-
Hãy Cùng Nhau Tiến Vào Thế Giới Khai Ngộ
Hãy Cùng Nhau Tiến Vào Thế Giới Khai Ngộ
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Hồng Kông
Ngày 8 tháng 7, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
V: Ngày nay có rất nhiều giáo phái trên thế giới. Làm sao biết được giáo phái nào sẽ dẫn dắt chúng ta về Chân Lý?
SP: Quý vị tìm ra Chân Lý chỉ khi nào tìm được Minh Sư Khai Ngộ. Vấn đề đây không phải là ở các giáo phái. Tất cả đều tốt, nhưng tìm Minh Sư Khai Ngộ là tốt hơn cả. [Vỗ tay] Ấn Độ hồi xưa có nhiều con đường đạo, nhưng tại sao người ta lại theo Đức Phật Thích Ca? Tại vì Ngài là Minh Sư Khai Ngộ. Theo giáo lý của tôi tu hành, quý vị không cần phải thay đổi đức tin về tôn giáo của mình. Người Thiên Chúa Giáo có thể tiếp tục tin Chúa Giê Su và Thượng Đế; người theo Phật Giáo có thể tiếp tục tin vào Đức Phật tối cao, cũng là Thượng Đế. Thượng Đế tối cao tức là Phật Tổ; chỉ có danh xưng người ta gọi là khác nhau thôi. Chúng ta chỉ cần tin vào Lực Lượng Vô Thượng bên trong; không cần phải thay đổi gì cả.
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Costa Rica
Ngày 16 tháng 12, 1990 (Nguyên văn tiếng Anh)
Nếu ai cũng thật sự tu hành theo giáo lý trong Thánh Kinh và kinh sách của Phật Giáo thì họ sẽ không bao giờ tranh luận lẫn nhau, rồi tất cả mọi tôn giáo sẽ vui vẻ với nhau và sẽ làm lễ trong cùng một thánh đường. Đức Giáo Hoàng sẽ đi chùa, các tu sĩ sẽ đi nhà thờ. Sẽ chẳng có vấn đề gì cả.
Chỉ có một tôn giáo thôi - đó là tôn giáo của Thượng Đế, của tình thương, của sự cảm thông. Chỉ có một nhà thờ, một ngôi chùa - đó là ngôi chùa của sự khai ngộ. Đến ngôi đền đó thì chúng ta sẽ biết hết tất cả các tôn giáo trên thế giới.
Mật Giáo và Hiển Giáo
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Hồng Kông
Ngày 8 tháng 7, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
V: Trong sự tu hành, mật giáo và hiển giáo khác nhau ra sao?
SP: Thứ nhất, sự trau dồi về tâm linh chỉ toàn hảo khi nào chúng ta phối hợp được cả hai khía cạnh "mật" và "hiển". Tuy nhiên, đa số mọi người không tu theo mật giáo vì họ không tìm được dòng dõi hay gặp được một vị Minh Sư để có thể truyền cho họ Pháp Môn này. Cho nên họ chọn hiển giáo, được dạy công khai và có thể theo mà không cần phải thay đổi tư cách, thái độ hay tiêu chuẩn đạo đức. Những người thờ tượng Phật, cúng dường phong bì đỏ (đựng tiền) tại các đền đài đều được coi như là những người tu hiển giáo, mặc dù thỉnh thoảng họ cũng giết heo. Những người tu theo mật giáo phải có tiêu chuẩn đạo đức cao, tuyệt đối giữ giới, và biết nhiều pháp bí truyền từ ngàn xưa. Tuy nhiên, tìm ra được một vị Minh Sư Khai Ngộ biết mật pháp không dùng ngôn ngữ là điều khó nhất. Người đó chỉ có thể truyền Pháp cho chúng ta sau khi họ tốt nghiệp môn phái giáo lý vô hình này và đã đạt được chân pháp "không thể nào diễn tả được hay đặt tên được."
Trong hiển giáo, người tu hành phải nghiên cứu nhiều kinh điển và học hỏi nhiều từ ngữ Phật Giáo trước khi có thể tốt nghiệp. Họ phải thông hiểu các danh từ Đức Phật, Bắc Tông, hay Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa nghĩa là gì. Họ phải học và biết hết những thứ này để có thể trả lời câu hỏi của người khác. Chỉ khi đó họ mới có thể dạy được hiển giáo. Tu mật giáo khó hơn bởi vì không phải là học từ kinh điển. Chúng ta dựa vào sự tu hành của mình từ kiếp này sang kiếp khác, nguyện vọng mãnh liệt muốn tìm về Chân Lý, cũng như sự thành tâm, giới luật và sự tu hành tinh tấn của mình. Chúng ta phải dựa vào chính mình cho đến khi nào tìm ra được Minh Sư Khai Ngộ của chính mình. Vì vậy, tốt nghiệp từ mật giáo rất khó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn tất được cả hai, mật giáo và hiển giáo. Ngài có thể dạy bất cứ điều gì và giảng giải kinh điển nào cũng được, kể cả bốn Kinh Vệ Đà. Ngài không gặp khó khăn trong việc tranh luận với những người theo Đại Phạm Thiên hay bất kỳ người nào về việc này. Ngài cũng đạt được mật giáo mà không thể truyền ra được bằng lời hay viết ra được bằng chữ. Vì đã tốt nghiệp từ môn phái giảng dạy vô hình này, nên Ngài có thể truyền cho những người tin tưởng nơi Ngài.
Sự khác biệt giữa hai giáo là mật giáo rất ít người đạt được, còn hiển giáo thì rất nhiều người đã hoàn tất và tốt nghiệp. Người thường theo học trong các tu viện Phật Giáo nhiều năm cũng được coi như là tốt nghiệp môn hiển giáo. Cho nên, ngay cả những người thường tục cũng có thể giảng giải cho công chúng định nghĩa của Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa; Chú Đại Từ Đại Bi; hay nguồn gốc của A Di Đà Phật, ý nghĩa về danh hiệu của Ngài và tại sao chúng ta nên niệm danh Ngài.
Trái lại, môn phái mật giáo rất là khó. Không có một kinh điển nào để mà dựa vào. Chúng ta chỉ có thể tin cậy vào Phật Tánh (Thượng Đế Tánh) và trí huệ của mình để mà tìm ra đạo. Chúng ta mong mỏi và tu hành tinh tấn mỗi ngày cho đến khi nào hoàn toàn đạt được đạo mới thôi. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể truyền giáo này cho người khác. Nó rất là khó bởi vì đó là kinh điển chân chính và vô hình, là Viên Ngọc Mâu Ni, là tài sản vô hình mà chúng ta chỉ có thể kiếm được một cách vô hình, trong yên lặng. Ngay Minh Sư cũng không thể nào giúp chúng ta được; Ngài chỉ có thể dẫn đường cho chúng ta đi mà thôi. Chúng ta phải dồn hết nỗ lực và biết dùng Trí Huệ của mình.
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Đài Bắc, Formosa
Ngày 6 tháng 3, 1988 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
V: Có tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Phật Giáo. Kinh Kim Cang nói rằng tất cả mọi pháp môn đều tu tánh từ bi và tất cả đều bình đẳng. Tuy nhiên, trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy rằng các chúng sinh trong "Thời Kỳ Mạt Pháp" nên tu Pháp Môn Quán Âm. Có phải vì Pháp Quán Âm thích hợp cho chúng sinh hơn không?
SP: Không những thích hợp hơn, mà tu Pháp Quán Âm phải là việc trước tiên. Để nói lại cho rõ, chúng ta sinh ra làm người là để tu Pháp Quán Âm, nếu không, chúng ta sẽ không nhận biết được chúng ta nên làm gì trong đời sống con người. Chúng ta bỏ mất cơ hội quý giá này bởi vì chúng ta làm lỡ mất thời điểm chủ yếu này, rồi sau đó đi chỗ khác để mà tu tám vạn bốn ngàn pháp môn từ đầu trở lại. Nhưng mãi cuối cùng, khi đến cổng của Pháp Môn Tối Hậu, và được sinh ra làm kiếp người trở lại thì chúng ta lại miễn cưỡng không muốn bỏ. Chúng ta từ chối không chịu tu ngay cả lúc gặp được Minh Sư Khai Ngộ, để rồi phải luân hồi nữa, luân hồi nữa.
Loài người sinh ra là để tu Pháp Quán Âm; đó là bổn phận chúng ta phải làm. Chúng ta sinh ra làm người với mục đích đạt được quả vị Thánh Nhân và Đại Trí Huệ. Cơ hội cuối cùng, quý giá nhất, và duy nhất của chúng ta là được sinh ra làm người với mục đích đạt được Trí Huệ vĩ đại này, và để được thoát ra khỏi tám vạn bốn ngàn pháp môn đang ràng buộc chúng sinh. Tuy nhiên, vì không hiểu được sự thật này nên chúng ta không biết làm người phải làm gì. Sau khi tu Pháp Môn Quán Âm, từ từ chúng ta sẽ hiểu rằng tại sao chúng ta được sinh ra làm người và mục đích của mình là gì. Bây giờ có thể quý vị nghi ngờ, nhưng tôi không có cách nào khác. Vì quý vị hỏi nên tôi phải nói. Tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn kia đểu là vô ích; chúng chỉ buộc chúng ta vào trong tam giới. Chúng mang lại cho chúng ta những phần thưởng gia trì, quyền lực và khả năng siêu nhiên, nhưng vẫn buộc chúng ta bên trong tam giới. Pháp Môn Quán Âm là pháp duy nhất mang chúng ta ra khỏi vòng tam giới. Điều này rất là khó tin, vì vậy mà chúng ta ít khi biết đến.
Pháp Hơi Thở Không Phải Là Pháp Môn Tối Hậu
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Viện Đại Học Havard, Hoa Kỳ
Ngày 24 tháng 2, 1991 (Nguyên văn tiếng Anh)
Có người yêu cầu tôi dạy cho họ pháp thiền mà có thể ngừng thở và ngừng tim đập. Tôi bảo: "Không cần phải vội vã như vậy. Cứ đợi một thời gian; khi chết mấy chuyện này sẽ xảy ra." Đây không phải là một điều cần thiết. Chúng ta không cần phải can dự vào việc làm của thiên nhiên. Đây không phải là cách để được khai ngộ. Sau đó họ hỏi tôi dạy cho họ pháp thiền mà có thể làm gia tăng nhiệt trong cơ thể, để nó trở thành như ngọn lửa nhập định -- sức mạnh thiền định qua hơi nóng. Tôi bảo: "Không cần, chỉ việc nhảy vào lò thôi!"
Đây là điều vô lý! Không ăn nhằm gì đến chuyện khai ngộ. Có thể các Minh Sư hay những người tu trên Hy Mã Lạp Sơn không đủ ấm nên họ phải luyện cái kêu bằng nhiệt "tummo" từ bụng để tạo ra hơi nóng sưởi ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh trên Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng ở đây, chúng ta có hệ thống sưởi, có máy sưởi, có đủ mọi thứ, nên không cần đến cái đó. Lấy ví dụ Đức Phật. Có một người đến gặp Phật, khoe rằng ông ta có thể đi trên mặt nước qua được bờ bên kia. Đức Phật hỏi: "Ông tu hành bao lâu rồi mà đạt được tới mức đó?" Người kia trả lời: "Hai mươi lăm năm." Đức Phật nói: "Tại sao phải phí thời giờ, tiền bạc? Tôi chỉ trả có 5 xu là có thể đi ghe sang sông được."
Đây là những quan niệm sai lầm. Chúng ta tu hành để khai ngộ chính mình, để biết chúng ta có thể làm gì cho loài người, để biết chúng ta liên hệ với vũ trụ như thế nào, và chúng ta có thể cống hiến được những gì cho vũ trụ mà đã dâng hiến cho chúng ta thật nhiều; hoặc làm cách nào để giải thoát cho chính mình ra khỏi sự khổ đau, giải thoát cho chúng ta khỏi cảnh nô lệ của sinh tử luân hồi. Nhưng không phải tu để mà khoe khoang. Không cần phải tăng sức nóng hay sức lạnh, không cần phải làm ngừng tim hay ngừng thở. Những thứ này đều là hiện tượng nhất thời, sự vận hành của tạo hóa. Chúng ta không để ý đến làm gì.
Thượng Đế Tính (Phật Tính) không nằm ở trong hơi thở; không nằm trong nhịp tim đập hay trong sức nóng ở bụng. Thượng Đế Tính cũng ở trong đó, nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ của Thượng Đế Tính mà thôi. Chúng ta nên tìm toàn bộ rồi sẽ biết được mọi chi tiết. Chúng ta không nên chỉ để ý đến chi tiết rồi quên đi toàn bộ. Cho nên quan niệm sai lầm cần phải được thay đổi để đưa đẳng cấp chúng ta lên cao, ít nhất cũng là trình độ trí óc, để có thể hiểu biết xa hơn. Nếu cứ dính vào thứ quan niệm này hoặc thành kiến lỗi thời này thì chúng ta sẽ không có hy vọng được văn minh hơn, thông minh hơn.
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Panama
Ngày 28 tháng 1, 1991 (Nguyên văn Tiếng Anh)
Chắc chắn tu Quán Hơi Thở (Pranayama) sẽ có nhiều lợi ích. Có thể có sức khỏe, có thể sống lâu hơn một chút, có thể được một vài thần thông nào đó, hoặc có thể cảm thấy bình yên an ổn hơn. Không có gì mà không có lợi. Nhưng tu "Pranayama" không đưa quý vị đến đâu cả vì chúng ta sống vĩnh viễn, không cần hơi thở. Cái mà chúng ta kêu bằng sự sống không có nghĩa là thân thể. Nếu nghĩ sự sống là thân thể thì quý vị tu luyện, và hơi thở quan trọng cho thân thể, nhưng chỉ cho những người thường thôi. Nhiều người không cần. Quý vị có đọc "Tự thuật tiểu sử của một tu sĩ Yoga" của Yogananda chưa? Khi Sư Phụ của ông nhập định, ngài cũng không có thở. Bộ quý vị tưởng lúc đó ngài không có trí huệ khi ngài không thở hay sao? Vậy trí huệ của ngài đi đâu? Làm sao lúc đó ngài có thể đạt được trí huệ khi không có hơi thở để tu Pranayama?
Tôi biết nhiều người luyện phương pháp hơi thở, không phải Pranayama, nhưng họ đếm hơi thở. Có nhiều phương pháp tu luyện liên quan đến hơi thở và dùng hơi thở làm một phương pháp để tập trung tư tưởng. Nói về tập trung tư tưởng thì nó cũng có lợi. Có lợi cho một số người, nhưng tôi không dám khuyên ai dùng cách đó. Có nhiều cách tốt hơn là cách tùy thuộc vào hơi thở nhất thời này. Quý vị phải huấn luyện đầu óc để tự nó tập trung, bằng sức mạnh của linh hồn chứ không phải là dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài. Nếu không, khi quý vị bị tai nạn, khi bị té, khi chết, khi bệnh hoạn, hay lúc đang ngủ không thể để ý đến hơi thở được thì làm sao tu? Chúng ta không thể tu chỉ khi nào tỉnh hay khi biết mình đang thở. Chúng ta phải huấn luyện mình tu luôn luôn, 24 tiếng đồng hồ, và cái đó chỉ có linh hồn là làm được.
Tôi biết có nhiều người tu hơi thở đến trình độ họ có thể không cần thở, và đó là trình độ cao nhất của những pháp này. Nếu người nào ngưng thở được là được chúc mừng vì đó là mức cao nhất họ có thể đạt đến được. Nhưng khi họ ngừng thở có nghĩa là hơi thở rốt cục cũng chẳng có gì là quan trọng. Quý vị có thể sống không có nó.
Thật ra - nói thật quý vị nghe - hơi thở là không được đụng đến. Trong thân thể có hai luồng: một là cái mà chúng ta kêu bằng sức sống hay luồng "âm lưu" ("shabd"), cái kia gọi là luồng "động cơ" hay luồng sống. Luồng âm lưu là từ Thượng Đế mà ra, rung động trong mọi sự sống, có hay không có hơi thở, di động hay bất động. Âm lưu là cái mà chúng ta nghe được. Luồng kia là luồng động cơ, chăm nom cho sự nóng, sự lạnh, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tất cả mọi thứ kể cả hơi thở, cái đó đã được điều hòa, không nên để ý đến làm gì. Chúng ta không nên làm nó ngắn hay dài, chặn nó lại hoặc điều khiển nó bằng bất cứ cách nào, bởi vì nó đã được chỉnh bởi Đấng Tối Cao. Nếu chúng ta phá phách với bộ máy này, nó có thể bị hư. Khi nó bị trục trặc thì phải sửa chữa, chăm sóc cho nó; còn không thì đừng nên để ý đến, nếu không chúng ta có thể bấm lộn nút làm nó bị hư hại hoàn toàn.
Đấng Cứu Thế Đã Đến!
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại California, Hoa Kỳ
Ngày 19 tháng 5, 1991 (Nguyên văn tiếng Anh)
V: Sư Phụ nghĩ thế nào về Kinh Cựu Ước và Đạo Do Thái?
SP: Cái đó tốt, nhưng xin đừng có chờ Chúa Cứu Thế, bởi vì Ngài đến hoài hoài. Hãy cầu nguyện để quý vị sẽ nhận ra được vị Chúa Cứu Thế hiện giờ; đừng cầu nguyện và chờ đợi Vị Chúa Cứu Thế mà quý vị đang chờ. Ngài không bao giờ đến nếu quý vị cứ kỳ vọng Ngài theo lối của mình. Như khi Chúa Giê Su đến, họ cũng mong đợi Chúa Cứu Thế, rồi giết đi người mà họ đang có trong tay. Chúng ta làm toàn những chuyện dại dột như vậy.
Không phải là đạo Do Thái xấu xa, mà là chúng ta vô minh. Ngay Chúa Giê Su có hứa là sẽ gởi những người an ủi tới; như vậy có nghĩa là sau khi Ngài ra đi, sẽ có người khác đến. Người có thể an ủi chúng ta có nghĩa là người ngang với Ngài, nhưng đã hai ngàn năm rồi chúng ta vẫn còn chờ đợi. Nhiều Đấng Cứu Thế đã đến và đi, thế mà chúng ta vẫn còn ở đây đợi người từ trên trời xuống. Ngài sẽ không bao giờ đến nếu chúng ta chờ đợi kiểu này.
Chúng ta nghe nói Chúa Giê Su sẽ xuất hiện lần nữa; quý vị nghĩ Ngài sẽ đến như thế nào? - Có cánh, bộ râu, hay với thập tự giá để cho chúng ta nhận ra Ngài? Làm sao chúng ta nhận ra được nếu Ngài đến? Thậm chí chúng ta còn không biết Giê Su trông như thế nào. Chúng ta không có ở đó; hay có thể là có ở đó, nhưng hai ngàn năm trước rồi, ai còn có trí nhớ tốt như vậy? (Mọi người cười)
Chúa Giê Su đến không phải qua hình dáng, mà là qua linh hồn. Chúa Giê Su có thể đến với bất kỳ ai có đủ tri giác nhận biết và mở đúng cửa để Ngài vào. Lúc đó chúng ta sẽ trở thành như Chúa Giê Su hay như Đức Thánh Cha. Đó là lúc Chúa Giê Su trở lại lần nữa. Ngài trở lại hoài hoài; khi nào chúng ta sẵn sàng là Ngài đến. Ngài đến qua bất cứ Minh Sư nào có khả năng chứa Ngài, có khả năng chứa đựng lực lượng vạn năng của Ngài. Người đó cũng là Chúa Giê Su - có thể kiểu tóc khác, hoặc đi giày cao gót, nhưng Ngài vẫn là Chúa Giê Su. (Mọi người cười và vỗ tay)
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Sydney, Úc Đại Lợi
Ngày 17 tháng 3, 1993 (Nguyên văn tiếng Anh)
V: Ngài có tin là Đấng Cứu Thế Tối Cao của vũ trụ - Chúa Giê Su, là người Con duy nhất mà Thượng Đế sinh ra - phán rằng: "Ta là con đường, là Chân Lý, là sự sống. Không ai đến với Đức Cha mà không qua Ta"; không ai có thể vào được thiên đàng, Nhà của Thượng Đế, ngoại trừ qua Chúa Giê Su?
SP: Phải, điều đó đúng; mọi Minh Sư đều nói như vậy. "Giê Su" là tên của thân thể Ngài; "Ki Tô" là tước hiệu của Ngài. Mỗi Minh Sư đều phải có lực lượng Ki Tô này; thành ra, trong ý nghĩa đó, Chúa Giê Su không bao giờ chết. Chúa Giê Su làm việc qua tất cả Minh Sư, qua mọi thế kỷ, qua mọi thời đại, để giải thoát và khai ngộ chúng ta, là những kẻ vô minh còn ở lại. Một mình Chúa Giê Su không thể nào làm chúng ta khai ngộ, nếu Ngài đã ra đi. Dĩ nhiên là Ngài làm được, ở một mức độ nào đó, nhưng chúng ta là loài người, không thể tiếp xúc được với Ngài khi Ngài ở cảnh giới cao hơn. Do đó, một Minh Sư bằng thể xác là một điểu cần thiết. Nhưng lực lượng Ki Tô làm việc qua bất kỳ Minh Sư trong xác phàm nào mà đã được chỉ định hay ủy thác vào thời đó. Vì vậy, khi Chúa Giê Su nói Ngài là con đường duy nhất, chỉ có một, Ngài đã nói một sự thật tuyệt đối đúng. Nhưng bất kỳ Minh Sư nào cũng nói như vậy khi Minh Sư đó còn sống.
Tôi biết dính chấp vào Thánh Kinh rắc rối lắm. Nhiều người theo Phật Giáo cũng vậy. Thánh Kinh và kinh điển là những bằng chứng rất tốt của các Minh Sư thời quá khứ, nhưng cũng gây rất nhiều trở ngại vì sự chấp nhất của chúng ta. Tôi biết nó rất là khó. Tôi chỉ biết chúc phúc quý vị và chỉ biết nhẫn nại chờ cho đến khi nào thời điểm đến thì quý vị sẽ hiểu. Thánh Kinh chỉ là một quyền ghi chép về một đại Minh Sư đã ban ơn xuống Địa Cầu chúng ta, nhưng còn con người trước và sau thời Chúa Giê Su thì sao? Những người đến sau thời Chúa Giê Su có thể sẽ nói rằng: "Chúng ta nghe tên Ngài và sẽ được cứu rỗi." Nhưng hằng tỷ, hằng ngàn tỷ năm trước Chúa Giê Su không có ai cứu rỗi họ hay sao? Chẳng lẽ Đức Thánh Cha quá nhẫn tâm chỉ gởi một người con và chỉ gửi có một lần thôi sao? Ngài có keo kiệt như vậy không?
Nếu Chúa Giê Su thật sự cứu rỗi tất cả chúng ta, thì quý vị có thể trả lời cho tôi rằng tại sao chúng ta vẫn còn u minh? Có nhiều điều chúng ta không biết; thiên đàng, chúng ta không thể tiếp xúc. Có người tiếp xúc được khi họ hết lòng, thành tâm cầu nguyện Chúa Giê Su thì có thể Ngài sẽ hiện ra cho họ thấy và dạy dỗ một vài người, nhưng rất ít. Ngài không hiện đến cho tất cả chúng ta. Nhưng Ngài hiện ra cho đồng tu chúng tôi, vì chúng tôi biết cách tiếp xúc với Ngài. Chúng tôi có thể đi lên cảnh giới của Ngài để được Ngài trực tiếp dạy dỗ. Tôi không dạy gì khác. Nếu quý vị muốn thấy Chúa Giê Su và Thượng Đế thì tôi sẽ giúp cho quý vị. Nếu quý vị muốn thấy Đức Phật thì tôi cũng sẽ giúp cho quý vị, chỉ có vậy thôi - nhưng nếu quý vị tin tưởng, thay vì dính chấp vào những ghi chép quá khứ của một Đại Minh Sư mà trong đó phần nhiều chúng ta không hiểu.
Chân Lý trong Các Học Thuyết Hồi Giáo
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Đài Bắc, Formosa
Ngày 6 tháng 3, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Tôi đọc qua một câu rất ý nghĩa trong Kinh Koran. Nói rằng: "Hãy làm một người khách tốt trên Địa Cầu. Và hãy sống một cuộc đời phong phú." Câu này trong Kinh Koran của Hồi Giáo làm tôi rất khâm phục. Chúng ta thường nghĩ là chỉ có Phật Giáo mới nhấn mạnh đến sự vô thường của thế giới này, nơi mà chúng ta sống một thời gian rồi sẽ ra đi. Chúng ta không biết rằng Kinh Koran cũng nhắc đến cùng một tư tưởng y như vậy. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ tham gia vào những cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện tôn giáo nào là hay hơn? Đọc một câu này thấy nó rất là có ý nghĩa. Nó ngắn nhưng rất hay! Trong khi còn ở đây, chúng ta nên sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa, tự do và phong phú.
Kinh Koran cũng đề cập đến Âm Thanh. Sư Phụ Mohammed của họ có đề cập đến, đệ tử của Ngài cũng nhắc đến. Khi nghe thấy tiếng sáo, trí huệ của họ mở ra và họ thông hiểu tất cả. Họ trở nên thảnh thơi, tự do, hạnh phúc và giải thoát! Không phải họ nói đến tiếng sáo ở thế giới bên ngoài. Chúng ta, những người tu Pháp Quán Âm đều biết cái đó có liên quan đến một cảnh giới cao. Tuy nhiên, giả thử như chúng ta là tín đồ Hồi Giáo nhưng chưa nghe thấy tiếng sáo bên trong thì chúng ta không thể nào hiểu được Kinh Koran muốn nói gì.
Trong Thánh Kinh, Chúa Giê Su có nói: "Các con nghe tiếng gió, không biết tiếng gió từ đâu đến và đi về đâu!" Âm thanh này tiêu biểu cho tính chất vô sở bất tại. Khi nghe âm thanh vô sở bất tại này của Thiên Đàng, chúng ta nhận thức được một phần của Đấng Vô Sở Bất Tại (Tathagata). Phần kia là ánh Sáng của Ngài; chúng ta cũng không biết nó từ đâu đến và đi về đâu. ánh sáng này cũng là một tính chất vô sở bất tại. Vô sở bất tại có nghĩa là không biết được nó từ đâu đến và đi về đâu.
Thấy Đấng Vô Sở Bất Tại (Tathagata) không có nghĩa là chúng ta phải thật sự thấy một người nào đó - Phật A Di Đà hay Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni tự gọi mình là "Tathagata" thì cũng đúng, nhưng Ngài cũng giải thích rằng Ngài chỉ là ngón tay chỉ về Chân Lý. Tathagata là một thể nghiệm bên trong, tính chất của vô sở bất tại. Khi nhìn thấy phẩm chất Vô Sở Bất Tại, trí huệ chúng ta được mở ra, mọi nghiệp chướng của chúng ta tan biến, chúng ta tuyệt đối được tự do, và có thể thông hiểu Guồng Máy Vũ Trụ và những bí ẩn của toàn thể Sáng Tạo. Cuối cùng chúng ta sẽ nhận thức được thế nào là đồng một thể với Tạo Hóa. Chúng ta sẽ biết được đẳng cấp của Lão Tử và có thể thật sự tán thán Ngài. Đó là vì lúc đó chúng ta có cùng thể nghiệm và có thể minh chứng cho sự thật trong câu nói của Ngài: "Vạn vật đồng nhất thể!"
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Surabaya, Nam Dương
Ngày 1 tháng 3, 1993 (Nguyên văn tiếng Anh)
V: Nếu một người Hồi Giáo ăn chay nhưng trong tôn giáo của họ được biết là mỗi năm họ nên cúng tế.........
SP: Những gì mà người khác đã giết rồi thì có thể quý vị ăn; nhưng bảo quý vị tự giết gà, giết dê thì quý vị không thể nào làm được. Làm sao mà một Minh Sư có thể muốn đệ tử làm công việc đẩm máu như vậy? Đó chỉ là một sự hiểu lầm. Nói quý vị biết tại sao.
Thí dụ, Minh Sư nào cũng nói quý vị phải cúng dường tất cả những gì quý vị có cho Ngài. Trong Kinh Bhagavad-Gita, nói rằng: "Hãy cho Ta tất cả; chỉ nhớ mình Ta thôi; chỉ yêu thương Ta thôi; chỉ hàng thuận một mình Ta và không ai khác ngoài Ta; hãy cho Ta tất cả những gì nhà ngươi có: cuộc sống, gia đình, của cải, cho Ta tất cả." Nhưng Khrishna có bao giờ lấy một xu nào của Arjuna không, cho dù Ngài cần hay không cần? Không, không bao giờ lấy! Cho nên, đó chỉ là câu nói của Minh Sư. "Hãy cho Ta con bò của nhà ngươi, cho Ta xe của nhà ngươi, cho Ta dê của ngươi, cho Ta vàng bạc, cho Ta vợ con của ngươi; hãy cho Ta tất cả. Ta sẽ chăm lo cho chúng." Nhưng Ngài không bao giờ đụng tới mấy thứ đó.
Đó chỉ là tinh thần cống hiến tất cả mọi thứ dưới chân của Minh Sư đề là một dấu hiệu sùng bái, hàng thuận, một dấu hiệu tin tưởng Minh Sư, dấu hiệu của sự vô ngã: "Rằng ta chẳng có gì, ngay cả chính thân ta; mọi thứ đều thuộc về Sư Phụ." Rồi bây giờ, nhiều thế kỷ, hằng ngàn năm về sau, con người phiên dịch một cách khác: "Ngươi phải tế con cừu non đầu tiên, cái gì cũng đầu tiên." Ai muốn loại cúng tế đẫm máu này? Có thể nào tin được, một con người không thôi, đừng nói chi tới Minh Sư, với lòng từ bi trung bình sẽ tự mình giết một con dê, uống máu hoặc ăn từ đó, rồi cảm thấy sung sướng? -ít khi như vậy lắm! Thời buổi này, người ta chỉ mua những thứ này trong chợ, không nhìn thấy giết chóc, không nhìn thấy đau khổ. Họ mua cũng giống như mua kẹo sô cô la, rồi ăn vào mà không cảm thấy gì nhiều về sự đau khổ của loài vật. Nhưng nếu một Minh Sư, một vị kêu bằng "Minh Sư" có tình thương đối với tất cả chúng sinh, đòi được cúng máu thì quý vị có tin không? Không ai tin được cả!
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Ba Lê, Pháp Quốc
Ngày 25 tháng 4, 1993 (Nguyên văn tiếng Pháp và tiếng Anh)
V: Câu hỏi này về các Thánh Kinh: Tôi thường hay nghi ngờ Thánh Kinh hoặc Kinh Koran. Trong Thánh Kinh nói: "Ta là một Thượng Đế ganh tỵ", và Đức Chúa nói: "Ta đến đây không phải là cho hòa bình, mà cho chiến tranh." Trong Kinh Koran nói rằng chúng ta có thể gây chiến tranh và có nhiều vợ. Có phải những điều này là nhầm lẫn không?
SP: Tôi bảo quý vị giữ ngũ giới: Không sát sanh, không tà dâm, ăn chay, không trộm cắp, không cờ bạc. Những cái đó rất là đơn giản cho đời sống; cứ việc theo như vậy, rồi thiền hai tiếng ruỡi đồng hồ. Mấy cuốn sách khác quý vị đọc, tôi không chịu trách nhiệm.
Nhưng nếu họ đã là người Hồi Giáo rồi, thí dụ như vậy, thì dĩ nhiên, tôi sẽ không bảo họ thay đổi đời sống. Chẳng hạn, nếu họ đã có mười người vợ theo truyền thống của họ trước khi biết tôi, thì chẳng lẽ tôi bảo họ ly thân vợ hay sao? Họ đang hòa thuận với nhau; mười bà vợ sống chung, và họ không làm hại gì ai.
Chúng ta không phải ở đây để thay đổi thế giới mà là để thay đổi chính mình. Nếu người Hồi Giáo như vậy thì hãy để họ yên như vậy. Bây giờ, họ không còn phải "faire la guerre" nữa; họ không còn phải gây chiến tranh nữa, nên họ có thể theo tôi. Nếu họ còn muốn duy trì thái độ hiếu chiến thì họ có thể ở ngoài vòng đai của chúng ta.
Không phải chỉ có người Hồi Giáo gây chiến tranh, mà người Cơ Đốc Giáo, Phật Giáo, và những người khác cũng vậy, bởi vì họ hiểu lầm lý thuyết về nguồn gốc của họ. Đức Phật không bao giờ tạo chiến tranh, nhưng một số Phật tử gây chiến. Đức Chúa không nói là Ngài đến để làm chiến tranh. ý Ngài nói là Ngài không đến với hòa bình, mà với một thanh gươm. Ngài nói là Ngài sẽ làm cho con chống lại cha, v..v.. ý Ngài nói là sợi dây nghiệp chướng sẽ bị cắt đứt; rằng là Ngài đến với thanh gươm trí huệ; rằng ngay cả mọi ràng buộc gia đình sẽ thành như là không có. Vì vậy, cho dù người cha tin vào chuyện ăn thịt, người con sẽ ăn chay. Và lấy thí dụ, trước đó nếu gia đình ràng buộc, gắn bó nhau trong một tình thương rất hạn hẹp, thì sau khi Tâm Ấn họ sẽ thương yêu nhau như thương yêu những đồng tu khác - tất cả anh chị em. Đó là điều Ngài muốn nói.
Như quý vị biết, trong nhóm chúng ta cũng xảy ra như vậy. Cho dù cha mẹ có dùng quyền uy của mình để bắt con cái ăn thịt, chúng cũng không ăn. Cho nên, đó là một loại "chống lại cha mẹ." Trong trường hợp đó, nó giống như vậy. Nhưng Chúa không bao giờ bênh vực cho chiến tranh. Đó là lý do tại sao Ngài nói: "Hãy trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar," rồi khi bị người ta đóng đinh trên thập tự giá, Ngài không chống lại, dù Ngài có thể làm như vậy được. Ngài có sự hậu thuẫn của nhiều đệ tử, họ muốn tôn Ngài làm vua cho người Do Thái, nhưng Ngài không muốn. Ngài nói: "Vương quốc của Ta không phải ở Địa Cầu này." Cho nên quý vị thấy, Đức Chúa là người của hòa bình. Chiến tranh mà Ngài nói đến đó là chiến tranh về tinh thần, đệ tử chúng ta phải chống lại ảo ảnh của Ma, những bịp bợm và cạm bẫy của Ma, lực lượng của Ma, những ảo ảnh, vua của sự đen tối, những cái cầm giữ chúng ta lại - chúng ta chống lại những thứ đó.
Bình thường, tôi không thích tranh luận đầu óc, nhưng tôi biết quý vị còn mới nên tôi cố gắng hết sức hạ xuống để đưa quý vị. Nếu không, tôi rất ghét tranh luận và đấu trí. Theo trong Kinh Koran thì người ta có thể tranh đấu, không phải tạo chiến tranh, mà là bảo vệ cho chính họ. Quý vị phải nghĩ tới thời điểm và hoàn cảnh mà vị Giáo Chủ Mohammed cũng như những đệ tử của Ngài đang gặp phải. Họ bị trừng trị vì lúc đó không có nhiều người hiểu Minh Sư tại thế là gì. Cũng cùng lý do đó mà họ giết Chúa Giê Su, phỉ báng và cố gắng ám hại Đức Phật.
Thời buổi này cũng xảy ra như vậy. Một số người cũng phỉ báng tôi, gây rất nhiều chuyện phiền phức vì hiểu lầm. Họ không chịu bỏ thì giờ ra để học hỏi những gì tôi muốn dạy. Họ chỉ lấy một, hai câu có thể là bị in sai hoặc dịch sai, hay họ chỉ nghe lại những gì người khác nói rồi cố gắng gây rắc rối. Nhưng đây chỉ là một thiểu số rất ít so với số đông người tốt, như quý vị, nên không sao.
Nhưng khi Giáo Chủ Mohammed còn sống thì thật là khủng khiếp. Ở đâu họ cũng bị theo dõi, trừng trị, nên họ phải tự vệ. Và hậu quả tiếp theo cuộc chiến đó là họ phải lấy nhiều vợ. Bởi vì nhiều đàn ông chết trong trận chiến để lại nhiều góa phụ và con cái không có người chăm nom, nên vị Giáo Chủ hoặc người lãnh đạo nói: "Hãy nắm tay họ và chăm sóc cho những người yếu đuối và trẻ mồ côi. Hãy thương yêu họ như thương yêu vợ, con mình." Dĩ nhiên! Nhưng không phải lúc nào cũng là về thể xác.
Chẳng hạn, nhiều khi chồng của một đồng tu chết hay gì đó, hay người vợ chết, rồi để lại mấy đứa con, chúng ta cũng đem họ đến ở nhà của một đồng tu khác và săn sóc cho họ. Nhưng đó không phải là chuyện tiếp xúc về thể xác; mà chỉ là chăm lo cho họ như anh chị em, như con cái của mình, chồng vợ của mình. Vì vậy, vị Giáo Chủ nói: "Nếu ngươi đem nhiều bà vợ về nhà thì phải lo cho họ một cách đồng đều." Dưới điều kiện đó, quý vị có thể đem nhiều người về nhà. Chẳng hạn, nếu cho vợ mình một bộ nữ trang thì cũng phải có khả năng cho người kia giống vậy. Được vậy quý vị mới có thể ôm họ vào lòng và chăm sóc cho họ.
Đó cũng giống như hệ thống bảo chứng thời này - rất là văn minh. Nếu muốn nhận một đứa con nuôi thì quý vị phải khai với chính phủ xem mình có đủ tiền trong nhà băng hay không, có bao nhiêu tài sản, để coi quý vị có lo được cho đứa trẻ hay không. Quý vị thấy đó, rất là văn minh, mặc dù vào thời ấy không có luật lệ bảo chứng gì cả. Người Hồi Giáo giống như vậy. Cho nên thật ra nếu muốn nghiên cứu một kinh điển tôn giáo nào, chúng ta nên nghiên cứu cho đến cùng, tới khi nào tuyệt đối không còn ngờ vực gì nữa. Nhưng nếu chỉ lấy một hay hai câu rồi nói: "Điều đó không tốt; người Hồi Giáo không tốt," là chúng ta sẽ có thành kiến.
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Ba Lê, Pháp Quốc
Ngày 24 tháng 4, 1993 (Nguyên văn tiếng Pháp)
V: Giáo lý của Ngài có thích hợp với Hồi Giáo không?
SP: Có chứ, tại sao không? Hồi Giáo dạy mọi người làm vị khách tốt trên Địa Cầu, và tìm kiếm Thiên Đàng khi còn sống là điều cần thiết. Tôi cũng cống hiến cùng thứ. Tôi dặn quý vị giữ Ngũ Giới, nó cho chúng ta đức tính cao cả, trí huệ và hòa bình thế giới. Tôi cũng cống hiến quý vị con đường để tìm thấy được Thượng Đế ngay tức khắc. Do đó, con đường của chúng tôi thích hợp với tất cả các tôn giáo tốt khác.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks