Nếu Còn Có Ngày Mai
Phan Thị Thu Loan


Sáng hôm ấy tôi đi làm rất sớm. Đến trước lối rẽ sang khoa Ngoại, tôi dừng chân ngỡ ngàng. Vạt Violet trong vườn hoa bệnh viện vừa chớm nở. Những dảnh cây mảnh dẻ rập rờn theo gió xuân. Tôi vốn ưa màu tím. Nhất là màu tím ngát bâng khuâng này. Hít một hơi dài làn không khí trong trẻo, tôi cảm thấy thư thái lạ thường.
Bước vào phòng làm việc, tôi nhận tập hồ sơ bệnh án do kíp trực đêm bàn giao lại. Xem đến trang cuối, tôi bỗng chú ý đến một cái tên: “ Phạm Thị Bút, 45 tuổi”. Một ca ra máu bất thường. Đã được tạm thời cầm máu chống choáng, đợi hội chẩn trước khi phẫu thuật.
Gấp tập bệnh án lại, tôi vội vàng đi vào phòng bệnh. Trên chiếc giường sắt, một người đàn bà nằm tã tượi, mặt xanh rờn do mất nhiều máu. Tôi bước lại gần, chăm chú nhìn chị ta. Có phải đây là cô Bút, dạy trường Mầm Non thị xã hơn hai mươi năm trước đây không? Tôi sục sạo trên gương mặt ấy, cố tìm ra những nét quen thuộc. Người đàn bà nhướng đôi mắt mệt mỏi, tái dại nhìn tôi. Óc tôi như có luồng điện chạy nhoáng qua. Đúng rồi! Đây là cô Bút, cô giáo đầu tiên của đời tôi. Thoáng chốc, tôi thấy nỗi đau năm nào đã trôi rất xa, tưởng mãi mãi chìm vào quên lãng lại hiển hiện ngay trước mắt. Màu Violet tím ngăn ngắt trong nắng xuân đột nhiên biến mất. Ngôi trường cũ với những kỷ niệm kinh hoàng trong ký ức một đứa trẻ năm tuổi bỗng hiện về, rõ mồn một như thể tôi vừa mới ở đấy hôm qua.
Cô Bút không nhận ra tôi, một bác sĩ ngoại khoa chững chạc. Cô thều thào, môi trắng bợt run rẩy: “Bác sĩ ơi…cứu tôi với!”. Tôi cúi xuống vạch mắt, nắm cổ tay cô. Mạch đập rất yếu. Cởi cúc áo cô ra, tôi cầm ống nghe đặt vào bộ ngực nhẽo nhèo chảy xệ trên những dẻ xương sườn đang ngoi ngóp nâng lên hạ xuống. Nhịp tim đập loạn không đều, rất dễ xẩy ra biến chứng khi đang phẫu thuật. Tôi thở dài. Bệnh án ghi rõ cô bị đau bụng dưới, ra máu nhiều đã mấy tuần nay. Tôi hỏi cô có thai không? Cô nhìn những người thân đang túc trực xung quanh, phật ý lắc đầu: “Chồng tôi chết… đã mấy năm nay, làm sao… có thai được?”. Tôi như người đứng trước một bài toán khó giải. Hồi ấy chưa có kỹ thuật siêu âm và nội soi tử cung. Thầy thuốc chỉ chẩn bệnh trên những triệu chứng lâm sàng. Các cứ liệu cho thấy khả năng cô bị doạ sẩy thai, nhưng cô lại cương quyết phủ nhận. Hay là có một ổ viêm lớn trong dạ con, có khả năng đã gây ung thư? Trong khi chúng tôi hội chẩn, cô Bút vẫn tiếp tục băng huyết và yếu đi trông thấy.
Theo ý kiến các đồng nghiệp, tôi quyết định phẫu thuật cấp cứu. Nhưng ai là người trực tiếp cầm dao mổ? Mọi người tin cậy nhìn tôi, một nữ bác sĩ vốn mát tay trong những ca phẫu thuật phụ khoa. Nhưng tôi lắc đầu, nói mình rất mệt. Thật ra, tôi không thể cầm dao vì đang xúc động mạnh, có thể gây ra hậu quả khôn lường, nhất là khi người bệnh có nguy cơ truỵ tim ngay trên bàn mổ. Ca phẫu thuật phải dừng lại chờ ý kiến cha tôi, một phó tiến sĩ rất có uy tín, hiện là chủ nhiệm khoa Ngoại. Ông bỏ dở cuộc họp giao ban đầu tuần, vội vã xuống ngay phòng bệnh.
Tôi nhìn khuôn mặt bối rối kinh ngạc của cô Bút khi thấy cha tôi bước vào. Ông hỏi tôi về triệu chứng căn bệnh và các chẩn đoán ban đầu. Nghe thấy ông gọi tôi là con, cô Bút dường như sắp ngất. Cô đã nhận ra tôi. Co rúm người lại, cô van vỉ rất khổ sở: “Xin ông hãy cứu lấy tôi… Đừng để tôi phải chết… Tôi còn ba đứa con dại… Xin ông… làm ơn làm phúc!”. Chắc cô sợ tôi sẽ là người cầm dao mổ, chứ không phải cha tôi. Ông điềm tĩnh an ủi và hứa sẽ phẫu thuật cấp cứu cho cô. Tôi rất muốn ngăn cản quyết định này nhưng không tìm được lý do. Mười lăm phút sau, cô Bút được đưa sang phòng mổ. Còn tôi ngồi trong phòng chẩn bệnh, hai tay ôm mặt, thầm cầu nguyện cho cha tôi vượt qua được ca mổ báo hiệu nhiều nguy cơ rủi ro này.
Tim tôi hồi hộp đập trong suốt thời gian phẫu thuật, nhưng trí não lại không ngừng tái hiện những ngày thơ ấu ở lớp học của cô Bút. Ngày ấy mẹ tôi vừa qua đời, tôi tròn năm tuổi, được cha gửi vào trường mẫu giáo Mầm non của thị xã. Ngôi trường nội trú duy nhất dành cho con cái cán bộ Nhà nước lúc bấy giờ. Trước khi vào đấy, tôi vốn là đứa trẻ hiếu động. Cha đi làm cả ngày, bà nội tôi bị bệnh tim phải nằm một chỗ, tôi thường trốn nhà chạy nhong nhong theo lũ trẻ con hàng phố nghịch tinh như quỷ sứ. Chúng tôi băng qua đường cái quan, sang tận bến xe liên tỉnh, nhảy nhót nô đùa trên những thanh sắt ngăn hành khách khỏi chen hàng trước các ô bán vé. Có đứa từng trượt chân, ngã vêu đầu chảy máu. Nhưng chỉ vài ngày sau, vừa dứt cơn sợ, chúng tôi lại mò sang, tiếp tục cuộc chơi.
Một buổi trưa, tôi bắt gặp mấy đứa lớn xác trong bọn đang chạy vòng quanh chiếc ghế băng dành cho hành khách, miệng đồng thanh hò hét : “Đồ gái làm tiền! Chúng mày ơi! Lại đây mà xem gái làm tiền!”. Tôi tròn mắt nhìn tuy chẳng hiểu “gái làm tiền” là gì cả. Cô gái bị chúng nó xúm vào trêu chọc ngơ ngác nhìn quanh, mặt đỏ bừng, nhưng không hề phản ứng. Những người ngồi quanh đấy chõ mắt nhìn tận mặt cô ấy. Bọn kia được thể càng hét toáng lên. Đến khi cô tức chảy nước mắt, chúng vẫn chưa chịu thôi. Cuối cùng, một người đàn ông hầm hầm đứng dậy, quát to: “Này, lũ mất dạy kia. Cút hết không ông đá văng mặt ra bây giờ!”. Cả bọn nhìn cái mặt râu ria dữ dằn, sợ bạt vía, chạy một hơi về nhà.
Chiều hôm ấy, ăn cơm xong, tôi tò mò hỏi: “Cha ơi, gái làm tiền là gì hở cha?”. Cha trợn mắt nhìn tôi, gắt: “Con học đâu ra cái chữ ấy thế hả?”. Tôi sợ sệt, lí nhí đáp: “Con nghe mấy đứa ở bến xe nói thế.”. Cha tôi hừ một tiếng, không giải thích gì, đứng dậy bỏ đi. Tối hôm đó, cha bàn với bà nội gửi tôi vào trường mẫu giáo. Qua sáng thứ hai tôi đã phải xa nhà, vào học lớp nội trú Mầm non, đến cuối tuần mới được quay về.
Khỏi phải nói tôi buồn đến thế nào khi phải xa rời ngôi nhà và đám bạn. Nhưng khó khăn nhất là làm quen với các quy tắc ngặt nghèo ở trường. Tôi vốn ham chơi, ở nhà hầu như không khi nào biết ngủ trưa. Bởi thế giờ ngủ trưa đối với tôi là cả một cực hình. Tôi cố nằm im, nhắm chặt hai mắt, nhưng không thể nào thiếp đi được. Bên cạnh giường, cô Bút ngồi bất động, chăm chú quan sát tôi như mèo rình chuột. Mi mắt tôi luôn phản chủ, cứ hấp ha hấp háy. Không ngủ được, tôi cứ phải trở mình luôn. Tôi biết cô Bút bực tức lắm. Đầu giờ học buổi chiều, tôi khổ sở ngồi nhìn mồm bọn trẻ trong lớp, nước dãi cứ tứa ra. Chúng nó được phát mỗi đứa nửa quả chuối tiêu trứng cuốc. Còn tôi, vì không ngủ trưa nên bị phạt, không có phần. Tôi tủi thân vô cùng nhưng không dám mở miệng kêu khóc vì rất sợ ánh mắt hay lườm của cô Bút.
Cô ghét tôi vì tôi là đứa trẻ “cá biệt” trong lớp, nhưng lại rất chiều chuộng con Thư, đứa bé nhõng nhẽo hay hờn hay khóc nhất trong trường. Các cô giáo nói với nhau bố nó làm to lắm. Nó thường nắm mái tóc dài của tôi, giật mạnh làm tôi đau váng óc. Tôi vừa quay lại định quát nó thì bắt gặp cặp mắt gườm gườm và cái bĩu môi dài thượt của cô Bút. Cổ họng tôi tắc nghẹn vì tức tối. Mặc cho tôi khóc lóc, cô Bút dằn tôi ra ghế, cắt trụi lủi mớ tóc dài mượt của tôi. Con Thư đứng cạnh, thích chí vỗ tay cười. Tôi nhìn nó uất ức. Mới có tí tuổi đầu, tôi đã phải nếm trải lòng căm ghét với con bé tai quái ấy.
Hôm sau, tôi vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh thì gặp con Thư đi vào. Không hiểu sao, tôi thấy trào lên trong lòng nỗi tủi hận. Tôi với lấy cái then cài cửa xỏ ngay vào móc, nhốt nó lại. Rồi tôi bỏ đi, giả vờ chơi bập bênh. Một lát sau, tim tôi bỗng đập thình thình khi nghe tiếng con Thư khóc váng lên trong nhà xí. Nỗi tức giận lâu nay của tôi xẹp xuống như bong bóng xì hơi. Tôi chạy ra vườn, mở cửa cho nó. Con Thư nhào ra, xô tôi ngã lăn xuống mấy bậc thềm bẩn thỉu rồi chạy vào lớp tìm cô Bút, khóc lóc kể lể. Đầu tôi sưng lên mấy cục u đau điếng nhưng tôi biết tội mình, không dám hó hé gì. Cô Bút phạt tôi đứng vào góc nhà, không cho ăn cơm trưa, và dĩ nhiên không được ăn chuối vào đầu buổi chiều. Tôi vốn xấu nết ăn, không chịu được đói. Mắt tôi hoa lên, đầu váng vất. Trước kẻng ăn cơm chiều, tôi xót ruột đến mức suýt lả đi.
Đến thứ bẩy, tôi được bà nội đón về. Bà vừa ốm dậy mà phải đứng cả giờ để nghe cô Bút kể tội tôi. Bà buồn lắm, nước mắt vòng quanh. Tôi thương bà và thương thân quá đỗi. Về đến nhà, tôi khóc lóc thảm thiết, xin cha cho tôi được ở với bà, không đến trường nội trú nữa. Nhưng cha tôi lắc đầu bảo: “Con phải đi học để chừa bớt thói hư tật xấu. Cứ ở nhà đi theo lũ trẻ hàng xóm thì hỏng mất!”. Thế là sáng thứ hai tôi phải đến trường, gặp lại cô Bút. Người mà tôi biết đang ghét cay ghét đắng mình. Tôi luôn sống trong hồi hộp sợ hãi cho đến ngày xảy ra cái việc khiến tôi kinh hoàng cho đến tận hôm nay.
Buổi sáng ấy, tôi tỉnh giấc, theo cả lớp đi ra sân tập thể dục. Tôi vung tay vung chân theo đúng từng động tác của cô Bút. Đây là môn học tôi thích nhất trong ngày. Đang chạy nhảy nhịp nhàng thì bỗng tôi mất đà, ngã đánh oạch một cái. Tôi ngoảnh đầu, thấy con Thư vừa rụt chân lại. Cô Bút hét tôi đứng lên trước cả lớp rồi véo tai tôi xoắn thật mạnh. Tôi ưỡn người quằn quại, tay xoa tai lia lịa. Con Thư bật cười, còn tôi trào nước mắt. Cô Bút mặt mày sa sầm, mắng tôi là đồ phá đám. Bọn trẻ con lấm lét nhìn nhau nhưng không đứa nào dám cãi. Tôi quệt nước mắt, lòng buồn đau khôn tả. Tôi giận cha bắt tôi đi học, giận cô Bút luôn ghét bỏ tôi, giận con Thư tinh quái hay bắt nạt tôi. Tôi trừng mắt nhìn nó. Con Thư nhe răng cười chế nhạo, hàm răng sún phô ra trên khuôn mặt béo phì trông phát ghét.
Hết buổi tập, chúng tôi xếp hàng theo cô Bút về lớp. Ngang qua chiếc nồi vồm lớn đựng nước tiểu để tưới rau dưới chân cầu thang, cô Bút đứng sững lại. Cô quát: “Đứa nào ném vỡ cái nồi rồi?”. Tôi nhìn xuống. Cái nồi đất bị vỡ một mảng lớn. Nước tiểu tràn ra đất, khai mù. Giọng con Thư nhõng nhẽo cất lên: “Thưa cô! Bạn Lâm đấy ạ”. Tôi ngẩn người trước lời nói dối trắng trợn đó, mồm miệng há hốc ra. Cô Bút hỏi lại: “Thật không?”. Tôi chưa kịp thanh minh thì con Thư lại leo lẻo: “Thật ạ. Sáng nay em đi sau bạn ấy, em thấy ạ”. Cô Bút tím bầm mặt. Cô túm lấy tay tôi, lôi xềnh xệch ra cái chuồng gà to tổ chảng gần hàng rào. Cô nghiến răng, giật tung cánh cửa, ấn tôi vào trong ấy. Sau cái lần bị cô cắt tóc, tôi không bao giờ khóc to trước mặt cô Bút vì biết cô chẳng hề động lòng trước những giọt nước mắt của tôi. Nhưng bây giờ thì tôi không còn lì lợm được nữa. Tôi khóc lóc kêu gào. Giọng cô Bút hét lên át cả tiếng khóc của tôi : “Cứ gào nữa đi! Tối nay cáo về xé xác mày ra, đồ mất dạy!”. Nghe thế tôi sợ run cầm cập. Tôi lấy hết sức nắm lấy tấm cửa tre mà kéo mà giật. Tấm cửa đã bị cô gài chặt. Dằm tre đâm vào tay tôi rớm máu. Nhưng tôi không thấy đau, chỉ cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Tim tôi đập thình thịch như tiếng trống trường. Cô Bút đã dẫn lũ trẻ đi khuất, bỏ mặc tôi với nỗi hãi hùng. Trước mắt tôi, một màn đen ập đến, bao trùm lên tất cả. Tôi ngã ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Cha tôi lo lắng ngồi bên cạnh. Nhận ra cha, nước mắt tôi tuôn ra, nghẹn ngào tức tưởi. Tôi khóc trong im lặng. Không còn sức lực để kể cho cha nghe nỗi oan khuất của tôi. Hay tôi sợ cha buồn? Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được tại sao mình không kể cho cha nghe những ngày khổ ải ở ngôi trường ấy. Ngôi trường mà cha đã đặt hết niềm tin, rằng đó là nơi duy nhất dạy dỗ con gái nhỏ của cha nên người. Ngực tôi đau rát, quấn băng trắng xoá. Sau này tôi mới biết, khi ngã xuống, da thịt tôi đã bị cật tre cứa đứt. Tôi lớn lên, vết sẹo dài chạy ngang phía trên hai bầu vú làm tôi luôn mặc cảm, không bao giờ dám mặc áo cổ thuyền như các bạn cùng trang lứa. Đêm tân hôn, lần đầu tiên ngực tôi bị phơi ra trước mắt chồng, là lúc nỗi mặc cảm ấy trào dâng lên đỉnh điểm. Tôi khóc tấm tức, kể cho anh nghe về nỗi oan ngày bé. Anh thở dài, ôm tôi vào lòng. Với sự cảm thông của chồng, nỗi mặc cảm ấy dần dần phai nhạt. Nhưng nỗi đau sâu thẳm trong lòng thì vẫn không thể nào xoá hết.
Lần ấy, cha đã nghe lời cầu khẩn của tôi, không bắt tôi đến trường Mầm non nữa. Tôi được ở nhà với bà nội, cố gắng vâng lời, giúp bà mọi việc vặt trong nhà. Rồi tôi đi học cấp I. Thầy cô giáo của tôi đều là những người dịu dàng, dễ mến. Tôi luôn là học trò chăm chỉ và ngoan ngoãn. Có lẽ tôi đã quên hẳn cô Bút nếu như không có lần gặp lại cô ở bệnh viện của cha. Hôm ấy tôi đến chờ cha chở về sau giờ học. Vừa cầm cuốn sổ y bạ bước vào phòng khám, người đầu tiên cô Bút nhìn thấy là tôi. Cô lúng túng, ngập ngừng định quay ra cửa thì cha tôi gọi lại. Cô khổ sở ngồi xuống ghế, lấm lét nhìn tôi. Miệng cô nở một nụ cười gượng gạo khiến tôi vừa ghê tởm vừa thương hại. Môi tôi mấp máy, chỉ chực nói toạc ra tất cả, không hiểu sao lại nén được. Tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài. Khi cha tiễn cô đến cửa phòng, trông cô có vẻ yên tâm hơn. Nhưng vừa nhìn thấy tôi đang ngồi chờ trên ghế băng ngoài hành lang, nụ cười nịnh nọt thảm hại của cô lại làm tôi khiếp hãi. Nó thật trái ngược với sự ghét bỏ, độc đoán cô từng thể hiện trước đây. Bấy giờ tôi đã hiểu những gì cô đối xử với tôi thật bất công, đáng bị lên án nhưng tôi cũng đủ lớn để hiểu rằng không nên nói xấu người khác khi họ vắng mặt. Tôi tiếp tục im lặng, chưa bao giờ kể cho cha tôi nghe mọi sự thật về cô.
Theo nghề cha, tôi trở thành thầy thuốc. Hôm nay, gặp lại cô Bút trong hoàn cảnh trớ trêu này, tôi không đủ tự tin để cầm dao mổ. Tôi không thể chẩn đoán chính xác bệnh trạng của cô. Nếu không cứu được cô thì lương tâm tôi sẽ không bao giờ yên ổn. Nhưng đẩy cha tôi vào ca phẫu thuật khó khăn như vậy, liệu lương tâm tôi có yên ổn hay không?
Tôi không biết mình đã ngồi bất động như thế bao lâu, cho đến khi cô y tá ra ngoài lấy thêm máu. Qua lời cô, cha tôi đã mở tử cung tìm kiếm ổ viêm nhưng không thấy. Vết thương được đóng lại nhưng máu vẫn tiếp tục chảy. Bây giờ lại phải mở ổ bụng lần thứ hai. Thể trạng bệnh nhân đã xấu lắm, không biết có qua được hay không? Tôi điếng người. Đầu óc quay cuồng. Nếu cô Bút chết ngay trên bàn mổ, sự nghiệp của cha tôi nhất định bị ảnh hưởng rất nhiều! Tôi nghĩ đến thái độ ghen tỵ, bất phục tùng của phó chủ nhiệm khoa, con rể một vị lãnh đạo tỉnh nhà. Đang cay cú vì không đủ phiếu tín nhiệm để leo lên cái ghế chủ nhiệm, anh ta đang tìm mọi cách vô hiệu hoá, làm mất uy tín nghề nghiệp của cha tôi. Cái chết của cô Bút sẽ là một cớ rất hay. Thế mà tôi lại đứng ngoài cuộc, để mặc cha tôi lâm vào trận chiến lành ít dữ nhiều!
Tôi căng óc sục sạo tìm mọi nguyên nhân làm cho một người đàn bà không rong kinh, không viêm tử cung, không ung thư mà lại bị băng huyết. Và một tia chớp bỗng loé lên: Cô Bút đã nói dối! Khả năng dễ xảy ra nhất là cô có thai. Nhưng chửa ngoài dạ con! Có thể thụ thai trong ống dẫn trứng. Thai lớn lên và làm vỡ buồng trứng, gây chảy máu không ngừng. Vì cô khăng khăng phủ nhận mình có thai nên cha tôi chỉ chú mục vào khả năng tổn thương tử cung, không thể đoán ra sự thật.
Tôi cuống cuồng lao sang phòng tiền phẫu, rửa tay, đeo găng, mặc áo khoác vô trùng. Đẩy cửa phòng mổ ra, tôi thấy toàn kíp phẫu thuật đứng sững. Màn hình điện tâm đồ vạch một đường thẳng tắp, như mũi tên dài nhọn xuyên ngang ngực tôi. Vết sẹo do cật tre cứa đứt ngày nào bỗng nhiên đau nhói lên. Tôi vịn vào cánh cửa, hiểu rằng thế là hết! Cha cúi đầu đi lướt qua tôi, nét mặt đăm chiêu, buồn bã. Tôi thương cha vô cùng, và tự căm ghét mình không sao kiềm chế được.
Đúng như suy đoán của tôi, khi giải phẫu tử thi, mọi người đều thấy cái thai hơn hai tháng đã làm bục ống dẫn trứng và gây ra cái chết cho người bệnh. Nguyên nhân thật đơn giản, thế mà phó tiến sĩ, chủ nhiệm khoa Ngoại lại không phát hiện ra! Cha tôi không hề thanh minh điều gì, im lặng nghe mọi lời chỉ trích. Ông xin từ chức, trở lại làm một phẫu thuật viên bình thường. Phó chủ nhiệm được đề bạt thay thế cha, mặt dương dương tự đắc.
Còn tôi, với lương tâm không hề yên ổn, vẫn luôn day dứt khôn nguôi. Nếu thật sự tha thứ cho cô Bút, tôi đã có đủ tự tin để bình tĩnh cầm dao mổ cứu cô. Nếu thật sự có cái tâm trong sáng, tôi phải xoá đi những ẩn ức đau buồn, để nhìn cô Bút như mọi người bệnh khác.
Cho dù vì bất cứ lý do gì cô phải che giấu sự hiện diện của cái thai đang mang trong bụng, nếu đồng ý mổ cho cô, tôi đã có đủ thời gian để phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh. Thế mà lúc ấy tôi lại ngồi thừ ra, đau khổ nghiền ngẫm những gì xảy ra trong quá khứ, để tuột mất cơ hội quý báu có thể cứu sống một con người.
Tôi ứa nước mắt ân hận, khi nghĩ đến niềm tin yêu cha đã đặt vào tôi.
Chiều tối hôm ấy, tôi đang đứng bần thần bên vạt hoa Violet, chợt nhìn thấy một đám đông mặc áo xô, chít khăn trắng đi lướt qua, lặng lẽ tiến vào nhà tang lễ bệnh viện. Tôi nhận ra những người bà con của cô Bút. Phía sau họ, một cô bé khoảng mười lăm tuổi dắt hai đứa trẻ đi tới, nước mắt đầm đìa. Tôi nhận ra ngay ba đứa con cô Bút qua những khuôn mặt giống cô như tạc. Đứa bé nhất cũng trạc năm tuổi như tôi ngày ấy… Nó oằn người, nức nở gọi tên mẹ. Tiếng khóc ai oán của nó như mũi khoan thuốn sâu vào lòng tôi. Vội vã quay lại, tôi vụt chạy khỏi nơi ấy như một kẻ tội đồ.
Trong bóng tối sâu thẳm đang trùm xuống vườn hoa bệnh viện, tôi nức nở không thành tiếng. Chợt nhớ lại hôm mẹ mất, ban ngày tôi hồ hởi phân phát xôi từ mâm cỗ cúng cho lũ bạn, đêm đến, không thấy mẹ về ôm tôi như mọi ngày, tôi mới oà lên khóc trong nỗi tuyệt vọng vô bờ, khi hiểu rằng không bao giờ còn gặp lại mẹ nữa.
Cô Bút ơi! Nếu còn có ngày mai…


Phan Thị Thu Loan.