Phong Tục Sinh Đẻ
Tác giả: Nguyễn Dư


Chửa là cửa mả
Chửa con so làm lo láng giềng
Đàn bà Việt Nam ngày xưa hầu như ai cũng lo ngại chuyện mang nặng đẻ đau.
Tại thôn quê, người đàn bà có chửa (có bầu, có mang) phải tự chăm lo sức khỏe. Ngoài mấy thang thuốc bắc, thuốc nam, chỉ còn biết trông cậy vào những lời khuyên được truyền từ đờì nay sang đờì nọ.
Nào là:
-Kiêng ăn cua
Cua là loài bò ngang. Ăn cua sẽ bị đẻ ngang.
- Kiêng ăn thịt thỏ
Thỏ có môi trên bị hở. Ăn thịt thỏ thì đứa bé đẻ ra sẽ bị sứt môi.

- Kiêng ăn trai sò ốc hến
Những giống này tiết ra nhiều chất nhờn. Nếu người mẹ ăn trai sò ốc hến thì con đẻ ra sẽ bị bịnh nhiều dớt dãi.

Nào là:
- Nên ăn trứng gà.
Trứng gà luộc vừa trắng bên ngoài lại hồng bên trong (ta quen gọi lòng đỏ trứng gà). Người mẹ ăn trứng gà luộc thì con sinh ra sẽ có nước da trắng trẻo, hồng hào.
Nước da trắng như trứng gà bóc được ưa thích hơn nước da bánh mật.

- Nên ăn đu đủ.
Không biết quả đu đủ có dược tính gì tốt cho bà mẹ hay đứa con không ? Với trình độ hiểu biết của dân quê ngày xưa chắc sách vở của ngành y, ngành dược cũng chả gây được sự chú ý, gợi được thắc mắc cho ai cả. Người ta khuyên bà mẹ ăn nhiều đu đủ chỉ vì một lí do đơn giản là để cho tương lai của đứa con được no đủ.

Mấy lời khuyên kể trên dễ hiểu, dễ thấy vì chỉ dựa vào tên gọi hoặc bề ngoài của sự vật, không phải hiểu một cách gián tiếp như nhiều lời khuyên khác. Chẳng hạn như :

- Nên uống nước dừa.
Cũng như quả đu đủ, quả dừa tốt cho sức khỏe ra sao là điều chưa cần để ý. Người ta khuyên các bà mẹ tương lai uống nước dừa có lẽ vì lí do khác.
Cây dừa chữ hán là da. Vì vậy cho nên uống nước dừa sẽ tốt cho da.
Chữ nôm dừa được viết bằng chữ dư (dư thừa) của tiếng hán việt. Như vậy thì nước dừa còn có tác dụng làm cho tương lai đứa bé được sung túc, dư thừa.

Dùng tên súc vật, hoa quả quen thuộc hàng ngày để diễn đạt một lời chúc mừng là một cách chơi chữ khá phổ biến của ngày xưa. Thí dụ con nai là lộc, con dơi là phúc, bông hoa là vinh hoa...Người miền Nam ưa thích bày cúng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài để được cầu vừa đủ xài.

Trong suốt thời gian thai nghén người đàn bà phải đứng ngồi ngay ngắn. Có như thế sau này con mới trở thành người ngay thẳng. Bà mẹ tương lai tránh nhìn những cảnh không hay, tránh nghe những chuyện không đứng đắn, không tốt, để cho con sau này thành người đàng hoàng, tử tế.

Thời gian thai nghén trung bình là chín tháng mười ngày. Quá thời hạn này mà chưa đẻ thì gọi là chửa trâu. Gặp trường hợp này người chồng phải dùng phương thuật, dùng mẹo để giúp vợ chóng chuyển bụng đẻ:

- Dắt một con trâu ra giữa sân, lấy dao cắt đứt sợi giây thừng buộc mũi. Trâu sổng thì con sổ.
Người ta lí luận rằng muốn cho mọi chuyện được nhanh chóng thì phải tìm cách trừ bỏ những cái làm cho trì trệ, làm cho lâu hoàn tất. Phải trừ bỏ cái lâu đi. Chữ lâu, tiếng hán việt có nghĩa là cái giây thừng buộc mũi trâu. Vì thế cho nên chỉ cần cắt sợi giây thừng buộc mũi trâu đi, tức là trừ bỏ cái lâu đi, thì tất nhiên mọi chuyện sẽ được nhanh chóng. Người đàn bà sẽ mau đẻ.
Không hiểu người xưa có theo dõi, ghi chép chính xác thời gian trâu chửa không ? hay là khoảng thời gian hơn chín tháng mười ngày chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên ? Rất có thể chỉ vì phương thuật cần đến con trâu nên hai tiếng chửa lâu ban đầu đã bị đọc trại ra thành chửa trâu !

Đến ngày đẻ...

Đàn ông vượt bể có chúng có bạn
Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình
Gặp trường hợp đẻ khó, người chồng phải dùng một vài phương thuật. Tùy hoàn cảnh gia đình mà chọn phương thuật thích hợp.
Những phương thuật chính thường được đem ra dùng là:
- Viết đầy đủ họ tên một ông quan lớn vào miếng giấy. Đem đốt miếng giấy, hòa tro vào bát nước. Vừa cho vợ uống nước, vừa đọc câu thần chú đại nhân nhập, tiểu nhân xuất (người lớn vào, trẻ con ra). Thần linh nghe bùa chú sẽ phù hộ cho sinh đẻ được dễ dàng.
Không biết chữ thì nhờ người khác viết cũng được.

- Lấy một cái dải rút quần vắt qua bụng vợ. Xin được cái dải rút váy của một người đàn bà hàng xóm đã từng sinh đẻ dễ dàng mang về vắt qua bụng vợ thì càng tốt.
Cũng có thể cầm một cái dải rút hay cái thắt lưng (còn gọi là cái ruột tượng hay cái hầu bao) leo lên vắt qua mái nhà.
Hai hành động này có ý nghĩa gì ?
Vì người miền Bắc phát âm sai, nên chữ dải (dải rút) được coi là đồng âm với chữ giải hán việt nghĩa là tháo gỡ , cởi, mở.
Vắt dải rút qua bụng vợ, người chồng sẽ tháo gỡ, cởì bụng vợ cho đứa con lọt lòng chui ra. Vắt dải rút qua mái nhà mang ý nghĩa trang trọng hơn, muốn tháo gỡ một khó khăn đang xảy ra trong gia đình.

- Người chồng còn có thể giúp vợ đẻ nhanh bằng cách đứng giữa nhà lao chiếc đòn gánh hoặc cái gậy ra ngoài sân.
Cái gậy, hay cái đòn gánh quen thuộc của dân quê, chữ hán việt là côn. Chữ côn được dùng để viết chữ nôm con. Vì thế cho nên cái gậy hay chiếc đòn gánh, tượng trưng cho đứa con, được lao ra ngoài sân để diễn tả hình ảnh đứa con lọt lòng mẹ, sổ ra.

- Nhà nào có trồng cau thì người chồng có thể leo lên cây cau, ôm cây tụt xuống.
Phương thuật giản dị, hình ảnh dễ hiểu, thể hiện sự mong muốn đứa bé mau tụt ra khỏi bụng mẹ.

Còn mấy phương thuật khác được nói đến trong bài thơ ngụ ngôn Đám cưới chuột của dân gian vùng Liễu Đôì.
Chuột cái đau đẻ, bà đỡ khuyên vợ chồng chuột :

(...)
Đau thì nén chịu con ơi
Qua cơn vượt cạn ấy thời rinh rang
Chú đi tìm bắc cái thang
Leo nhà ba bậc, lăn đàng năm tao
Rồi ra lặn cọc bờ ao
Xong rồì mớì vào liếm láp đồ rau
Cứ y như phép nhiệm mầu
Làm xong là đẻ chẳng đau đớn nào (...)
- Bắc một cái thang rồi leo hoặc luồn qua vài bậc.
Thang nghĩa là trống không ở trong người. Thang cũng có nghĩa là vật rỗng ruột.
Leo thang là tỏ ý mong muốn tạo ra khoảng trống trong người, làm cho vợ rỗng ruột. Người chồng mong cho vợ đẻ.
- Leo ba bậc nhà.
Cái bậc nhà chữ hán việt là cấp (bộ mịch), cấp cũng có nghĩa là nhanh chóng (khẩn cấp). Phàm cái gì muốn cho nhanh chóng (chẳng hạn như vợ đẻ) đều gọi là cấp. Vì thế mà người chồng cứ leo lên leo xuống mấy cái bậc nhà để giúp vợ đẻ được nhanh chóng.

Cặp vợ chồng nào ở nhà tranh vách đất, nhà không có bậc thềm thì xoay sở ra sao? Đã có mẹo khác.

- Người chồng ra nằm lăn năm vòng (tao) ngoài đường.
Đường (đường đi, văn thơ còn gọi là đàng) chữ hán việt là lộ (bộ túc). Chữ lộ này đồng âm với chữ lộ (bộ vũ) nghĩa là lộ ra ngoài cho thấy.
Cũng có thể giải thích rằng chữ đường (tiếng việt)đồng âm với chữ đường (bộ thổ, hán việt) nghĩa là cái ao hình vuông. Chữ ao lại có nghĩa là lõm xuống.
Như vậy thì lăn đường có ý nghĩa là làm cho đứa bé ra mẳt, chào đời, hay làm cho bụng bà mẹ lõm xuống. Cả hai nghĩa đều là mong cho người đàn bà đẻ nhanh.

- Nếu gần nhà có cái ao thì người chồng xuống bơi vài vòng.
- Không biết bơi thì múc một bát nước ao đem về cho vợ uống ba ngụm.
- Hoặc đi nhổ một cái cọc cạnh bờ ao. (Nếu không có sẵn cọc thì sai người đóng trước một cái).

Nhổ cọc bờ ao mang ý nghĩa gì ?
Như đã nói ở đoạn trên, chữ ao nghĩa là lõm xuống.
Đóng cọc là để yểm, ngược lại nhổ cọc đi là để khỏi bị yểm. Đóng cọc bờ ao là yểm không cho lõm xuống. Người chồng nhổ cọc bờ ao là để cho bụng vợ lõm xuống, nói khác đi là mong cho vợ đẻ.
Tất cả những phương thuật dùng đến ao đều mang chung một ý nghĩa. Người chồng bơi dưới ao, cho vợ uống nước ao, nhổ cọc bờ ao, đều mang ý nghĩa làm cho bụng người đàn bà lõm xuống, tức là đẻ nhanh vậy.

- Liếm ông đồ (đầu) rau, có nơi khuyên nhổ nước bọt vào đít ông đồ rau.
Ngày xưa nhà nào cũng có ông đồ rau (hỏa lò) bằng đất nung. Vợ đẻ khó, chồng có thể chạy xuống bếp ôm liếm ông đồ rau.
Cái bếp lò, hay hỏa lò ngày xưa là do chữ lô (bộ hoả) mà ra. Chữ lô này đồng âm với chữ lô (bộ nhục) nghĩa là bày ra. Rốt cuộc ôm ông đồ rau tương đương với bày vật gì ra. Người cha tương lai muốn khoe con mình chăng ?
Hành động liếm ông đồ rau hoặc nhổ nước bọt vào đít ông đồ rau không biết có còn mang ý nghĩa gì khác không hay là chỉ muốn bắt chước một cử chỉ hôn má, đét đít, nựng trẻ con ?

Nhà nào sẵn có cối giã gạo thì có thể dùng phương thuật:

- Đóng một cái cọc vào chân cối đá
Tiếng hán việt có chữ ma (bộ thạch) nghĩa là gặp khó khăn, bị đau đớn. Chữ ma còn có nghĩa là cái cối xay bằng đá. Cái cối đá trong tình huống này trở thành biểu tượng của khó khăn, đau đớn. Người ta có thể đóng một cái cọc vào chân cối đá để yểm, để trừ khử những khó khăn, đau đớn.
Làm phương thuật này người đàn bà sẽ sinh đẻ được an toàn, nhanh chóng.

- Treo một thanh củi cháy dở lên xà nhà
Có hai cách giải thích.
Chữ liêu (hay liệu)(bộ hỏa) nghĩa là bó đuốc, là đốt cháy. Chữ liêu (bộ miên) lại có nghĩa là trống không. Phải chăng ở đây người ta dùng thanh củi cháy dở (thay cho bó đuốc) để mong cho người đàn bà bụng trống không, mau đẻ ?
Chữ tẫn (bộ thảo) nghĩa là củi cháy còn thừa. Chữ tẫn (bộ nhân) nghĩa là hết tiệt, hết cữ. Thanh củi cháy dở ở đây biểu hiện sự mong muốn người đàn bà lúc ở cữ (đẻ) sao cho chóng hết cữ chăng ?
Trịnh Hoài Đức (1765-1825), tác giả Gia Định Thông Chí chép rằng người Đồng Nai có tục khi sanh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sinh con trai thì cắm đầu củi cháy trở vào trong nhà, sinh con gái thì quay đầu trở ra; người ta còn buộc kèm thêm một cây ráy. Toàn thể dấu hiệu ấy gọi là cái khém, riêng thanh củi cháy dở gọi là cái vỏ lửa.
Tục của người Đồng Nai dường như cũng muốn báo tin rằng người đàn bà đã hết cữ, đã đẻ xong.

Tục ta kiêng cho ngườì khác đến đẻ nhờ ở nhà mình, kể cả người ruột thịt họ hàng. Gặp hồì loạn lạc, có ngườì đi tản cư phải dựng lều ngoài cánh đồng để đẻ. Đáng thương nhất là những người đàn bà chửa phải lao động quần quật đến tận sát ngày đẻ, đôi khi bất ngờ phải đẻ đường, đẻ rơi.

Mẹ tròn con vuông là niềm vui của mỗì gia đình Việt Nam !

Thật khó mà tưởng tượng được rằng mới cách nay chưa bao lâu, nhiều vùng quê hẻo lánh của nước ta còn chìm đắm trong những phong tục kì lạ của tín ngưỡng dân gian, những phương thuật bí hiểm của mê tín dị đoan. Bên cạnh một vài mẹo vặt vô thưởng vô phạt, có nhiều mẹo nguy hiểm như cho đàn bà đẻ uống nước hòa tro, uống nước ao !

Hầu hết các phương thuật đều do đám thầy pháp, thầy phù thủy, hay mấy ông đồ nắm được một ít vốn liếng chữ nho, chữ nôm bày đặt ra. Họ tự do diễn dịch, bóp méo ý nghĩa của chữ này chữ nọ để mê hoặc đám dân quê nhẹ dạ, cả tin.

Sách tham khảo:

- Phan Kế Bính,Việt Nam Phong Tục,nxb Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990
- Đào Duy Anh,Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, nxb Bốn Phương, 1961
- Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, nxb Khai Trí, 1968
- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất Lề Quê Thói,Saigon, 1968
- Bùi Văn Cường,Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát Văn Hóa Truyền Thống Liễu Đôi, nxb Khoa Học Xã Hộì, 1982
- Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Hà Nội, 1942


Nguyễn Dư
(14/9/2000)