-
Tình Cảm Sâu Đậm Của Phái Nam
Tình Cảm Sâu Đậm Của Phái Nam
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa Ngày 5-12 tháng 5, 1991
(Nguyên văn tiếng Trung Hoa, không cắt xén)
Nam chúng rất khó tu hành, điều này Sư Phụ hiểu. Họ dễ bị kích động, hiếu động, lại háo thắng, và nặng về vấn đề tình cảm. Mọi người đều nghĩ rằng nữ chúng nhiều tình cảm hơn. Thật ra tình cảm nam chúng mới nặng, mới sâu, không thố lộ tâm tình. Nữ chúng khóc một hồi là hết chuyện (Sư Phụ cùng mọi người cười). Tình cảm ra sao đều kể ra hết, nước mắt rơi xuống là rửa sạch mọi chuyện.
Nam chúng không khóc được, không kể lể được, không nhiều chuyện, có tình cảm gì đều dấu kín thật sâu bên trong, hết sức tập trung! Cho nên về phương diện tình dục tương đối nhiều và mạnh, bởi vì tình cảm đều dấu kín ở bên trong, không xả ra. Mọi sự đều gom vào trong đó, không có chỗ thoát, cho nên nam chúng tu hành mới khó.
Ở đâu nữ chúng tu hành cũng nhiều hơn nam chúng, không phải nam chúng dở. Vì sao nam chúng sợ nữ chúng? Bởi vì tình cảm của họ quá sâu đậm, chứ không phải nữ chúng nguy hiểm. Các bà không có nguy hiểm đâu! Sư Phụ là phái nữ nên Sư Phụ biết! (Mọi người cười) Họ không có gì nguy hiểm cả, họ chỉ hay tầm phào! Ý Sư Phụ là có chuyện gì họ nói ra xong là hết! Nam chúng nếu nổi giận là để trong bụng rất lâu, rất sâu, còn nữ chúng thì ít hơn.
Chúng ta cũng nên biết các nhược điểm của mình, rồi sau đó tự sửa đổi, không sao cả. Biết cũng hay. Sau này có chuyện gì buồn thì cứ khóc! (Mọi người cười) Yêu người nào thì cứ nói ra, như vậy sẽ thấy dễ chịu hơn, thoải mái hơn (Sư Phụ cười). Thật sự là như thế! Đôi khi chúng ta tâm sự được thì trong lòng nhẹ bớt đi. Không phải vậy sao? (Thính giả: Vâng! )
Tại sao đôi khi Sư Phụ có nhiều áp lực? Bởi vì có vài điều Sư Phụ không thể nói cho ai nghe. Sư Phụ nói cho quý vị nghe chỉ thêm phiền cho quý vị. Quý vị cũng không hiểu nữa. Sư Phụ không có đối tượng để tâm sự (Sư Phụ cười), cho nên có những lúc áp lực rất nặng.
Nhưng quý vị không nên như thế. Nam chúng cũng là người, không nên giả làm đại trượng phu: "Tôi không khóc," nhưng vẫn hích hích... (Sư Phụ giả tiếng khóc của phái nam) (mọi người cười). Có khóc cũng đâu có gì mất mặt, nó khiến quý vị rất ư dễ chịu! Đó là hệ thống mà Thượng Đế đã tạo ra, để khi bên trong chúng ta có tâm sự buồn thì có nơi thoát ra.
Cũng như bồn nước có một lỗ trống. Khi nước quá đầy sẽ tự động tràn ra. Bồn nước rửa mặt của chúng ta cũng có một lỗ trống ở trên, lúc nước quá đầy, dù cho lỗ thoát nước bên dưới bị nghẹt, nước vẫn có thể thoát ra. Các hệ thống khác cũng tương tự như thế.
Cho nên khi chúng ta có tâm sự gì, tốt nhất nên tìm một người bạn để chia sẻ, hoặc giải bày với người mình thích, dù cho họ có tiếp nhận hay không, chúng ta cứ nói ra phần của mình. Giả sử quý vị yêu ai một cách tha thiết, hãy nói cho cô ta nghe, nhưng đừng mong mỏi cô ta sẽ đón nhận tình yêu của quý vị. Cô ta không chấp nhận cũng không sao, quý vị cứ nói ra. ít ra quý vị sẽ biết cô ta có chấp nhận hay không. Cứ giữ mãi trong lòng càng thêm phiền phức.
Khi chúng ta giận người nào, nếu chúng ta không dám nói ra cũng rất phiền. Giận vợ cũng nên nói cho vợ nghe, có khi chúng ta hiểu lầm cô ta, có khi cô ta hiểu lầm mình. Nói cho nhau nghe rồi hai người sẽ thông cảm nhau hơn. Có lúc cô ta không chấp nhận ngay, nhưng sau đó cô ta sẽ nghĩ lại, rồi tình cảnh sẽ thay đổi. Quý vị hãy thử thử xem!
Đa số nam chúng không hiểu chính mình, quý vị có biết không? Họ nghĩ rằng mình rất lãnh đạm, không có tình cảm, vì không được khóc, lại không được biểu lộ tình cảm. Không đâu, nam chúng giàu tình cảm nhất. Người ta thường nghĩ rằng nam chúng là người phụ bạc, dễ bỏ rơi gia đình, thật ra không phải như thế. Ý nói là nam chúng dễ bỏ nhà ra đi. Không phải đâu! Người bỏ nhà ra đi, bỏ bê con cái, phần đông không phải là các ông mà là các bà (Sư Phụ cười). Quý vị hãy xem thống kê, Sư Phụ không xem thống kê, nhưng Sư Phụ để ý thấy như vậy. Nam chúng có tinh thần trách nhiệm hơn. Mặc dù có khi không yêu vợ lắm, nhưng họ vẫn ở nhà. Đa số nữ chúng thích ồn ào, đố kỵ, tranh giành. Phản ứng của họ mạnh hơn.
Tình cảm của nam chúng sâu đậm hơn. Phần đông đàn ông hay cản trở vợ mình tu hành. Một số phụ nữ nhiều khi phải trốn đi mới tu được, chồng của họ không cho họ ra ngoài. Không phải người chồng độc tài, mà vì họ quá thương vợ. Không có người chồng nào không thương vợ của họ, rất hiếm khi có một người chồng không yêu thương vợ của họ trọn đời.
Đôi khi người đàn ông ra nhìn ngắm đàn bà khác. Thấy người nào có vẻ đẹp hơn là mở to mắt ra nhìn, nhưng cũng không dễ dàng đem cảm tình cho người ta. Thường thường đàn bà hay chạy về nhà mẹ mình, đàn ông không có. Rất ít khi các ông đụng chuyện là bỏ chạy về nhà mẹ, phần đông đều là các bà (mọi người cười). Không phải vậy sao? (Thính giả: Vâng!) Điều này cho thấy tình cảm của nam chúng tương đối vững chắc, sâu sắc hơn, họ biết họ muốn gì, còn nữ chúng thì lộn xộn hơn.
Quý vị không nên hiểu lầm mình, tình cảm rất hữu ích, không nên che đậy, cũng không nên bỏ lơ nó. Nếu tâm hồn của chúng ta tràn đầy tình cảm, lực lượng bên trong của chúng ta rất lớn. Tình cảm rất hữu ích, nếu chúng ta có thể tập trung nó lại và dùng vào việc tu hành thì sẽ rất tốt. Cho nên phần đông Minh Sư đều là người nam. Sư Phụ xấu số, không biết tại sao một người với phẩm chất nữ mà có thể thành Minh Sư! Có lẽ vì Sư Phụ cũng có phẩm chất nam nữa, không phải chỉ có nữ tính mà thôi.
Các vị nam chúng hãy cố gắng tìm hiểu mình hơn. Bây giờ quý vị có hiểu lòng mình thêm một chút nào không? (Nam chúng đáp: Có!) Tuy Sư Phụ không phải là phái nam, nhưng Sư Phụ hiểu quý vị, lạ thật! Quý vị có hiểu mình như thế không? Có không? (Nam chúng đáp: Rất ít!) Không nghĩ rằng mình có nhiều tình cảm à! Những người bỏ chạy về nhà mẹ đều là phụ nữ cả. Quý vị có biết không? Nữ chúng rất dễ tức giận, nam chúng tương đối cẩn thận hơn, vững chắc hơn. Họ biết rằng họ thương vợ, bỏ đi để làm gì? Họ nghĩ rằng bỏ đi cũng vô ích!
Sư Phụ gặp rất nhiều cảnh vợ bỏ nhà đi, để lại con nhỏ. Chồng của họ vẫn tiếp tục nuôi con, dù khổ nhọc, nhưng vẫn cố gắng nuôi. Chúng ta thường nghĩ rằng vốn chỉ có phụ nữ mới nuôi con được. Không nhất định như thế. Miễn sao chúng ta có tình thương, có lòng yêu mến và để ý, chúng ta sẽ làm được.
Quý vị xem thế giới loài vật, ai dạy chúng chăm sóc con cái của chúng? Con người chúng ta còn có thể dùng ngôn ngữ để dạy, có những lớp dạy nuôi con, hay có những tài liệu về nuôi con. Có những phụ nữ khi mang thai, trước khi sinh nở đã đi học cách chuẩn bị mọi việc, còn loài vật không có lớp học, cũng không có tài liệu in ra để chúng xem, nhưng chúng vẫn chăm sóc con cái của chúng rất chu đáo, phải không? (Mọi người đáp: Phải!)
Có những loài vượn, chúng cứ ôm mãi con của chúng trên người. Dù con đã chết con mẹ vẫn cứ ôm, ôm đến khi xác con bị rửa thối, rồi vượn mẹ bị nhiễm trùng và cũng chết theo, vì tình thương của chúng đối với con cái của chúng!
Cho nên đừng nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới biết săn sóc con cái. Tại sao nữ chúng lại nhận phần chăm sóc con cái? Bởi vì sau khi sinh ra, họ nghĩ rằng đứa con là của mình. Có lúc họ xem ông chồng như người xa lạ, người thứ ba. "Chỉ có hai chúng mình thôi" (Sư Phụ cười). Cho nên sau khi đứa con chào đời, tình cảm vợ chồng thường bị va chạm, vì người vợ quá thương con, quên mất ai là người quan trọng nhất trong gia đình, ngày tối chỉ biết lo cho con, bỏ bê ông chồng.
Một lý do khác vì sao nữ chúng nhận phần chăm sóc con cái, là vì nam chúng thường hay ra ngoài làm việc. Nam chúng giàu tình thương, nghĩ rằng vợ mình yếu đuối, lại mới sinh con, tốt nhất nên ở nhà nghỉ ngơi, một mình ra ngoài làm việc vất vả, mang tiền về nuôi gia đình.
Cho nên từ xưa đến nay, con cái đều do mẹ nuôi, không phải người mẹ có khả năng nhiều hơn. Phần đông mọi người đều ngộ nhận. Theo Sư Phụ nghĩ là do nam chúng giàu tình thương. Chẳng lạ gì phần đông các vị Minh Sư đều là phái nam.
Cho nên quý vị không nên coi thường mình. Tình thương của nam chúng không giống như nữ chúng, để lộ tình cảm, ồn ào, quấn quít, khóc lóc. Nhưng nam chúng thì tình thương vững chắc hơn, rất nhẹ nhàng, rộng rãi, giản dị, bình thường, ngay chính họ cũng không nhận biết tình thương của chính mình nữa, bởi vì họ vốn đã có sẵn tình thương (cho nên họ không lấy đó làm trọng).
Cũng giống như những người tu hành chúng ta, không tự cảm thấy mình có gì vĩ đại, chỉ biết mình mỗi ngày đều tiến bộ. Ngoại trừ những lúc chúng ta nói chuyện với người khác, thấy đẳng cấp của họ quá cách biệt với mình, chúng ta mới hiểu rằng: ồ! Thì ra chúng ta tu hành có khác! Cho dù có cảm thấy khác biệt, chúng ta cũng không lấy đó làm điều kiêu hãnh.
Cũng vậy! Tình thương của nam chúng tự nhiên hơn. Họ vốn đã có sẵn, nên không cảm thấy có gì hay. Nữ chúng có chút tình thương là làm cho lớn ra, nói thật nhiều, để cho mọi người đều biết, cả nước đều hay. Làm chút xíu chuyện là ai cũng biết. Như Sư Phụ, cả thế giới đều biết danh, không phải chỉ trong nước mà thôi. Mọi người đều biết Sư Phụ có tình thương (Sư Phụ cười, mọi người vỗ tay). Tuy cả nước đều biết, nhưng chính Sư Phụ lại không biết. Trường hợp này khác.
Cho nên, Sư Phụ nghĩ rằng từ xưa đến nay đa số nam chúng tu hành đều trở thành Minh Sư. Đây là chuyện đương nhiên. Hôm nay cách nhìn của chúng ta nên thay đổi một chút, không phải lúc nào cũng nghe người ta nói. Thật ra là như thế. Rất ít nữ chúng đứng ra nói: "Anh ở nhà nuôi con, em ra ngoài làm việc!" Họ đều nghĩ rằng để cho chồng nuôi là chuyện đương nhiên. Có người chưa lấy chồng đã có ý như thế, lấy chồng để được người ta nuôi, có chỗ nương tựa. Không có tinh thần độc lập.
Điều này cũng không phải là lỗi của phụ nữ. Rất có thể là vì cách nghĩ của họ, vì cơ thể bẩm sinh yếu đuối, và vì tính hay sợ hãi. Lúc ở nhà đã nuôi dưỡng thói quen nữ chúng phải nương tựa vào nam chúng. Cho nên đây không phải là lỗi của người phụ nữ, mà do lề lối suy nghĩ của toàn thế giới khiến thành như vậy.
Nhưng thật ra, nữ chúng cũng có thái độ như thế. Họ thường như vậy, có lẽ là vì lòng hẹp hòi hơn. Vì thế quý vị thấy nữ chúng ít khi có tinh thần hy sinh, hiếm khi nghĩ rằng: "Mình nên đi làm, để chồng ở nhà nghỉ ngơi, chơi với con cái, như vậy tâm hồn của họ mới thoải mái hơn." Đùa với con tuy rất mệt, nhưng cũng có sự thích thú.
Ngườii phụ nữ nghĩ rằng ở nhà trông con là chuyện rất cực, chồng ở bên ngoài tự do hơn, nhưng thật ra không phải như thế. Người đàn ông ra ngoài làm việc thật vất vả! Có khi phải nh?n nhOn t?nh tFnh của chp, áp lực của công việc, đố kyï của đồng nghiệp, rất nhiều chuyện phiền phức. Ngườii phụ nữ ở nhà trông con rất thoải mái, chúng rất d? thương, nhìn chúng đã cảm thấy vui. Các em nhỏ rất gần với Thượng Đế. Ánh mắt chúng trong sáng, gương mặt chúng ngây thơ, da dẽ thật mịn màng, bàn tay thật nhỏ nhắn, tròn trịa. Mỗi cử chỉ của chúng đều rất đáng yêu, cho nên nhiều người rất thích em bé. Chúng ta nói rằng chúng ta hy sinh ở nhà nuôi con, điều đó không đúng! Đó là một công việc với sự tưởng thưởng và mãn túc.
Rất ít nữ chúng chịu để con ở nhà ra ngoài làm việc một thời gian dài, ngoại trừ những người tu Pháp Môn Quán Âm chúng ta. Chúng ta có thể đi một tuần, hai tuần để tham dự Thiền thất, điều này có khác. Nhưng nếu để họ ngồi lâu hơn nữa, họ sẽ nhớ con và chịu không nổi, vì đã quen săn sóc con cái. Nếu như để đàn ông nuôi con, thì họ cũng trở nên rất khắn khít như vậy. Họ cũng sẽ thích công việc này, không có ai là không thích trẻ em.
Cho nên, Sư Phụ nghĩ rằng nam chúng có tình thương hơn. Tình thương đó là lòng hy sinh, không phải sự âu yếm. Tình thương của nam chúng khác hẳn. Khi người đàn ông thương ai, họ sẽ hy sinh để cho người đó vui lòng. Có khi họ không có đến mấy bộ quần áo cho chính họ, tất cả tiền đều giao cho bà xã. Bà xã ra ngoài mua son phấn, rồi mua mấy trăm đôi giầy cao gót, áo quần thời trang. Nhìn thấy vợ mình vui là họ cũng vui lây; nhìn thấy vợ mình sung sướng, họ cũng cảm thấy lòng mình thật thỏa mãn, kiêu hãnh. Cho nên tình thương của họ mới đúng là tình thương chân thật.
Hôm nay Sư Phụ biết sự khác biệt! Lạ thật, tại sao Sư Phụ lại có thể nhận ra như vậy? (Sư Phụ và mọi người cười) Sư Phụ đâu phải là đàn ông? (Mọi vỗ tay). Có lẽ Sư Phụ có nghiên cứu - nghiên cứu ở bên trong, bằng những lúc tiếp chuyện với nam chúng, để nghiên cứu hành động của họ, tâm trạng của họ, như thế mới có thể trông nom quý vị nam chúng, vì không phải lúc nào Sư Phụ cũng chỉ chăm sóc nữ chúng, họ đã đủ tốt rồi, không cần phải chăm sóc nữa.
Thấy Sư Phụ là nữ là họ vui rồi. "Sư Phụ là người nữ mà!" Họ thấy sung sướng và kiêu hãnh, không cần phải nói thêm nữa! Nhưng Sư Phụ cảm thấy quý vị nam chúng hơi bi bỏ rơi. Sư Phụ không biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế chăm sóc nam đệ tử như thế nào, Ngài rất nghiêm khắc. Bây giờ Sư Phụ là người nữ, cho nên hơi bỏ rơi quý vị, vì thế Sư Phụ nghiên cứu rất kỹ lưỡng (Sư Phụ cười). Có lẽ từ sự nghiên cứu kỹ lưỡng này mà những câu trả lời này mới nảy sinh, khai ngộ ra!
Cho nên hôm nay Sư Phụ mới hiểu được những điều này. Những điều này tự nhiên Sư Phụ nói ra, lúc gặp quý vị mới nghĩ đến, không phải cố ý nói, cũng không cố ý nghiên cứu. Mọi việc đều được an bài, quý vị có hiểu không? (Đại chúng đáp: Hiểu) Tình thương của quý vị rất gần gũi với tình thương của Phật Bồ Tát, quý vị có tinh thần hy sinh. Chúng ta thương ai, chúng ta rất mong cho họ được sung sướng, làm bấy kỳ điều gì để cho người ấy vui. Điều này nói lên tinh thần "vị tha" chân thật, thay vì ngã chấp. Người ta vui là quý vị vui. Đây mới thật là thương yêu người khác, gọi là lòng "vị tha".
Chẳng lạ gì quý vị tu hành có kết quả hơn, chẳng lạ gì phần đông Minh Sư đều là nam chúng, đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bối cảnh xã hội cũng giúp nam chúng tu hành, nhưng tình thương của quý vị là yếu tố rất quan trọng.
Đa số nam chúng đều ra ngoài xã hội làm việc và nuôi gia đình. Ngay cả trước khi lập gia đình, họ cũng làm việc để giúp đỡ cha mẹ, gia đình, chị em. Chỉ nam chúng mới có tinh thần hy sinh như thế.
Lúc quốc gia lâm vào cảnh chinh chiến, cũng là nam chúng đi đánh giặc! Biết rằng ra đi là không hẹn ngày về, nhưng vẫn cứ đi. Vì đất nước bỏ lại vợ con, gia đình và cha mẹ. Mặc dù có khi họ bị cưỡng bách, nhưng có lúc họ cũng tình nguyện ra đi. Dù nam chúng đã định phải làm việc này, nhưng điều này chứng tỏ rằng họ đã vốn sẵn có tinh thần hy sinh, tình thương của họ rất tự nhiên, vốn đã sẵn có rồi. Sư Phụ không hiểu vì sao phần đông nam chúng không nhận ra ưu điểm của mình.
Rất ít nam chúng chịu tu hành, có lẽ vì họ có quá nhiều tinh thần trách nhiệm. Họ nghĩ rằng họ phải làm việc, lo lắng cho gia đình, săn sóc cha mẹ, săn sóc chị em v.v..., để rồi quên mất điều quan trọng nhất là họ phải lo cho linh hồn của họ. Nếu như chúng ta tặng cho cha mẹ chị em chúng ta hàng triệu hàng tỷ đồng, hoặc là tài sản, cũng không tốt bằng chúng ta tu một ngày! Chỉ cần một giờ, một phút thôi! Không cần nói chi đến một ngày, một ngày đã nhiều quá!
Nếu điều kiện cho phép, đương nhiên chúng ta cũng nên mang lại cuộc sống thoải mái cho mọi người. Nếu không có ai nuôi dưỡng cha mẹ, chúng ta nên lãnh trách nhiệm, không có ai săn sóc chị em, chúng ta nên săn sóc. Nếu như có người phụ trách, chúng ta không nên quá sức quan tâm, tốt nhất chúng ta nên chăm lo phương diện tinh thần của họ. Chúng ta tu hành họ sẽ nhận được lợi ích, ngay cả đời sống vật chất của họ cũng được trời đất chăm nom, nhờ vào công đức của chúng ta.
Cho nên mới có câu: "Nhất nhân chứng đắc cửu huyền thăng". Cổ nhân nói điều gì, đều từ trí huệ bên trong, họ đích thân thể nghiệm nên mới nói như thế. Nếu không tại sao quốc gia nào cũng nói những điều tương tự. Trung quốc nói rằng: "Nhất nhân chứng đắc cửu huyền thăng". Ở Âu Lạc và Ấn Độ cũng nói một ý như vậy. Năm đời siêu thăng là cách nói của người Ấn Độ, họ dùng một con số để nói mà thôi, nói đại khái năm đời! Chứ năm hay chín đều như nhau cả.
Điều này cho thấy rằng, ở đâu cũng có người tu hành và trí huệ họ đạt được đều tương tự nhau, cho nên mới có câu anh hùng có cùng chí hướng; ý nói rằng những người có trí huệ đều nói một chuyện như nhau. Có khi quý vị nghiên cứu kinh điển của các tôn giáo, thấy bài Đăng Sơn Bảo Huấn của Chúa Giê-Su không khác gì hạnh Bồ Tát Đạo trong kinh điển Phật Giáo. Hoặc là quý vị so sáng Thánh Kinh với kinh Koran cũng thấy nói cùng một việc. Xem Bồ Tát Tâm Kinh, cũng nói giống nhau, không có điều gì khác biệt.
Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa Giê-su đâu có hẹn hò với nhau đâu. Các Ngài đâu có hẹn nhau để nói cùng một tư tưởng. Cả hai không quen biết nhau, lại sinh khác thời khác chốn. Những vị Minh Sư như Khổng Tử, Lão Tử, hoặc là Socrate, hoặc là các vị Minh Sư ở các quốc gia khác nhau đều nói những điều giống nhau. Lạ thật! Đôi khi quý vị thấy Sư Phụ nói những điều mà không phải do Sư Phụ đọc kinh mà biết, nhưng sau đó đọc lại kinh điển, và thấy, "Ồ! Giống y hệt như trong kinh điển." (Mọi người vỗ tay) Phần đông những chuyện Sư Phụ dạy quý vị, là từ bên trong. Như hôm nay Sư Phụ nói chuyện với quý vị về tình cảm của phái nam là lần đầu tiên, lần đầu tiên trên đời (mọi người vỗ tay), phải vậy không? (Mọi người đáp: Phải!) Sư Phụ cũng nghe lần đầu tiên. Sư Phụ chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề này, chưa bao giờ nói đến vấn đề này. Hôm nay vừa nghĩ vừa nói, đây là lần đầu tiên Sư Phụ nói đến.
Sư Phụ xưa nay chưa bao giờ nghe qua chuyện này, chỉ nghe nói phái nữ có nhiều tình cảm hơn, hôm nay cảm thấy không phải vậy!
Nhiều người nói rằng đàn ông không tốt! Sư Phụ không nghĩ như vậy. Bởi vì con người chúng ta không dễ thỏa mãn, tình cảm của chúng ta sâu đậm, đặc biệt là nam chúng! Làm sao có thể dễ dàng trao trọn cuộc đời cho một người. Khi mới quen một người, nam chúng để dành lại một phần tình cảm và chỉ thử trao một ít thôi (Sư Phụ cùng mọi người cười). Khi họ thấy không phải thì thu trở về, đợi đến khi gặp một người khác, xem thử có nên trao hết hoàn toàn không. Nhưng cũng khó tin tưởng ai được, một khi cảm thấy có chỗ nào không ưng ý lắm thì lại tiếp tục đi tìm một người khác nữa. Không phải tình cảm của quý vị thay đổi như chong chóng, mà vì chưa tìm được một người có thể tin tưởng hoàn toàn, để trao trọn tình cảm sâu xa, bền vững của mình cho người ấy, có phải như vậy không? (Mọi người đáp: Phải) (Mọi người vỗ tay)
Tìm một đối tượng lý tưởng đâu phải chuyện dễ dàng? Có khi xem bề ngoài rất thích hợp, nhưng khi nói chuyện một hồi thì thấy khác. Có khi nói với nhau rồi mà vẫn không thông cảm. Bởi vì chúng ta cũng khó diễn đạt được nội tâm của mình, nên đối tượng mới hiểu lầm.
Ví dụ như quý vị hỏi người yêu của mình: "Em có thích y phục màu đỏ không?" Cô ta trả lời cô ta không thích màu đỏ lắm, rồi quý vị thôi ngừng không nói nữa! Đúng ra quý vị phải nói tiếp rằng quý vị thích cô ta mặc y phục màu đỏ. (Sư Phụ cười, mọi người vỗ tay) Quý vị không nói ra, không nói cho rõ ràng, chỉ hỏi cô ta có thích y phục màu đỏ không. Dĩ nhiên khi cô ta nói không, quý vị nghĩ rằng cô ta không thích, quý vị cũng không ép, hai bên đều khách sáo với nhau. Vì một chuyện nhỏ rồi sinh ra không vui. Sau đó quý vị đi tìm một cô tiểu thư áo đỏ! (Mọi người cười) Thật dại dột! Chúng ta thích điều gì nên nói ra, người ta có tiếp nhận hay không, rồi tính sau. Sau này quý vị biết phải nói sao rồi chứ? (Mọi người đáp: Biết. Và vỗ tay)
Tuy nhiên, nếu gia đình bất hòa cũng là tại người đàn ông, bởi vì quý vị luôn dấu kín mọi chuyện trong lòng, không chịu nói ra, không cố gắng bảo vệ tình cảm và hôn nhân của quý vị. Quý vị nghĩ rằng hôn nhân tự nhiên sẽ trở nên tốt đẹp, bởi vì quý vị quá tự tin, nghĩ rằng quý vị yêu thương vợ mình là đủ rồi, và nghĩ rằng cô ta đương nhiên phải biết. Quý vị nghĩ như thế, làm sao cô ta biết?
Phái nữ tương đối thiếu cảm giác an toàn, quý vị không biết sao? Dù quý vị nhắc đi nhắc lại một trăm lần họ cũng không biết. Cho nên đôi khi bà vợ đối với quý vị không ngọt ngào, cũng do lỗi của quý vị. Quý vị không hiểu tâm lý phụ nữ, nên họ mới luôn cằn nhằn, tất cả chỉ vì muốn nghe quý vị nói quý vị thương họ, chỉ như vậy mà thôi, không còn nguyên nhân nào khác nữa! Nếu như quý vị có thể nói ra, họ sẽ yên tâm, quý vị không cần phải làm gì khác nữa.
Tại sao Sư Phụ lại nói đến chuyện hôn nhân và tình cảm cho quý vị nghe? Quý vị đừng nghĩ rằng Sư Phụ đã đi quá trách nhiệm của mình, không phải như thế! Nếu hôn nhân của quý vị không hạnh phúc, tình cảm không trọn vẹn, thì quý vị không có cách nào nhập định được! Ngồi ở đó mà lòng dạ tan nát, đau khổ, băn khoăn, chỉ nghĩ đến chuyện ấy thôi, niệm không nổi Phật Hiệu, nói chi đến chuyện nhập định! (Mọi người cười) (Mọi người nói: Phải!)
Lúc ấy bà xã còn quan trọng hơn Sư Phụ nữa (mọi người cười). Sư Phụ cũng không trách chi quý vị, đó là sự thật, lúc đó dù là Niết Bàn quý vị cũng liệng bỏ (mọi người cười). Quý vị có thể nói, "Ta không thích, ta không màng!" hoặc là "Ta không nghĩ tới, ta không muốn nữa!" Dù có muốn cũng không sao đạt được, vì trong lòng không được vui.
Những điều này Sư Phụ phải học, mới có thể dạy cho quý vị. Sư Phụ đã học xong, đây là những chuyện không tránh được, không ai kiểm soát được. Đương nhiên chúng ta càng tu hành sẽ càng tiến bộ, chúng ta sẽ lo liệu được chuyện tình cảm của mình. Nhưng còn có một số người vẫn buồn bã, vẫn đau khổ vì những chuyện tình cảm, cho nên Sư Phụ vẫn phải giảng về những điều gọi là thế tục để quý vị nghe, vì chuyện tu hành và chuyện thế tục không cách biệt nhau.
Không cần biết ai đem lại hạnh phúc, khi tâm hồn chúng ta vui vẻ, chúng ta ở Niết Bàn. Trong giây phút ấy, chúng ta sống trong Niết Bàn, sống trên thiên đường. Lúc vui vẻ, ai chúng ta cũng thương, người nào chúng ta cũng tha thứ, vật gì chúng ta cũng có thể cho. Nếu như lòng của chúng ta không vui, chúng ta không muốn làm gì cả, không muốn nhận một trách nhiệm nào cả. Cho dù có muốn cũng không cách nào làm được, không có linh cảm, chuyện gì cũng muốn quăng đi, cả thế giới cũng muốn quăng đi! Cho nên chúng ta mới có câu: "Phật Pháp bất ly thế gian pháp." Chỉ có thế thôi. Quý vị đã đích thân thể nghiệm rồi!
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks