-
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát
Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
Đài Bắc, Formosa Ngày 17 tháng 12 năm 1986 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Bồ Tát cũng có nhiều đẳng cấp. Có Sơ Địa Bồ Tát, Nhị Địa Bồ Tát..., Bát Địa Bồ Tát, Thập Địa Bồ Tát, còn có Ma Ha Tát. Bồ Tát Ma Ha Tát là tối cao trong hàng Bồ Tát.
Nhưng có một hạng Bồ Tát, họ dường như không cứu người, chúng ta gọi họ là "Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát". Các ngài công đức rộng lớn như biển, đã thanh mà lại tịnh nữa, cho nên mới gọi là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Lực lượng của các ngài như nước biển, việc làm của các ngài rất phẳng lặng, như nước trong, không có ai có thể cảm giác được các ngài. Nhưng chúng ta có thể biết được Ngài là hóa thân Bồ Tát. Cho nên Thanh Tịnh Bồ Tát còn cao hơn các vị Ma Ha Tát nữa.
Trong vũ trụ, còn có nhiều đẳng cấp, nhiều địa vị mình cần phải đạt đến. Tu hành còn ít, không có gì đáng hãnh diện, có được một chút thần thông đã nói tung nước miếng, thấy được một ít quá khứ, hiện tại, vị lai có ích gì? Bây giờ mình có dự đoán ngày mai thế giới này sẽ bị hủy diệt, mình cũng không thể cải biến được gì, ngược lại từ hôm nay cho đến ngày mai, mình lo sợ quá chừng, lại mất ăn mất ngủ nữa. Còn những người không biết ngày mai thế giới sẽ ra sao, họ ngủ rất ngon, ít ra họ có thể hưởng thụ an ninh trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Cho nên biết được quá khứ, hiện tại và tương lai thật không có ích gì hết. Muốn dự định vị lai của mình, thì bắt đầu từ hôm nay, quý vị nên làm một người có đạo đức, trong đời sống hàng ngày nên trì "ngũ giới" cho rõ àng, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Trì năm giới cho nghiêm chỉnh là đủ rồi, không cần nói chi đến nhiều giới. Chỉ cần trì năm giới cho rõ ràng, không tin Sư Phụ cũng không sao, không tu Pháp Môn Quán Âm, không muốn liễu thoát sanh tử cũng được. Tuy rằng không tin Sư Phụ, nhưng cũng nên làm một người tốt, trì năm giới cho đàng hoàng, sau này tối thiểu còn có thể trở lại làm người; còn không thì hết cách.
Sư Phụ không dạy quý vị giáo lý gì xấu, quý vị không tin người thầy này, nhưng nên tin giáo lý của Sư Phụ, Sư Phụ chỉ dạy cho quý vị những giáo lý tốt mà thôi. Muốn làm người cũng dễ, chỉ cần trì năm giới cho rõ ràng, sau này khỏi còn phiền phức, chỉ cần giữ kỹ năm giới, có tu hay không tu Pháp Môn Quán Âm đi nữa thì cũng không sao, còn không thì khó mà được trở lại thân người.
Thân người rất quý báu, không có thân người, thì không có sáu căn, sáu trần, nên không thể tu hành. Chúng ta đều biết sáu căn, sáu trần là chướng ngại đáng ghét nhất, nhưng mình cần chúng để tu hành. Không có chúng thì chúng ta không thể tu hành được, có hiểu không? Nghe tiếng bên trong vốn không dùng nhĩ căn, nhưng không có tai thì mình làm sao nghe? Lúc tọa thiền cũng không cần mắt nhìn cảnh giới, nhưng không có thân này, mình cũng không thể thấy cảnh giới Phật, không biết tình trạng thiên đường, địa ngục, thế giới Tây Phương Cực Lạc như thế nào, có đúng không? Cho nên thân người rất là quý báu.
Không muốn làm người rất dễ, muốn làm người rất khó; muốn làm Phật Bồ Tát lại càng khó nữa. Làm một vị Bồ Tát đã không dễ, muốn làm Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát thì càng trùng trùng gian khổ. Làm một vị "Thanh Tịnh Bồ Tát", một vị Bồ Tát vô hình, tối cao, cần phải vượt qua những khảo nghiệm nghiêm khắc không thể hình dung tưởng tượng được. Rất khó, rất khó mà làm được. Mình đã luân hồi sanh tử mấy triệu lần, cũng chưa từng nghe qua thứ khảo nghiệm ghê gớm như thế.
Nếu như chúng ta đọc sách, chúng ta sẽ thấy các bậc Đại Sư tu hành thời xưa đã phải chịu nhiều khảo nghiệm và trải qua đau khổ, dù là khảo nghiệm ghê gớm nhất, đau khổ nhất, cũng chưa so nổi với những khảo nghiệm và đau khổ mà Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát phải chịu đựng.
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát đã gần như là Phật rồi, Phật "thì bất động", còn Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát thì "động", các ngài đi khắp vũ trụ, lo cho trật tự hoàn vũ, trách nhiệm của họ là chăm sóc cái vũ trụ này. Còn Bồ Tát Ma Ha Tát lo cứu linh hồn của con người, dẫn họ về nhà, ai có muốn đi Tây Phương thì theo Bồ Tát Ma Ha Tát mà học, họ hóa thân đến Thế Giới Ta Bà cứu người, dẫn linh hồn trở về cố hương, về Thiên Quốc, về Tây Phương Tịnh Độ.
Thường chúng ta tụng Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, nhưng không biết các ngài là ai, cho dù họ xuất hiện trước mặt, mình cũng không cách nào biết được. Chỉ có Bồ Tát Ma Ha Tát biết ai là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Người thường không cách nào biết được, bởi vì họ không để lộ đẳng cấp và quyền năng ra ngoài. Nhìn họ rất tầm thường, còn tầm thường hơn người bình thường, không ai biết các ngài là Bồ Tát. Họ tuyệt đối không thi triển thần thông, mà chỉ âm thầm làm việc, phàm phu hoàn toàn không hiểu được, dù các Ngài có ở trước mặt chúng ta cũng không hay.
Công việc của Thanh Tịnh Bồ Tát, khác hẳn với các Bồ Tát Ma Ha Tát khác, không xen vào nhân quả của người ta. Nhưng Bồ Tát Ma Ha Tát có thể xen vào. Ngài có thể cứu người dưới địa ngục đưa lên Thiên Đường, Ngài có thể đưa người có nghiệp chướng nặng đi Tây Phương. Những hoàn cảnh đó, Ngài Thanh Tịnh Bồ Tát chỉ đứng một bên nhìn mà thôi. Công việc của các ngài là coi sóc sự vận chuyển của vũ trụ; duy trì sự tồn tại của vũ trụ; các ngài không cứu người, cho dù mình đói chết, hay bị hỏa ngục đốt, họ cũng không lo. Đối với người phàm mà nói, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát như rất lạnh lùng, thật ra không phải vậy, chỉ vì công việc của các Ngài không như nhau mà thôi.
Làm một vị Thanh Tịnh Bồ Tát không dễ, Sư Phụ nghĩ rằng quý vị sẽ rớt hết. Muốn trở thành Thanh Tịnh Bồ Tát cần phải tiếp nhận hệ thống huấn luyện rất cứng rắn, rất nghiêm khắc, sự đau khổ của phương thức huấn luyện không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, người phàm phu chưa từng nghe qua, cũng không thể tưởng tượng được. Cũng như trong quân đội, có các huấn luyện về bộ binh, hải quân, không quân, tình báo, lực lượng đặc biệt, sự huấn luyện của lực lượng đặc biệt là khổ cực nhất, có phải không?
Làm Bồ Tát cũng như vậy, đẳng cấp khác nhau, nên tiếp nhận sự huấn luyện khác nhau. Muốn thành Thanh Tịnh Bồ Tát, cần phải tu hành rất cực khổ, không phải vì tu hành cực khổ mới thành Thanh Tịnh Bồ Tát, mà là muốn thành Thanh Tịnh Bồ Tát phải trải qua một sự huấn luyện gay go nhất. Thanh Tịnh Bồ Tát đều được đặc biệt chọn lựa, chứ không phải chúng ta muốn là có thể thành Thanh Tịnh Bồ Tát. Người tu hành nếu như chưa vượt qua Tam Giới không thể nào được chọn.
Thanh Tịnh Bồ Tát được chọn từ cảnh giới Thứ Năm. Nếu còn trong Tam Giới không thể làm Thanh Tịnh Bồ Tát. Bởi vì trong Tam Giới, chúng ta còn luân hồi sanh tử, bài vở trên thế giới này chưa học xong nên không được tuyển chọn để tiếp thụ thứ huấn luyện gắt gao nhất. Muốn làm Thanh Tịnh Bồ Tát, trước hết nên trở thành Bồ Tát của cảnh giới Thứ Năm. Nếu thích ứng mới có tư cách được chọn, khi được chọn rồi, còn phải tiếp nhận huấn luyện gắt gao, thứ huấn luyện này còn nghiêm khắc và đau khổ hơn hệ thống của địa ngục.
Tu hành có nhiều đẳng cấp, con đường tu hành rất dài, rất là dài, cho nên mới tu chưa được bao nhiêu đừng có khoe khoang, phóng đại. Sư Phụ bảo quý vị đừng nói thể nghiệm cho người khác nghe, là tốt cho bản thân quý vị, không có quan hệ gì đến Sư Phụ. Quý vị muốn nói cho cả nước nghe cũng được, đối với Sư Phụ không có ảnh hưởng gì, tiết lộ kho tàng quý báu riêng tu của quý vị chỉ hại cho quý vị mà thôi.
Cho nên tu hành nên tu âm thầm, bởi vì chúng ta muốn giữ đẳng cấp của chúng ta, muốn từ từ đi lên, thành Phật, thành Ma Ha Tát hay Bồ Tát cao đẳng. Nếu có người mới tu, có một chút thần thông, nhưng tâm không định, đã ra ngoài đi tuyên truyền. Nên biết thứ người đó không thể tin cậy được. Người tu hành chân chánh nhìn những người đó, biết ngay họ có nhiều chướng ngại, họ bị "bệnh thiền".
Người không mắc bệnh thiền sẽ không ra ngoài khoa trương, nghe hiểu chưa? Người tu hành nên rất khiêm nhường, tu càng cao càng khiên nhường, càng sợ người ta biết mình tu hành, càng sợ người biết lực lượng của mình như thế nào. Có người lúc mới tu hành còn được lắm, có được một chút đẳng cấp, có được một chút thể nghiệm; nhưng vì khoa trương nói quá nhiều, rốt cuộc nhiều ma chướng đến, tu càng cao ma chướng càng nhiều.
Cho nên tu hành sợ nhất là nói thể nghiệm, nói nhiều rồi thể nghiệm đều biến chất, không chính xác, còn không thì mất hết thể nghiệm, chỉ có ảo tưởng, bởi vì định lực bị tổn phí, linh khí cũng bị phá vỡ. Khí linh cảm vốn là một bức tường bảo hộ, nhưng vì tự mình thố lộ quá nhiều, bị ma khoét lỗ chui vào. Cho nên tu hành sợ nhất là thái độ khoa trương ngạo mạn, càng kiêu ngạo càng mệt.
Sư Phụ cũng hiểu, muốn người tu hành tin một vị thầy không phải là chuyện dễ, do đó nếu quý vị không tin Sư Phụ cũng không phải là lỗi của quý vị, mà do không khí thời mạt pháp tạo thành, cho nên mới gọi thời này là thời mạt pháp.
Tu hành không dễ, trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, trong thời mạt pháp, chỉ cần thành tâm tu hành, dù một chút đỉnh thôi, Phật Bồ Tát cũng đến giúp đỡ rất nhiều. Nhưng ít người có lòng thành và niềm tin muốn tu hành chân chánh; đa số lựa chọn con đường đơn giản và nhẹ nhàng, không muốn sự gian khổ, và quá nghiêm khắc. Tu Pháp Môn Quán Âm, nhất định phải ăn chay, và mỗi ngày phải toạ thiền hai tiếng rưỡi đồng hồ, ngoài ra, không được sát sanh, không được nói dối, không tà dâm, không trộm cướp, và không uống rượu v.v.... Đối với nhiều người, như vậy quá nghiêm, quá khổ.
Trên thế giới này, có người nếu muốn thành bác sĩ, hay luật sư, muốn có địa vị trên xã hội, đều phải học hành khổ cực, có phải vậy không? Muốn thành Phật Bồ Tát, muốn được liễu thoát sanh tử, muốn một đời giải thoát, làm sao tránh khỏi sự chịu đựng một chút khổ hạnh?
Trong thời mạt pháp, chỉ cần chúng ta thành tâm tu hành chút đỉnh, Phật Bồ Tát sẽ giúp đỡ rất nhiều; như vậy là quá tốt rồi, nếu không quý vị ngồi thiền hai tiếng rưỡi đồng hồ có ích chi, vì không thấm vào đâu cả! Phật Thích Ca Mâu Ni cũng tọa thiền cả ngày, còn nhiều người toạ thiền mười mấy, hai mươi tiếng đồng hồ, lại không được gì. Nếu không có lực lượng của Phật Bồ Tát giúp đỡ, chúng ta tu hành cũng chẳng đạt kết quả gì.
Thật ra tu hành không cực khổ, nhưng muốn trừ thái độ kiêu ngạo thì hơi khó, muốn kín miệng lại càng không dễ. Thái độ kiêu ngạo và khoa trương là khó sửa nhất. Người tu hành không có nhiều thể nghiệm và đẳng cấp không tiến bộ, bởi vì có thái độ kiêu ngạo, hoặc nói quá nhiều, tu hành không bao nhiêu mà nói quá nhiều.
Phật Thích Ca Mâu Ni cũng cấm đệ tử của Ngài khoa trương. Mục Kiền Liên có thần thông, Phật không cho dùng. Sư Phụ cũng khuyên quý vị như vậy, tu hành nhiều tự nhiên có thần thông, nhưng không được khoa trương. Mình có Tha Tâm Thông cũng đừng cho người ta biết, nếu không người ta sẽ sợ, sợ bị mình hiểu thấu lòng họ, có phải không?
Có các thứ thần thông khác như Thần Túc Thông, Thiên Nhãn Thông v.v..., cũng nên giữ kín. Người khác biết, chỉ hại cho mình. Có người sẽ đố kỵ, không thích mình cao hơn họ; nếu mình nói những chuyện họ không thích, họ sẽ tìm cách dùng Hắc Thần Thông hại mình. Cũng như Mục Kiền Liên, vì Ngài dùng thần thông, rốt cuộc bị ngoại đạo dùng Hắc Thần Thông giết hại.
Cho nên Sư Phụ cảnh cáo hoài, đừng có cho người khác biết đẳng cấp của mình. Nhưng vẫn có người không trị được chứng bệnh này, đó là cá tính của họ, rất khó sửa, cho nên gặp nhiều phiền phức. Nếu như mình biết được hững người này, tốt nhất đừng có gần gũi và đừng có nghe lời của họ, nếu không sẽ bị vạ lây như bệnh truyền nhiễm vậy.
Nếu mình sống chung với người có ma chướng, hay thậm chí không sống chung với họ, mà chỉ cần ngồi rất gần, cũng đã bị nhiễm hết một nửa rồi. Đi thăm bệnh nhân, tiếp xúc với họ, một nửa bệnh đã truyền sang mình, mình phải thâu một nửa nghiệp chướng của họ. Nếu không sao Phật Bồ Tát hóa thân đến thế giới này, khi ra đời cũng biến thành phàm phu? Làm phàm phu trước đã, sau này tu mới thành Phật Bồ Tát, nếu không tu, cũng bị nhiễm trần như thường.
Phật Thích Ca Mâu Ni như quý vị đều rõ, Ngài là Hộ Minh Bồ Tát, từ Cung Trời Đẩu Xuất giáng trần để cứu thế, đó là công việc của Ngài. Nhưng sau khi Ngài ra đời, trong suốt ba mươi năm đầu, không làm gì lợi ích cho chúng sanh. Ngài là một vị hoàng tử, ngày ngày chỉ hưởng thụ thế giới, không biết đến tu hành là gì?
Lúc Ngài ra đời, có thể đi bảy bước, biết tự thân là ai, Ngài nói: "Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn." Nhưng khi Ngài lớn lên, cũng vô minh và còn vô minh hơn người thường nữa; có nhiều gái đẹp vây quanh, ngày ngày hưởng thụ thế gian, việc gì cũng không nghĩ tới. Bởi vì Ngài bị hoàn cảnh an nhàn bao bọc, được cha mẹ Ngài cưng chìu, thuộc hạ tâng bốc. Những người chung quanh không cho Ngài biết bất cứ điều xấu nào, không cho người khác thức tỉnh Ngài tu hành, cho nên trước ba mươi tuổi, Ngài vẫn là một phàm phu.
Ngài là hóa thân của Đại Bồ Tát. Ngài đã thành Phật từ lâu, nhưng sanh vào thế giới này cũng không khỏi trở thành người phàm. Cho nên thế giới này rất đáng sợ, cho dù là Phật Bồ Tát ra đời, nếu như không tu hành cũng nhất định bị mê lạc. Cho nên bất luận thế nào, nhất định phải tu trở lại.
Quý vị thường hỏi Sư Phụ: "Mỗi người đều có ‘Phật Tánh’ có phải hay không? Vì sao mọi người vẫn còn là phàm phu?" Bởi vì khi mọi người đến thế giới này rồi bị phàm phu "truyền nhiễm", bị phàm phu "độ". Thế giới này cũng như khu bệnh truyền nhiễm vậy, ban đầu chỉ có một người mắc bệnh, sau này truyền thành hai ba người, càng truyền càng nhiều, sau cùng toàn khu đều có bệnh; có lúc toàn thể mọi người, tất cả động vật trong thành đều chết sạch, không còn một con mèo con chó, từ đó mà thấy bệnh truyền nhiễm thật đáng sợ.
Giống như vậy, Phật Bồ Tát đến thế giới này mà không tu hành, cũng biến thành phàm phu. Sư Phụ đã nói: "Mọi người vốn là Phật, đều có Phật Tánh, vậy sao không ai biết, không ai thấy?" Bởi vì quý vị bị thế giới này độ lâu như vậy, bây giờ mới bắt đầu tu hành, làm sao lập tức nhớ được liền? Nhưng chỉ cần nỗ lực tu hành, sau này vẫn trở thành Phật Bồ Tát, "tu hành sẽ thành Bồ Tát, không tu hành sẽ thành phàm phu" đó là định lý, không còn gì khác đáng nói nữa.
Quý vị coi, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải tu hành, sáu năm mới thành Phật. Giê Su Ki Tô tu hành mười mấy năm, sau cùng mới thành vị thầy vĩ đại, có phải không? Khi Lục Tổ Huệ Năng gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài đã khai ngộ, được Ngũ Tổ truyền pháp rồi, Ngài còn phải ẩn tu mười sáu năm. Bồ Đề Đạt Ma xưa kia không thể độ chúng sanh, chắc có lẽ lúc đó còn chưa đủ lực lượng (Sư Phụ cười), giảng kinh người khác không nghe, cho nên giảng cho vách tường nghe chín năm. Nghe nói bởi vì Ngài trường kỳ tọa thiền, khiến hai chân không thể đi, người đời sau thấy trong tranh đều là hình dáng Ngài đi đứng, đó đều là Ngài hóa thân để cho người ta thấy.
Có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", sống chung với người xấu sẽ trở thành xấu, sống chung với thiện trí thức thì trở thành thiện trí thức, gần gũi với người có học vấn, sẽ học được chút đỉnh, tiếp xúc với người khờ dại sẽ trở thành dốt nát. Người rành tiếng anh, nếu như trong ba mươi năm không nói cũng sẽ bị quên. Ngày ngày cần phải tập nói tiếng Anh. Nếu như lâu ngày tiếp xúc với người không biết nói tiếng Anh, sau này không còn nói được nữa, còn không thì nói không trôi chảy.
Cũng như bây giờ Sư Phụ nói tiếng Âu Lạc cũng không trôi chảy lắm, bởi vì đã không nói tiếng Âu Lạc quá lâu, và nói tiếng Anh cũng có một chút ấp úng (mọi người cười). Nhưng mà qua Mỹ vài ngày thì không còn trở ngại nữa, còn nếu như ngày ngày nói tiếng Trung Hoa như vậy, qua ba mươi năm sau, chắc có lẽ hết biết nói tiếng Anh. Tu hành cũng vậy, theo học người nào thì sau này cũng sẽ giống như họ, cho nên phải lựa "Chân Sư" cho cẩn thận.
Bây giờ quý vị còn muốn trở thành Thanh Tịnh Bồ Tát nữa hay không? (Có người đáp: Muốn). Nhưng có người bị Sư Phụ la một chút, đã thành mặt ngựa, như vậy mà còn muốn thành Thanh Tịnh Bồ Tát? (Mọi người cười) Muốn làm loại Bồ Tát này khó lắm, nếu như quý vị phát nguyện muốn trở thành Thanh Tịnh Bồ Tát thì phiền lắm, làm một vị thầy tầm thường đã có nhiều phiền phức như vậy, còn làm Thanh Tịnh Bồ Tát thì sẽ như thế nào?
Trên vũ trụ này, trừ Phật ra, Thanh Tịnh Bồ Tát có địa vị tối cao, Phật là địa vị tối cao trên vũ trụ, là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, Thanh Tịnh Bồ Tát đứng ngôi thứ nhì, nghe hiểu chưa? Thanh Tịnh Bồ Tát là pháp luật siêu vũ trụ, Ngài lên trời xuống đất như mình đi chợ búa, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, không có gì cao hơn Ngài, bởi vì Phật không có động, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề này là như như bất động, cho nên trên thực tế, Thanh Tịnh Bồ Tát vẫn là tối cao.
Vấn: Xin hỏi Sư Phụ, Phật chỉ có một vị hay sao?
Sư Phụ: Không phải, Phật là chỉ lực lượng này. Thí dụ ở Anh quốc, địa vị cao nhất là nữ hoàng, nhưng nữ hoàng không xen vào việc nước, chỉ đại diện cho địa vị tối cao mà thôi. Nhưng thủ tướng lại nổi tiếng hơn hết, quốc gia nào cũng biết đến. Mỗi người lên làm thủ tướng đều là xuất danh nhất, còn nổi tiếng hơn nữ hoàng, người nào cũng nể sợ, họ muốn làm gì thì làm.
Đương nhiên địa vị của nữ hoàng là tối cao, nhưng không có quyền lực như thủ tướng, có phải không? Nữ hoàng không cần tới lui, không cần sửa đổi pháp luật. Nhưng thủ tướng thì việc gì cũng lo, thái độ rất cứng, đôi khi người ta phản đối. Thí dụ bà Thatcher là thủ tướng cứng đầu có tiếng nên người ta tôn là Thiết Nương Tử, bởi vì thái độ của bà rất cứng rắn, có quyền lực lớn, luôn cả nữ hoàng cũng khuyên: "Nhà ngươi nên nhường bước một chút, đừng có cứng rắn quá!" nhưng bà ta không nhường là không nhường, có phải vậy không?
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát cũng như thế, Ngài có lực lượng tối cao trong vũ trụ này, nếu như quý vị muốn thành Thanh Tịnh Bồ Tát, thì phải nỗ lực cho nhiều. Nhưng Sư Phụ sợ quý vị chịu không nổi thứ hệ thống huấn luyện nghiêm khắc, cho nên mới để cho từ từ làm Bồ Tát trước rồi mới từ từ leo lên. Nhưng nếu như thành tâm phát nguyện, có một ngày nhất định trở thành Thanh Tịnh Bồ Tát. Chỉ cần mình quyết tâm muốn trở thành quả vị nào đều có thể như nguyện, nhất định như vậy, duy không có thực hiện ngay mà thôi, có lẽ đời sau hay là trải qua vài kiếp sau sẽ được mãn nguyện, chỉ cần mình có ý nguyện, sau cùng có lẽ sẽ thành.
Vấn: Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát có đến thế giới này không?
Sư Phụ: Có chứ ! Sao lại không đến? Ở nơi nào cũng có Ngài.
Vấn: Ngài đến thế giới Ta Bà cũng có nghiệp chướng hay sao? Ngài có bị thế giới ô nhiễm hay không? (Mọi người cười.)
Sư Phụ: Không có, Ngài đến không có đem nghiệp chướng, cũng không có bị thế giới truyền nhiễm.
Vấn: Có phải Ngài dùng hóa thân đến thế giới này không?
Sư Phụ: Ngài khác với hóa thân của Bồ Tát Ma Ha Tát, tự Ngài là pháp luật, Ngài hoàn toàn có lực lượng riêng, có thần thông, muốn cái gì thành cái đó. Ngài khác với Bồ Tát thường, thần thông, lực lượng, quyền lực của Ngài vĩnh viễn tồn tại.
Vấn: Vậy con cũng muốn làm Thanh Tịnh Bồ Tát.
Sư Phụ: Sư Phụ biết nhà ngươi muốn làm Thanh Tịnh Bồ Tát (mọi người cười), nhưng không có dễ như vậy, tu đến thế giới Thứ Năm trước đã, rồi mới tính sau.
Vấn: Xin hỏi Sư Phụ, Thanh Tịnh Bồ Tát đến thế giới này, cần quá trình thụ thai trưởng thành hay không?
Sư Phụ: Không phải lúc nào cũng cần, Ngài khác với vị Bồ Tát thường.
Vấn: Ngài đến thế giới này chỉ vì công việc hay sao?
Sư Phụ: Đúng, Ngài muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Khi vị Bồ Tát thường muốn đến thế giới này thì phải đầu thai, nhưng Thanh Tịnh Bồ Tát không cần làm như vậy, Ngài muốn biến thành cái gì thì biến thành cái đó. Trong một sát na có thể biến thành ruồi, thành đá, nhưng bên trong con ruồi hay cục đá có lực lượng; bất cứ Ngài biến hóa thành những gì, Ngài hoàn toàn biết rõ Ngài là Thanh Tịnh Bồ Tát, Ngài muốn biến mất thì biến mất, muốn có thì có, muốn biến thành người thì biến thành người, muốn thành chó thì thành chó, nhưng con chó Ngài biến thành, không phải là chó thường, nó không có nghiệp chướng. Ngài làm người cũng không bị nghiệp chướng của người khác truyền nhiễm, không có bị xã hội nhiễm ô, bất cứ Ngài biến thành thứ gì, ý thức của Ngài hoàn toàn tỉnh táo. Địa vị của Thanh Tịnh Bồ Tát là tối cao, nếu như thật có Thượng Đế tối cao, thì Ngài chỉ thấp hơn có một chút mà thôi, Thượng Đế là cao nhất, Ngài là hạng nhì. Nghe hiểu chứ?
Vấn: Thanh Tịnh Bồ Tát thụ huấn ở đâu?
Sư Phụ: Thụ huấn tại cảnh giới cao.
Vấn: Ngài vĩnh viễn là Thanh Tịnh Bồ Tát? Hay là sau này Ngài cũng thành Phật?
Sư Phụ: Vĩnh viễn là Thanh Tịnh Bồ Tát. Ngài muốn thành Phật cũng được, nhưng mà Ngài không cần.
Vấn: Thưa Sư Phụ, Sư Phụ nói Thanh Tịnh Bồ Tát đối với ngoại cảnh tuyệt đối không có động tâm, nếu như có một chúng sanh cầu hóa thân của Ngài Thanh Tịnh Bồ Tát, Ngài có giúp đỡ không?
Sư Phụ: Ngài không có giúp đỡ.
Vấn: Vì sao như vậy?
Sư Phụ: Bởi vì có những Bồ Tát khác làm những công việc đó!
Vấn: Nhưng Ngài có thể tiện tay cứu mà!
Sư Phụ: Cứu người đó để làm gì? Thanh Tịnh Bồ Tát không có quan tâm tới cá nhân nào hết, Ngài quan sát toàn cõi vũ trụ, Ngài không chỉ lo cho một hai người, hay là một hai đoàn thể; Ngài không giống như Bồ Tát Ma Ha Tát.
Vấn: Nếu như Ngài thấy có người gần chết, Ngài cũng không cứu hay sao?
Sư Phụ: Làm sao cứu? Nếu như mình không phải là y sĩ, người ta cầu mình khám bệnh, làm sao mà khám? Ngài cũng không thể làm thứ công việc đó. Ngài quá bận, Ngài không thể lo chuyện của một hai người, chuyện của toàn thế giới Ngài cũng không lo đến, Ngài rất bận, rất bận, bận ghê lắm, không có thời gian để lo cho một vài cá nhân.
Vấn: Sư Phụ có cách nào đưa thí dụ, nói rõ Thanh Tịnh Bồ Tát chịu những huấn luyện nghiêm khắc như thế nào?
Sư Phụ: Điều này không cách nào nói được, bởi vì ở thế giới này còn chưa có thứ hệ thống huấn luyện đó (mọi người cười). Hồi nãy Sư Phụ đã nói rồi, thứ huấn luyện đó còn lợi hại hơn, đau khổ hơn địa ngục nữa, quý vị không thể nào tưởng tượng nổi.
Vấn: Ở cảnh giới cao như thế, sao còn có chuyện xấu đó?
Sư Phụ: Đó không phải là chuyện xấu, đó là sự huấn luyện cần phải có.
Vấn: Có phải mọi người đều có thể làm Thanh Tịnh Bồ Tát?
Sư Phụ: Điều đó có sự cao minh tuyển chọn, sau khi được chọn lên rồi, họ sẽ từ từ huấn luyện.
Vấn: Ai lựa chọn?
Sư Phụ: Thanh Tịnh Bồ Tát chọn. Ngài cần ai thì lựa chọn người đó, mình không thể biết trước, đợi đến khi được chọn rồi, chúng ta sẽ biết được, và sẽ chịu đựng những khảo nghiệm đau khổ gì. Nhưng quý vị còn ở trên thế giới này, không có được tuyển chọn đâu, Sư Phụ bảo đảm điều đó (mọi người cười), quý vị phải đạt đến thế giới Thứ Năm rồi mới nói, thoát qua được Tam Giới rồi mới có thể được lựa chọn.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks