CHÀNG TRAI CÓ TẤM LÒNG VÀNG

Một buổi sáng, tại khu Brúc-lin ( Brooklyn ) của thành phố Niu Yoóc ( New York ), có một cụ già ngã quỵ bên vệ đường, bất tỉnh nhân sự. Cụ được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Khi hồi tỉnh, biết mình không sống được bao lâu nữa, cụ tha thiết mong được gặp mặt người con trai độc nhất là lính thủy, hiện đang đóng quân tại tiểu bang Bắc Kê-rô-lai-na ( North Carolina ), Hoa-kỳ.
Cô y tá trực tiếp chăm sóc cụ già vội điện thoại ngay cho Hội Chữ Thập Đỏ ở Brúc-lin. Hội lại đánh điện tín khẩn cho đơn vị hải quân ở Bắc Kê-rô-lai-na. Đơn vị này liền cho một phi cơ tốc hành mang chàng trai về cho kịp gặp mặt người cha già trước phút lâm phút lâm chung.

Về đến bệnh viện, chàng trai được cô y tá đưa ngay đến bên giường cụ già. Chàng xúc động quá, nhìn sững người bệnh mà không nói nên lời. Cô y tá lay nhẹ để đánh thức cụ già và báo tin con trai cụ đã về. Thế nhưng cụ già mắt đã gần như lòa, chỉ còn biết đưa bàn tay phải run run nắm lấy và cố gắng xiết nhẹ bàn tay cứng cáp của chàng thanh niên một cách thiết tha. Những cảm nhận yêu thương chan chứa như truyền từ tay chàng trai qua cụ già, một bên là lòng hiếu thảo thủy chung, một bên là tình phụ tử đậm đà huyết nhục. Không còn nói được, dù là thì thào, cụ già mãn nguyện nằm yên, hai mắt nhắm nghiền như cố gắng sống thoi thóp càng lâu càng tốt bên cạnh người con yêu dấu.

Cứ thế, chàng trai vốn đã quá căng thẳng tinh thần và mệt nhọc về thể xác sau một chuyến đi dài vội vã, lại chưa kịp ăn uống chút gì lót dạ, anh vẫn cố gượng ngồi đó qua suốt cả một đêm dài đằng đặc của bệnh viện, tay vẫn nắm chặt lấy bàn tay cụ già đáng thương...

Trời tảng sáng, chàng trai mới đặt bàn tay cụ già xuống và chạy đi báo tin cho cô y tá biết là cụ già đã qua đời. Sau khi làm xong các thủ tục bệnh viện dành cho người chết, cô y tá trở về phòng trực, lòng xót xa thay cho chàng trai hiếu thảo. Cô pha một tách cà phê và dọn phần bánh mì nhỏ bé của mình đem ra cho chàng trai lúc này đã lả đi vì mệt và đói. Cô ngỏ lời chia buồn, nhưng anh ta ngắt lời cô với một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ: “Cô ơi, cụ già ấy là ai vậy ?”

Quá sửng sốt, cô y tá buột miệng hỏi lại: “Ơ hay, thế chẳng phải đó là ông cụ thân sinh của anh đó sao ?”. Anh lính thủy chậm rãi trả lời: “Không cô ạ, tôi chưa bao giờ biết cụ là ai !”. Cô y tá càng ngạc nhiên: “Thế sao anh lại không nói gì khi tôi dắt anh đến gặp cụ ?”

Đến đây chàng trai trầm ngâm trong giây lát rồi mới từ từ thuật lại đầu đuôi sự thể: “Tôi cũng còn một người cha đã già yếu, khi nghe đơn vị báo, tôi lên đường về ngay, lòng vẫn nơm nớp lo sợ không còn kịp nhìn mặt bố mình. Thế nhưng khi về đây, đến bên giường bệnh, nhìn cụ già là tôi biết ngay người ta đã lầm tôi với một người lính nào khác là con trai thật của cụ. Trong giờ phút nguy kịch ấy, tôi biết sẽ không thể nào lại đi tìm cho ra đúng con trai của cụ về kịp nữa. Chúng ta không nên bắt cụ phải thất vọng và mòn mỏi chờ đợi thêm một lần nữa, cụ sẽ chết mà không xuôi tay nhắm mắt. Cũng may là cụ đã quá yếu, không nhìn không nghe được rõ nữa, tôi đành phải đóng vai con trai cụ để nói những lời an ủi. Vàỉ hình như cu đã tin thật rằng con trai mình đã về thật, đang ở bên mình thật, để cụ có thể mãn nguyện lìa đời...”

Mãi mấy ngày sau, người ta mới tìm được người con ruột của cụ về đưa đám tang. Thì ra anh ta cũng đang đóng quân tại Bắc Kê-rô-lai-na, lại trùng tên với chàng thanh niên có tấm lòng quý báu hơn vàng kia...