Con Ngựa Nê Thông Của Hoàng Đế Trần Duệ Tông
Tác giả: Hồ Đắc Duy
Nê Thông là con ngựa của Hoàng đế Duệ Tông, một con tuấn mã cực kỳ hiếm hoi, con ngựa mà nhà vua đã cưỡi khi thân chinh tiểu phạt quân Chiêm Thành cách đây hơn sáu thế kỷ.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyễn VII trang 161 chép:
"Tháng 12, năm Bính Thìn (1306) vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư... Sai Lê Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân.
" Trước đây, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hoá Châu. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng vua. Tử Bình im đi, cướp là của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ, quan quân đến cửa biển Di Luân (thuộc Quảng Bình), các quân vượt biển mà tiến. Vua cưỡi ngựa dẫn quân bộ men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, tập luyện một tháng.
"Năm Đinh Tỵ (1377) mùa xuân tháng giêng, ngày 23 đại quân tiến cửa Thị Nại (cảng Quy Nhơn, Bình Định) rồi đóng quân ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga dựng trại bên ngoài thành Đồ Bàn. Ngày 24 vua mặc áo đen, cưỡi ngựa Nê Thông, sai Ngự Câu Vương Trần Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kịp truyền lệnh tiến quân.
" Đại tướng Đỗ Lễ can. Vua nói:
“Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân cũng có nói: 'Dùng binh qúy ở thần tốc”. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp...'
-o0o-
Ngựa trong đời sống và văn hóa Việt Nam.
Trong lịch sử nước ta thì ngựa và voi là hai con vật đặc biệt yêu mến, nó góp phần trong các chiến thắng vẽ vang chống ngoại xâm.
Trong quá khứ người ta đã đặt ra hai cơ quan để chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện hai con vật này đó là Viện Tượng chính và Mã chính.
Năm 1509 Vua Lê Uy Mục cho đặt hai Giám Ty Ngự Tượng và Ngự Mã
Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điễn Sự Lệ của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã dành riêng một quyễn 175 để quy định về vấn đề Mã chính bao gồm ngạch ngựa, chăn nuôi ngựa, kén chọn ngựa, khám nghiệm ngựa, diễn ngựa, trang sức cho ngựa...
Ngựa nuôi ở kinh thành thì thuộc vào viện Thượng Tứ, ở nhà trạm men đường ngoài các tỉnh thuộc các thành, trấn, đạo sở tại...
Ngựa để dùng trong thông tin liên lạc khác với ngựa trong việc vận chuyễn kéo xe lại càng khác xa với ngựa chiến.
Người xưa đã phân định rất rõ ràng vai trò trách nhiệm cho các viên quản mục, viên biền cai quản từng loại ngựa, đặt ra chức y sinh để coi sóc, điều trị bệnh cho ngựa, giúp ngựa lúc sinh nỡ như các thú y sĩ chuyên trách về ngựa bây giờ.
Trên hết trong tất cả loại ngựa quí là ngựa dành cho hoàng đế, cho các đại tướng khi ra trận. Nếu như ở Trung Hoa có con Xích Thố của Lữ Bố, con Đích Lư của Lưu Bị, Hô Lôi Báu của Thượng Sĩ Đồ; con Marly của Guillaume tại Champs – Elysés – Paris thì trong bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì ngựa cũng đã dược ghi chép nhiều nơi như trang 133 ghi rằng: “Đời Hùng Vương thứ 6 ở hương Phù Đỗng bộ Vũ Ninh... có đứa trẽ lên ba mà chưa biết nói. Gặp lúc trong nước có nguy cấp, vua sai đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy đứa trẻ bổng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: 'Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì'. Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân đánh tan quân giặc Ân ở chân núi Vũ Ninh“.
Hay ở trang 139 chép chuyện: "Khi Vua Thục An Dương Vương bị Triệu Đà tấn công, vua thua chạy để Mỵ Châu ngồi trên ngựa cùng chạy vế phía nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng đuổi theo vua đến bờ biễn hết đường mà không có thuyền, liền goi rùa vàng mấy tiếng: 'Mau đến cứu ta'. Rùa vàng nỗi lên mặt nước mắng rằng: "Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy...“ Ngựa đã là con vật chứng cho nhiều huyền thoại trong lịch sử nước ta.
Ngựa Nê Thông là ngựa gì?
Các hoàng đế nước ta đa số đều cưởi Bạch Mã, đó là một loại ngựa quý hiếm có sắc lông màu trắng như tuyết, cao lớn ôn hòa. Có nghĩa biết mến chủ, biết bảo vệ chủ, không sợ tiếng động, tiếng gào thét, tiếng rống của voi, tiếng hí của ngựa khác, tiếng va chạm binh khí, tiếng súng. Ngựa phải chạy nhanh, đạt các tiêu chuẩn 4 nước đại, 3 đợt nhảy cao và có 9 đức tính tốt.
Những con ngựa được tiến cử cho vua là những con ngựa được tuyển chọn trong các con ngựa cực kỳ quý hiếm.
Kể từ khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước ta lần đầu vào năm 1257 và về sau vào các năm 1285, 1288 thì hàng ngàn hàng vạn con ngựa chiến từ thảo nguyên Mông cổ được đưa sang nước ta.
Khi đám tàn quân Mông Cổ thất trận tháo chạy thì số chiến mã này một số thì bị bắt, một số bị lạc trong rừng trở nên một loài ngựa hoang, loài ngựa nước ta được lai giống với các loài ngựa của vùng thảo nguyên Mong Cổ, Vân Nam, Kinh Bắc, Tân Cương... mà quân thù phương Bắc qua nhiều lần xâm lược mang theo trong các cuộc hành quân.
Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên trang 180 chép: “Năm Đinh Mùi (1307) Châu Vị Long (Chiêm Hóa, tỉnh Hà Tuyên) dâng cho Khai Minh Vương một con Bạch Mã bốn vó đều có cựa.
Con ngựa mà hoàng đế Trần Duệ Tông cưỡi khi tiến công thành Đồ Bàn của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga là một con tuấn mã kỳ vĩ cực kỳ hiếm có kể cho đến bây giờ chưa chắc một nhà nghiên cứu mã học được nhìn thấy một con thứ hai.
Trong các chữ đặt thù dùng để chỉ màu sắc, hình dáng hay đặt tính của loài ngựa thời xưa của nước ta cũng như Trung Quốc thì có một số chữ chính sau đây: Mã, Thố, Câu, cũng có khi gọi là Long: Nói chung để chỉ về Ngựa:
Tuấn: là ngựa hay, chạy nhanh, khỏe dẻo dai.
Kỳ Ký: là ngựa lạ quý hiếm (Vua Trần Nhân Tông đã từng ví Đỗ Khắc Chung là: "Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế“ ĐVSKTT trang 52).
Ngựa thiên lý: ngựa có thể chạy ngàn dặm.
Đề: là móng chân thú (Thiện Lương Đề của vua Thiệu Trị).
Xích: là sắc lông màu đỏ (con Xích Thố, ngựa của Lữ Bố).
Ô, Ly: là ngựa có sắc sắc lông màu đen (con Ô Truy của Hạng Võ).
Phiêu: là ngựa có sắc lông xanh trắng (Phiêu Kỵ tướng quân).
Lạc: là ngự a vằn (Lạc mã thiên lý vương).
Tinh: là ngựa hồng (Song Vĩ Tinh còn gọi là Song Vĩ Hồng – Con ngựa hồng hai đuôi của Thái úy Lý Thường Kiệt).
Nê: là dùng để chỉ lông con ngựa có hai màu: màu trắng và màu đen.
Thông là dùng để mô tả sắc lông ngựa màu xanh (như con Nhàn Lương Thông, trong truyện Ngũ Thông Thần trong Liêu Trai Chí Dị trang 380 cho rằng thịt của loại ngựa này ăn ngon gấp bội lần loại khác).
Như vậy con ngựa của hoàng đế Trần Duệ Tông quả là một con tuấn mã cực kỳ hiếm hoi, màu sắc lông của nó là một sự pha trộn màu sắc thật kỳ diệu của ba màu trắng, đen và xanh. Một sự đột biến của gene tổng hợp, một bản giao hưởng của thiên nhiên.
Nếu như một lần nào dó mà Từ Bi Hồng, Lư Bột Thư hoặc là Bé Ký đọc hay nhìn thấy con Nê Thông của hoàng đế Trần Duệ Tông thì chắc là chúng ta sẽ được thưởng ngoạn những bức tranh về ngựa tuyệt tác.
Ngoài con Nê Thông, vang bóng vàng son một thời trong tàu ngựa của vua chúa Việt Nam còn có con Phúc Thông, Cát Thông, An Tường Ký,Thần Lương, Phúc Lưu, Cát Lưu, Thiên Mã của Hoàng Đế Minh Mạng.
Thiên mã là con ngựa ỡ nước Tây Vực thuộc miền Trung Á được nhập vào trong tàu ngựa của Hoàng đế năm 1830. Vua Minh Mạng đã nhận xét con An Tường Ký như sau: "Đô thống Phạm Văn Điễn có dâng con ngựa trắng, dù là không là giống ngựa tuyệt trần chạy bay như mây, nhưng trẫm cưởi thấy được yên ổn nên goi nó là An Tường Ký“.
Hiến Tổ Chương Hoàng Đế một ông vua tài hoa và học thức uyên bác đã ban dụ về một con thiên lý mã của mình như sau: “Ta đã sai giong yên ngồi cưỡi, chay nhanh như chớp gió, thật vượt mức trong các loài ngựa có 4 nước đại và 3 đợt nhảy cao, lại cao siêu hơn loài ngựa có 9 đức tính tốt và 8 thứ ngựa giỏi, nên ban cho tên đẹp để tỏ cái đức con ngựa ký... nay gọi trên là Đại Uyển Long Tuấn”.
Thao diễn trận ngựa ở Kinh Đô Huế năm 1851.
Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điễn Sự Lệ đã mô tả một buổi diễn ngựa ở Huế như sau: "Giáo trường thao diễn trận ngựa ngoại thành Đông Nam là một dãi đất chạy dài từ cửa Đông Ba cho đến chân cầu Gia Hội – Huế được vua Tự Đức chiếu dụ tổ chức năm 1851 với một chương trình bao gồm: Một suất đội 12 người, 200 biền binh, 100 con ngựa chiến, cờ ngũ hành một bộ, cờ vệ một cây, cờ hiệu một cây, cờ đội 20 cây, súng tiểu mã 80 khẩu, dao ngựa 80 cây, dao cờ 26 cây, loa thau một chiếc, kiểng đồng một cái, thanh la, tù và, trống trận chiêng đồng một thứ một chiếc, mũi giáo 240 cây, người bù nhìn và cây chuối cho đủ số diễn tập...
Có lẽ linh hồn của hoàng đế Trần Duệ Tông và con chiến mã Nê thông vẫn còn phản phất ngậm ngùi trên giáo trường đó, vì sao vậy? Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép tiếp : “Quân lính người ngựa bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá. Tiền quân và hậu quân hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ quan quân tan vỡ, vua bị hãm trong trận mà chết. Bọn đại tướng như Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, Phạm Huyền Linh đều chết cả. Giặc bắt sống đuợc Ngự Câu Vương... Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không đến cứu nên thoát chết. Lê Quý Ly dốc quân chở lương, nghe tin vua băng, bỏ trốn về nước".
Hồ Đắc Duy
Bookmarks