Tiêu Cung Tuẫn Tiết Hành
Tác giả: Tô phái hầu Nguyễn Huy Túc


"Đất Thuận An cạnh sông Thiên Đức, (1)
Người đời xưa gọi ấp Tỳ Bà.
Khúc tỳ mượn ý đặt ra,
Trời sinh người đẹp sánh hoa Đại-đề (2)

Khí tươi tốt nhóm về khuê tú,
Năm Cảnh hưng ất-dậu mừng sao,
Nhà sang sinh bậc nữ hào,
Công, dung, ngôn, hạnh vẻ nào kém đâu.

Tuổi mười bảy kén vào cung khuyết,
Bính ngọ liền sớm biết điềm hùng (3)
Ơn trên cao cả muôn trùng,
Đượm nhuần mưa móc phúc hồng chứa chan

Năm đinh vị Tây Sơn khởi biến.
Cảnh phong trần chợt đến khôn lường.
Ngoài thành giong ruổi xe hương,
Quân hầu tan tác, bàng hoàng bên sông.

Vó ngựa lạc Văn phong mấy độ,
Theo từ vi (4) đến Võ Nhai sơn.
Quần Hồng lận đận núi ngàn
Liễu bồ phải chịu muôn vàn long đong,

Xa trông đợi tin rồng vắng bặt,
Chốn nhàn đình nước mắt chứa chan.
Bỗng đâu tiếng trống nổi ran,
Tướng Cao Bằng rước xe loan lên đường.

Tới Mục Mã vội vàng nghỉ lại,
Thuyền vua giong lên ải Phất Mê.
Địch nghe tin, kíp đuổi kề,
Tên bay đạn lạc bốn bề rối ren.

Bè một mảng qua phen kinh hãi,
Bao hiểm nghèo rồi lại bình yên.
Vin cây giẫm đá trèo lên,
Mưa mù lam chướng đầy trên một trời.

Dân sở tại chào mời, đưa dắt,
Gập ghềnh theo lối tắt đường ngang.
Hết đường, tới núi, vào hang,
Giếng thơm trong suốt, nước đang dạt dào.

Biết động ấy thuở nào đào đục?
Mà hôm nay hưởng phúc thần tiên!
Nước ngàn rau núi cũng yên,
Chim kêu, hoa rụng, nỗi buồn tạm khuây.

Trong nội địa (5) tin đâu bay đến,
Quan trên liền sai khiến người sang.
Trước sau căn vặn tỏ tường,
Long Châu tạm đón dọc đường nghỉ chân.

Cấp phẩm vật mọi phần tươm tất,
Lính đưa đường cẩn mật, tận tình.
Rồi cho đến ở Nam Ninh,
Cửa nhà rộng rãi quán đình nghiêm trang.

Dù Nam, Bắc, đôi đường chua xót,
Lễ nghi thường chưa chút đơn sai,
Một niềm từ huấn vâng lời,
Tiêu phòng (6) giữ lễ trong ngoài phân minh.

Nhờ thượng quốc đề binh cứu viện,
Muôn dặm xa đưa đến tin vui,
Về Nam cờ quạt rợp trời,
Vườn xưa điện cũ sáng ngời vẻ xuân.

Tiếng đàn, trống muôn phần rộn rã,
Cảnh cỏ hoa thoả dạ lâu nay.
Nào ngờ vạ gió tai bay,
Buồn vui chốc lát đổi thay khôn lường

Trên ngự giá vội vàng ra ải,
Từ vi và cháu dại cùng đi.
Não lòng thay lúc biệt ly,
Bỗng dưng kẻ ở người đi rã rời.

Sang phía tây tìm nơi lẩn tránh,
Cảnh chơ vơ, cô quạnh, đau thương.
Mỵ, Ngu xưa cũng một phường (7),
Ai làm nên nỗi dặm đường gian truân.

Xưa nhà Hạ có lần suy bại,
Một lữ, thành dấy lại cơ đồ.
Giáo gươm thượng quốc giùm cho,
Nằm gai nếm mật vua lo đủ điều.

Ví xã tắc có nhiều người giỏi,
Phận thuyền quyên đâu phải gian nan.
Khoảng năm quí sửu đồn sang,
"Chầu trời" tin ấy bàng hoàng một phen (8).

Nghĩ vì lẽ dân đen mong mỏi,
Nên Tây Sơn kia nói sai ngoa,
Đến khi vận mở nước nhà,
Sứ thần sang, mới biết là không sai.

Ví ngọc nát, về nơi chín suối,
Hương hồn khôn bạn với tiên quân (9).
Mười sáu năm, biết mấy lần,
Rắp theo Tôn muội làm thân chết chìm (10).

Khiến gia thuộc dò tìm mấy độ,
Lên ải quan hỏi rõ nguyên nhân.
Thề sang tới mộ cố quân,
Quyết liều tính mệnh với khăn lụa là.

Sống là khó, xưa đà có biết,
Nào hay đâu muốn chết cũng gay.
Cơ trời sao khéo vần xoay,
Quan trên đã lấy việc này tâu lên.

Cho về nước, vua liền có chỉ,
Tiết Trung thu, Giáp Tý vừa qua.
Vội vàng lên đón linh xa,
Cháo cơm biếng nuốt, mặt hoa võ vàng.

Thuyền đủng đỉnh Lô Giang qua bến,
Kiệu toàn che, rước đến từ đường.
Thần liêu dâng chén quỳnh tương,
Trông lên, trăm họ đôi hàng lệ sa.

Tình khuê phụ thật là khó vẽ,
Rửa nước thơm làm lễ gọi là.
Mở quan, cúi mặt nhìn qua,
Chắp tay vái lạy lệ nhoà hai mi.

Cầm thuốc độc thầm thì từ tạ
Lui vào màn uống cả một hơi,
Trẻ già ai nấy rụng rời,
Triều đình nghe tiếng bồi hồi tiếc thương.

Ban gấm vóc bạc vàng phúng viếng,
Bao vần thơ lên tiếng ngợi khen.
Khen thay! một chết phỉ nguyền,
Thơm tho muôn thuở con thuyền thanh danh,

Kìa khuê các ngọc lành hiếm có,
Sá chi luống mộ vũ triêu vân (11).
Đai vàng nọ đứa nịnh thần,
Một đời ton hót làm thân gian tà.

Kịp đến lúc sơn hà biến đổi,
Trước quân thù quỳ gối, chắp tay.
Lạnh lòng khi đọc thơ này,
Khác nào roi quất, mặt dày mày ê.

Thân khuê các giúp bề Tiết giáo,
Mặt phấn son phụ đạo Cao hình (12).
So thơ Cù, Cát đã đành (13),
Trúc Tương vằn đẹp lưu danh muôn đời (14).

Người xưa làm việc dễ rồi.
Nay làm việc khó không người đó sao? (15) (16).


Ghi chú:

(1) Tức sông Đuống.

(2) Tên một khúc ca trong Cổ nhạc phủ, ca ngợi người con gái đẹp như hoa. ở đây mượn tên đó để chỉ người con gái đẹp.

(3) Điềm con gấu; thơ "Tư can" Kinh Thi nói nằm mộng thấy con bi con hùng (gấu) là điềm sinh con trai.

(4) Chỉ mẹ vua.

(5) Chỉ Trung Quốc.

(6) Phòng ở của cung phi có trát hồ tiêu vào vách cho ấm; đây chỉ vợ vua.

(7) Mỵ Châu, vợ Trọng Thuỷ; Ngu Cơ, vợ Hạng Võ; cả hai người con gái đều chết trong cảnh loạn lạc, rồi Mỵ Châu hoá thành viên ngọc, Ngu Cơ hoá thành cỏ thơm.

(8) Chỉ vào tin Chiêu Thống chết.

(9) Hai câu này ý nói, nếu hoàng phi chết trước di thì hương hồn không được làm bạn với vua Lê, lúc đó thi hài còn ở Trung Quốc.

(10) Tôn muội tức em gái Tôn Quyền và là vợ Lưu Bị đời Tam quốc. Tôn muội bị anh bắt về ở bên Giang Đông; lúc Lưu Bị đánh Giang Đông bị hại, có tin đồn Lưu Bị đã chết, Tôn muội bèn nhảy xuống sông tự tử. Ở đây ý nói hoàn cảnh chưa cho phép Lê Hoàng phi chết được như Tôn muội.

(11) Mộ Vũ Triêu Vân: Chiều mưa sớm mây. Nguyên ở tích Sở Tương Vương đi chơi Vân-mộng, nằm mơ thấy một thần nữ chung chăn gối với mình, khi từ biệt có nói rằng: Nhà thiếp ở phía nam non Vu, sớm làm mây chiều làm mưa... Sau người ta thường dùng chữ "mây mưa" để chỉ việc trai gái giao hoan. Ở đây ý nói không thiết gì đến chuyện ái ân nữa.

(12) Tiết giáo, cao hình là việc giáo dục của ông Tiết và việc hình án của ông Cao Dao; hai ông này đều là những danh thần mẫu mực đời vua Thuấn.

(13) Thơ "Cù mộc" và thơ "Cát đàm" trong Kinh Thi, nội dung đều ca ngợi các bà hậu phi nhà Chu.

(14) Tương truyền vua Thuấn chết ở núi Thương Ngô, hai vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đến viếng, khóc lóc thê thảm, nước mắt thấm vào các khóm trúc ở xung quanh, thành ra các cây trúc có vằn rất đẹp. Tục gọi là "trúc Tương phi" hoặc "trúc Tương". Sau hai bà nhảy xuống sông Tương để chết theo chồng.

(15) Hai câu này ý nói, chết ngay theo chồng như hai bà vợ vua Thuấn xưa đã làm, là một việc dễ; còn chịu đựng đau khổ trong một thời gian dài rồi mới chết theo chồng như bà Lê hoàng phi, là việc khó.

(16) Bài thơ này là do một vị quan văn vào thời Lê mạt (tức đầu đời nhà Tây Sơn) tên là Đồng bình chương sự, Tô phái hầu Nguyễn Huy Túc. Như vậy ông này làm quan tới chức thừa tướng (đồng bình chương sự), tước phong tới hầu (Tô phái hầu).