Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Tây Hồ, Formosa,
Ngày 3 tháng 11, 1995 (Nguyên văn tiếng Anh) Băng thâu hình số 511

Có một câu chuyện về một người kia ở nước Chu. Ông tên là Tiến. Một hôm ông tổ chức một phiên chợ lớn để cúng dường các vị địa thần. Hàng ngàn người đến tham gia hội chợ, và họ cũng nấu nướng, ăn uống vui chơi này kia kia nọ rất là nhiều.

Rồi một vị khách đến cho ông Tiến một loại cá và loại chim rất hiếm, và một tổ yến hiếm có. Ở Trung Quốc, cái đó rất đắt và được xem như rất là bổ dưỡng. Loài yến phải nhổ bọt của chúng để làm tổ. Khi người ta đến cướp tổ, nó phải tiếp tục làm tổ khác. Nhưng tới lúc đó thì nó không còn nước bọt và cơ thể không đủ dinh dưỡng để tiết ra nước bọt nữa. Cho nên nó tiếp tục tiết nước bọt ra cho đến khi chảy máu. Nước bọt trên tổ khi đó sẽ trở thành màu đỏ máu. Nhưng tổ đỏ còn đắt tiền hơn là tổ trắng. Và đó là cách người ta ăn yến.

Cho nên hãy cẩn thận: không phải tất cả thức ăn chay đều là thực vật. Dù mình không giết chim, nhưng chúng chết vì đau khổ, đói khát, thiếu dinh dưỡng thì cũng vậy thôi. Bởi vì khi đến mùa, chúng phải làm tổ sẵn sàng cho chim con. Đó là phản ứng tự nhiên của loài chim. Nếu chúng ta lấy tổ đi, chúng sẽ làm tổ mới. Như vậy, chúng cứ tiếp tục tiết ra, rồi lại tiết ra nước bọt cho đến khi tổ được hoàn thành. Có thể tổ chưa làm xong hoặc có thể đã làm xong, nhưng phải trả giá bằng mạng sống hoặc sức khỏe quý báu của chúng. Chúng có thể kiệt sức, và khi bầy chim con ra đời sẽ không còn ai chăm sóc. Dĩ nhiên, con người có ở đó, họ sẽ "chăm sóc" cho bầy chim non bằng cách bỏ chúng vào bao tử ấm của họ và giữ chúng mãi mãi. Những chuyện này thường xảy ra.

Bây giờ, tại Chợ Phiên của ông Tiến, khi có người cống hiến thứ hiếm hoi như là tổ yến có máu đỏ, hay một loại cá quý, ông Tiến rất cảm động và vui mừng. Có lẽ ông là một người có địa vị cao trong xã hội, nếu không, đã không thể có được buổi hội chợ như vậy và đã không có nhiều người đến viếng như vậy. Nên ông rất cảm động và vui mừng, thở ra một hơi dài, nói rằng: "Ô! Thượng Đế thương chúng ta quá. Hãy xem những thứ Ngài ban cho chúng ta mỗi ngày để dùng bữa. Ngài sinh ra đủ loại thú vật để thỏa mãn cơn đói và khẩu vị của chúng ta."

Mọi người nghe ông ca ngợi Thượng Đế như vậy, ai ai cũng vỗ tay khen và đồng ý. Nhưng trong số quan khách có một cậu bé, chỉ 12 tuổi thôi. Có lẽ nó là người ăn chay, có lẽ nó chỉ là một đứa nhỏ 12 tuổi mới thọ Tâm Ấn trọn pháp từ Thanh Hải Vô Thượng Sư (Mọi người cười). Nó đứng lên nói: "Thưa ngài, những gì ngài nói là không phải". Ông rất ngạc nhiên, sững sờ. Ông hỏi cậu bé: "Mày nói sao, ta nói không phải à? Mày có ý kiến gì khác, thằng nhỏ này? Mày biết gì?"

Cậu bé nói: "Thầy tôi dạy khác, thầy tôi nói rằng: ‘Tất cả chúng sinh trên thế gian đều bình đẳng. Thượng Đế sinh ra muôn loài với cùng một tình thương, cùng một tài năng và mục đích sáng tạo.’ Cho nên không một ai trong thế gian này tốt hơn bất kỳ chúng sinh nào khác. Thượng Đế tạo nên những chúng sinh khác nhau với những mục đích và nguyên nhân khác nhau. Nếu ngài nói rằng tất cả những chúng sinh như cá, chim, trâu bò v.v... là để cho chúng ta ăn thịt bởi vì Thượng Đế sinh chúng ra cho chúng ta ăn thịt thì tôi nghĩ rằng ngài sai! Bởi vì hãy xem loài muỗi: chúng chích và hút máu chúng ta. Và hãy xem loài sư tử và cọp: chúng ăn thịt loài người. Vậy ngài có nghĩ rằng Thượng Đế cũng sinh ra con người cho muỗi, cọp và sư tử ăn chăng?" Ngài - nhân vật rất quan trọng kia - không biết phải trả lời như thế nào.



Cậu bé nói tiếp: "Thầy tôi dạy rằng: ‘Trên thế gian này, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Nhưng hầu hết con người dùng trí thông minh, sức mạnh và tính gian xảo để làm hại và lợi dụng các chúng sinh yếu đuối và ít làm hại hơn họ. Vậy thôi!’ Chúng ta không thể nói rằng Thượng Đế tạo ra bất cứ chúng sinh nào để cho mình ăn thịt hoặc lợi dụng". Dĩ nhiên nhân vật rất quan trọng kia và tất cả những nhân vật kém quan trọng hơn trong bàn tiệc ngậm câm.

Tôi nghĩ một số các trẻ em của chúng ta một ngày nào đó cũng sẽ nói cùng những lời này ở một nơi nào đó, có thể trong Tòa Bạch Cung [Sư Phụ và đại chúng cười] Nói đùa thôi! Có thể không phải là Tòa Bạch Cung, có thể là trong "Nhà Xanh", "Nhà Hồng" hay "Nhà Vàng". Đa số trẻ em chúng ta ngày nay cũng rất thông minh. Đôi khi chúng nói thẳng những điều chúng nghĩ hoặc những điều chúng học hỏi được tại đây mà không sợ mất lòng ai.

Ngược lại, người lớn chúng ta, những kẻ thông minh hơn, mạnh hơn, những người lớn đầy đủ trí khôn đôi khi lại sợ không lên tiếng. Ngay cả trong gia đình, chúng ta sợ không dám nói rằng chúng ta theo Sư Phụ Thanh Hải, trì năm giới tốt lành và ăn chay từ bi. Bởi vì chúng ta sợ người khác chế diễu, sợ người khác tránh xa, không làm bạn với mình nữa. Chúng ta sợ địa vị của mình bị lung lay, sợ ông chủ không đối xử tốt nữa. Chúng ta sợ vợ mình sẽ không yêu thương nữa, sợ con cái sẽ nghĩ rằng mình điên. Chúng ta sợ bạn bè sẽ bỏ, sợ mọi người xem thường, coi mình như điên khùng hoặc người đến từ một hành tinh xa lạ.

Chúng ta sợ đủ thứ chuyện, thậm chí còn sợ tiệm bán thịt bây giờ sẽ nhìn mình bằng cặp mắt khác mỗi khi đi ngang qua. Chúng ta sợ tất cả mọi thứ, bởi vì chúng ta đã học một cách phủ định rằng tất cả những gì khác lạ sẽ làm người khác tránh xa. Nhưng chưa chắc đã như vậy. Nếu chúng ta tạo nên một sự khác lạ nhưng tốt đẹp, rực rỡ, có thể người khác sẽ theo. Bằng không, tại sao sống khác người nếu chúng ta sợ như vậy? Thôi thì cúi đầu, lạy lục mọi người và sống theo cách của họ cho rồi. Như vậy chúng ta sẽ được yên ổn, có thể là vĩnh viễn, bởi vì chúng ta sẽ vĩnh viễn ở đây. Rồi mãi mãi sẽ được yên ổn với tất cả các chúng sinh này, nhưng có thể là không yên ổn với thú vật. Lúc đó đi đâu chúng ta cũng sẽ bị chó sủa, ngay cả bò cũng có thể húc chúng ta.

Tôi đã thấy rất nhiều hình ảnh những con bò trong trường đấu. Đôi lúc, khi nào nó húc được người đấu bò là nó húc dữ lắm -- về luôn Thiên Đàng. Chúng ta có thể nói đó là nghiệp chướng. Thành thử, nếu ai cũng can đảm được như cậu bé 12 tuổi này (đây là câu chuyện có thật) thì tôi nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ có thêm huynh đệ, bớt đổ máu, bớt bạo động, bớt chiến tranh và bớt đàm đạo hòa bình. Vì hòa bình tự nhiên sẽ có.

Chúng ta sẽ không phải bỏ nhiều tiền vào những khách sạn năm sao ở Geneva, cả những phi cơ riêng, người hộ vệ và "hộ vệ người", rượu sâm-banh và trứng cá muối. Chúng ta không phải phí nước bọt đàm đạo hòa bình, khi hòa bình thật sự đến với hành tinh của mình. Nếu mọi người theo con đường của các bậc thánh nhân, theo con đường bất bạo động từ trong ra ngoài ngay khi còn bé, thì tất cả con cái chúng ta sẽ giống như đứa nhỏ trong câu chuyện này. Bởi vì thế nào cũng có ngày con người trên thế giới sẽ chán những chuyện chiến tranh, đánh nhau và bạo động. Thế nào cũng có ngày họ phải ngồi lại với nhau, chấm dứt tất cả những chuyện vô nghĩa này.

Thật là hổ thẹn khi con người chúng ta thậm chí không thể nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của chính mình. Chúng ta hạ mình thấp xuống đẳng cấp thú vật, rồi hay dùng thú vật để chửi bới người khác, như là "Đồ chó má, đồ súc sinh" này kia kia nọ. Nhưng thú vật đâu có tệ như vậy; thậm chí chúng cũng không tệ hại như một số người trong chúng ta. Thú vật đôi khi đánh nhau vì đói. Chúng ăn thịt và giết nhau vì đói. Nhưng sau khi đã no nê, chúng thuần lại, không làm hại gì ai.

Đôi khi thú vật đánh nhau, nhưng để bảo vệ giống loài của nó. Nhưng đôi khi con người chúng ta đánh nhau với bất cứ người nào: láng giềng, con cái, bất kỳ ai, bởi vì chúng ta không thể dàn xếp được những dị biệt qua ngôn ngữ hoặc sự hòa giải hay đường lối hòa bình của một người quân tử. Đối với chúng ta rất khó. Cho nên nghĩ cho kỹ thì một số thú vật có rất, rất nhiều phẩm tính tốt, đôi khi còn tốt hơn cả chúng ta. Loài chó rất trung thành, giống ngựa rất có tình có nghĩa, và loài bò rất lành. Bò chỉ cho mà không đòi hỏi gì cả ngoại trừ chút đỉnh cỏ khô. Tôi không biết chúng ta có quyền hành hay phẩm cách dũng mãnh gì không mà xem thường thú vật như vậy, lúc nào cũng coi chúng thấp kém hơn loài người.

Cho nên nếu chúng ta cứ tiếp tục cư xử theo như cách con người thế gian đang cư xử bây giờ, bằng cách gây chiến tranh và tất cả mọi chuyện đều được dàn xếp qua súng đạn, máu thịt, mạng sống con người, này kia kia nọ, thì tôi không nghĩ là chúng ta có đủ phẩm cách, quyền hạn để nhìn thẳng vào mắt của loài vật, đừng nói chi tới chuyện xem thường chúng. Cho nên chúng ta hãy hy vọng và dạy dỗ con cái bằng tấm gương tốt. Hãy để chúng can đảm, thẳng thắn và thành thật, như đứa nhỏ trong câu chuyện này. Đó là bổn phận của quý vị; quý vị phải làm gương tốt cho chúng.