-
Út Liên - Trần Thùy Mai
Út Liên
Trần Thùy Mai
Tôi gặp Út Liên ở ngã tư cuối đường Serangoon. Hai đứa kinh hoàng nhìn nhau, sững người ra. Ở Singapore này mà nói chuyện tình cờ gặp người quen ngoài đường, thật khó hơn thấy Tiên thấy Phật. Vậy mà ai ngờ được, biển rộng thế mà đã từng có hai chiếc tàu thủy đâm sầm vào nhau, trời rộng thế mà cũng đã từng có hai chiếc máy bay đâm thẳng vào nhau. Tôi với Út Liên bây giờ cũng thế.
Trong gian hàng giải khát của siêu thị Mustafa, tôi vừa mút kem vừa nhìn khuôn mặt Út Liên trong mớ tóc mì ốc. Mớ tóc thì xa lạ, nhưng đôi má bầu bầu như chiếc bánh sữa trên dĩa thì vẫn thế. Thật ra, hồi thím Hoa mới dẫn Út từ ngoài làng vào, đôi má ấy còn mỏng tanh và xanh rớt như hai chiếc lá. Út sợ sệt, cứ nép người vào một góc. Đến bữa cơm, mẹ tôi bảo: “Ở nhà người ta, người giúp việc phải ăn sau. Nhà dì thì khác. Cho phép cháu ăn cùng một lúc”. Út lí nhí: “Dạ”. Xới cơm xong, Út bưng chén lui ra ngồi chò hỏ ở một góc nhà. Cả nhà tôi cười ồ, tôi phải cầm tay nó lôi lên, bắt ngồi vào ghế. Cảm giác khi chạm vào tay con bé, đến giờ tôi còn nhớ: Da cánh tay nó sần lên, lục cục những chấm li ti. Tôi không nín được, buột miệng: “Ở ngoài đó ăn cái chi mà da sần như da cóc?”. Út ngượng nghịu cười, trả lời ngô nghê: “Ăn cơm, ăn khoai”.
Sau này khi đi học xa nhà, tôi mới hiểu về chứng á sừng của Út hồi ấy. Giá tiêu dùng ở Sing cao, hàng hóa lại nhiều và hấp dẫn. Số tiền đem theo, tôi phóng tay mua sạch một số thứ. Ba tháng cuối học kỳ, tôi buộc lòng phải thắt lưng buộc bụng. Hè đến, đón con về, mẹ tôi hết hồn vì thấy chân tôi nổi lên những cục chai to tướng, mỗi lần bước cứ phải nghiêng hông đi cà nhắc. Bác sĩ bảo tôi: “Hậu quả của suy dinh dưỡng”. Mấy bà bạn của mẹ tới thăm thấy tôi buộc băng trắng ở chân (vừa phải cắt bỏ mấy cục chai tội nợ), hỏi: “Nghe ở Sing y tế tốt lắm, sao cháu không chữa bên ấy, lại chờ về đây mới chữa?". Tôi chỉ biết cười trừ.
Gia đình tôi không giàu có gì, cũng có chiếc Jupiter, có ngôi nhà hai tầng, nhưng chỉ bề mặt thế thôi, chi tiêu cũng cẩn thận lắm. Hồi ấy, nuôi Út Liên là vì bà nội tôi ốm đau. Mức sống của một gia đình tầm tầm ở phố cũng đủ thaỵ đổi Út Liên mau chóng: 10 ngày hết tật nói lí nhí trong miệng, 20 ngày hết xanh xao, 30 ngày thì những nốt á sừng trên da thịt bay hết, da dẻ láng mịn, thân thể phổng phao. Mẹ tôi đắc chí: “Đứa nào vào ở cái nhà này là có phước lắm. Đi ở mà sướng gấp 10 lần ở nhà cha mẹ”. Út Liên ở nhà tôi hơn 5 năm, từ khi bà nội tôi bắt đầu nằm bệnh cho đến lúc bà qua đời. Năm nào cũng vậy, cứ hết 3 ngày Tết, cha Út Liên đã lên xin mượn trước tiền ở của con. Năm năm, Út Liên về, chẳng có chút vốn liếng gì ngoài nước da thành phố.
“Cũng nhờ nước da mà em được cô Ba giới thiệu qua đây”. Út Liên nói với tôi. Tôi thắc mắc: “Mà em qua đây làm gì, bây giờ ở đâu?”. Út Liên cười, mắt nhìn lảng sang bên: “Em sang lấy chồng”. Tôi ngẩn ngơ một lúc. Trong tâm trí tôi, lúc nào Út cũng còn nhỏ lắm. “Lấy ai?”. “Chưa biết lấy ai. Cũng có mấy ông hỏi nhưng em còn tính đợi xem có ai đường được một chút. Qua đây 5 đứa, thuê chung một nhà, khi nào có ai muốn xem mặt thì bà Chang gọi điện rồi đến đón đi. Ngày thường thì tự do”. Tôi buột miệng hỏi: “Bà ấy không sợ em trốn đi sao?”. Út Liên lắc đầu. Tôi hiểu. Những cô gái từ Việt Nam sang cũng như những con bồ câu tìm tổ, làm gì có đủ sức để bay xa.
*
Út Liên đến thăm tôi vào một buổi trưa chủ nhật. Nghe Út gọi điện, tôi phải xuống đón, vì cầu thang máy ở ký túc xá chỉ ai có thẻ từ mới dùng được. Út Liên bảo: “Chỗ anh ở đẹp quá”. Phòng tôi rộng, có giá sách gọn ghẽ, có chiếc giường con xinh xắn và chiếc bàn học nhìn ra cửa sổ. Út Liên đến bên cửa, hít mạnh, dưới kia là cả khu sinh viên, trông giống như một khu phố gọn gàng, ngăn nắp. “Thích quá, ở đây nhìn ra cửa sổ thích ghê vì không có chấn song”. Liên thấy ảnh Annie trên bàn tôi. Annie mặc áo hở vai, tóc nhuộm vàng, cười nheo một mắt. Tôi bảo: “Bạn thân thôi, không có gì”. Út Liên có vẻ nghi ngờ: “Bạn thân mà ảnh để ngay trước mặt thế này?”. Tôi cười không nói. Út Liên dọa tôi: “Anh ưa con gái tóc vàng, đem về tới cổng là cô đuổi liền đó”.
Út Liên ở nhà tôi 5 năm, biết tính mẹ tôi. Chưa bao giờ mẹ tôi nhường ai cả. Sáng nào ba tôi cũng dắt xe xuống thềm cho mẹ. Có lần, ba tôi cảm hoài: “Con Út Liên đi mua tô bún về, em còn nói cảm ơn. Còn anh chưa bao giờ được như nó”. Mẹ tôi bảo: “Vậy à, thôi để mai em tự dắt xe lấy”. Tính mẹ ương ngạnh, muốn ba tôi đã không được cảm ơn mà còn không được dắt xe nữa. Bà nội mất rồi, 2 năm sau ba tôi cũng rời nhà đi ở nơi khác, mẹ vẫn tính tình như thế, không thay đổi. Tôi đi học xa rồi, mẹ vẫn liên tục gửi lệnh qua: “Liệu mà học. Có chuyện léng phéng, mẹ từ ngay. Vĩnh viễn không có chuyện lấy vợ ngoại quốc”. Tôi nhăn như ăn phải ớt. Mẹ cứ làm như con gái nước ngoài thích lấy chồng Việt Nam lắm ấy. Còn lâu lắm!
“Em thấy cô ấy có đẹp không?”. “Đẹp”, “Không những đẹp mà rất thông minh. Chủ nhiệm phim của anh đó”. “Sao lại chủ nhiệm phim? Anh đi học chứ đâu có đi đóng phim”. Tôi giải thích cho Út hiểu, cả năm học, sinh viên bận rộn lắm, đến kỳ nghỉ cuối năm mới họp lại vui chơi. Nhóm chúng tôi có 4 Việt, 3 Tàu, 1 Malaysia và 1 Sing. Annie bây giờ đang rủ cả nhóm làm phim để chiếu trong dịp Tết cho nhau xem, tất nhiên là chiếu trên computer thôi. Tụi tôi có máy quay phim cỡ trung bình, phim trường là Trường NUS với bao nhiêu là phòng, hành lang, bãi cỏ, lùm cây bát ngát. Annie đã bảo tôi sẽ là tài tử chính, đóng vai: “Lady Killer” - Sát thủ đàn bà, Út Liên nghe tôi kể, băn khoăn: “Tết, anh không về nhà, không buồn à?”. “Anh mới về bữa hè mà!”. “Tết xa nhà, buồn chết”. Tôi bảo: “Đây không phải là bên Tây. Đây người Sing cũng có Chinese Tết. Chẳng lo lạc loài. Bạn bè thiếu gì”.
Út Liên lặng thinh, mắt nhìn tôi ngỡ ngàng. Tôi chợt nhớ những năm xưa, Tết không về nhà, Út cứ ngồi rầu rầu ngó mông lung ngoài xa. Hồi đó tụi tôi còn nhỏ. Thấy Út buồn, tôi gói một gói mứt dâu tây, đem xuống nhà dưới cho Út. Mấy hôm sau, sáng sớm dậy, tôi nghe tiếng mẹ dưới nhà: “Út, sao con lấy mứt dâu tây. Cô đã dặn rồi, mấy món đặc biệt này là đừng động đến”. Một lát sau tôi nghe tiếng khóc sụt sịt. Tiếng mẹ: “Ta nói tử tế, có quát nạt dữ dằn chi mà mi phải khóc?". Không thấy Út phân trần gì. Tôi hiểu, nó khóc vì cảm thấy trong ngày Tết, nơi này không phải nơi dành cho nó. Mẹ lên lầu, tôi bảo: “Sang năm, đến Tết, mẹ cho nó về đi”. Mẹ tôi thở hắt ra: “Tết, khách khứa nhiều. Ai rửa dọn cho. Đi ở thì phải chịu phần đi ở, sao lại đòi như người ta được. Vớ vẩn!”.
Sau Tết, Út về quê lên, đem nước mắm ngon cho mẹ. Buổi chiều, Út vào phòng tôi. “Chi vậy Út?”. “Cho anh đây nè”. Út đưa cho tôi cái tổ nhỏ đan hình chiếc giỏ xinh xinh, có hai con chim non đang kêu chiêm chiếp. Tôi thích quá. “Chim rột rột, nó hót hay lắm anh. Ăn được rồi”. “Làm sao cho nó ăn hở Út?”. “Để Út nhai cơm, mớm cho nó”. Út cúi gần, tôi nghe tóc Út thoang thoảng mùi thơm dìu dịu. Chắc là Út về quê, gội đầu bằng bông bưởi?
Ý tưởng lan man của tôi không được mấy hôm đã bị xua tan không thương tiếc, khi mẹ tôi gọi Út lên mắng cho một trận rồi trả lương và cho về ngay tức tốc. “Đứa nào cũng chỉ ngoan được một dạo rồi bắt đầu sanh tâm, trở chứng. Dám lấy dầu gội đầu Enchanteur của mẹ mà xài, không đuổi đi cho mau thì để làm gì?”. Tôi lặng ngẫm nghĩ. Một đứa con gái 16 tuổi, lẽ nào không thích thơm, thích đẹp. Nhưng Út vốn thật thà, sao hôm nay lại dở chứng điên rồ như thế? Mà biết nói sao bây giờ, đằng nào Út cũng đi rồi. Còn lại hai con chim nhỏ, tôi nuôi mớm vụng về được mấy hôm, cũng lăn đùng ra chết.
*
Chiều cuối năm sau buổi đóng phim, tôi đưa Annie về block của tôi. Cứ 8 phòng ở lại có chung một gian phòng ăn rộng. Annie thường về đó ăn trưa với tôi và Lân, thằng bạn cạnh phòng. Tôi chưa bao giờ dám mời Annie vào phòng mình. Annie có vẻ tò mò vì sự thận trọng của tôi. Vì tôi chưa bao giờ ngỏ lời tán tỉnh, mặc dù hai đứa càng ngày càng thân thiết. Annie thích tôi và tôi cũng vậy. Chúng tôi thỉnh thoảng bẹo tai bẹo má nhau, hình như những cái va chạm rụt rè của tôi kích thích lòng hiếu thắng của cô bé. Nhưng chưa bao giờ tôi đi xa hơn. Lân hỏi tôi: “Sợ à?”. Tôi đỏ cả hai tai. “Mình còn phải học”. Lân phá ra cười: “Bao giờ thì học xong? Năm mươi, sáu mươi hay bảy mươi? Nói thẳng cho rồi, sợ đốn rồi không vác nổi phải không?”.
Chúng tôi mua cơm và xà lách, thịt gà ở căng-tin. Đang ăn thì điện thoại di động trong tủ tôi reo. Út Liên tới. Tôi xuống đón Út. Út đứng chờ, tay xách cái giỏ nhỏ. Đồ ăn nấu sẵn, trà và bánh ngọt, Út bới đến cho tôi. “Tiền đâu mà bày đặt mua sắm vậy?”. Tôi cự nự. Út cười: “Em cũng đi làm chứ, bà Chang môi giới cho bọn em lau chùi nhà và kính cửa ở công ty”. Tôi hơi lúng túng không biết giới thiệu Út thế nào trước mặt Annie. Bốn chúng tôi ngồi ăn. Annie nhìn Út mỉm cười. Út thì rụt rè, có vẻ như chói mắt vì vẻ tươi tắn rực rỡ của Annie trong chiếc quần trễ và chiếc áo hở vai. Còn Lân thì chú mục nhìn Út Liên. Khi Út ăn, cái lúm đồng tiền nhỏ hiện lên trên đôi má bầu bầu rám nắng.
Bất chợt Lân bảo tôi: “Hôm qua báo đưa tin, bà Michelle Chang bị mấy hội từ thiện ở đây lên án vì cái tội đưa 3 cô gái Việt Nam ra chưng tại lồng kính ở Trung tâm Mua sắm Fulushou. Y hệt như chợ người Ả Rập ngày xưa”. Tôi cau mày hỏi Út: “Em có bị chưng như vậy không?”. Út thật thà: “Đâu có. Em cũng thích được lên đó lắm, nhưng bà Chang chỉ chọn có 3 người đi thôi. Tụi em qua đây đã lâu rồi, cũng trông sớm tìm được chồng cho yên phận”. Tôi hơi ngượng vì mấy lời thổ lộ chất phác của Út. Bị đem ra chưng như hàng hóa đã là tủi, mà lại còn phải tranh nhau, có người muốn chưng cũng không được. Lân không hiểu tâm trạng của tôi, cứ tồ tồ dịch lại tiếng Anh cho Annie nghe. Annie cau mày gật gật đầu, vẻ ngạc nhiên trên mắt cô bé làm tai tôi càng đỏ. Tôi nói tiếng Việt với Lân: “Thôi mày. Hay ho gì mà công bố ra cho thiên hạ biết”. Út khựng lại, nhìn tôi, nhìn Lân, nhìn Annie... Tội nghiệp, Út thất học chứ đâu có đần.
*
Annie bảo tôi: “Sao Wu lại cho em Wu sang đây lấy chồng, lấy chồng mà chẳng biết trước mặt mũi chồng thế nào, có ghê không?”. Annie gọi tôi là Wu mặc dù tôi nhiều lần tập cho cô bé đọc tên tôi “Vũ”. Chữ Vũ khó quá, Annie không đọc nổi. Tôi bảo Annie: “Không phải em. Người giúp việc”. Nói xong bỗng lòng tôi se lại. Sao vậy, mình sợ xấu lây với Út à. Vậy mà hồi Út cho mình cái tổ chim mình đã nghĩ từ nay mình với Út là anh em. Annie bảo tôi: “Mình chịu, không hiểu đàn ông nước mình có gì đáng mê. Như mình, thì không bao giờ”. Tôi bảo: “Không thích đàn ông Sing thì thích nước nào?". "Chẳng thích nước nào cả. Sống độc thân là thú vị nhất”. Tôi cười, thế thì đúng rồi, khi các cô đều thích sống độc thân, các chàng còn cách gì hơn là lấy vợ nhập khẩu.
Tôi tìm vất vả lắm mới ra chỗ Út ở. Một phòng trọ 5 người trong khu chung cư giá rẻ. Bên ngoài, là những hành lang sạch sẽ ngăn nắp. Bên trong, vẫn là cảnh sống của người bình dân ở quê nhà, vẫn vẻ luộm thuộm cố hữu, dù quần jeans, áo thun phơi ngổn ngang kia là những món đối với Út đã cao cấp lắm rồi. Út thấy tôi, vẻ mặt sáng lên vì mừng. “Trời đất, anh Vũ giỏi ghê”. “Giỏi gì, anh sắp tắt hơi đây. Đi mấy tuyến xe điện ngầm mới tới”. Mấy cô bạn Út xúm lại, hỏi chuyện râm ran. Từ lúc sang Sing đến giờ tôi mới nghe lại tiếng một đám đông người Việt Nam nói ríu ran như thế. Út lấy cho tôi một gói:
- Cho anh Vũ nè.
- Chi vậy?
- Có thứ kẹo ni, em mua trong chợ, giống mè xửng bên mình lắm.
- Nhưng mà ngon hơn phải không?
- Không, mè xửng của mình ngon hơn.
Bỗng nhiên Út buồn rượi. “Sao vậy em?" - tôi hỏi. “Anh Vũ ơi, em sắp làm đám cưới rồi đó, anh có mừng cho em không?”.
- Anh mừng, nhưng bao giờ cưới, anh đi ăn cưới em nhé?
Út lắc đầu: “Thôi, chắc là chẳng bày vẽ gì nhiều... Bà Chang nói ở đây ai cũng bận rộn, thời giờ quý lắm...”.
Tôi trêu Út: “Tìm chồng chưa ra thì lo, bây giờ tìm được rồi thì khóc. Sao kỳ vậy?”. Út lau mắt, cười: “Mừng quá mà khóc đó anh. Nửa năm rồi, đã lỡ qua đây, lấy được chồng là mừng, không lấy được, mặt mũi nào mà quay về?”.
- Em thích thì lấy, không thích thì cứ quay về, có chết đâu mà lo.
- Có đâu mà dễ vậy anh... Xa quê thì nhớ đó, nhưng ở quê mà cả đời thua thiệt thì ở làm chi ? Em nghĩ kỹ rồi, em chỉ thích giàu thôi, không giàu thì em không gặp lại anh đâu.
Tôi giật mình. Cả đời Út nhu mì, nay là lần đầu tiên tôi nghe từ miệng Út cái giọng ăn thua đó. “Em nói gì vậy, Út?.
- Em biết. Em làm anh xấu hổ với chị An ni... Em...
Út nghẹn. Tôi cuống lên. Lẽ nào vì chuyện nhỏ ấy mà Út vội chọn chồng? Không phải đâu... Tôi cầm tay Út, an ủi, chúc mừng, dặn dò... Tôi biết dặn dò gì Út đây, tôi, một chàng trai hăm ba tuổi lơ ngơ, đã biết thế nào là vợ chồng, đôi lứa. Khổ nỗi ở chốn đất khách quê người này, Út còn có ai là thân thuộc, ngoài tôi...
*
Không biết Út làm đám cưới ở đâu, nhưng tôi biết ngày 20-9 là ngày cưới em. Hôm ấy nhằm ngày chủ nhật. Như lệ thường đầu tuần, tôi giở báo ra xem. Bức ảnh quảng cáo của một công ty môi giới hôn nhân đập vào mắt tôi. Trong hình là Út Liên mặc váy cưới đứng cạnh người chồng xa lạ. Một người đàn ông có cái bụng phệ và vầng trán hói. Những dòng chữ vui nhộn được phóng lớn dàn ngay trên đầu cặp tân hôn: “Too fat, too old, no money, no house...”. Quá béo, quá già, không tiền, không nhà vẫn cưới được vợ Việt Nam. Tôi lặng người: Út của tôi chưa học được tới 10 câu tiếng Anh. Dòng chữ này, chắc em chưa đọc được?
Chuông điện thoại reo. Annie gọi tôi, bảo rằng vừa kiểm lại cuốn phim lần cuối, rằng tôi đóng vai sát thủ đàn bà rất đạt, rằng tôi có muốn đi ăn tối với Annie không. Tôi không trả lời, nước mắt cay xè, vội tắt máy để Annie không phải nghe tôi khóc
Trần Thùy Mai.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks