Lối Sống Thánh Thiện

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng trong buổi cộng tu tại Nữu Ước, USA,
Ngày 20 tháng 6, 1994 (Nguyên văn tiếng Anh)



Nếu quý vị nghĩ rằng: "Ồ ta tu thiền, ta không cần lo cho hình dáng bên ngoài." Như vậy là sai. Bên ngoài tức là bên trong, vì thật ra, chúng ta không có bên ngoài và bên trong. Tất cả đều bên trong vũ trụ này. Sao quý vị có thể làm cho một góc này của vũ trụ bê bối, dơ dáy, lộn xộn, cùng lúc quý vị tuyên bố rằng mình thuộc về một vũ trụ khác đẹp hơn, sạch sẽ hơn và hấp dẫn hơn, chẳng hạn vậy. Như vậy không đúng. Như vậy chúng ta vẫn còn sống trong sự phân biệt, cho rằng thế giới này không tốt, cho nên chúng ta làm cho nó tệ hơn, rồi trước sau chúng ta cũng sẽ di dân tới một chỗ khác! Nhưng chuyện này chưa xảy ra. Chúng ta vẫn còn đang sống tại thế giới này.

Chúng ta không có quyền, tuyệt đối không có quyền phá hoại, làm hư hỏng, thiệt hại căn nhà duy nhất của toàn thể dân số của địa cầu này. Dù muốn dù không quý vị cũng không có quyền làm thiệt hại bất cứ một góc cạnh nào của thế giới này. Và mang danh người tu thiền, quý vị đừng để mình trở thành trò cười cho thiên hạ chê bai, xem thường. Bất cứ việc gì quý vị làm, cũng phải đại diện cho Đấng Tối Cao. Vì chúng ta theo con đường tối thượng, chúng ta chỉ thờ phượng Đấng Tối Cao. Cho nên thân khẩu ý chúng ta phải đại diện cho Đấng Tối cao này. ít ra cũng trong lời nói và hành động. Dù người ta không biết nhiều về những gì quý vị đang nghĩ, nhưng ít nhất lời nói, hành động của quý vị rất dễ lộ diện. Cho nên, hãy nhớ điều này.

Cũng tương tự như sự tiến bộ bên trong, đôi khi chúng ta tưởng chúng ta đã tiến bộ rồi, nhưng thật ra, trong nhiều góc cạnh khác của linh hồn, tâm linh chúng ta chưa được chăm sóc tới.

Ánh sáng và âm thanh những phần tử bên trong, gội rửa linh hồn và tư tưởng của chúng ta. Nếp sống đạo đức của chúng ta sẽ âm thanh. Nhưng chúng ta cũng nên chăm sóc bề ngoài. Bởi vì chúng ta càng thăng hoa, chúng ta càng thấy sự sạch sẽ là cần thiết. Đó là cách sống. Không phải là người này sạch hơn người khác hay thích ở sạch hơn người khác. Mà đó là sự diễn đạt tính chân, thiện, mỹ nội tại - lối sống thánh thiện. Chúng ta nên sống một đời sống giản dị, không phải đời sống nghèo nàn nhất. Một nếp sống giản dị, chứ không phải một đời sống bừa bãi. Giản dị là khác. Nếu tình cờ quý vị vào trong lều của tôi, hay tới thăm lều tôi, lều tôi cũng như bất cứ căn lều nào của quý vị, nhưng hoàn toàn sạch sẽ. Ngày nào cũng lau chùi, mọi thứ đều ngăn nắp. Không phải quá trật tự như là gấp chăn phải đo bao nhiêu ly, những chuyện đó. Nhưng đẹp mắt và dễ chịu. Rất là mời mọc, rất là tiếp đón, rất là ấm áp. Và quý vị biết đó là thuộc về mình.

Trong Ngoài Phải Tương Xứng

Tôi cũng rất tiếc mỗi lần phải chỉ cho một người nào đó thấy, nhất là những đệ tử thân cận, là họ dơ dáy như thế nào, họ làm môi trường của họ bề bộn tới đâu. Nhưng tôi cũng phải làm, phải có người nào đó làm như vậy cho quý vị. Đừng nói là tôi chỉ trích quá đáng. Tôi chỉ muốn cho quý vị thấy rằng đẳng cấp của quý vị cũng phải tương đương. Bên ngoài, bên trong phải tương xứng với nhau, vì chúng ta sống trong vũ trụ. Thật ra không cần nói bên trong, bên ngoài gì nữa. Bên trong, bên ngoài chỉ là một cách nói lúc bắt đầu tu hành. Sau đó quý vị phải san bằng ranh giới. Không còn nữa. Vì chúng ta sinh ra trong vũ trụ, với Đấng Tối Cao. Mỗi ngày chúng ta đều sống với nó, bơi lội trong đó, hít thở trong đó, ăn uống trong đó, sống trong đó. Không có bên ngoài và bên trong vũ trụ. Chỉ có vũ trụ mà thôi. Bất cứ nơi nào trong vũ trụ cũng được cả, cũng hoàn mỹ, miễn là chúng ta làm cho nó hoàn mỹ. Giả sử quý vị đến cõi Phật mà vẫn bừa bãi như ở Trung Tâm, thì cõi Phật sẽ trở thành cái gì? Cõi bừa bãi! Phải (mọi người cười).

Rất hữu lý, nếu nói rằng đẳng cấp bên trong đi đôi với sự sắp xếp bên ngoài, bối cảnh bên ngoài, với cách quý vị sắp xếp đời sống của mình ra sao. Bây giờ, hãy nhìn ra chung quanh, quý vị sẽ thấy lý lẽ của tôi. Không phải tôi chỉ trích thái quá. Loài người sống ở đâu? Họ sống ở đâu? Nhà cửa, lâu đài, biệt thự, cao ốc, đúng không? Heo sống ở đâu? Chuồng heo. Ngựa sống ở đâu? Chuồng ngựa. Có giống nhau không? Hai căn nhà, nhà của ngựa và nhà của người, có giống nhau không? Mùi có giống nhau không? Mọi thứ sắp xếp giống nhau không? Bàn uống trà, tách trà, tất cả mọi thứ trong chuồng ngựa, có giống không? Giống hay không giống? (Đại chúng đáp: Không) (Mọi người cười) Không. Được rồi. Còn chim bồ câu sống ở đâu? Chúng sống trong chuồng, hoặc trên cành. Phải rồi, phải rồi, trong tổ. Cho nên mọi chúng sinh đều có tiêu chuẩn riêng cho đời sống.

Giả sử bây giờ quý vị là thánh nhân, quý vị phải sống như một bậc thánh nhân. Quý vị phải đặt ra tiêu chuẩn thánh thiện cho chính mình.

Sạch Sẽ Là Bản Chất Của Con Người

Vì chúng ta là những người tu hành, chúng ta phải sạch sẽ hơn. Đó là điều tự nhiên. Lẽ ra không cần phải dạy. Khi tôi còn nhỏ, không ai dạy tôi mỗi ngày phải giữ quần áo sạch sẽ không một vết dơ, tới nỗi viên hiệu trưởng lúc nào cũng đem tôi ra làm gương. Tôi rất mắc cở, lúc nào cũng phải đứng trước mặt hàng trăm, hàng ngàn người, làm gương cho họ.

Và tôi chỉ mới học lớp hai hoặc lớp ba tiểu học. Mỗi ngày tôi tự giặt, ủi quần áo một mình vì tôi không tin tưởng người làm về việc này. Tôi nghĩ họ xuất thân từ gia đình nghèo nên không biết làm. Họ không làm được như ý tôi muốn, và không quen làm. Cho nên, tôi làm mọi việc một mình. Tôi được hiệu trưởng trường tặng thưởng. Thật sự là tôi tự đạt được phần thưởng này. Nếu người giúp việc làm chuyện đó, thì người giúp việc là người làm sạch. Nhưng đó là tôi làm. Cho nên, thật sự tôi là người được phần thưởng đó.

Cho nên những việc như vậy không cần phải dạy, mà nên tự động đến. Nếu có người bảo chúng ta nên sạch sẽ, thì chúng ta nên cám ơn, thay vì tức giận hoặc tự ái, hoặc cảm thấy bị khinh rẻ, xem thường, chẳng hạn. Không nên như vậy. Nhiều khi chúng ta có khuynh hướng chống lại lời dạy bảo của một vị thầy, rồi sau đó chúng ta sẽ hối hận. Cũng không sao. Học hỏi từ những lỗi lầm cũng không sao. Nhưng càng ít lỗi, càng tốt, càng tiến lẹ. Bởi vì làm càng nhiều lỗi, chúng ta càng phí thời giờ, lương tâm chúng ta càng thấy nặng nề, và chúng ta mất rất nhiều thời giờ cảm thấy hối tiếc và sửa chữa lỗi lầm, thay vì tiến lên và làm những chuyện gì khác quan trọng hơn, đầy đủ hơn cho đời sống chúng ta. Vậy thôi (mọi người vỗ tay).

Dù họ chưa sạch lắm nhưng sau này họ sẽ sạch, sau khi tôi lau dọn cả căn nhà, bên trong lẫn bên ngoài. Tôi sẽ cho họ những khuôn cách để noi theo. Sau ngày hôm nay, quý vị phải làm như vậy. Thật ra rất là khó. Tôi đã dọn dẹp toàn cả nơi này và đặt bàn ngoài trời ở đó để cho đẹp. Bình thường không có bàn ghế này nọ. Rồi họ tới, để ly tách, hoặc dù che mưa lên trên đó, vì trước kia không có gì cho họ để đồ. Nên họ không để. Bây giờ có rồi, họ lập tức dùng. Ô! Thật tệ! nơi nào họ cũng làm thành như nhà kho hết.

Nhiều nhà không phải là không có đủ chỗ, mà là chúng ta sắp xếp không ngăn nắp. Chúng ta bày ra, chỗ nào cũng thành như nhà kho khi Sư Phụ vừa đến New Jersey, mọi nơi, đôi khi Sư Phụ về lại trung tâm ở nơi nào cũng như nhà kho. Không một chỗ trống. Nhà kho, dĩ nhiên, quý vị không thể vào để ngủ. Nhưng phòng khách quý vị cũng để dù đi mưa, giầy dép, túi ny lông, đủ thứ. Cái gì quý vị vô tình đi qua, cũng để đó, rồi để luôn ở đó. Có lẽ đó là một phần của sự vĩnh hằng, cho nên quý vị phải bày tỏ bằng cách để đồ vĩnh viễn ở một nơi nào đó, bất cứ chỗ nào.

Nên khi Sư Phụ trở lại trung tâm, căn phòng lẽ ra là phòng khách thì lại đầy những thùng. Chỗ nào cũng có thùng. Cả phòng khách cũng thùng, hành lang cũng thùng, bàn ăn cũng đầy thùng. Vậy để bàn ăn ở đó làm gì? Thật vậy, không phải là chúng ta không có đủ chỗ. Vì nếu không đủ chỗ, tôi đâu có thể khiến tất cả những đồ đó biến mất được. Sau khi đến, tôi nói: "Tất cả những đồ này phải đi, đi, đi vào nhà kho. Cái này để đây, để kia." Thế là không còn gì ở đó nữa. Đó là cách chúng ta dọn dẹp bên trong, cũng như bên ngoài.

Cách Huấn Luyện Của Những Vị Thiền Sư

Nhớ các chuyện thiền không? Nhiều thiền sư nhận đệ tử vào, trước hết là làm việc lao động, như lau chùi giảng đường, có khi đánh bóng tượng Phật. Tất cả những việc này không phải là vô nghĩa, thật vậy. Thật ra, hồi xưa, một số các thiền tự, quý vị biết, lúc xưa còn những vị thiền sư tốt và khai ngộ, họ vẫn giữ tượng Phật. Không phải là họ còn chấp vào tượng Phật. Họ đã biết rồi. Nhưng họ nghĩ vẫn có những người hãy còn chấp vào tượng Phật, nên họ giữ lại. Họ cho những đệ tử mới mỗi ngày đánh bóng tượng Phật, quét bụi cho Phật. Họ lau chùi bàn ghế cho Phật, thay nước, thay bông mỗi ngày, lau sàn nhà. Những việc đó giúp họ bận rộn, trí óc tập trung, và không nghĩ ngợi những chuyện vô nghĩa. Cũng để họ giữ thói quen tốt, sạch sẽ, gọn gàng, sắp xếp ngăn nắp, và cất đồ đạc đâu ra đấy. Đó là luật lệ triệt để nghiêm khắc trong hầu hết các thiền tự. Ngay cả bây giờ cũng vậy.

Sư Phụ nghĩ đó là một cách rất, rất hay để huấn luyện con người, nếu họ cũng được huấn luyện cùng lúc về tâm linh. Không phải chỉ để thói quen này trở thành một nghi thức trống rỗng, chỉ giữ bên ngoài sạch sẽ mà bên trong không có gì cả. Đó là hai điều cực đoan. Đôi khi chúng ta thấy một số người chỉ giữ những nghi thức bên ngoài của bất cứ giáo phái nào, có người thì chỉ giữ bên trong, ngày nào cũng ngồi 24 tiếng trong hang chẳng hạn, và không lo lắng cho thế giới, ngay cả người họ cũng không phủi bụi. Đây là hai thái cực chúng ta không nên theo. Nếu chúng ta chỉ giữ sạch sẽ bên ngoài, ông Phật bên ngoài, mà không biết gì bên trong, hoặc là sự tập trung của chúng ta mới được nâng cao hơn một chút vì sự lau chùi, như vậy chưa đủ. Chúng ta phải làm cả hai.

Cho nên tôi hy vọng điều này không quá vô nghĩa đối với quý vị. Tiện thể như vậy cũng tốt cho nhà cửa của quý vị, và rất là thực tế. Vật gì không thuộc về phòng khách, thì đừng để ở đó, rất giản dị. Và quý vị sẽ thấy đời sống của mình tốt đẹp khả quan với căn nhà rộng rãi, thoải mái, và một bầu không khí chào đón ấm cúng khi quý vị về nhà.

Hãy Giữ Sạch Sẽ Nơi Thánh Địa Của Mình

Đừng than phiền là ông chồng quý vị bỏ chạy, hoặc bà vợ thất bại. Nếu ai cũng biến căn nhà thành như một chỗ chứa rác, thì không ai thích tới đó nữa. Vì thế mà nhiều người ra ngoài nhậu tới khuya, đi hội hè, đi nhảy đầm, đi đủ mọi chỗ, hủy hoại sức khỏe, tâm linh của họ, phí phạm thời giờ, chỉ vì họ không chịu nổi ở nhà. Họ cảm thấy ở nhà không có gì; chẳng có gì để giữ họ. Còn tôi, lúc nào cũng ở nhà. ít khi tôi ra cửa, nếu không có việc gì làm. Tôi ít khi ra khỏi cửa phòng của mình. Vì tôi ở trong đó cảm thấy dễ chịu. Nó là thiên đàng của tôi. Sao tôi lại bước ra để vào một thế giới bề bộn và không ai khác sạch sẽ? Nếu căn nhà dễ chịu, nó cũng như một thánh địa, một giáo đường. Quý vị sẽ cảm thấy an hòa.

Vì vậy có nhiều người, kể cả những người không phải đồng tu, thích đến chỗ ở của tôi. Sáng nay tôi có một người khách. Ông ta rất mến chỗ của tôi. Ông ta nói: "ồ, ở đây yên tĩnh quá," và quý vị cảm thấy linh hồn cũng yên tĩnh, chỉ từ khung cảnh thôi. Quý vị chỉ nghe thỉnh thoảng một vài tiếng chim hót đây đó. Có vậy thôi. Và tiếng rì rào của lá cây. Không có gì cả, không có gì làm phiền, không bụi bặm, không một băn khoăn. Ngay cả trong khung cảnh như vậy, nơi mà mọi vật đều sạch sẽ, mát mẻ, quý vị cũng cảm thấy trong lòng mát rượi. Những say mê, dục vọng, nóng giận, tham vọng, tất cả đều dịu xuống.

Rất quan trọng nếu quý vị giữ gìn chỗ ở của mình linh thiêng, sạch sẽ cho chính mình, và cũng lợi ích cho thế giới và cho vũ trụ. Nó là một góc của vũ trụ. Chúng ta sống trong đó. Dù chúng ta có sống trên thiên đàng, nó cũng chỉ là một góc khác của vũ trụ mà thôi. Tại sao chúng ta không tôn trọng góc cạnh mà chúng ta đang ở bây giờ? Đó là một sự dâng hiến cho Thượng đế. Dọn dẹp nhà cửa của quý vị là như một sự dâng hiến cho Thượng Đế. Nấu ăn với tình thương như một sự dâng hiến cho vũ trụ. Hãy làm tất cả mọi việc như một sự dâng hiến. Không việc gì là nhỏ mọn. Không việc gì là dơ dáy. Không việc gì là không đáng cho quý vị để ý tới. Bởi vì mọi công việc kết hợp nên vũ trụ này. Mỗi một vi trần trong vũ trụ đều thuộc về toàn thể vũ trụ. Chúng ta chăm sóc cho một phần tức là chăm sóc cho toàn thể. Cho nên, đừng nghĩ đó là việc dơ dáy. Tôi dọn rác, lau sàn nhà.

Mỗi khi thời giờ và khóa biểu cho phép, tôi tự làm nhiều việc một mình. Tôi cũng nấu ăn. Quý vị biết rồi. Không có gì mà tôi không làm. Và không cái gì mà tôi không làm giỏi., vì tôi có lòng cống hiến. Linh hồn, thể xác tôi đều hết lòng với công việc tôi làm. Không phải mỗi khi làm gì tôi đều nói: "Ta làm việc này vì Thượng Đế. Ta làm nó vì sự cống hiến, đa, đa, đa,..." Nhưng nó thành như tự nhiên, như bản tính của mình vậy. Rất là tự nhiên, như là quý vị thương ai, quý vị đâu cần phải niệm. Quý vị chỉ biết là mình thương người đó thôi. Và quý vị làm mọi việc từ tình thương. Tương tự như một người tu con đường của tình thương, quý vị biết, ánh sáng và âm thanh phải khiến quý vị tăng trưởng tình thương và trí huệ. Cho nên, nếu chúng ta tu con đường của tình thương, chúng ta phải làm mọi việc bằng tình thương. Và tất cả những gì đến từ tình thương đều tự nhiên đẹp và hoàn hảo.

Làm Mọi Việc Với Tình Thương

Nếu quý vị làm việc gì mà chưa được hoàn hảo, hoặc chưa được đẹp, thì biết rằng tình thương của quý vị chưa được tăng trưởng hoàn toàn. Quý vị chưa hoàn toàn dùng hết sức mạnh tình thương bên trong quý vị.

Đó là cách để phản ảnh xem quý vị có tiến bộ hay không. Đừng cứ viết thư hỏi tôi: "Sư Phụ, con tới đẳng cấp thứ bảy chưa? Hay Sư Phụ nghĩ con ở đẳng cấp thứ tám?" Như vậy có ích gì? Mọi nơi đều ở bên trong vũ trụ. Khi còn sống ở đây, quý vị là thánh nhân. Khi sống trên đất Phật, quý vị cũng là thánh nhân. Chỗ nào quý vị cũng sống như thánh nhân. Không cần chọn chỗ này hoặc chỗ kia. Thiên đàng chỉ là chuyện ảo tưởng trừ khi chúng ta biết thiên đàng thật, bên trong chúng ta. Nếu sau một thời gian tu hành, quý vị vẫn còn mong nhìn thấy thiên đàng hay gặp Phật này nọ, thì tôi nghĩ quý vị nên thiền hai năm trên núi Hy Mã Lạp Sơn để tự ngẫm mình. Thật không có ích gì cả. Thiên Đàng là tại đây, vào lúc này. Bất cứ quý vị đi đâu, cũng làm chỗ đó thành thiên đàng. Nếu quý vị sung sướng, thì đó là thiên đàng. Còn nếu quý vị không sung sướng, cho dù hoàn cảnh chung quanh rất vui nhộn, rất náo nhiệt, quý vị vẫn cảm thấy đau khổ, đúng không? (Đại chúng đáp: Đúng!)