Chơi Xuân Đã Dễ Mấy Người
Tác giả: Nguyễn Dư
Ngày xưa Xuân thắm quê tôi...
Mỗi năm hoa đào nở...
Khách tha hương chạnh nhớ Tết quê nhà. Nhớ tha thiết muôn vàn hình ảnh, hương vị. Nhớ những mẩu chuyện kỷ niệm của cha mẹ, ông bà kể làm quà cho con cháu.
"Ngày xưa Tết đến, làng ta tổ chức hội hè vui chơi. Muôn màu muôn vẻ...".
Một vài nét điển hình của hội hè cổ truyền ngày Tết đã được các nghệ sĩ dân gian trình bày cô đọng trong một tấm tranh với bài thơ nôm quen thuộc.
Đây là " một bức tranh dân gian làng Hồ, nhan đề Du Xuân Đồ (bức vẽ chơi Xuân) được "chú thích " bằng bốn câu thơ Nôm :
Thời bình mở hội Xuân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân " (1).
" Từ cảnh vui Xuân ngày Tết của tầng lớp vua quan, quý tộc, xa hoa ăn uống rượu chè, đàn hát phục dịch trong cung điện, đến những trò vui chơi của nhân dân : đánh vật, bắt chạch, đánh bài lấy giải ở ngoài sân đều được phản ánh trong tranh "Du Xuân đồ", kèm theo bốn câu thơ nôm phụ họa ở góc tranh :
Thời bình mở hội Xuân
...
Trò thưởng vật ngoài sân " (2).
"Tranh Du Xuân Đồ vẽ những cảnh vui chơi hội hè gồm có hát ả đào, đánh vật, đánh bài phu. Có bốn câu thơ đề vịnh (...)" (3).
Tấm tranh Du Xuân đồ và bài thơ nôm nổi tiếng này được in trong sách Imagerie populaire vietnamiennecủa Maurice Durand (4).
Thoạt nhìn tấm tranh, mới đọc bài thơ, khách thưởng lãm thích thú, sảng khoái...
" Bài thơ được minh họa bằng cảnh nhạc công và ca sĩ đang biểu diễn trước mặt hai ông quan ngồi ( uống rượu) ở bàn. Hai ông chủ trì một cuộc thi hát, chấm điểm và trao tặng giải thưởng. Giữa tấm tranh vẽ hai đô vật đang thi đấu. Phía trên bên trái, vẽ hai người đàn ông, có lẽ là hai người dự thi đấu vật, đang thò tay vào một chiếc bị. Bên trên hai người là hàng chữ "Hai ta quyết lấy giải làng".
Không biết có phải là chiếc bị dùng để bốc thăm tên đô vật hay là hai người này đang chơi trò chơi gì khác ? Khó mà biết chắc được. Căn cứ vào mấy câu thơ nôm của tranh thì giả thuyết thứ nhất có vẻ thích hợp hơn ".
(Pour illustrer ces vers nous voyons un musicien et un chanteur en action devant deux mandarins assis à une table. Ceux - ci sont juges des concours de chants et distribuent les récompenses. Au centre, des lutteurs combattent. En haut à gauche, deux hommes, probablement deux candidats au concours de lutte, plongent leurs mains dans un sac. Au-dessus d'eux sont inscrits les caractères
Hai ta quyết lấy giải làng
" Nous sommes tous deux décidés à gagner les récompenses du village."
Le sac contient-il les noms des adversaires qu'ils vont tirer au sort, ou bien le groupe de ces deux personnages fait-il allusion à un autre jeu, il est difficile d'en décider. La première hypothèse, prenant appui sur les vers inscrits en légende, semble la meilleure interprétation.) (4).
Qua mấy lời nhận xét trên đây của Durand thì tấm tranh và bài thơ cũng có điều khó hiểu, cần được xem kỹ hơn ?
Giả thuyết thứ nhất của Durand, cho rằng đây là hai đô vật đang bốc thăm, có nhiều điểm không hợp lý. Để ý một chút chúng ta sẽ nhận ra rằng tranh vẽ một chàng trai và một cô gái mặc yếm. Họ quàng vai nhau. Tay chàng trai có vẻ như đang sờ ngực cô gái. Hai người này khó có thể là đô vật được. Hơn thế nữa, câu Hai ta quyết lấy giải làng tỏ rằng họ thuộc về cùng một phe của trò chơi.
Để ý một chút thì ai cũng nhận ra đây là một cặp trai gái đang chơi trò "quàng vai bắt chạch ". Durand đã lẫn lộn trò chơi này với trò đánh vật.
Điều làm cho Durand lúng túng có lẽ là vì bài thơ nôm chỉ nói đến ca hát, đánh vật, chứ không đả động gì tới trò chơi bắt chạch và đánh bài phu ?
Người vẽ đã vẽ thừa hay bài thơ còn thiếu chăng ?
Thật ra thì... không thừa mà cũng chẳng thiếu !
Sở dĩ có chuyện thơ không ăn khớp với tranh là vì tấm Du Xuân đồ của Durand không phải là một tấm tranh được sáng tác theo ý tác giả ban đầu của nó! Nghe như chuyện lạ, bông đùa. Nhưng đúng là chuyện thật. Tranh Du Xuân đồcủa Durand đã được ghép từ hai tấm, tôi tạm gọi là tranh A và tranh B, của bộ sưu tập Henri Oger (5).
Bài thơ nôm Du Xuân đồ của tranh A như sau :
Thời bình mở hội Xuân
Nô nức quyết (a) xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng cuộc (b) ngoài sân
Bên dưới bài thơ là câu "Hai ta quyết lấy giải làng".
(a) Chữ quyết ( quyết tâm, quyết chí...) của tiếng Việt luôn đứng trước một động từ, thí dụ : quyết tranh đua lấy giải, quyết học hành đến nơi đến chốn v.v. Chữ quyết không thể đi với một trạng từ chỉ nơi chốn. Cụm từ "quyết xa gần " không có nghĩa.
Tôi đoán rằng chữ quyết (bộ băng hay bộ thủy) là do chữ khoái (bộ tâm) bị viết nhầm. (Bộ băng, bộ thủy, bộ tâm đứng, viết gần giống nhau). Chữ khoái được đọc sang chữ nôm thành khắp.
" Nô nức khắp xa gần " nghĩa là khắp mọi nơi đều nô nức. Câu thơ vừa đúng văn phạm vừa tả đúng không khí ngày hội, ngày Tết ở thôn quê. Các học giả sau này đều chép là "quyết xa gần", chép đúng cả cái sai, cái vô nghĩa của nguyên bản !
(b) Chữ cục (hán việt, nghĩa là một ván cờ, đánh bạc) chuyển sang nôm thành cuộc. Cuộc vừa có nghĩa là một ván, một bàn (chén rượu cuộc cờ, cuộc đỏ đen), vừa có nghĩa là đánh cuộc, một hình thức đánh bạc (miền Nam gọi là đánh cá). "Trò thưởng cuộc ngoài sân" là trò chơi quàng vai bắt chạch, vừa có giải thưởng là bánh pháo treo đầu nhà, vừa là trò vui cho mọi người đánh cuộc với nhau. Cặp trai gái nào mà chả háo hức, tự nhủ phen này "hai ta quyết lấy giải làng".
Người ghép tranh Durand đã đổi chữ cuộc thành chữ vật cho hợp với trò đánh vật của tranh B. Thế là dùng câu thơ của trò chơi này gán cho trò chơi khác, nên mới vô tình gây ra tình trạng tranh và thơ không ăn khớp với nhau, khập khiễng khó hiểu.
Tranh B ( nửa dưới của tranh Durand, từ đây viết tắt là tranh D) không có tên, vẽ cảnh đánh vật và bốn người đàn bà chơi bài phu, ngồi bốn cửa :
Bính Giáp
Đinh Ất
Mỗi cửa có hai câu thơ nôm trình bày diễn tiến của ván bài.
Cửa Giáp :
Bán chi không đánh nhất văn
Bát văn cầm kết muôn phần (c) giá cao
Cửa Ất :
Bài tôi ăn thưởng không thang (d)
Lục văn cũng nghĩ kết ngang (e) chẳng cầm
Cửa Bính :
Tam khôi bắt kiệt (g) tưng bừng
Tinh thần đứng dậy (h) tâm trường múa lên
Cửa Đinh :
Hàng văn làng hãy còn nhiều (i)
Cầm chơi một ván đánh liều thử xem
(c) Tranh D : bấyphần. Muôn phần, hay muôn vàn thông dụng và nghĩa rõ hơn là bấy phần.
(d) Durand giải thích rằng không thang nghĩa là không có quân thang thang (Mes cartes ne présentent point de thang). Nếu đúng như vậy thì câu thơ sáu chữ được hiểu là "bài của tôi được ăn thưởng vì nhờ không có quân thang thang". Điều này cũng có nghĩa gián tiếp là bài có quân thang thang thì bị phạt hay không được ăn ? Không có quân bài nào lại tai hại đến mức như vậy !
Thực ra thì Durand quên rằng chính ông đã cho biết rằng không thang là tên quân bài thường được gọi là thang thang (6). Cỗ bài tổ tôm, cũng dùng để chơi bài phu, gồm có :
- Hàng sách, có các quân không thang hay thang thang, nhất sách... cửu sách.
- Hàng vạn, có các quân bách vạn hay ông lão, nhất vạn... cửu vạn.
- Hàng văn, có các quân bán chi hay chi chi, nhất văn... cửu văn.
Câu thơ trong tranh muốn nói rằng "bài của tôi được ăn thưởng nhờ có quân không thang".
Xin mở dấu ngoặc để nói thêm rằng hai tiếng Tổ Tôm là đọc trại từ Tụ Tam ( ba quân bài để làm thành một phu).
Nhân sinh quý thích chí
Chẳng gì hơn vui cuộc tụ tam
( Nguyễn Công Trứ, 1778-1859)
Bực chăng nhẽ anh hùng khi vị ngộ
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm
( Trần Tế Xương, 1869-1906)
Tụ Tam biến thành Tổ Tôm. Tổ Tôm là... Nid de crevettes (6). Ngày xưa người ta "Đố ai biết đâu là tổ con chuồn chuồn", ngày nay có thể thêm" Đố ai biết đâu là tổ con tôm "!
(e) Kết ngang : ba quân bài cùng bậc của ba hàng, thí dụ lục văn, lục sách, lục vạn.
(g) Tranh B viết chữ hồng ( thần chú bằng tiếng Phạn (Thiều Chửu), như trong câu Úm ma ni bát minh hồng). Chữ hồng âm nôm có thể đọc là hỏng (?). Nhưng bắt hồng hay bắt hỏng đều không hợp nghĩa. Tôi cho rằng đây không phải là chữ hán, người viết dùng một nửa chữ kiện và bộ khẩu để viết chữ nôm kiệt.
Quân bài kiệt (hay cạn), tức là quân bài hiếm. " Đánh tổ tôm, nước ăn, nước bốc cũng lắm nước cao, mà được trúng ý mình thì thích chí lắm. Có lúc bốc được những con bài kiệt thì sướng vô cùng, cho nên có câu rằng :"thiên tử bất như tứ vạn" (7). Ù tam khôi ( bài vừa có tôm, vừa có lèo) ăn rất lớn. Chờ quân bài kiệt để được ù tam khôi mà tinh thần nôn nao như chỉ chực đứng dậy, tâm trường bị kích thích tưởng chừng như muốn múa lên !
(h) Tranh D : bắt ngỏ. Chữ ngỏ (nôm) được viết bằng chưõ ngọ (hán việt). Bắt ngỏ nghĩa là làng đánh ra bất cứ quân gì mình cũng ăn được.
(i) Tranh D : Mừng bỏ đứng dậy. Ván bài chưa xong, còn đang chờ bắt ngỏ thì làm sao có thể mừng bỏ đứng dậy được ? Hai câu thơ của tranh D ý không thông.
(j) Tranh D : còn cầm. Hai câu thơ không hợp vần.
Tranh dân gian, đặc biệt là tranh Tết, từ xưa đến nay được nhiều người ưa thích.
Các nghệ nhân một mặt phải cố gắng sáng tác tranh mới, mặt khác phải lo phục hồi vốn cổ, khắc lại những tấm ván tranh bị mòn hỏng, để bảo đảm cho dòng tranh được tiếp nối liên tục.
Phục hồi vốn cổ là việc làm đáng được biểu dương, cổ vũ nhưng đồng thời nó lại hay gây ra tình trạng "tam sao thất bản", "râu ông nọ cắm cằm bà kia", như trường hợp tấm Du Xuân đồ được nói tới trong bài này.
" Chơi Xuân" đã dễ mấy người... biết tranh ?
Thói quen tuỳ tiện sửa đổi thơ, thậm chí thay đổi cả bố cục của tranh thường chỉ làm giảm cái hay của thơ, làm mất cái đẹp hài hòa của tranh.
Ghi chú:
(1) Trần Quốc Vượng, Hội hè dân gian, Nguyệt San Trăm con, số 8, Canada, 1993.
(2) Nguyễn Bá Vân - Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, tr. 71, Văn Hóa, 1984.
(3) Nguyễn Bá Lăng, Tranh Tết, trong Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, Paris, 1986.
(4) Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, tr. 48, Paris, 1960.
(5) Henri Oger,Technique du peuple annamite, Hà Nội, 1912.
(6) Pierre Huard, Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, tr. 244, EFEO, Paris, 1954.
(7) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, tr. 353, Tổng hợp Đồng Tháp, 1990.
Nguyễn Dư
(7/11/2000)
Bookmarks