngon.


Thầy Thuốc – Cho xin khúc đầu.

Rồng Rắn – Lắm xương lắm xóc.

Thầy Thuốc – Cho xin khúc giữa.

Rồng Rắn – Lắm máu lắm me.

Thầy Thuốc – Cho xin khúc đuôi.

Rồng Rắn – Tha hồ mà đuổi.


Đồng Dao Việt Nam




NGÀY GIỖ ĐẦU


Hội An là một một thị trấn nhỏ cách Đà Nẵng khoảng ba mươi cây số về phía Nam. Thành phố cạnh nhánh sông Thu Bồn đổ ra cửa biển, cửa Đại. Hội An ngày trước là hải cảng đô hội, nơi người Tây phương đặt chân lên Việt Nam đầu tiên, nơi người Nhật đến buôn bán vào thế kỷ mười bảy. Cũng nơi đây người Trung Hoa đã từng lập nên một phố Minh Hương để sinh sống. Cái vẻ nhộn nhịp của một thị trấn cửa biển ấy nay không còn. Ngày nay Hội An là một thành phố cổ kính với những con đường cơ hồ chỉ một chiếc ô tô chạy lọt. Những mái nhà ngói cong chìa ra hè phố như muốn che bóng mát cho khách bộ hành. Những ngôi nhà xây thấp lè tè dấu mặt bên trong những cổng tường có mái tam quan cũ kỹ. Những con đường chính của thành phố đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Thành phố bé nhỏ có những tiếng guốc kêu leng keng ngoài hè phố mà trong nhà đã nghe. Mùi nhang đèn bay từ nhà hàng xóm bay sang ở một nơi có đầy dẫy những ngôi nhà từ đường. Giòng sông ở cuối phố thổi lên những ngọn gió làm mát dịu cơn nắng hè, làm trắng mịn da dẻ của những thiếu nữ. Hội An từng được khách phương xa âu yếm gọi là một “Hà Nội thu nhỏ” vì cái vẻ thân mật nhỏ hẹp và cổ kính của nó.

Trời vừa đẫm hoàng hôn. Một bọn con nít tụ họp trên hè phố của con đường từ dưới bờ sông đi thẳng lên. Chúng trò chuyện giữa những người khách bộ hành thỉnh thảng dạt chúng ra để đi.

- Nhà thằng Thống ở đâu? Một đứa nói.

- Tao biết nhà hắn. Đứa khác nói, Nhà hắn ở gần đền thờ ông Mã Viện.

- Thờ ai. Đứa con trai đang đứng chắp tay sau lưng và dựa vào bờ tường nói.

Cả bọn quay sang nhìn đứa con trai.

- Mày mới về đây không biết đâu Quảng. Thằng bé ngồi chồm hổm dưới đất nói. Chỗ đó người Tàu thờ ông Mã Viện bên Tàu. Ông Mã Viện hồi xưa mang quân sang đánh hai bà Trưng mình đó.

- Anh hai tao nói ông Mã Viện là sang đô hộ nước mình. Thằng bé có vẻ rành đền thờ ông Mã Viện nói. Có bữa anh tao với bạn anh tao lẻn vô bàn thờ lấy chuối tiêu. Quảng, mấy có dám đi lấy trộm chuối tiêu không.

Quảng, thằng bé trạc chín mười tuổi, mắt nhỏ, cao nhất bọn. Nó chờ cho nhóm khách bộ hành đi qua, rồi kéo ba đứa nhỏ sang phía bên góc đường chỗ không có người đi qua đi lại trước mặt. Quảng thầm thì với cả bọn. Mấy đứa nhỏ nhìn Quảng gật gù đắc ý.


Những người khách cuối cùng của đám giỗ đang lần lượt ra về. Bà Hòa chào mọi người ở trước hiên.

- Tui về nghe thím Hòa. Một người khách nói.

- Thím đừng có lo. Người khác vừa khác chào vừa nói. Về đây có họ có hàng có bà con chòm xóm. Bà con của thím cũng đông.


Người khách cuối cùng vừa bước ra khỏi cổng. Bà Hòa chưa kịp bước vào nhà, thì đã nghe giọng lơ lớ của một người đàn ông:


- Ngộ nói nị à. Nị hông nghe. Ngộ nói má nị đánh nị à.

Có những tiếng khúc khích cười và tiếng hát theo của bọn con nít:

Ngộ ở bên Tàu

Ngộ mới qua đây

Ngộ đạp cứt gà

Ngộ la làng xóm



Bà Hòa bước ra cổng. Bà thò đầu nhìn ra ngoài. Bọn con nít đi sau lưng một người Tàu say mèm chân nam đá chân bắc. Một đứa con trai đầu têu cho lũ trẻ hát theo.

- Quảng, bà Hòa gọi.

Một người đàn ông cũng vừa thò đầu ra khỏi cổng. Ông nói:

- Đứa nào đó. Thằng Quảng à.

Quảng thấy mẹ và bác xuất hiện nên kéo cả bọn de ra phía sau.

- Thằng Quảng vô đây bác biểu. Người đàn ông đã đe mắt gọi thằng nhỏ.

Quảng đi thụt lui lại. Và rồi đứng yên không nhúc nhích. Người đàn ông lại nói lớn:

- A cái thằng này to gan nhỉ. Có vào đây không.

Bà Hòa dịu giọng:

- Quảng. Con vào đi. Nghe lời bác, Khỏi bị đòn.

Quảng vẫn đứng yên. Cho đến khi ông Ty bước ra. Ông nắm lấy tay. Nó mới theo vào.

- Tại sao mẹ và bác gọi mà mày không vào.

- …

- Tại sao mày không kiêng nể gì ngày giỗ ngày kỵ bố mày cả.

- …

- Tại sao mày ưa chọc ông Tàu đó vậy.

- …

Mặc cho người bác nói gì thì nói. Quảng đứng cúi gầm, không trả lời. Đét. Đét. Đét. Quảng bị đét cho ba roi.

Buổi tối. Những người lớn đang còn ngồi quanh bàn uống nước trà và tán gẫu. Con nít đã nằm trên phản, trên giường đâu đó trong nhà.

Bà Hòa đang ngồi với mấy người anh em bên chồng. Bà đã đồng ý dọn về ở Hội An. Nhưng mấy đứa con của bà thì chưa ổn định.

- Thím lo liệu chuyện cửa hàng mới sang đi. Ông Ty, ông anh chồng nói. Cứ để hết ba thằng lớn ngoài Đà Nẵng cho tôi. Cho hai đứa con gái với thằng Phương ở đây với mẹ.

Hai chị em ruột đồng thời cũng là chị em dâu. Bà Xuân Tâm lập gia đình với ông Ty. Trong khi bà Xuân Hòa là vợ của ông Thạch, người em ông Ty. Hai anh ông Ty ngày trước ra Hà Nội học và lấy vợ ở đấy. Cưới vợ xong ông Ty về Đà Nẵng sinh sống. Vợ chồng bà Hòa chỉ mới vô lại Nam từ năm 1954, khi Cộng sản chiếm miền Bắc và xảy ra vụ chia đôi đất nước. Vào trong Nam chưa được một năm thì ông Thạch qua đời. Để lại bà Hòa một nách sáu đứa con ở Đà Nẵng.

Vợ chồng ông Ty không có con, nên bà Xuân Tâm rất mực săn sóc mấy đứa con của cô em ruột mình trong thời gian mọi người ở chung nhà của bà.

- Thời đâu. Ông Ty gọi đứa cháu đầu.

Thằng bé vừa nhổ giò, vừa qua tuổi tiểu học, mặt mũi sáng sủa. Ra đứng trước mặt bác.

- Thằng cháu cưng của bác mày, vợ ông Ty nói. Học hành thế nào tường trình lại cho mẹ mày nghe.

- Nó học Francais giỏi lắm. Ông Ty nói. Đâu, đọc lên cho mẹ mày và các chú các thím nghe.

- Tous les martins. Thời chụm mười đầu ngón tay nhìn lên trần nhà và đọc. Je me reveille a sept heures et demie, ensuite, je me lave dans la salle de la bains…

- Très bien. Très bien. Ông Ty khi Thời đọc dứt bài chính tả.

Ở một góc phòng. Trên chiếc phản. Ba thằng nhỏ đang nằm nửa thức nửa ngủ. Quảng đạp chân thằng em kế và nói:

- Hưng, Hưng có thích đọc dictée với bà Mary Saint Esprit không?.

- Không. Hưng nói. Bà đó dữ quá.

- Thì mình đừng có ra ở nhà bác Ty nữa.

- Rồi mình ở đâu?.

Sáng mai ngủ dậy, Quảng ghé sát vào tai Hưng và nói, mình vờ ốm. Mình đừng có đi ra nhà bác Ty nữa.

Hưng lơ mơ ngủ, không tiếp tục câu chuyện với Quảng. Quảng chưa ngủ, nằm nghe người lớn tiếp tục khen Thời, anh nó, những là ngoan ngoãn những là học giỏi.







ĐỨA CON GÁI TUỔI DẦN



Kim Oanh ôm cặp băng ngang dãy lớp học. Không nhìn vào bên trong. Nó băng qua sân. Tiếng hát từ trong dãy phòng học vẳng ra: “Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương sống với nhau bỗng đâu chia lìa… Vì hai người cùng yêu mến một cô gái làng bên. Nhưng người anh được kết duyên… Người em lòng buồn rầu bỏ đi khỏi làng…”.

Tuần lễ cuối năm, thầy cô bận tập văn nghệ và lo lễ phát phần thưởng nên cho học trò nghỉ sớm. Oanh không thơ thẩn vì không có Bích Chi, bạn nó. Như những ngày khác, được nghỉ học là hai đứa tha hồ chơi dây thun, đánh chuyền, hoặc về nhà chơi đồ hàng. Hôm nay Oanh cũng không ở lại chơi với bạn gái nào khác. Nó đi một mạch vào nhà.

Oanh đẩy cánh cổng đi vào trong nhà. Phương, anh kế nó đi ra và nói:

- Lớp Oanh cũng được về sớm à.

Oanh quăng cái cặp lên hộc tủ và gật đầu:

- Ừ.

Phương dẫn chiếc xe đạp nhỏ ra sân.

- Oanh muốn ra sạp hàng của mẹ không? Anh chở đi.

- Không.

Phương mở mắt lớn nhìn em gái. Con em nó thường ham đi chơi. Khi nào rủ nó, chở nó đi đâu. Nó cũng gật đầu. Vậy mà hôm nay sao vậy.

- Bích Chi đâu?.

- Nó bận tập văn nghệ. Oanh đáp.

- Tập cái gì vậy.

- Tập bài Trầu Cau.

- Ủa sao Oanh không tập.

- Không.

- Hồi đó làm văn nghệ Oanh đã đóng với Bích Chi bài này mà.

- Hỏi. Hỏi. Hỏi. Mệt quá.

Oanh vùng văng đi ra sau. Vào phòng chị nó. Đóng cửa phòng lại. Chị Thanh đang học đệ lục. Có gương có lược có tủ áo riêng. Oanh bắc ghế, nhón người lên lấy cái gương đang treo trên tường xuống. Oanh ngắm nhln nó trong gương. Cái mặt nó làm sao mà thầy Dũng không cho nó đóng kịch. Sáng nay thầy vào lớp gọi mấy đứa đi tập văn nghệ. Nó hồi hộp. Nhưng rồi không được gọi tên. Mấy đứa được gọi tên vừa ra khỏi phòng, con Hương Mập ngồi sau lưng nó đã nói lớn: “Con Oanh không đẹp nên không được được đi tập văn nghệ”. Oanh tức lắm, quay mặt lại nói: “Mặt mày đẹp dữ. Đồ cái mặt bánh bèo”. Con Hương Mập chồm lên ăn thua đủ: “Còn mặt mi là mặt khỉ. Giống con khỉ Chùa Cầu. Xí. Bữa trước mi được đóng kịch trên chùa là tại mẹ mi quen trên chùa. Tại anh mi huynh trưởng. Nên mi mới được đóng. Bữa ni thầy Dũng chỉ lựa đứa nào đẹp thôi. Đừng tưởng bở”.

Oanh nhìn vào gương. Mắt nó to nhưng hơi lồi. Tóc nó dày và rậm. Lông mày nó mọc lộn xộn. Oanh vất cái gương trên bàn. Nằm vật xuống giường của Thanh. Oanh cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Nó cảm thấy ấm ức bức tức điều gì đó. Một điều gì đó mà từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên nó cảm thấy. Một lát sau Oanh thiếp đi.

Khi vừa tỉnh dậy, Oanh thấy đau bụng. Bụng nó quặn lên từng cơn một. Đau khủng khiếp. Oanh ôm lấy cái gối của chị kê lên bụng mà vẫn không hết đau. Oanh lăn lộn trên giường một lát. Rồi nó thấy cái gì ươn ướt phía dưới. Cái gì đo đỏ. Máu. Trời ơi máu. Oanh thét lên:

- Mẹ ơi. Mẹ ơi.

Thanh và Hưng vừa đi học về, nghe tiếng la của Oanh, vội chạy vào.

Thanh ôm em vào lòng.

- Cái gì vậy Oanh. Nói cho chị nghe.

Nhìn mặt mày Oanh xanh nghét. Thanh nói:

- Hưng chạy ra gọi mẹ về ngay. Làm thế nào đây.


Một ngày giữa mùa hè, sau khi thi đệ thất đậu, Oanh theo chị về quê nội chơi.

Quê nội của Oanh ở Duy Xuyên, cách Hội An mười mấy cây số. Thanh và Oanh về quê thăm các chú các thím, các anh chị em họ.

Hôm nay Thanh và Oanh phải sang bên kia sông thăm cô Bảy ở chùa. Cô Bảy là em của ba Oanh. Ngày trước cô cũng đã từng ra tỉnh học. Nhưng rồi không hiểu sao cô lại bỏ về quê. Người trong họ đồn cô thất tình một người đàn ông đã có vợ nào đó. Nên cô về quê, xuống tóc. Nay cô tu ở một ngôi chùa sư nữ nhỏ ở làng kế cận.

Thanh và Oanh mang sang chùa một ít quà và bánh trái biếu ni cô Diệu Hạnh, pháp danh của cô Bảy. Khi nghe Thanh thuật lại chuyện bữa Oanh có kinh lần đầu, làm cho cả nhà hoảng lên. Ni cô Diệu Hạnh vuốt tóc Oanh và nói:

- Vô đây. Cháu Oanh vô đây.

Ni cô bảo Oanh ngồi trước bàn thờ phật Quan Thế Âm. Thấy Thanh thập thò ở cửa, cô bảo với Thanh:

- Còn cháu. Cháu ra sau chùa nói với cô Diệu Tâm xếp sẵn một ít mướp hương mang về biếu mẹ. Cháu thích hoa ngọc lan thì xin cô Diệu Tâm. Đừng có hái trộm. Sư bà biết được sư bà rầy.

Thanh cười khúc khích rồi biến mất.

Ni cô Diệu Hạnh ngồi trước bàn thờ. Oanh quỳ khum người phía sau. Trên bàn thờ tượng phật bà sáng láng giữa những mâm đèn hoa quả. Ni cô Diệu Hạnh thắp nhang xong thì bảo Oanh tụng theo lời kinh của cô:

Đệ tử lâu đời lâu kiếp

Nghiệp chướng nặng nề

Tham giận kiêu căng

Si mê lầm lạc.

Nay nhờ cửa phật

Biết sự lỗi lầm

Thề tránh điều dữ

Nguyện làm điều lành

Ngửa trông ơn phật từ bi



Phép phật nhiệm mầu

Để mau ra khỏi luân hồi

Minh tâm kiến tánh

Trí huệ sáng suốt



Oanh lí nhí trong miệng tục theo tiếng kinh, mà mắt nó thì nhìn ni cô Diệu Hạnh không rời. Ở nhà các bác các chú nó bảo Thanh giống mẹ và Oanh giống bố. Mà bố của Oanh thì giống cô Bảy Phụng Thiên như đúc. Cũng cặp mắt hơi lồi, hai cánh mũi thấp, lông mày lộn xộn hơi có xoáy ở đằng đuôi. Oanh mà giống cô Bảy Phụng Thiên. Trời đất ơi! Oanh cứ nghĩ đến cái khuôn mặt của cô Phụng Thiên mà nó không biết ni cô Diệu Hạnh đang tụng niệm cái gì nữa.

Ni cô tụng xong và quay lại, thấy Oanh đã đứng lên. Oanh nhanh miệng:

- Cháu mỏi chân.

Tiễn chị em Thanh ra khỏi chùa, ni cô Diệu Hạnh còn dặn:

- Từ nay Oanh phải nhớ mỗi khi đau khổ buồn bực chuyện gì thì cháu cứ niệm ba lần “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” thì cháu sẽ cảm thấy lòng dịu bớt sầu khổ.

Hai chị em ra khỏi chùa. Băng qua mấy cái đồi dại hái du giẻ và hái sim. Oanh vừa đi vừa hỏi Thanh:

- Khi nào có, chị có đau không?.

Thanh vừa bỏ sim vào miệng ăn vừa nói:

- Hễ đau. Đi ngủ một giấc dậy hết đau liền.

- Chị Thanh. Oanh nói.

- Cái gì.

- Hôm qua em nghe chị Ngọc Mai nói mấy người thi đỗ vào Sài Gòn học có bồ ở lại luôn trong Sài Gòn hở.

- Sao mày còn nhỏ mà để ý mấy cái chuyện này làm gì. Thanh nói.

- Sao chị không vào chùa cầu.

- Cầu cái gì. Tao có gì đâu mà cầu với xin.

- Cầu cho anh Huấn thi rớt. Khỏi đi Sài Gòn ở lại Hội An với chị.

- Trời đất! Người ta cầu chuyện lành. Ai mà đi cầu chuyện ác đức như vậy bao giờ.

- Ừ. Oanh nói. Anh Huấn thi đỗ khoa này là đi luôn cho chị xem. Ở đấy mà nói.








LÁ THƯ KHÔNG ĐẾN



Mấy buổi chiều nay bà Hòa thường giao sạp hàng nhờ cô em chồng xem hộ. Bà về nhà sớm luôn ngóng mắt ra cổng. Hôm nay bà nấu sẵn một nồi măng vịt và bổ một trái mít thơm lừng nhà. Bà dọn sẵn các thứ lên bàn. Mong ngóng các con về.

Thời, đứa con lớn của bà đã đi Sài Gòn lên đại học. Nó là đứa ít quyến luyến bà mà gần gũi với hai bác hơn. Quảng và Hưng cũng trọ nhà bác Ty ngoài Đà Nẵng để đi học. Cuối tuần mới về Hội An.

Cứ như vậy mà đã sáu bảy năm trôi qua, từ ngày bố chúng nó qua đời. Mấy hôm nay Thanh và Hưng ra Đà Nẵng thi trung học. Thanh học chậm nên bây giờ cũng thi trung học với em. Nhưng đứa con mà bà mong đợi nhất hôm nay là Quảng.

Quảng đã thi tú tài một và đang chờ kết quả. Bà Hòa đã nghe phong phanh Quảng thi đỗ. Mấy tuần nay Quảng không về nhà. Bà Hòa căn dặn Thanh và Hưng trước khi đi: “Hai chị em thi xong. Ráng kiếm cho ra anh con. Bảo về nhà kẻo mẹ trông”.

Bà ngồi trên phản sau nhà, vừa nhặt sạn trong rổ đậu xanh, vừa nghĩ đến từng đứa con một. Bà thường tự nhủ: Con cái như bàn tay. Có ngón dài ngón ngắn. Mỗi đứa một chứng. Đứa nào cũng là con. Đứa nào bà cũng thương. Điều bà lo lắng là những ngày gần đây con bà đã lớn. Không biết rồi chúng sẽ ra sao.

Ngày ấy bà nhớ lại. Thạch còn là sinh viên Hà Nội. Thạch cùng học với Luận. Luận có hai cô em gái là Xuân Tâm và Xuân Hòa. Thạch và Luận là đôi bạn thân nhất trong một đám bạn gồm năm sáu người. Trong khi các bạn khác chăm chỉ học hành, Thạch và Luận hăng hái tham gia những cuộc biểu tình chống Pháp. Những cuộc họp để hội thảo biểu tình, rải truyền đơn thường diễn ra ở nhà Trí cách nhà Hòa hai căn phố. Hai chị em Hòa thường được giao nhiệm vụ là tiếp tế xôi chè và trông chừng ở cửa xem có kẻ lạ nào không. Hòa hay ngồi nghe các anh lớn bàn cãi. Cũng như phần lớn những người tham sự, Hòa bị lôi cuốn bởi những cuộc hùng biện của Thạch. Thạch lý luận vững chắc và có một giọng nói đầy khích động. Thạch phác họa những chương trình hoạt động để phá hỏng guồng máy đàn áp biểu tình và bắt bớ của chính quyền bảo hộ Pháp. Chàng sinh viên nói nhiều này đã khích động luôn tình yêu của một thiếu nữ mới lớn là Xuân Hòa, người vẫn thường là khán thính giả ngồi nghe chàng nói say sưa.

Hai người cưới nhau xong. Ăn ở với nhau có mấy mặt con. Thì một ngày kia Thạch, Luận và Trí quyết định vào Khu.

Những người đàn ông ra đi quyết không vương thê nhi. Đi vào Khu Tư chống Pháp. Đi vào Rịa để trở thành những cán bộ thông tin, cán bộ văn hóa, cán bộ y tế ở đấy.

Xuân Hòa ở lại Hà Nội tảo tần buôn bán nuôi con. Bấy giờ người đàn bà đã quen với cảnh những chuyến đi đi về về lén lút của chồng và các bạn. Họ là những thanh niên đầy lòng yêu nước. Sẵn sàng bỏ hết mọi thứ để đáp lại tiếng gọi của tổ quốc. Nhưng đến đầu thập niên 1950, cái chết đột ngột của người bạn thân tin của Thạch là Luận trong một chuyến hai người về Hà Nội công tác. Nửa đêm về sáng, Luận đang ngủ, một người quen gõ cửa rồi dẫn Luận đi luôn từ đấy. Thạch cho là đảng Cộng Sản đã phản bội Luận. Âm mưu thủ tiêu Luận rồi tri hô lên là mật thám Tây giết. Chàng cán bộ văn hóa trở về Thành với chứng lao phổi và kiết lỵ. Nằm luôn tại nhà cho đến năm 1954 chàng mang vợ con về quê nội Quảng Nam, đi di cư vào Nam lánh nạn Cộng Sản trên chuyến tàu Di Linh từ Hải Phòng về Đà Nẵng.

Thấm thoát như vậy mà nay các con bà đã khôn lớn. Ông Thạch vào Nam không được bao lâu thì đã qua đời bởi những chứng bệnh mang theo từ ngày vào Khu kháng chiến. Để lại cho bà một bầy con dại. Nay chúng lớn như thổi. Thời, đứa con đầu của bà, gần như chỉ sống với hai vợ chồng người bác ngoài Đà Nẵng. Đã thi đậu xong tú tài và nay đang học trong Sài Gòn. Cũng một tay ông bà Ty bao bọc mọi chuyện. Bà Hòa khỏi lo gì cả. Bà chỉ để tâm lo cho năm đứa con ba trai hai gái còn lại cũng bở hơi tai.

Có tiếng gõ yếu ớt ngoài cổng. Bà Hòa bỏ rổ đậu xuống đi ra cổng. Một con bé mắt tròn xoe, cột hai bím tóc xinh xắn đang đứng trước cổng.

- Thưa bác. Có Kim Oanh ở nhà không bác. Con bé lễ phép nói.

- Bích Chi đấy à. Vào đây với bác. Cái Oanh nó đi với anh Phương nó về quê chơi hôm qua.

Bích Chi đi qua sân, theo bà Hòa vào sân sau vào phòng ăn.

- Cháu ở đây chơi. Bà Hòa nói. Chờ anh chị của Oanh sắp về rồi ăn bún nhé.

- Cám ơn bác. Bích Chi ngồi lên tấm phản sát cửa và nói. Cháu định đến chào Oanh. Nhà cháu dọn ra Đà Nẵng ngày mai.

- Thế à. Bác có nghe cái Oanh nói. Cháu đi chúng nó buồn lắm đấy. Mấy đứa nhà này đứa nào cũng quyến luyến cháu. Con Oanh nghe cháu dọn đi cũng về nhà đòi ra ở với bác Ty để đi học chung với cháu.

Ở ngoài cổng đã có tiếng ồn ào của ai.

- Mày chờ tao. Để tao vào chào bà cụ xong lại đi ngay với mày.

Bà nhận ra tiếng thằng con trai.

- Cậu vào đây, Hưng. Bà nói. Mới đặt chân đến cửa nhà đã hẹn bạn đi thế kia à.

Cậu con trai ở tuổi dậy thì, đứng cao hơn mẹ cả cái vai, ào ào đi vào nhà.

- Mẹ. Con thi xong rồi. Chắc đỗ cao. Cậu ta vừa cười vừa vỗ vai mẹ. Ủa Bích Chi đến ăn khao rồi à. Oanh đâu.

Tiếng xích lô đậu trước nhà. Thanh đủng đỉnh đi vào.

- Về đến nhà sao mà khỏe. Cái xe đò trở chứng. Banh dọc đường mất hai lần. Mệt quá. Mẹ nấu cái gì thơm quá vậy. Con đói quá.

Những tô bún măng khói bay nghi ngút được bày ra trên bàn. Bà Hòa ngồi cạnh ngắm nhìn hai đứa con ăn không kịp thở.

- Ăn từ từ. Bà luôn miệng nhắc. Chúng mày ăn uống như bị bỏ đói lâu ngày.

- Mẹ nấu bún vịt ngon nhất thế giới tự do. Hưng nói.

- Ối giời. Cậu thì chỉ giỏi cái miệng. Thế còn anh con đâu. Sao nó chưa chịu về.

- Thanh kể cho mẹ nghe đi. Hưng nói.

- Hưng kể đi. Thanh đùn.

- Chuyện gì vậy. Bà Hòa lo lắng giọng.

Thanh vừa cúi đầu húp nước lèo vừa nói:

- Anh Quảng nói anh ấy bận cái gì ấy nên anh ấy về chưa được. Anh ấy biết tin anh ấy thi đỗ rồi.

- Bận cái gì. Mẹ không hiểu nó bận cái gì thì cũng phải về nhà một hôm chứ. Cả tháng trời không về nhà. Ở đâu không ai biết. Mẹ không biết nó ăn nó ngủ nó sống làm sao.

Thanh nói:

- Con đi qua tận bên Non Nước tìm anh Quảng. Anh ấy ở nhà ai lạ con không biết. Anh ấy cho cái địa chỉ ở đâu đâu này.

Bà Hòa cầm cái địa chỉ của Thanh trao. Không có số nhà không có tên đường. Chỉ là cái bản đồ chằng chịt ngõ hẻm. Bà đứng lên và nói:

- Để mẹ đi viết cái thư.

- Không có số nhà làm sao mà gửi thư. Thanh nói.

Bà Hòa quay sang Bích Chi đang trố mắt nhìn.

- Để mẹ nhờ Bích Chi mang thư này đến nhà bác Ty gái. Bà nói. Nhờ bác ấy đi kiếm hộ.

Bà Hòa đi vào trong buồng. Hưng quay sang nhìn Bích Chi vừa cười vừa ghẹo:

- Bích Chi sắp bị giao cho điệp vụ quan trọng lắm đấy nhé cô bé.


Lớp học là một cái chòi trống trơn vách. Những chiếc cột cây sơ sài chống đỡ lớp mái tôn cũ vừa được dựng lên trong cái sân trước cửa một ngôi nhà có mảnh sân trống khá rộng. Những hàng ghế gỗ nhám và những tấm gỗ làm bàn kê mấp mô. Nền nhà còn nguyên vẹn đất cát.

Học trò khoảng hơn ba mươi đứa con nít không đồng một tuổi. Có đứa to lớn như đã lên mười mấy. Có đứa trông như chỉ vừa lên sáu lên bảy. Chúng ngồi ép sát vào nhau. Đứa chép bài trên bảng xuống vở. Đứa ngồi nhìn bâng khuâng ra cái sân gạch nơi người đàn bà đang cầm cái chổi quơ cào lá. Đứa nói chuyện inh ỏi. Đứa đọc bài to tiếng. Một cái lớp học tư tạp lục ê a ồn ào giữa một buổi trưa hè nắng cháy trong một xóm lao động nghèo.

Một người đàn ông đứng tuổi, đeo mắt kính râm đen, đi đôi dép lẹp xẹp, mặc quần đùi và áo cụt tay, bước vào trước bảng đen. Ông ta quất chiếc roi lên mặt bàn. Lớp học bỗng im phăng phắc.

- Các trò nghe đây. Bữa ni có thầy mới. Ông ta nói. Chờ chút.

- Thầy mô rứa chú Bảy? Có đứa hỏi.

- Sao không có cô, chú Bảy?.

- Im. Người đàn ông lại la lớn. Tôi biểu các trò im.

Một thanh niên mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần nai nịt chỉnh tề đang bước vào sân. Anh ta tiến đến lớp học. Chú Bảy ra bắt tay.

Sau lời giới thiệu với Quảng về lớp học và trước khi kéo dép vào nhà trong, ông ta nói với người thanh niên còn đứng bỡ ngỡ trước mấy chục đôi mắt đang khảo bài vị thầy giáo mới:

- Đánh. Ông ta nói lớn. Hễ đứa mô không nghe em cứ đánh vô.

Quảng nhìn đám học trò. Hơn nửa lớp học đi chân đất, không giày dép. Phần lớn áo đứa nào cũng đứt cúc đứt bâu. Có đứa không còn một hột nút áo nào.

Chàng thanh niên cố nở một nụ cười trên môi. Quảng xoa hai tay vào nhau và lên giọng:

- Các em nghe đây. Hôm nay tôi đến thay thế cho Thầy Bằng. Tên tôi là Phan Quảng. Các em cố gắng học lên. Học cho giỏi để mai sau còn giúp ích cho xã hội cho gia đình và cho chính các em…

Quảng chưa dứt lời. Lũ bợm con đã nhao nhao:

- Thầy cho ra chơi thầy.

- Thầy sao không đeo mắt kiếng mù như chú Bảy thầy.

- Thầy… Thầy…

Cả lớp học ồn lên. Quảng lúng túng. Chú Bảy từ trong nhà ngang chạy băng vào lớp học. Chú ở trần. Chỉ mặc một cái quần đùi. Chú cầm cái roi quất vào mấy đứa con trai ngồi bàn thứ ba đang chơi trò lấn ép nhau về cuối bàn. Chú dí cái roi vào tay Quảng và nói:

- Đánh. Tôi đã nói với em. Phải trị bọn hắn bằng roi mới được.

Quảng chờ cho người đàng ông đi khuất. Chàng nhìn mấy đứa học trò vừa bị đánh và nói với một giọng ôn tồn:

- Các em nghe đây. Tôi không bao giờ muốn đánh các em. Tôi chỉ muốn đến đây để chỉ bảo cho các em học hành. Tôi sẽ bắt đầu ngày hôm nay bằng một câu chuyện. Tôi kể cho các em nghe câu chuyện Cờ Lau Tập Trận. Ngày xưa có một cậu bé tên là Đinh Bộ Lĩnh. Cậu bé còn nhỏ mà đã có lòng yêu nước. Nên cậu đã rủ các bạn cậu dùng cờ lau để chơi trò đánh giặc. Các em có biết trò chơi này thế nào không…


Mồng ba tết, Kim Oanh hẹn ra Đà Nẵng, đến nhà Bích Chi chơi. Hai đứa bây giờ đã lên đệ lục. Bích Chi dậy thật sớm và suốt buổi sáng trọng ngóng bạn đến.

Một chiếc solex đễ trước nhà. Anh Hưng chở Oanh lại. Oanh mặc chiếc váy đầm phồng ni lông hoa đu đủ be lá to xanh mới toanh.

- Tao ra xem xi nê. Oanh nói. Rạp Trưng Vương chiếu phim Tàu có Lâm Đại đóng. Hay lắm.

Hưng ngồi trên yên xe, nhìn hai con bé khoe áo mới xoắn xít với nhau.

- Bích Chi lái xe đạp được chưa. Hưng nói.

Bích Chi cười:

- Chưa. Tại hồi trong Hội An. Anh Hưng mới tập cho em được mấy lần. Làm sao mà em biết. Chừ ra đây đâu có ai tập cho nữa đâu.

- Bây giờ có muốn tập xe Solex không. Hưng cũng cười và nói. Tập cho.

- Mày còn được tập cho mấy lần. Oanh chêm vào. Còn tao tự động leo lên chạy một mình. Ngã quá trời. Vậy mà tao chạy được. Tao đạp ngon lành. Tao còn lén lấy cái xe đạp giàng của ông Quảng chở mày xuống con Lan chơi. Bị té rách quần nhớ không.

- A mày nhắc anh Quảng, Bích Chi nói, làm tao nhớ. Cái thư hôm nọ có đến tay anh Quảng không.

- Không. Oanh nói.

Rồi Oanh nhìn sang anh và nói:

- Anh đi đi. Em không đi đâu.

Quay sang Bích Chi, Oanh nói:

- Mày chỉ đường cho anh Hưng đến chỗ ông Quảng hộ đi. Mẹ tao có chuyện bảo. Tao qua nhà con Dần chơi. Một lát mày về. Ba đứa mình đi xem xi nê.

Bích Chi vào trong nhà thay một chiếc áo dài màu xanh da trời mới may để mặc tết. Rồi xin phép cha mẹ đi với anh của Oanh. Đối với anh chị em nhà Oanh, cha mẹ Bích Chi luôn luôn xem như những người anh chị của con gái. Bích Chi đã gần gũi với họ từ thuở còn bé đến bây giờ.

Hưng dẫn chiếc xe ra khỏi sân. Rồ máy xe xịt xịt khói bay mù mịt thức mây mãi mới leo lên yên được.

Xe chạy phon phon trên đường cái rồi Hưng mới nói:

- Lần đầu tiên mới thấy Chi mặc áo dài. Hôm nay trông Bích Chi lớn hẳn ra.

Bích Chi cười tươi và nói:

- Lần đầu tiên mẹ cho may áo dài màu đó. Anh Hưng thấy Bích Chi mặc áo dài giống mấy chị lớn đẹp không.

- Đẹp hơn. Hưng nói. Hôm nay Bích Chi đẹp như công chúa vậy. Để anh chở Bích Chi đi dạo phố một vòng nghe.

- Phải đi đến cái chỗ kia đưa đồ cho anh Quảng cái đã chứ.

- Bích Chi giỏi lo chuyện bao đồng nhỉ.

- Chuyện bao đồng là chuyện gì?.

- Là chuyện của thiên hạ đấy.

- Nói vậy là Bích Chi giận không đi nữa đâu à. Cô bé nhõng nhẽo.

- A thôi. Không nói nữa. Để anh ngậm miệng lại.

Những câu chuyện của một người muốn tỏ vẻ người lớn ghẹo một đứa con nít nổ dòn. Cô bé ngồi phía sau thỉnh thoảng ôm chặt lấy yên xe như sợ rơi xuống đường trong những lúc cười ngặt nghẽo.

- Anh Hưng biết gì không. Bích Chi nói, Bữa nào về Hội An đi biển nghe. Để em đi kiếm mấy cái vỏ sò. Bữa trước anh Hưng lượm cho em mấy cái vỏ sò vân hồng đẹp ghê. Em khoe với mấy đứa bạn bọn hắn thích lắm.

- Để hôm nào anh lăn xuống biển anh hốt cho Bích Chi một rổ. Hưng cười và nói.

Bích Chi ngồi phía sau đấm thùm thụp vào lưng Hưng.

- Anh xạo. Anh xạo. Cô bé cũng cười và nói.

Vậy mà cả hai đến địa chỉ tìm lúc nào không hay.

Hưng và Bích Chi đứng trước ngôi nhà. Chờ mãi vẫn không thấy người ra. Một lúc sau có thanh niên ở trần bước ra sân.

- Hỏi ai. Người thanh niên trạc tuổi Hưng vừa kéo nước ở cái giếng trong sân vừa hất hàm hỏi ra.

- Tôi muốn hỏi thăm anh Quảng. Hưng nói.

- Không có Quảng nào đây hết. Tên thanh niên không màng nhìn ra vừa tiếp tục kéo nước vừa trả lời.

- Hôm trước tôi hỏi thì có ở đây mà. Bích Chi lễ phép nói.

- Tết nhất. Quảng kiếc gì ở đây mà hỏi nà. Người thanh niên nói như nạt nộ rồi bước vào trong.

- Ê. Hưng lên giọng. Nói đàng hoàng.

Tên thanh niên quay lại và bỗng sừng sộ:

- Đ.M. Muốn cái gì Bắc Kỳ Còi.

- Muốn ra đây hỏi cái này.

Tên thanh niên xông ra. Và hắn bỗng dưng nổi cơn. Xắn tới lắc mạnh chiếc xe trên tay Hưng. Chiếc xe bị hất nằm chỏng bánh dưới đất. Hưng xắn tay áo. Bộp. Bộp. Bộp. Người thanh niên đấm vào mặt Hưng. Hưng co chân lên đá lại. Mọi việc xảy ra nhanh chóng và bất ngờ trước mắt Bích Chi.

Vài bóng người từ trong nhà đổ ra.

- Cái gì mà thằng Tam đánh lộn.

- Cái gì mà đầu năm đến nhà người ta đánh lộn.

Bích Chi nhận ra người đàn ông đeo mắt kiếng đen mà lần trước cô bé đã trao lá thư nhờ ông ta trao lại cho Quảng. Bích Chi kéo tay Hưng.

- Mình đi ra cho rồi anh Hưng.

Ra đến đầu ngõ, Bích Chi nói:

- Mấy người đó họ không nói anh Quảng ở đâu đâu. Hôm trước em đến họ cũng nói không có anh Quảng. Rồi lúc em ra về thì bất ngờ anh Quảng đi ra. Nên em mới biết anh Quảng có ở đây.

Nhìn có chút máu rỉ ra từ miệng Hưng. Bích Chi nhanh nhẹn trao cho Hưng chiếc khăn tay:

- Anh Hưng lau chiếc khăn này đây.

Hưng cầm chiếc khăn tay trắng viền chỉ xanh hồng tím đỏ công phu.

- Khăn mới quá nhỉ. Hưng cố nở nụ cười.

Bích Chi ấp úng hỏi:

- Anh Hưng đau không?.

- Ăn nhằm gì.

Và đưa tay xoa đầu Bích Chi trước khi rồ máy xe.

- Quên chuyện này đi nhé Chi. Hưng nói.





MỘT ĐÊM SÁNG TRĂNG



Phương đẹp trai nhất nhà. Cậu thiếu niên mắt sáng, trán cao, mũi dài và đôi môi hồng thắm dỉnh lên gợi cảm. Nhiều người vẫn khen ngợi cậu phúc hậu ở cặp mắt và nụ cười. Khuôn mặt cậu xương xương và giống mẹ. Phương ít bạn nhưng ai gần Phương cũng mến cậu bé khôi ngô, tính tình mềm mỏng, không bao giờ lớn tiếng với ai ngay cả những lúc cậu bất bình nhất.

Những ngày còn bé Phương nổi bật vì Phương có khiếu văn nghệ. Năm học lớp nhất, Phương nổi tiếng hát hay và đóng kịch cũng hay. Vở kịch được nhiều người khen cậu bé là hoạt cảnh Trầu Cau lần đầu tiên trình diễn trên sân khấu gia đình phật tử nhân dịp lễ Phật Đản. Phương đóng vai người anh trai. Oanh, em gái Phương, giả trai đóng vai người em. Và Bích Chi, bạn của Oanh và Phương, đóng vai người vợ. Sau đấy hoạt cảnh này được diễn đi diễn lại nhiều lần thể theo lời yêu cầu của khán giả.

Đã gần mười giờ đêm.

Mặt đường vắng lặng. Trời đêm. Gió từ giòng sông cuối phố thổi nhè nhẹ lên.

Mát.

Mùi hoa sứ trong những vườn nhà tỏa ra lòng phố. Thỉnh thoảng có những khách bộ hành thong thả kéo guốc kêu leng keng qua các ngả đường. Tiếng rao hàng ăn khuya vang lên đầu ngõ. Tiếng trò chuyện của những gia đình ngồi trước hiên nhà hóng gió sông thổi lên.

Con phố nhà Thanh là một trong những con phố chính của Hội An. Phía gần bờ sông tấp nập những hiệu buôn nhưng đoạn trên này phần lớn là nhà ở. Con phố rất hẹp. Cơ hồ nhà bên này đường bước qua nhà bên kia đường chỉ mươi bước.

Trước cổng nhà, Phương, Oanh và Bích Chi đang ngồi tụm đám. Phương cầm cây đàn thùng mới khảy mấy bản nhạc. Oanh luôn miệng nhắc:

- Phương đánh bài Sơn Nữ Ca đi.

- Phương hát bài… À, anh với con Bích Chi song ca bài Mùa Hợp Tấu đi.

Bích Chi nhìn theo Phương khảy đàn.

- Phương đàn giỏi ghê. Bích Chi nói.

- Bích Chi hát đi. Phương nói. Đàn cho.

Oanh thúc dục:

- Hai người đàn đại hát đại đi mà.

Bích Chi vừa lên giọng: “Bạn đường ơi nắng lên rồi gieo sáng ngời. Nhạc ngày xanh như chim lành tung đôi cánh…”.

Có tiếng guốc của chị Thanh đi chơi với bạn vừa về. Chị ngồi xuống cạnh đám nhỏ. Bích Chi ngưng hát, đưa tay lên miệng cười khúc khích.

Bên kia đường một thanh niêng hàng xóm cũng lê guốc sang ngồi xuống nhập bọn.

- Chị Thanh với anh Trọng làm bể dĩa văn nghệ của người ta hết. Oanh nói lớn.

Trọng nhìn lên nền trời rồi nói bâng quơ:

- Bữa ni sáng trăng đẹp ghê hỉ.

- Anh Trọng đàn bài nghe chơi. Thanh mói.

- Phải có cái chi mới đàn chớ. Chè cháo chi mới đàn được. Tui đàn Thanh hát nghe.

- A có rổ đậu xanh mới ngâm chiều nay. Để Thanh đi nấu chè cho.

- Chị Thanh hát ai mà nghe. Oanh nói.

- Hát hay không bằng hay hát nghe nhỏ. Thanh ký đầu con em.

- Thôi mọi người đồng ca. Trọng vừa khảy một điệu nhạc vừa nói. Nè. Đây, một hai ba… “Đêm nay trăng sáng soi làng tôi một vài cô thôn nữ xay lúa lo ngày mai. Cười vui bên ánh trăng huyền lan đưa câu hò tình tứ lúa thắm bao mùi hương…”.

Cả đám cùng đùa giỡn. Ăn chè đậu xanh và đàn hát cho đến khuya mới đi ngủ.

Khoảng nửa đêm về sáng. Phương thức dậy. Căn nhà vắng lặng. Mọi người ngủ trong nhà. Chỉ có Oanh và Bích Chi ngủ quên trên phản trước sân. Phương ra trước cổng nhà. Ngồi tựa cổng và hút một điếu thuốc.

Có một điều là dạo gần đây Phương thích sự yên tĩnh của đêm khuya ở chỗ ngồi quen thuộc này. Phương thường ngồi một mình không đàn không hát thì cũng ngồi yên lặng tựa lưng vào cái bản lề cánh cổng. Mắt nhìn ra con đường vắng lặng và những căn nhà phố êm ả chìm trong giấc ngủ ngon lành. Chàng thiếu niên ngồi như vậy và suy nghĩ hàng giờ.

Phương nằm trên chiếc võng và thiếp đi một giấc. Khi vừa thức dậy bước ra trước hiên nhà. Phương đã thấy cái hình ảnh này dội vào mắt. Bích Chi và Oanh đang ngủ nghiêng trên phản gỗ kê trước sân. Ánh trăng sáng chiếu loang cả vườn. Chiếu ánh sáng mờ ảo trên khuôn mặt của thiếu nữ đang nằm nghiêng. Mái tóc của Bích Chi xõa dài trên chiếc gối trắng. Bích Chi say sưa ngủ. Tựa như đang say sưa thở làn gió mát và mùi hương êm dịu của những cây lá trong vườm thở ra.

Phương ngắm người bạn gái nhỏ nhít ngày nào. Trên khuôn mặt ấy giờ đang là một mảnh trăng sáng êm ả và một hơi thở nhẹ dịu dàng. Chàng thiếu niên bỗng thấy như vừa nhún mình nhảy vọt một cái vào một thế giới nào đó. Cứ nhìn mái tóc và khuôn mặt ấy mãi mà không chán. Phương cảm thấy tim hơi đập mạnh hơn thường ngày, tâm hồn tràn ngập một thứ cảm giác lâng lâng và xao xuyến đến hụt hẫng lạ kỳ.