Thánh giáo Cao Đài đã viết : "Nguyên thỉ con người không tự có tôn giáo, vì tự trong sâu thẳm của con người đã có một nguồn sinh tồn vĩ đại bất biến về Đạo. Tôn giáo chỉ xuất hiện ngay nét mặt sẩm tối màu địa ngục của thế gian, do cuộc chuyển hướng quan trọng của loài người, ý niệm về tôn giáo của con người kết thành từ đó".


TÔN GIÁO VÀ CON NGƯỜI
Từ khi có loài người trên địa cầu, song song với nỗ lực bão tồn và phát triển cuộc sống, tư tưởng con người cũng phát sinh trong quá trình hình thành xã hội đồng thời tiếp cận và khám phá thiên nhiên.
Do đó mà loài người có triết học và có tôn giáo.
Các triết gia lớn đã nhiều lần làm thay đổi bộ mặt các quốc gia. Các bậc giáo tổ cũng đã lắm phen đổi thay quan niệm sống của nhân loại.
Nhưng trên đường tiến hóa những gì đánh dấu lịch sử loài người cũng để lại phía sau những niềm tin chất phác, những luận cứ mơ hồ, và giữ lại để chu toàn cho tương lai cái thiết thân, cái nhân bản.
Lịch sử tôn giáo chẳng qua là quá trình tìm kiếm và xây dựng nhân bản để làm nền tảng cho cuộc tiến hóa muôn đời của nhân loại. Đương nhiên trước khi đến đích, kẻ lữ hành này cũng đã lắm phen sa hầm sẩy hố. Và trong giai đoạn sau cùng, người giác ngộ phải giác ngộ hoàn toàn để chọn lọc hành trang cần thiết và tỉnh táo nhắm đúng chỗ đạt đạo.
Ngày nay, theo Cao Đài, chúng ta chính là con người của thời kỳ sau cùng đó. Thời kỳ Tam Kỳ Phổ Độ.
Vậy chúng ta hãy làm thử công việc của người giác ngộ nói trên để nhận định vai trò tôn giáo ngày xưa và xác định sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay.
I.- Nhận định mục tiêu của tôn giáo
Tôn giáo muốn trở nên đạo pháp đích thực, tôn giáo phải nhắm đúng mục tiêu của nó, nghĩa là Tôn giáo muốn có thực chất cải thiện con người, muốn đem lại những chuyển biến có tính chất tiến hóa cho con người. Tôn giáo phải hiểu biết con người, để phục vụ cứu cánh của nó. Để nắm được cứu cánh ấy chúng ta hãy tìm hiểu mục tiêu của tôn giáo từ thời kỳ sơ khai của con người đến hiện đại.


1.- Mục tiêu sơ khai :
Có thể nói con người sơ khai có tín ngưỡng chứ chưa có tôn giáo. Dần dần người sơ khai liên hệ các thần lực với đời sống của mình mới nảy sinh ra hiện tượng đa thần ....
Vậy nếu nói mục tiêu sơ khai của Tôn giáo thì thật ra chưa có mục tiêu gì cả mà chỉ có một đức tin.
Điều đó chứng tỏ ngay ở thời kỳ sơ khai con người đã có mầm móng của sinh hoạt tâm linh nhưng con người chưa quan tâm đến, chưa khai thác đến.
2.- Nhưng một khi sinh hoạt tâm linh được quan tâm đến thì tôn giáo xuất hiện với mọi hình thức tôn giáo thật sư.
Thánh giáo Cao Đài đã viết : "Nguyên thỉ con người không tự có tôn giáo, vì tự trong sâu thẳm của con người đã có một nguồn sinh tồn vĩ đại bất biến về Đạo. Tôn giáo chỉ xuất hiện ngay nét mặt sẩm tối màu địa ngục của thế gian, do cuộc chuyển hướng quan trọng của loài người, ý niệm về tôn giáo của con người kết thành từ đó".
3.- Mục tiêu con người toàn diện. Là tôn giáo phải làm sao giúp cho con người thực hiện được con người đúng nghĩa của mình. Con người đúng nghĩa như Nho giáo mô tả là:
"Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giả"
Người nhờ đức đất trời ban phú
Khí âm dương ngưng tụ thành hình
Quỉ thần giao hội chí linh
Ngũ hành tú khí kết tinh nhiệm mầu.
Con người toàn diện không thể tách rời thực thể siêu việt của nó, hay nói cách khác không thể thực hiện, không thể sống bằng con người toàn diện nếu không nối kết với thực thể siêu việt của mình. Thực thể ấy Lão Tử gọi là cái "vạn vật chi áo, thiện nhơn chi bảo, bất thiện nhơn chỉ sở bảo" (cái ẩn áo, sâu kín của muôn loài, cái quí giá của người lành, chỗ dựa nương của kẻ chẳng lành). Thực thể đó là Đạo.


II.- Tôn giáo và con người sống đạo
1.- Ky Tô giáo :
K. Jaspers nói : "Chúng ta là một hữu hướng về siêuviệt thể " và nhà Thần học Ky Tô Teillard de Chardin lại nói "Mỗi người phải tự tạo lấy chính linh hồn mình do theo những năm tháng ở trần gian. Ông lại nói tiếp:
"Thực vậy, đối với một thụ tạo, nên Thánh là gì nếu không phải là bám vào Thượng Đế hết lòng hết sức ? Và bám vào Thượng Đế hết lòng hết sức là gì nếu không phải là chu toàn trong vũ trụ cái phầnvụ rõ ràng, dù là tầm thường hay cao trọng, đã được dành riêng cho mỗi thụ tạo tùy theo sứ mệnh tự nhiên của mình ?" (CVTL tr.50-51-60)
2.- Nho giáo: Đó là tiến trình SINH THÀNH của đời người mà ở Đông Phương Nho Giáo cũng chủ trương thực hành một cách trọn vẹn. Có thể nói giai đoạn SINH là giai đoạn tu thân tế thế an bang của người quân tử, còn giai đoạn THÀNH là giai đoạn toàn diện siêu xuất quần sinh của bậc Thánh Nhơn.
Cuộc sống đạo của người quân tử bao gồm những đặc tính sau đây :
a.- Học hỏi tới nơi tới chốn và suy tư gắn bó với sự học sự hạnh đến kỳ cùng:
"Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức " (Người quân tử phải cố gắng không ngừng, y như Trời hoạt động không ngừng) [Đại tượng truyện, Quẻ Kiền]
b.- Người quân tử đem lại trật tự đẹp đẻ, lợi ích gần xa và hiệp hòa trên dưới.
Quân tử thể nhân, tác dĩ trưởng nhân [ Văn Ngôn Quẻ Kiền].


c.- Đạo đức của người quân tử :
“Ở thì ở vào chỗ quảng đại của thiên hạ, đứng thì đứng vào địa vị chánh đáng của thiên hạ, đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ, đắc chí thì cùng với nhân dân noi theo (Đạo Nghĩa), không đắc chí thì một mình thực hành Đạo Nghĩa. Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo nàn không thay đổi lòng, vũ lực không khắc phục được chí lớn. Như thế mới là trượng phu. ( Mạnh Tử, Đàng Văn Công, chương Cú Hạ câu 2).
3.- Như vậy đối với Bà La Môn giáo.
Thánh Sư An Độ, Đức Brahma Krishna nói rằng : “Đã may sinh ra làm người mà không thực hiện được Thượng Đế ngay trong kiếp này thì đời người quả là vô ích”.
Tóm lại:
· Người Bà La Môn sống giải thoát trong bổn phận theo thiên trách Dharma.
· Người Ky Tô sống mà dứt bỏ mình trong nỗ lực hành động cho mọi sự việc được nên Thánh.
· Người quân tử Nho gia sống để hoàn thiện mình cho tỏ cái “Minh Đức” và muôn người được thỏa sống nhờ phép “Tân Dân”.
Cả ba tôn giáo đều nhằm khai thác triệt để sức sống con người để phát huy đúng mức giá trị làm người vượt lên khỏi phạm trù “Nhân sinh” để tiến tới hòa hợp với “Vô biên “không còn có gì qui phạm nổi.
4.- Cho nên, nếu Phật giáo vốn đã “Diệt khổ”, “Diệt Ngã”, “Thành Phật”, thì cũng phải bắt đầu bằng con người và còn có thể nói kết thúc trong con người
Thiền sư Suzuki viết :
“Thiền tự yếu tính là một nghệ thuật nhìn vào bản tính của hiện hữu mình và nó chỉ con đường từ hệ lụy đến tự do. Ta có thể nói rằng Thiền giải phóng tất cả những tinh lực cố hữu, và tự nhiên, tàng trữ trong mỗi chúng ta, mà trong những hoàn cảnh, thường bị tù túng và bóp méo đến nỗi chúng không tìm được lối hoạt động thích đáng nào cả…” (Thiền và Phân tâm học)
5.- Lão Trang cũng quan niệm như thế, con người chính danh của Lão Trang là con người tự nhiên:
“Người đời sáng chói, riêng ta mịt mờ,
Người đời phân biện,riêng ta hỗn độn
Điềm tỉnh dường tối tăm
Vùn vụt dường không lặng,
Người đời đều có chỗ dùng, riêng ta ngu dốt thô lậu,
Ta riêng khác người đời,
Ta quí mẹ muôn loài”.
(Đạo Đức Kinh chương 20 -theo Nguyễn Duy Cần)
Trang Tử có viết trong Nam Hoa Kinh rằng : “Bậc chí nhơn dùng cái tâm mình như tấm gương, không đi theo, không từ bỏ, ứng mà không chấp chứa, vì vậy hay thắng được mọi vật mà không làm hại nó”. (Ứng Đế Vương)
Thiện “Đức Sung Phù” trong Nam Hoa Kinh viết :”Thánh Nhơn có cái hình của người mà không có cái tình của người. Không có cái tình của người nên thị phi mới không động được lòng. Cùng một dàn với người là việc nhỏ mà riêng cùng làm một việc với Trời là việc lớn vậy “ (Theo Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr.325)
Tất cả các tôn giáo kể trên lần lượt đã mô tả những đức tính của con người chính danh ở giữa cuộc diện nhân sinh. Cách trình bày có thể khác nhau nhưng tinh thần tựu trung là một. Đó là mẫu người lý tưởng bảo tồn được Thiên Tánh, phát huy được Thiên lý, an định được Nhân Tâm.


III.Tam kỳ phổ độ
+ Thánh giáo Cao Đài dạy : Sứ mạng của Đại Đạo “không phải chỉ giải quyết vấn đề tâm linh, chính là giải quyết toàn diện cá thể con người”.
+”Tôn giáo là chiếc hỏa xa, mà người hành đạo phải biết mình là người hành khách. Nếu chư hiền cho rằng mình là xe hỏa thì đầu thời gian cho đến cuối thời gian cũng chỉ đi lại trên con đường thiết lộ”.
+“Này chư hiền, Thượng Đế không ngự trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhơn loại; hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện Thánh Thể Chí Tôn tại thế. Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gấm chơn lý trong một chủ thể chủ quan mà thôi, chính vì vậy kiến tạo hình thể đạo có giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị”.,..
Đức Đạo Tổ dạy rằng : “Đại Đạo nhờ đó mà sứ mạng gieo truyền, nước lành chảy khắp, đuốc tuệ sáng soi, lòng từ tỉnh ngộ. Cái công trình vĩ đại này mà được thành tựu đều trông vào lòng giác ngộ giải thoát của Thiên ân; sứ mạng này còn khó khăn gấp mấy lần hồi Đạo khai Nhứt kỳ, nhị kỳ phổ độ. Cái mục đích lớn lao cùng tận trùm cả Âu, Á, Đất trời chung vạn pháp, giúp vạn giáo, hòa vạn loại, đâu phải nhỏ nhen trong phạm trù của tâm hay vật. Tôn giáo, triết học, khoa học chính trị, các khoa, các môn tổng hợp cách nào để đem lại tề nhứt cộng đồng thì mới mong thấy cuộc hòa bình thật sự một cách đại đồng. Các hiền cũng thấy sự khó khăn ở chỗ phát minh một triết thuyết, một chánh pháp. Tuy không toàn diện mà ai cũng thỏa thích, lấy làm chủ đích để mở mang, khai triển cho cái chính mình đương theo đuổi, đương phụng sự, dầu bất cứ tôn giáo nào, học thuyết nào, môn khoa nào, duy tâm, duy vật, hữu thần vô thần đều áp dụng được….
“….Riêng về Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã ban cho một bí quyết để hoàn thành sứ mạng …đổi loạn ra trị, hạ nguơn lập lại Thượng nguơn, tái tạo thế giới thành cảnh thanh bình, mà các hiền đã nghe biết”.
Cái bí quyết ấy rất thần diệu, là cái mà cả nhơn loại đang tìm kiếm thì Đức Chí Tôn đã khải thị từ hơn 80 năm nay, đó chính là sự tôn thờ Thiên Nhãn, tức là sự tôn thờ ánh sáng Bát Nhã tại tâm, là sự chứng thị Thượng Đế, là sự tìm thấy siêu việt thể nơi chính sự hiện hữu của mình.
“Một Trời một Đất một lòng tin,
Biết Đạo trước tiên biết được mình;
Mới biết sống đời là sống Đạo,
Đại thừa sứ mạng rất phân minh”.
Nói rõ hơn nữa, thời đại Tam Kỳ Phổ Độ là giai đoạn chín muồi của lịch sử tôn giáo. Tôn giáo muốn thành khẩn thực hiện được sứ mạng mà mình tự nhận lãnh trước nhân sanh, giữa Đất Trời, tôn giáo phải tự lột xác để hội nhập vào Đại Đạo ( Đại Đạo chứ không phải là tôn giáo Cao Đài)
Muốn cho thiên hạ đại đồng
Trường giang vạn phái xuôi dòng về nguyên.
Và nhân danh Đại Đạo, sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ đã là sứ mạng toàn cầu nhằm làm cho toàn nhân loại:
+ Nhận thức đúng , đủ, quí trọng giá trị làm người của mình và đồng loại trên đường tiến hóa.
+ Mở rộng trái tim – mở rộng khối óc để nới rộng vòng tay thành vòng đại đồng thế giới.
+ Vận dụng cao nhất năng lực tiểu vũ trụ của mình bằng cách hợp nhất cuộc sống đời và sống đạo .
Được như vậy chính là thực hiện được Con Người vĩ đại như Đại sư Suzuki (Nhật) đã trực nhận rằng :
“Ta dám cả quyết rằng sống trong vũ trụ, ta lớn hơn vũ trụ. Ta lớn không phải bằng khối lượng trong không gian, mà bằng tâm… Thế giới lớn là do ta lớn, và tất cả đều lớn theo tầm lớn của con người chúng ta. Mà chúng ta chỉ lớn khi thành tựu được ý thức tâm linh về chúng ta, và muôn vật quanh ta. Chỉ bằng sự tự kỉ ý thức ấy ta mới viên thành đạo giải thoát “ (Cốt tuỷ Đạo Phật – Suzuki – Trúc Thiền dịch – tr.66)

Đó cũng là lời Đại sư Suzuki diễn giải cảm thán của Đức Phật khi đưa tay chỉ Trời chỉ Đất nói rằng : “Trên Trời dưới đất chỉ mình ta là tôn quý”.
Rằng ta là một cái ta chung,
Lớn rộng bao la ở khắp cùng;
Ta chẳng có ta mà vẫn có,
Có ta, ta cũng chỉ tâm trung.

***
© Thiện Chí