-
Trở Về Thời Đại Hoàng Kim (Phần 2)
Trở Về Thời Đại Hoàng Kim (Phần 2)
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Tân Gia Ba . Ngày 9 tháng 3 năm 1993
(Nguyên văn bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Anh)
Tại Sao Nghệ Sĩ Thích Ngủ ?
Phần Vấn Đáp Tiếng Trung Hoa Linh Hồn Không Đến Cũng Không Đi
Vấn: Sư Phụ, linh hồn của chúng ta đi ra từ mắt huệ hay từ huyệt bách hội ở đỉnh đầu?
Đáp: Không từ đâu hết, linh hồn chúng ta không nên ra từ đâu cả. Bởi vì chúng ta chưa biết giải thoát hoặc tự do là gì, cho nên chúng ta mới tạm nói là linh hồn ra từ chỗ này hay chỗ nọ, từ tim hay từ những bộ phận thấp hơn. Đó chỉ để cho những người tầm thường. Linh hồn của một người tu hành cao đẳng thì hoàn toàn tự tại, không bị thân thể ràng buộc, khi họ vừa ngồi xuống, linh hồn của họ nhận được tự do; cho dù họ có ngồi hay không, linh hồn của họ cũng vẫn được tự do. Họ có thể sống tại thế giới này và cùng lúc có thể liên lạc với thiên đàng.
Vấn: Trong khi thiền, có mở mắt huệ được hay không?
Đáp: Phải mở mắt trí huệ trước rồi mới thiền, nếu không làm sao quí vị biết đi ngõ nào?
Vấn: Nếu nói rằng người tốt gặp quả báo tốt, tại sao nhiều người tốt chết sớm, còn người xấu lại không chết sớm hơn?
Đáp: Thế giới này phần đông đều là người xấu, chẳng lẽ chúng ta cầu cho mọi người đều chết sớm hay sao? Nếu có người nào sống lâu, không quan hệ chi, chúng ta nên mừng cho họ. Tốt hay xấu, Thượng Đế sẽ biết, Phật sẽ biết, chúng ta khó mà phán xét rõ ràng. Sư Phụ đã nói với quí vị là thành kiến của chúng ta không phải luôn luôn đúng, những người gọi là xấu có thể muốn có lại những gì họ đã bị mất trong tiền kiếp, nhưng vì chúng ta không thấy rõ nên mới trách cứ họ. Ngoài ra người gọi là tốt ấy, biết đâu là họ đã nợ người khác trong kiếp trước, bây giờ phải trả nợ. Không trả không được. Vì vậy Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng:"Bố thí mà không bố thí mới thật sự là bố thí". Nếu chúng ta không chắc là mình tốt hay xấu, thì nên làm việc thiện càng nhiều càng tốt, tha thứ cho những người xấu, khuyến khích họ thay đổi, nếu họ có thể sống lâu, cũng hãy gởi những lời chúc lành cho họ, đừng có cầu cho họ chết sớm!(mọi người cười)
Vấn: Sư Phụ, có phải là pháp môn Quán Âm Ngài dạy là để chúng ta thành những người cao quí và có phẩm cách tốt?
Đáp: Quí vị đã là những người cao quí và có phẩm cách tốt rồi. Sư Phụ chỉ giúp quí vị nhận thấy sự cao quí vĩ đại bên trong, trí huệ siêu việt vô sở bất tại của quý vị mà thôi. Điều này không liên quan đến cách làm người của quí vị, nhưng liên quan đến trí huệ bên trong để trí huệ bên trong gần phẩm chất của Phật Bồ Tát hơn.
Vấn: Khi chúng ta học thiền, chúng ta có nên chú tâm vào luân xa ở nơi trái tim? ở đây?
Đáp: Không! Sư Phụ không nghĩ vậy, trái tim chỉ giúp máu lưu thông đi toàn thân thôi, đó là công việc duy nhất của nó. Trí huệ, sự thông minh của chúng ta hoặc bất cứ sự thành công nào đều được hoàn thành qua đầu óc. Vậy tốt hơn là tập trung ở bên trên đầu óc, có vẻ hợp lý hơn. Nếu quí vị chú tâm vào trung tâm trái tim, có thể nó gây ra sự cản trở lưu thông (mọi người cười), cản trở sự tuần hoàn của máu, phải không? Vậy tốt hơn đừng làm.
Vấn: Sự ăn chay ở Singapore rất phổ thông, nhưng những người già không hoàn toàn chấp nhận được, bởi vì phần đông họ đều theo đạo Lão, giết rất nhiều gà vịt và heo trong những buổi cúng tế. Họ đã lớn lên trong hoàn cảnh này, không thể thuyết phục họ ăn chay ngay được, phải làm sao?
Đáp: Vậy cứ để tự nhiên. Ai muốn ăn chay thì ăn, nếu không cũng không sao. Quí vị có thể đề nghị họ bớt sát sinh đi và ăn chay thường xuyên hơn khi thuận tiện, như vậy ít nhất cũng có lợi cho sức khoẻ của họ. Sát sinh sẽ tạo nên nghiệp chướng, sẽ mang lại nhân quả làm cho đời sống bị giảm thọ. Đây là nói theo kinh điển, đừng trách Sư Phụ chuyện này! (mọi người cười)
Vấn: Sư Phụ, thế giới giống như thế nào trước khi có con người?
Đáp: Lúc đó tất cả chúng ta đâu có ở đó, tại sao lại hỏi Sư Phụ?(mọi người cười) Làm sao Sư Phụ biết được? Tốt hơn là chú tâm vào việc hiện tại, còn chuyện kia đã xảy ra lâu lắm rồi, đâu có ai còn nhớ nữa.
Vấn: Làm thế nào để diệt trừ nghiệp chướng nhanh chóng?
Đáp: Thực hành pháp môn Quán Âm, thọ Tâm Ấn. Sau khi Tâm Ấn quí vị sẽ hiểu từ từ. Có thể quí vị hiểu ngay hoặc sẽ mất một thời gian, điều này tùy theo sự phát triển của trí huệ bên trong. Quí vị sẽ hiểu rằng nghiệp chướng vốn là không, rồi quí vị sẽ tự tha thứ mình. Thêm vào đó, quí vị sẽ không tiếp tục tạo nghiệp chướng trong tương lai. Cho nên chúng ta không phải luân hồi trở lại. Đó là cách nhanh nhất mà Sư Phụ biết. Nếu quí vị biết cách nào nhanh hơn, xin báo cho Sư Phụ.
Vấn: Sư Phụ, pháp môn Quán Âm thuộc về tôn giáo nào và khác các tôn giáo khác ra sao?
Đáp: Sư Phụ đã nói rằng tất cả các tôn giáo đều như nhau, đều nói về lực lượng tối cao bên trong, phẩm chất cao quí, bác ái nhất. Do đó nó bao gồm tất cả mọi tôn giáo, Sư Phụ không có dạy quí vị chống báng các tôn giáo khác. Một người bình thường còn không nên làm điều này, huống chi một người tu hành, phải không?
Vấn: Khi một người qua đời, gia đình họ có thể tìm một người biết cầu hồn để kêu linh hồn họ về nói chuyện, có chuyện như thế không?
Đáp: Sư Phụ chưa chết mà sao quí vị cứ hỏi Sư Phụ về cái chết (mọi người cười). Sư Phụ dạy quí vị làm thế nào sống tốt đẹp, nhưng quí vị lại thích đề tài chết hơn, ái chà! Cho dù nếu chúng ta có thể kêu hồn người chết về nói chuyện, nhưng đó có phải làm phiền họ quá không?(mọi người cười) Đối với họ, họ đã làm xong phận sự và công việc ở thế giới này rồi và cuối cùng đã nghỉ ngơi. Tại sao cứ làm phiền họ mãi? Tốt hơn là chúng ta trước khi chết, hãy vượt qua vòng sinh tử. Ngoài việc hiểu biết về sinh tử, chúng ta còn có thể dẫn dắt người khác giải thoát. Đối với những người đã chết, chúng ta không thể giúp họ. Tốt nhất là chúng ta hãy lập tức khai ngộ và rồi sau đó chúng ta có thể hiểu rõ. Còn không hỏi tới hỏi lui, Sư Phụ cũng không có chứng cớ gì để nói rằng điều đó có đúng hay không. Đôi khi chúng ta không biết có phải là người chết ấy trở lại hay chúng ta bị những người sống khác lừa gạt (Sư Phụ và mọi người cười). Nếu Sư Phụ nói sự thật e rằng sẽ làm mất công ăn việc làm của họ.
Nghiệp Chướng Từ Vô Minh Mà Ra
Vấn: Sư Phụ, khi một người tuyệt vọng và đau khổ, làm sao có thể tự cứu mình?
Đáp: Có rất nhiều cách giải quyết. Đầu tiên, cầu nguyện lực lượng cao thượng nhất bên trong giúp đỡ; thứ hai, xem xét hoàn cảnh rõ ràng coi tại sao chúng ta tuyệt vọng như vậy, có phải thật sự là tuyệt vọng không? Bởi vì đôi khi chúng ta quá lo lắng và phán đoán quá hấp tấp, không phán đoán rõ ràng! Thật ra vẫn còn nhiều phương cách giải quyết. Đôi khi những thành kiến và thói quen có thể lừa gạt chúng ta, vì chúng ta đã học những điều khác nhau từ kiếp này qua kiếp khác. Đầu óc chúng ta làm việc như cái máy điện toán ghi nhận mọi tin tức. Khi những trường hợp tương tự xảy ra, nó chỉ đưa ra những phản ứng tương tự, thực ra những điều tương tự không được hoàn mỹ. Chúng có nhiều thiếu sót. Cho nên chúng ta bình tĩnh lại trước và cầu nguyện sự giúp đỡ từ bên trong.
Nếu chúng ta tin Phật thì cầu Phật, cầu Quán Âm Bồ Tát giúp đỡ; nếu chúng ta tin Giê Su Ki Tô thì cầu Ngài giúp đỡ; tin Allah thì cầu Allah giúp đỡ; tin Brahma thì cầu Brahma giúp đỡ. Cầu nguyện một cách thành tâm như là kêu cứu khi quí vị đang bị chết đuối. Chỉ qua sự thành tâm như vậy chúng ta mới có thể tìm được lực lượng cứu rỗi bên trong, lực lượng cao quí nhất. Chúng ta bình tĩnh lại, ngồi yên tĩnh một thời gian, xem xét vấn đề coi có thật là vô phương cứu chữa hay không. Bỏ thì giờ để nghiên cứu. Đôi khi ngày mai hoàn cảnh sẽ thay đổi, hoặc chỉ sau một tiếng là có tin tốt và vấn đề được giải quyết một cách tự nhiên. Vậy cách tốt nhất là bình tĩnh lại và cầu nguyện; rồi sự việc sẽ được giải quyết. Những người tu pháp Quán Âm họ biết phải làm sao, họ thẩy mọi vấn đề của họ cho Sư Phụ! (mọi người vỗ tay)
Vấn: Thưa Vô Thượng Sư, khi chúng con nhìn hình của Ngài, tâm chúng con rất bình an, và con tự nhiên chắp tay để tỏ lòng kính trọng Ngài khi thấy Ngài bước vào hội trường, như vậy là tại sao?
Đáp: Sư Phụ cũng không biết! (Sư Phụ cười) Nếu bất cứ người nào được lợi ích từ Sư Phụ về bất cứ phương diện nào, đó là bởi vì Thượng Đế cho quí vị và Phật yêu mến quí vị, không cần phải hỏi Sư Phụ tại sao. Sư Phụ không có liên quan nhiều đến những việc này. Sư Phụ không biết gì cả.
Vấn: Tu hành là gì và tu như thế nào?
Đáp: Thọ Tâm Ấn, và quí vị sẽ được chỉ dạy làm sao để tu.
Vấn: Có phải một người chỉ cần có từ tâm là đủ rồi hay không? Tại sao cần phải thọ Tâm Ấn?
Đáp: Đủ rồi thì cũng tốt. Sư Phụ không có ép buộc điều gì. Sư Phụ chỉ e rằng như vậy chưa đủ. Đôi khi chúng ta nghĩ như vậy là đủ, nhưng lại không đủ. Làm sao chúng ta biết là đủ hay không? Trên thế giới có quá nhiều người đau khổ, chúng ta có thể giúp được hết hay không? Nền chánh trị thế giới rất bất ổn, chúng ta có thể làm nó ổn định hoàn toàn hay không? Rất nhiều việc trong vũ trụ chúng ta còn mù mờ. Chúng ta đã hiểu được tất cả chưa? Quí vị có nghĩ rằng quí vị đã có đủ không? Nếu quí vị nói có, Sư Phụ không có gì để nói nữa, Sư Phụ sẽ bái quí vị làm thầy.
Vấn: Thưa Vô Thượng Sư, một người khai ngộ có đầu thai trở lại trong kiếp sau hay không?
Đáp: Điều này tùy theo họ khai ngộ bao nhiêu và lực lượng của thầy họ. Nếu người thầy đủ lực lượng để kéo họ lên và từ từ dạy họ ở cảnh giới cao. Nếu người thầy không đủ lực lượng thì cả thầy và trò đều phải luân hồi trở lại.
Vấn: Có phải sự đau khổ chúng ta chịu đựng ở kiếp này là hình phạt của những lỗi lầm chúng ta làm trong kiếp trước?
Đáp: Theo những lời giải thích trong kinh điển Phật giáo, Ấn Độ hay những tôn giáo khác thì như vậy. Nhưng theo chỗ Sư Phụ biết lỗi lầm lớn nhất của chúng ta là vô minh. Nếu chúng ta khai ngộ, chúng ta có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì và sẽ không còn nghiệp chướng. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nghiệp chướng vốn là không. Vũ trụ chỉ là ảo tưởng, chỉ là giấc mơ. Do đó bất cứ trở ngại nào, cái gọi là nghiệp chướng là từ sự vô minh của chúng ta. Khi chúng ta đã nhận thức điều này cả vũ trụ là của chúng ta, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, làm sao còn đau khổ, chịu đựng gì nữa? Cho dù chúng ta còn đau khổ, chúng ta biết nó chỉ là màn kịch thôi. Chúng ta không đau khổ sâu xa như trước, trong sự vô minh với nhiều ràng buộc.
Vấn: Vì kế sinh nhai, con phải giết chúng sinh mỗi ngày. Dù là trong tâm con không thể chịu được, nhưng con không tìm được công việc khác. Sư Phụ, làm sao con có thể giữ tâm yên ổn?
Đáp: Vì sự sống, chúng ta làm rất nhiều việc và đôi khi cảm thấy khó chịu trong tâm. Nếu quí vị thấy khó chịu, quí vị có thể từ từ tìm một công việc khác. Trước khi tìm ra việc, quí vị cố gắng giữ tâm yên ổn. Cố gắng hài lòng với công việc. Có thể quí vị nên làm việc này một thời gian, không nên tự trách mình quá nặng nề. Nếu quí vị sát sinh chỉ vì sự sinh tồn, bất đắc dĩ mà làm, Phật Bồ tát không trách cứ quí vị điều này. Chẳng qua là lương tâm của quí vị cảm thấy không yên ổn, vậy bỏ thì giờ tìm một công việc khác, được không! Trước khi tìm được việc khác, đừng tự trách mình quá đáng. Làm vậy chỉ khiến quí vị đau khổ thêm chứ không cải thiện được hoàn cảnh.
Phần Vấn Đáp Tiếng Anh
Vấn: Tại sao chúng tôi phải thọ Tâm Ấn mới được khai ngộ?
Đáp: Tại quý vị không biết cách tự khai ngộ cho chính mình. Nếu không quý vị cứ tự nhiên không cần Tâm Ấn. Nếu quý vị đã tự biết cách khai ngộ, xin miễn tới đây. Sư Phụ sẽ bớt gánh nặng hơn.
Hạnh Phúc Gia Đình Nằm Trong Tay Chúng Ta
Vấn: Với một người chồng không chung thủy, có nên được cư xử bằng tình thương, sự khoan dung và hiểu biết không? Người chồng thiếu chung thủy nên được đối xử bằng tình thương không?
Đáp: Đương nhiên, ông ấy thiếu tình thương. Vì vậy ông ta không chung thủy. Hãy nên tha thứ cho ông ấy và chăm sóc diện mạo của quý vị hơn. Thương ông ấy hơn và thực lòng hơn. Hãy xem lại công việc gia đình có gì cần phải sửa đổi không, ngoài việc chăm sóc dung nhan của mình. Sư Phụ có nói với quý vị rồi, trang điểm vào lúc chiều tối thôi, và mặc đẹp cho riêng ông ấy thôi. Dù rằng cả thế giới đều yêu cô, nhưng cô chỉ thương một mình chồng cô thôi. Và nếu ông ta là người không thương cô, thì cô sẽ gặp phiền phức, đau khổ. Cho nên phải chăm sóc ông ta và thương yêu ông ta nhiều hơn nữa. Cho ông ấy những gì tốt nhất và hãy làm tất cả vì ông ấy; hãy xem, nếu mình nấu ăn hãy còn tệ như năm vừa qua, thì phải sửa đổi. Quần áo có lôi thôi không, hãy cải tiến y phục. Và chăm sóc con cái cho tươm tất, tắm rửa sạch sẽ, thơm tho và chính cô cũng vậy. Mua một ít dầu thơm mới, trang sức mới, y phục mới và chăm sóc nhà cửa nữa.
Vấn: Là một người tu hành, tôi có thể đi nhảy đầm và nghe loại âm nhạc kích động không?
Đáp: Được, quý vị làm được, nhưng ngoài ra, quý vị còn phải thiền nữa. Nếu quý vị thiền hai tiếng rưỡi và rồi làm những việc khác, Sư Phụ không cấm đoán. Nhưng thiền một thời gian rồi, quý vị sẽ không còn thích nghe loại nhạc nầy nữa. Tại vì quý vị đã có âm nhạc bên trong, quyến rũ hơn, thanh thoát hơn, tươi mát hơn và làm cho người có tinh thần hơn.
Lúc còn trẻ, lúc nào Sư Phụ cũng thích ca hát và cũng rất thích âm nhạc. Sư Phụ cũng thích đi khiêu vũ với chồng của Sư Phụ nữa. Nhưng bây giờ mười năm Sư Phụ mới khiêu vũ có một lần. Vả lại Sư Phụ chỉ nhảy tại nơi Sư Phụ ở. Bất luận Sư Phụ đi tới đâu, cũng đều không có casstte, máy truyền hình, không âm nhạc hoặc bất cứ gì. Không phải Sư Phụ ghét những thứ đó, chỉ tại Sư Phụ không cảm thấy cần thiết. Không phải Sư Phụ rời bỏ những thứ nầy mà là chúng nó bỏ Sư Phụ. Những thứ đó từ bỏ Sư Phụ tại vì chúng cảm thấy Sư Phụ chán quá. Sư Phụ không thích hợp với âm nhạc của thế giới này nữa. Vì vậy, hãy làm những gì quý vị thích cho tới khi hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng phải ngồi thiền! Và phải giữ giới luật thì mới tiến bộ nhanh chóng.
Vấn: Tôi luôn luôn hành thiền về sự tĩnh lặng và hư không, để câu thông với chân ngã bên trong tôi. Có một ngày tôi bị quấy nhiễu bởi một vong linh. Một lần tôi chứng kiến vong linh này phá gối thiền của tôi, tôi không dám ngồi thiền một mình nữa. Làm sao tôi có thể bảo vệ chính mình?
Đáp: Ồ! Vậy thì để nó ngồi đó và ông tìm một cái gối khác. (Mọi người cười) Có vấn đề gì đâu? (Mọi người cười) Cái gối thiền đó có mắc tiền lắm không? Ông không thể bố thí cho vong linh đó sao? Có lẽ tại vì nó thấy ông ngồi thiền hay quá, nên cũng muốn học. Ông nên dạy cho nó và trở thành thầy của nó.
Đúng vậy, vấn đề là ở đây, khi tự thiền một thời gian mà không có Minh Sư chỉ dạy, tự học lấy, hoặc là học với vị thầy không cao lắm, thì sẽ gặp những vấn đề này. Vì vậy hãy cố tìm một pháp thiền khác hay hãy thử pháp môn Quán Âm được không? Rồi chúng ta có thể hòa hợp với những linh hồn đó, và bất cứ mọi việc. Không còn sợ hãi nữa. Chúng ta sẽ không sợ sệt bất cứ chúng sanh nào cả. Nếu họ đến, họ sẽ đến với tình thương và rất nhu hòa.
Vấn: Thưa Sư Phụ, làm sao tôi có thể nhớ lại tiền kiếp của tôi để tôi có thể lấy lại những kiến thức mà tôi đã học?
Đáp: Không cần. Đời này đủ để cho mình học rồi, vì ngay đời nầy, chúng ta học còn chưa hết, mà đời trước thì đã qua rồi. Thượng Đế đã kéo màn ngăn giữa quá khứ và hiện tại, vì sự lợi ích cho chúng ta. Cho nên không cần phải tìm về quá khứ. Vì nếu chúng ta biết nhiều việc trong quá khứ, mà không có đủ sức chịu đựng và phát triển nó theo sự tương quan với hiện tại, thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do mà đôi khi người ta ở trong trạng thái tâm thức bị ma nhập. Hoặc là biết nhiều quá về quá khứ, họ sẽ rất đau khổ với cuộc sống hiện tại. Giả sử quý vị biết rằng trong quá khứ, quý vị là hoàng đế của một quốc gia nào đó, và bây giờ quý vị là tài xế Taxi, quý vị có thích không?(mọi người cười) Hoặc giả sử quý vị biết rằng trong quá khứ, quý vị và vợ của quý vị đã có những món nợ máu với nhau; bây giờ mỗi lần thấy vợ mình, quý vị có sợ không? Biết bà ta đã giết quý vị trong tiền kiếp, liệu bây giờ quý vị có thể thương yêu bà ta được không? Phải! Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hòa thuận trong gia đình quý vị rất nhiều, quan hệ tình cảm của quý vị, cũng như hạnh phúc của quý vị.
Vì vậy cho nên chúng ta không cần biết quá khứ. Chúng ta hãy chăm sóc cho hiện tại, thì tương lai sẽ tốt đẹp. Hãy thiền quán về chân ngã bên trong của mình hay chọn bất cứ phương pháp nào quý vị thích. Nhưng Sư Phụ chỉ giới thiệu pháp môn Quán Âm mà thôi. Sư Phụ nhận thấy rằng sau khi nghiên cứu nhiều phương pháp, thì pháp nầy tốt nhất, cao nhất, nhanh nhất, an toàn nhất. Vì vậy Sư Phụ xin cống hiến cho quý vị, trong trường hợp quý vị muốn thâu đạt thêm kiến thức cho hiện tại và cho tương lai; còn quá khứ đã được an bài rồi. Quá khứ đã qua rồi, chúng ta có thể quên nó đi.
Vấn: Chồng của tôi là người không ăn chay, tôi có thể thọ Tâm Ấn hay tôi nên ly dị ông ấy? (mọi người cười)
Đáp: Không! Tại sao? Mỗi người có quan niệm về cách sống của mình. Sư Phụ chỉ đề nghị nên ăn chay trường và sống cuộc đời thánh thiện thôi. Nhưng nếu chồng hay vợ quý vị không muốn thì đừng ép buộc họ. Quý vị có thể giải thích với họ khi có thời giờ, hoặc trình bày cho họ biết và để họ chọn lựa. Nhưng nếu họ không chọn ăn chay, cũng không sao. Quý vị có thể nấu ăn cho ông ấy bằng sự thương yêu, và hy vọng Thượng Đế sẽ gia trì cho ông ấy, một ngày nào đó, ông ấy sẽ bước chung đường với quý vị. Như thế sẽ tốt đẹp hơn cho cả hai người. Họ và chúng ta có những quan hệ khác nhau, chúng ta không nên ép buộc họ, hay chúng ta không nên ly dị chồng hay vợ của mình, chỉ vì người ấy khác với chúng ta.
Vấn: Xin Ngài hãy diễn tả Thiên Đường giống như thế nào?
Đáp: Đã có rất nhiều sự diễn tả về Thiên Đường rồi, như trong Thánh kinh, kinh điển Ấn Độ giáo, kinh Phật và trong kinh Koran; và nhiều kinh điển. Xin vui lòng tham khảo những kinh điển đó. Họ có tài nghệ văn chương hay hơn Sư Phụ nhiều. Sư Phụ chỉ có thể đích thân thể nghiệm được thôi, còn về việc mô tả Thiên Đường thì Sư Phụ không có cách nào. Thiên đường thật tuyệt đẹp, Sư Phụ nói ra không hết. Sư Phụ sợ nói ra sẽ làm giảm giá trị của nó mà thôi. Cũng giống như một người đẹp, khi quý vị nhìn thấy, trở nên nghẹn lời. Và khi mà bạn của quý vị hỏi:"Cô ta hình dáng ra sao"? Và rồi quí vị nói: Ồ! mũi của nàng rất cao, và mắt nàng rất to, môi của nàng rất hồng. Chỉ được vậy thôi. Và khi người bạn nầy ra ngoài và thấy một người con gái khác. Ông ta nói cô con gái nầy trông mũi cao, môi đỏ đỏ và mắt to. Như thế có đủ để diễn đạt vẻ đẹp của phụ nữ đó không? Không đủ. Tại vì sự tưởng tượng của người bạn đó khác hẳn với sự thực. Rồi có lẽ ông ta sẽ hiểu lầm về vẻ đẹp của người phụ nữ đó. Đó là việc khó khăn. Cũng như quý vị có thể diễn tả tình yêu giữa một người nam và một người nữ không? Hay tình mẹ và con? Không, rất khó. Cho nên tốt nhất là Sư Phụ nên giữ im lặng. Nhưng Sư Phụ mời quý vị hãy tự đi tìm và học hỏi để biết Thiên Đường bằng ý chí và sự thành tâm của mình. Mọi người có thể làm được, không cần hỏi Sư Phụ. Xài vật gì cũ qua hai ba tay không tốt. Quý vị là công dân hạng nhất, quý vị phải biết mọi việc tận nguồn gốc.
Thương Yêu Người Nhà Một Cách Vô Điều Kiện
Vấn: Xin Ngài hãy cho chúng con biết làm thế nào để trưởng dưỡng tình thương yêu vô điều kiện đối với gia đình?
Đáp: Thương yêu vô điều kiện có hai ý nghĩa. Trong cuộc sống phàm tục, chúng ta nên xử dụng bất cứ phương pháp nào để phục vụ gia đình chúng ta, miễn sao đối với họ có lợi ích, chứ không phải đối với bản thân ta. Chúng ta không nên đòi hỏi mãi, mà luôn luôn bố thí và hy sinh, nếu mỗi người trong gia đình đều làm như vậy, thì bầu không khí trong nhà sẽ luôn được an hòa và đầy tình thương. Bởi vì phần đông chúng ta đều phục vụ người khác với một mục đích riêng, khi quí vị thương yêu một người nào đó, quí vị muốn họ cũng thương yêu quí vị, hay là chúng ta thương yêu người khác bằng cái phương cách thương yêu của chúng ta, mà không phải cách mà những người đó muốn. Chẳng hạn như là bà ngoại muốn ăn chuối, quí vị ép uổng bà ăn táo, cho dù trái táo đó là táo quí của Nhật vừa to, vừa lớn vừa ngọt, bà nhất định không thích. Cho nên chỉ cần mua chuối cho bà là được; vấn đề đơn giản như vậy.
Đừng nên ép uổng người khác chấp nhận phương cách riêng của mình. Họ muốn gì, chúng ta cho họ thứ đó. Cho nên, như nẫy giờ Sư Phụ nói, nếu chồng quí vị không thích ăn chay, thì nấu mặn cho chồng ăn, đừng nên vì mình, vì tín ngưỡng riêng của mình mà cấm cản không cho ông ấy ăn mặn, hay nghĩ rằng làm như vậy là tốt cho ông ấy hơn, cho nên bắt ông ấy ăn chay. Dù quí vị biết làm như vậy tốt cho ông, nhưng nếu ông không thích, thì hãy để ông tự chọn lựa. Cách đối xử với người khác cũng vậy thôi.
Nghĩa là mình phải vô điều kiện, không lẫn lộn trong đó một mục đích gì khác. Hãy để Thượng Đế giải quyết, và tùy thời gian vắn dài cần thiết mà dạy dỗ họ, làm những công việc mà Thượng Đế thấy thích hợp với họ. Có thể họ chưa chuẩn bị xong, có thể bụng họ chưa tiêu hóa nổi trái táo chẳng hạn.
Cho nên việc chăm sóc gia đình rất đơn giản, họ muốn gì ta cho cái đó, miễn sao đừng làm tổn thương đến người khác, đừng có những hành vi tội lỗi, mà phục tòng và hầu hạ họ bằng tất cả tấm lòng thương yêu và tùy khả năng của mình, giống như quí vị hầu hạ Thượng Đế vậy, như vậy mới gọi là thương yêu vô điều kiện.
Còn những đẳng cấp cao hơn nữa, đó là sau khi quí vị đã khai ngộ, ái lực nội tại của quí vị sẽ mỗi lúc một gia tăng bằng một tốc độ bất khả tư nghị, không sao giới hạn được. Lúc đó quí vị chăm sóc người nhà mà dường như quí vị không biết quí vị thương yêu họ, nếu quí vị đã buông bỏ cái ngã chấp của mình, hơn nữa hoàn toàn giao hết tất cả cho Đấng tối cao xử lý, quí vị sẽ làm đúng mọi việc một cách tự nhiên.
Vấn: Con rất là sợ sẽ không còn gặp lại được Ngài, không biết con có cơ hội truyền Tâm Ấn với Sư Phụ không? Con không ăn chay, nhưng con rất muốn được truyền Tâm Ấn, có lẽ Tâm Ấn xong, con không thể ăn chay hoàn toàn, như vậy hôm nay Ngài có thể truyền Tâm Ấn cho con không?
Đáp: Quý vị đã biết câu trả lời như thế nào. Sự thật thà và thành tâm của quý vị Sư Phụ rất cảm động. Ở đây Sư Phụ còn một phương pháp khác dành cho quý vị, Sư Phụ không phải cự tuyệt hoàn toàn, ít nhất quý vị có thể tu pháp phương tiện, và quý vị có thể cố gắng tập thử ăn chay bất cứ lúc nào thuận tiện, mỗi tháng ăn mười ngày, mười lăm ngày hay hai mươi ngày, bất cứ lúc nào khi tiện, cho đến khi quý vị có thể ăn chay hoàn toàn; và đến khi nào trong cuộc sống hằng ngày của quý vị, nhất nhất mọi việc đều đặt Thượng Đế vào ngôi vị thứ nhất, Thượng Đế luôn luôn đi trước mọi sự việc, mọi lý do, lý luận và mọi giá trị. Lúc đó quý vị mới nên thọ Tâm Ấn, nếu không sẽ không công bằng đối với người khác. Nếu như dễ dàng như vậy, Sư Phụ có thể truyền Tâm Ấn cho tất cả mọi người có mặt trong hội trường này, chứ không phải chỉ riêng quý vị.
Đa số người rất thích giáo lý của Sư Phụ và sẵn sàng tuân theo những điều kiện thọ pháp, nhưng chỉ có một điều là họ không thể nào ăn chay được. Vậy thì tại sao Sư Phụ chỉ truyền Tâm Ấn cho một mình quý vị? Nếu như vậy, Sư Phụ có thể tổ chức một buổi đấu giá mời mọi người đến tham dự là xong. Không phải Sư Phụ chú trọng sự ăn chay hay ăn mặn của quý vị, nhưng quý vị phải hiểu rằng, những gì quý vị muốn lấy quý vị đều phải trả theo giá của nó. Được không?
Ánh Sáng, Âm Thanh Là Lương Thực Tâm Linh Của Chúng Ta
Vấn: Tại sao lúc ngồi thiền, thấy được ánh sáng hay nghe được âm thanh rất quan trọng?
Đáp: Bởi vì, đó là bản ngã nội tại của chúng ta, quang và âm là sự biểu hiện trí tuệ bên trong của chúng ta, quang và âm không thể trông thấy hay nghe thấy được bằng mắt phàm hay tai phàm. Nghe âm thanh không có nghĩa là nghe bằng lỗ tai thường, nhìn ánh sáng không phải lấy mắt thường mà nhìn, đó là chỉ sự phát giác của chân ngã, nội tại vinh diệu của chúng ta - chúng ta là ánh sáng, là âm lưu đẹp đẽ, chúng ta không phải là cái thân thể này. Hơn nữa, quí vị càng nghe nhiều những âm thanh mà tai thường không nghe được, quí vị trông thấy càng nhiều những ánh sáng hoặc thiên đường mà mắt thường không trông thấy được. Quý vị càng thông minh, càng có nhiều ái lực, càng cảm thấy pháp hỷ tràn đầy, hơn nữa còn có thể phục vụ thế giới một cách hiệu quả hơn.
Không phải quang và âm quan trọng mà vì đó chính là bản tâm chúng ta. Cũng giống như các món ăn, bất luận ngon hay không, chúng ta ăn không phải chỉ vì những thứ đó ngon, mà tại vì những thứ đó có dinh dưỡng, và sau này những thứ này chuyển hóa thành khí lượng và năng lượng, khiến chúng ta làm việc nuôi gia đình mình, biết suy nghĩ, biết đọc sách và làm những công việc khác, đó là sự quan trọng của thức ăn. Cũng vậy, sự quan trọng của quang và âm là những thứ này khiến chúng ta có thêm trí huệ lòng thương yêu và năng lực trong mọi phương diện.
Vấn: Ngài nói rằng, trong thân thể chúng ta có trí huệ vô thượng, vậy thì sau khi chúng ta chết, trí huệ này ở đây?
Đáp: Chúng ta chưa bao giờ chết. Chẳng qua chỉ là nhục thể hủy hoại, giống như thay một bộ y phục mới. Hôm qua Sư Phụ bận áo trắng, hôm nay Sư Phụ bận áo hồng. Cũng như vậy, chúng ta thay thế thân xác này bằng thân xác khác, nó có thể đẹp hơn, cũng có thể sẽ xấu hơn. Tùy thuộc vào sự lựa chọn kiếp này của chúng ta hay sự lựa chọn sau khi đã khai ngộ và chúng ta sẽ biết lựa chọn nào tốt hơn, quần áo nào sẽ tốt cho chúng ta hơn ở lần sau. Nếu chúng ta lựa chọn quần áo đẹp, thì chúng ta sẽ đến nơi thiên đàng; nếu chúng ta chọn quần áo xấu chúng ta sẽ đến những chỗ thấp hơn đẳng cấp loài người; nếu chúng ta chọn lựa y phục người, chúng ta sẽ trở lại làm người. Nhưng chỉ có chúng sinh đã khai ngộ mới có khả năng lựa chọn, chỉ những người không còn nghiệp chướng nữa mới có thể lựa chọn; đa số người khác đều bị ép uổng phải tái sinh, vì nghiệp chướng của họ, hay vì những việc làm trong tiền kiếp cho nên đã bị luân hồi trở lại. Đối với tương lai và quần áo mới mà họ sẽ mua sắm họ hoàn toàn bất lực, không làm sao khống chế được.
Vấn: Tối qua con đã được thọ Tâm Ấn, kể từ sáu tháng về trước. Sau khi tại Sydney, con tiếp xúc được giáo lý, con đã thấu hiểu Ngài là vị Minh Sư mà con đã tìm kiếm từ nhiều kiếp, con xin cảm ơn Sư Phụ và chúc Sư Phụ được dồi dào sức khỏe.
Đáp: Cám ơn.
Vấn: Quan hệ nam nữ và kết hôn sẽ làm ảnh hưởng sự khai ngộ của chúng ta, xin hỏi có đúng không?
Đáp: Không, không đúng chút nào cả. Tuy nhiên chúng ta sẽ mất thêm một chút thì giờ, đi thêm một đoạn đường rẽ. Nếu chúng ta hoàn toàn khai ngộ hay rất có đạo tâm, thì bất luận chúng ta làm gì, chịu sự cám dỗ đến thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn nhớ mãi những gì chúng ta muốn. Con người khai ngộ không phải trở thành gỗ đá, chúng ta vẫn có thể chăm sóc gia đình và kết hôn. Đại đa số Minh Sư đều có lập gia đình, và có con cái nữa, cũng giống như quí vị phải chăm sóc gia đình vậy.
Bất luận như thế nào đi chăng nữa, thi hành nhiệm vụ trong đời sống chúng ta là một chuyện rất bình thường, tuy nhiên cũng phải cầu xin trở về thiên quốc; Thượng Đế đâu có để chúng ta ở đây một mình để chúng ta phải chịu đựng nỗi khốn khổ, hay là bắt chúng ta trở thành những con người không cảm tình và mất hết tất cả sự sống; việc gì xảy ra, chúng ta đều đón nhận một cách tự nhiên. Không nên tranh chấp, tự trách lấy mình và chối từ, chỉ cần chấp nhận và làm việc theo phương pháp thích ứng, chúng ta tu trung đạo, nếu quí vị không muốn lập gia đình, không muốn có trách nhiệm gia đình, cũng được; nhưng nếu quí vị thương một người nào muốn kết hôn, như vậy cũng được luôn. Bất cứ loại tình cảm nào đều là một phần ái lực của càn khôn vũ trụ, nếu quí vị có thể kiếm được một người bạn trăm năm tốt, thì hãy cho đó là món quà Thượng Đế đã ban cho mình mà vui lòng đón nhận. Nếu Thượng Đế không cho, thì cho dù chúng ta tìm kiếm suốt đời, cũng không kiếm đâu ra được, cho nên không nên lo lắng làm gì.
Vấn: Linh hồn và trí óc của chúng ta có giống nhau không?
Đáp: Không, không giống nhau. Linh hồn giống như là tài xế của chiếc xe Jaquar, còn trí óc là chiếc xe, cũng giống như là mối quan hệ giữa máy điện toán (computer) và cô thư ký. Hiểu không?
Vấn: Sư Phụ thân ái, hôm qua lần đầu tiên thấy Ngài bước lên khán đài, con bỗng bật khóc, và thầm gọi mãi: "Sư Phụ! Sư Phụ! Sư Phụ!" Con rất muốn ôm lấy Sư Phụ, con không hiểu tại sao, Sư Phụ, như vậy có đúng không?
Đáp: Trông có vẻ là đúng! Có lẽ chúng ta có duyên, cũng có thể là linh hồn quý vị khao khát được giải thoát, linh hồn nội tại, trí huệ nội tại quý vị đã biết được quý vị đã tìm thấy người bạn tu hành cho riêng mình, cho nên quý vị mới sung sướng như vậy. Quý vị có thể gọi Sư Phụ là: Sư Phụ, bạn, hay bất cứ danh xưng gì cũng được, có thể kiếm được người mà quý vị đã truy tầm bao nhiêu thế kỷ là một chuyện đáng mừng thật!
Vấn: Khi thiên đường quá chật chội thì phải làm sao? (mọi người cười)
Đáp: (Sư Phụ cười) Thiên đàng không giống như Tân Gia Ba hay Hồng Kông. Thiên đường tượng trưng cho sự rộng lớn vô biên, không bao giờ chật chội. Địa ngục có thể quá đông người, nhưng thiên đàng thì không bao giờ.
Vì Hôn Nhân Của Chúng Ta Mà Phấn Đấu
Vấn: Khi một người đàn ông kết hôn rồi nhưng không có được hạnh phúc trong gia đình nên đã thương yêu một người đàn bà có chồng khác, vấn đề này nên giải quyết như thế nào?
Đáp: Ồ, cái đó phải coi tình trạng hôn nhân của quý vị như thế nào, có phải không thể cứu vãn được nữa? Hay chỉ là bản thân quý vị muốn tìm một mối tình khác, viện cớ để bản thân mình được sung sướng? Có một cuộc hôn nhân đã phiền phức lắm rồi, cho nên tốt nhất là nên chăm sóc duy trì hôn nhân đó, Sư Phụ biết rất khó, trên thế giới này, mọi thứ đều khó khăn cả, nhưng không có nghĩa là không còn hy vọng gì. Nên nói chuyện với nhau tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đừng nói với người vợ mình về kẻ thứ ba như thế nào. Nếu quý vị nhắc đến người đó, thì sẽ không còn cách chữa nữa.
Nếu quý vị đã tự cho đó là sái quấy, thì nên tìm cách giải quyết, chấm dứt mối quan hệ đó. Nói với người vợ nên làm thế nào để sửa chữa hàn gắn lại mối quan hệ giữa hai người, vấn đề có phải là bên mình hay đối phương, cùng nhau thảo luận những chỗ nào cần phải sửa đổi cải tiến, mua quà mới cho vợ, mua quần áo đẹp cho vợ, tặng cho vợ những đồ trang sức đẹp, để vợ mình trở thành những phần đẹp trong cuộc sống mình, chứ không phải để mất thời giờ và sinh lực cho người đàn bà của người khác. Dù sao đi nữa, người đó không phải thuộc về mình, tốt nhất là hãy chăm sóc những gì chúng ta đang có, chứ đừng nên lãng phí thời giờ và sinh lực trên tài sản của người khác.
Cho dù quý vị rất thích chiếc xe nhà bên cạnh, cũng không nên rải vàng lên xe người khác mà quên lãng đi chiếc xe của mình, có phải như vậy không? Chăm sóc kỹ xe của mình, bởi vì xe đó là của mình, mỗi ngày chúng ta đều cần đến chiếc xe đó, đối với quý vị xe đó rất cần thiết. Chứ còn xe láng giềng mình có thể yên lặng thưởng thức âm thầm, nhưng không nên quá để ý đến nó mà quên mất xe của mình. Có thể có một ngày, tài xế bên cạnh lái chiếc xe đi mất, lúc đó quý vị sẽ không còn một thứ gì nữa.
Còn xe quý vị bỏ trong nhà để xe bị hư hoại, không ai chăm sóc, lúc đó càng phiền não thêm. Cho nên nếu quý vị thấy nên vì hôn nhân mà phấn đấu, thì hãy làm đi, làm như vậy đồng thời cũng tôn trọng hôn nhân của người khác.
Buông bỏ những gì mình thích thật đau khổ, nhưng chúng ta phải nghĩ đến người đàn ông khác, nếu quý vị là người đó thì ra sao, có sung sướng không? Quý vị chẳng muốn người vợ mình chung thủy với mình hay sao? Hãy để vợ mình trở thành một người vợ tốt, bản thân mình trở thành người chồng gương mẫu, cũng để cho vợ người láng giềng trở thành một người vợ tốt. Nếu quý vị chưa có một giải pháp nào hay hơn, thì giải pháp này sẽ là giải pháp tốt nhất.
Cám ơn quý vị đã tin Sư Phụ mà đem chuyện gia đình đến giao cho Sư Phụ, nhưng điều này vô cùng quan trọng. Nếu trong lòng không yên ổn bình an, thì cho dù quý vị có rất nhiều bà vợ, có bao nhiêu tài sản sự nghiệp, mọi công việc đều sẽ làm không được đúng, không được vừa ý. Tốt nhất là hãy hài lòng với những gì chúng ta đương có, chăm sóc kỹ lưỡng, làm cho nó đẹp đẽ và thích hợp với khẩu vị của mình, giống như vườn hoa mà quý vị đã chăm sóc, hãy trồng lên những đóa hoa hồng mà quý vị thích nhất, vì bản thân mình mà hãy làm cho những bông hoa này đẹp thêm.
Vấn: Nếu con bẩm tính thật thà, con phải đối xử với những người không thật thà như thế nào? Con có nên chịu thiệt thòi với họ hay không?
Đáp: Mặc dầu chịu thiệt thòi, quý vị cũng phải thật thà. Thành thật không có nghĩa là ngu dốt. Nên đối xử với người khác bằng những phương cách đứng đắn, duy trì sự tôn quí và thành thật của mình, bởi vì tự tánh chúng ta ở bên trong, cho dù chúng ta có thể lừa gạt được người khác, chính chúng ta tự biết mình đã làm những gì, cho nên tốt nhất hãy bảo vệ lấy bản thân ta, Thành thật với tất cả mọi người là cách tốt nhất để bảo vệ phẩm cách và đạo đức của chúng ta.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks