Cương Nhu Vẹn Tròn Mới Hoàn Mỹ

Thanh Hải Vô Thượng Sư Giảng tại Thiên Sơn, Sa Điền, Hồng Hông Ngày 6 tháng 4 năm 1994 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Liệt Tử có viết một câu chuyện, câu chuyện này liên quan đến Khổng Tử và các đệ tử của ngài. Có một người tên là Tử Hạ hỏi Khổng Tử: "Nhan Hồi là người như thế nào?" Đệ tử của Khổng Tử rất nhiều, có một người tên là Nhan Hồi phải không? (Có người đáp: Vâng.) Khổng Tử nói: "Nhan Hồi nhân từ hơn ta!" Ý nói là so sánh với nhân từ của Khổng Tử, không phải của Sư Phụ! Sư Phụ không có gì cả, người nào cũng nhân từ hơn Sư Phụ! (Sư Phụ và mọi người cười) Tử Hạ tiếp tục hỏi: "Vậy Tử Cống là người như thế nào?" Khổng Tử trả lời: "Tử Cống biện tài hơn ta." Ý nói là hơn Khổng Tử, không phải là hơn Sư Phụ. Sư Phụ không có biện tài nào cả, Sư Phụ không có gì đáng kể; chỉ sợ rằng có những lúc nói "ta", "ta", "ta", quý vị không biết "ta" là ai (mọi người cười).

Tử Hạ tiếp tục hỏi Khổng Tử: "Vậy Tử Lộ thì sao? Tử Lộ là một người như thế nào?" Khổng Tử trả lời: "Tử Lộ dũng khí hơn ta!" Ý nói là lớn hơn Khổng Tử, sợ quý vị ngộ nhận, cho rằng là "Sư Phụ" (mọi người cười). Dũng khí của Sư Phụ rất nhiều (Sư Phụ cười). Nếu có người nào đánh Sư Phụ, thì người ấy sẽ biết dũng khí của Sư Phụ lớn bao nhiêu, bởi vì Sư Phụ sẽ bỏ chạy (Sư Phụ và mọi người cười). Tử Hạ tiếp tục hỏi: "Vậy Tử Trương thì sao? Tử Trương là một người như thế nào?" Khổng Tử đáp lời: "Cái trang nghiêm của Tử Trương nhiều hơn ta." Ý nói là nghiêm túc hơn Khổng Tử, không giống như Sư Phụ, cả ngày cứ cười hoài. Trước khi xuống gặp quý vị, Sư Phụ ở trên sơn động cùng mấy vị đồng tu cười một hồi lâu rồi mới xuống.

Sau đó Tử Hạ mới đứng dậy hỏi Khổng Tử: "Vậy tại sao bốn người ấy lại đến đây học với Ngài?" (Sư Phụ cười) Bốn người ấy đều có những điểm hay hơn Khổng Tử, tại sao lại đến học với Khổng Tử? Khổng Tử liền trả lời: "Anh hãy ngồi xuống!" (Sư Phụ cười) Ông ta đứng dạy khá kích động! "Anh ngồi xuống, tôi sẽ nói cho anh nghe. Anh không biết à? Nhan Hồi biết được nhân, nhưng không biết lúc nào không nên nhân!" Nhân có nghĩa là nhân từ, nhưng không biết lúc cần phải bất nhân. "Tử Cống biết biện bạch, nhưng không biết lúc nào không nên trả lời." Ý nói là làm một người không biết biện bạch, hiểu không? Không phải điều gì cũng biết, cũng biện bạch, như thế người ta sẽ nhức đầu. Nhưng chúng ta cùng nhau nghe xong câu chuyện rồi Sư Phụ mới bình luận, như vậy mới có thứ tự. Hoặc là Sư Phụ đụng đâu bình luận đó thì hay hơn, tùy tiện mà. Sư Phụ không phải là Kim Thánh Thán, cả ngày cứ ghi những câu bình luận ở dưới những bài văn, hoặc Sư Phụ phải bình luận nơi, ở trên, ở dưới, đầu bài, cuối bài, chỗ nào Sư Phụ cũng bình luận.

Khổng Tử tiếp tục nói: "Tử Lộ biết dũng nhưng không biết lúc nào nên sợ." Hiểu không? Không biết lúc nào nên giả vờ sợ hay lúc nào nên biết sợ. Cũng không hẳn là "sợ", ý nói là lúc nào cần phải mềm dẻo. Tử Lộ không biết lúc nào cần phải mềm dẻo. "Tử Trương trang nghiêm, nhưng không biết lúc nào phải thong dong hợp với quần chúng. Nếu đem tất cả những ưu điểm của những người này hợp lại để đổi lấy những chỗ ta chưa hay, ta cũng chẳng muốn trao đổi với họ." Tuy rằng những đệ tử của Khổng Tử rất giỏi, đem tất cả những điểm hay của họ hợp lại, sau đó trao đổi với Khổng Tử những điểm mà Khổng Tử không bằng họ, Khổng Tử nói Ngài cũng không muốn trao đổi. Cho nên bốn người ấy vẫn phải đến bái Khổng Tử làm thầy, họ không có hai lòng, ý nói là không có thối tâm, không ân hận.

Nhân Và Bất Nhân

Câu chuyện này thật hay, quý vị đã đọc qua chưa? Quý vị có cảm thấy tại sao câu chuyện lại như thế, tại sao cần phải biết nhân từ, và cũng cần phải biết có lúc không nhân từ, ai biết không? Người của thế giới chúng ta rất kính trọng những người nhân từ, phải không? Vậy tại sao nơi đây lại nói có lúc cần phải không có lòng nhân từ mới tốt? Có ai biết tại sao không?

Nhân từ có nghĩa là gì? Đó là một người có lòng nhân ái với mọi người, rất khoan dung, đại lượng, rất hiểu biết, là một người dễ tha thứ cho kẻ khác, không oán trách ai, đều dùng tình thương đối đãi với mọi người. Đó là nhân từ. Lúc gặp người ta trong cơn khốn khó thì yêu thương họ, giúp đỡ họ; lúc người ta làm sai thì thông cảm họ, vậy tại sao chúng ta không nên chỉ có loại phẩm chất ấy mà thôi. Tại sao chúng ta không nên lúc nào cũng như thế? Như thế không phải là hay hơn sao? "Cần phải biết lúc nào không nhân từ" ý là thế nào? Ai biết? Nhanh lên (có người đáp: Đó là lúc đối xử với kẻ xấu) (có người khác đáp: Đó là biết cách thương người, và biết cách ghét người. Ghét người là đối đãi với người không nhân từ. Cả hai phẩm chất đều phải có.)

Đúng vậy, cả hai phẩm chất đều phải có, âm dương phải quân bình. Lúc cần nhân thì nhân, lúc cần từ thì từ, lúc không nhân từ thì không nhân từ, như vậy mới tốt.

Trong hoàn cảnh nào cần phải nhân từ và trong hoàn cảnh nào không cần nhân từ? Ví dụ chúng ta có một người bạn, lúc người ấy gặp cơn khốn khó, là một người bạn tốt thì đương nhiên chúng ta cần phải giúp đỡ họ, mang tiền cho họ để họ có thể làm ăn sinh sống, sau đó họ có thể tự lập. Nếu có tiền, họ sẽ trả lại cho chúng ta, nếu họ không trả, chúng ta cũng chẳng để ý đến làm gì. Nếu chúng ta có rất nhiều tiền, bạn bè của chúng ta đến mượn, chúng ta cũng không nề hà gì, hoặc em bạn bè chúng ta, anh chúng ta hoặc bạn bè chúng ta mượn, chúng ta cũng không nỡ từ chối.

Nhưng những người ấy không phải lấy tiền để làm ăn mà lại làm những chuyện xấu như cờ bạc, hút sách, rượu chè, làm những chuyện bậy bạ; sau đó lại muốn lấy thêm tiền của chúng ta, lúc đó chúng ta không thể tiếp tục lòng nhân từ nữa. Nếu như giúp đỡ người ấy thành một người xấu, ỷ lại, không độc lập, chúng ta càng đối đãi với họ bằng cái gọi là nhân từ, chúng ta sẽ càng thương hại đến họ, càng ngày họ càng không có tinh thần độc lập, càng ngày càng không phát triển năng lực của mình, sẽ càng trở nên một người ỷ lại, yếu đuối, một người không có liêm sĩ, không có lương tâm, không có nhân cách của một con người, không đáng làm bạn với chúng ta; như vậy chúng ta sẽ mất đi một người bạn và làm hại đến họ, đời sống của họ càng ngày càng trụy lạc, sẽ không bao giờ vươn mình lên được.

Câu Chuyện Trạng Nguyên Dùng Cách Bất Nhân Giúp Bạn

Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn học, một người học hành khá chăm chỉ nên sau này đỗ trạng nguyên. Người bạn đỗ trạng nguyên này làm quan lớn trong triều đình, sau đó vinh quy về làng. Còn người bạn kia thích ăn uống rượu chè nhiều hơn. Tuy người này cũng có rất nhiều tài, tài hoa của hai người không chênh lệch bao nhiêu, nhưng người này vì lười biếng hơn, không chịu học hành, nên không đỗ trạng nguyên. Người bạn thi dỗ sau khi làm quan, tâm rất tốt, còn nhớ đến người bạn xưa, vì trước đây hai người này là đôi bạn tốt với nhau, ông nghĩ rằng lúc này người bạn của ông chắc đang gặp khó khăn, nên cho người tìm người bạn của ông đến.

Khi người bạn của trạng nguyên đến, ông giả vờ bận rộn ở trong phòng, để cho người bạn ở bên ngoài chờ rất lâu. Lúc người bạn của ông hỏi, ông làm bộ phái một viên quan nhỏ ra tiếp đãi, ăn cơm chung và tặng những món quà rẻ tiền, chẳng khác gì quà cho bộ hạ hay cho những người nghèo khổ, mang những thức ăn thật đạm bạc cho ông ăn, đối xử không chút đàng hoàng. Người bạn này muốn gặp vị trạng nguyên, nhưng vị trạng nguyên lại giả vờ bận việc nói đợi một chút hoặc hẹn ngày mai v.v... Ngày hôm sau người bạn lại đến, vị trạng nguyên lại đối đãi tương tự như vậy, sau đó người bạn nghèo khổ, thi không đỗ trạng nguyên này cảm thấy bất mãn, tức giận, mắc cở. Rồi không thèm đi tìm người bạn đã đỗ trạng nguyên của mình nữa, ông về nhà cảm thấy thật buồn rầu. Ngày nào mặt mày cũng buồn rầu. Đột nhiên trong lúc ông buồn nhất, không muốn sống, không còn muốn làm việc gì nữa, thì ông gặp được một cô gái thật đẹp, thật đẹp, thật thanh nhã, tuy nhiên cách ăn mặc hơi tầm thường.

Cô gái đột nhiên xuất hiện, hai người quen biết nhau. Người con gái khuyến khích ông, hiểu rõ nỗi lòng của ông, biết được hoàn cảnh khó khăn của ông bị bạn bè phản bội v.v... Cô gái nuôi ông, nói với ông rằng: "Không sao cả, anh hãy tiếp tục học hành, tôi biết quay tơ, biết làm thủ công giúp đỡ cho anh. Tôi còn biết cầu Sư Phụ bên trong giúp đỡ cho anh nữa, anh đừng lo!" (Sư Phụ và mọi người cười) Vì thế người đàn ông nọ mới an tâm học hành. Ông đáp lời với cô rằng ông sẽ chuyên tâm học hành, khi đỗ trạng nguyên sẽ cưới cô làm vợ. Người con gái ấy không nói gì chỉ trả lời: "Đến đó rồi hãy tính! Bây giờ anh hãy cố gắng học hành. Đó là chuyện nhỏ, sau này sẽ bàn." Cô gái chỉ nói như vậy, người này muốn có những quan hệ với cô gái nhưng cũng không được, chỉ bảo ông hãy cố gắng học hành, đừng phân tâm đến tình yêu nam nữ, chuyện đó hãy còn xa xôi, đỗ trạng nguyên rồi hãy tính! Cô gái tiếp tục nuôi ông học hành. Lần thi sau đó ông cũng đỗ được trạng nguyên.

Sau khi thi đỗ, người đầu tiên ông muốn gặp là tên trạng nguyên vô lại phản bội và đê tiện nọ, cũng chính là người bạn cũ của ông. Ông liền lập tức đi gặp ông trạng nguyên ấy và ông cũng đem theo rất nhiều bộ hạ của ông đến để người bạn cũ của ông biết rằng giờ đây ông cũng là trạng nguyên! Ông muốn chửi người bạn xấu đó một trận cho hả những gì mà trước đây người này đã đối đãi với ông không tốt như thế nào. Ông muốn tiếp tục chửi mắng, nhưng mới chửi được một nửa thì người bạn ấy liền nói nhỏ với người hầu cận vài lời, người này liền vào trong và dẫn ra một cô gái. Ông trạng nguyên mới liền nhận ra ngay cô gái này chính là người đã nuôi dưỡng ông ăn học trong ba năm qua. Ông hỏi: "Tại sao cô lại ở nơi đây?" Vị trạng nguyên cũ đáp lời: "Cô ấy chính là vợ tôi!" (Sư Phụ cùng mọi người cười)

Nghe hiểu không? Người bạn này đã hy sinh vợ của ông, cho vợ mình qua bên đó nuôi dưỡng người bạn, cổ võ ông học hành, không để cho ông ta trụy lạc, không làm lãng phí một nhân tài, không chôn vùi tài hoa của ông ấy. Người bạn đương nhiên không hiểu được tấm lòng của người bạn trạng nguyên, cứ mãi nghĩ rằng ông ta không tốt cho nên mới khiển trách, chửi mắng báo thù, về sau biết được, ông liền quỳ xuống lạy tạ, cả hai người ôm chầm lấy nhau mà khóc. Đó là cái bất nhân của người quân tử. Có những lúc cái nhân của kẻ tiểu nhân lại làm hại người khác, nhưng cái bất nhân của người quân tử có thể giúp đỡ được rất nhiều người, có thể giúp đỡ cho chính bản thân mình và cho người khác, đó mới là cái nhân thật sự, cho nên có những lúc chúng ta cần phải biết thế nào là bất nhân, có hiểu ý của Sư Phụ không?

Biết Được Cương Nhu Mới Thật Sự Là Người Tốt

Qua câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu được những gì Khổng Tử nói: Biết nhân, có nhân từ, nhưng cũng cần phải biết lúc nào nên bất nhân. Nghĩa là chúng ta cần phải biết sử dụng cương nhu, nếu không, chúng ta sẽ quá chấp nê và bám lấy phẩm chất nhân từ. Nếu chúng ta không buông bỏ được cũng không tốt. Có những lúc cần phải buông xuống! Ví dụ chúng ta có của cải quý giá, khi chiến tranh, chúng ta phải gói ghém những của cải này lại, kim cương, vàng ngọc, đá quý gói thành một gói rồi cất vào người, không bưng ra, đi đâu cũng mang theo, mang đến nơi an toàn mới thôi. Nhưng khi đã đến nơi an toàn thì phải lấy ra hoặc khi gặp bạn bè thân thuộc thì phải đem ra bán, lấy tiền mua thức ăn cho họ ăn; không thể chỉ vì muốn cất dấu của mà không màng đến kẻ khác. Cho nên nhân và bất nhân cần phải biết dùng. Nếu biết dùng thì bất nhân cũng như nhân; nếu không biết ứng dụng, thì nhân trở thành bất nhân, nhân biến thành ác.

Rất nhiều người đã lợi dụng hai chữ Từ Bi, nghĩ rằng một người phải luôn luôn giữ lòng từ bi; từ đầu đến cuối đều từ bi, cả ngày đều chỉ cười ha ha, ai đến cũng đều thiện tai! Thiện tai! (Sư Phụ và mọi người cười) Thế là ngu, Phật gỗ mới làm như vậy, làm người không thể làm như vậy, quân tử phải biết ứng biến, phải biết tiến thoái, cương nhu, như vậy mới thật sự là một người tốt. Cho nên Khổng Tử mới nói như thế này: "Ngài không nhân từ bằng Nhan Hồi, thật như thế, vì có lúc Ngài không nhân từ, có những lúc dường như Ngài buông bỏ nhân từ, đối xử với người không nhân từ, cho nên ngài mới nói Nhan Hồi nhân từ hơn ngài. Rất có thể Nhan Hồi chỉ biết lúc nào cũng nhân từ, không biết lúc nào cần phải nói "không", nói "Không hiểu", hoặc là "Không được" hiểu không? Chuyện gì cũng "Được", "Được", "Được", như vậy không phải là nhân mà là ngu.

Sự Nhân Từ Cao Đẳng Hơn

Cho nên dù Nhan Hồi rất có nhân từ, rất có tình thương, nhưng thiếu sự không có tình thương, không biết lúc nào phải buông bỏ tình thương xuống. Cho nên để có tình thương chân thật, tình thương vĩ đại hơn, ông mới đi theo học với Khổng Tử. Chắc quý vị đã hiểu ý của Sư Phụ rồi? Không phải Khổng Tử không biết thế nào là nhân từ, nhưng Ngài biết sự nhân từ cao đẳng hơn cho nên chúng ta mới nói một người thành đạo họ không phải là người nhân từ, họ không có sự nhân từ như loài người chúng ta nghĩ, hành vi của ngài, việc làm của ngài không giống như chúng ta tưởng tượng trong cái khung của đạo đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hiểu không? Họ đã vượt qua, khi nào họ thấy cần phải bước vào cái khung ấy thì họ bước vào; lúc họ cần phải bay tung ra để giúp đỡ cho nhiều người hơn, để phụng sự lý tưởng vĩ đại hơn, thì họ sẽ tung ra, hiểu không? Họ đến và đi rất tự do tự tại. Đa số chúng ta thì ở bên trong cái khung ấy, không biết làm sao để đi ra, không biết làm sao để trở về. Không hẳn giống nhau, hơi thiếu uyển chuyển cũng giống như đường một chiều, biết đi mà không biết trở về!

Cũng vậy, như Tử Cống, tuy có biện tài, ông hay biện bạch, nhưng ông không biết lúc nào là lúc không nên biện, nên làm một người đơn thuần. Lúc không biết thì nên nói không biết, cũng không nên cái gì cũng biết. Lúc nên biết đều biết, không nên biết cũng không cần biết, không biết cũng có thể nói là "ta không biết", bởi vì những thứ mà chúng ta không cần biết, nếu không biết, chúng ta cũng không chết! Những điều mà Sư Phụ cần biết, cần làm Sư Phụ đều biết; không nên làm, không nên biết, Sư Phụ chẳng màng tới làm gì.

Dù rằng nói biết, nhưng có lúc cũng không biết. Có những người mà quý vị hỏi họ câu nào, họ cũng đều có giải đáp (Sư Phụ cười). Người ta nói không bằng họ, có những lúc người ta mệt quá, không muốn biện bạch nữa, nhưng không phải như thế biểu lộ rằng người ấy biết tất cả, mà người ấy quá hiếu kỳ hiếu thắng, chuyện gì cũng biết, chuyện gì cũng hiểu, làm như thế sẽ có những lúc rất mệt, hiểu không? Sau đó sẽ không hạ mình nổi, quý vị sẽ không thể nào làm một em bé bình thường, đơn thuần, không biết biện luận, ai thắng cũng không sao.

Bình Thường Tức Là Đạo

Hôm nay đọc câu chuyện này Sư Phụ cảm thấy mình được an ủi một chút, bởi vì có những lúc biện luận không lại với người ta, đối phương cứ dùng một mớ kinh điển, một mớ giáo lý, Sư Phụ cũng cảm thấy họ rất có lý (Sư Phụ cùng mọi người cười), sau đó thì Sư Phụ thua, về nhà cảm thấy làm Vô Thượng Sư sao mà mất mặt thế? (Sư Phụ cùng mọi người cười) ồ, sau đó nghĩ lại, ai da! Đâu còn mặt nữa mà sợ mất chỗ nào (Sư Phụ cười). Hôm nay nghe Khổng Tử nói: "Có những lúc nói chuyện cũng phải như ngọng." Ý ngài nói Tử Cống có biện tài vô ngại, biện tài của ông rất hay, nhưng ông không biết lúc nào thì nên ngọng, hiểu không? Cái ngọng của chúng ta có ích lợi gì? Không phải nói chúng ta không nên có biện tài, nhưng chúng ta không nên lúc nào cũng thắng, không nên lúc nào cũng hay hơn, hiểu không? Nếu như có một người lúc nào cũng ta đây, người ta sẽ chịu không nổi! Và chính bản thân họ, họ cũng không chịu nổi lấy mình, hiểu không? Nếu không biết thỉnh thoảng cần phải làm ngọng, không quen làm như thế, lúc nào cũng thắng; vạn nhất có một ngày thua sẽ tự sát mất! Bởi vì không quen, chịu không nổi. Hơn nữa những kẻ như thế chẳng khác gì một khúc cây chết!

Cho nên trên thế giới này không nên quá hoàn mỹ, quý vị có hiểu không? Không quá hoàn mỹ mới thật là hoàn mỹ, ý nghĩa là biết lúc nào tốt, lúc nào nên làm việc gì, lúc nào nên biện bạch, lúc nào không nên biện, mà làm một người câm, điếc cũng được, không sao cả, À! Đó mới thật là tự tại, ung dung, an nhàn. Lúc nào cũng muốn làm một người tốt, danh dự, ai nói gì cũng biện, như thế không tránh khỏi sự chán ngấy, không uyển chuyển và như vậy không vui (Sư Phụ cười). Lúc nào cũng như thế thì đâu có gì vui!

Minh Sư Tùy Hoàn Cảnh Khiêm Tốn Xử Sự

Khổng Tử lại nói Tử Lộ dũng cảm hơn Ngài; nhưng người ấy không biết lúc nào cần phải mềm yếu, sợ sệt. Có những lúc cần phải như thế, thật sự như thế! Lần trước Sư Phụ có kể cho quý vị nghe chuyện ở Phi Luật Tân họ dùng võ lực để khống chế chúng ta, đương nhiên chúng ta cũng có thể gây kích động, người chúng ta cũng đông, nhưng nếu hai bên đều cứng cỏi, đánh nhau, thì kết quả có tốt không? Đương nhiên là không tốt. Thứ nhất, chúng ta là khách, vả lại ở quốc gia của người khác. Thứ hai, chúng ta là những người tu hành; thứ ba là chúng ta muốn đến giúp đỡ, không phải đến đây để làm hoàn cảnh thêm phức tạp, gây ngộ nhận càng sâu thì cả hai bên đều bất lợi, phải không? Cho nên lúc đó nếu Sư Phụ không mềm dẻo, không bỏ đi, không giả bộ sợ hãi trước những vũ lực của họ, không chịu nhường bước thì rất phiền phức! Sẽ tạo nên phức tạp, phiền phức, không chắc sẽ đem được ích lợi gì cho người tỵ nạn Âu Lạc. Nếu chúng ta thắng thì được gì, sau đó thì cũng phải mua vé máy bay ra về! (Sư Phụ cùng mọi người cười) Lại không thể vĩnh viễn ở lại nơi đó, làm việc không nên quá xao động, không nên lấy thành bại mà luận anh hùng.

Cho nên trước đây, những người Trung quốc học võ hoặc những võ sư, thầy giáo đều dạy người ta không nên tùy tiện để lộ võ công ra, mà phải nhẫn nại cho tới khi không được mới thôi, vì phải tự vệ nên mới phản công, không được tùy tiện gây chiến, cũng không được khi người ta gây chiến là ứng chiến ngay để biểu diễn võ công của chính mình, phải không? Không phải là không dũng, không phải là không có võ, nhưng nhẫn được mới thực sự là võ công chân chánh, không đánh người mới cao cường.

Đương nhiên bị ép vào đường cùng thì cần phải phản ứng, nhưng không phải lúc nào cũng để lộ ra để cho người ta biết rằng chúng ta không sợ ai, võ công của chúng ta rất cao, chúng ta rất có tài, có lực lượng. Cho nên ở thế giới này có những lúc minh sư cũng phải tự nhiên tùy hoàn cảnh mà xử sự công việc. Giống như thần thông của Phật Thích Ca Mâu Ni rất nhiều, nhưng lúc người ta thi triển thần thông với Ngài, Ngài cũng không thi triển. Chúa Giê Su Ki Tô cũng có rất nhiều thần thông, nhưng khi nghe nói người ta muốn đóng đinh Ngài, Ngài biết rằng số mạng của Ngài là như thế, cần phải bị đóng đinh mới có thể cứu độ được chúng sanh, Ngài cũng để cho người ta đóng đinh. Không phải Ngài không thể chạy được, Ngài cũng có thể chạy, đừng nói chi đến việc dùng thần thông! Bởi vì đệ tử của Ngài rất nhiều, Ngài đã tiên tri thời gian của Ngài đã đến rồi, không phải là Ngài không biết, Ngài cũng có thể chạy chứ đùng nói chi đến việc dùng thần thông.